What's new

[Tổng hợp] Chùa đất Việt

Trong ảnh mà bạn quote ở trên, thì trên cao nhất (bị cắt nửa hình) là Tam Thế Phật. Ở giữa là Di Đà tam tôn, còn bên dưới (cũng chỉ có nửa trên của tượng) mới là Thích Ca tam tôn.

Tam Thế Phật thì nhiều thuyết, có thể là A-Di-Đà, Thích-Ca, Di-Lặc, mà Phật Quá khứ cũng có thể là Nhiên Đăng, Câu Lâu Tôn, Ca Diếp... nhưng như thế thì hạn chế quá. Phật Thích Ca nói rằng ngay khi ngài thuyết pháp ở Thế giới Tabà này thì cũng có các chư Phật thuyết pháp ở các thế giới khác. Như thế thì Tam thế Phật là đại diện chung cho chư Phật ba thời, gán tên tuổi cụ thể có phần bó hẹp tư tưởng rộng lớn của Phật giáo đại thừa đi.

Đặc điểm của pho Thích Ca (tượng ở Việt Nam) là cầm cành hoa sen đưa lên thuyết pháp, do đó trong ảnh trên thì Thích Ca tam tôn xếp ở hàng dưới, hai bên có hai ông đầu cạo tóc là A Nan và Ca Diếp (không phải Phật quá khứ Ca Diếp).

Trong bộ Thích Ca tam tôn thì đứng hai bên Phật Thích Ca là hai đại đệ tử A Nan - Ca Diếp hoặc hai đại bồ tát Văn Thù - Phổ Hiền. Hai bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đứng hai bên Phật A Di Đà thôi.

Do vậy trong ảnh tôi chụp thì gồm 3 tầng: Tam Thế Phật, Di Đà tam tôn, Thích Ca tam tôn (người ta hay gọi là Ba tầng Chín ông).
 
Nơi du nhập Phật giáo đầu tiên vào Việt Nam?

Tối hôm qua em xem truyền hình Hải Phòng nói về việc mới trùng tu lại Chùa Hang, hay còn gọi là Cốc Tự ở Đồ Sơn (ngay mặt đường vào khu 1) và được biết rằng đó là nơi du nhập Phật Giáo đầu tiên vào Việt Nam trước cả khi đến với TQ!!

Nghe 1 bác được phỏng vấn nói rằng: Có một vị thiền sư đã đến và ngồi thiền ở khu vực hang này (hơn 2000 năm trước???) rồi sau đó người ta lập chùa.

Em thì vẫn nghĩ Bắc Ninh mới là đất Phật vì ở đó có chùa Dâu - trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam.

Bác có thông tin gì về vấn đề này, bác giảng giải cho em hiểu thêm với.

Em cảm ơn!
(...Nếu em làm loãng topic, bác bảo Mod xóa bài này đi nhé...)
 
Có đến vài nơi được cho rằng là nơi Phật giáo lần đầu vào Việt Nam, mỗi tội đều lấy chứng cứ từ huyền sử hoặc dã sử chứ không phải chính sử, vì vào thời đó làm gì có chính sử cho nước Việt !

Có thuyết cho rằng trong truyện Chử Đồng Tử, thì ông đã gặp sư Phật Quang trên hòn đảo Quỳnh Viên ngoài biển, đó là người truyền Phật giáo vào đầu tiên từ thời Hùng Vương. Nhưng đảo Quỳnh Viên ở đâu, thì cả Thanh Hoá lẫn Đồ Sơn đều giành về của mình. Nhưng truyện Chử Đồng Tử chân thực đến mức nào ?

Có thuyết nói xưa đất Tây Thiên (dãy Tam Đảo) có chùa Địa Ngục thành Nê Lê, nên nói Phật giáo đầu tiên vào đây. Nhưng cũng chỉ là những ghi chép rời rạc trong các bộ sách sử xuất hiện sau đó cả nghìn năm !

Hơn nữa, vào thời xa xưa đó, làm gì có khái niệm nước Việt Nam !!! Nước Việt huyền sử thời Hùng Vương là một vùng không rõ ràng từ trung du xuống đồng bằng...

Hiện tại sử gia chấp nhận rằng Phật giáo vào vùng trung du và châu thổ sông Hồng theo cả đường bộ từ đất Miến - Lào sang, và đường biển từ phía Nam lên. Nhưng bên nào vào trước, và chính xác là vào chỗ nào, thì không đủ bằng chứng chính xác chứng minh.

Trung tâm Luy Lâu thực sự được công nhận vì được ghi vào Chính sử, và để lại di tích khảo cổ đem lại bằng chứng vật thể. Còn các truyền thuyết kia, ai thích thì cứ bám vào, cũng khó cấm.
 
Địa Tạng Bồ tát là của Phật giáo từ Ấn Độ.

Địa Tạng Vương Bồ tát tên là Mục Kiền Liên, là một trong 10 Đại đệ tử của Phật Thích Ca, nhiều khả năng là một người có thật. Ông được tôn là "thần thông đệ nhất".

(Bài này tôi nhầm, Địa Tạng vương Bồ tát và Mục Kiền Liên là hai vị khác nhau. Do viết đã lâu nên không sửa lại nữa).

Bác Chitto viết nhầm thì cải chính thêm vào đi ạ, Địa Tạng Bồ Tát là ai chưa thấy bác viết nốt, tự nhiên nhập vào Mục Kiền Liên
 
Bộ mái đao chùa Tây Phương có độ cong rất lớn, gần như là cong nhất trong tất cả các mái đao tớ đã từng thấy.
Trên mỗi gờ nóc đắp ba họa tiết: ngoài cùng là một mũi đao mà ở đầu là đầu rồng ngoảnh vào trong; ở giữa là một mũi đao ở đầu có một cuộn mây cũng vòng vào trong; và trong cùng là một con linh thú gần giống rồng cũng đang quay vào trong. Con vật đó nhiều người cho là rồng, nhưng thực tế là con Si vẫn, một trong 9 con của rồng. (Mái đao trên cùng trong ảnh bị gãy mất mũi đao có mây ở giữa).

A Chitto làm ơn cho e hỏi sao a biết đầu đao thứ 3 trong cùng lại là con Si Vẫn- trong khi đầu đao ngoài cùng cũng có 1 con mà lại là rồng chứ không phải Si Vẫn (Li Vẫn) vì Li Vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài... ngụ ý cầu trấn hỏa, bảo vệ bình yên cho công trình.
 
...cho e hỏi sao a biết đầu đao thứ 3 trong cùng lại là con Si Vẫn- trong khi đầu đao ngoài cùng cũng có 1 con mà lại là rồng chứ không phải Si Vẫn (Li Vẫn) ...

Thực ra đó cũng chỉ là lúc "hứng chí" khi viết đến đó, dựa trên suy luận chủ quan thôi, vì tôi cảm giác cái con vật đó có thân hình không đủ dài như rồng.

Tuy nhiên bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ con đó có thể vẫn là con rồng. Vì người Việt mình không cầu kì rắc rối như Trung Quốc, chỉ cần tứ linh Long lân quy phượng là đủ rồi, không phải sử dụng đến Si vẫn, Trào phong... trên mái công trình. Mái đình chùa đền đài nhà mình toàn là Rồng, Lân, cá chép cả.

Cũng như đội bia ở Việt Nam toàn là rùa, trong khi TQ thì là con Bị hí chứ không phải rùa; treo chuông thì là con Bồ lao, nhưng hình như ở VN cũng toàn là rồng cả.
 
Con Si Vẫn, hay người Việt mình gọi là con Ngạc Long, con Kìm thường đắp ngậm bờ nóc chứ ở tầu đao thì vẫn gọi là con rồng mà. Vì rằng tầu đao có nghê vờn ở gốc tầu, phượng mớm và rồng chầu. Trí Minh biết theo các cụ nghệ nhân thợ nề làm đình chùa vãn dùng từ đó. Cụ Chitto à theo Trí Minh biết thì quai chuông Việt mình vẫn gọi là con Bồ Lao đó chỉ có đội bia thì vẫn gọi là con rùa mà không gọi là con Bi Hí như Trung quốc. Nhưng ý cụ chitto là rất đúng vì người Việt ta thường dùng tứ linh thôi chứ ít khi làm rắc rối thành 9 loại con của rồng như Trung Quốc.
 
cho em spam cái!
theo em tìm hiểu thì hình anh post lên theo cách gọi của Phật Giáo là bộ ba Thích ca Tam Tôn : gồm thích ca - Bồ tát quan âm - Bồ tát đại thế chí, còn Tam thế phật : bộ ba tượng Phật đại diện ba thế giới Quá Khứ - Hiện Tại - Tương Lai là A di đà - Thích Ca và Phật Di Lặc chứ anh?
không biết như thế nào là chính xác!

Thông thường Tam thế Phật 3 pho tương trên cùng được hiểu là 1000 đức Phật ở quá khứ Đại Bảo Trang Nghiêm kiếp, 1000 đức Phật ở hiện tại Hiền Kiếp và 1000 đức Phật ở tương lai Tinh Tú Kiếp.
Dưới đó là bộ tượng Tây Phương Tam Thánh, hay Di Đà Tam Tôn. Gồm A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Hình bác chụp chính điện Quán Sứ thì dưới Tây Phương Tam Thánh là Linh Sơn Tam Thánh gồm Đức Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni, A Nan tôn giả và Ca Diếp tôn giả.
Cũng có chùa thờ Thích Ca Mâu Ni Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Phổ Hiền Vương Bồ Tát thì gọi là Hoa Nghiêm tam thánh ạ.
 
Muội đọc một lèo topic này, thật thú vị, bổ ích, vỡ ra nhiều điều, nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc. Vào chùa thấy các tượng phật có nhiều động tác và kiểu bắt ấn khác nhau mà không hiểu ý nghĩa là gì? Ca ca Chitto và các ca, tỷ nào biết xin chỉ dùm. Xin cảm ơn trước.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,589
Bài viết
1,153,847
Members
190,138
Latest member
NgoDieu
Back
Top