What's new

[Chia sẻ] Dạo qua Thái - Miến - Lào

Tết đến xuân về, em và các bạn mới làm chuyến du xuân sang thăm thú ba bạn láng giềng, coi như mở hàng đầu năm. Chuyến đi với những cảnh sắc kỳ thú, những con người thân thiện, những người bạn chân thành và những câu chuyện thú vị đem lại cho mỗi người những xúc cảm khó quên.

Thời gian: 7 ngày

Chi phí: 3tr8/ người (bao gồm vé máy bay 2 chặng, ăn, ngủ, vé tham quan các địa điểm, phí xuất nhập cảnh, đi lại)

Lịch trình:
Ngày 1: HN - BKK - Chieng Rai (2 chặng bay)
Ngày 2: Chieng Rai - Chiang Sean - chùa Wat Chedi Luang - Tam giác vàng (Golden Triangle) - Mae Sai
Ngày 3: Mae Sai - qua làng Tachileik (Miến) - chùa Dhammayon - chùa Swedagon Tachikeik - khu du lịch của người Paudang (cổ dài) và Akha - Nhập cảnh lại Mae Sai - Chieng Mai - Chiang Mai Night Bazaar
Ngày 4: Chiang Mai - Lễ hội hoa Chieng Mai - chùa Wat Chang Lom - chùa Wat Phra Sighn - chùa Wat Phra Doi Suthep - khu nghỉ dưỡng của nhà vua - Sukhothai
Ngày 5: Sukhothai - Sukhothai Hístorical Park - Phisanulok - Udon Thani
Ngày 6: Udon Thani - CK Nong Khai - Vientiane (Lào) - Patuxay - That Luang - vườn Phật - chợ Sáng - CK Nam Phao
Ngày 7: CK Nam Phao - CK Cầu Treo - Hà Nội
 
Ờ hay đấy, có đủ nhàn để cho thằng nhóc 5t nhà em đi cùng được không vậy?
 
Dạ thưa bác Babel, chuyến đi này của bọn em đã kết thúc lâu rồi ạ, bây giờ em chỉ hồi tưởng lại thôi :D. Đi thì cũng nhàn, bác cho con cháu bám càng thoải mái

Rời Hà Nội trong những ngày rét mướt nhất, bọn em đến Bangkok vội vã như muốn chạy trốn cái lạnh tái tê và buốt giá của Hà Nội. Đi chơi và đi tránh rét. Thủ đô của Thái hiện ra chan hoà ánh nắng như nó vốn là thế, ấm áp và tưng bừng mời mọc du khách phương xa. Bangkok, thành phố không ngủ, a non-stop city, thật ra cảnh vật em thấy chả có gì ngoài vài ba đền chùa nhưng vẫn luôn có sức quyến rũ đáng sợ vì dịch vụ thư giãn giải trí mua sắm được chú trọng và thực hiện rất tốt, rất biết cách làm khách hàng trở lại liên tục, móc ví liên tục mà vẫn cười như hoa. Đặc biệt gần đây khi Nok Air bắt đầu khai thác tuyến bay HN-BKK cùng Air Asia và khuyến mãi khủng hoảng thì dân tình kéo nhau đi Thái ầm ầm

Để di chuyển từ sân bay Suvarnabhumi đến Bangkok có thể đi:
- Taxi: Có rất nhiều taxi ở tầng 2 sân bay. Có thể tính theo côngtơmét hoặc thoả thuận miệng với taxi, thường giá khoảng 350-450Bath

- Xe bus của sân bay (Airport Express): Xuống tầng 1, cửa số 8, bạn sẽ thấy dịch vụ này. Cứ nửa tiếng lại có 1 chuyến, thường kéo dài 45-60 phút. Giá là 150B/người, có các chuyến đi từ sân bay đến Silom, Banglamphu, Sukhumvit và Hua Lamphong

- Xe bus công cộng: Tầng 2, cửa số 3. Bạn ra ngoài và chờ Shuttle Bus (free bus) của sân bay chở đến 1 bus terminal cách đó khoảng 3km. Từ đây bạn bắt xe bus về trung tâm với giá khoảng 70B/người + 1 ít phí hành lý (khoảng 30B nếu hành lý bạn cồng kềnh)

Sau khi ăn uống thoả thuê và tiêu kha khá tiền trong MBK, bọn em đi taxi về lại sân bay để đi chuyến BKK - Chiang Rai, thành phố của Tam giác vàng danh tiếng
 
Do bị delay 2 tiếng, chuyến bay BKK - Chiang Rai của Air Asia hạ cánh xuống Sân bay Quốc Tế Chiang Rai khi đồng hồ đã chỉ con số 12. Đã nửa đêm, bầu không khí miền đất cực Bắc Thái Lan mát lạnh ùa vào mặt làm mọi người tỉnh cả ngủ.

Do sơ suất không gọi điện book phòng trước nên khi em gọi điện hỏi phòng ở sân bay thì hầu hết các nhà nghỉ đã... đi ngủ :( , không một ai nhấc máy. Cả lũ mới khệ nệ khiêng hành lý lên 2 chiếc xe tuk-tuk để về trung tâm thành phố tìm guest house. Từ sân bay về trung tâm khoảng 12km, đi mất 25', đường phố vắng vẻ, rộng rãi, những ngôi nhà cũng ngủ im lìm hai bên đường, quả khác hẳn Bangkok náo nhiệt. Gió đêm thổi phần phật như muốn tung cả tóc, rào rạt ập vào mặt lành lạnh. Thế nhưng, như thế này vẫn chưa là gì so với Hà Nội lạnh căm căm cả, vẫn mát lắm :D.

Bác túc túc chở cả lũ đến 1 nhà nghỉ có ghi trong Lonely Planet, nhưng đến nơi gọi cửa bấm chuông mãi chả ai ra. Bác ý lại hì hục chở đến 1 guest house khác cũng ghi trong LP, và cũng... không ai ra mở cửa. Gọi và bấm chuông 1 hồi, có 1 bạn khoai Tây trong tư thế bán khỏa thân xuất hiện (chú thích: bán khỏa thân ở đây có nghĩa là bạn ý cuốn mỗi 1 cái khăn tắm bé tẹo ở quanh hông), bạn ý bảo bạn ý hóng mát và guest house này đã full rồi. Mấy chị em rinh rích với nhau, ồi, giá mà có cơn gió to thổi vù qua đây thì tốt há há:H

Bác túc túc đã bực mình vì tiền xe thì cái bọn này cứ kì kèo mặc cả mà đêm hôm khuya khoắt cứ bắt bác ý lang thang ngoài đường, nên kiên quyết vòi thêm tiền. Sau 1 hồi thỏa thuận, cả nhóm quyết định trả thêm mỗi xe 200B nữa, với điều kiện khi nào tìm được nhà nghỉ thì thôi. Deal! Thế là sau 1 hồi dài dài dài nữa, xe dừng lại trước 1 ngôi nhà trắng tráng lệ cực gần trung tâm đang còn ánh điện sáng choang. Nhà Trắng - THE WHITE HOUSE. Phòng ốc ở đây đẹp, sạch sẽ, rộng rãi, có phòng tắm nóng lạnh ngay bên trong. Kì kèo một lúc với bộ dạng thảm hại vì mệt và buồn ngủ, bác chủ nhà cũng đồng ý cho thuê 2 phóng (mỗi phòng nhồi 5 bạn) với giá 600B/nite.

Dỡ đồ, tắm rửa, giấc ngủ đến vào lúc 2.30am (BB)
 
Sớm Chiang Rai, trời đổ mưa rồi tạnh, để lại một bầu không khí trong trẻo lạ thường, tí tách nước mưa rơi từ trên mái và tiếng chim hót véo von. Có vẻ là một ngày đẹp trời, cả bọn háo hức pack hành lý và xuống nhà ăn sáng. Ở đây cũng phục vụ cả ăn sáng với giá cả tương đối dễ chịu.

Trong lúc chờ món noddle soup, mấy đứa mới dành thời gian đi quanh khuôn viên nhà. Quả là một nơi dễ chịu và thân thiện. Một bể bơi nước xanh ngắt phía bên trên, hai bên hiên nhà là những cây xanh, những giỏ hoa rực rỡ. Welcome Vietnam to Chiang Rai, những chiếc áo đỏ in chữ vàng được tất cả mọi người mặc và cùng chụp hình lưu niệm. Do vào phút cuối 1 thành viên trong đoàn không tham gia được, nên thừa ra 1 chữ A




Còn đây là 1 góc của THE WHITE HOUSE
 
Thông tin về thành phố Chieng Rai (trích Lonely Planet)

Chieng Rai là thành phố nằm ở phía cực Bắc Thái Lan, một trong những nơi vẫn còn mang đậm chất nông thôn (rural) nhất. Một nửa biên giới phía Bắc ở đây ngăn cách Chieng Rai với Lào được hình thành bởi dòng Mê kông hùng vĩ. Trong khi đó, những ngọn núi tạo thành đường biên giới thứ hai ngăn giữa Thái Lan và Myanmar. Những dải đất đồng bằng màu mỡ của dòng Mekong khi chảy về hướng đông làm cho nông nghiệp nơi đây vô cùng phát triển, trong khi ở phía tây thì đất đai tương đối cứng và dốc, rất khó để có những mùa vụ bội thu. Ở nơi đây chỉ duy nhất có 1 loài cây có thể sống hiên ngang cùng những dải núi dốc đứng, đó là cây thuốc phiện . Cũng vì thế mà Chieng Rai vốn nổi tiếng từ xưa đến nay là trung tâm thuốc phiện lớn nhất tại Thái Lan.

Tuy nhiên gần đây, chính phủ Thái đã rất mạnh tay trong việc bài trừ thuốc phiện, và cùng với sự tài trợ từ Mẫu hậu Thái lan (Princess Mother - tạm dịch ) về các dự án thay thế trồng cây thuốc phiện và nhiều dự án khuyến khích phát triển khác, thì việc buôn bán thuốc phiện đã dần bị đẩy lùi về phía bạn Miến và bạn Lào. Tất nhiên đâu đó ở Chieng Rai vẫn còn một vài điểm bán thuốc phiện nhỏ lẻ, tuy nhiên quá khứ huy hoàng về 1 trung tâm thuốc phiện, 1 Tam giác vàng giờ đây đã chỉ còn lưu dấu ấn lại trong sách vở và bảo tàng mà thôi.

CHIENG RAI
Dân số: 73,300 người

Phaya Mengrai thành lập Chieng Rai năm 1262 như là một bộ phận của vương quốc Lào - Thái Lana. Năm 1786, nó trở thành lãnh thổ của người Siam và thành thành phố vào năm 1910. Rất nhiều người Thái giàu có đã chuyển đến Chieng Rai vào những năm 1980, để rồi cho đến đầu thập kỷ 90 thì thành phố đã có sự phát triển mạnh mẽ vượt bậc. Sau đó, nhịp độ phát triển chậm lại, một vài nhà nghỉ đóng cửa mặc dù việc xây dựng sân bay cho thấy tiềm năng phát triển du lịch rất lớn ở đây.

Cách Chiang Mai 180km, thành phố phía Bắc được mệnh danh là ''Thượng Hải'' thứ hai này nằm trong sách của dân du lịch như một "cửa ngõ vào Tam Giác Vàng". Dân Thái coi Chieng Rai là điểm đến thú vị tương đương với Chiang Mai cho dù nó không được màu sắc như Chiang Mai và cũng ít thứ để làm/ngắm nghía hơn. Tuy nhiên, Chieng Rai sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích bộ môn Trekking vì bạn có thể trek đến những bản làng quanh đây gần hơn rất nhiều nếu xuất fát từ Chiang Mai.
 
MỘT SỐ ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN TẠI CHIENG RAI

WAT PHRA KAEW (Wat là chùa, Phra Kaew hình như là Ngọc)
Trước đây nơi này tên là Wat Pa Yia (có nghĩa là Tu viện Rừng Tre - Bamboo Forest Monastery - tạm dịch hic), vốn là ngôi chùa Phật được sùng bái nhất trong vùng. Truyền thuyết kể rằng vào năm 1434, có một ngọn sét đã đánh trúng ngọn tháp 8 cạnh tại đây làm nó sụp đổ và để lộ ra Morakot Phra Kaew hay còn gọi là Phật Ngọc (Emerald Buddha) - thực ra là làm bằng ngọc bích (jade). Sau 1 hành trình dài trong đó có cả chuyến dừng chân tương đối lâu tại Viên Chăn, Lào, thì biểu tượng quốc gia này hiện đang được toạ lạc tại ngôi chùa cùng tên ở thủ đô Bangkok (Chùa Phật Ngọc - chú thích).

Vào năm 1990, Chiang Rai đã uỷ thác cho 1 hoạ sỹ người Trung Quốc khắc lại bức tượng này và đặt tên là Phra Yok Chieng Rai (Phật Ngọc của Chieng Rai). Tuy nhiên nó chỉ gần giống chứ không phải là bản sao chính xác của bức tượng Phật Ngọc ở Bangkok, với chu vi 48.3cm bao quanh đế và cao 65.9cm, chỉ thấp hơn có 0.1cm so với nguyên bản.

Tháp chính là một công trình kiến trúc bằng gỗ được bảo tồn rất tốt với cửa ra vào được chạm khắc độc đáo. Toà tháp bên trong được xây vào khoảng cuối TK 14 và mang đậm phong cách Lana.



WAT PHRA SINGHĐây cũng là bản sao của 1 bức tượng Phật nổi tiếng. Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 14, thuộc triều đại vua Mahapphrom của Chieng Rai. Là ngôi chùa chị em với chùa Wat Phra Singh ơ Chiang Mai, ngôi chùa này có kiến trúc gỗ đặc trưng của miền bắc Thái Lan với trần thấp và dốc. Cổng vào được khắc hình rồng rất ấn tượng, có vẻ như mang thiết kế của Thái Lu


WAT PHRA THAT DOI CHOM THONG Đây là ngôi chùa nằm trên đỉnh đổi ở phía tây bắc chùa Wat Phra Kaew, từ đây có thể nhìn thấy một phần sông và thưởng thức những cơn gió nhẹ mát rượi thổi ở dưới sông lên. Kiến trúc ở đây mang xì tai Lana và có lẽ được xây dựng vào thế kỷ 14 đến 16.
 
Bắt đầu ngày khám phá đầu tiên:
Chiang Rai - Chiang Sean - chùa Wat Chedi Luang - Tam giác vàng (Golden Triangle) - Mae Sai

Bọn em quyết định bỏ qua một số địa danh chùa chiền ở Chiang Rai cũng như bản Therd Thái, đại bản doanh của trùm thuốc phiện Khun Sa hồi trước do muốn có nhiều thời gian ê a ở Tam giác vàng hơn .

Để đến Tam giác vàng từ Chiang Rai, có thể đi taxi (đắt) hoặc xe túc-túc dạng pick-up, chở được 10 người + hành lý với giá 900B trọn chuyến

Ở Chiang Rai người ta rất ít nói được Tiếng Anh, vì thế bọn em rất mất thời gian để giải thích, mặc cả, hay nói chuyện với bác tài. Nên thủ sẵn vài câu tiếng Thái đơn giản để việc giao tiếp, gọi đồ ăn uống chả hạn, được dễ dàng hơn.

Thời tiết ngày này lại vô cùng đỏng đảnh. Ban sáng trời tạnh và mát mẻ, thế nhưng khi cả đoàn vừa ăn xong thì trời xám xịt dần và đổ mưa. Lạnh nữa. Mấy đứa co ro ngồi trên chiếc túc-túc phóng vù vù trên đường, mưa hắt ướt nhẹp quần áo và ba-lô
 
Tượng đài ở trung tâm thành phố Chiang Rai



Chiang Sean là điểm nằm giữa Chiang Rai và Tam giác vàng. Thị trấn nhỏ bé yên bình nằm cạnh bờ sông Mê-kông thơ mộng, có thể nghỉ chân ăn trưa tại một dãy hàng quán nằm dọc sông, vừa ăn vừa thưởng thức cơn gió thổi từ 3 nước ào ạt vào mặt :D

Tuy là điểm nghỉ chân của khá đông du khách khi đến Tam giác vàng nhưng tại Chiang Sean, số người biết nói tiếng Anh rất ít. Để gọi cơm, phải lăn vào bếp, chỉ cái này, trỏ cái kia. Muốn hỏi cá phải vẽ hình con cá (NO)

Con đường chính chạy dọc Chiang Sean, sư ngồi hóng mát





Dòng Mê-kông một ngày mưa gió ảm đạm
 
Tương đối dư dả thời gian, bọn em mới đi thăm thú vài chùa ở Chiang Sean. Thực sự là em ko khoái chùa chiền lắm và ko rành lắm về kiến trúc chùa nên chỉ thấy nó to và ko to, đẹp và ko đẹp :( :T

Một ngôi chùa ko biết tên (chụp lúc trời mưa to tầm tã nên hơi bị nhoè)



Chùa Wat Chedi Luang


Wat Chedi Luang là ngôi chùa "nổi tiếng" nhất ở Chiang Sean. Người ta cho rằng những gì còn sót lại tại nơi đây đã xuất hiện từ giữa thế kỷ 12 và 14.


Tuy vậy, những gì gọi là "ruins" ở đây chỉ là cái tháp (?) này


Ngay lối vào chùa là một dãy các hàng lưu niệm, phần lớn đóng cửa do trời mưa. Đi sâu vào bên trong là gian chùa chính đã được cải tạo và tu bổ. Mấy đứa bỏ giày dép phía ngoài và vào chùa cầu khấn. Vừa khấn em vừa nghĩ bụng ko biết Phật ở đây có biết tiếng Việt không, hay phải khấn cả tiếng Anh nữa. Rốt cuộc chặc lưỡi là Phật thì chắc tiếng gì cũng biết :D , kể cả không thì Phật vẫn có thể thấu hiểu những gì tâm can mong mỏi. Một trong những điều khấn là chuyến đi tốt đẹp suôn sẻ :)

Nam mô a di đà Phật
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,177
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top