Hình như là sở cứu hoả

Bài và ảnh của bác TungNguyenMD vẫn như xưa nay, dẫn đầu thị trường về chất lượng. Lần đầu tiên có bài đi Mỹ mà đi nhiều thành phố và nhiều điểm hay như thế ạ. Em chỉ mạn phép bác góp thêm mấy ý kiến cho thêm thông tin thôi ạ.
Tòa nhà gạch đỏ trông như pháo đài trung cổ này là một trong những tòa nhà cổ nhất trong khu MIT đấy ạ (xây năm 1895). Tên của nó là Metropolitan Storage Warehouse, tức là kho hàng của cảng Cambridge. Tòa nhà "fireproof" tức là nó "chịu được lửa" hay là "chống cháy" theo quan niệm xây dựng thời bấy giờ. Công nghệ chống cháy của thế kỉ 19 nay chỉ còn là chuyện cười của các kĩ sư hiện đại nhưng vẫn rất ấn tượng. Vào đầu thế kỉ 19 chỉ có một vài tòa nhà ở Anh và Mỹ là fireproof nhưng
đến cuối thế kỉ thì nhà chống cháy đã trở thành tiêu chuẩn xây dựng cơ bản của nhà cao tầng đô thị ở Mỹ. Nhà chống cháy bản chất là nhà mà hoàn toàn không dùng gỗ làm cấu kiện kết cấu. NGAY TỪ THẾ KỈ 17, chính quyền London và Boston đã yêu cầu tường của những tòa nhà trong trung tâm thành phố phải xây bằng gạch hoặc đá như một biện pháp chống cháy tối thiểu. Cụ thể ở tòa nhà này, trần và mái dùng kết cấu vòm gạch nên gọi là fireproof. Dĩ nhiên là những tòa nhà này vẫn cháy như thường nhưng hạn chế được ngọn lửa rất nhiều, và nếu cháy bé thì chủ yếu là cháy nội thất chứ không phải kết cấu. Tòa nhà này mới đây bị MIT đóng cửa, không cho thuê để hàng nữa sau 120 năm, và cải tạo thành kí túc xá và khu sinh hoạt chung cho sinh viên.
Anh và Mỹ ngày nay vẫn là hai nước đi đầu trong việc quy định tiêu chuẩn chống cháy trong xây dựng nhà cửa. Tòa tháp đôi ở New York bị cháy đến tận gốc chính là do các kĩ sư thiết kế đã bỏ qua yếu tố chống cháy kết cấu vì họ cho rằng không cần thiết, nên khi máy bay đâm vào, lửa bùng lên, cháy toàn bộ kết cấu khung bằng thép, làm chảy thép và dẫn đến sập nhà siêu nhanh dù các phần khác còn chưa hề cháy, nếu tòa nhà đứng vững lâu hơn một tí thôi thì toàn bộ mọi người đã có thể sơ tán hết và điều này hoàn toàn có thể làm được. Chính quyền Mỹ đã siết chặt quy định về kết cấu thép chống cháy nhà chọc trời sau khi Ủy ban điều tra vụ 11 tháng 9 công bố báo cáo.
Ngoài những ngôi nhà kiên trúc kiểu Georgia thì những toà nhà mới có những thiết kê cách tân khá quái dị
Còn tòa nhà quái dị mà bác nói ở đây là Ray and Maria Stata Center - một công trình kiến trúc tiêu biểu của Frank Gehry, một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế kỉ 20 và kiến trúc đương đại hiện nay theo trường phái deconstructivism (phi kết cấu hoặc "phá kết cấu").
Trong bài em cũng có nhiều lần thấy bác dùng chữ "đất thang mật". Chính xác của nó là "thang mộc". "Thang" là nước nóng, "mộc" là gội đầu. "Thang mộc" nôm na là "tắm gội". Từ này dùng để chỉ việc Hoàng đế nhà Chu, phong tước kiến địa, ban đất đai tượng trưng cho chư hầu để lấy chỗ phục vụ cho hoàng đế "tắm gội". Sau chuyển nghĩa thành nơi chư hầu "tắm gội" trước khi vào chầu thiên tử, làm lễ tế thần linh trời đất. Nên dần dần đất thang mộc trở thành từ chỉ quê hương của vua chúa, nơi vua chúa tắm gội trai tịnh trước khi làm lễ tế xã tắc. Đất thang mộc thường là cả một vùng, nơi các khai quốc đại thần cũng xuất thân chứ không chỉ là cái làng quê vua. Như bản triều ta thì đất thang mộc ở Nghệ An, năm nào ngày Húy nhật Thái Tổ hay Quốc khánh đều có dâng hương cả.
Em chen vào mấy dòng, mong bác không giận ạ.