What's new
30/4/2014
Tin nhắn cho bố mẹ đã được soạn sẵn đêm hôm trước, chưa gửi. Tôi và bạn đường khẽ khàng bò dậy, trời ngao ngáo rạng, mưa bụi phất phơ. Hai đứa nhóc đang say giấc ngủ, ông bà của chúng phía nhà trên cũng vậy.
Muộn hơn kế hoạch hai tiếng đồng hồ, 6 giờ 5 phút sáng 30/4, chúng tôi lặng lẽ dắt xe ra cổng, lên đường.

[video=youtube_share;fXo7VeZF8kE]http://youtu.be/fXo7VeZF8kE[/video]​

Hành trình của chúng tôi sẽ gói trọn trong ba ngày hai đêm, trên chặng đường ước chừng một nghìn ki-lô-met vùng Tây Bắc. Ăn vận giản đơn, hệt như mỗi ngày vẫn đi làm hay ra chợ, có khác chăng là hôm nay dù đã sang hè, hai đứa vẫn tăng cường thêm trên người cái áo rét, bởi mới dưới Trung Du này mà trời đã se se.

Hồi cả hai mới gặp nhau, tôi cùng mấy ông bạn trên Văn Chấn và Nghĩa Lộ cũng từng giúp cô ấy vỡ lòng một vài cung đường dễ gây khó thở cho người lần đầu ngồi ôm sau tài. Lần ấy thoảng qua, cũng bảy năm rồi. Dù sao, tôi vẫn tin chuyến này sẽ dội vào tim cô ấy trùng trùng những giây phút bão giông.

Qua đèo Cón một cách thanh bình như quên lãng, chúng tôi không nhớ rõ từ quốc lộ 37 Mường Cơi băng lên qua quốc lộ 6 đã vò võ bao nhiêu con đèo. Chặng đi lên này có lẽ không chỗ nào khiến người ta sường sượng tay lái hơn những con cua quỷ quyệt trên lưng đèo Chẹn. Bắc Yên dốc tức, đường hẹp và có chỗ trơn trượt trong mây mù cuộn từ dưới vực lên. Cân não nhất là ngay phía bên tay phải mình càng lúc càng vực thẳm. Chẳng cột mốc nào, chẳng barrier gì ngoài những vạt cỏ nhởn nhơ bên miệng cõi âm sâu hoắm, khi lòng đường là những ổ trâu, ổ gà, đất sạt và đá lở nằm lếu láo một cách ngẫu nhiên chưa người dọn dẹp.

Sương giăng trắng xóa lẹ làng táp qua thân mình hai chúng tôi bé nhỏ giữa bao la hoang dại càng khiến cho mỗi đứa thêm phấn khích. Tâm hồn đã lúc thăng hoa rồi, hai đứa không hỏi nhau gì giờ giấc, không một tiếng kêu ca. Tôi dần vỡ vạc mỗi lúc một nhiều vì gan góc của cô bạn thản nhiên ngồi phía sau lưng. Tôi không tin chính bản thân mình đủ can đảm ngồi sau chứng kiến tay lái mình đổ đèo miên man đến vậy. Không! Tôi không tài nào chịu đựng nổi.

Những hình ảnh lập thể ngờm ngợp với từng giây quay tạt rồi thậm chí bò lê bò lết chẳng biết nó cứ lặp lại tương tự như thế bao lần giữa bốn bề hồng hoang. Nghe tin tức nói những hôm nay Phượt về với chiến thắng Điện Biên đông đúc lắm. Nhưng phải lên đến tận ngã ba Cò Nòi mới thấy những đoàn và nhóm Phượt lớn nhỏ đi từ hướng Hòa Bình lên. Ôi! Thế là cả chục con đèo phía sau đã là của mỗi hai ta chứ không phải họ. Hai đứa lúc này một thoáng giây cười ngặt bởi cái tên trắng phếu trên biển báo xanh lèo: “Cò Nòi”.

Từ lúc nhận tin nhắn của hai đứa, bà nội lũ nhóc ở nhà cố gắng trấn tĩnh qua mỗi giờ để quạy lại a-lô động viên dặn dò hai đứa chúng một chuyến bình an. Bạn ngồi sau không biết chạy xe, không thể đổi lái cho tôi dù một phút. Dù vậy trong đầu tôi không có hình dung nào đầu đuôi về điều đó. Tôi không quen với việc nói với ai đó rằng mình đang mệt mỏi trên một cuộc hành trình.

Nhớ lần trước, tôi độc mã lao nhanh suýt bị mướp vàng vồ như ếch trên đầu cua Hát Lót, lần này, tôi đã đành chầm chậm tiến lên. Thấy bóng hai cặp lượt phượt vụt qua từ phía sau có phần hối hả, cô bạn khe khẽ bảo tôi rằng “có khi nhanh lên chút đi anh, không muộn. Mấy đứa cũng vừa phóng lên vèo vèo”. Bùi tai, tôi vừa mới dốc lên một đoạn thì ôi trời! Mướp! Hát Lót đây này mà tôi chẳng nhận ra. Chục tay phượt đang co cụm, líu ríu xì xào rồi cười rúc khi anh giao thông đọc lại thông báo trên đàm cho một trong số các xe của họ: xe anh 69km/h. Tôi ngán quá, nghe thấy thế tôi biết mình khoảng bao nhiêu. Quỷ thần ơi, ba lần bảy lượt đầu bên kia không đọc được. Biển xe tôi rập rụi trong lớp bùn, đến tôi còn đọc sai. Thế là cái quái gì? Tôi hỏi lại bởi tiếng anh giao thông chưa dõng dạc. Phượt tử Thái Bình cố nén cái miệng cười ngoang ngoác đọc lại cho chúng tôi: “may cho các anh các chị, đi đi! Biển số xe các anh chị bẩn quá”. Chao! Chưa một lần mấy anh giao thông trẻ trung tác nghiệp mùi mẫn như lúc này. Hai chúng tôi và chục chiến binh kia - tha tất!

Cứ thế đi, nhẩn nha, nhấn nhá. Lúc dừng xe ngắm nhìn cho thỏa bốn cửa sổ đôi chốc, lúc cao hứng đóng cua tơi bời. Để đến khi hai lốp xe lăn lẹt dẹt trên đèo Pha Đin, mà không hề biết, cũng không thấy nó là Pha Đin. Chỉ lặng lặng đoán vẩn đoán vơ: chắc lại một con đèo. Đường lên rồi cả xuống đỉnh Pha Đin an toàn và thật đẹp, nó ngọt ngào, ru ngủ đến độ hai đứa bảo nhau “hay là chui vào quốc lộ 6 cũ để đi”. Chỉ bởi cô ấy muốn chạm đến Điện Biên Phủ trước khi trời tối, nên hai đứa mới thôi cái trò phiêu lưu nho nhỏ ấy.

1/5/2014
Không cán được thành phố trước lúc mặt trời lặn ngày hôm qua, cả hai đành dừng lại dưới chân một cơn mưa giông như trút ở bên dưới Điện Biên hai mươi ki-lô-met. Đêm đó trên phố núi các khách sạn và nhà nghỉ cháy sạch phòng vì đất nước muôn ngả tìm về.

Bây giờ, hai giờ chiều mặt càng thêm bừng bừng vì mấy ly rượu ngâm xương hổ nhà người bà con trong thành phố, đôi bạn nhè đường hướng Lai Châu tiếp tục cuộc hành trình. Một lần nữa cúi đầu chào lối rẽ nghĩa trang đồi Độc lập, nơi hai đứa sáng ấy lần đầu viếng hương hồn ông nội – ông hy sinh ở đó trước ngày giải phóng Điện Biên chấn động địa cầu.

Đất trời nóng nung, sống mũi đỏ lựng như thể bị thương, như vừa mài sát vào đâu đó. Tôi dặn bạn cảnh giác cao độ, nếu buồn ngủ bảo tôi. Còn nếu thấy phía trước tay lái tôi lang láng như lần chạy xe qua Nam Định, cũng lập tức bảo tôi vì đó là tôi buồn ngủ.

Cứ thế tôi yên trí dù đã bắt đầu gồng mình lên đôi chút để lên đường. Vùng biên giới chạy dài, hẻo lánh trong nắng thiêu trắng xóa. Thấp thoáng tốp bộ đội ngâm mình giữa lò nung đó bên lưng đồi xới cỏ ngô non vẫy chào chúng tôi rồi buông theo những câu chào tiếng Anh thật dễ thương sởi lởi. Chạy thật lâu để xuyên qua được một địa danh hành chính mênh mông trên địa đầu tổ quốc, nơi mà cảnh thế thiên nhiên hùng vỹ bao nhiêu thì thử thách những bản làng heo hút, những tộc người thưa thớt nghiệt ngã đến bấy nhiêu để che chắn buộc bịn được hai chữ “sinh tồn”.

Không ý thức trước chính xác từng điểm đến của chuyến đi, cả hai chỉ đặt ra câu hỏi ở một vài ngã ba và gật đầu nhanh chóng. Bởi thế mà bạn đã vô tình hướng tôi về Phong Thổ thay vì đáp cao nguyên Sìn Hồ, điểm đến tôi tháng ngày ước ao. Vừa đi vừa thay nhau đánh vần “Huổi Toóng”, “Huổi Lèng”, vừa cười khùng khục, khi dốc núi càng chiều càng hun hút.

Có lẽ các em bé vùng cao chẳng thích gì hơn bánh kẹo. Một ánh mắt lóng lánh hay một cử chỉ bẽn lẽn lễ phép biết ơn nào đó dành cho bạn vì áo quần hay đồng quà tấm bánh đủ khiến cho tim bạn múa may trong ngực. Chúng hồn nhiên ngây dại, đen đúa nhóc nhe nhưng bền chí và gạn dạ hơn hầu như bất cứ người trưởng thành nào dưới xuôi. Chúng sinh ra để được gần như ngay lập tức đấu tranh với sinh tồn đang vần vã ngay chung quanh mầm sống nhỏ nhoi của chúng. Khi các con tôi đang ở nhà được cả nhà chăm chăm từng li từng tí một, thì thằng bé chuột choắt chừng bốn tuổi chạc đứa út nhà tôi đó đang một mình vắt vẻo trên cái dậu cột bằng tre mục ven đường để rồi tuột dần xuống lòng suối lốc nhốc đá to bằng nhiều lần thân thể nó, để kiếm cái gì dưới đó không biết nữa. Không biết ai đó thấy sao, nhưng nếu người ngồi sau tôi đang chứng kiến thằng bé là cô gái ấy của bảy năm về trước, cô ấy đã bật khóc nức nở không ngừng.

Chẳng ngờ ngả đường đã chọn đưa chúng tôi vắt vẻo lên chừng bảy mươi ki-lô-met đường đang khai phá dọc trên sông Đà mịt mù gai góc chưa từng gặp. Đá nhọn được phá mìn xô từ vách bên trên xuống, bùn lầy, và than… Có một vài ngã rẽ hiện lên khi chân trời đang dần sập lại. Không một bóng người, hai đứa chỉ còn biết chọn lấy một ngả đường bằng niềm tin hên xui mông muội. Tôi giảm tốc khựng xe vào mép vực, gan hùm cũng đành chao đảo trước không gian ba chiều tương phản tê tái này. Cô ấy thật khẽ nghiêng người vào phía trong lòng đường rời xe, thụp xuống đưa tay ôm mặt… Trước mắt tôi là trùng trùng núi đá đôi bờ, dưới chân lòng sông thăm thẳm chạy dọc một bờ vực bên này dựng đứng dài hun hút không có bất cứ gì che chắn. hai đứa ngoảnh lại động viên nhau. Đôi lúc thoáng trong đầu, tôi đã nghĩ: “nếu chẳng may xịt lốp ở đây?!” Nghĩ thế thôi, tôi tin điều ngược lại. Đi mãi, nào ngờ, gặp xe hơi cùng đường. Cả một chiếc to như xe khách nữa. Chẳng biết, họ lạc vào đây hay cố tình. Dù thế nào, chúng tôi cũng nao lòng bái phục tay lái của mấy anh bốn bánh. Có chỗ, mấy anh lái xe con nhảy xuống trước pha đèn xe tôi, đường dốc xuống đài không nhìn thấy, lại chường bưởng những ụ đất đỏ lòe mấp mô khiến tôi nghi ngờ lòng đường không đủ rộng cho xe khách phía sau lết được qua. Chúng tôi ngơ ngác hỏi nhau: “đây có phải là đường đi không nhỉ?” Lúc này tôi mới thấm tại sao, người đàn ông chúng tôi gặp hỏi đường khi trời còn chạng vạng đã nhắc lại hai lần: “không còn dài nữa là đến khu dân cư, nhưng mà phải khẩn trương lên không trời tối”.

Quỷ xứ! trời đã tối căm căm và tôi biết các giác quan của mình đang lao động cật lực hơn bao giờ hết. Đói, nhưng hai đứa đều chưa kêu lên vì cả hai đều cho rằng sẽ dừng chân ở Lai Châu, phải vượt đèo trước đã. Quốc lộ 4D cuối cùng cũng bù đắp hai đứa rồi, đường trải nhựa phẳng phiu êm ái như nhung. Cứ thế vi vu chả ai hay mình đang đổ đèo Hồng Thu Mán trong đêm tối. Bất chợt trong thâm sơn cùng cốc có toán choai choai chục mái đỏ, mái vàng kẹp đôi lượn qua hai đứa vè vè. Chốc chốc chúng khựng lại bi bô gì đó, chốc lại rít ga phóng vọt lên. Biết sao giờ nữa, đến đâu tính đến đó. Chưa nghĩ ra cái gì cụ thể nhưng nếu chúng khựng lại vì chúng tôi thì tình huống ấy năm xưa tôi đã phải đối phó đôi lần. Cô bạn đường của tôi thì cứ thây kệ chúng, lim dim cái đã. Tôi biết vậy mà thấy yên dạ hơn nhiều... >>> còn nữa >>>
 
...Tự lúc nào, tụi choai đã bỏ lại chúng tôi. Những tổ lái trên cao thường cho tôi mãn nhãn những cú cắt cua không tài nào làm lại được. Tôi nhớ đường lên đỉnh Suối Giàng, dường như bất cứ khúc gấp tay áo nào cũng để lại trên huyệt đạo gãy gập một vài vệt chém mới dài thượt trắng phau. Đó là những cú thắng xe cố hữu bằng chân chống giữa của các nài Win trên núi. Họ mới bỏ ngựa lên xe ngồi chon von hơn chục năm nay, nhưng dường như họ vẫn cho rằng xe có thể đi lại bá đạo y như ngựa!

8 giờ 30 tối Lai Châu, thành phố rực rỡ đèn đường giăng mắc cho chỉ hai chúng tôi thống lĩnh. Tôi lấy làm kinh ngạc bởi mới giờ này mà thành phố không một bóng trên con đường bốn làn xe. Vô thức chúng tôi tiếp tục đi, Tam Đường thẳng tiến.


2/5/2014
Cơn mệt mỏi như chưa từng hiện hữu khi trở dậy dưới muôn trùng mây, chim hót véo von. Chỉ vẩn vơ qua một ngã ba, hai chúng tôi không ngờ đã lạc lên đỉnh đèo Mây – Ô Quy Hồ. Lạc mất đường về Mù Cang Chải, đã thế rồi cứ tiếp bước mộng du. Thật i tờ! hai đứa tôi đều không hay biết nó trải dài gần bốn mươi ki-lô-met. Cung đường mê mẩn này hôm nay thật nhiều bạn trẻ và cả nước ngoài ngược xuôi lên chinh phục. Đường đông vui hơn ngày hôm qua, nhưng vì thế mà những khúc quanh co liên tục càng thêm trêu ghẹo người cầm lái. Một sườn leo lên nắng tỏa tưng bừng; một sườn lao dốc xuống sương vây mù mịt. Ôi Sa Pa của ta!

Ông bạn gàn gàn bên Văn Chấn réo chuông tôi. Hắn kêu ca vặn vẹo vì viết bọn tôi toan bỏ qua nơi hắn mà lên Lao Cai rồi xuôi hồ Thác bà về. Hội ý nhanh, đùng đùng chúng tôi quyết định lội ngược Sa Pa đổ đèo Mây lần nữa, rồi tìm đến cái ngã ba hướng sang đèo Khau Phạ, suôi Văn Chấn ghé thăm bạn hiền. Khau Phạ ơi, Mù Cang Chải ơi! Khau phạ dài gần năm lần đèo Chẹn. Còn Chải hơn một trăm ki-lô-met đi đường như đi bắt ếch dưới mương, mưa nắng luân hồi. Ước gì có thêm hai ngày nghỉ nữa, chúng ta vào làng vào bản, vào ruộng bậc thang rong chơi. Nồng say sao, Tây Bắc ơi...
 
Quốc khánh 02/09/2014

Tìm diễn viên đóng thế cảnh hạ độ cao đột ngột...

[video=youtube_share;jT8ZEfkDacE]http://youtu.be/jT8ZEfkDacE[/video]​
 
Đường tưởng bay lên trời, là đường lên nương của đồng bào thiểu số. Đường tưởng lao xuống địa ngục, là đường họ về nhà.

15144741415_3bd38522e8_c.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,427
Bài viết
1,152,734
Members
190,079
Latest member
Quynh258
Back
Top