What's new

Đạo Mẫu ở Việt Nam

ChauBe

Phượt thủ
Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian của người Việt. Nó xuất phát từ quan niệm của người dân trồng lúa nước rằng: Có bốn miền vũ trụ: Trời, đất, núi , sông và xung quanh cuộc sống của con người. Bốn miền vũ trụ này có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến đời sống con người. Ở mỗi miền có một bà Mẹ ( Thánh Mẫu ) cai quản, chúng ta gọi các bà Mẹ đó là Mẫu, dưới các bà Mẹ này còn có các vị Thần linh khác như: Quan lớn, Chầu , Chúa, Ông Hoàng, Cậu Quận , 12 Cô , 12 Cậu, Quan ngũ hổ... các vị này cùng phù tá , trợ giúp việc cho Mẫu. Người Mẹ ở vùng trời gọi là Mẫu Thượng Thiên cai quản thiên phủ, Mẹ Ở vùng đất đai và sinh linh vạn vật là Mẫu Địa Tiên với hóa thân là Mẫu Liễu Hạnh được thờ ở Phủ Dầy - Nam Định cai quản Địa Phủ, Mẹ ở vùng rừng núi gọi là Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc Phủ, Mẹ ở vùng sông biển... được gọi là Mẫu Thoải Cung (Thủy Cung) cai quản Thủy Phủ. Do đó đạo Mẫu Việt Nam còn được gọi là đạo Tứ Phủ.Trong đạo Mẫu các nghi lễ cũng giống như các nghi lễ của các ngôi đình của mỗi làng quê Việt Nam. Nhưng có điểm khác là trong Đạo Mẫu VN có nghi thức hầu bóng. Đó là một hình thức diễn xướng tâm linh. Người hầu bóng là những Thanh Đồng, khi hầu họ phải hóa thân mình vào vai các vị thần thánh trong Tứ Phủ làm các động tác múa đao kiếm,múa mồi, múa hoa, chèo đò,... phù họa trong các động tác của Thanh Đồng là giọng hát của các Cung Văn (Bao gồm Đàn Nguyệt , Sáo , Đàn Tranh , Sênh , Phách) Nói tóm lại Đạo Mẫu VN là một tín ngưỡng văn hóa mang đậm tính văn hóa của ngừoi dân Việt Nam rất cần được tôn vinh và bảo tồn.

Các vị thần của đạo Mẫu
# Mẫu Đệ Nhất (Thiên Phủ). Danh hiệu: Mẫu thượng thiên .Thiên tiên thánh mẫu , Liễu Hạnh Quỳnh Hoa công chúa , tam thế sinh hóa , sắc phong Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương Mã Hoàng công chúa
# Mẫu Đệ Nhị (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Mẫu Thượng Ngàn .Sơn Lâm Chúa Tiên , Quế Hoa công chúa ,Lê triều công thần , Diệu Tín Diệu Nghĩa thiền sư , sắc phong Lê Mại Đại Vương
# Mẫu Đệ Tam (Thoải Phủ). Danh hiệu: Mẫu Thoải cung .Thủy Cung công chúa .Bát Hải Động Đình Thần Nữ .Bạch Ngọc Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ công chúa

Phụ Vương Đại Thánh (越國聖父)

* Bát Hải Long Vương (Thoải Phủ). Danh hiệu: Vua Cha

Trần Triều Hiển Thánh (陳朝顯聖)

* Đức Thánh Trần. Danh hiệu: Trần Hưng Đạo (- Tiết chế quốc công Hưng Đạo Đại vương)
* Đức Ông thánh cả - Con trai thứ nhất của Hưng Đạo Vương
* Đệ Tam Ông Cửa Suốt - Con trai thứ ba của Hưng Đạo Vương ,danh hiệu :Đông Hải Đại Vương
* Đệ Nhất Vương Cô - Con gái thứ nhất của Hưng Đạo Vương, Quyên Thanh công chúa
* Đệ Nhị Vương Cô - Con gái thứ hai của Hưng Đạo Vương, Đại Hoàng công chúa
* Cô Bé Cửa Suốt -cháu gái của Hưng Đạo Vương
* Cậu Bé Cửa Đông- cháu trai của Hưng Đạo Vương

Tam vị Chúa Mường (山林嶽府占卜神婆)
là các vị Chúa Bà chuyên về đáp giải bói bốc. Nếu chỉ tính ba vị Chúa Bói thì gọi là "Tam Toà Chúa Bói."

* Chúa Đệ Nhất Tây Thiên(Thiên Phủ)&(Nhạc Phủ)
* Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ(Nhạc Phủ) : Chúa Bói
* Chúa Đệ Tam Lâm Thao (Thoải Phủ)&(Nhạc Phủ): Chúa chữa

Ngũ Vị Tôn Ông (五位神威尊官皇太子)
Trách nhiệm của ngũ vị này là giáng vào thanh đồng để bắt đầu "mở phủ" cho các giá đồng sau được theo vào người đồng.

Năm ông quan lớn là con Ngọc Hoàng Thượng đế,nhiều lần được giáng sinh hạ giới cứu giúp dân trong Ngũ vị Hoàng Tú văn "Năm Bính Dần mùng 10,tháng 8_Thái hậu Bà sinh được năm ông" Chầu văn lại rằng
"Nhất bào thai sinh được năm trai...Những ông diện mạo thánh tài thần thông... Ông Cả bẩm sinh tài thánh..Biến là nhường đức tính tinh anh... Ông Hai trí lực thần thông...Xách non đem lấp ngân sông Hoàng Hà... Ông Ba vạn phép muôn lin..Sông ngân cũng bước bể dày cũng qua... Tiệc bàn loan thỉnh Ông Đệ Tứ...Vốn con trời coi xứ Thiên Cung... Ông Năm đổ việc thượng thiên...Tướng uy nghi da ngà mắt phượng... Quỷ cùng tà xiêu bạt tán đi......."

* Quan Đệ Nhất Vương Quan quyền cai Thiên Phủ trên trời, theo thần thoại là thần làm mưa làm gió, và cũng là Quan Lớn ở trong cung điện Ngọc Hoàng. Mặc bào mầu đỏ.
* Quan Đệ Nhị Vương Quan(Quan Giám Sát) ngày cúng của Đức Giám Sát là 10 tháng 11 âm lịch

Năm Bính Dần mồng mười tháng một Thái hậu bà sinh giáng tôn quan tháng một ta chính là tháng 11 âm . Lúc lên giá này, ông cầm khăn phủ diện để giám sát bản đền
"Quan về giám sát bản đền/Xem đồng hương khói đèn nhang thế nào"

* Quan Đệ Tam Vương Quan(Quan Tam Phủ) là con vua Thủy Quốc, ra trận cầm đối đao vệ dân hộ quốc. Mặc bào mầu trắng. Lúc lên giá này, ông cầm đôi bạch kiếm đi xông pha quỉ thế tà giới.
* Quan Đệ Tứ Vương Quan(Quan Khâm Sai) là một ông quan Địa Linh quyền cai đất bằng. Ông có trách nhiệm đi khâm sai các vùng các dân, giữ an lành của nước Việt. Mặc bào mầu vàng.
* Quan Đệ Ngũ Vương Quan(Quan Tuần Tranh) là một ông Quan anh hùng hào kiệt có kể là tướng đi tuần ở Sông Tranh. Mặc bào mầu xanh biển. Lúc lên giá này, ông cầm thanh long đao to trừ tà sát quỷ

Lục Phủ Tôn Quan (六府特臣尊官聖靈)

* Đệ Nhất Tôn Quan. Danh hiệu: Quan Điều Thất
* Đệ Nhị Tôn Quan. Danh hiệu: Quan Hoàng Triệu

Thập nhị vị chầu bà Chầu Bà (四府十二位英靈公主)

* Chầu Đệ Nhất (Thiên Phủ)
* Chầu Đệ Nhị (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Đông Cuông Công chúa

Dâng văn Tiên Chúa Thượng Ngàn Đông Cuông Tuần Quán giáng đàn chứng đây ...................................... Thượng Ngàn đệ nhị tối linh Ngôi Kiêu Công Chúa quyền hành núi non Anh Linh đã có tiếng đồn Sấm ran mặt bể mưa tuôn đầu nguồn Ngôi Kiêu công Chúa ý nói tiên chầu giá ngự ngôi cao quyền cai sơn lâm sơn trang coi chốn thượng ngàn chứ không phải " kiêu tức là cao"

* Chầu Đệ Tam (Thoải Phủ). Danh hiệu: Thuỷ Điện Công Chúa
* Chầu Đệ Tứ (Địa Phủ). Danh hiệu: Chiêu Dung Công Chúa

Đình Cốc Thượng là nơi tôn thờ Chiêu Dung công chúa Lý Thị Ngọc Ba, đã có công với dân, với nước. Bà đã cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh tan quân xâm lược Nam Hán phương Bắc, đem lại thái bình cho dân tộc vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên (năm 40)

* Chầu Năm (Nhạc Phủ). Đền thờ ở suối Lân sông Hóa Lạng Sơn chầu vốn gốc người nùng khi giáng đồng thường mặc áo xanh nước biển ( màu xanh của dòng suối lân)
* Chầu Lục (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Lục Cung Công Chúa đền thờ ở Chín Tư Hòa Lạc Hữu Lũng Lạng Sơn. Chầu là người nùng nên hay được gọi là Mế Lục Cung Nương khi về đồng mế bà phán cả tiếng kinh lẫn tiếng nùng
* Chầu Bẩy (Nhạc Phủ).đền thờ ở Kim Giao Mỏ Bạch Thái Nguyên và Tân La ,Hưng Yên
* Chầu Tám Danh hiệu: Nữ Tướng Bát Nàn

Bà họ Vũ, ở làng Phượng Lâu, huyện Kim Động, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Thân phụ của bà là thầy thuốc làm nhiều việc phước đức. Bà nổi tiếng là phụ nữ xinh đẹp và giỏi võ nghệ.

* Chầu Chín(Thiên Phủ ).Danh hiệu : Cửu Tỉnh Công Chúa ở Bỉm Sơn Thanh Hoá
* Chầu Mười(Nhạc Phủ). Danh hiệu: Nữ Tướng Đồng Mỏ Chi Lăng
o Chầu Bé (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Bắc Lệ Công Chúa
o Chầu bé thoải

Chúa bà: Hầu sau hàng chầu,vì là chúa địa phương

* Chúa Thác Bờ (Thoải Phủ & Nhạc Phủ) Hoà Bình
* Chúa Ngũ Phương là bà chúa địa phương đền thờ chúa ở Hải Phòng

;Chúa Bà Ngũ Hành (五行聖婆神女) *Đệ Nhất Chầu Bà Kim Tinh Thần Nữ *Đệ Nhị Chầu Bà Mộc Tinh Thần Nữ *Đệ Tam Chầu Bà Thuỷ Tinh Thần Nữ *Đệ Tứ Chầu Bà Hoả Phong Thần Nữ *Đệ Ngũ Chầu Bà Thổ Đức Thần Nữ

Thập Vị ông hoàng (十位八海龍兒皇子王爺)
Là 10 người con của vua cha Bát Hải Động Đình

trong THẬP VỊ HOÀNG TÚ VĂN :

"Vua Cha Bát Hải Động Đình/Sinh ông Hoàng Cả anh linh ra đầu/Thiên hạ đảo cầu ông ngự đền vương/Hoàng Đôi vua sinh ra sau/Hoàng Ba làm chúa Thuỷ Cung/Tiếng ông lừng lẫy bốn phương đùng đoàng/Hoàng Tư giữ việc đế vương/Hoàng Năm giữ số đền rồng vua cha/Quan Hoàng đệ Thất đào tiên/Nổi một trận gió đổ nhà,lốc cây/Hoàng Tám chính trực lòng ngay/Linh vua một đấu để rầy cứu dân/Hoàng Chín yểu điệu thanh tân/Vua sai ông trấn ở trong Đền Cờn/Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An/Về huyện Thiên Bản làm quan Phủ Giầy ...................................."

* Ông Hoàng Cả (Thiên Phủ). Danh hiệu: Ông Hoàng Quận
* Ông Hoàng Đôi (Nhạc Phủ)

Có công đánh trân cùng ông Hoàng bảy_Trong văn ông bảy có câu rằng "Doanh trung thương có hai hoàng vào ra_Quan Hoàng Bảy Bảo Hà chính vi_Cùng tướng công Đệ Nhị Hoàng Hai_Can qua dâu bể biển đời....."

* Ông Hoàng Bơ (Thoải Phủ)
* Ông Hoàng Đệ Tứ (Địa Phủ). Danh hiệu: Ông Hoàng Khâm Sai
* Ông Hoàng Năm
* Ông Hoàng Sáu trấn ở Hải hà _Nam Ninh
* Ông Hoàng Bảy (Nhạc Phủ). Danh hiệu: Ông Bảo Hà
* Ông Hoàng Bát (Nhạc Phủ).
* Ông Hoàng Chín (Thiên Phủ). Danh hiệu: Ông Cờn Môn
* Ông Hoàng Mười (Địa Phủ). Danh hiệu: Ông Nghệ An, có công chống giặc Thanh từ bên TQ

Tứ phủ thánh Cô(四府山莊神領聖姑)

* Cô Đệ Nhất Thượng Thiên (Thiên Phủ)
* Cô Đôi Thượng Ngàn(Nhạc Phủ)
* Cô Bơ Hàn Sơn (Thoải Phủ) tức là Cô Ba Bông
* Cô Tư (Địa Phủ)
* Cô năm Suối Lân(Nhạc Phủ)
* Cô sáu Sơn Trang(Nhạc Phủ)
* Cô bảy Tân La(Nhạc Phủ)
* Cô Tám Đồi Chè(Nhạc Phủ) ở đền Phong Mục
* Cô Chín Sòng Sơn(Thiên Phủ)
* Cô Mười Đồng Mỏ(Nhạc Phủ)
* Cô Bé thượng (Thiên Phủ,Nhạc Phủ) : "Cô Bé Đông Cuông (Nhạc Phủ)

Cô Bé Suối Ngang (Nhạc Phủ) Cô Bé Đen (Nhạc Phủ) tức là Cô Bé Sóc"

* Cô Bé Thoải (Thoải Phủ) : Cô Bé Tây Hồ (Thoải Phủ) "

*Cô Thác bờ (Thoải Phủ): Đền cô sau lưng đền thờ chúa Thác Bờ *Cô Đôi Cam Đường(Nhạc Phủ) quê cô ở Đình Bảng Bắc Ninh nhưng cô Hiển Thánh ở Cam Đường Lào Cai

Tứ phủ thánh cậu (十位超靈少聖舅)

* Cậu Hoàng Cả (Thiên Phủ)
* Cậu Hoàng Đôi (Nhạc Phủ)
* Cậu Hoàng Bơ (Thoải Phủ)
* Cậu Hoàng Bé (Địa Phủ)

Quan Ngũ Hổ (五方神虎威靈)

* Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Thanh Hổ Thần Quan (東方甲乙木德青虎威靈)
* Nam Phương Bính Đinh Hoả Đức Xích Hổ Thần Quan (南方丙丁火德赤虎威靈)
* Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Hoàng Hổ Thần Quan (中央戊已土德黃虎威靈)
* Tay Phương Canh Thân Kim Đức Bạch Hổ Thần Quan (西方庚辛金德白虎威靈)
* Bắc Phương Nhâm Quý Thuỷ Đức Hắc Hổ Thần Quan (北方壬癸水德黑虎威靈)

Ông Lốt (兩位青蛇白蛇大神將軍)

* Thanh Xà Đại Tướng Quân
* Bạch Xà Đại Tướng Quân
 
đền cốc

Lạng Giang là vùng đất có bề dày văn hoá của tỉnh Bắc Giang còn bảo lưu nhiều công trình kiến trúc tôn giáo có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá nghệ thuật, như chùa Đức La (Vĩnh Nghiêm tự) xây dựng vào thời Trần. Trong kho tàng di sản văn hoá dân gian của tỉnh, đền núi Cốc được ví như ''một bông hoa đẹp'' trong bức tranh văn hoá Việt Nam.

Ngôi đền này không chỉ là nơi nhân dân tìm đến sự cân bằng cho tâm hồn, để đến với Giác ngạn mà còn chứa đựng một kho tàng mỹ thuật dân gian thông qua nghệ thuật trang trí kiến trúc, tượng pháp, hoành phi, câu đối và nhất là hình thức hầu đồng rất đặc sắc, mang đậm phong cách riêng ở địa phương.

Đền Cốc còn có tên gọi là Vạn Linh từ. Xưa đền thuộc xã Vạn Linh, huyện Lạng Giang, phủ Lạng Thương, trấn Kinh Bắc, nay là xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Theo lời kể của vị Thủ đền: Từ Cốc có nghĩa là chim cốc (chim phượng hoàng), gắn liền với một truyền thuyết: Xưa có 100 con chim cốc bay đến dãy núi Nham Điền (núi Neo) để chọn kinh đô nhưng chỉ có 99 ngọn cho 99 con đậu, một con không có nơi dừng phải bay đến ngọn núi Cốc và chết ở đấy. Hiện nay, ngọn núi này có hình giống như chim phượng hoàng nên người dân địa phương gọi là núi Cốc.

Đền Cốc là nơi hội tụ của tri thức cộng đồng làng xã được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Khi khởi công xây dựng đền, người ta đã vận dụng thuyết phong thuỷ vào kiến trúc, vừa tôn thêm vẻ đẹp vừa tạo sự linh thiêng cho ngôi đền. Đó là, thế đất phải cao ráo, sạch sẽ, cây cối tốt tươi, chim muông tụ hội. Đền xây dựng trên thế đất dưới chân hình con mãng xà nhả ngọc, phía trước có núi Cốc án ngữ, bên tả là núi Quy (núi Trụ), bên hữu có núi Diễu, trước đền có hồ tụ phúc. Với sự lựa chọn như vậy, người ta tin rằng: khí thiêng của trời sẽ truyền sinh lực xuống đất, làm cho người an, vật thịnh, Phật đạo hanh thông. Đền quay mặt về hướng đông - nam mang ý nghĩa hướng của Bát Nhã, tạo trí tuệ viên thông. Nhờ có trí tuệ làm đầu mà con người ở cõi trần gian diệt trừ được vô minh, hướng tới tâm thiện mà lìa bỏ làm việc ác. Đồng thời, hướng nam là hướng đề cao thần linh (Thánh nhân ngồi quay mặt hướng nam để nghe lời tâu bày của chúng sinh).

Tiền thân của ngôi đền này là do cư dân thuyền chài dựng lên. Tên của làng Cốc xưa là làng Vạn Linh mà nay trong xã vẫn còn tên gọi xóm Thuyền, xóm Cầu. Theo địa hình, trước đây làng Vạn Linh cận kề sông Thương nên giặc phương Bắc đi theo đường sông Thương vào Bắc Giang, đường bộ từ Lạng Sơn xuống đánh chiếm vùng Kinh Bắc, tạo bàn đạp vào Hà Nội. Sự kiện này gắn liền với trận Tây Môn Sấm diễn ra ở ngoại vi thị xã Bắc Giang khiến người dân làng Vạn Linh phải vào núi Thông cư trú. Họ đến vùng đất mới sớm thích ứng với cuộc mưu sinh đánh bắt cá và thu lượm lúa mọc tự nhiên trên ao, đầm, sông, hồ cho nên lấy tên xã là Dĩnh Trì (Dĩnh Trì có nghĩa là lúa trời mọc nổi trên mặt nước ao, hồ). Đồng thời, họ xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo làm nơi sinh hoạt văn hoá của cộng đồng làng xã, như: đình Son (còn gọi là đình Sôn, đình Phúc Thọ), chùa Vạn Linh (cùng hệ phái sơn môn với chùa Vĩnh Nghiêm, Đống Nghiêm), đền Cốc thờ Sơn thần... Tiếc thay, các công trình kiến trúc trên đến nay không còn do bị giặc Pháp bắn phá và chính sách tiêu thổ kháng chiến của nhà nước ta.

Để tưởng nhớ ân thâm các vị thánh thần đã ban phúc lành cho muôn dân, năm 1960, gia đình cụ Nguyễn Văn ý thu lượm từ các công trình kiến trúc trên mang về dựng 3 gian nhà để thờ vọng 18 vị vua Hùng và 2 vị thành hoàng là Cao Minh Đại vương và Quý Minh Đại vương. Sau khi cụ ý qua đời, anh Nguyễn Văn Quý tiếp nhận để phụng sự Phật, Thánh. Năm 1989, đền được xây dựng lại, lấy tên là Vạn Linh từ và được trùng tu, tu sửa vào năm 2001 và cuối năm 2004.

Hiện nay, ngoài thờ các vị thánh nói trên, đền Cốc còn phối thờ Phật, đức thánh Trần, vua cha Bát Hải, các vị thánh hàng Tứ phủ, thờ thánh Mẫu của người Việt (mẫu Liễu Hạnh), người Chăm (Thiên Y A Na), người Hoa (Linh Sơn Thánh Mẫu), tạo nên một "bức tranh văn hoá" tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với sự hội nhập văn hoá như vậy, đền Cốc không chỉ là nơi khách thập phương đến thắp hương khấn cầu các vị Phật, Thánh ban phúc lành cho muôn dân, mà còn là điểm tham quan, nghiên cứu hấp dẫn đối với công chúng thông qua các hạng mục công trình kiến trúc, trang trí kiến trúc, các hoạ tiết hoa văn trên đầu đao, lá mái, tượng pháp và đồ thờ của bản đền.

Mở đầu kiến trúc đền Cốc là Nghi môn, tượng trưng cho thiên, địa, nhân nhất thể, theo ý tưởng: trời, đất và con người hoà đồng làm một. Từ đó, do nhân duyên nhân khởi mà sinh ra đại từ tâm, người an, vật thịnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Nghi môn được làm theo kiểu "chồng diêm 8 mái", tầng dưới là cửa ra vào, tầng trên trang trí các đầu đao lá mái, các con vật tứ linh (long, ly, quy, phụng) và cỏ cây hoa lá. Vào lúc sáng sớm và mộ chiều, nhà đền thỉnh chuông, âm thanh vang vọng, đánh dấu khoảnh khắc ngày và đêm, gọi hồn bơ vơ về trú ngụ cửa đền, dẫn dắt chúng sinh hướng về đất Phật, đất Mẹ. Các đầu đao trên Nghi môn quay về 4 hướng, vận hành theo thuyết Kinh Dịch, uốn lượn tạo thành những đường guột, gây cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Cửa đền rộng mở, đón nhận thiện tâm đi trên đường Thần đạo để qua sân đền rồi vào nhà Tiền đường lễ Phật, lễ Thánh, vào nhà Công đồng lễ Cha - Mẹ của hàng Tứ phủ, lên nhà sàn lễ mẫu Liễu Hạnh và các vị thánh liên quan đến nghề xem bói. Du khách vào tới cửa đền, những bon chen đời thường bỗng tan biến, chỉ còn lại tâm không hoà vào không gian tĩnh lặng dưới làn khói hương với tấm lòng thành kính.

Qua Nhà tiền đường (nơi thờ Phật) tới nhà Công đồng thánh Mẫu đánh dấu ngăn cách 3 bậc thềm lên xuống. Mỗi bậc thềm mang một triết lý dân gian về trải nghiệm hành trình của con người: sinh, bệnh, lão. Nhà Công đồng rộng 5 gian với 2 đầu hồi bít đốc được xây liền với 2 trụ hoa biểu. Trên nóc trụ, đắp nổi hình 4 con chim phượng, đuôi hướng lên trời, đầu choải xuống đất và toả ra 4 hướng tạo thành bông hoa sen cách điệu. Mô típ này mang ý nghĩa âm dương đối đãi giao hoà giữa trời và đất. Phần ô lồng đèn đắp nổi hình cỏ cây hoa lá (tùng, cúc, trúc, mai) và trên đầu của 2 đầu hồi nhà đắp nổi 2 con lân để canh đền và soi sét tâm tính khách hành hương.

Trong quần thể kiến trúc của đền Cốc, hầu hết các hàng cột cái, cột quân liên kết với nhau qua các bộ vì kèo theo kiểu "giá chiêng", tạo không gian cao, thoáng, lấy ánh sáng trời chiếu vào mỗi khi mở cửa. Trong số hạng mục kiến trúc trên thì nhà Công đồng được coi là trung tâm điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian của Tam phủ - Tứ phủ. Du khách bước chân vào nhà Công đồng đều cảm nhận được sự thâm nghiêm của chốn linh thiêng thờ Phật, Thánh thông qua hệ thống an vị tượng pháp cùng với màu sắc của hoành phi câu đối, khám thờ, ánh sáng của đèn nến... Dưới bàn tay tài hoa, người Thủ đền đã biết phối hợp giữa không gian thờ tự và ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài hắt vào dựa trên thuyết phong thuỷ để làm tăng thêm tuổi thọ cho công trình kiến trúc đền Cốc.

Ngoài giá trị văn hoá kể trên, còn phải kể đến hệ thống tượng thờ của các vị thánh hàng Tứ phủ ở nhà Công đồng. Với hơn 50 pho tượng làm bằng gỗ mít, sơn son, thiếp vàng, bạc (lớn nhỏ khác nhau) đại diện cho các vị thánh hàng Tứ phủ (Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ) là tượng hàng quan, chúa, chầu, cô, cậu; tất cả được hội tụ thờ tự ở đây. Bởi vậy, đền Cốc không chỉ có giá trị về kiến trúc, tượng pháp, đồ thờ, thuyết phong thuỷ, nghi thức hành lễ của cha ông xưa truyền lại cho đến nay mà còn có giá trị nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về sự hội nhập văn hoá, về tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam nói chung và ở Bắc Giang nói riêng. Với giá trị to lớn như vậy, đền núi Cốc thực sự là "Một bảo tàng sống" về tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam và đây cũng là 1 trong 3 ngôi đền tư gia xây dựng, quản lý lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam.

Nói đến đền, phủ, điện là nói đến nghi lễ hầu đồng (hay còn gọi là nghi lễ múa thiêng, trình diễn dân gian). Lễ hầu đồng ở đền núi Cốc diễn ra quanh năm và nhộn nhịp nhất là vào 3 tháng mùa xuân và tháng 8, 9, 10 âm lịch. Ngoài nét chung của văn hoá lên đồng do các thanh đồng của đạo Tam phủ - Tứ phủ tiến hành nghi lễ giao tiếp với thần linh, còn có nét riêng do tính đặc thù văn hoá địa phương và bản mệnh của người đồng thầy giữ đền đã tạo nên một nét đặc sắc riêng của các giá hầu đồng liên quan đến 3 toà chúa bói, lễ Khai toà chúa bói cho các thanh đồng có căn lộc xem bói. Các giá hầu này đã tái hiện lại cuộc "hành trình" của 3 vị chúa bói là: Tây Thiên Công chúa, Nguyệt Hồ Công chúa, Chúa ót Lâm Thao và 7 toà chúa chữa bệnh được vị Tổ sư nghề bói là Quỷ Cốc Tiên sinh dạy nghề.

Ngoài ra, đền núi Cốc còn lưu trữ nhiều pho tượng được đúc bằng đồng đỏ, như: các pho tượng thánh ở cung vua cha Bát Hải, tượng mẫu Liễu Hạnh, mế Đặng Thị Tươi, cậu bé Tà Là Pụt Bay ở trên ban thờ nhà sàn và các bức hoành phi, câu đối, đại tự làm bằng gỗ mít, được viết bằng chữ Hán, ca ngợi cảnh đẹp, lịch sử đạo Mẫu và sự hưng vượng của đạo Pháp. Đặc biệt, ở đền còn bảo lưu kỹ thuật sơn son thiếp vàng theo kiểu truyền thống trên các pho tượng Quỷ Cốc Tiên sinh, tượng bà chúa Sơn Trang và khám thờ ban Sơn Trang..., không chỉ có tác dụng chống sự hại của mối, mọt, khí hậu mà còn tạo thêm nét mỹ thuật và sự linh thiêng vi diệu cho đồ thờ của bản đền.
 
Về chúa bói lâm thao

Chúa Lâm Thao là con gái vua Hùng thứ 17, tên hiệu là Nguyệt Cư công chúa. Chúa là một người con gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành và tấm lòng yêu nước thương dân bao la trời bể. Ngay từ khi còn nhỏ, chúa đã từng dạo khắp muôn nơi, xem xét tình hình dân chúng. Đến tuổi thành niên, lúc đó trong triều có vị quan võ cận thần đứng trong hàng tứ trụ tên là Lí Văn Lang được vua cha cho sánh duyên cùng công chúa. Chúa cùng phò mã sống bên nhau rất hạnh phúc nhưng buồn thay cưới nhau đã lâu mà hai người chưa hạ sinh quý tử. Rất lấy làm khổ tâm và buồn bã, vào một hôm, chúa cùng phò mã vào tâu chuyện với đức vua. Đức vua cũng không biết làm sao đành khuyên 2 con về lập đàn tràng giữa trung thiên mà cầu đảo. Hai con vâng lời về lập đàn giữa trời y theo lời cha dặn. Đêm đó, chúa nằm thấp thỏm hi vọng trời đất thấu tình mà ban cho một đứa con. Gần đến sáng, chúa mới thiếp đi được một lúc và ngài nằm chiêm bao, ngài thấy từ trên trời cao có 12 con rồng bay xà xuống và bay hết vào miệng chúa. Chúa bừng tỉnh giấc và lạ thay, trên bụng người đâu ra có một cái bọc rất lớn. Chúa vội vàng mở ra và thấy trong bọc là 12 quả trứng rất to. Lòng chúa nao nao không biết nên mừng hay nên lo và kể lại giấc mơ lạ lùng cho phò mã. Phò mã nghe xong liền nở nụ cười mãn nguyện:" Vậy là trời đất đã thấu lòng của vợ chồng ta rồi, đây chắc chắn là 12 hoàng tử"( tay chỉ vào bọc trứng). Chúa nóng ruột vội vã chạy đến cung vua. Phò mã cũng chạy đuổi theo chúa. Trên đường 12 quả trứng đã dàn dần nở. Đầu tiên là 1 quả, rồi 3 quả,rồi 2 quả, xong lại 3 quả, 2 quả và khi đến chân núi Nghĩa Lĩnh (núi đền Hùng bây giờ) thì quả cuối cùng nở ra. 12 bé trai khôi ngô tuấn tú chào đời. Công chúa cùng phò mã mừng vui khôn xiết. Vua Hùng cũng rất đỗi mừng rỡ khi nghe chúa thuật lại chuyện giấc mơ và sự ra đời của 12 hoàng tử. Vua Hùng liền sai quân lập đàn để bái tạ trời đất. Lúc đó sấm sét nổi lên vang trời và lúc đó là lúc chúa được trời đất ban cho lộc bói và cả lộc chữa bệnh. 12 người con chúa lớn nhanh như thổi. Lúc này là lúc Thục Phán (sau là An Dương Vương) nhòm ngó cướp nước ta(sử sách ghi lại là cuối đời vua Hùng thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán nhưng thực chất từ thời này, Thục Phán đã có mưu mô cướp ngôi),vua Hùng rất lo lắng. Một hôm, phò mã cùng người con cả ra sông đánh cá, cả ngày mà hai cha con chỉ đánh được duy nhất một con cá chép rất to. Về nhà, chúa làm thịt cá,khi mổ bụng ra thì lạ thay, trong bụng cá có một thanh gươm. Chúa hốt hoảng gọi cả nhà vào xem sự lạ. Khi đó, người con cả rút gươm trong bụng cá ra vung lên, một luồng hào quang sáng chói toả ra. Chúa ngồi tĩnh tâm xem kĩ và nói rằng :"đây là thanh gươm thần mà trời ban cho ta để giết giặc". Ngay hôm sau, phò mã cùng con trai cả vào xin đức vua cho đi đánh đuổi giặc, vua đồng ý. Hai cha con ra chiến trường,cứ mỗi lần vung gươm lên là một luồng hào quang loé ra tiêu diệt quân giặc. Giặc chết như ngả rạ. Chúa ngồi nhà cũng đã bói trước được rằng 2 cha con sẽ thắng lớn. Quả đúng như vậy, hai cha con trở về với tin vui thắng lớn, từ đó dân chúng sống an lạc. Chúa thường xem bói cho muôn dân biết trước tai ương mà tránh, ai có bệnh âm chúa bảo cách cúng lễ cho khỏi, ai bệnh trần chúa bốc thuốc cho được bình an. Muôn dân ngàn lần biết ơn chúa. Khi mãn chân tu tròn quả kiếp, chúa cùng gia đình lần lượt qua đời. Nhân dân ghi nhớ công ơn nên lập đền mở đình thờ tôn nghiêm dốc lòng phụng sự.


Đền thờ Chúa Đệ Tam Lâm Thao ở cách mặt đường thị trấn Cao Mại huyện Lâm Thao 30m (đi qua cầu Trung Hà 8km). Ngôi đền không được to lắm nhưng giữ nguyên được nét cổ kính đơn sơ. Đền có ba gian. Gian ngoài cùng có ba ban thờ: ban giữa là Công Đồng (trên cùng là tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, dưới là trượng Vua Cha Ngọc Hoàng cùng 2 bên quan Nam Tào Bắc Đẩu, dưới nữa là 3 pho Tam Toà Quốc Mẫu nguy nga, dưới là 3 pho tượng nhỏ hơn là Tam Toà Chúa Bói, tiếp theo là Ngũ Vị Tôn Ông, và dưới cùng là Ông Bảy, Ông Mười), ban bên trái thờ nhà Trần gồm tượng Đức Ông và 2 vương cô, bên phải là ban Chúa Sơn Trang và Chúa Thác Bờ. Gian thứ 2 là ban thờ vọng vào cung cấm Chúa. Và cuối cùng là cung Cấm. Cung cấm thờ theo lối lầu son gác tía. Chúa ngồi trong cung ngang hàng cùng phò mã trên lầu, phía dưới là 1 tượng Chúa to hơn tượng chính do con nhang ở Hà Nội cung tiến về bản đền. Hai bên lầu là 2 chiếc cầu thang bắc lên trên lầu chúa. Cung cấm của Chúa là cung vàng lầu ngọc đẹp long lanh.Chúa hoá tại chính cung này nhằm ngày 12/12. Ngoài sân rộng là ban thờ Mẫu Cửu và dưới là Cô Bé Lâm Thao. Hội của bản đền là từ ngày mồng 3 đến mồng 6 tháng giêng. Mồng ba thì làm lễ mộc dục, mồng 4 rước Chúa cùng phò mã đi quanh thị trấn và sang đền thờ người con trai cả. Khi rước thì kiệu phò mã rước ra trước và đứng lại ở mặt đường, kiệu chúa rước ra sau nhưng khi ra đường thì kiệu chúa lại đi trước.Đến mồng sáu lại rước Chúa cùng phò mã về bản đền.Ngày 10/3 giỗ Tổ Hùng Vương thì rước Chúa sang đền Hùng Đền hiện còn 26 sắc phong và được hiệp hội câu lạc bộ UNESCO VN bảo trợ cụm di tích 13 đình đền thờ gia đình công chúa Nguyệt Cư.



Ở thị trấn Cao Mại còn một nơi thờ Chúa Lâm Thao nữa, gọi là đền Hải Phòng vì do con nhang ở Hải Phòng về đền chính của chúa rước chân nhang về lập điện thờ. Người dân địa phương gọi là điện cô Thắng(thủ nhang điện tên là Thắng). Điện thờ có phần khang trang hơn đền chính nhưng không thể nào có cái vẻ đẹp mộc mạc cổ kính như đền được. Ngõ rẽ vào điện cách đền khoảng 100m, đi vào ngõ 100m thì rẽ trái vào xóm khoảng 50m. Xong ta đi bộ vào bên phải 30 sẽ có 1 chiếc cổng điện màu vàng. Điện có 3 nhà gồm5 cung thờ.Nhà thứ nhất Cung ngoài thờ Công Đồng gồm hệ thống tượng( từ trên xuống dưới) Tam Tòa Quốc Mẫu, Tượng cổ Chúa Lâm Thao của bản điện, Ngũ Vị Tôn Ông, 3 Ông Hoàng. Phía trong là cung cấm thờ Tam Vị Chúa Mường, bên phải là ban thờ Cô Chín, bên trái là ban thờ Cô Bé. Nhà thứ hai là Cung to,nguy nga thờ Chúa Lâm Thao,bên phải là ban thờ Chầu Lục, bên trái là ban thờ Chầu Đệ Nhị. Nhà thứ ba gồm 2 cung, cung bên phải thờ Sơn Trang và cung bên trái thờ Nhà Trần. Ngoài sân thờ Mẫu Cửu và ban dưới thờ sơn thần. Cạnh ban Mẫu Cửu là lầu Cô Bé Lâm Thao. Hiện nay điện đang xây dựng 1 nhà nữa nhưng không rõ để làm gì. Điện có chỗ ăn chỗ ở cho khách đường xa và các đoàn về xin cung tỏa bóng.
[YT]-km4OzrzZok&feature=related[/YT]
 
Trình tự các giá trong một vấn hầu

1.Thỉnh Tam Tòa Quốc Mẫu

2.Nhà Trần

*Đức Ông Trần Triều hiển thánh Nhân Võ Hưng Đạo Đại Vương

*Tứ vị Vương Tử

-Hưng Vũ Vương

-Hưng Hiến Vương

-Hưng Nhượng Vương

-Hưng Trí Vương

*Nhị vị Vương Cô

-Quyên Thanh Công Chúa

-Đại Hoàng Công Chúa

*Vương Tể Phạm Ngũ Lão

*Đức Ông Tả Hữu

-Ông Yết Kiêu

-Ông Dã Tượng

*Cô Bé Cửa Suốt

*Cậu Bé Cửa Đông

3. Hội đồng Chúa

*Tam Vị Chúa Mường(Tam Tòa Chúa Bói)

-Chúa Tây Thiên Đệ Nhất

-Chúa Nguyệt Hồ Đệ Nhị

-Chúa Lâm Thao Đệ Tam

*Chúa Thác Bờ

*Chúa Long Giao

*Chúa Cà Fê

*Chúa Năm Phương

*Chúa Mọi

4. Ngũ Vị Tôn Ông

-Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên

-Quan Lớn Đệ Nhị Giám Sát

-Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ

-Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai

-Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh

*Quan Điều Thất

*Quan Triệu Tường

5. Thập Nhị Chầu bà

-Chầu Đệ Nhất

-Chầu Đệ Nhị

-Chầu Đệ Tam

-Chầu Đệ Tứ

-Chầu Năm Suối Lân

-Chầu Lục Cung Nương

-Chầu Bảy Kim Giao

-Chầu Bát Nàn Tiên La

-Chầu Cửu Tỉnh Sòng Sơn

-Chầu Mười Đồng Mỏ

-Chầu Bé Bắc Lệ

6. Tứ Phủ Ông Hoàng

-Ông Hoàng Cả Quận Vân

-Ông Hoàng Đôi Người Mán

-Ông Hoàng Bơ Thoải Cung

-Ông Hoàng Tư

-Ông Hoàng Năm

-Ông Hoàng Lục Thanh Hà

-Ông Hoàng Bảy Bảo Hà

-Ông Hoàng Bát Quốc (Quan Bắc Quốc)

-Ông Hoàng Chín Cờn Môn

-Ông Hoàng Mười Nghệ An

7. Tứ Phủ Tiên Cô

-Cô Cả Thượng Thiên

-Cô Đôi Thượng Ngàn

-Cô Bơ Bông

-Cô Bơ Tây Hồ

-Cô Tư Ỷ La

-Cô Năm Suối Lân

-Cô Sáu Lục Cung

-Cô Bảy Kim Giao

-Cô Tám Đồi Chè

-Cô Chín Thượng Ngàn

-Cô Chín Giếng (Cô Chín Sòng)

-Cô Mười Mỏ Ba

-Cô Bé Đông Cuông

-Cô Bé Tân An

-Cô Bé Núi Dùm

-Cô Bé Minh Lương

-Cô Bé Mỏ Than

-Cô Bé Suối Ngang

-Cô Bé Thác Bờ

-Cô Bé Bản Đền

.............

-Cô Đôi Cam Đường

8.Tứ Phủ Thánh Cậu

-Cậu Hoàng Cả Phủ Giầy

-Cậu Hoàng Cả Sòng Sơn

-Cậu Hoàng Đôi

-Cậu Hoàng Bơ

-Cậu Hoàng Tư

-Cậu Hoàng Năm

-Cậu Hoàng Bé Đồi Ngang

-Cậu Bén Bản Đền

9. Quan Hạ Ban

-Hoàng Hổ Thần Tướng

-Thanh Hổ Thần Tướng

-Xích Hổ thần Tướng

-Bạch Hổ Thần Tướng

-Hắc Hổ Thần Tướng

-Thanh Xà Đại Tướng

-Bạch Xà Đại Tướng
 
Long Vân Khánh Hội Đản Nhật Tứ Phủ Hàng Niên

-Tháng Giêng
+Thượng Nguyên
+Ngày 9: Tiệc Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế
+Ngày 21: Tiệc Tứ Vị Vua Bà Cờn Môn Linh Từ

-Tháng hai
+Ngày Mão đầu: (Ngày 3) Tiệc Đức Quốc Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông Linh Từ
+Ngày 12: Tiệc Mẫu Tuyên Tam Cờ, Núi Dùm, Ỷ La ,Cảnh Xanh Linh Từ
+Ngày 14: Tiệc đản nhật sinh thần Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh
+Ngày 15: Tiệc Chúa Bói Đệ Nhị Nguyệt Hồ Nguyệt Hồ Linh Từ
+Ngày 21: Tiệc Đức Quốc Mẫu Sòng Sơn Linh Từ

-Tháng ba
+Ngày 3: Tiệc Đức Quốc Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên Phủ Giầy Vân Cát
+Ngày 7: Tiệc Cậu Bé Đồi Ngang
+Ngày 14: Tiệc Chầu Đệ Tứ Khâm Sai quyền cai tứ phủ Duyên Trường Linh Từ
+Ngày 17: Tiệc Chầu Bát Nàn Đông Nhung Đại Tướng Quân Tiên La Linh Từ

-Tháng tư
+Nhập Hạ
+Ngày 1 : Tiệc Chúa Bà Thác Bờ
+Ngày 18: Tiệc Chầu Bà Đệ Tam Thoải Phủ
+Ngày 24: Tiệc Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai

-Tháng năm
+Ngày 5 : Tiệc Đệ Nhị Vương Cô Đôi Trần Triều Đại Hoàng Công Chúa
+Ngày 10: Tiệc Chầu Lục Cung Nương Lục Cung Linh Từ
+Ngày 25: Tiệc Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh Ninh Giang,Kì Cùng Linh Từ

-Tháng sáu
+Ngày 12: Tiệc Đức Quốc Mẫu Thủy Phủ Hàn Sơn Linh Từ,
Tiệc Cô Bơ Ba Bông Linh Từ
+Ngày 16: Tiệc Chúa Bà Ngũ Phương Bản Cảnh Cấm Giang Linh Từ
+Ngày 24: Tiệc Quan Lớn Đệ Tam Lảnh Giang,Xích Đằng Linh Từ

-Tháng bảy
+Tán Hạ
+Ngày 12: Tiệc Mẫu Tuyên
+Ngày 13: Tiệc Quan Lớn Triệu Tường
+Ngày 17: Tiệc Ông Hoàng Bảy Bảo Hà Linh Từ

-Tháng tám
+Ngày 20: Tiệc Đức Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
+Ngày 22: Tiệc Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình Thái Ninh Phủ Đồng Bằng Linh Từ

-Tháng chín
+Ngày 2: Tiệc Cô Bé Suối Ngang
+Ngày 9: Tiệc Đức Quốc Mẫu Cửu Trùng
+Ngày 19: Tiệc Cô Chín Giếng Sòng Sơn Linh Từ
+Ngày 20: Tiệc Công Đồng Bắc Lệ- Chầu Bé Bắc Lệ

-Tháng mười
+Ngày 10: Tiệc Ông Hoàng Mười Nghệ An Khu Độc,Mỏ Hạc Linh Từ

-Tháng mười một
+Ngày 2: Tiệc Quan Lớn Đệ Nhị Giám Sát Đồi Ngang

-Tháng 12:
+Tất Niên
+Ngày 10: Tiệc Đức An phụ An Sinh Vương Huý Trần Quốc Liễu
+Ngày 12: Tiệc Đệ Tam Chúa Bói Lâm Thao Nguyệt Cư Công Chúa Lâm Thao Linh Từ
 
Last edited:
Về Chầu Bé Bắc Lệ-1 vị thánh trong đạo Mẫu

Chầu Bé vốn gốc người Nùng, dưới thời Lê Thái Tổ, chầu giáng sinh xuống miền Bắc Lệ, Lạng Sơn. Chầu cũng là vị có công giúp dân, giúp nước. Có tài liệu cho rằng Chầu Bé tuy là một vị chầu bà người Nùng trên Lạng Sơn, nhưng chầu lại chính là do Mẫu Thượng Ngàn hóa thân, giúp vua Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh, và sau này được vua phong là Lê Mại Đại Vương. Vậy nên đôi khi Chầu Bé cũng được đồng nhất với Bà Chúa Sơn Trang. Chầu dạo chơi khắp chốn thắng cảnh hữu tình, dạy dân chúng trồng trọt chăn nuôi, lên rừng làm ruộng bậc thang, xuống sông suối đánh bắt cá tôm. Tương truyền, Chầu Bé có phép thần thông do Đức Thái Tổ ban quyền có thể lay núi chuyển ngàn, đôi lúc rong chơi chầu lấy tàu lá giả làm hàng bán để trêu đùa người trần gian. Tuy đành hanh sắc sảo nhưng chầu cũng hết sức nhân hậu, có việc dữ lành chầu đều mách bảo cho người trần.

Chầu Bé cùng với Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục, là một trong ba vị Chầu Bà trên Thượng Ngàn hay về ngự đồng nhất. Tuy thứ bậc chầu gần như là cuối cùng trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà nhưng không một ai hầu mà chầu không ngự đồng. Chầu ngự về đồng thường hay mặc áo đen (hoặc xanh chàm, còn trước đây chầu chỉ mặc quầy và áo ngắn đến hông), chân đi xà cạp, trên vai đeo gùi hoa, chầu về đồng thường khai quang rồi múa mồi. Đôi khi Chầu Bé có thể giống như Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục: chầu về chứng tòa Sơn Trang trong đàn mở phủ, sang khăn cho tân đồng hoặc chứng mâm giầu trình.

Đền thờ chính của Chầu Bé là ngôi đền nhỏ bên cạnh đền Bắc Lệ ở xã Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn với ngày tiệc chầu thì có nơi nói là 12/9 âm lịch, có nơi nói là 19/9 âm lịch. Ngoài Chầu Bé Bắc Lệ ra thì ở một số bản đền có các Chầu Bé cũng trên Thượng Ngàn, là Chầu Bé coi giữ ở đền đó và chỉ khi về chính đền, các vị đó mới ngự. Đó là:

a.Chầu Bé Đông Cuông (Đền Đông Cuông, Yên Bái)
b. Chầu Bé Đồng Đăng( Đền Đồng Đăng, Lạng Sơn)
c. Chầu Bé Tam Cờ (ở Đền Tam Cờ, Tuyên Quang)
d. Chầu Bé Đền Ghềnh (ở Đền Ghềnh, Hà Nội)

Nhưng thông thường, người ta chỉ hay hầu về Chầu Bé Bắc Lệ (cũng bởi vì có khi người ta coi các vị Chầu Bé kia cũng chỉ là Chầu Bé Bắc Lệ, giáng hiện ở khắp nơi, được phụng thờ ở đền đó làm Chầu Bé bản đền nên mang các tên gọi khác nhau). Khi chầu ngự, văn thường hát rằng:
“Ai lên tới Lạng Sơn châu thổ
Hỏi thăm đền Chầu Bé nơi nào
Hỏi thăm Bắc Lệ mà vào
Đền thờ Chầu Bé thấp cao mấy tầng”
Hay khi nói về những cuộc dạo chơi nơi non bồng nước nhược, nơi cảnh trí hữu tình của chầu:

“Thường dạo cảnh Bảo Hà Thác Cái
Đền Đông Cuông đức đại tối linh
Tuyên Quang cảnh trí hữu tình
Núi Giùm Mẫu ngự thác ghềnh nguy nga
Vào rừng cấm một tòa bích động
Đền Ỷ La lồng lộng ngôi cao
Cây Xanh chầu mắc võng đào
Mỏ Than chầu ngự thấp cao mấy tầng
Cảnh núi rừng đèo heo hút gió
Thú lâm sơn hoa cỏ tốt tươi
Minh Lương suối lượn quanh đồi
Chầu thường dạo cảnh khắp nơi hữu tình
Lai Châu, Suối Rút, Hòa Bình
Đỉnh non Bắc Kạn một mình cheo leo
Hài xanh đủng đỉnh lưng đèo
Trên dòng sông Vị mái chèo đua bơi
Khi về xứ Lạng rong chơi
Nức danh Chầu Bé nơi nơi phụng thờ
Đền Ghềnh cảnh đẹp nên thơ
Chầu lên Hương Tích hái mơ đem về”


Hay khi nói về sự tích và vẻ đẹp của Chầu Bé, văn cũng hát rằng:

“Chầu Bé vốn người Nùng chính gốc
Quả áo lam, khăn lục vấn đầu
Đai xanh kiềng bạc túi chầu
Một bên dao quắm che tàu lá gai
Chân hài xảo đầu cài trâm nhím
Vòng kim cương tam khí lồng tay
Hây hây mặt nước vơi đầy
Như bông hoa nở giữa ngày đầu xuân
Tuổi Chầu Bé đương tuần trăng độ
Trên Sơn Lâm Thái Tổ ban quyền
Phép tiên lay núi chuyển ngàn
Bẻ ba tàu cọ làm hàng bán chơi”

Văn Chầu Bé Bắc Lệ
Núi xếp núi mấy tầng cao thấp
Cây xen cây tràn ngập màu lam
( Ngôi Đền thờ chầu bé trên ngàn )x2
Có con suối nhỏ vắt ngang sườn đồi

Đàn cá lội đua bơi rẽ sóng
Nước lung linh in bóng trăng thu
( ngàn thông vang cất tiếng hát ru )x2
Hoa thơm trái ngọt bốn mùa ngát hương

Chầu bé Thượng vốn Nùng chính gốc
Áo tứ thân khăn thắm đội đầu
( Đai xanh kiềng bạc túi trầu )x2
Tay cầm dao quắm , vác bầu nước khe

Dận hải sảo , đầu cài trâm trí
Vòng kim cương tam khới lồng tay
( Hây hây mặt nước vơi đầy )x2
Chầu bé xinh đẹp như hoa nở trước ngày đầu xuân

Tuổi Chầu bé đương tuần trăng độ
Phép sơn trang đức tổ ban quyền
Có Phép tiên biến lá làm thuyền
Bẻ ba tàu cọ giả hàng bán chơi .


Bạn Thổ Mán nơi nơi tìm đến
Vượt cửa ngàn cung tiến quả hoa
Tử Long Bảo Lạc Tam Cờ
Sông Thao sông Cả sông Bờ sông Dâu

Khắp đâu đâu nức danh Chầu Bé
Tự cổ triều quốc sử còn ghi
Danh thơm Nam Bắc trung Kỳ
Giúp dân hộ quốc độ trì bốn phương

Sắc phong tặng đại vương trường trị
Trên Bắc Lệ ngàn tú khí danh lam
Chim kêu vượn hót trên ngàn
Tả thời bạch hổ hữu thời thanh long

Dòng bích lãng nước trong leo lẻo
Dải sông Tô uốn éo xinh ghê
Thông reo trúc mọc tứ bề
Đền thờ cao ngất trông về Bắc Ninh
Vẻ tinh tú bên ghềnh vị thuỷ
Chầu giáng đền trấn trị yêu ma
Chầu về trắc giáng điện tòa
Khuông phù đệ tử vinh hoa thọ trường

Hầu giá Chầu Bé Bắc Lệ tại bản đền Cô Chín Suối Rồng, Đồ Sơn, Hải Phòng:
http://blog.com.vn/Video/Chau-Be_152471.html
 
đền Quan Lớn Tuần Tranh-1 vị thánh trong đạo Mẫu

Đền Tranh hay đền Quan lớn Tuần Tranh thuộc xã Tranh Xuyên, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn (thị xã Ninh Giang hiện nay). Đây là một ngôi đền lớn thờ nhân vật mang tính huyền thoại theo tín ngưỡng dân gian, hằng năm có hai mùa lễ hội lớn vào tháng 2 và tháng 5.

Khoảng năm 1960, đền Tranh bị giải hạ để lấy đất xây dựng công trình khác. Đồ tế tự được chuyển về một ngôi miếu nhỏ ở phía nam thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, cách di trích cũ khoảng 300m về phía bắc. Năm 1995, đền được phép khôi phục. Công trình hiện nay khá hoành tráng với kinh phí xây dựng ngót một tỷ đồng do nhân dân công đức. Đền Tranh xưa lập ban thờ như thế nào nay chưa có cứ liệu nghiên cứu. Đền Tranh là nơi tập trung và phong phú nhất về tín ngưỡng dân gian mà điển hình là nhân vật huyền thoại Quan Lớn Tuần Tranh. Nghiên cứu thấu triệt từng nhân vật được thờ ở đây là điều không đơn giản.

Đền Tranh một năm có ba mùa lễ hội. Hội tháng 2, từ ngày 10-20 / 2, trọng hội vào 14 - ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh, đây là hội chính hàng năm. Hội tháng 5, từ ngày 20-26 / 5, trọng hội vào 25 - ngày hoá của Đức thánh. Lễ hội đền Tranh có quy mô rộng lớn, thu hút khách nhiều tỉnh phía Bắc, một trong những hội lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường, đặc biệt với các bà các cô ở các thành phố, bởi thế khách thập phương đến đây rất đông. Không chỉ trong những ngày hội (thường kéo dài tới 7 ngày) mà những ngày thường cũng không ít khách đến lễ và không thể thiếu tiết mục hát chầu văn. Chúng ta biết rằng, một ngôi đền mới được khôi phục và chưa được xếp hạng mà đã có ngót một tỉ đồng công đức là vấn đề không bình thường. Phần hội ở đây rất giản dị, đặc biệt phần lễ thì vô cùng phong phú và hấp dẫn. Những lời khấn ở đây hầu hết được viết thành thơ và được thể hiện bằng điệu chầu văn rất mượt mà , sôi nổi.
[YT]5TenHWNyUA4[/YT]
[YT]VplsaoBKFQM&feature=channel[/YT]
[YT]n905b1DF5fA&feature=channel[/YT]

Văn Quan Lớn Đệ Ngũ


Ra oai lẫm liệt tung hoành

Trừ tà sát quỉ Quan tuần chanh toàn tài

Cảnh thiên Thai quan tuần ngự giá

Các bộ Tiên nàng náo nức vào dâng hoa

Ninh Giang chính quán quê nhà

Dấu thiêng ghi để ngã ba sông Kì Cùng

Đấng anh hùng cổ kim lừng lẫy

Quan lớn tuần đã dậy thần cơ

Muôn dân đâu đáy phụng thờ

Lạng Sơn lại nổi ngôi đền thờ Quan Lớn Tuần Chanh

Cảnh Thanh nhiều nơi lịch sự

Vốn đặt bầy tự cổ truyền lai

Có phen xuất nhập trang đài

Đào lan quế huệ tiệc bầy xướng ca

Trên bát ngát long chầu hổ phục

Dưới tam đầu cửu vĩ chầu lên

Lâu đờn điệu múa đôi bên

Quan Tuần trắc giáng ngự trên sập công đồng

----------------------------------------------

Ngâm Thơ

Sông Chanh ơi sông Chanh ơi hỡi sông Chanh

Trăng nước còn in trận tung hoành

Lẫm liệt tung hoành oai tráng sĩ

Ngàn năm ghi để dấu anh linh

Hỡi ai qua bến sông Chanh

Nhớ người tráng sĩ tài danh tuyệt vời

Cho dù nước chảy hoa trôi

Bến sông Chanh còn đó công Quan lớn Tuần Ngài còn vang

Loa đồng hỏi nước sông Chanh

Thanh long đao giết giặc tung hoành là ai

Sông Chanh lên tiếng trả lời

Thanh long đao giết giặc chính người Quan Lớn Tuần lập chiến công

---------------------------------------------

Hát Phú Nói

Quyết mở đường cho dân an quôc thái

Dựng cơ đồ vạn đại cao sơn

Nhớ xưa tích cũ nhiệm màu

Quan Lớn Tuần trắc giá ngự đầu kim tinh

Tuổi niên thiếu Quan Lớn tuần kiêu đao trên yên ngựa

Sống vì đời thác chợ cho muôn dân

Bao phen lẫm liệt tung hoành

Cứu dân hộ quốc nên công hàng đầu

Gương anh dũng sáng ngời muôn thủa

Chí hào hùng rạng rỡ bốn phương

Vinh quang thay con Lạc cháu Rồng

Muôn dân ghi nhớ Quan Tuần ngài tài cao

Công hộ quốc quan Lớn Tuần Vua phong thượng đẳng

Tước long hầu truy tặng đại vương

Biển vàng chúc thánh thọ vô cương

Hiếu trung tiết nghĩa đôi đường vẹn hai

Sắc ban phong kim chi tam giới

Hay tróc tà sát quỉ trừ tinh

Quan lớn Tuần vạn pháp anh linh

Quyền ngài cai quản tướng âm binh nhà trời

Ngự đồng ai ngự quyền bóng quí

Nương oai trời thuỵ khí đoan trang

Quan lớn Tuần hiển thánh không ai đang

Ra tay tế độ người trần gian được nhờ

Oai quan gia thông mây thét gió

Hay có tà ngoài dục tà da

Mặc dầu ai vận hạn vẫn chưa qua

Kêu Quan Đệ Ngũ bệnh đà hết tan ngay​
 
Last edited:
Một số giá đồng (hình thức diễn xướng của đạo Mẫu)

Hầu Giá Tam Tòa Thánh Mẫu
[YT]geAoBYMheJY&feature=channel[/YT]
Hầu Giá Chúa Mường Đệ Nhất Tây Thiên
[YT]xErDjYjTsek&feature=channel[/YT]
Hầu Giá Chúa Mường Đệ Tam Lâm Thao
[YT]-km4OzrzZok&feature=channel[/YT]
 
Văn CHẦU ĐỆ NHỊ THƯỢNG NGÀN

CHẦU ĐỆ NHỊ THƯỢNG NGÀN
Dâng văn tiên chúa thượng ngàn
Đông Cuông tuần quán giáng đàn chứng đây
Trên ngày gió cuốn rung cây
Dưới khe cá lội chim bay về ngàn
Canh khuya nguyệt lặn sao tàn
Chiếc thoi bán nguyệt khoan khoan chèo vào
Gập ghềnh quán thấp lầu cao
Khi ra núi đó lúc nào ngàn xanh
Thượng ngàn Đệ Nhị tối linh
Ngôi cao công chúa quyền hành núi non
Anh linh đã khắp tiếng đồn
Sấm ran mặt bể chớp mưa tuôn đầu ghềnh
Da ngà mặt phượng long lanh
Mặt hoa tươi tốt tóc xanh rườm rà
Nhị hồng tuyết điểm mầu da
Cổ tay tựa ngà đầu vấn tóc mai
Vốn dòng công chúa Thiên Thai
Giáng sinh hạ giới quản cải Thượng Ngàn
Quản cai các lũng các lang
Sơn tinh cầm thú hổ lang khấu đầu
Khắp hoà tam thập lục châu
Chín từng khe suối một bầu tiêu dao
Dong chơi ngàn quế ngàn đào
Khi ra thác cái lúc vào thác con
Chim kêu vượn hót véo von
Chớp bể đồi đoạn mưa nguồn từng cơn
Khi nương gió lúc lại thác gièm
Khi bẻ cành quế khi vin cành hồng
Vui chơi nước nhược non bồng
Phố Cát đền Sòng sông Cả sông Thao
Lân rờn Phượng múa thấp cao
Ngày mây thấp thoáng trăng sao lững lờ
Nón buồm vai quẩy lẵng hoa
Đền khi phủ nọ vào ra chơi bời
Khi thanh vắng lúc lại êm trời
Ngồi trên đỉnh núi ghẹo người Hằng Nga
Tang tính tình thôi đọc lại ca
Bẻ bai giọng Xá ê a giọng Mường
Tiếng Kinh tiếng Mán tỏ tường
Lục châu quan hoả lúi lường líu lo
Dong chơi bát cảnh ngũ hồ
Đua chèo bẻ lái hò dô lại về
Khi chơi ngàn mái ngàn ngàn me
Ngàn giang ngàn nứa trúc tre ngàn vầu
Đôi cô Thổ Mán theo hầu
Cô xe chỉ thắm cô xâu hạt vàng
Sơn Lâm dọn quán bán hàng
Non xanh đủng đỉnh tuyết sương gieo hò
Khăn xanh áo lục nhởn nhơ
Khi vào ba dội lúc vô đường chèo
Môi son má phấn mỹ miều
Miệng cười hoa nở mọi chiều mọi hay
Đèn trăng quạt gió màn mây
Bóng thông che tán bóng mai tựa hình
Đi suối lúc lại về ghềnh
Đua chèo tiếng phách tiếng sênh reo hò
Chè tàu ba chén tính ưa
Thanh bông hoa quả ngự thừa lại ban
Yêu ai tài lộc chầu ban
Ghét ai chầu quở khôn ngoan được nào
Xem trong sự tích tân la
Vậy nên phúc đẳng hà sa vô cùng
Đệ tử dốc một lòng thành kính
Dâng bản văn trình chầu ngự giáng lâm
Mời chầu giáng phúc từ trung
Khuông phù đệ tử tăng long thọ trườn​
 
Phủ Nội Tiên Đình

Phủ Nội ( Phủ Nội Tiên Hương ) hay còn gọi là Phủ Nội Tiên Đình là nơi cội nguồn nội tộc sinh ra Công Chúa Liễu Hạnh – là nơi thờ Tổ Tiên, Ông Bà, Bố Mẹ và Thánh Mẫu từ lâu đời.



Phủ Nội cũng là nơi thờ Ngũ Vị Tôn Quan, Trần Trỉều, Chúa Sơn Trang … và đặc biệt ở đây có ban thờ Tổ Tiên sinh ra Thánh Mẫu và thờ Tam Toà Thánh Mẫu mang tính chất cội nguồn dòng họ Trần – Lê, nghĩa là Thánh Mẫu Liễu Hạnh là cao cao tổ Mẫu, là người sinh ra trong dòng họ Trần Lê.

Theo gia phả của dòng họ thì Công Chúa Liễu Hạnh vốn là Tiên Chúa Đệ Nhị Quỳnh Nương con của Ngọc Hoàng Thượng Đế do nỡ tay đánh rơi chén ngọc nên bị sắc giáng xuống trần gian, đầu thai làm con của Ông Lê Công Chính và Bà Trần Thị Phúc ( Là cụ đời thứ ba của họ Tràn Lê ). Vì thế mà trong hát văn có câu:

“ An Thái thôn quê đất Phủ Dầy

Thánh sinh vào cửa họ nhà Lê cải Trần ”.

Trong dòng họ hiện nay vẫn còn gia phả ghi chép về sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đặc biệt còn giữ lại được những sắc phong của các triều đại phong kiến ngày xưa ban sắc phong cho Thánh Mẫu và dòng họ từ thời Vua Vĩnh Khánh cho hết tới các thời Vua tiếp theo. Hiện nay trong dòng tộc vẫn còn lưu giữ và tu tạo các phần mộ của Tổ Tiên để lại như Cụ Thuỷ Tổ người sinh ra dòng họ, hay phần mộ của Vương Phụ Vương Mẫu ( Lê Thái Công và Thái Bà ) người sinh ra Công Chúa Liễu Hạnh.

Phủ Nội cách Phủ Tiên Hương ( Phủ Chính ) khoảng chừng 200m được xây dựng hàng trăm năm theo lối kiến trúc cổ truyền dân tộc, hiện nay do bị thổ cư che khuất nên chỉ nhìn thấy chiếc Cổng Chòi làm theo kiểu chồng diêm, đi vào bên trong mới nhìn thấy không gian của Phủ Nội.

Trong Phủ Nội hiện nay còn lưu giữ được tấm bia đá có tên “ Sỹ lâm hội “ trạm khắc hai mặt bằng chữ nho có niên hiệu Vua Duy Tân (1907). Trên tấm bia có đoạn khắc như sau :

“ Danh hương tiên ích ngô huyện lục kì chi nhất dã, anh phong viễn bá pháp vũ bàng chiêm, phù Tiên nhi thực chúng Mẫu dã cận lai chiêm bấi nhật dĩ ích chúng, xa mã bức tẩu phi cận nhất ngô huyện dĩ dã, viễn dã thả nhĩ nhi huống ư cận hồ. Ngã tiên công viên mưu hạt nội chư đồng nhân quyên xuất gia tư hiện mãi tự diền nhất mẫu, thanh tiền ngũ thập quán… ”.

Tạm dịch như sau:

( Dấu Tiên trong làng ta là một trong sáu sự lạ của huyện nhà. Tiếng thiêng liêng vang dội, mưa pháp thấm khắp mọi nơi. Tuy là Tiên nhưng cũng là sự thực là Mẹ của dân vậy, gần đây lễ bái ngày càng nhiều xe ngựa tấp lập kéo về, không phải chỉ huyện nhà mà là khách tự mọi nơi, xa còn như vậy gần thì sao đây. Tổ Tiên ta bàn với người trong hạt xuất tiền của và quyên góp các nơi mua được một mẫu ruộng thờ, tiền xanh 50 quan để lo công việc tế lễ …).

Chánh chi hội trưởng xã Tiên Hương, tri huyện Trần Bình Hành, cựu hào tú tài Đỗ Văn Nghi lậy viết…

Khi vào trong phủ Nội sẽ thấy một bức đại tự dã có từ lâu đời được sơn phủ tinh tế đề chữ :

“ Thụ Tư Giới Phúc “

( Mọi người nhận được sự ban phúc )

Trong phủ có quả chuông “ Cải Tạo Cư Chung “ (mới làm lại chuông) có niên hiệu vua Tự Đức (1876).

Nội dung ghi như sau:

- Tiếng chuông cảnh giới những ai chậm hiểu, truyền đức tốt đẹp cho mọi người, nơi Dao Trì tuy không xa ( cảnh Tiên ), nhưng nếu không có chính tâm thì không tới được…

Sau khi nêu tiếng chuông giáo hoá lòng thiện cho đời, chuông còn ghi chép việc tiến cúng của mọi người địa phương, thập phương để lo tu tạo cũng như kính lễ.

Chuông còn có bài minh khuyên con cháu và người đời hướng làm diều thiện tích đức để hưởng phúc lâu dài, có cuộc sống hạnh phúc.

Trong phủ còn có một đôi câu đối niên hiệu vua Thành Thái Canh Tý ( 1900 ) như sau:

“ Hữu Tiên tắc danh lãng uyển bồng hồ thế giới

Dầy đức vô cương hiển nhiên tiên cảnh nhân gian “

(Có Tiên tất có tiếng, thần ở cõi đời cũng là Tiên nơi Lãng Uyển

Đức lớn không có bờ, rõ ràng là cảnh Tiên của người chốn nhân gian).

Ở trong cung có dựng hai tấm biển sơn son thiếp vàng rất đẹp, ý nghĩa lại sâu sắc đề chữ cả hai mặt có niên hiệu thời nhà Nguyễn.

Một tấm biển đề như sau :

“ Trương phụ dĩ đức
Liệt huyện dương huy ”

( Có đức để giúp chồng

Nêu đức tốt trong huyện ).

Một tấm biển khác đề :

“ Lương môn biểu tắc
Trợ tử phu thành ”

( Cửa tốt nêu phép đúng

Giúp cho con thành đạt ).

Trong phủ hiện nay còn lưu giữ được một bộ cửa theo kiểu bức bàn có từ thế kỉ 19 rất tinh tế. Bộ cửa trạm khắc họạ tiết :

“Mẫu long giáo tử ”

( Mẹ rồng dạy bảo rồng con )

Và nhiều đề tài khác như ly chầu, phượng vũ rất công phu và nghệ thuật. Đây là một trong những bộ cửa còn nguyên vẹn từ thời các cụ để lại thể hiện nghệ thuật độc đáo về trạm trổ và sơn thiếp của cổ nhân.

Như vậy Phủ Nội là một trong những di tích trong quần thể di tích Phủ Dầy rất đáng được quan tâm. Về với Phủ Dầy là về với quê hương sinh ra Thánh Mẫu, còn về với Phủ Nội là về với gia đình dòng họ sinh ra Thánh Mẫu. Đây là di tích càng ngày càng nhiều các khách hành hương về thăm quan chiêm bái lễ Tổ lễ Mẫu khi về với Phủ Dầy.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,457
Bài viết
1,152,986
Members
190,096
Latest member
v9bettel
Back
Top