What's new
Ngày 22/12 là ngày Hạ chí ở Úc, đã chín rưỡi tối mà mặt trời chưa lặn hẳn, hoàng hôn vẫn còn lấp ló ở cuối chân trời thành phố. Giật mình nhớ ra, đã nửa năm kể từ chuyến đi Nga xem World Cup cũng vào ngày Hạ chí (22/6). Mấy lần vào Phượt hóng hớt xem có ai kể chuyện đi xem World Cup không nhưng đều không thấy, phần em lại quá lười, vả lại cũng sợ hiểu biết còn nông cạn, kể chuyện đi Nga khác nào múa rìu qua mắt các bậc lão làng ở đây nên cứ chần chừ mãi không viết. Thế mà đến mãi hôm nay là Tết mới vội hí hoáy viết vài dòng, tự lưu lại làm kỷ niệm, bởi trí nhớ con người vốn tồi tàn, nếu không viết ra, nhiều chi tiết trong đầu đã dần rơi rụng mất.

Em không lớn lên với văn học Nga, không học tiếng Nga, bố mẹ không ai đi Nga, nhưng giống nhiều người Việt Nam vẫn có một tình cảm gì đấy với nước Nga rộng lớn, vậy nên bài viết này chỉ hoàn toàn là cảm nhận của một khách du lịch đi Nga vào một dịp rất đặc biệt là FIFA World Cup 2018, lại sống ở Tây, nên có lẽ sẽ khách quan và khác với cảm nhận của nhiều bác khác trên Phượt, có điều gì chưa phải, mong các bác vào bổ sung thêm kiến thức cho em với ạ. Nghĩ đi nghĩ lại em quyết định viết theo thứ tự thời gian vì như thế đỡ bỏ sót sự việc, mỗi tội sẽ rất dài dòng!
154803
 
IMG_4303.JPG

Bóng bánh chán quá, gần hết hiệp một mà chưa có bàn thắng nào, đành quay ra ngắm mấy anh an ninh đẹp trai còn hơn.

Trận này nếu Hàn Quốc muốn đi tiếp thì Mexico phải thắng Thụy Điển trong trận đá cùng giờ tối hôm nay (trận kia là 7 giờ tối giờ Yekaterinburg) và Hàn Quốc lại còn phải thắng Đức 2 bàn cách biệt, điều mà huấn luyện viên đội tuyển Hàn Quốc đã phát biểu là có 1% sẽ xảy ra. Tuy nhiên đội Hàn Quốc cực kỳ quyết tâm và nhìn họ đá dốc toàn lực thấy tinh thần chiến đấu thật là ghê gớm. Hàn Quốc và Đức đã từng hai lần gặp mặt và cay đắng cho Hàn Quốc là thua Đức 1-0 ngay trên sân nhà tại bán kết World Cup 2002, em đã từng đến sân Seoul World Cup này rồi, to khủng bố luôn.

IMG_4300.JPG

Giờ nghỉ em tranh thủ xuống đi lái và làm cốc bia, bia là phụ mà lấy cái cốc có hình World Cup là chính. Vì không gào thét mấy và ngồi trong bóng râm nên cũng không khát và bia thì là bia Budweiser của Mỹ, lại rót từ lon ra. Cái bọn Mỹ này trong chiến tranh thì lái buôn vũ khí mà đá bóng thì lái buôn bia. Các bạn Đức hào hứng uống bia Mỹ lắm, dù gì thì tổ tiên nhà nó cũng ở Đức mà ra.

IMG_4301.JPG

Vừa uống bia vừa ngắm người mua bia thì còn gì bằng. Mấy bạn này đang hồ hởi, phấn khởi và chờ đợi Coca được rót ra thì tất cả bỗng quay ngoắt đầu về phía sân vận động và hát theo nhạc phát ra. Tèn, ten ten, ten tén tén ten tèn ten tèn. Bố bọn Nga thâm nho nhọ đít quá, chúng nó phát bài Ca-chiu-sa ạ. Nhạc trữ tình như thế nhưng mấy vạn quân Đức ngồi đấy chắc sặc cmn bia luôn.
IMG_1246.JPG

Em nhanh chóng rút lui về ổn định chỗ ngồi không nhỡ mấy thằng Đức lại lao vào vã nhau với mấy thằng Nga thì đổ cốc bia của mình. Nắng đẹp mà trời mát, thưởng thức bia trong sân vận động thì còn gì bằng. Mỗi tội bia không có gì đặc sắc nhưng bù lại cái cốc thì biết nhấp nháy đèn ạ.

IMG_4304.JPG

Xem trên sân bao giờ cái không khí nó cũng đáng đồng tiền bát gạo, xem tivi màn hình có 82 inch cũng không thể bằng được. Cũng có vài tình huống kịch tính nhưng phải đến phút bù giờ thứ 3 thì Hàn Quốc mới cho vào lưới quả đầu tiên. Trên màn hình hiện lên thông báo VAR để kiểm tra lại bàn thắng.


IMG_4305.JPG

Và VÀO!!! Không chỉ người Hàn Quốc gào lên trong sung sướng, một nửa sân vận động toàn người Nga cũng gào lên. Hai thằng người Mỹ vô duyên ngồi cạnh em ôm nhau hú hét như trúng xổ số, chúng nó ngồi chửi Đức cả buổi.


Nhiều người lục tục ra về, cả người Đức. Vợ em kéo áo em thì thầm bảo hay mình về đi không tí nữa chen nhau ra cổng đông, phút 90+4 rồi còn gì nữa mà xem. Em nói ngay: "Cứ gượm đã, mình mà về là kiểu gì cũng vào". Vừa nói xong thì Hàn Quốc lại chơi thêm một quả phút 90+6, lần này thì khỏi VAR gì nữa, khán đài phía Đức ồ lên một cái rồi chết lặng. Đội tuyển Đức có một mùa thi đấu tồi tệ nhất trong lịch sử, đứng bét bảng F.

IMG_4302.JPG

Mọi người tranh thủ chụp kiểu ảnh lưu niệm trước khi rời sân. Gia đình áo đỏ đang chụp ảnh có em bé mặc bộ hanbok màu hồng là người Nga gốc Triều Tiên, ông cha họ bị đưa sang đây từ lúc còn chưa có nước Hàn Quốc.

IMG_4306.JPG

Trên con đường đi các làng hẻo lánh - Những người Đức lũ lượt trở ra về - Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê - Lá đa rụng tơi bời quanh sân bóng

Chúng em về đến nhà thì cũng đã xâm xẩm tối, mọi người vẫn còn đợi cơm, có món dạ dày bò xào với mùi tây parsley nhắm rượu ngon đáo để. Nghe tin Thụy Điển giã cho Mexico 3-0 thấy rằng mấy anh Nam Mỹ kì này bị con VAR nó vật cho tơi tả, các chiêu trò cũ giờ đã hết linh nghiệm, lần lượt theo nhau về quê hết, nhường chỗ cho thứ bóng đá đẹp của thời đại mới.
 
17. Chợ của người Việt: làm giàu không khó và em đã chạy cảnh sát như thế nào
Chương trình hôm nay đi chợ, có điều không phải để mua cái gì, mà là để bán. Thấy bọn em đòi đi chợ các cô chú ngạc nhiên lắm bảo sao không đi chơi chứ đi chợ có gì mà chơi. Hôm nay nhiệt độ ngoài trời đã lên đến 38 độ, đi dưới nắng này thì say chứ tham quan được gì, nên em chọn đi chợ cho có... điều hòa mát. Một đặc sản của người Việt Nam mà lúc trước em tưởng chỉ ở Nga, sau mới biết là ở khắp các nước, bao gồm cả Úc là cháy chợ. Đặc sản này thể hiện hai điều: một là người Việt rất hay tập trung kinh doanh ở chợ, hai là cứ cháy chợ là coi như bà con mất trắng. Nguyên nhân cháy thì lúc nào cũng do chập điện, chập điện nhiều một cách bất thường trong khi chợ của người Hoa, người Ấn, người Thổ... thì đếch bao giờ cháy, nên nguyên nhân cháy chợ là một điều-mà-ai-cũng-biết-là-vì-sao-đấy dù nguyên nhân "chính thức" được đưa ra của nhà chức trách các nước luôn là không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy. Một điều kì cục nữa là dù cháy chợ rất nhiều nhưng người Việt Nam không bao giờ mua bảo hiểm tài sản vì sợ tốn tiền. Có những vụ cháy to như chợ Sapa bên Tiệp hàng trăm tiểu thương đi ăn mày nhưng rồi đâu lại vào đó. Ở Kazan này cũng cháy chợ không dưới 3 lần, qua mấy lần "binh lửa" cô tôi cũng phải đi tong cả trăm ngàn đô nhưng mà cháy mãi cũng quen nên tiền bảo hiểm vẫn là đắt (!?)

Sau vụ cháy sạch sẽ cả chợ gần đây nhất, giờ các cô chú chuyển ra chợ này ở khá xa trung tâm, đi xe phải mất gần tiếng. Ở Mỹ và Úc, xe ôtô nhiều như lợn con, chỉ tổ tắc đường, tốn xăng và khói bụi nên khi em đi học, cả về tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp lẫn bảo vệ môi trường người ta đều khuyến khích đi làm thì đi chung xe với những ai làm cùng hoặc đi cùng hướng để tốt cả nhiều đường. Thế nhưng chuyện đấy chả bao giờ xảy ra vì tự do cá nhân và xăng rẻ như nước lã, em đi làm hằng ngày vẫn thấy cả nghìn cái xe có một người ngồi. Cho đến những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu thì việc đi chung xe bắt đầu manh nha, và thằng Uber ra đời với một mục tiêu rất cao thượng là giảm thiểu ô nhiễm, ùn tắc, bảo vệ môi trường nhưng rồi cuối cùng nó lại trở thành taxi chuyên nghiệp như ngày nay. Thế nhưng bên Nga do điều kiện khó khăn và các cô cũng không biết lái xe thế là việc bảo vệ môi trường của các cô diễn ra một cách tự nhiên không cần tuyên truyền giáo dục. Đi chợ là đi cả một xe 7 chỗ, sáng là một chú đi đón một vòng, vừa vui vừa chia nhau tiền xăng, thế là cái khó ló cái khôn, hơi bị văn mình luôn. Về Úc em liền áp dụng với thằng Tàu ở chỗ làm, lúc đầu nó còn chối đây đẩy, sau ngồi xe đi làm không phải lái nó nghiện luôn đuổi không đi, căn bản là đàn ông Tàu rất sợ lái xe, camera gắn chi chít quanh xe.
IMG_4307.JPG

Phương tiện giao thông công cộng ở Nga khá tốt, có lẽ do tư duy dùng chung phương tiện tập thể nên hệ thống xe tram, xe buýt khá dày đặc và nhiều chuyến.

Chợ này của một tay người Do Thái, lập rất quy củ, trông ngăn nắp và cơ sở hạ tầng rất chuyên nghiệp. Người Do Thái thì nổi tiếng bủn xỉn, không phải là tiết kiệm mà là keo kiệt ạ. Do đặc trưng của người Do Thái ở châu Âu từ xa xưa là dân nhập cư, không được sở hữu đất nên họ không làm nông nghiệp mà luôn tập trung sống ở thành thị. Việc sống ở thành thị dẫn đến hệ quả là người Do Thái thường làm các nghề tiểu thủ công nghiệp và buôn bán, đặc biệt đạo Do Thái không cấm cho vay nặng lãi nên người Do Thái nổi tiếng với nghề buôn tiền. Khi gia đình có điều kiện, giống như người Hoa ở Việt Nam, con cái được đầu tư cho học những kỹ năng cao cấp và làm những nghề chuyên môn cao của tầng lớp trung lưu như bác sĩ, kỹ sư, luật sư. Đạo Do Thái có nhiều quy định khác biệt và “bất thường” như cắt bao quy đầu chẳng hạn, nên mặc dù nó cùng một gốc với đạo Thiên Chúa nhưng thường bị người châu Âu dè bỉu và phân biệt đối xử rất ghê gớm. Sau Cách mạng tháng Mười, tầng lớp thượng lưu tức là quý tộc và địa chủ Nga bị tiêu diệt, thì lấy đâu ra trí thức mà sản xuất và nghiên cứu nữa. Thế là người Do Thái được trọng dụng như một lực lượng trí thức quý báu, trung thành với Nhà nước Xã hội chủ nghĩa do trước nay bị đàn áp bất công, nay được đặt lên ngang hàng với người Nga chỉ với một điều kiện là không được thực hành đạo Do Thái. Đạo nào thì cũng giống nhau dưới Xô triều, mà đã làm khoa học thì quan trọng gì đạo, thế nên một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học Xô Viết là người Do Thái. Những năm Liên Xô đói kém và Israel kêu gọi người Do Thái trở về “miền đất hứa”, các nhà khoa học lũ lượt xin visa xuất cảnh ra đi, càng gần đến những năm 90, người Do Thái đi càng nhiều, kể cả cây cột điện, à quên kể cả người dân thường có dính dáng một tí Do Thái dù cả đời chẳng thực hành đạo cũng xin đi, đến mức mà ngày nay tiếng Nga là thứ tiếng phổ biến thứ hai ở Israel. Đây là một tổn thất rất lớn cho Liên Xô và nước Nga sau này, những người được đào tạo với trình độ rất cao ào ạt đi định cư nước ngoài, và với Liên Xô thì một khi đã đi là không được trở lại. Thế nên thành phần Do Thái nào vẫn còn bám trụ lại ở Nga ngày nay đương nhiên không có xuất thân đàng hoàng, dù họ cũng kinh doanh rất phát đạt.

Quay lại với khu chợ, tay chủ Do Thái này tận thu mọi thường, ngoài giá bán ki-ốt cao, phí điều hành bảo trì cao, toa-lét thu phí... đến internet khi vào trong chợ cũng phải dùng của nó. Vào đến chợ là điện thoại mất sóng, không thể dùng 3G được, quay ra thì thấy cô em vào mạng bình thường, hỏi thì cô bảo là ở đây nó lắp máy phá sóng, sóng điện thoại rất yếu, nghe gọi thì tậm tịt chứ 3G không dùng được, nhưng trả tiền cho ban quản lý chợ để dùng mạng của nó thì lại ok.

IMG_4308.JPG

Trong chợ vẫn có những xe đẩy đi bán hàng rong như thế này

Chợ này cũng giống như những khu chợ ở Việt Nam, có điều bán sỉ quần áo là chủ yếu. Tiểu thương là người đến từ khắp nơi chủ yếu là người Thổ, người Trung Á và Việt Nam, cũng có cả người Trung Quốc mới sang độ hơn chục năm trở lại đây. Người mua hàng là những phụ nữ trung niên, tiểu thương ở những chợ nhỏ rải rác khắp các vùng nông thôn lên đây nhập hàng về bán. Người mua rất dễ chịu và mua bán rất buồn cười, hỏi giá-báo giá- mua thì lấy – không mua thì đi, không mặc cả, không nhăn mày, không chao chát như chợ búa ở Việt Nam. Thế nên giờ em mới hiểu một người hiền lành như cô em làm sao mà cũng buôn bán suốt mấy chục năm ở đây được và khi về Việt Nam thì bảo: “Kiểu này về đây thất nghiệp, cô không ra chợ bán được!”.
IMG_2492.JPG

Tình cờ thấy hàng Ta, nom vẫn mượt hơn hàng Nga phải không các bác?

Quần áo trong chợ đều là những hàng thông thường, vợ em cũng đã đi làm thêm với việc bán hàng ở chợ của Tây ở bên Úc nên nhìn phát biết ngay chất lượng. Có hàng nhập ở Trung Quốc, hàng Thổ và cả hàng may ở các xưởng đen/trắng của người Việt bên này. Nghĩ cũng thấy tủi, người Thổ cũng đi xuất khẩu lao động Tây Đức cùng lúc với người Việt Nam mình đi Đông Đức, đi Nga thời loạn lạc cũng cùng nhau, mẹ em ngày trẻ làm quản lý khách sạn ở ta khinh bọn Thổ ra mặt vì bẩn tính, thế mà giờ nước Thổ Nhĩ Kỳ nó cũng chen chân vào hàng những nước giàu nhất thế giới. Cái áo hàng Thổ cầm lên vẫn thấy chất lượng hơn hàng Trung Quốc. Nhưng cái đáng nói ở đây là giá. Em thấy người ta hỏi mua một chồng váy vải mỏng, thấy ai hỏi cũng trả lời là sim sụt, em biết sim sụt là 700 nên nghĩ chắc là 700/5 cái, thế cũng rẻ. Lúc cô nhờ trông hàng 5 phút có bà hỏi bao nhiêu, em chả biết tiếng cũng sim sụt, bà ấy lưỡng lự định lấy cả bịch xong thế nào lại đi, lúc cô về mới vỡ nhẽ ra là 700/1 cái nếu mua 5, còn mua lẻ là 1300! Hai vợ chồng cười bò, bảo bên Úc mà bán được thế này thì chả mấy mà giàu. Dĩ nhiên là chỗ chợ vợ em bán cũng nhập 5 bán 10 nhưng chất lượng vải và kiểu dáng thì có tốt hơn.

IMG_4311.JPG

Váy và quần áo phụ nữ mỏng mùa hè. Mannequin thật vãi chưởng mỗi tội không giống đa số người đi mua hàng tí nào

Bà con bên này thì cũng định cư nhưng nó khác với định cư bên Úc. Định cư ở Nga là có một quyển hộ khẩu, cứ 5 năm gia hạn một lần và giấy tờ tùy thân thì cũng nào cũng phải kè kè quyển hộ chiếu với hộ khẩu bên người. Gần như không có cách nào để lấy quốc tịch Nga ngoài kết hôn. Nên hầu hết bà con đều mang hộ chiếu Việt Nam và hộ khẩu Nga dù ở đây đã khá lâu rồi. Bọn trẻ con đẻ ở Nga thì đến năm 18 tuổi được đi phỏng vấn để lấy quốc tịch, nhưng mà cán bộ quốc tịch hỏi lắt léo, trẻ con 18 tuổi thì biết gì mà trả lời nên cũng trượt quốc tịch kha khá. Hộ chiếu các nước Trung Á và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ được miễn visa vào Nga du lịch nên tỉ lệ trốn ở lại khá cao và cảnh sát suốt ngày phải đi lùng sục kiểm tra visa và hộ chiếu.

Úc và Anh khác với nhiều nước châu Âu, đầu vào thì rất khó nhưng một khi đã qua cửa nhập cảnh thì bạn thành người tự do, đi đâu cũng được, trốn ở lại cũng được, rất ít khi kiểm tra giấy tờ, và nếu thỉnh thoáng có Công an xuất nhập cảnh đi kiểm tra bất ngờ thì họ cũng có toàn bộ thông tin visa trên máy tính, kiểm tra cái là ra, như Anh còn không có cửa xuất cảnh, mở cho một đường tự về nước với những ai ở lậu sau khi đã chán ngán cuộc sống chui lủi. Ở Úc em có bằng lái xe nên chẳng bao giờ mang hộ chiếu theo người, đi Nga thì có cẩn thận hơn nhưng mấy hôm nay đi toàn với các cô chú nên chẳng mang theo làm gì nhỡ rơi mà đeo lại nặng cổ.

Lúc ấy em đang đứng là quần áo bằng hơi nước, phụ cô thay quần áo cho man-nơ-canh, thì bỗng thấy tiếng người lao xao, đột nhiên có một cô chạy xồng xộc vào dãy hàng, kêu thất thanh: “Ômôn, có ômôn đến”. Em đứng sững người ra một giây thì nghĩ ra OMON là bọn Cảnh sát cơ động của Nga, bọn này đánh người thẳng tay, chuyên đi càn quét dân nhập cư, lôi thôi là nó gô cổ về đồn. Em vẫn bình chân như vại, thản nhiên là quần áo tiếp. Cô em bật dậy hỏi ngay: “Hai đứa có mang hộ chiếu không?”. Cả hai đứa thò tay vào khắp túi quần túi áo thì không thấy hộ chiếu đâu vì đã để ở nhà, chỉ có mỗi ví tiền và điện thoại. Em nói:

- Cô cứ bình tĩnh, cháu có thẻ FAN ID bản online trong điện thoại sẵn đây rồi.

- Không được, cứ phải có hộ chiếu cơ

- Nhìn chúng cháu là họ biết ngay khách du lịch chứ cô lo gì

- Không lằng nhằng, hôm nọ cô vừa bị nó bắt về đồn, buổi chiều chú mày mang hộ chiếu đến mới được về đấy, cô ở đây bao nhiêu năm còn thế, chúng mày giờ bị lôi đi thì mệt lắm. Mày lại còn đang đứng là quần áo nữa

Lần đầu tiên trong đời em bị một quả tình ngay lý gian như thế này. Đúng là em đang là quần áo thật, chẳng được trả công đồng nào nhưng nhìn vào thì tưởng ngay là lao động bất hợp pháp, giấy tờ không có, mà có mang FAN ID thì cũng chỉ là visa du lịch, không được làm việc. Thế là cô mở đường máu cho hai đứa thoát thân bằng cách mở trần nhà, đủn đít cho leo lên gác xép tối om nằm đợi đám giày đinh rầm rập quét qua. Hai đứa nằm cười rinh rích, ở dưới nhà cô vẫn nói vọng lên: “Chưa được đâu nhá, nằm đấy ngủ một giấc cũng được”. Lần đầu trải nghiệm cảm giác trốn quân địch đi càn và lao động bất hợp pháp nó là thế nào.

Trên gác xép vừa tối vừa nóng mà rồi cũng thiu thiu ngủ. Đến trưa thì xuống đi ăn. Ở chợ cũng có căng-tin, đây là cái rất buồn cười ở Nga, chỗ ăn nào trông cũng như căng-tin nhà trường, cầm khay xếp hàng, không có cảm giác hàng quán chợ búa. Quán của người Thổ, món Thổ cũng có vài món nhưng chủ yếu là đồ Nga. Xa-lát và rau ở các căng tin Nga rất nhiều, có lẽ không phải vì nghèo mà vì chế độ dinh dưỡng, ẩm thực của người Nga khá cân bằng, không giống như Anh Mỹ ăn toàn thịt, mỡ, tinh bột, đồ uống có ga. Từ khi ăn ở các căng-tin, bữa nào em cũng ăn hết sạch đồ, những đồ ăn mặn của Nga rất nhiều đạm, ví dụ đã thịt viên còn trứng, nhưng không hiểu sao ăn rất ngon có lẽ do đi bộ nhiều.

Lunch time.jpg


Lúc về hàng, đang ngồi đuổi ruồi thì có một cô xách cái làn đi qua bán chè. Lâu lắm mới được ăn cốc chè đỗ vị Bắc đỡ hẳn khát. Trước khi về còn mua được một tờ 100 rúp đặc biệt kỷ niệm World Cup, anh chị bán hàng gần đấy ưu ái để lại cho với giá 700 vì còn mỗi một tờ. Đợt này, du học sinh bên Nga về Việt Nam buôn tờ 100 rúp này cả đống, nhiều người cũng kiếm được kha khá, bõ công đi gom khắp nơi.

IMG_2084.JPG

Chè đỗ xanh, đỗ đen nước cốt dừa
IMG_2155.JPG

Lev Yashin in trên tờ 100 rúp Nga, đọc đúng tiếng Nga thì tên đồng tiền của Nga là Rúp-bồ (Ruble), nói rúp kiểu rút gọn của Việt Nam, người ta không hiểu.

Hôm nay tan chợ sớm vì chợ khá vắng. Thời tiết nóng lên đột ngột 30 độ nhưng có lẽ chỉ được độ một tuần nên hàng mỏng mùa hè cũng không nhập quá nhiều. Trước khi về nhà thì có rẽ qua chợ Việt Nam gần trung tâm để xem. Chợ này là chợ lâu đời nhất, gọi là chợ Bà Côi, vào trong thấy hàng trăm ki-ốt y hệt như các chợ mới xây ở Việt Nam, có lịch sự hơn tí. Ở đây có nhiều gian hàng thuê người Nga bán, là các bà già, phụ nữ trung niên, do đợt trước Nga Thái Tông ban chiếu phải thuê người Nga đứng bán, nhằm xoa dịu tình hình kinh tế ảm đạm, thất nghiệp tràn lan, người nước ngoài (tức những người Việt "định cư" ở đây) không được đứng bán hàng.

IMG_4312.JPG

Nhìn dòng chữ Vietnamski trên mái chợ cũng thấy chút tự hào
 
Last edited:
18. Hai cậu em họ của tôi
Tối hôm đó, cả nhà đi dạo trên phố Baumana, là phố đi bộ chính ở khu trung tâm khá nhộn nhịp. Nhất là trong không khí World Cup, thành phố lại càng náo nhiệt với bạn bè năm châu. Em mặc chiếc áo phông có hàng chữ Australia để cổ vũ đội tuyển Úc, nhưng bất ngờ là khi đi trên đường phố, có ít nhất vài chục lượt người xin chụp ảnh cùng. Biết được em đến từ nước Úc xa xôi, người Nga quý lắm, và ở điểm này thì sự chân chất của người Nga thật dễ mến, mấy em học sinh đang đi lên từ dưới metro, gặp nhau ở cầu thang mà cũng xin chụp cùng một kiểu ảnh bằng được. Mùa hè nước Nga làm ta thấy sự sống như bừng dậy.
IMG_2504_副.jpg

Hai mẹ con chị này rất vui vẻ và vồ vập luôn, em cười ngoác cả miệng chụp ảnh
IMG_2513_副.jpg

Chụp với một dàn các em học sinh cấp ba đang chụp ảnh kỷ yếu. Ở bên này, hết cấp ba làm hoành tráng lắm, con gái váy vóc, con trai vét vủng, oách xà lách rồi còn dẩy đầm. Chắc các em đều chưa 18 chứ không thì...

Đồ lưu niệm trên phố thì nhiều nhưng em chẳng biết mua gì về Úc làm quà hay làm kỷ niệm vì trông nó cứ lởm lởm. Cô đề nghị em mua chak-chak về ăn và làm quà. Dân gian tương truyền rằng nhiều bạn du học sinh và người Việt bên này nghiện món chak-chak phải đặt hàng từ Kazan gửi lên Mát lên Xanh ăn cho bõ thèm, mà phải chính hãng chak-chak Kazan cơ. Nó là món bỏng, trông giống y như bỏng gạo ở quê nhà ta nhưng khác cái là làm bằng bột mì nhào trứng và sau khi chiên giòn xong thì nhúng vào mật ong nên rất thơm mà không bị ngọt khé cổ như bỏng gạo. Em thì không mê đồ ngọt nhưng thấy ăn cũng được nên làm vài hộp gọi là đặc sản.
IMG_4310.JPG

Một bánh chak-chak, bỏng này nó đủ kiểu hình dạng luôn, có loại dài như sợi mì
IMG_2104.JPG

Mấy con này bán đầy nhưng giá khá chát, nên cứ chần chừ và rồi quyết định đồ lưu niệm World Cup để quay lại Mát, đi chợ đồ lưu niệm rồi mua một thể, mua trong mấy hàng trên phố này kiểu gì cũng bị chém.


Đến đây thì lại phải quay lại câu chuyện con lật đật một tí: qua rất nhiều cửa hiệu cửa hàng, chợ búa, cả phố đi bộ tấp nập bán đủ thứ hàng hóa, đồ thủ công, búp bê matryoshka lồng vào nhau thì bạt ngàn nhưng nhưng cô gái Nevalyashka của em vẫn không hề lộ diện. Điều làm em hoang mang hơn nữa là những người bán hàng lưu niệm ai cũng biết con lật đật ngày bé đã chơi, nhưng không ai biết giờ nó bán ở đâu! Cậu em họ sinh ra ở Nga, nghe mọi người bàn chuyện con lật đật liền thắc mắc vì chưa nghe thấy từ “lật đật” trong tiếng Việt bao giờ. Cô chú tôi giải thích bằng cả tiếng Việt, tiếng Nga nhưng cậu em sắp vào đại học vẫn không hiểu, chỉ đến khi đưa ảnh ra thì cậu mới à lên: “À, con này gọi là con không bị ngã!” (nghĩa đen của từ nevalyashka). Cậu giải thích rằng “con không bị ngã” bán ở trong siêu thị đồ chơi vì nó là đồ chơi chứ không phải đồ lưu niệm, cả nhà mới vỡ nhẽ vì tìm sai chỗ. Đến hôm nay mà đặt hàng online thì sẽ không kịp giao hàng nên sáng hôm sau cu cậu dẫn tôi đi ra trung tâm thương mại để tìm mua.
IMG_4313.JPG

Từ siêu thị nhìn sang khu chung cư bên đường với kiến trúc tầng tầng lớp lớp của Nga trông dài dằng dặc miên man như tường thành

IMG_4314.JPG

Trẻ con Nga sướng kinh các bác ạ, có cửa hàng chuyên cắt tóc trẻ em nữa, tóc em mà còn dài chắc em cũng chui vào làm nháy, trông mượt ơi là mượt

Siêu thị đồ chơi giống như bất kì cửa hàng đồ chơi nào khác ở phương Tây, vô vàn chủng loại, màu sắc, nhưng đi hết tất cả các dãy búp bê vẫn không có món đồ chơi cần tìm. Anh quản lý cửa hàng kiểm tra trên máy tính thì đã... hết hàng. Anh giải thích rằng hàng này bán không chạy nên cả hệ thống nhập rất ít và thỉnh thoảng mới nhập thôi, vì giờ có nhiều loại đồ chơi, không ai tìm mua những đồ này nữa. 99% đồ chơi trong cửa hàng là sản xuất tại “Kitay”. May làm sao lúc vừa quay đi thì anh quản lý gọi với theo, bảo còn một con hàng tồn trong kho, giá 750, lúc lôi ra thấy là loại đời mới nhưng thôi em cũng đành lấy tạm theo tinh thần “có còn hơn không, có còn hơn không”.

IMG_2128.JPG


Lúc về vào ngân hàng đổi thêm một ít tiền đô ra tiền rúp. Ngân hàng ở Nga sợ bị cướp hay sao mà ngăn cách kinh lắm. Bạn giao dịch viên ngồi sau tấm kính dày và tiền phải đưa qua một cái ngăn inox, có chỗ còn phải đặt tiền vào khay xong đẩy qua bên kia tấm kính. Đang đếm tiền thì bạn giao dịch viên ngẩng lên hỏi, phiên dịch là: “Chị ấy hỏi anh có lấy tờ 100 rúp World Cup không?”, mình ngờ ngợ hỏi lại: “Thế có mất tiền không?”, phiên dịch: “Không mất tiền”, mình mừng quá: “Thế ok luôn”, bạn kia cúi xuống ngăn lấy tiền ra, xong lại hỏi: “Thế muốn lấy mấy tờ?”, mình buồn cười quá bảo: “Thế cho càng nhiều càng tốt, cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu”, vậy là cuối cùng bạn ấy cho em 15 tờ 100 rúp World Cup, nếu bán 700 rúp một tờ thì chỗ này em lãi hơn trăm USD các bác ạ. Về em phát lộc cho cả nhà mỗi người một tờ! Cảm ơn bạn nhân viên ngân hàng vui tính.
 
Last edited:
Buổi chiều cuối cùng ở Kazan, em đề nghị được cô chú chở đi cho gặp cậu em họ thứ hai, mới học cấp 1, mà em chưa bao giờ được gặp mặt, đang ở trong “trại”. Một hoạt động hè của trẻ em đặc trưng ở Nga đó là đi trại hè. Tất cả trẻ em đều được đi chơi theo chương trình của nhà trường hoặc bố mẹ gửi con tham gia các trại hè ở xa. Hai ông em trai tôi hè nào cũng như hè nào đều đi “du lịch” cả, tốn kém phết. Năm nay anh lớn đi trại hè ở Sochi miền Nam nắng ấm, đi tàu hỏa 3 ngày 2 đêm mới tới, đi luôn từ chiều nay. Cậu em thì đi gần hơn, cách nhà khoảng... 60km nhưng đi hơn một tháng. Em theo cô chú và các bác phụ huynh người Việt đi “tiếp tế” cho các em ở khu nghỉ hè sâu trong rừng bạch dương.
IMG_4316.JPG

Rừng dương trong hoàng hôn, lãng mạn chỉ phải cái... nhiều muỗi
IMG_4315.JPG

Khu trại hè trong rừng bạch dương với bàn để phụ huynh đăng ký thăm con.

Sau khi được cán bộ cho ra, lũ trẻ ào ào chạy ra. Các cô các chú xoa đầu và ôm bọn trẻ con như mấy cục vàng, mà đúng là bao công sức vất vả ở nước ngoài, nhìn thấy con cái lớn khôn nó sướng lắm ạ. Các bố mẹ thu gom quần áo của lũ trẻ lấm lem bùn đất đem về giặt và “thăm nuôi” thêm đồ ăn vặt, bánh trái. Thật vui khi thấy các em đều nói tốt tiếng Việt với bố mẹ (kêu là “muỗi đốt nhiều lắm”) mặc dù khi quay ra đùa với nhau thì chúng nói tiếng Nga như gió. “Cô giáo” của trại hè, quản lý cả lũ trẻ là một bạn sinh viên người Tatar, khuôn mặt như các thiếu nữ Nga nhưng mắt nâu, tóc nâu dài. Bạn nói tiếng Anh rất tốt và kể chuyện rất thật thà, gặp người lạ lần đầu nhưng không hề nói khách sáo, thấy em bập bõm mấy câu tiếng Nga, bạn cũng hồ hởi bảo ngoài tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Tatar bạn còn biết mấy câu tiếng Ả Rập để đọc kinh mà học mãi không thuộc, xong đọc một tràng làm như em hiểu cả tiếng Ả Rập ấy ạ.

Bạn khen các em nhà mình đều nói tiếng Tatar rất giỏi. Nước Nga vốn là nước đa chủng tộc, đa văn hóa từ lâu đời, trong lời cô giáo nói, không hề có sự phân biệt nào rằng các em là người Việt Nam. Tiếng Tatar mà người Việt gọi tắt là “tiếng Tác”, là ngôn ngữ chính thức ở Tatarstan bên cạnh tiếng Nga, nên học sinh đều học song song hai thứ tiếng, dù tiếng Nga mới là ngôn ngữ chủ yếu dùng hằng ngày trong sinh hoạt và giao dịch. Ngay cả các gia đình người Tác cũng chỉ nói chuyện chứ ít chú trọng cách viết. Vậy nên mới có chuyện vui mà cô em kể rằng, đi họp phụ huynh, mấy bà người Tác cứ khen cậu em tôi: “Này thằng bé nhà chị giỏi thật, tiếng Tác toàn 5 điểm, mấy cháu nhà tôi được có... 3”. (5 là điểm cao nhất trong thang điểm ở nhà trường Nga)

IMG_2527.JPG

Bảng điểm tốt nghiệp cấp 2 của thằng cu lớn đúng là hai môn Tiếng Tác (татарский язык) và Văn học Tác (татарская литература) đều được 5 phẩy cả.

Tối hôm đó liên hoan chia tay, các cô chú đến ăn uống vui vẻ, chai vodka này đã là chai thứ 12 kể từ ngày em đến. Chuyến bay sáng mai đi Thủ đô thứ hai của Nước Nga - thủ đô văn hóa của đế quốc Nga khởi hành lúc 4h sáng. Lục tục dậy từ 2h cùng ông mặt trời, ôm hôn thắm thiết rồi vợ chồng em tạm biệt cô chú cùng Kazan, hẹn ngày gặp lại tại Việt Nam.

IMG_4317.JPG

Trên đường ra sân bay buồn ngủ díp mắt. mắt em mờ tịt như cái ảnh này các bác ạ. Tại lúc đặt vé muốn được chơi thêm buổi sáng ở Xanh nên đặt thật sớm để còn được chơi, cuối cùng thì... hồi sau sẽ rõ ạ!

IMG_4318.JPG

Mặc dù mua vé của Aeroflot Búa liềm bay nhưng mà hãng vận chuyển lại là Rossiya. Hãng này của Nhà nước khá lâu đời, trụ sở ở Xanh nhưng rồi sát nhập vào Aeroflot (Aeroflot năm 75% cổ phần), đại loại cũng giống như Jetstar Pacific ở ta vậy. Em vẫn làm thủ tục ở quầy Aeroflot và vé in ra vẫn của Aeroflot nhưng không được tính điểm Skyteam Nải chuối vàng vì hãng vận chuyển là Rossiya. Được cái máy bay ở Nga giờ đều dùng Airbus và Boeing là chủ yếu, khi mua vé em rất cảnh giác, phải kiểm tra loại máy bay gì, nếu thấy máy bay Nga thì rẻ mấy cũng không mua.


IMG_4319.JPG

Chuyến bay ngắn chỉ 2 tiếng nên ưu tiên tiêu chí ngon-bổ-rẻ, tiếp viên không quá già và rất niềm nở. Đồ ăn không có gì ngoài gói bánh, cũng giống như Vietnam Airlines bay chuyến sớm từ TPHCM ra Bắc vậy. Đi sớm vậy nhưng hành khách ngồi kín máy bay, còn sớm quá nên trên máy bay mọi người ngủ gà ngủ gật cả, em cũng gục xuống, tỉnh dậy thì đã đến Sân bay quốc tế Pulkovo!
 
19. Thủ đô phương Bắc: Sankt- Peterburg

Thành phố này có tên phiên âm tiếng Anh là Saint Petersburg với chữ “s” trong”Petersburg” nên tiếng Anh đọc cũng có chữ “s” ở giữa. Phiên âm tiếng Nga là Санкт-Петербу́рг/Sankt-Peterburg với “Peterburg” có chữ “r” rung lưỡi ở giữa mà không có “s”. Dân Nga ở đây thì gọi tắt là Piter. Em quyết định gọi đơn giản là Xanh theo kiểu ta, còn đa phần mọi người vẫn gọi là Leningrad, vì chỉ có thành phố Xanh là đổi lại tên từ Leningrad còn tỉnh bao xung quanh vẫn giữ tên là tỉnh Leningrad. Sân bay quốc tế Pulkovo vẫn giữ mã IATA là LED (viết tắt của Leningrad) cũng như Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữa mã IATA là SGN (viết tắt của Sài Gòn), nên đổi tên thì mặc đổi tên, mã sân bay không bao giờ đổi, điều này khá thú vị nếu xem mã sân bay mang tên cũ của các thành phố ở khắp nơi trên thế giới.

Thủ đô văn hóa của nước Nga – Trung tâm nghệ thuật của nước Nga – Thành phố của những đêm trắng – Venice của phương Bắc (cái tên này là chối nhất, chỗ nào cũng thấy so với Venice cả), đây là thành phố huyền thoại của nước Nga mà trên tất cả các trang đánh giá du lịch đều phải khen rằng đây là điểm đáng đến nhất ở nước Nga dù có là Tây lông thành kiến. Trước khi đi, có ông làm ở công ty đối diện hay ngồi ăn trưa cùng, ông này đã đi Nga năm 2005, thời vẫn còn loạn lạc, bảo đi Nga sợ lắm, toàn đầu trọc (ông này đầu cũng trọc) nhưng mà Saint Petersburg thì nên đi, rất đẹp, dù hơi cũ.

Thành phố Xanh Pê-téc-bua xinh đẹp (chưa thấy đâu) đã phang ngay cho em một quả choáng váng: trời mưa lâm thâm và nhiệt độ ngoài trời được tiếp viên thông báo là... 9 độ C (!!!). Lúc đang ngồi chờ đèn hiệu cài dây an toàn tắt em vẫn còn hí hửng, chắc em tiếp viên đọc nhầm, đang giữa mùa hè, hôm qua ở Kazan là 29 độ cơ mà. Bước ra khỏi máy bay, gió thổi tí bay mũ, em chỉ muốn nhìn trời mà kêu rằng: "Sao ông trời lại nỡ phụ ta? Chuyến đi này còn đen đến bao giờ?" Vậy nên các bác lưu ý là đi Xanh thì vẫn cứ phải mang áo rét dù đi giữa mùa hè. Ngày nắng cũng rét mà ngày mưa thì càng rét, rét như mùa đông ở Việt Nam luôn. Em bắt đầu tự đặt câu hỏi về cái ông dời đô đến đây không biết ích nước lợi dân cái gì nữa?

IMG_4320.JPG

Nhà ga của sân bay Pulkovo không lớn lắm nhưng mới cứng, vừa khánh thành năm 2014. Không biết do người đông hay thiết kế không hợp lý mà người chen nhau lố nhố hết cả ở sảnh đến dù mới có 6h sáng. Em cũng chen vào quầy Taxi hỏi xem bao nhiêu tiền một xe về thành phố, giờ thì em không nhớ chính xác báo giá nhưng còn nhớ là nó gấp khoảng 7 lần giá tiền nếu đi bằng app, nên em cười thật tươi rồi quay mông đi và tự gọi xe luôn.

IMG_4321.JPG

Sân bay Pulkovo nhìn từ ngoài có hàng dãy những cái trụ trông như ống khói nhà máy, tường nhà lại ốp kim loại hoặc sơn màu xám nhạt, chả hiểu là phù hợp hay không phù hợp với thành phố này nữa? Trời mây đen xám xịt và lất phất mưa phùn, cảm giác như trong những phim trinh thám hành động, khi mà nhân vật trong phim ngồi taxi về thành phố và mưa bay ngoài cửa kính xe.

IMG_4322.JPG

Xe chạy qua Dom Sovetov - Tòa nhà (của những người) Xô viết sừng sững và xám xịt. Tượng đài Thái Tổ vẫn hiên ngang, tung bay tà áo tung bay. Tòa nhà này được thiết kế làm trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Xanh để các cán bộ rời khu trung tâm hay lụt do mưa lớn kết hợp triều cường, à quên do sông Neva. nhưng vừa xây xong thì chiến tranh nổ ra (1941), quân Đức vây hãm thành Leningrad, và tòa nhà này trở thành bộ chỉ huy quân sự. Sau chiến tranh nơi đây đặt một số viện nghiên cứu và sau Đổi mới thì Nhà nước quay ra cho thuê làm văn phòng vì Nhà to quá, để mấy ông ngồi ngâm cứu không cũng tốn tiền điện.


IMG_4323.JPG

Ga Moskovsky với hàng cửa sổ kiểu Venice và tháp chuông nhái kiểu Ý. Ga tàu ở Nga đặt tên khá dễ hiểu, Ga Moskovsky thì dĩ nhiên là để đi Mát rồi. Ở phía kia của đường tàu ở Moskva là ga Leningradsky với kiến trúc mặt tiền y hệt. Cả hai đều do kiến trúc sư Konstantin Thon thiết kế. Em đặt khách sạn ở giữa đường từ khu trung tâm đến ga này để tiện đi ra phố mà không quá ồn ào cũng như tiện đi ra ga để về Mát, không sợ tắc đường.


IMG_4324.JPG

Ngay trước nhà ga là một bùng binh khá lớn có cột Obelisk ở giữa mang tên Leningrad - Thành phố anh hùng với ngôi sao vàng chói lọi trên đỉnh. Khu trung tâm của Xanh hiện ra với 90% là các tòa nhà cổ.

IMG_2151.JPG

Xe dừng chân trước một cánh cổng sắt lớn, nhìn vào một khoảng sân rộng lát gạch, kiểu một khu nhà châu Âu có sân chung ở trong. Khách sạn hóa ra là cải tạo lại một phần của tòa nhà này. Phải bấm chuông gọi cửa thì lễ tân mới mở cho vào. Bên trái là một nửa tòa nhà được cải tạo làm nhà hàng, thấy có cả biển trung tâm tiếng Anh đi thẳng. Có ít giỏ hoa treo hai bên cũng thấy ở đây có khác so với Mát và Kazan, nhưng những quả ống dẫn nước mưa từ máng xối xả thẳng ra sân với vỉa hè đặc trưng Xô viết này thì đâu cũng thế.

Đến nơi thì mới có 6h40 sáng, Lễ tân chưa cho nhận phòng vì giờ nhận phòng là 14h. Lần này thì đặt phòng đàng hoàng $100/đêm vì muốn dành hết sự lãng mạn của chuyến đi cho 3 ngày ở đây nhưng vì ở khu này cách trung tâm có 3km, lại mùa lễ hội nên $100 cũng chỉ được phòng đôi loại thông thường. Kế hoạch dự tính là gửi đồ ở đây rồi đi chơi, nhưng ngoài kia mưa gió mịt mùng, trong nhà lại có máy sưởi ấm nên ngài ngại. Ở ngay cửa ra vào có hai cái ghế bành nên cứ ngồi đấy làm một giấc đã rồi tính tiếp vì buồn ngủ quá, trời lại rét rét, ngủ rất vào. Đang ngủ thì có một anh lễ tân khách sạn ra lắc lắc vai cười rất tươi bảo: ok lên phòng đi. Chắc thấy hai đứa vật vờ ở ngay cửa toàn khách ra vào họ nhìn thấy nên tống lên phòng luôn. Trong phòng và các hành lang đều có sưởi cả, rất ấm, ở Nga họ bật máy sưởi rất nóng, đến mức nhiều khi chỉ cần cởi trần hoặc mặc áo ngắn tay quần đùi trong nhà, mùa đông mọi người bảo cũng thế. Em mở cửa sổ ra nhìn thì mới thấy cái cửa sổ ở xa tít từ bậu cửa, nghĩa là tường nhà dày khoảng 50-60 phân! Có lẽ dày như thế mới đủ để chống chọi với cái lạnh Bắc Âu này. Hai đứa bảo nhau ngủ tí cho lại sức rồi dậy đi chơi. Nhưng lần đầu tiên được đặt lưng xuống một cái giường tử tế trong chuyến đi này, chúng em kéo một mạch đến chiều luôn các bác ạ! Vậy nên đi chơi tốt nhất là cứ giường êm đệm ấm thì mới có sức mà chiến đấu phỏng ạ?
 
20. Những quả trứng Phục sinh và sông Fontanka

Sau khi ngủ chán chê mà trời vẫn không ấm lên, bụng kêu òng ọc khiến em phải mò dậy đi tìm chỗ ăn. Trời mưa phùn hơi giá mà đi ăn phở thì còn gì sướng bằng phải không các bác. Nên em gặp ngay quán phở ở đầu đường là chui vào luôn. Em phục vụ bàn nhìn và nghe giọng là biết ngay người Việt Nam, nhưng khi bạn ấy đến đưa menu thì tự động nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Nga với chúng em. Em cũng giữ phép lịch sự nên trả lời và gọi món bằng tiếng Anh. Khổ thế các bác ạ, đi ăn phở ở đâu cũng có khi gặp tình cảnh như thế, nhiều khi các bạn ấy không muốn nói tiếng Việt thì mình cũng phải chiều, cũng có thể bạn ấy không nhận ra nhà em là An-nam-mít vì thường thường ít khi người ta đoán vợ chồng em là người Việt Nam, cứ coi là như vậy đi.

IMG_2160.JPG

Bài trí trong quán. Nhà hàng Việt Nam có vẻ là một kiểu nhà hàng đắt trung bình ở Nga, khác với các quán Việt Nam ở Úc hầu như là quán ăn bình dân

IMG_2157.JPG

Tờ giấy trải bàn có bản đồ giới thiệu các địa điểm du lịch và các món ăn Việt Nam rất hay. Chỉ hơi ngài ngại ở chỗ nó có góc phải phía trên để chơi cờ ca rô và bắn tàu, em thầm nghĩ kiểu này chắc khách thường phải ngồi đợi dài cổ thì mới có thời gian mà chơi mấy trò này. Nhưng may quá chỉ 10 phút sau là phở ra, có điều...


IMG_2161.JPG

...Phở dư lày thì nghĩ cũng xót tiền bỏ ra, thôi được cái giá đỗ dài mà không héo, ăn kèm rau cải (!?)



IMG_2162.JPG

và bánh xèo càng choáng váng

Ăn xong, em đi ra đến sông Fontanka, một nhánh của sông Neva, gió thổi ào ào. Thời tiết này cần thay đổi chiến thuật sang tham quan trong trong nhà, xử lý điểm đến đầu tiên là Bảo tàng Fabergé nằm ngay trên bờ sông Fontanka. Đây là bảo tàng tư nhân của tỷ phú giàu hàng đầu nước Nga: Viktor Vekselberg. Ông này là một trong những người bị Mỹ hạn chế đi lại và đóng băng tài sản vào tháng Tư năm 2018 do có quan hệ làm ăn với chính quyền Nga. Ông sở hửu một tổ chức văn hóa tên là Link of Times với mục tiêu đưa những báu vật của nước Nga ở hải ngoại quay về với cố quốc (dĩ nhiên là bằng tiền). Thành tựu lớn nhất của tổ chức này hay cá nhân ông là mua lại bộ sưu tập 9 quả trứng Fabergé của nhà Forbes (tạp chí Forbes) với giả khoảng 100 triệu đô Mỹ ngay trước khi chúng được đưa ra đấu giá tại Sotheby’s vào năm 2004. Cuộc đấu giá sau đó bị hủy, chưa có tiền lệ trong ngành đấu giá, khi mà toàn bộ vật phẩm đã bán hết trước khi đưa ra công chúng.

Đến đây thì cần nói qua về Fabergé, có lẽ nhiều bác quan tâm đến nghệ thuật cũng đã biết đến ông. Peter Carl Fabergé (tên khai sinh tiếng Nga là Карл Густавович Фаберже/ Karl Gustavovich Fabergé) sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề kim hoàn gốc Pháp, do việc đàn áp đạo Tin lành của Vua Pháp mà phải trốn sang Đức cùng 25 vạn người Pháp khác. Ông sinh ra ở Sankt Peterburg, khi ông 14 tuổi thì bố ông nghỉ hưu và cả nhà trở về Đức, để lại doanh nghiệp kim hoàn nhỏ nhưng có tiếng tên là Nhà Farbegé cho một người đệ tử (Hiskias Pendin) quản lý. (Chữ Farbegé viết đúng phải có dấu sắc trên chữ e, một kiểu làm màu cho mang tính chất Pháp, vì tiếng Pháp là tiếng nói chính thức của giới quý tộc châu Âu cũng như quý tộc Nga và những đồ kim hoàn xa xỉ đương thời đều đến từ nước Pháp) . Carl Fabergé từng đi "du học" khắp Anh, Pháp, Đức và sau đó quay lại thủ đô Nga lúc bấy giờ để tiếp quản gia sản, quan trọng hơn là phát triển nghề kim hoàn của gia đình. Hiskias Pendin tieps tục truyền nghề cho Carl trong mười năm và công ty đã được nhận những công việc sửa chữa và phục chế những đồ dùng hoàng gia ở Cung Hermitage.

Trong thời gian này Xưởng Fabergé đã sản xuất ra rất nhiều đồ kim hoàn giá trị nhưng lịch sử chỉ thực sự bắt đầu khi năm 1885, Sa hoàng Alexander III đặt hàng ông làm một quả trứng Phục sinh làm quà cho hoàng hậu. Liên tiếp trong những năm sau đó, hai Sa hoàng cuối cùng đã đặt hàng Carl Fabergé những quả trứng Phục sinh mà người ta đánh giá là đỉnh cao nhất trong nghệ thuật kim hoàn của thế giới. Tài năng của Fabergé kết hợp với sự ăn tiêu xa xỉ của vua chúa Nga đã để lại những kiệt tác mà đến nay cũng không ai có thể vượt qua được. Nhà Fabergé bị quốc hữu hóa vào năm 1918 và những quả trứng quý giá này theo chân giới quý tộc chạy ra nước ngoài, trong đó phần lớn rơi vào tay những người Mỹ siêu giàu vì giới quý tộc Nga phải bán đi không biết bao nhiêu đồ quý để lấy tiền tiêu dùng trong những năm cuối đời tị nạn tại hải ngoại.

Trứng Phục sinh Fabergé chia làm hai loại là Trứng Hoàng gia“Trứng Đại gia”. Trứng Hoàng gia là những quả trứng do hai cha con Sa hoàng Alexander III and Nicholas II đặt làm nhân Lễ Phục sinh và làm quà cho hoàng thân quốc thích mà chủ yếu là Sa hậu và Thái hậu từ năm 1885 đến 1917. Những quả trứng này ngoài giá trị thẩm mỹ thì còn có giá trị lịch sử nên rất đắt (khoảng 10 triệu đô/ quả) hiện còn 43/ 50 quả đã xác định trên thế giới. Loại trứng thứ hai với số lượng rất ít là của nhà Fabergé làm cho các quý tộc và đại gia Mỹ với mô típ gần giống như loại của Sa hoàng. Tổ chức Link of Times này với 9 quả trứng hoàng gia và 3 quả trứng đại gia cộng với rất nhiều vật phẩm nhỏ hơn sản xuất bởi Công ty Fabergé đã trở thành chủ nhân của bộ sưu tập Farbegé lớn nhất trên thế giới. Chỉ có Bảo tàng vũ khí Kremlin ở Moskva là có nhiều hơn trứng hoàng gia với 10 quả. Sau khi mua trứng, Link of Times dùng tiếp 6 năm từ 2006-2012 để trùng tu một biệt phủ trên bờ sông Fontanka gọi là Phủ Shuvalov, một trong những dinh thự lộng lẫy nhất Sankt-Peterburg, để làm nơi trưng bày bộ sưu tập này cùng rất nhiều đồ kim hoàn của Hoàng gia Romanov, mở cửa vào năm 2013 gọi là Bảo tàng Fabergé tại Sankt-Peterburg (để phân biệt với các Bảo tàng Fabergé khác trên thế giới).

IMG_2563_副.jpg

Cầu thang lên gian trưng bày là toàn bộ tầng hai

Tầng 1 của tòa nhà là quầy bán vé, phòng gửi đồ và cửa hàng lưu niệm bán những quả trứng Phục sinh made in Kitai, cũng có những quả bán khá đắt nhưng chuyến đi Nga này em không mua quả trứng nào về làm đồ lưu niệm vì đồ giả nhìn chán lắm, sau khi các bác đã thấy hàng thật. Toàn bộ gian trưng bày trên tầng 2. Chỉ là một Phủ của hoàng thân ở trên phố thôi mà đã thấy nhà cửa nguy nga lộng lẫy như thế nào, đúng là nước mình chưa thực sụ có quý tộc bởi vì giới thượng lưu và vua chúa nước mình ngày xưa cũng chỉ giàu có hơn giới nhà buôn, địa chủ có một ít, nếu quan lại sống thanh liêm thì còn kém hơn, quý tộc ở châu Âu mới thực sự là phong (tước) kiến (địa), chiếm hữu ruộng đất nên nó mới giàu.

IMG_2576.jpg

Phòng xanh – gian trưng bày chính với tất cả các quả trứng

Bảo tàng là một điểm tham quan mới ở Sankt-Peterburg, về phòng ốc thì rất xa hoa theo nguyên bản, về tổ chức quản lý thì rất hiện đại văn minh, có tour bằng đủ các thứ tiếng và chỉ dẫn tận tình. Khách tham quan chủ yếu là người trong nước và người châu Âu, tuyệt đối không thấy khách châu Á chứ đừng nói là khách Trung Quốc. Em cũng làm quả máy thuyết minh tiếng Anh nhưng về sau mê mải xem quá chả nghe máy đọc nữa. Ảnh chụp thực thì không thể nào đẹp như ảnh mẫu trên các trang web nên mời các bác xem tạm vậy.

(Tất cả các quả trứng và tranh in trên kim loại đều được bọc một lớp gọi là enamel cho sáng bóng. Tiếng Việt tạm dịch là men. Men là một hỗn hợp khoáng chất mà khi nung lên thì trở thành thủy tinh, nói nôm na là kim loại bọc thủy tinh màu. Ở Việt Nam, trong cung đình triều Nguyễn có rất nhiều sản phẩm như vậy, gọi là pháp lam. Trong bài này, ta tạm hiểu enamel là pháp lam)


IMG_2581.jpg

Quả trứng đầu tiên Hen (1885): Con gà vàng trong quả trứng vàng, quả trứng vàng đặt trong một quả trứng vàng bọc men trắng ngà. Từ đây người biết yêu người, từ đây đặt trứng đều đều...

IMG_2191.jpg

Bộ sưu tập khuyên tai hình trứng Phục sinh


IMG_2193.jpg

Trứng Rosebud (1895) là món quà đầu tiên của Nicolas II dành cho Alexandra Fyodorovna và phần ruột của quả trứng Mauve (1897) có ảnh của ba người: Nicolas và vợ cùng con trai Olga Nikolaevna. Trứng Mauve hiện được cho là mất tích.
IMG_2192.jpg

Trứng Coronation (1897) nhân dịp Nicolas II làm lễ đăng quang 1896, quà tặng vợ: Alexandra Fyodorovna.
 
Nước Nga theo Chính thống Giáo Nga, một nhánh của Thiên Chúa Giáo ở phương Đông, nổi bật là Hy Lạp và Nga+Đông Âu. Trong Chính thống giáo thì lễ Phục Sinh (kỷ niệm ngày Chúa tái sinh sau khi bị đóng đinh lên thập giá) mới là lễ quan trọng nhất chứ không phải lễ Giáng Sinh. Trong niềm tin của con người từ xa xưa, từ trước cả khi Chúa Giê-su ra đời, quả trứng đã luôn là một biểu tượng phồn thực tượng trưng cho sự tái sinh. Thế nên trứng là một phần không thể thiếu của lễ Phục sinh. Ở Úc và các nước phương Tây, lễ Phục sinh cũng được nghỉ nhưng không quá quan trọng, người ta coi như nghỉ lễ Lao động thôi, trứng Phục sinh thì đã bị thương mại hóa gắn liền với trứng sô-cô-la và con thỏ mang giỏ trứng đến, tương tự như ông già Noel vậy.

Mỗi một quả trứng Fabergé là một báu vật không chỉ bởi lượng đá quý, vàng bạc và kim cương gắn lên nó mà còn bởi chúng có những bộ máy cơ khí để thể mở ra đóng vào, xoay đi xoay lại, phát nhạc v..v.. Trong mỗi một quả trứng là phần ruột, là một "điều bí mật" mà chỉ khi mở ra mới biết để gây bất ngờ, mỗi năm mỗi khác. Nhiều quả trứng ngày nay chỉ còn phần ruột hoặc chỉ còn phần vỏ. Mỗi quả trứng này khiến Xưởng Fabergé mất một năm để thiết kế và chế tác nên cứ sau mỗi Lễ Phục sinh là đã phải bắt tay vào làm cho năm sau. Khó mà nói hết vẻ đẹp và chi tiết của từng quả trứng được, cái này bác nào muốn tìm hiểu thêm thì phải tự đọc vậy.
IMG_2190.jpg


Trứng Lilies of the Valley (5/4/1898) tặng Sa hậu Alexandra Fyodorovna

IMG_2234.jpg

Trứng Cockerel (1900) của Nicolas II tặng vợ có con gà trống chui ra từ trong trứng để báo giờ, con gà được gắn từng cái lông vũ thật nhỏ cực kì tinh xảo


IMG_2195.jpg

Trứng Renaissence (1894) (bên phải) quà của Sa hoàng Alexander III tặng Sa hậu Maria Fyodorovna và trứng Resurrection (khoảng 1899) (bên trái)

IMG_2200.jpg

Trứng Fifteenth Anniversary (1911) kỷ niệm 15 năm lên ngôi, quà Nicolas II tặng vợ


IMG_2238.jpg

Trứng Bay Tree (1911) Nếu dùng chìa khóa vàng vặn đúng ổ khóa nằm ẩn trong lá, một con chim họa mi sẽ nhảy ra hót một bài, vẫy cánh và lắc mỏ. Đây mới thực sự là kim chi ngọc diệp (cành vàng lá ngọc) ạ, nhìn cây kim chi ngọc diệp của các vua Nhà Nguyễn thấy còn thô kệch quá.


IMG_2577.jpg

Trứng Order of St. George (1916). Thái hậu Maria Feodorovna, chủ nhân của quả trứng đã mang theo nó chạy khỏi nước Nga khi Cách mạng thành công

IMG_2217.jpg

Trứng Kelch Chanticleer (1904) (màu xanh dương) và Trứng Hen (1898) (màu hồng ngọc). Hai trong bảy quả trứng làm theo đơn đặt hàng của nhà tư sản Alexander Ferdinandovich Kelch để tặng vợ là Varvara Kelch-Bazanova. Ông này phá sản sau chiến tranh Nga-Nhật và rồi đi đày ở Siberia dưới thời Stalin.

IMG_2197.jpg

Trứng Duchess of Marlborough (Nữ công tước Marlborough) (1902) làm theo đơn đặt hàng của Công tước Marlborough đời thứ 9 để tặng vợ. Marlborough là một dòng họ quý tộc nổi tiếng ở nước Anh mang họ Churchill. Nữ công tước này là Consuelo Vanderbilt, con gái của một tỷ phú nước Mỹ họ Vanderbilt giàu năm bảy đời. Bà theo mốt bấy giờ của các nhà giàu Mỹ là lấy các ông chồng quý tộc Anh cho “sang chảnh”, để lấy tước hiệu và địa vị, còn các ông quý tộc Anh tiêu pha phung phí lại cần tiền hồi môn của những cô con gái đại gia này để duy trì “đẳng cấp” của mình.


Nhìn những quả trứng này ta hiểu vì sao nước Nga kiệt quệ và người dân nổi dậy để những người Man-sê-vích và Bôn-sê-vích lãnh đạo Cách mạng thành công. Trong bộ phim Thick as Thieves (2009) có Morgan Freeman đóng kể về việc hai tên trộm đi ăn cắp những quả trứng Farbegé này ở Mỹ. Em không muốn tiết lộ nôi dung phim để các bác còn xem nhưng có một chi tiết đó là quả trứng trong phim là một trong hai quả trứng cuối cùng làm năm 1917, năm mà Cách mạng nổ ra. Trứng đã làm xong và chuẩn bị giao đến cho Sa hoàng thì Sa hoàng đã buộc phải thoái vị vào ngày 15 tháng 3. Ngày 25 tháng 4, Fabergé gửi hóa đơn đòi tiền Nga hoàng, trên hóa đơn này không còn ghi là "Sa hoàng của toàn Nga" nữa mà ghi là "Ông Romanov, Nikolai Aleksandrovich". Nicholas trả 12.500 rúp để chuyển quả trứng đến phủ của Đại công tước Michael Alexandrovich, để dâng lên Thái hậu, nhưng mà Đại công tước đã chạy ra nước ngoài trước cả khi quả trứng đến nơi.

Cách mạng luôn đi cùng với mất mát và sự xung đột giai cấp dữ dội, chỉ xót xa cho những giá trị văn hóa và nghệ thuật đã tan tành dưới vũ bão Cách mạng và sau này khi con người ta có văn hóa rồi thì lại mất bao nhiêu của cải, thời gian và công sức ra nước ngoài để chuộc lại mà hầu như không mua về được. Bởi vậy Hoàng gia nước Anh và hầu hết hoàng gia các nước Bắc Âu họ hiểu được Cách mạng là đau đớn ra sao nên họ khéo léo từ bỏ quyền lực và cải cách xã hội để Cách mạng diễn ra rất dài và rất lâu, là những ngày êm ái, không đẫm máu và nước mắt, nên họ mới tồn tại được đến ngày nay với những giá trị hoàng tộc mà họ kiêu hãnh tự hào còn thế giới nhìn vào họ thì một là ngưỡng mộhoặc không thích mà cũng không ghét được.
 
Một quả trứng này là một gia tài nên có rất nhiều huyền thoại về việc mua bán và tìm kiếm nó. Có những quả trứng người ta sở hữu nhưng không dám công khai vì sợ bị mất trộm, lại có những quả trứng còn tranh luận đâu mới là tên thật của nó như trong hóa đơn gửi cho Sa hoàng. Lại có chuyện một ông trúng số (mà em đồ rằng ông này không đơn giản mà nhặt được tiền rơi trên trời xuống thế) vì mua được một quả ở chợ trời miền trung tây Mỹ. Báo viết cứ như ông này mua được đồ đồng nát, thực ra ông ấy đã phải trả 14000 USD để mua quả trứng, có điều giá trị của nó là 33 triệu USD! Thế nên các bác đi Mỹ cứ nhiệt tình đảo qua các chợ trời, "biết đâu" lại nhặt được một quả dăm chục triệu thì đổi đời phải không ạ? Vẫn còn 7 quả Hoàng gia để các bác đi tìm ạ, chưa kể những quả trứng Đại gia và các vật phẩm khác của Nhà Fabergé.

IMG_2221.jpg

Phòng tiếp theo trưng bày những đồ bằng đá quý/ngọc và vàng tinh xảo. Những đồ này gọi là objets de fantaisie/ objets d’art nghĩa là vật trang trí, vật làm quà tặng, không có công năng gì hết, nhưng một số vật như cái ghế ngọc trên cao bên phải có thể mở mặt ghế lên để đựng thuốc viên (thuốc lắc!?).

IMG_2232.JPG

Cái ghế đựng thuốc trong phòng vệ sinh đây ạ. Chả hiểu sao bọn Tây rất hay để thuốc trong toa-lét, xem phim Mỹ cứ thấy họ đánh răng rửa mặt xong mở tủ gương lấy thuốc ra uống, mất vệ sinh bm


IMG_2578.jpg

Một số đồ dùng bằng ngọc chế tác cho vua Xiêm. Cái đầu voi là tay nắm của gậy chống. Các vua Đông Nam Á cũng ăn chơi lắm ạ, có điều không thấy cố vấn Vĩnh Thụy đặt hàng gì ở đây, có lẽ đặt bên Pháp và đồng hồ Thụy Sĩ là chủ yếu.


IMG_2580.jpg

Một số vật phẩm chế tác hình động vật tinh xảo bằng bạc và đá quý.


Những gian phòng tiếp theo là đồ ngự dụng. Quá nể một bảo tàng tư nhân mà sưu tập được như thế này, phải tốn cả núi của. Bao giờ doanh nhân nước ta mới quan tâm đến văn hóa nước nhà như vậy, và đem trưng bày cho công chúng xem, chứ tiền ắt hẳn nhiều bác cũng không thiếu.

IMG_2201.jpg

Bộ đồ uống trà đầy đủ bằng vàng. Nhà cũng phải có bàn to mà đặt đúng không các bác?


IMG_2203.jpg

Cái bát ở giữa có khắc in hình bức tranh Bogatyr của Victor Vasnetsov - một bức tranh nổi tiếng bác nào đi Tretyakov ắt hẳn đều đã thấy

IMG_2205.jpg

Đồ bạc để trên bàn làm việc của Sa hoàng với hoàng huy đại bàng hai đầu.


IMG_2206.jpg

Bộ ấm trà bằng vàng. Cũng na ná như đồ của vua chúa nhà Nguyễn nhưng to hơn nhiều.


IMG_2210.jpg

Đồ bạc

IMG_2569.jpg

Bát súp, muôi và một số đồ bằng bạc.
 
IMG_2212.jpg

Những hộp pháp lam của Nga dùng để đựng đồ trang sức hoặc đồ nhỏ có giá trị. Ở đây có một số hộp snuff box, tức là hộp được thuốc lá hít, là loại thuốc lá xay mịn, dùng ngón cái chấm vào bột thuốc lá rồi cho lên mũi hít, cụ tổ của cocaine bây giờ. Giới quý tộc châu Âu thường sưu tập những hộp đựng thuốc này vì nó rất đẹp, như một đồ trang sức cho nam giới.

IMG_2213.jpg

Cặp lục bình và đồng hồ bằng đá lông công/ malachite, đặt trên lò sưởi đá hoa cương đỏ, thói quen ốp đá ăn sâu bén rễ từ thời vua chúa đến tận Xô triều và các đàn em của Xô triều sau này.


IMG_2202.jpg

Không rõ đây là cái gì, một khúc ngà voi bọc bạc chăng, chạm khắc rất kì công

IMG_2224.jpg

Một số đĩa gốm tráng men và những quả trứng phục sinh loại “rẻ tiền” hơn. Trứng phục sinh Nga đúng nguyên thủy là sơn màu đỏ, màu máu của Chúa


IMG_2228.jpg

Quảng trường Sainte Trinite ở Paris, Pierre-Auguste Renoir, 1893, sơn dầu trên vải. Một phòng cuối cùng có khá nhiều tranh sơn dầu của các họa sĩ Tây Âu thuộc sưu tập của bảo tàng.


Một bảo tàng nho nhỏ nhưng rất đáng xem ở Sankt Peterburg. Em thích những bảo tàng vừa phải như thế này, có thể xem được hết và xem kĩ. Ngán nhất là những bảo tàng siêu to khổng lồ chỉ tổ tốn thời gian xếp hàng và chen chúc, chẳng xem được gì kĩ càng. Nhưng mà cái phận làm khách du lịch vẫn cứ phải chen chân đến đấy đúng không ạ? Ngày mai em sẽ dành cả ngày để đi xem Bảo tàng Hermitage - Cung điện mùa đông.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,400
Bài viết
1,168,119
Members
191,311
Latest member
Anhtuan2212
Back
Top