What's new

[Chia sẻ] An Giang - Bức tranh quê giản dị

Nếu có một nơi nào đó trên khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà tôi đã qua, gây cho tôi một thứ cảm xúc thân thuộc hết sức đặc biệt, thì đó ắt hẳn chính là An Giang, vùng đất hồn hậu của những ngọn thốt nốt cao chót vót, của những cánh đồng lúa vàng rực rỡ vào mùa thu hoạch, của những đôi mắt trẻ thơ đen láy những ước mơ, của những tấm lòng bạn bè nhiệt tình và chân thành nồng hậu...

Với hơn 2.2 triệu người (2007), An Giang được xem là tỉnh có dân số đông nhất ĐBSCL hiện nay. Là một phần của vùng Tứ giác Long Xuyên, hàng năm An Giang hiển nhiên là một trong những tỉnh miền Tây chịu sự ảnh hưởng rất lớn của nước lũ đổ về. Vùng đất hào sảng đặc trưng miền Tây này còn chứa đựng trong lòng nó một nền văn hóa Óc Eo độc đáo, là cơ sở để tìm hiểu về một vương quốc Phù Nam đã từng rực rỡ trong quá khứ.

Tôi đến An Giang vào những ngày mưa tầm tã, vì những lời rủ rê nhiệt tình và chân thành của bạn bè, vì những bức ảnh tuyệt đẹp về những cánh đồng vàng ươm mùa thu hoạch, và vì sự quyến rũ ngọt ngào của hương thốt nốt thơm nồng...

Và An Giang hiện ra, giản dị và rực rỡ, hào sảng và nhiệt thành, hơn cả những gì tôi mong đợi...
 
Chuyến xe Phương Trang khởi hành từ bến xe Miền Tây (Sài Gòn) mất hơn 5h đồng hồ để đưa tôi về Long Xuyên, thành phố tỉnh lị của An Giang. Long Xuyên chào đón chúng tôi bằng sự tĩnh lặng của màn đêm đô thị, bằng những ánh đèn đường vàng vọt chiếu vào những góc phố không người, trong một không gian yên ắng và lành lạnh. Luôn luôn có cái cảm giác thích thú vì sự tĩnh mịch của trời đêm ở những con phố nho nhỏ, lặng lẽ và thanh thản, không nhuốm "cái mùi" Sài Gòn trong không khí...

Chiếc xe trung chuyển chật người lại đưa chúng tôi về nhà một người bạn nhiệt tình, nghỉ ngơi đôi chút, để lấy sức sáng sớm ngày hôm sau tiếp tục cuộc hành trình, tìm những bức tranh giản dị nhưng đầy màu sắc của một miền quê ruột thịt...

1. Bức họa đồng quê...

NDP_3431_resize.jpg


...
 
An Giang vào mùa mưa, và chúng tôi đều chuẩn bị tâm lý đón những trận mưa tầm tã giữa hè. Tuy nhiên, có một sự may mắn nào đó, vì vùng đất tuyệt vời này đón chúng tôi bằng màu trời xanh ngọc bích, bằng những cụm mây trắng vờn quanh những dãy núi cao vời vợi, bằng ánh nắng chói chang vàng ruộm những cánh đồng bát ngát...

Từ Long Xuyên, chúng tôi chạy về Tri Tôn, hướng về những cánh đồng lúa với một màu vàng ruộm mùa thu hoạch và lác đác xanh ngát lúa trổ đòng. Vi vu trên những con đường thênh thang, phơi phới với mây trời mênh mông và những cánh đồng, lại càng thấy yêu quê hương tươi đẹp hơn.

Điểm đến đầu tiên là cánh đồng Tà Pạ (cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km). Nhìn từ trên cao, Tà Pạ như một tấm thảm xanh ngút ngàn màu lúa non, lác đác điểm tô bằng những ngọn thốt nốt cao vút. Thời diểm chúng tôi đến, Tà Pạ đã qua mùa thu hoạch, và người dân ở đây cũng đã cấy xong vụ mới. Mạ non xanh ngát, tuy nhiên vì quá mới nên chưa xanh đều, chưa bắt mắt...

Ở An Giang nói riêng, và miền Tây nói chung có một thông lệ khá đặc biệt về việc trồng lúa, cũng được xem là một nét văn hóa đặc sắc của nên nông nghiệp lúa nước có từ lâu đời. Đó là tập quán "làm ruộng vần công", mỗi khi cày cấy thường tập hợp cùng nhau làm hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Chính vì người nông dân Khmer vẫn còn giữ tập quán đó, mà những cánh đồng ở Tà Pạ mang một sắc thái lạ lùng. Gần đến mùa thu hoạch, cánh đồng sẽ chuyển thành nhiều mảng màu rực rỡ: màu xanh mượt màu của lúa đang ngậm đồng, màu vàng nhạt của lúa vừa trổ hạt, màu vàng tươi rạng rỡ của lúa sắp vào vụ gặt, màu vàng đậm trĩu hạt của những khoảnh ruộng đang mùa thu hoạch, và cả màu nâu sạm loang lổ của gốc rạ lởm chởm, chơ vơ...

2. Màu mạ non xanh mướt mắt...

NDP_3132_resize.jpg


...

3. Toàn cảnh cánh đồng Tà Pạ trong nắng sáng.

NDP_3130_resize.jpg


...


 
Về thăm An Giang lần này, không thể nào quên được những sự quan tâm nhiệt tình của bạn An (Long Xuyên) và anh Huỳnh Phúc Hậu (Châu Đốc). Chuyến đi này cũng hết sức ngẫu hứng, khi nghe An nhắn tin rằng "lúa Tri Tôn đang vào vụ gặt", tôi lật đật hủy ngay kế hoạch đi Bảo Lộc đón sương mù và quay về lại Miền Tây. Long Xuyên không phải là thành phố du lịch, nên việc liên hệ thuê xe máy đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của An. Hì hì, nhớ buổi sáng 2 đứa chạy ra ngõ năn nỉ ỉ ôi mấy bác xe ôm để thuê cho đủ xe. Vụ này chắc khó quên được... ^^

Cách đây cũng khá lâu, khi chưa bước vào con đường gian nan và không kém phần lý thú là nhiếp ảnh, khi đó, tôi cũng đã biết anh Hậu qua một số bức ảnh về chủ đề mùa nước lũ ở miền Tây. Thực sự rất ấn tượng bởi góc nhìn giản dị và hào sảng qua ống kính của anh Hậu. Trước đó, cũng có trao đổi với anh một số thông tin về Nam Du và quyết định lần về An Giang này sẽ nhờ anh hướng dẫn một số địa điểm và các góc đẹp để chụp ảnh. Chắc sẽ nhớ An Giang nhiều vì tấm lòng bạn bè và vì sự nhiệt tình của người An Giang lắm lắm... ^^

Xin quay lại với Tà Pạ, từ trên nhìn xuống, cánh đồng Tà Pạ tuy chưa mượt mà và nhiều màu sắc, nhưng cũng đủ làm say lòng khách lãng du, nhất là những ai mê nhìn cuộc sống qua con mắt của máy ảnh. Núi Tà Pạ, theo lời anh Hậu, một ngọn núi đá hoa cương đã từng bị khai thác một cách ồ ạt và triệt để nên một phần ngọn núi trở thành lởm chởm với nhiều hình thù độc đáo khác nhau. Chính vì bị đào bới quá nhiều, nên dần tạo thành một số hồ nước nhỏ, soi bóng các mỏm đá hoa cương, tạo thành một bức tranh sơn thủy hết sức kỳ vĩ.


4. Thốt nốt, một trong những loại cây đặc trưng của đất An Giang...

NDP_3139_resize.jpg


...

5. Ra đồng sớm...

NDP_3140_resize.jpg


...

6. Một góc khác của Tà Pạ...

NDP_3185_resize.jpg


...

7. Bức tranh sơn thủy độc đáo...

NDP_3196_resize.jpg


...


 
Rời Tà Pạ, với một sự tiếc nuối vì cánh đồng mạ non còn chưa xanh mượt, và hứa hẹn chắc chắn rằng sẽ quay lại vào một mùa vàng gần đây, chúng tôi lại lang thang trên những con đường nắng chói chang và mây trời vẫn còn lãng đãng ngay trên đầu...

Ngang qua những cánh đồng bao la xanh mượt, tôi gặp lại một thời tuổi thơ qua chùm trâm tím rịm và chín mộng. Đứng dưới tán rộng sum suê của những cây trâm, xung quanh là những cánh đồng xanh biếc một màu, và trong đầu tự dưng vang lên một khúc đồng dao thời con nít...

Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái...


Đã qua rồi, cái thời nắng cháy đầu chạy giỡn giữa sân trưa, thời còn cằm giàn ná bắn mấy con se sẻ đang líu lo trong vòm cây, cái thời còn tranh nhau cắn miếng bần chát miệng... Nhớ quá, một thời giản dị, một thời tươi đẹp, lung linh như ánh nắng trưa xuyên qua kẽ lá...


8. Đồng xanh và những cây trâm...

NDP_3213_resize.jpg


...

9. Tim tím một thời con nít...

NDP_3234_resize.jpg


...

 
Bức họa đồng quê tất nhiên sẽ kém vui, thiếu sinh động nếu không có hình ảnh chân chất của người An Giang. Hơn 2.2 triệu người, An Giang là tỉnh có đông dân số nhất ĐBSCL, trong đó người Khmer chiếm đến 3.9%, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Trong chuyến đi này, chúng tôi được anh Hậu dẫn vào một ngôi chùa Khmer vào đúng ngày rằm. Chùa chiền không chỉ là nơi thờ tự mà còn là một điểm sinh hoạt văn hóa, một loại hình trường học cho thanh thiếu niên bản xứ...

12.

NDP_3229_resize.jpg


...

13.

NDP_3214_resize.jpg


...

14.

NDP_3252_resize.jpg


...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,466
Bài viết
1,153,092
Members
190,100
Latest member
dabongxoilac365tv
Back
Top