What's new

[Chia sẻ] Đông Java: Hành trình từ Bromo đến Izen

Em là lính mới, các bác đừng cười. Thấy trang Phượt này hay hay, em mạn phép copy một địa điểm châu Á mà em vừa đặt chân qua. Địa điểm thì trên kia em đã nói rồi. Nếu bác nào đã đọc thì đừng ném đá em nhé, em chỉ muốn giới thiệu thêm cho thêm nhều người biết thôi.

Những ngọn núi lửa nằm ở một miền đất có tên là Đông Java, Indonesia.

Những thông tin về khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Semeru của đất nước Vạn đảo này hẳn mọi người có thể dễ dàng tìm trên Internet, trên Google, nên tôi sẽ không đề cập đến ở đây, chỉ có một vài thông tin nhỏ như thế này, đây là một khu vực núi lửa vẫn còn đang hoạt động, lần gần đây nhất phun lửa của Mount Bromo vào năm 2004, làm 2 du khách bị thiệt mạng, tuy nhiên, điều đó vẫn không làm ảnh hưởng đến lượng du khách khoảng 100 ngàn người đến với cụm núi lửa của Semeru mỗi năm.
Trước đây, Mount Bromo được đánh giá là ngọn núi lửa đẹp thứ 5 trên thế giới, là một điểm Must see của dân du lịch. Tuy bây giờ thứ tự đó không còn nữa, nhưng những vẻ đẹp của Mount Bromo, của cụm núi lửa, của những xóm làng bên bờ vực núi lửa, của biển cát mênh mông, của những bình minh và hoàng hôn rực rỡ của vùng đất núi lửa, cái lạnh dưới 10 độ C của vùng núi miền xích đạo, và hơi ấm của sự bình yên... thật không tin là có thật trên đời. Có những lúc đó là một cảm giác huyền hoặc, dù là bạn đang bước chênh vênh trên miệng núi lửa, dù con đường chỉ hẹp như một sải tay, và 2 bên đều là bờ vực dốc đứng, chỉ cần 1 cái trượt chân, cuộc sống con người đều chênh vênh giữa cái sống và cái chết...
 
Nắng đã tắt phía dưới chân núi, cảnh vật trở nên mờ ảo.

2770788753_f86311c8fc_o.jpg

cảnh này đẹp quá!
 
Theo như tớ tìm hiểu thì hiện nay lễ hội Yadnya Kasada được tổ chức vào ngày 7 tháng 9 hàng năm. Lễ hội kéo dài từ đêm hôm mùng 6 đến hết ngày mùng 7.

2887133742_59d58b595a.jpg


Bởi sự nổi tiếng của Bromo cũng như sự đặc trưng của lễ hội nên năm nào vào ngày này cũng... đông nghẹt đến không còn chỗ đứng. Tớ đọc thấy bà con bảo, muốn có một chỗ mà đứng thì các đồng chí phải đi trước nửa đếm mùng 6, vì ngày mùng 7 thì lối vào đền cũng không còn chỗ mà chen chân. Lúc đấy (nửa đêm) thì còn ngó nghiêng được việc các thầy cúng chuẩn bị cúng tế.


Lễ cúng tế sẽ diễn ra đúng cả ngày ở ngôi đền Ấn nổi tiếng. Đến khoảng 3-4h chiều là đoàn người dẫn lễ vật sẽ theo hơn 60 bậc thang để lên đỉnh Bromo, đổ toàn bộ lễ vật cúng tế đó vào lòng núi lửa đang bốc cháy.

2928170255_3102326007.jpg

Câu chuyện với D - gã tài xế dễ thương trong suốt chặng đường Bromo của tôi: M, mày tin không, mỗi ngày không biết bao nhiêu người lên đỉnh Bromo này, nhưng không ai đếm được chính xác có bao nhiêu bậc thang lên đó cả? Thật á, sao mày không bảo tao trước! Thế thực ra có bao nhiêu bậc! Tao không biết!!! Bà con đến, nhớ đếm và... so nhau kiểm chứng nhá!

2928170019_def4885143.jpg


Cũng có điều lạ là, ở ngay dưới lòng núi lửa (nếu đến mới thấy... rợn rợn nhá) thì có hàng tá dân du mục, ăn xin chờ sẵn để nhặt nhạnh đồ cúng tế. Thật khó tin!
fknw10h5_kasada.jpg


Nghe lễ hội thì rất hay ho hoành tráng, nhưng quả thật nếu đông như thế thì....
Riêng tớ thì không nỡ ném bó hoa "cúng" mua được trên đường xuống lòng núi lửa. Hoa thơm lắm, màu sắc sặc sỡ, rất đáng yêu, như Bromo ý!

2931209623_db341da61b.jpg
 
Đêm xuống trên Cemero thật lạnh, cái lạnh khô. Tháng 7, tháng 8 cũng chớm vào những ngày lạnh nhất ở đây, nhiệt độ có thể xuống đến 6-7 độ trong đêm, thậm chí tháng 9 trời sẽ còn lạnh hơn, xuống đến 0 độ C. Nhưng trong những căn nhà gỗ của khách sạn, dường như cái lạnh không lọt được qua khe cửa. Nói thêm một chút về căn phòng ở của chúng tôi. Một trong những kiến trúc yêu thích của dân Indo ở vùng này, từ Surabaya đến Bromo, cho đến thành phố Batu, hầu hết những nơi mà chúng tôi đã đi qua, đó là xây những căn phòng khách sạn có một bức tường kính lớn choán hết mặt tiền, để khi cần, bạn có thể ngồi trên giường, ăn sáng, kéo rèm che ra, và có thể ngắm được cảnh vật bên ngoài. Đặc biệt những bình minh trời đẹp, khi ánh nắng bắt đầu lên, cảm giác ánh sáng ùa vào phòng rất đặc biệt, một cảm giác hoà đồng với thiên nhiên, dù mình vẫn còn nằm ườn trên giường. Phòng khách sạn trên Cemero được ốp gỗ, dù không còn mới, nhưng ấm cúng. Chỉ có một điều lạ là nhiều nơi không có lavabo rửa mặt, bù lại, người dân ở đây xây những ô chứa nước bằng gạch hoa, có nút tháo nước, tôi cũng không hiểu để làm gì, để giặt quần áo hay là để tắm rửa kiểu Hồi giáo...Trở lại với câu chuyện, sau khi tắm rửa sau 1 ngày 1 đêm vất vả, cả hội kéo nhau lên Restaurant của khách sạn, tự thưởng cho mình một bữa tối thịnh soạn. Căn phòng ăn có cửa kính nhìn ra đường, trong ánh sáng mờ mờ của đèn hắt lên những vách tường gỗ, trong cái lạnh thấu xương ở ngoài cửa, bỗng dưng căn phòng ấm áp lạ lùng. Một cảm giác quen thuộc như tôi đã từng được trải qua trong đêm Trung Điện ( Đức Khâm - Vân Nam), khung cảnh và sự ấm áp làm chúng tôi thấy thân thiết hơn, dễ chia xẻ hơn. Những câu chuyện trên những chặng đường đã qua được ôn lại, những câu chuyện tản mát, nhưng trong một không khí như thế này bỗng trở nên hấp dẫn hơn. Gọi món ăn, mọi người gọi bất kỳ món nào mình thích, để bù lại cho 1 ngày vất vả đã qua, lấy lại sức cho hành trình những ngày đang tới. Điều thú vị lại bắt đầu xuất hiện. Đó là giá cả. Chúng tôi vừa đến đây sau một hành trình khá dài ở Malaysia, với giá cả khá cao so với ở nhà, ăn gì cũng phải xem giá cả, lựa chọn, đắn đo, thì ở bên này lại ngược lại hoàn toàn. Giá cả ở các nhà hàng, khách sạn, từ loại bình dân như ở Cemoro Lawang này cho đến những nhà hàng sang trọng, đẹp như Furama Resort ở Đà Nẵng mà chúng tôi có dịp dừng lại trong hành trình đều có một mức giá hợp lý đến bất ngờ, đôi khi chỉ bằng nửa, đến 2/3 ở nhà mình. Do vậy, chúng tôi không ngần ngại gọi đầy bàn, đủ các món ăn, từ những món spaghety mang chất Âu cho đến những món đặc sản mang chất Inđo, ăn no cứng người, thế mà tính ra vẫn chỉ hết khoảng 100 ngàn/ người. Và từ đó, trong suốt hành trình 5 ngày trên đất Inđo, chúng tôi gọi ăn thoải mái, thậm chí không cần nhìn menu, nhiều khi gọi đến mức tay lái xe của chúng tôi ái ngại luôn, nhưng cuối cùng tính ra vẫn rẻ đến bất ngờ, đây cũng là một trong những điều thú vị trong hành trình trên đất Đông Java. Chỉ lưu ý một điều, vấn đề này không áp dụng cho Bali, theo tay lái xe cho biết, ở Bali mọi chuyện khác hẳn, từ mặc cả đến giá cả, đến ăn uống, có lẽ Bali đã trở thành vùng du lịch chuyên nghiệp, mất đi chất thuần phác của người Đông Java mất rồi.

Bữa ăn thoả sức trong một khung cảnh vô cùng ấn tượng của Lava Cafe, rồi những gì đã được chứng kiến trong suốt một ngày qua làm chúng tôi vô cùng hài lòng về điểm đến của mình, dù sự lựa chọn đến Cemoro này mang nhiều tính ngẫu nhiên. Chúng tôi dành cả tiếng đồng hồ ngồi thư giãn trong nhà hàng, ngắm bọn tây cũng đang thư giãn như chúng tôi. Một điều rất hay, đó là chúng nó có những trò giải trí khá vui. Những đứa đi một mình thì ngồi đọc sách dưới ánh sáng của đèn treo, trầm tư như đến đây để suy tưởng vậy. Có 2 đứa con gái thì ngồi chơi xúc sắc tính điểm, vẻ mặt rất nghiêm trọng như đang chơi ăn tiền, mà số tiền đặt cho mỗi ván thì rất cao. Nhiều đứa khác cũng ngồi tâm tình, thủ thỉ, rồi uống bia, rồi ngồi mơ màng, nắm tay nhau... Muôn hình vạn trạng, trong tiếng lầm rầm khe khẽ, trong ánh sáng mờ mờ và ấm áp, chúng tôi dường như càng cảm nhận hết vẻ thanh bình của Cemoro.

Rời nhà hàng, chúng tôi đi lang thang trên những con đường tối của Cemoro. Lạnh rụt đầu trong áo ấm, chúng tôi đi lang thang dọc những con phố ngắn, những con dốc ven theo sườn núi, trên đầu ánh sao rực rỡ và huyền ảo, phía xa núi Bromo và Batok đen mờ, khói vẫn bốc lên, cuồn cuộn trên nền trời đen sẫm
 
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy muộn. Có lẽ dư vị của đêm qua làm đứa nào cũng muốn ngủ rốn thêm một chút. Gọi mãi mới tập hợp đủ người. Đã 6 giờ sáng. Nắng đã lên cao, ánh nắng vàng đã rõ từng cảnh vật. Giờ này hôm trước, chúng tôi đã chuẩn bị rời đỉnh View Point. Chúng tôi đã gặp những tay ở đây cả tuần, sớm nào cũng lên View Point ngắm bình minh của Bromo. Nhưng với chúng tôi, có lẽ vậy cũng ổn. Nên dù có rất nhiều lời mời tham gia cùng đi ngắm bình minh, chúng tôi cũng đều từ chối để khám phá những góc nhìn mới mà chúng tôi chưa biết. Rời khỏi nhà, chúng tôi đi dọc mép núi, đi về phía đông, để nhìn Bromo từ phía này. Qua lại khách sạn Lava View Logde, chúng tôi leo lên một điểm cao. Ở đây có một khu vực riêng dành cho dân Camping, một bãi đất rộng và thoáng, có xây những ô gạch vuông dành cho lều trại, nhưng vẫn hoà đồng một cách hợp lý với vạt cỏ, với rừng cây. Từ điểm cao này có thể nhìn rất rõ toàn cảnh Cemoro. Có cả một nhà vệ sinh công cộng khá sạch cho dân cắm trại, thực sự là khá chuyên nghiệp và bài bản. Nhưng có lẽ lâu lâu chưa có người cắm trại ở đây, nên trông cũng khá nguội lạnh, một vài cái chòi ngắm cảnh đã bị xuống cấp, hỏng mái, nhưng bù lại, lại trở thành một nơi chụp ảnh khá ấn tượng. Theo con đường này, từng đoàn người dân Tengger đang đi lấy củi trở về, dù mới là 7 giờ sáng. Những gùi cỏ tranh và cây củi nặng, nhưng giống như người Việt mình, gồng gánh là một thói quen của người dân nơi đây, thậm chí là có những việc làm khó hình dung được. Chuyện này sẽ nói ở phần sau.


Ngắm cảnh bình minh Bromo, hưởng không khí ban mai ở Cemoro, tất cả mới chỉ đến 8 giờ sáng. Chúng tôi bàn nhau, có lẽ phải nghĩ ra điểm đi mới. Nói là làm, chúng tôi bàn nhau thuê ngựa để đi vòng quanh Biển Cát. Nhưng hỏi người dân ở đây cho biết, không có đường vòng xung quanh Bromo. Vả lại, đi ngựa chậm, muốn đi phải mất cả ngày. Tôi nghĩ, đi ngựa 1 lúc thì hấp dẫn, chứ cả ngày trên lưng ngựa cũng sẽ trở thành nhàm chán. Chợt nhìn xa, ngọn Cemeru đang bùng lên đợt khói mới. Thế là hỏi đường đến chân Cemeru, được biết là khoảng cách 25 km, đi xe máy mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Thế là quyết, đi đến chân Cemeru. Nhưng giá cả không hề rẻ, thuê xe trung bình mỗi xe 150 ngàn Rupia, thuê ô tô hết 400 ngàn Rupia. Cân nhắc, rồi cả hội quyết định thử cảm giác phóng xe máy trên sa mạc. Mặc cả một hồi, giá thuê xe máy là 125 ngàn Rupia, chúng tôi chuẩn bị lên đường đến Cemeru.

Nhưng việc đầu tiên là phải đổi khách sạn. Lava Cafe chỉ có phòng cho chúng tôi trong 1 ngày, do vậy, buổi trưa hôm trước, trong chuyến đi chơi lang thang chờ khách sạn, chúng tôi đã đi khảo sát và đến Cemara Indah Hotel, một trong những khách sạn chịu nhiều bad comment nhất trên mạng. Đành vậy, chẳng biết làm thế nào vì trên này gần như full hết cả rồi. Thật may, Cemara Indah vẫn còn phòng standart cho đủ hội chúng tôi. Nên chúng tôi đã đặt từ hôm qua, giá đắt hơn 1 chút - 200 ngàn cho 1 phòng/ 1 đêm. Kiểm tra phòng ốc thấy khá ổn, thậm chí là ổn hơn Lava Cafe, ít nhất là không phải khệ nệ bê vali lên những bậc thang khấp khểnh và cao. Nhưng tuyệt vời hơn, đó là ở Cemara Indah có 1 chỗ ngồi uống cafe ngoài trời đẹp hết sảy, ngay sát mép vực, tất nhiên có hàng rào chắn, nhìn thẳng xuống Biển cát và Bromo. Hơn nữa, chắc do biết chúng tôi là dân Việt Nam, bọn này hoàn toàn tử tế, không hề có chuyện ép đi ô tô hoặc xử sự không fair như comment của bọn tây. Thế là chúng tôi chia tay với Lava Cafe, dọn đồ sang Cemara Indah trước khi lên đường đi Núi Semeru.


9h30, chúng tôi lên đường, mỗi đứa mỗi xe ôm. Xe máy kiểu như GL ngày trước từng có ở mình. Mấy anh xe ôm trông đầy chất lãng tử, quần bò, giày Adidat, áo khoác The North Face, quấn khăn ngang cổ, trông như dân Mehico vậy. Chỉ có 1 anh trông như mới vào nghề, đầy chất quê, chân đi dép xăng đan. Sở dĩ vì sao tôi phải tả kỹ anh xe ôm vì đây chính là màn ấn tượng nhất của chúng tôi ở Bromo. Lên xe, cậu xe ôm của tôi bảo, cất máy ảnh vào balo, ôm chặt vào hông cậu chàng. Nghe chừng có vẻ không tin tưởng khả năng ngồi xe máy của dân Việt Cộng rồi, nhưng chắc cậu ta lo cho máy ảnh của tôi đi trên biển cát sẽ bị bám bụi, không sao, lo thế cũng tốt.


Xe xuống dốc, bắt đầu đi vào biển cát. Chặng đường trên cát không dài, chỉ chừng 4-5 km. Nhưng bây giờ thì đã hiểu vì sao cậu chàng lo xa đến vậy. Xe gài số thấp, phóng vút đi trên biển cát dày. Chiếc xe chòng chành vượt qua sa mạc cát với tốc độ khá cao, vượt qua những gò đất rắn, rồi những đụn cát, đôi khi tôi cảm giác như mình sắp ngã. Nhìn lớp cát dày như thế này, chắc ngã cũng không đau, cũng yên tâm. Tay xe ôm liên tục ra hiệu cho tôi ngồi sát vào, bám chặt vào. Phải nói là thực sự điêu luyện, tay lái rất vững mới có thể vượt qua sa mạc cát như thế này, có những lúc xe loạng choạng, tay lái ngoằn ngoèo, nhưng tôi đã vững tâm hơn. Thật may, thế mà tôi nghĩ mình có thể thuê xe tự lái được, không hiểu sẽ ra sao khi sa lầy trên biển cát này. Xe của đội bạn không được như xe tôi, đôi khi phải dừng lại, nhưng dù sao cuối cùng cũng ổn, tất nhiên đi sau xe tôi thì phải hứng cát và bụi rồi. Một cảm giác phấn khích như kiểu mình đang tham gia giải đua xe Paris - Darka vậy. Lần đầu tiên được cưỡi xe máy vượt biển cát, lúc nào cũng trong tư thế chuẩn bị xoè, người uốn lượn như rắn theo mỗi nhịp lắc của xe, phải nói là rất phê. Và phê hơn, đó là cảnh vật trên biển cát. Chúng tôi đi sát sườn núi dốc thẳng đứng, vượt qua những cánh đồng cỏ khô cháy, nhưng trên cao hơn, ven sườn núi, cây cối vẫn xanh tốt, và trên cao nữa, màu trời xanh thăm thẳm. Những sắc màu chuyển dần từ xám tro của núi lửa, đến vàng rơm của cỏ khô, đến màu xanh của cây, của trời, trong một khung cảnh bao la của thung lũng ven núi lửa, phê như không thể phê hơn. Tôi ra hiệu bảo cậu xe ôm dừng lại lấy máy ảnh chụp. Cậu ta chỉ lên đỉnh dãy núi bên cạnh, nói, lát nữa chúng ta sẽ đi dọc trên đỉnh núi đó. Lại ồ lên lần nữa, rất phấn khích. Cảnh đẹp hết sảy, đầy hoang sơ và hoành tráng. Hết con đường đất, xe chúng tôi đi vào một con đường bê tông, chạy thoai thoải lên trên núi. Tôi vẫn không hiểu vì sao dân ở đây lại không làm đường bê tông chạy thẳng từ thị trấn Cemoro Lawang, mà chỉ làm lửng lơ từ chân dốc như thế này. Có lẽ họ muốn để biển cát trong tình trạng nguyên vẹn, ít sự tác động nhất của con người chăng. Dọc đường đi, chúng tôi thấy những thằng Balo bụi chuyên nghiệp, đeo những balo cao quá đầu người đi lầm lũi trên biển cát, trong cái nắng chói chang, may cho chúng nó là trời lạnh. Nhưng quả tình là nể phục hết sức. Thôi, yếu thì không ra gió, đi xe ôm cho lành.
 
Mở mắt dậy thì nắng đã lên thẫm trên bức tường của dãy nhà khách sạn Lava Cafe

2781842250_e7e88dbc4e_o.jpg


Một ngày mới bắt đầu, trên nóc những ngôi nhà trong thị trấn Cemoro Lawang

2780984815_7861de8f2f_o.jpg


Và cổng vào của khu bảo tồn thiên nhiên Bromo Tengger Semeru

2781843778_e18f0ac5f0_o.jpg


Biển mây ở phía đông

2781844550_0298e9a640_o.jpg


2780985791_4a02c2426f_o.jpg


Sau lưng là thị trấn Cemoro Lawang

2780986557_14c6387b4f_o.jpg


Phía tây là toàn cảnh Bromo lúc ban mai

2781845408_1ee0ffbc4e_o.jpg
 
to TYYT: Bạn có thể vào flickc của tớ để xem ảnh cỡ to. Diễn đàn nhà mình chỉ cho có cỡ đấy thoai:p
 
Đây là những chòi ngắm cảnh đã tốc hết mái bên bờ mép vực.

2781845992_0b0a89b5c2_o.jpg


Bắt đầu hành trình đi Cemeru, những sắc màu khác nhau ven chân núi lửa nhìn từ một hướng khác. Dưới là màu cỏ khô cháy, trên là màu lá xanh, trên cao là bầu trời.

2781846568_64a597067e_o.jpg


Những bụi cỏ chết khô vì giá lạnh và thiếu nước trên biển cát

2780988721_2bf44f923d_o.jpg


Con đường đi Cemeru Mt, một phía khác của núi lửa Bromo

2780989229_0b4f1b8157_o.jpg


2780989793_a26567f9e8_o.jpg


Con đường trước mặt.

2781849512_84cf42d7d8_o.jpg


Nhìn lại phía sau lưng.

2781850136_d3ff5d8c06_o.jpg
 
Khi lên đến đỉnh con dốc, nhìn lại phía dưới, nơi mà chúng tôi vừa qua.

2781850784_78d0f4db03_o.jpg


Vệt màu trắng chính là đoạn đường đổ bê tông, còn xa hơn là con đường đất bụi mù trời, vượt qua biển cát, lên tận thị trấn Cemoro Lawang.

2780992595_496cb1b75f_o.jpg
 
Vượt qua con dốc cao và ngoằn nghèo, chúng tôi lên tới đỉnh núi. Đó là một rìa núi cao, khá phẳng, với một con đường độc đạo chạy dọc theo sống núi. Độ cao của rặng núi này xấp xỉ như Bromo, từ đây, nhìn sang núi lửa Bromo bên cạnh, chúng tôi thấy rõ những ngọn cây trên đỉnh Bromo. Và từ một phía khác của nó, những đụn khói màu trắng vẫn bốc lên cao, hòa vào mây trời. Chúng tôi dừng lại ngay một cái chòi đầu dốc, một nơi để ngắm cảnh. Rất nhiều người Indo cũng chung hành trình như chúng tôi, đang dừng lại để chụp ảnh. Những cái nhìn và nụ cười thân thiện. Có vài cô cậu cũng tự đi bằng xe máy, đang ngược lại với hành trình của chúng tôi. Họ có lẽ đi lên Bromo theo hướng khác, từ Semeru chăng. Kiểu cách và đồ nghề giống hệt như dân TTVN của mình, cũng khá pro, nhưng chuyện sẽ nói tiếp ở phần sau.

Tiếp tục con đường đi đến Semeru, đường bê tông, khá đẹp, nhưng đang trong quá trình tu sửa. Những chỗ đường hỏng thì thôi rồi, bụi dày cả đến 20 cm, mù mịt, đôi chỗ xe máy không lên nổi dốc, tôi phải xuống lội trong bụi cát, xót giày xịn!!! :)). Nhưng đúng là đã không hề uổng phí cho hành trình. Có những đoạn đường chạy ven ngay mép vực, nhìn xuống dốc núi thẳng đứng, nhìn thẳng xuống Biển Cát. Tất cả cảnh vật trải rộng mênh mông ngay dưới chân, những gì mà chúng tôi vừa vượt qua. Cảnh đẹp như trong mơ vậy, hoàng tránh, bao la, nhưng cũng rất đỗi hút hồn bởi một vẻ nên thơ và thanh bình. Con đường chênh vênh đến rợn người, rộng vừa đủ cho 1 chiếc xe ô tô chạy, bên dưới là vực, là sa mạc cát, là những đỉnh núi xa tít, là bầu trời đầy khói trắng như mây. Tôi tự nghĩ, nếu chẳng may chiếc xe của mình mất lái, ít nhất là mình sẽ không phải lăn theo sườn núi mà sẽ bay thẳng xuống dưới kia. Hoặc thi vị hơn, kể như có cái dù lượn, từ đây có thể là điểm xuất phát lý tưởng. Dừng lại đôi chút chụp bức ảnh kỷ niệm, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Được một đoạn, con đường rẽ vòng sang phải, bỏ lại sau lưng những triền núi, đi xuống phía dưới. Từ đây nhìn Semeru đã gần lắm rồi. Chúng tôi đi qua những ngôi làng của người Tengger, với những ngôi nhà xinh xắn, những thửa ruộng trồng loại cây rau mà tôi chẳng biết tên. Đôi khi thấy dân làng đang ngồi trên những chiếc ghế dài ngoài cửa. Có khá nhiều nhà nghỉ, chắc dành cho các bạn back packer Tây của chúng ta, một vài cô cậu chàng mắt xanh mũi lõ đang ngồi thơ thẩn, chẳng hiểu nghĩ gì và định tìm kiếm điều gì thú vị giữa hoang vu núi rừng này.

Đi chừng gần 1 giờ đồng hồ, mấy cậu tài xế của chúng tôi dừng lại. Đó là điểm dừng chân ở một thị trấn nhỏ, theo chúng tôi được biết, đó là điểm đầu cho hành trình leo núi Semeru. Cái rất tệ là ở chỗ, từ đây thì chẳng nhìn được toàn cảnh của ngọn núi lửa rất giống núi Phú sỹ này. Nhưng con đường leo Semeru thì là một đường leo núi khá nổi tiếng ở Indonesia, được đánh giá là nguy hiểm ở cấp độ 3 và dành cho dân chuyên nghiệp. Nghe nói, để leo núi này phải mất 3 ngày 2 đêm, trên cao độ lạnh xuống dưới 0 độ C, thời tiết khá khắc nghiệt. Du khách phải ngủ lại trên sườn núi, và sáng cuối cùng thì lên đến đỉnh Semeru, nhưng dường như không ai có thể chịu nổi quá 30 phút vì nồng độ lưu huỳnh rất cao, bắt buộc phải lên vào sáng sớm và phải xuống ngay. Độ dài của đường leo núi khoảng chừng 15 km. Đó là vài thông tin sơ lược. Bọn Indo chào bán tour này cho dân Châu Âu với mức giá tầm 500 Eur. Khá cao, đồng thời kèm theo vài điều kiện vì lý do mạo hiểm. Nhưng với chúng tôi, những điều đó chẳng liên quan gì, vì chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là ngắm núi ở khoảng cách gần nhất có thể, và ngắm toàn cảnh rộng nhất có thể. Tôi hỏi thằng xe ôm, có chỗ nào ngắm được rộng hơn, đẹp hơn không, nó lắc đầu, bảo đi nữa thì càng bị núi che lấp. Tôi mon men leo lên đỉnh một quả đồi nơi chúng tôi đỗ xe, định sang sườn bên kia của đồi, hy vọng thấy được toàn cảnh của Semeru. Leo được 50 mét cao, thấy ngay một nghĩa địa Hồi giáo, vượt qua những ngôi mộ, lại thấy một đống rác lớn. Bó tay, hết đường, mà cây cối thì cao um tùm, không thể chụp ảnh được. Nhưng có lẽ hiểu được ý tôi, mấy tay xe ôm đã tìm được giải pháp có lẽ là phù hợp nhất, đó là phi xe lên một sườn đồi đối diện, nơi có những thửa ruộng rau lớn, chỗ đó không phải là lý tưởng, nhưng đủ rộng và đủ thoáng để chụp ảnh. Tôi đành quay lại, mấy cậu xe ôm cũng tử tế, trèo lên tận nơi tôi đứng để gọi tôi và chở tôi lên hết tầm dốc mà xe máy có thể leo được. Giữa trưa nắng, giữa một quả đồi trơ trọi không một bóng râm, nhưng khí hậu ở đây không làm người ta cảm thấy nóng bức. Chúng tôi lội vào giữa ruộng rau của người dân, có vẻ như là cây đậu Hòa Lan, một loại cây mà tôi đã từng thấy trồng ở Sapa, ngọn luộc lên ăn rất ngọt. Hỏi giá bảo bán 70 ngàn Rupia/kg, cũng đắt.

Đất rất xốp và mềm, cảnh giác, chúng tôi bảo nhau không được đứng gần mép núi, vì có thể bị sụp bất cứ lúc nào, mà độ cao từ đây xuống chân núi không dưới 100 mét, và tất nhiên, một đặc điểm rất đặc trưng, đó là dốc thẳng đứng 85 độ, không có độ nghiêng. Rơi là đi. Từ nơi đây, chúng tôi mê mải chụp ảnh Semeru, cứ chừng 10 phút, một đụn khói xám và tro đen lại tung lên trời từ miệng của Semeru, có lẽ khoảng cách khá xa, không hề có một âm thanh nào, rất lặng lẽ. Những đụn khói bung lên, trắng dần, rồi khi khói trắng sắp tan ra, lại một boom khói nữa tung lên trời, đều đặn như thế. Từ đây có thể nhìn rõ những tro của núi lửa rơi xuống vào mép miệng núi lửa, tạo nên màu xám rất đặc trưng của Semeru. Chụp khá nhiều, nhưng do chỉ có 1 vị trí chụp, vả lại không có nhiều điều đặc sắc lắm, nên cuối cùng tôi cũng chỉ giữ được vài kiểu ảnh. Nhưng thật sự, có những cảm nhận bằng mắt thường, và không khí nơi đây, và sự hùng vĩ của đất trời, những điều đó, khó có tấm ảnh nào ghi lại được.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
57,077
Bài viết
1,157,952
Members
190,392
Latest member
iwinclubgaming
Back
Top