What's new

Đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc (Phước Bình - Ninh Thuận) - ngựa sắt lang thang rừng núi

Đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc (Phước Bình - Ninh Thuận) - ngựa sắt lang thang rừng núi

Tự dưng vừa đọc lại topic "Đi du lịch một mình ...", thấy các bác tranh luận sôi nổi quá, mà chả biết nói thế nào. Lại nhớ lại việc độc hành của mình, chả biết "đúc kết" thế nào về việc ấy, chi bằng kể chuyện ra đây cho rồi :D


Tôi có một người bạn, là người Ninh Thuận, song thân y hiện vẫn đang ở cả Phan Rang.
Mặc dù y xưng bằng em, nhưng thực tế, y kém tôi có một tuổi.
Thật khó nói cho đúng là tôi và y có thân nhau hay không.
Nói thân chưa chắc đã đúng, vì cùng sống trong một thành phố, cả năm gặp nhau được có 1,2 lần, chả có liên lạc gì bằng các phương tiện khác.
Nhưng chắc là không phải chỉ là quen biết xã giao, vì cả năm trời chả gặp nhau, chả liên lạc gì, nhưng có việc cần, alo một phát, y xuất hiện liền.
Năm trước, tôi cũng một lần chạy trốn cái căng thẳng của phố xá bằng cách trốn lên rừng hoang đèo vắng vài bữa. Rồi tôi xuôi về Phan Rang để quay lại Saigon.
Y biết được đúng ngày tôi bò xuống đến Phan Rang. Y từ Saigon gọi điện ra “điều” bạn y tiếp đón tôi. Bạn y nhận lời, nhưng lại thòng là không đi được lâu vì hôm sau thi công chức. Y lại tiếp tục “điều” bạn của anh ruột y đến làm guide cho tôi suốt thời gian ở Phan Rang. Tất nhiên, khi y "điều" ông bạn của anh mình đến, y có gọi báo trước cho tôi. Tôi thực sự thấy ngại, nhưng y gạt đi và thòng một câu rằng : ông này ngồi với anh được, em mới nhờ đến mà.
Tôi cảm cái sự nhiệt tình của y, đâm ra quý luôn cả mảnh đất Ninh Thuận, rồi từ lúc nào không hay, bắt đầu đọc về văn hóa, lịch sử Chăm. Tôi bắt đầu "lê la" qua các khu tháp Chăm ở Ninh Thuận, từ cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp) đến tháp Poklong Giarai, cho đến tháp Poromé. Rồi bắt đầu tìm đến các địa điểm khác.

Tuy nhiên tôi là người chạy xe, chứ không phải người leo núi.
Tôi có thể chạy xe gần như cả ngày, mà chả cần gì trong số "Tứ khoái" mà các cụ xưa ... đúc kết. Nói "gần như" bởi vì xét nghiêm túc thì 3 "món" kia có thể không cần, chứ cái "món" thứ 2 : NGỦ - thì cũng có phải "dùng" chút chút :D. Nhưng chỉ là chạy xe thôi, leo núi như các bạn ở trên Phượt vẫn leo, tôi thua toàn tập.

Trong quá trình tìm kiếm các "điểm đến" ở Ninh Thuận, di tích Bẫy đá Pinăng Tắc – người du kích anh hùng dân tộc Raglei – đã được để ý từ lâu. Ngặt một nỗi, bản đồ mấy năm trước thì … chưa vẽ đường lên đó. Hỏi thăm mấy người bạn người Phan Rang (cả y nữa), thì không ai biết đường.
Sau nghe nói đã có đường thông lên đó, tôi bèn rủ rê đại ca BéDudi:D . Tất nhiên đại ca Bé say ok, nhưng giờ Bé có vẻ cũng không còn tự do tự tại như xưa. Đại ca Bé chỉ đi được vào cuối tuần. Mà cuối tuần, tôi lại thuộc về người khác – dù tôi cũng là người tự do :D.

Rồi hoàn cảnh tạo ra cơ hội, không muốn bỏ lỡ, nên tôi đã đi ... một mình. Đi tìm đường lên di tích Bẫy đá Pinăng Tắc.
Dù cuối cùng đã đi được đến nơi, nhưng kết quả không được trọn vẹn. Lịch trình cả chuyến đi đoạn sau cũng phải thay đổi. Vì hoàn cảnh tạo ra cơ hội của chuyến đi, thì nó cũng có thể tác động đến theo chiều ngược lại.
Tuy nhiên chẳng có gì là phí cả, mất cái này, lại được cái khác.
Thứ nhất là biết được rằng, núi rừng Phước Bình không chỉ có đi tích Bẫy đá Pinăng Tắc, mà còn nhiều ngọn thác đẹp và hoang.
Thứ hai là, tiếng là đi tìm Bẫy đá Pinăng Tắc, nhưng lại thành ra được cưỡi ngựa sắt lang thang rừng hoang núi thẳm đôi bữa, giữa lúc công việc sắp làm mình tẩu hỏa, cũng là điều ... hay.
Và thứ ba là, nhờ thế mới có cái mà kể ở đây :D
(Kể lại chuyện cũng ... sướng sướng, vì sẽ liền mạch, không bị chồng chéo về thời gian :LL)
 
HỒI THỨ BA :

Vào Bẫy Đá, tìm Chamale’a Bắc
Đêm trong rừng, gặp lâm tặc chạy càn



Chạy trên sống trâu một quãng dài (và lâu), con đường đất lại đến một đoạn có vẻ như mới được cải tạo ít nhiều.

IMG_7974.jpg

Vẫn là đất thôi, nhưng cái sống trâu dường như mới bị ủi lại.

Rồi từ khoảng km thứ 18 trở đi, con đường lại rất đẹp, nhựa láng phẳng lỳ, dù khá hẹp, chạy ngoằn ngoèo theo sườn núi, lên xuống liên tục theo các thung.

IMG_7971.jpg


IMG_7972.jpg


IMG_7980.jpg

So với chục km đường đất sống trâu, thế này là quá đẹp. Xem ra khách đường xa đã gặp may - đúng ra là con ngựa của y gặp may.

Ngay từ khoảng km thứ 7 - 8 kể từ khi vào con đường lên Phước Bình, lãng khách đã nghe có tiếng nước chảy ầm ào vẳng lại.
Y biết là gần con đường y đang dò dẫm chạy, có sông suối - hoặc thậm chí là thác - gì đó. Nhưng cây rừng khá dày, nên y không biết rõ đó là sông, suối thế nào.
Rồi đến đoạn đường trải nhựa, nó cũng hiện nguyên hình.

IMG_7978.jpg

Thủ phạm gây ra tiếng ầm ào đây : nó cặp song song ngay bên dưới con đường.

(còn tiếp)
 
Last edited:
Con đường nhỏ men theo vách núi.
Một bên là vách núi đá, một bên là con suối phía dưới khá xa (thực ra thì nó không phải là con suối, nhưng hiện giờ, cứ coi nó là con suối vậy).
Có nhiều ngầm nhỏ vắt ngang qua đường, từ trên núi xuống.
Chắc chắn mùa mưa, con đường này sẽ có lúc bị chia nhỏ bởi các ngầm này.

IMG_7976.jpg

Một trong số các ngầm chạy cắt băng ngang con đường độc đạo lên Phước Bình

IMG_7977.jpg

Nước từ những con suối nhỏ này trên núi, chảy qua các ngầm ...

IMG_7979.jpg

... và đổ vào con suối lớn chảy song song với con đường.

(còn tiếp)
 
Đến đoạn này, lãng khách tin rằng mình đã đi đúng trên con đường, mà người ta gọi là "đường đèo Gia Trúc".
Chính cái đoạn trên bản đồ có vẽ, là đoạn đường đất sống trâu, còn đoạn mà bản đồ chưa vẽ, là đoạn đường đã ... láng nhựa.
Đối với con ngựa sắt, thì đó là một sự may mắn, còn đối với chủ nó, sự việc này là một bất ngờ không mấy vui vẻ gì.

16g30, Hắc Y Khách bắt đầu tiến vào khu vực Phước Bình.
Nhà của người Raglei khá đơn giản, chủ yếu bằng gỗ, trên các sườn núi thoải bên đường, và khá cách xa nhau.
Đám trẻ da nâu sạm nắng, tóc quăn tít, ồ ra khi con ngựa sắt ồn ào chạy qua, chỉ trỏ phía sau. Có lẽ chúng thấy lạ.
Y dừng lại hỏi đường tới vị trí Bẫy đá ngày xưa. Được chỉ dẫn rằng rất dễ tìm, nó nằm ngay bên đường.

Ở km thứ 28 từ dưới QL27B trở lên, khách lang thang đã đứng tại khu vực thạch trận nổi tiếng ngày xưa.
Quả thật nó rất dễ tìm, vì nó nằm ngay bên đường đèo. Không ai có thể không thấy nó, trừ người mù.
Nhưng y hơi thất vọng. Thất vọng vì những gì còn lại chẳng gợi được chút gì trong trí tưởng tượng của y về thạch trận khi xưa, ngoài mấy dòng chữ được sơn trên vách núi, nói sơ sơ về địa điểm nổi tiếng này.

IMG_7994.jpg

Dấu vết duy nhất còn lại của thạch trận xưa, là vách đá này

IMG_7986.jpg

Được ghi lại sơ lược về lịch sử, bằng sơn trắng như thế này.


Y đang chụp ảnh, thì một bạn Raglei say rượu lật khật đi bộ ngang qua.
Thấy y chụp ảnh vách núi có sơn chữ, hắn ngật ngưỡng dừng lại … bắt tay, và nói.
Nhưng y không thể nghe ra hắn nói những gì, ngoài cụm từ “anh hùng Pinăng Tắc”.
Phải mất một lúc lâu, bắt đầu quen với giọng tiếng Việt lơ lớ của người dân tộc, y mới loáng thoáng hiểu một số nội dung hắn nói :
- Chỗ này ngày xưa anh hùng Pinăng Tắc phục kích dùng đá trên núi trút xuống đầu giặc.
- Giặc ở đây là quân nào thế?
- Tao không rõ, chắc bọn Mỹ
- Giặc hành quân trên con đường này hả anh?
- Tao không rõ, làm sao tao biết được.
- Con đường này đi tiếp đến đâu?
- Tao cũng chưa đi hết, nhà tao cách đây 15 phút.
- Năm nay anh bao nhiêu tuổi rồi?
- (gãi đầu cười) Cái này tao cũng không biết nốt.
- Anh chụp một phát ảnh nhé?
- (lại gãi đầu cười) Đang say rượu, áo quần thì lếch thếch thế này, không chụp đâu.

Đến đó, hắn lại đòi bắt tay y, miệng cười : “Biết anh hùng Pinăng Tắc là tốt đấy.
Rồi hắn lại tiếp tục bước thấp bước cao trên con đường vắng đi bộ về nhà.

(còn tiếp)
 
Y chụp ảnh loanh quanh một hồi, vạch lá chụp con suối phía dưới, cố tìm kiếm những tảng đá lớn nhỏ ngày xưa trên núi trút xuống, nhưng cây cỏ quá dày, cũng chẳng thấy những tảng đá.

Những gì còn lại của thạch trận nổi tiếng hầu như là số không.
Khách lang thang quay trở lại trong thôn, với hy vọng tìm gặp được Chamale’a Bắc – con trai anh hùng Pinăng Tắc – để được nghe ông kể về trận chiến năm xưa.

Chamale’a Bắc là con trai của Pinăng Tắc.
Tại sao không là Pinăng Bắc? Vì người Raglei theo Mẫu hệ, con cái lấy theo họ người mẹ.
Năm nay Chamale’a Bắc đã ngoài sáu mươi tuổi, có tham gia cùng Ama Tắc đánh trận năm xưa.
Y tìm khắp các tài liệu về Bẫy đá Pinăng Tắc, có chỗ nói rằng Chamale’a Bắc vẫn ở Phước Bình, nơi có ngôi mộ anh hùng Pinăng Tắc.
Y muốn tìm gặp ông ta, để được nghe về kết cấu của các bẫy đá, về diễn biến của trận đánh vang dội năm xưa.

Nhưng y lại thất vọng.
Hỏi mãi, không ai biết Chamale’a Bắc ở đâu, không ai biết mộ Pinăng Tắc chỗ nào – dù cứ nói đến Pinăng Tắc là họ đều sáng mắt lên, đều nói liên hồi về việc ông dùng đá đánh giặc.
Những người Raglei y gặp đều nói tiếng Việt lơ lớ, khá khó nghe. Đôi khi họ cũng không hiểu hết những gì y hỏi, quay sang dùng tiếng dân tộc để hỏi lại nhau.

(còn tiếp)
 
Chia xẻ một chút cùng bạn Tunbo:
Bọn mình cũng gặp phải thất vọng y chang! Đoàn quân băng rừng Bidoup về đến Phước Bình. Qua làng Reiley, bọn mình cuốc bộ 6km nữa mới về đến văn phòng VQG Phước Bình, ngang qua bãi đá, dự định mai sẽ leo lên thăm nhưng tối hôm đó, anh kiểm lâm trực ban cho biết là sẽ "phục chế" lại (nghe nói là bê tông hóa, làm thêm nhà sàn, múa hát, rượu cần, bla bla. Hôm sau bọn mình về Ninh Chữ đi ngang qua không buồn chụp một tấm hình!(NO)
 
Ý định tìm kiếm Chamale’a Bắc không có kết quả, trời dần sụp tối, y quay sang chụp một số hình ảnh về nhà của người Raglei ở Phước Bình, và con suối chảy cặp theo đường.

Thực ra nó là sông.
Sông Đa Mây. Con sông phát xuất trên mạn núi Bi Doup (Lâm Đồng) chảy xuống, và là một trong những nhánh chính đổ nước vào con sông Cái chảy về Phan Rang ra biển, ngang qua khu vực Tháp Poklong Gia Rai ở Tháp Chàm.

IMG_8021.jpg


IMG_8022.jpg

Nhà của người Raglei ở Phước Bình

IMG_8019.jpg


IMG_8016.jpg


IMG_8018.jpg


IMG_8020.jpg

Sông Đa Mây chảy dọc theo đường đèo
 
Có một người tiến lại gần y, và đứng … ngó.
Sau một hồi lâu, hắn cất tiếng hỏi :
- Anh lên đây chụp ảnh hả?
Giọng Bắc đặc sệt. Chính xác là giọng Thanh Hóa.
Nghe giọng Bắc, biết không phải người dân tộc, y lấp lửng :
- Có gì không anh?
- Không, tôi hỏi thế thôi, lâu lâu rồi mới thấy có người lên đây chụp ảnh. Nhưng trước đây họ đi từng nhóm, chỉ có anh lên đây một mình.
- Vâng, vì tôi đi bất chợt giữa tuần, không rủ được ai đi cùng. Vả lại đường cũng đâu có vấn đề gì đâu.
- Anh không sợ xẹp lốp giữa rừng à? Hay có mang đồ nghề sửa xe?

Nghe hỏi, y cười :
- Hên xui thôi anh ơi, tôi không có đem theo đồ sửa xe.
- Liều mạng nhỉ? Xe này trông hay đấy. 125cc hả? Ngày xưa tôi cũng thấy, nhưng sau này lên đây ở đã lâu, giờ mới nhìn thấy lại.
- Tôi lên tìm Bẫy đá, nhưng giờ thấy chả còn gì. Anh có biết chuyện về bẫy đá, về cha con ông Pinăng Tắc không?
- Cũng chỉ nghe người già kể lại thôi.
- Anh kể lại cho tôi nhé? Lúc nãy gặp người Raglei, nhưng họ nói khó nghe quá, nên cuối cùng cũng chẳng nghe được bao nhiêu.

Người thanh niên bèn mời khách vào nhà. Nhà hắn ngay bên đường, chỉ là một căn nhà gỗ ghép trống hoác, không có gì ngoài một cái giường trong góc nhà.
Hắn vác chiếu ra trước hiên, trải ra ngồi, và chạy vào trong lục lọi một hồi được 3 gói café hòa tan. Khách móc ra gói thuốc.
Người thanh niên tên Phương, người Thanh Hóa, 31 tuổi. Hắn lấy vợ người Raglei, và đã ở đây được mười mấy năm, làm rẫy.
Hắn biết về thạch trận cũng không nhiều hơn những gì khách lang thang đọc được trước khi tìm lên đây.

Pinăng Tắc ngày xưa đã lợi dụng địa thế thiên nhiên, nghĩ ra mưu kế đánh giặc bằng cách dùng cây rừng ghép thành các tấm phản lớn. Một cạnh của tấm phản ấy được kết buộc vào vách núi giống như bản lề. Đá lớn đã nhỏ được chất lên các tấm phản cây ghép đó, và được ngụy trang khéo léo. Từ dưới nhìn lên trông cũng như đá núi nhô ra. Mép ngoài của tấm phản chất đá được dùng dây rừng neo lại để treo giữ đống đá.
Thạch trận lớn nhất được Pinăng Tắc lập nên, dài tới hơn 600met dọc theo vách núi.
Ngày 10/8/1961, một đội quân hơn 100 lính hành quân càn quét lên Phước Bình, đến ngang khu vực này – mà ngày nay con đường đèo mang tên : đèo Gia Trúc – và dần lọt vào trận địa phục kích của du kích Raglei.
Khi toàn bộ đội hình địch lọt vào trận địa bẫy đá trải dài hơn 600met, đầu tiên Pinăng Tắc cùng du kích nấp trên núi chặt các dây neo mép ngoài phản đá với vách núi. Không bị neo giữ, cái phản bung xuống quanh trục bản lề bên trong còn neo vào núi, trút toàn bộ đống đá nó chứa bên trên xuống chân núi.
Pinăng Tắc cho trút những khối đá phía trước, chặn đường tiến của quân địch.
Địch bất ngờ, nhốn nháo thối lui.
Quân du kích trên núi tiếp tục chặt dây neo những phản đá phía sau cùng, chặn nốt đường lui của quân địch.
Lúc này địch láo nháo hỗn độn ở khúc giữa, đầu đuôi đều bị chặn, tụ hết cả lại một khúc.
Đến lúc này, Pinăng Tắc mới ra hiệu lệnh đồng loạt chặt dây neo tất cả các bẫy đá ở giữa.
Cơn mưa đá trên núi giận dữ đổ xuống ầm ầm, toàn bộ số quân địch dưới chân núi bị đá đè chết, xác địch ngổn ngang lẫn trong đá.
Chiều đó, máy bay trực thăng của quân cộng hòa từ dưới sân bay Thành Sơn (Phan Rang, gần tháp Poklong Giarai) bay lên tập kết trên đỉnh đèo Ngoạn Mục, rồi bay vào Phước Bình nhặt xác. Mấy ngày sau mới rút hết.


(còn tiếp)
 
@ BM : các bác đi cả đoàn, lại có đích khác, chỉ tính ghé leo Bẫy đá là ... phụ. Chứ em đi một mình, lại chủ yếu mò lên xem nó ra làm sao. Nên dù thất vọng lắm, cũng vẫn phải ... gạt bèo quơ tép, chụp được gì thì chụp, hỏi được gì thì cố hỏi. :D

.................................................................................................

Phương nói rằng, ngày xưa chưa có con đường như hiện nay, mà là đường men theo dọc sông Đa Mây phía dưới. Sau này có con đường mòn của người đi rừng, và dần dần con đường hiện nay được xây dựng bằng việc mở rộng con đường mòn đó.
Vì thế, khi san ủi làm đường, những tảng đá trên núi đổ xuống ngày xưa đã bị san lấp hết. Di tích ngày nay chỉ còn là một vách đá dựng đứng đó mà thôi. Chỗ quân địch bị đá đè là ngay dưới mép sông
Ngoài việc trút đá trên núi xuống, dưới sông cũng được đặt bẫy chông.
Hỏi về Chamale’a Bắc và mộ anh hùng Pinăng Tắc, chính Phương cũng ú ớ không rõ. Anh ta nói rằng dường như Chamale’a Bắc đã không ở đây từ lâu lắm rồi, còn chính xác dời đi đâu, không ai biết cả.

Gom theo lời kể của người thanh niên, cộng với mớ hình ảnh chụp được, y thử sắp xếp, thử cố hình dung chuyện xưa qua hình ảnh ngày nay vậy.

IMG_8004.jpg

Vách đá, nơi ngày xưa có treo bẫy đá trên cao

IMG_8002.jpg


IMG_8006.jpg

Con đường hiện tại dưới chân vách đá. Ngựa sắt đậu ngay dưới vách đá.
(nếu theo lời kể, thì lúc trước, vách đá chạy sâu xuống mép sông Đa Mây, chưa có con đường như bây giờ)

IMG_7996.jpg

Khúc sông Đa Mây chảy ngang qua vách đá

IMG_7997.jpg

Khi ra mép đường vẹt cây cỏ, lại phát hiện chỗ này lòng sông bị tách làm đôi, có một cái - giống - cù lao ở giữa, một dòng chảy sát ngay dưới con đường hiện tại. Cũng thấy có mấy tảng đá lớn giữa dòng. Hay là ...

IMG_7999.jpg

Chạy tiếp con đường theo hướng này thêm 25km là đến thị trấn Tô Hạp.

(còn tiếp)
 
Có vẻ như gặp người Kinh, Phương ham chuyện.
Hắn nói nhiều về cuộc sống của hắn ở nơi đây, về các dự án thủy điện, du lịch của tỉnh Ninh Thuận ở vùng đất này trong tương lai.
Vừa nói chuyện với Phương, khách lạ vừa tranh thủ chụp vài hình ảnh núi rừng Phước Bình trong nắng chiều tàn

IMG_8027.jpg


IMG_8026.jpg

Rừng bằng lăng bên sườn núi - y chả biết là cây gì, hỏi Phương, nghe hắn nói là Bằng lăng rừng.

IMG_8029.jpg

Con đường Gia Trúc chạy qua trước cửa nhà Phương. Nhà hắn ở km 25 từ dưới QL27B tính lên, bên trái đường.

IMG_8028.jpg

Rặng núi chếch sau hông nhà

IMG_8030.jpg

Ngựa lang thang cạnh ngựa của chủ nhà

IMG_8039.jpg

Con trai Phương, cu cậu đòi "đại diện" cho cha lên ảnh.

(còn tiếp)
 
Đang nói chuyện cùng Phương, khách lạ có điện thoại.
Bạn y dưới xuôi gọi.
Gọi, vì đã mấy tiếng đồng hồ từ khi y bắt đầu tiến vào con đường lên Phước Bình, mà không có tin tức gì. Không biết y có mò ra đường trong rừng, hay đã … tèo ở đâu đó rồi.
Nói thì cười cười cợt cợt như thế, nhưng y hiểu được sự sốt ruột của bạn kia. Đôi khi, rủa nhau vài câu cũng là một cách thức của sự quan tâm.


Nghe điện thoại xong, y mới phát hiện có tin nhắn trong máy từ lúc nào. Tin nhắn không phải của các bạn y hỏi thăm tình hình.
Tin nhắn làm y khó chịu, vì ngay lập tức y phải thay đổi lại thời gian và lịch trình của mình.

Ban đầu, y tính nếu gặp Chamale’a Bắc, y sẽ ngủ lại Phước Bình, nghe ông kể chuyện. Sáng hôm sau chạy tiếp qua Tô Hạp về Cam Ranh, ra Nha Trang rồi ngược đường QL26 lên Ban Mê ngủ lại, rồi ngày tiếp theo từ Ban Mê xuôi về Sài Gòn.
Nhưng việc tìm Chamale’a Bắc thất bại, lại thêm tin nhắn đáng ghét : y bị gọi về với công việc đột xuất.

Lúc đó đã là gần18g.
Phương rủ y ngủ lại, rồi sáng mai sẽ dẫn y lội bộ vào mấy ngọn thác cực kỳ hoang dã ở sau rẫy nhà hắn. Chỉ cách chừng 1 giờ đi bộ, có đến 4,5 ngọn thác gần nhau, trên núi đổ xuống, chảy qua các ngầm dọc đường, đổ vào sông Đa Mây. Cực đẹp, tuyệt đối hoang sơ.
Lại có chỗ có thạch bàn rộng mênh mông, có thể chứa đến trăm người, ngay bên thác.
Nhưng tình hình đã thay đổi. Y rất tiếc, nhưng không thể ngủ lại, càng không thể tiếp tục hành trình cũ đi Nha Trang, Ban Mê.
Hỏng kèo này, xoay kèo khác, y nghĩ rất nhanh và quyết định phải lập tức xuống núi trở lại, để về Phan Rang.

Trời đã nhập nhoạng tối, từ đó về Phan Rang còn khoảng 70km, trong đó khoảng 30km đường rừng mà y vừa leo lên.

Phương hẹn, nếu lần sau quay lại, nhất định phải ngủ lại, hắn sẽ dẫn vào thác trong núi. Hắn còn dặn theo khá kỹ :
- Giờ này anh xuống núi, sẽ không gặp người phía dưới đi lên nữa. Nhưng cẩn thận, nếu đang đổ dốc mà thấy nhiều đèn xe phía sau lưng, nên tránh càng sát vệ đường càng tốt. Vì đó rất có thể là lâm tặc chở gỗ về xuôi. Họ chả cướp gì của anh đâu, họ chỉ cướp đường mà đi thôi. Gỗ buộc ngang xe, và thả dốc, bất chấp trên đường có ai. Em từng phải bỏ xe nhảy vào taluy để tránh rồi. Cũng có thể gặp, có thể không. Nhưng cứ cẩn thận.

(còn tiếp)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top