Re: Băng Rừng, Vượt Đèo - Nam Cát Tiên - Khánh Sơn - Gợi Nhớ Một Cung Đường
Tách xa đường chính, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ. Đây đã là địa phận của ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, Vĩnh Cửu. Tại Phú Lý, người Chơ ro sống tập trung ở ấp Lý Lịch 1.
Dân tộc Chơ Ro ở Việt Nam hiện nay có hơn 26.530 người .Người Chơ Ro ở Đồng Nai có 15.145 người, xếp thứ ba sau người Kinh và người Hoa.
Men theo con đường làng, qua những vườn điều tỏa bóng mát, chúng tôi dần tiến đến cầu Sa Mách.
Kia rồi nhà dài truyền thống dân tôc Chơ Ro! Đây cũng chính là bảo tàng văn hoá của người Chơ Ro, khánh thành vào năm 2009. Bảo tàng này được thành lập nhằm mục đích lưu giữ hồn xưa.
Theo già làng Năm Nổi, cây đại thọ - linh hồn sống của người Chơ Ro, nhà dài không chỉ là không gian để bà con Chơro sinh hoạt văn hóa, lễ hội, nơi già làng truyền dạy những sử thi, mà còn là nơi trưng bày các dụng cụ sinh hoạt, canh tác, tranh ảnh thể hiện các giá trị về văn hóa, lịch sử, qua đó giúp mọi người khi đến tham quan hiểu rõ hơn cuộc sống đồng bào dân tộc Chơro xưa và nay.
Nhà Dài được thiết kế hoàn toàn theo lối kiến trúc truyền thống của người dân tộc Chơ Ro nhà sàn, mái lợp lá tranh, vách và sàn bằng tre lồ ô, cột bằng gỗ tròn. Toàn bộ chân cột đỡ phía dưới sàn đúc bằng bê tông vững chắc, các cột phía trên sàn làm bằng gỗ giá tỵ - một loại cây không bị mối mọt xâm hại. Nhà Dài có xấp xỉ 100 cây cột gỗ, sàn nhà lót ván, phía trên lót thêm một lớp tre lồ ô. Dãy hàng rào bên ngoài làm bằng sắt, sơn giả gỗ rồi cột dây. Địa thế của Nhà Dài nằm cạnh con suối Sa Máchh, phù hợp tập quán sống gần nguồn nước của người Chơ Ro.
Phía sau lưng là dòng suối Sa Mách. Nhà của già làng Năm Nổi cách đó không xa.
Đoạn đường đi được chẳng là bao so với chặng đường còn lại, nên tham vọng được vào tham quan nhà dài, được gặp gỡ cây đại thọ của người Chơ Ro đành xếp lại! Chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 4’ dừng chân ở điểm thứ hai này.