What's new

[Chia sẻ] Annapurna circuit trek

Annapurna là một cung đường trek được Lonely Planet và các trang du lịch nổi tiếng bầu chọn trong 10 cung đường trek đẹp nhất trên thế giới.
Chưa từng nghĩ mình sẽ đi trek và cũng chưa bao giờ tưởng tượng được đến một ngày mình có thể trek trên một trong những cung đường nổi tiếng. Ấy vậy mà đến một ngày, đề xuất đi trek Annapurna được đưa ra, đồng ý cái rụp và rồi lên kế hoạch, chuẩn bị cho chuyến đi cứ lần lượt được thực hiện nhanh đến không ngờ.

22/04/2014: Lên đường đến Nepal để biến một điều không tưởng của mình thành sự thật.

04/05/2014: Đoàn 12 người (2 nam và 10 nữ) đã hoàn thành cung trek Annapurna. Không ai bỏ cuộc, qua đèo Throng la Pass (5416m) đủ 12 người. Có 01 thành viên bị sốc độ cao nhẹ.

Một số thông tin về chuyến đi hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn có kế hoạch trek cung đường này trong thời gian tới.


Bản đồ Annapurna circuit. Để đi trọn vẹn cung này, thông thường mất từ 20 - 30 ngày.

 
Last edited:
tôi cũng đang kế hoạch trek annapurna trong tháng 9, nhưng quỹ thời gian chỉ khoảng 6 ngày.
Bạn langthang06 post nhanh nhé, đang đúng lúc cần tư liệu tham khảo (c)
cung này cần những loại phí hay permit gì nhỉ?

Bạn solotrekker: nếu quỹ thời gian chỉ có 6 ngày theo mình bạn nên chọn cung trek Poolhill, mình nghĩ bạn sẽ không đi kịp Annapurna circuit. Đường mình đi được gọi là Annapurna circuit mini cũng cần tối thiểu 9 ngày rồi.
Do mình đi với bên tour nên các bạn ý lo hết giấy tờ, bạn nên nhờ một bên tour lo hộ thủ tục này cho nhẹ nhàng.
Còn nếu bạn muốn tự làm thì theo mình biết có 2 loại sau:
+ Bạn phải xin giấy phép - TIMS Regulatory Provision ( là một loại thẻ của chính phủ cấp cho dân trek ở khu Annapurna và Himalaya ): 21 USD/người. Nếu đi theo đoàn thẻ mầu xanh ( như hình dưới), nếu cá nhân thì thẻ mầu xanh lá cây.
+ Giấy phép vào Khu bảo tồn thiên nhiên Annapurna: 22 USD/người (2000 rupies)
+ Ngoài ra bạn phải chuẩn bị 04 ảnh 3 X 4 ( cho các thủ tục , giấy tờ phải làm & có thể phát sinh)

Thẻ và giấy vào khu bảo tồn

 
Last edited:
Bây giờ ngồi nghĩ lại mới nhớ những thác nước như thác Syange thấy trên đường đi rất nhiều: thác ở Chamje, thác ở làng Taal, thác ở Dharapani...nhưng thác Syange là thác đầu tiên cả đoàn hăm hở leo lên tận nơi ngó nghiêng và chụp ảnh.

Sáng ở Syange trời hơi lạnh nhưng nắng thì ngập tràn, không khí dễ chịu.
Leo thác xong, trở về đường chính, mọi người đều chuẩn bị cho mình lần cuối rồi lên đường. Bạn guide 1 ( Achut) sẽ phụ trách dẫn đầu , bạn guide 2 (Kharim - không nhớ tên chính xác của bạn này) phụ trách chốt đoàn.

Đoàn đầu đường đi nhẹ nhàng, chủ yếu là đường đất, có những đoạn lên dốc nhưng không phải là dốc thẳng đứng, dốc vòng vòng nên cảm giác chồn chân, mệt mỏi không thấy.

Điểm bắt đầu của hành trình trek: phía bên trái ảnh là hướng lên thác, phía bên phải là nhà nghỉ ở Syange



Đường trek nhẹ nhàng



Những con dốc đầu tiên







Do chưa biết sức khỏe của mọi người trong đoàn nên bạn guide 2 đã dẫn một số người leo dốc tắt. Thay vì đi dốc vòng giống như đường phía trên, bạn đã dẫn đi một dốc thẳng đứng, cắt ngang từ dốc phía dưới lên trên. Kết quả là một thành viên của đoàn đã bị sốc và mất sức ngay đoạn đầu tiên.
Lưu ý: Hãy chú ý sức khỏe của mình khi quyết định đi bất cứ đường tắt nào trên đoạn trek Annapurna. Trên cả chặng đường sẽ có nhiều đường tắt ngắn, nhưng độ dốc thì rất mệt. Đây là kinh nghiệm bản thân khi được đi một số đoạn đường tắt. Nếu có các bạn guide dẫn đường cũng nên nói cho bạn ý sức khỏe của mình ở độ nào để bạn ý lựa chọn đường đi cho phù hợp.

Ngoài những con đường bụi, dốc của ngày đầu, chúng tôi còn đi qua những ngôi làng xinh xắn, mầu sắc và rất sạch sẽ trên đường đi. Những ngôi nhà được sơn sặc sỡ, những chậu hoa nhỏ xinh và những hàng quán với các bạn dân địa phương lơ đãng ngồi nhìn khách đi qua... tất cả đều tạo nên sức thu hút. Cảm giác rất lãng mạn, nhẹ nhàng khi chậm rãi thả bước qua đây.







 
Last edited:
Không khí mát, dễ chịu của buổi sáng dần qua đi. Trời nắng, nóng khó chịu. Gần về trưa có cảm giác nóng gay gắt, rát mặt như đi giữa trưa nắng đến 38 -40 độ ở Hà Nội. Những con dốc cứ nối nhau phía trước, bắt đầu thấy mệt mỏi, chân căng, uống nước gần như liên tục mà vẫn thấy không đỡ khát.
Đến gần Chamje có 2 đường: một hướng lên trên, một vẫn tiếp tục men theo ven sông Marshyangdi.
Lúc này đoàn đã phân làm 2 nhóm đi trước và sau. Bạn Achut bảo đi đường phía trên sẽ nhanh hơn, thấy được toàn cảnh thác nước và cảnh đẹp hơn. Sau một chút ngần ngừ, nhóm đầu đã quyết định đi theo đường phía trên.
Đường phía trên leo dốc gần như thẳng đứng giữa thời tiết oi nóng, thật là quá sức. Lên đến đỉnh của dốc có một căn nhà gỗ nhìn thẳng ra thác, cảnh công nhận là đẹp. Nếu cho mình chọn lại có lẽ mình sẽ chọn đi đường ven sông để giữ sức.
Việc leo dốc của đoạn này và sau đó là xuống dốc để nối vào đường đến Chamje đã làm đầu gối mình bị quá tải, khá đau đớn khi đi. Một khởi đầu hơi tệ cho ngày đầu tiên.

Đây là đoạn rẽ của 2 ngả đường, hướng có người đi lên là hướng leo dốc, hướng bên phải rìa ảnh là hướng đường đi xuôi theo sông, nhẹ nhàng hơn, đường vẫn giống đoạn khởi đầu.



Dốc thẳng của đoạn đi tắt lên phía trên



Sông Marshyangdi



Qua đoạn đường tắt, xuống dốc đường lại hợp làm một ở gần phía cuối làng Chamje. Tiếp tục đi xuống qua làng cây cầu treo đầu tiên của hành trình đã xuất hiện. Tại đây nhóm trước và sau của đoàn đã gặp lại nhau để cùng vượt sông.
Giống như những cây cầu dây khác trên hành trình, 2 đầu cầu được bắt vít chắc chắn vào những khối bê tông ở 2 phía sông. Phần thân cầu được đan sắt, đặt những thanh ngang để người đi có thể qua cầu an toàn. Cầu khá dài, mỗi lần gió to lại lắc lư, lắc lư, hơi sợ cho lần đầu tiên bước qua cầu. Đúng lúc đoàn qua cầu, có thêm một số khách trek của các đoàn khác cũng cùng qua nên cầu khá đông, lắc lư mạnh, có thể nói cảm giác rất ấn tượng và khó quên.

 
Last edited:
Haizzzzzzz....Mình đã book vé đi Nepal khoảng 18 ngày. Thấy cung trek quá xá đã luôn....nhưng mình ko có kinh nghiệm cho vụ này...Phải làm sao đây?
 
Trekking thì nên đi ở VN hơn. Nguy cơ tai nạn cao nên có j còn được hỗ trợ phần nào. Sang nước ngoài ngôn ngữ kém mà chi phí cao nữa
 
Nếu nói về nguy cơ cao khi đi trek thì đi đâu cũng không an toàn ngay cả Việt Nam.
Nến tìm hiểu kỹ thông tin, chuẩn bị sẵn mọi vấn đề về sức khỏe, ăn uống, thuốc men, đưa ra những phương án chuẩn bị cho tình huống có thể xẩy ra trên đường … thì nguy cơ rủi ro sẽ giảm đi nhiều. Với lại nếu bạn mua tour thì mức độ rủi ro cũng được hạn chế nhiều vì họ là dân địa phương, quen địa hình, có thể linh hoạt xử lý trong mọi tình huống.
Đây là một số bài tập tôi và các bạn trong đoàn đã thực hiện để chuẩn bị cho chuyến đi:
- 1 tuần tối thiểu có 3 buổi đi bộ (11km/buổi)
- Đạp xe 2 buổi/tuần ( quanh hồ Tây – 17km)
- Đi bơi ( giúp cho phổi thích nghi với điều kiện ít oxy)
- Đến gần ngày đi khoảng 01 tháng, đẩy đi bộ thường lên đi nhanh và chạy chậm (12 – 14km/buổi).
- Tập bài tập đứng lên ngồi xuống thường xuyên (2lần/ngày;100 lượt/lần). Tuy nhiên bài tập này nên nâng dần khối lượng. Lúc đầu khoảng 10, rồi 20, rồi 50 và dừng ở 100 lượt/lần.
- Nếu làm việc ở Văn phòng cao tầng thì hàng ngày leo cầu thang bộ 05 - 10 tầng.
Bài tập trước khi đi này chỉ là những kinh nghiệm bản thân, các bạn có thể thực hiện hoặc tìm thêm những bài tập khác tốt hơn. Với bài tập tập, tôi thấy sức khỏe khá ổn, lúc đi chân cũng khá dẻo, hầu như không bị căng cơ.
Tuy nhiên nếu chân có bệnh về đầu gối, dây chằng thì khi bắt đầu trek nên đi từ từ, sau đó mới tăng dần tốc độ. Nếu ngay từ đầu đã leo thác thì nên khởi động tại chỗ trước khi leo, bó đầu gối và cổ chân cẩn thận. Do bỏ quá phần này nên ngày đầu tiên tôi đã bị căng cơ, đi rất đau. May mà có chuyên gia xoa bóp, bấm huyệt nên ngày hôm sau đã trở lại bình thường.
Về việc sốc độ cao. Thì tùy thể trạng của mỗi người mà có thể chuẩn bị hoặc mang thuốc dự phòng khác nhau. Như tôi thì chỉ uống hoạt huyết dưỡng não trước khi đi 1 tháng + 05 ngày trong chuyến đi. Sau đó không phải sử dụng thêm bất cứ loại thuốc nào khác. Nếu có guide đi cùng thì các bạn ý sẽ chuẩn bị sẵn một số thuốc để phòng trường hợp bị sốc. Còn nếu cần dự phòng, không biết mình có sốc độ cao hay không bạn có thể tham khảo thuốc của các bạn đã đi Tây Tạng (như trong topic đi Đông Tây Tạng của anh Chito).
Trên đường đi, nên sử dụng vitamin bổ sung chất và chống mất muối. Đoàn tôi sử dụng loại này cho toàn bộ hành trình. 1 viên vitamin này hòa tan trong 500ml nước. Tuy nhiên khi uống, chúng tôi thấy hơi khó uống nên đã dùng 1 viên hòa tan trong 1 lít nước, thấy vị dễ uống hơn và tác dụng vẫn tốt.

 
Last edited:
Đường trek sau khi qua cầu vẫn khá dễ đi. Chỉ có điều trời quá nắng, đường lại hầu như không có bóng cây nên mệt rất nhanh. Có những đoạn leo dốc giữa trời nắng chang chang mệt chỉ muốn lăn quay ra nằm, nghỉ.
Gần 12h Nepal (giờ Việt Nam là 13h20) thấy đường vẫn lên xuống, không thấy bóng dáng làng mạc nào để nghỉ và ăn trưa. Hỏi bạn Achut, bạn ý lại bảo còn 1 tiếng nữa. Lúc đó chỉ muốn phát khùng luôn vì đói, mệt, nắng.





Đi thêm được 30 phút nữa lại hỏi, còn bao lâu đến nơi, Achut lại bảo 1 tiếng nữa, hihi. Thật hết nói với bạn guide, :D . Thế là thôi từ đó chả hỏi nữa, cứ cặm cụi đi :).




Thêm đoạn dốc nữa thì Achut chỉ lên phía trước nói, qua nốt quả đồi này là đến chỗ ăn trưa, mừng mở cờ trong bụng, bước chân nhanh hơn hẳn.
Nhưng rồi nhận ra quả đồi Achut bảo chả đơn giản tý nào. Đường đi khá nhỏ, dốc, hai bên là đá, không một bóng cây. Cứ leo lên hết một mỏm cao khuất, lại thấy mở ra một mỏm cao khác. Qua 3 mỏm đá khuất như vậy mới thấy cổng vào làng Taal.Thật sự là rất rất mệt.

Lúc này mới nhớ ra thông tin trước khi vào làng Taal phải vượt qua một quả đồi rất dốc. Thời gian tốt nhất các bạn đã đi đưa ra là vào buổi sáng (khoảng 10h,11h).
Note: lưu ý đường qua đồi để vào Taal này vì nếu đi đúng trưa, nắng sẽ rất mệt. Có thể điều chỉnh tốc độ, hoặc đường đi để qua đồi này sớm, sẽ đỡ vất vả và mệt hơn rất nhiều.


Bắt đầu đường đèo dốc để vào làng Taal




Gần 14h, cổng vào làng Taal xuất hiện phía đỉnh dốc. Thở không ra hơi, cuối cùng cũng được nghỉ rồi, được ăn rồi, hoho.:( :)



Từ cổng làng, còn phải đi qua một dải sỏi cát trắng nữa mới vào được làng.
Làng Taal được xây dựng ở nơi xưa kia là một đáy hồ nước, cảnh sắc đáng yêu và yên bình. Ở đây cũng có một thác nước khá lớn (thác Taal).
Làng Taal được coi là cửa ngõ vào huyện Manang, khu vực này chịu ảnh hưởng lớn của Phật giáo so với ảnh hưởng của Ấn độ giáo (Hindu) ở khu vực phía dưới.
Note: Nếu không quá mệt, còn thời gian cố gắng đi quanh làng ngắm cảnh.

 
Last edited:
Tự nấu một bữa trưa có rau, có thịt, đủ phục hồi sức khỏe, thêm thời gian ngủ khoảng 5 - 10phút, cả đoàn lại đã sẵn sàng cho hành trình về điểm cuối.

Chặng cuối từ Tal đến Karte - Dharapani thong thả và dễ đi hơn sáng rất nhiều. Đường chủ yếu bằng bằng, dốc lên ít, không liên tục nên cũng dễ vượt qua. Chỉ có điều chiều đi ven sông, gió rất mạnh, trời lạnh, gần về Dharapani trời lất phất mưa.



Đường dốc nhưng có bậc thang nên dễ đi



Vượt qua cầu treo này, đường bên kia sông toàn đường đất, thoai thoải






Từ Tal lên đến Karte độ cao tiếp tục được nâng lên 150 m. Có 2 đường từ Karte để đến Dharapani.
+ Một đường đi qua cầu treo xuyên qua làng Karte: đường dài hơn, có những đoạn phải tiếp tục leo dốc, đường đi mệt hơn, nhưng không nguy hiểm.
+ Một đường tiếp tục đi thẳng men sông không qua làng Karte: đường ngắn hơn, khá bằng phẳng, dốc thoai thoải dễ đi nhưng đường này hay có đá lở nên cũng nguy hiểm hơn.
Do chân đau và đã bắt đầu đi cà nhắc nên Achut quyết định cho tôi mà mấy người bạn đi cùng đi con đường dễ men sông. Đi phía bên này sông nhìn được con đường song song thấy bạn đồng hành đi trước theo con đường xuyên qua làng Karte cứ leo lên rồi lại leo lên nối tiếp, thấy thật sự rất may vì đã được đi đường dễ này.

Note:: Nếu sức khỏe đã giảm sút thì nên chọn đường men sông. Lưu ý điểm này ( vị trí rẽ của 2 đường sẽ thấy biển chỉ hướng Karte băng qua cầu treo)

Đường qua khu vực đá lở, gần đến làng Dharapani rồi



18h15 cuối cùng cũng đến Dhaparani. Nẳm vật xuống ghế nghỉ ngơi. Trong đầu hiện lên gà luộc, gà luộc, :)):))
Bạn Achut đã phải đi mua gà cho đoàn. Tối tuy phải tự làm gà, tự nấu đồ ăn cho hợp khẩu vị nhưng đoàn đã được một bữa cơm rất ngon.
Dharapani đêm rất lạnh.

Dharapani là một làng nằm giữa 2 hẻm núi, làng được coi là nơi có không khí và vị trí tốt trên đường trek để nghỉ đêm. Trong làng cũng có một số điểm lý tưởng để ngắm mặt trời mọc. Đây cũng là một trong những ngôi làng người Tạng sinh sống.

Đường làng ở Dharapani

 
Last edited:
Day 3 (27/04): Dharapani (1860m) – Chame (2670m) – 16km, 7.5 hrs walk

Không khí buổi sáng ở Dharapani se se lạnh nhưng dễ chịu và trong lành.

Nhà nghỉ ở cuối làng ở Dharapani



Ngày hôm nay, đường mòn trek sẽ tiếp tục tiến sâu vào những thung lũng rộng lớn của sông Marshyangdi, thuộc huyện Manang. Dân cư sống tại các thị trấn lớn của huyện Manang đa số đều là người Tạng. Có lẽ vì vậy mà Phật giáo rất phát triển trong khu vực. Các bánh xe mani, những tường kinh luân xuất hiện thường xuyên hơn trong hành trình.

Dharapani – Bagarchap (2160m)

7h30 sáng lại tiếp tục lên đường.
Ra khỏi làng Dharapani một đoạn ngắn sẽ gặp trạm kiểm tra thụ tục trek tiếp theo trong hành trình.
Có lẽ sau một đêm nghỉ ngơi và ăn uống phù hợp nên hôm nay thể lực mọi người đều phục hồi tốt. Đi qua mấy đoạn dốc đầu thoải mái và nhanh.



40 phút sau khi khởi hành đoàn đã đến cổng vào làng Bagarchap. Ngày 10/11/1995 một vụ lở đất đã xẩy ra ở Bagarchap, phá hủy đến 80% ngôi làng. Chỉ còn một số ngôi nhà Tạng truyền thống cũ, đền thờ cổ ở trên đồi cao là tránh khỏi trận lở đất. Làng Bagarchap mới hiện nay được xây dựng lại trên một triền đồi khác và nằm ở vị trí cao hơn làng cũ.
Tuy mới được xây dựng lại nhưng làng mới Bagarchap vẫn được khách trek trên đường mòn Annapurna biết đến nhiều với món bánh táo và sữa trứng nổi tiếng.

Cổng vào làng Bagarchap.



Làng Bagarchap



Bagarchap – Damaq or Danaqyu (2300 m).

Đoạn đường này vẫn là những đoạn lên dốc tiếp nối nhưng dốc thoai thoải dễ đi





Đoạn này có thể nhìn thấy đỉnh Manasalu cao 8163m (đỉnh cao thứ 8 trên thế giới). Đoạn này trời hơi nhiều mây nên đỉnh Manasalu cứ ẩn hiện đằng xa. Các bạn đi đến đoạn này nhớ quay lại sau để ngắm được Manasalu

 
Last edited:
Qua hết làng, đường mòn lại men theo triền đồi đi lên. Ở đoạn này có điểm lấy nước an toàn (đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn để uống). Thông thường mua nước ở những điểm này sẽ rẻ hơn mua nước đóng chai.

Điểm nghỉ có thể mua nước an toàn



Đường mòn lúc này đã tách riêng không chung với đường xe jeep chạy nữa nên đỡ bụi, đỡ ồn hơn nhiều. Lúc này chỉ còn tiếng xào xạc của gió, tiếng rì rào của dòng sông Marshyangdi vẫn song hành cùng trên đường đi.
Ở cao điểm Danakyu này nếu may mắn trời ít mây sẽ ngắm được đỉnh Manasalu nhưng nếu không ngắm được thì nằm ở đây một lúc hưởng cái không khí trong lành, lành lạnh cũng thích thú không kém



Đôi khi trên đường gặp những con suối nhỏ hay những dòng chảy từ núi xuống.Từ Danakyu đến Timang cũng sẽ gặp một đoạn như vậy. Đoạn này nước chảy mạnh và sâu. Đi qua đoạn này bạn Achut rất cẩn thận đứng hướng dẫn và chờ từng người một đi qua.



Qua suối đường trek sẽ tiếp tục hướng lên trên (chú ý đường mòn ở đây chia làm 2 lối, đường đi tiếp sẽ là đường hướng lên trên phía bên trái không phải đường hướng đi thẳng).
Đường mòn hướng đến Timang đoạn này dốc hơn hẳn đoạn đường đã đi trước. Nhưng so với ngày thứ nhất leo dốc thì lại đỡ mệt hơn, có lẽ do đường đi xuyên rừng và chân cũng đã quen với cường độ đi.







 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,718
Members
190,126
Latest member
ThanhDuyStore
Back
Top