What's new

Hồi ức của dân Phượt

Em coppy nốt câu chuyện Hồi ức của em đã viết về bên này để cho nó liền lạc ! Mong các bác đại xá :D

..........................................................


Những ai chứng kiến lũ Tây nguyên thì mới cảm nhận được sức mạnh tàn phá kinh khiếp của nó! Nó không như những cơn lũ quét ào ạt của Tây Bắc và dữ dội dàn trải như lũ Miền Trung.....Nó âm thầm tới... khi bạn nhận ra nó tới thì bạn không còn chuẩn bị kịp điều gì để đối phó....Tất cả nhanh chóng bị nhấn chìm trong một dòng thác mênh mang nước đục ngàu cùng với gỗ mục, cây cối và cả những chú nai, lợn rừng xấu số.........Mọi vật bị cuốn trôi trong tiếng lục cục của đá, tiếng rắc rắc của cây cối và tiếng gào của nước....Rừng núi mênh mang màu đỏ quạch....mênh mang mênh mang.....

Gần cuối tháng 9/1990. Tôi bắt đầu thấy mình rụng tóc rất nhiều khi đi tắm ở sông Xe Xan....Thỉnh thoảng, bất chợt nóng gai người, vã mồ hôi trong khi trời rất lạnh...... Quang bảo: Tao thấy da của mày nhợt nhạt lắm, có khi về Nha Trang thôi.....Tao ngán “vàng” lắm rồi....

Ngày 10/09....Sinh nhật thứ 23 của tôi. Chẳng ai biết. Tôi rủ Quang ra bờ sông, hai thằng trầm ngâm ngồi nhìn.....nước đang lững lờ chảy....Trời chiều, sương tim tím dần trên mặt sông.... khói bếp ở lán lan toả trên tàng cây xanh thẫm....Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ....nhớ các em....Nhớ tiếng cười của cô bạn gái và nhớ.....tất cả, trừ Vàng.....

Tự nhiên tôi thấy gai người, chạy dọc sống lưng là một luồng lạnh lan toả, thân thể bắt đầu run lẩy bẩy, tôi ngáp và chảy nước mắt.....Răng thi nhau “gõ đàn” lập cập...lập cập....Tôi bảo Quang: Tao sốt rét rồi....và chạy vội về lán....

Khanh và Quang đắp cho tôi tới mấy cái chăn, lót bên dưới mấy cái, nó còn ngồi lên người tôi cho tôi bớt run.....Tôi hoàn toàn tỉnh táo, cảm giác rõ ràng tôi đang bị cơn sốt rét rừng nó vật mình như nào.....Trong cơn vật vã, loáng thoáng tiếng Tý chuột bảo Khanh lấy thuốc và kim tiêm...

Những ai bị sốt rét, chắc có lẽ suốt đời không thể quên cái tên thuốc Quynin....cái lọ thuốc nho nhỏ, nước màu vàng đục của Trung Quốc......Phương pháp trị bệnh hiệu quả nhất là để....tiêm vào mông.....Nhưng có khi xui xẻo gặp phải tay nghề của ông “thày dởm” thì có hai sự “lựa chọn”: một là bị thọt (do chọc nhầm vào gân) Hai là bị áp xe (chỗ tiêm bị ung nhọt và thối rữa)..........Kinh khủng !!!

Nửa tiếng vật vã run cầm cập trong sự tỉnh táo hoàn toàn....Tôi bắt đầu thấy mình mơ màng và như đang bay lên cao.....bay cao....Cơn sốt nóng bắt đầu, và đó mới là “đỉnh cao” của sốt rét rừng.....Bạn hoàn toàn không còn biết gì....và thần kinh của bạn như của người điên...Bạn có thể đi lang thang vài ba km như kẻ mộng du hoặc bạn chui xuống gầm giường, chui vào bụi tre....làm tất cả những gì mà khi bạn bình thường không bao giờ dám làm...Cũng có khi bạn chỉ nằm thiêm thiếp trong khi cơ thể bạn nóng tới 39,5 hay 40 độ là thường.....

Cứ cách ngày, tôi lại bị một cơn như thế, đã có lần trong cơn sốt nóng vào ban đêm, tôi đã đi lang thang trên bờ sông khi trước mắt là một ánh đèn sáng loà như mời gọi.....Chỉ đến khi Quang tìm thấy tôi và đấm thật mạnh vào lưng, tôi mới lờ mờ nhận ra mình đang chuẩn bị đi xuống....sông Xe Xan.

Gần 3 tuần trôi qua, cuối tháng 9.....Bầu trời Xe Xan lại thẫm màu u tối vì mây mù và những cơn mưa nho nhỏ...
Tý chuột đã chọc thẳng tay cái kim tiêm vào....mông tôi không biết bao nhiêu phát...Chỗ tiêm đã thâm xì và tôi cũng thấy mình bơn bớt....những cơn rét run cầm cập cùng những cơn mơ đang bay lên cao. Quang và tôi mừng hỉ hả....bàn luận ngày rời bãi....

Buổi chiều, trước hôm chia tay với nhóm của Tý. Chúng tôi được chia Vàng.....Không bao giờ tôi có thể quên giây phút chúng tôi ngồi nhìn Tý đổ Vàng ra cái mảnh nilon và đong bằng thìa.....trong khi bên ngoài trời đổ mưa....cơn mưa trái mùa, cơn mưa bão.....Rừng Xe Xan đang bắt đầu “nổi giận” tiễn đưa những kẻ phá hoại sự bình yên hoang sơ của nó..........

Xe Xan ngày 26/09/1990 buổi chiều trời bỗng mưa như trút nước.....mưa ào ạt ào ạt.......Gió thổi tốc cả lá rừng bay phất phới....Mặt sông Xe Xan nổi sóng và nước sông....kỳ lạ thay ! Nó vẫn trong xanh.....

Đêm hôm trước, qua chiếc Radio CS của Tý chuột, nhóm chúng tôi biết là có một cơn Áp thấp nhiệt đới (hồi đó vẫn gọi là Bão) tràn qua vùng Nam Trung bộ gây mưa lớn ở các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào tới Thuận Hải (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay)....

....Tất cả mọi người đều chả lo ngại gì vì chúng tôi đang ở Tây Nguyên.....núi cao và rừng sẽ che chắn....Không ai ngờ rằng chính vì cơn áp thấp này đổ bộ vào, gặp luồng khí nóng theo gió Lào thổi từ hướng Tây sang tạo nên những cơn mưa rừng thật kinh khiếp.......

Cả đêm, sấm sét nổi ì oàng, bầu trời như bị rạch nát bởi những tia chớp.....Đang ngồi nhìn ra ngoài, tôi bỗng thấy ngay cạnh lán tiếng xẹt..xẹt thật dữ dội....một luồng ánh sáng xanh lét như cái dây kéo ngược lên trời đêm....Nó làm sáng bừng cả một khoảng rừng, rồi khoảng rừng đó bốc cháy....30 giây sau mới nghe tiếng nổ long trời...Oàng..oàng...

Sét vừa “hỏi thăm” chúng tôi hay sao ấy!!!

Gần sáng, mưa càng ngày càng lớn....Sấm sét không còn, chỉ còn tiếng mưa rừng ào ạt..... tiếng gió gào trên những tàng cây, trên những ngọn đồi.....

Chiều hôm trước, khi tổng kết số vàng đã làm được trong cái hốc suối “rùng rợn”..... Tý và Khanh nói sẽ có trách nhiệm chuyển cho gia đình hai người bạn xấu số bị gần “cụt đầu” mỗi gia đình 50 cây.....Số còn lại tất cả khoảng 700 cây, chia ra 10 phần, chúng tôi được Tý chia cho mỗi đứa khoảng gần 65 lượng vàng (một số vàng lớn vào thời đó)......Cả nhóm uống rượu chia tay chúng tôi đến quá khuya......

Sáng sớm hôm sau, rừng Xe Xan xơ xác tiêu điều......trời vẫn mưa...tuy có nhỏ hơn nhưng lúc này mặt sông đã ngầu đục màu đỏ, nước ào ào chảy.....Tý ra ngoài nhìn mặt sông mênh mang....Trầm ngâm một lúc, anh ấy bảo chúng tôi đợi vài ngày nữa hãy rời bãi, anh ấy sợ rằng sẽ có lũ lớn......

Chúng tôi vẫn quyết định chia tay nhóm của Tý chuột ngay hôm đó chứ không chờ mưa tạnh.....Những biến cố kinh hoàng, sự chết chóc....mưa rừng thú dữ ở bãi vàng cùng cơn sốt rét rừng đã khiến chúng tôi quyết tâm với ngày về hơn lúc nào hết.....Gia đình và những người thân thương đang chờ đón chúng tôi......

Từ lán ra cầu Lâm Sản khoảng 12 km đi vòng vèo qua những quả đồi, suối và bãi sông.....Chỗ mà chúng tôi cần phải vượt qua gấp trước khi nước sông lên cao là khúc suối rộng nhất.....nó có 20 m nhưng rất sâu....

Tý chuột và Khanh tiễn chúng tôi rời lán 300 m rồi quay lại, trước khi chia tay...Tý bảo tôi và Quang: Chúng mày dùng số tiền này cố gắng mà làm ăn ngon lành, thôi đừng lên bãi vàng nữa....Nghiệt ngã quá! Mấy hôm nữa, tao cũng về Bắc thôi...Có dịp may gặp lại nhau thì......

Giọng anh ấy tự nhiên nghẹn lại.............

Chúng tôi cất gói vàng vào balo, chân đất dò dẫm trên con đường mòn đầy gai góc đi xuôi về hướng Tây Nam.....Trong khi ấy trời vẫn mưa, và mưa hình như đang to hơn....
 
Tôi và Quang mò mẫm khi tán rừng và mưa to đến mức che khuất hết ánh sáng chiều, cứ thế chúng tôi đi dọc theo ven sông.....nước đang cuồn cuộn chảy và dâng rất nhanh. Thoáng chốc đã thấy ngấp nghé bờ.....Gần tới ngã ba suối K’to.....Nước lũ khoét sâu vào hõm đồi một mảng rộng bằng cái sân bóng đá mini... đất đá lở bùm bùm xuống sông......cây cối đổ rạp, bị cuốn băng băng theo dòng nước ngầu đục đang gào thét.....

Khúc suối cần phải vượt qua gấp trước khi lũ to.... chính là đoạn sâu nhất và rộng nhất. Điều lo ngại là chúng tôi bắt buộc phải đi qua chỗ này vì không có đường đi tránh, con suối quá rộng....nó chảy ngược từ Cambodia về, nếu chúng tôi muốn an toàn thì phải đi sâu vào địa phận Cambodia khoảng 4 km.......Nhưng an ninh thì chả có gì đảm bảo bởi bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể gặp “cướp”...

Khoảng 14h30’, cách Cầu Lâm Sản chỉ còn 5 km và đến đúng đoạn suối “kinh hoàng” nơi có vỉa vàng 700 cây.....Chúng tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy một khung cảnh tan hoang và mênh mang nước trước mặt.....Khúc suối phình to lên tới 200m....Nước lũ khoét đất lở ra, cuốn theo dòng sông.... mộ của hai người bạn xấu số mất tăm tích........Nó đã bị nước cuốn trôi !!!

Lúc này, nước suối chảy mạnh, đáng ngại là nó có quá nhiều xoáy, ngầu lên.......Quang bảo tôi: Liệu có qua được không? Hay là chặt lồ ô làm bè?!!!

Nếu không muốn đối mặt với nguy hiểm đến từ bên kia biên giới thì phương án tối ưu nhất lúc đó là chặt cây lồ ô để làm “phao” vượt suối,.....Chúng tôi hì hụi gom chặt 10 cây lồ ô to cỡ bắp tay dài 3m, buộc túm lại bằng dây nilon và dây thừng. Chiếc “phao” lồ ô khá hoàn hảo!

Khiêng cái phao ngược vào sâu 300m, thả cái “phao” xuống suối, hai chúng tôi cởi bỏ quần áo ngoài, lấy nilon buộc túm balo cho khỏi ướt, từ từ tụt xuống, men ra.....Chúng tôi bơi ra tới giữa sông nhẹ nhàng.....

Cách bờ bên kia khoảng 30 m, tôi bỗng nhìn thấy vết nứt khá to cạnh bờ suối, chỗ đó có một cây cổ thụ cao vọi to khoảng 1 người ôm.. ...Trời đất quỷ thần ơi! Đất bờ suối đang từ từ ngoác ra và......rầm! rầm!... Đất lở xuống khiến nước suối xoáy sâu, sóng đánh rầm rầm vào mặt hai thằng.....Nó vỗ ào ạt như muốn dứt chúng tôi ra khỏi cái “phao” lồ ô......Tôi thét lên: Quang! Giữ chặt phao, không buông nhá....

Và điều kinh khủng nhất đã tới......Cây K’nia “to vật” kia bắt đầu từ từ đổ.....Nó nhằm thẳng đầu hai chúng tôi ngã xuống.....Quang gào lên: Hoàng! Bơi ra xa đi, bơi nhanh lên....Chúng tôi quẫy đạp, lấy hết bình sinh để thoát khỏi cú “cây giáng” nhưng không thoát nổi........Tôi chỉ kịp thấy mình hoa hết mắt và tối đen trước mặt, tôi chìm nghỉm....sặc sụa nước.......

Hẫng hụt.....rồi trồi lên sau khi đã uống mấy ngụm nước, tôi bị một phát đạp vào mặt đau điếng do cái chân của Quang.....Lúc này cả hai đã bị cuốn phăng phăng theo dòng nước lũ, balo và phao chả còn thấy đâu....Trên mặt nước chỉ còn thoang thoáng vài cành cây K’nia......Và bất ngờ, cả bộ rễ và thân cây K’nia bỗng chổng ngược lên trời rồi từ từ vật xuống nước đánh...rầm!!!

Bị cuốn theo nước lũ khoảng 100 m....... tôi vớ được một khúc cây khô, tôi gào lên” Quang ơi, bám theo tao....Quang bơi theo và bám được vào.....Chúng tôi phó mặc cho nước cuốn......Khúc gỗ lúc chìm, lúc nổi, liên tục xoay tròn làm hai đứa rất khó khăn mới không bị rời tay ra......Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận thấy cái chết đang lởn vởn trước mặt !!!

Rồi điều không mong đợi đã đến! Lũ sông XE XAN ngầu đục, mênh mang sóng và xoáy đã ở trước mắt, nếu chúng tôi không kịp vào bờ thì chắc chắn chỉ có chết, không phương cứu vãn bởi sông Xe Xan lúc này không khác gì là một cuộn xoáy có thể nuốt chửng bất cứ vật gì......

Tôi kinh hoàng và bỗng trào nước mắt khi nhận ra rằng mình còn quá trẻ, còn sớm quá nếu phải bỏ xác nơi rừng rú này.....Những khuôn mặt người thân bỗng lần lượt hiện ra......rõ mồn một!!! Quang kêu lên: Hoàng ơi, chả lẽ chịu chết à! Sao bây giờ đây?.......Nó bỗng oà lên....nức nở!

Nhưng đúng là số trời! Vâng! Ông trời chưa bắt chúng tôi phải chết khi khúc gỗ tự nhiên không xoay tròn nữa, nó lao vun vút và trôi tuột vào vùng nước êm gần ngã ba, nơi suối và sông gặp nhau..... Ở chỗ đó có hai khúc gỗ nữa đang lập lờ, lập lờ.....Tôi nhìn vào bờ, nó chỉ cách chúng tôi khoảng 30 m.

Tôi bảo Quang: Mày bơi được nữa chứ? Có dám bơi không? Quang gật.

Chúng tôi ngừng lại nhìn nhau, ánh mắt tự nhiên sáng lên một cách quả quyết. Chỉ còn phương án mạo hiểm này thôi....Cố lên nhé!!!

Và rồi sau 10’ mệt nhoài, có lúc tôi tưởng như chìm nghỉm, sặc nước.....Cả hai thằng bám được vào bộ rễ cây mọc loà xoà ra ven suối......Chúng tôi đã tới bờ....

Khó khăn và phải cố gắng lắm mới đủ sức leo lên......Nằm vật ra thở, mặc cho mưa táp rát lưng, nằm úp mặt xuống đất, tôi khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc.....Khóc cho nỗi nhọc nhằn, khóc vì quá tủi thân..........và khóc vì sự vui mừng đã thoát chết....

Cuối cùng, như câu các cụ đã nói: Của Thiên trả Địa.... tất cả 130 cây vàng của hai đứa..... kết quả của những ngày cật lực khuân đất đào đãi, bươn chải lén lút để trốn Biên Phòng đã mất hết, nó trôi theo dòng nước lũ cuồn cuộn và trở lại với thiên nhiên......Vàng ơi....Mày ở đâu rồi?

Chúng tôi mệt mỏi, run rẩy, mò mẫm ra tới cầu Lâm Sản thì trời đã tối mờ.....Sông Xe Xan vẫn chưa ngừng thôi réo....Cơn lũ cuối mùa đang lên tới đỉnh điểm, chiếc cầu Sắt chìm một phần trong nước nhưng rất may là vẫn còn có thể bám theo thành cầu để sang bờ bên kia.....

Đồn Biên Phòng cho mỗi đứa một bộ quần áo và cử hai người to khoẻ dìu chúng tôi vượt sông......Bước lên chiếc xe Jeep lùn của Quân đội Cambodia đang tranh thủ trời mưa để quay ngược lại P’leiku (Trời mưa thì đất đỏ sẽ không dính, nếu mưa ngừng sẽ không thể đi được....) chúng tôi thoát chết trở về Nha Trang....

Chúng tôi bỏ lại sau lưng mình khoảng thời gian kinh hoàng nhất của cuộc đời.....Bỏ lại sông Xe Xan đang “nổi giận”, bỏ lại bãi vàng đượm mùi máu người và những linh hồn oan trái vất vưởng .......lang thang trên những tàng cây xanh rì......gió hun hút thổi ......
 
Câu chuyện BÍ ẨN TRÊN ĐƯỜNG ĐI TÌM TRẦM HƯƠNG

Năm 1990.....Khi còn đang "lưu lạc" tại Xe Xan và bãi đá Safia Daknong, tôi gặp và trọ gần 2 tháng ở nhà một ông già dân gốc Ninh Hoà Nha Trang có một quá khứ tìm Trầm Hương nổi tiếng, lúc bấy giờ đã "gác súng" mở quán bán Cafe tại Thị trấn Gia Nghĩa (Nay là tỉnh lỵ của tỉnh Daknong). Trong những lần nhậu ngà ngà say, phải "kê kích" mãi, mất khá nhiều rượu ngon mới khiến ông vui miệng kể một vài câu chuyện bí ẩn mà ông đã chứng kiến trong suốt quá trình gần 10 năm "mò mẫm" ngậm ngải tìm Trầm khắp các cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên và Lào......

Cũng phải "phân trần" với bạn đọc topic này rằng: Theo quy ước bất thành văn của dân tìm Trầm (còn gọi là dân đi Điệu).....Họ có các luật lệ đi Trầm riêng của họ theo phong tục của từng vùng, miền.........Ví dụ như dân Quảng Bình thì không bao giờ đi nhóm quá 5 người, không đi dài hơn 30 ngày, không đi 4 người, không ăn mực, mắm và gần gũi với đàn bà trước khi đi 3 ngày..........Dân Ninh Hoà thì kiêng đi nhóm 3 - 4, không gọi tên thật trong rừng, gọi Hổ là Cậu, gọi Voi là Ông, không tiết lộ thông tin về các chuyến đi, không ăn những thứ có mùi hôi, gọi gạo là hạt......vân vân và vân vân........Nhiều thứ kiêng lắm !!! Vì thế, ông bạn già của tôi (tên Mạnh) đã phải "say" mới thổ lộ được một vài câu chuyện........Tôi chỉ viết lại theo trí nhớ của mình khi nghe ông kể chứ chả bao giờ có thể kiểm chứng được.....Những câu chuyện chỉ là chuyện bàn nước trong khi chờ đợi những hồi ức khác !

....................................................................


Chuyện thứ nhất: NGHĨA ĐỊA VOI tại LÀO

Năm ấy, tôi (ông M) 39 tuổi, đang buồn chán nằm khàn ở nhà thì nghe thông tin rò rỉ từ một nhóm tìm Trầm khác,rằng đi từ khu vực ngã 3 biên giới (ngã 3 Đông Dương) thuộc vùng Ngọc Hồi Kon Tum qua Lào khoảng 3 ngày luồn rừng theo hướng Tây Bắc có một khu rừng nghi có mấy cây gió cổ thụ......Vậy là tôi rủ thêm một anh bạn dân Nha Trang gốc đã 34 tuổi lên đường.......Chúng tôi làm cơm cúng suốt một ngày ở nhà tại Dục Mỹ, sắm chuyến (mua đồ dùng, thực phẩm cho chuyến đi) tại P''''leiku, đón xe đò lên Kon Tum, thuê 2 chiếc xe ôm (ngày đó xe ôm ở Tây nguyên đa số là xe Yamaha BS màu đen đen giông giống xe Honda 67 nhưng máy 2 thì xả khói mù mịt...) để vào Ngọc Hồi.........Tới TT Ngọc Hồi thì trời đã sâm sẩm tối, tôi vào nhà YNook, anh bạn dân Êđê Đaklak ngày trước chuyên săn và thuần dưỡng voi.......để "mượn" thực chất là thuê một khẩu AR15 và 2 hộp đạn, ..... Ynook lấy vợ người Ba Na và ở rể tại đó.

Đêm trăng sáng vằng vặc, chúng tôi vô tới cửa rừng....Hai người xe ôm sợ đường xa và quá vắng vẻ nên không dám chở chúng tôi vào sâu hơn, họ quay lại và trọ ở một làng người M''''nong....còn chúng tôi tranh thủ đi tiếp vô chòi rẫy để ngủ lại....

Trăng sáng, rừng im ắng.....Tiếng chân thú đi ăn đêm và tiếng chân người bước trên thảm lá khô lạo sạo....thoang thoảng đâu đó tiếng nai "toác" và tiếng cú rúc từng hồi dài.....Nửa đêm chúng tôi "mò" vào tới một căn chòi rẫy của người M''''nong....trải áo mưa, chúng tôi ngủ ngay vì quá mệt........

Khoảng 3h sáng trời bỗng đổ mưa nhẹ....Nước mưa hắt vào nền chòi canh rẫy, đất ươn ướt khiến chúng tôi phải chui vào gần đống củi to bự chảng ở dưới gầm chòi, cuộn tròn người lại trong áo mưa.....ngủ say tít mít chẳng biết gì....

Sáng sớm, tỉnh dậy...Tôi tá hoả tam tinh khi nhìn thấy khắp khu rẫy hoang cây cối nát bấy, chi chít vết chân voi.....gần chòi là mấy bãi phân voi xanh tràm còn ...nghi ngút hơi bốc lên..........Chứng tỏ vừa có đàn voi rừng đi kiếm ăn ngang qua !!! Kỳ lạ ! Giống voi là rất thính mùi....May phước là chúng không phát hiện ra hai thằng tôi cuộn tròn trong áo mưa nằm cạnh đống củi.....Chúng ăn no và đang chuyển vùng sang phía Đông Trường Sơn.......Bấy giờ đang bước vào mùa mưa.........

Sáng hôm ấy, màn sương và hơi nước của cơn mưa đêm vẫn mờ mờ ảo ảo trên những ngọn đồi xanh rì, chúng tôi lên đường. Vừa đi vừa dùng dao phát và xà gạc để phát cây loà xoà vướng lối.........Đi suốt một ngày, mệt mỏi và bã bượi........ Gần chiều tối chúng tôi mới vượt qua một thung lũng sâu chằng chịt cây cối, gai mây và gai tre rừng cào rách cả áo khoác......Hai chúng tôi quyết định vượt qua thung lũng này trước nửa đêm để lên đỉnh dốc bên kia mới nghỉ lại.......

Kinh nghiệm của dân đi Trầm hương muốn tìm hướng đi trong rừng rậm ban đêm có hai cách:
Mỗi khi đêm tối là ôm gốc cây dầu, hoặc cây Tà bình....Thường những ngày trời đẹp, nắng vừa phải cũng được... cây dầu, cây Tà bình hấp thụ ánh nắng mặt trời khá tốt nên phía tây là hướng mặt trời lặn bao giờ cũng để lại cho cây hơi ấm .........
Hai là theo hướng gió......ban chiều phải để ý thật kỹ hướng gió thổi...Đêm trèo lên cây nhìn sao Bắc đẩu hoặc theo hướng gió ban chiều đã xác định để tìm hướng đi........Cách này dễ bị đánh lừa vì có thể đang đứng trong một thung lũng bốn bề vây quanh là núi thì gió quẩn.....chẳng thể nhìn thấy sao hoặc gió thổi theo hướng nào

May là đêm ấy, chúng tôi đã vượt lên tới đỉnh quả đồi an toàn.....Bỏ đồ ăn được gói từ buổi trưa, chúng tôi trệu trạo qua loa xong bữa rồi mắc võng.....ngủ !

Ngày hôm sau, trời hơi mù và thỉnh thoảng mưa nhẹ......Chúng tôi đi vượt qua một rừng lồ ô và một điều khiến tôi nhớ mãi khu rừng ấy.........tôi chứng kiến một trận "mưa" những con Vắt Hoa đổ bộ xuống vai, xuống tóc và xuống....lưng chúng tôi !!!

Nói rõ một tý về loài Vắt Hoa này ! Vắt Hoa là loài Vắt chuyên sống trên cây, trên tán lá chứ không sống dưới đất và dưới lá mục như loài Vắt xám....Chúng to hơn Vắt xám và dài hơn..........Chúng nằm im trên tán lá, những con Vắt to bằng que diêm nhưng vằn vện hoa lá.....cứ thẳng đuỗn .....chờ mồi....

Khi thấy động và "ngửi" thấy hơi thú vật hoặc người...."ngửi" thấy mùi máu, chúng đồng loạt cong cái thân vằn vện, xanh xanh lên và búng mình lên cao ....bựt ! Chúng thả rơi nhẹ nhàng xuống vai người, xuống lưng thú vật và chui rúc.... bám chặt.....hút máu ! Chúng chui vào lỗ tai, vành tai, chui vào lưng, nách, thậm chí cả miệng...chỗ kín mà âm thầm cắn hút ......Khi no căng thì chúng nhả rơi cái thân đã căng tròn mập xuống....máu từ chỗ bị nó cắn phun ra.....

Chiều hôm đó, hai chúng tôi bị một trận Vắt Hoa cắn nhớ đời......Mất khá nhiều thời gian cạo cật Nứa để dịt vết thương do Vát Hoa cắn.......Thế mà mãi đến chiều, anh bạn đi cùng mới phát hiện bị Vắt Hoa chui vào tới tận.....lỗ...ít và nó vẫn nằm yên trong đó nếu không bị phát hiện........

Chúng tôi phát hiện ra mấy cây gió nhưng xác định lượng Trầm chỉ mới ở mức nhỏ và còn "non" ....Loại Gió này chỉ cho ra thứ Trầm loại 6 - 7 màu gỗ nhạt không giá trị lắm....Thế nhưng, điều này đã khẳng định chắc chắn chúng tôi đã gần tới khu vực có cây Gió sống nhiều.........

Ngày thứ Ba luồn rừng.......Buổi trưa, mây mù và thi thoảng mới hé chút ánh nắng mặt trời..... khi leo lên tới đỉnh một con dốc.....trèo lên một cây Chà khá cao để tìm một chỗ khả dĩ có suối hoặc nước khe để nấu cơm.....Tôi nhận ra rằng chúng tôi đang ở trên một quả núi khá cao, bên dưới là một thung lũng lớn, có vẻ bằng phẳng, cây cối rậm rì.....xanh ngắt ! Theo mắt nhìn và kinh nghiệm đi Trầm lâu năm, Tôi xác định phía dưới thung lũng có nhiều khả năng có Gió cổ thụ.......

Nhưng tôi cũng phát hiện ra rằng chúng tôi đã lạc hướng so với dự định ban đầu. Hướng đi bị chệch về hướng Tây chứ không còn là Tây Bắc ........Chúng tôi đang ở trong khu vực rừng đại ngàn Nam Lào......Dù sao lạc hướng cũng chỉ mới có nửa ngày đường, nên vẫn chưa đáng ngại lắm !

Chúng tôi quyết định xuống thung lũng. Đường xuống cực kỳ khó khăn vì độ dốc lớn và cây leo có gai chằng chịt......Những bụi mây, song....to tổ chảng chắn lối.....Ông bạn đi cùng hít hít và bảo tôi: Ông có ngửi thấy có mùi hôi (thối) không? Quả thật là tôi cũng đã phát hiện ra có mùi hôi thoảng tới những cũng chưa rõ vì sao...

Càng đi sâu xuống mùi hôi thối càng rõ....... thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp một con rắn xám trườn nhanh.... xẹt qua......

Mất khoảng hơn 1h đồng hồ thì chúng tôi xuống được nửa đường.......Gió quẩn quanh đưa mùi hôi thối càng nồng nặc khiến chúng tôi phải lấy bông nút chặt hai lỗ mũi......

Đang vung cái xà gạc định phát tán lá cây lúp xúp mọc chắn đường....Tôi bỗng nghe tiếng Xoạt....! xoạt....và tiếng rít : Kheeée....Kheeeé.........Bịch...Bịch...

......Chèng ơi !!!! Một ông Voi bự chảng có cặp ngà cong vút đang vung cái vòi quơ quào lá cây lồ ô gần sát ngay chỗ chúng tôi đang đứng......Rồi lại loạt xoạt....loạt xoạt......Thêm một Ông nữa....Nhưng Ông này sao cứ đứng ủ rũ và thõng cái vòi dài thượt.........

Chúng tôi rón rén.....rón rén quay lui ! Đang lùi tôi bỗng thấy dưới giày của mình đất bỗng mềm mềm........Nhìn xuống......Chèng méc ơi !!! Một ổ rắn con nhung nhúc....nhung nhúc những con rắn dài như cái đũa .....chúng trườn...chúng chạy toé loe sau cái đạp chân của tôi.........

Tôi vừa kịp nhấc chân...đang định co cẳng chạy, bất ngờ tôi thấy tiếng anh bạn rít lên, và bảo tôi: Đứng im ! Tôi nghe roét ...roét.....
 
Anh kịp thẳng tay vung cây Xà gạc chặt đứt đôi con rắn lớn đang phun phì trườn từ bụi cây mây đầy gai lao ra.....


...........Trong giới dân đi tìm Trầm Hương và ngay cả trong Dân gian, từ rất lâu đã lan truyền về một câu chuyện nghĩa địa Voi nằm rất sâu đâu đó trong rừng đại ngàn....... về hàng ngàn cặp ngà voi dài tới 2 m cong vút nằm la liệt.....những "Ổ" rắn Hổ đất độc ghê người và "hấp dẫn" hơn cả chính là những gốc Kỳ Nam vô giá......

Tưởng như đó chỉ là câu chuyện hão huyền, ai ngờ giờ đây nó đang là hiện thực trước mắt chúng tôi.......

Giống voi rừng sống bầy đàn, chúng di chuyển không ngừng qua các triền đồi thoai thoải và hay chọn những vùng nhiều tre nứa, lồ ô để "càn quét"......Chúng giao phối theo một kiểu cực kỳ "ấn tượng"....vô cùng ít người có thể chứng kiến được, nếu đã chứng kiến mà để chúng phát hiện ra thì......chỉ còn duy nhất một lựa chọn: Bị chúng quật chết, bất kể trèo cao, trốn chỗ nào đi nữa chúng cũng lùng sục cho bằng được......

Con Voi cái ở dưới chân đồi, quỳ hai chân trước xuống.....Mông chổng lên ......... Con Voi đực ở trên đồi lao xuống rất nhanh và....chồm lên lưng con Voi cái......Không bao giờ trượt! Và chỉ trong 5'''' nó rời lưng con Voi cái.......

Trong cuộc đời con Voi đực, "hẩm hiu" cho nó nếu nó chỉ là con Voi thường thường trong bầy đàn, nó rất ít khi được quyền làm cái việc "thiêng liêng" của Thiên nhiên đã ban tặng cho giống đực .....Quyền ưu đãi ấy đương nhiên là của con Voi đầu đàn.......Và chỉ khi nào quá "mệt mỏi" với cả bầy "giống cái" xinh đẹp thì con Voi đầu đàn mới làm ngơ cho "đàn em"....hưởng tý "lộc" trời ban........Chưa hết ! Nó còn phải chờ sự cho phép của "giống cái" xinh đẹp kia nữa cơ.......!!!

Khi Voi già......Nó nhận thấy sức đã cùng....lực đã kiệt......Kể cả xa mấy chăng nữa thì vẫn theo truyền thống hàng chục ngàn năm.....Nó bắt đầu chia tay bầy đàn và tìm về Nghĩa địa Voi.......Đàn Voi âm thầm và buồn trĩu đi tiễn nó qua rất nhiều quãng rừng rồi cả đàn rú lên từng hồi dài .....vĩnh biệt !!!

Nghĩa địa Voi là một thung lũng rậm rạp, bằng phẳng nhưng hiểm trở.... nằm rất sâu trong rừng già đại ngàn.....Nó được loài Voi lựa chọn từ hàng ngàn, hàng trăm năm trước đây, nó vô cùng thiêng liêng với loài Voi và hoàn toàn chưa bao giờ có dấu chân người.... ! Những con Voi già tìm đến được Nghĩa địa là cả một sự cố gắng tột bậc phi thường .... Nó vượt qua những quả núi cao, qua dốc dựng và tụt xuống tới thung lũng ..... Sự cố gắng của nó giống như ngọn lửa đèn dầu sắp tắt, thường loé lên rực rỡ rồi .....tàn lụi....

Có những con đến với Nghĩa địa chỉ còn hơi sức cuối cùng, có con vẫn sống thêm được một thời gian khoảng vài ngày.....Chúng nằm phủ phục, im lìm....chờ chết !!! Khi nó trút hơi thở cuối cùng, đàn Mối rừng sẽ làm công đoạn cuối là đùn đất lên, phủ kín những cái xác voi trương phình, xám ngoét !!!

Và rồi khi những xác Voi đã rữa hết, đàn mối đã bỏ đi.... thì những cặp ngà Voi lộ ra sau vài cơn mưa tầm tã.......Chúng nằm rải rác, có khi chồng lên nhau.....Cơ man nào ngà Voi....dài ngắn, to nhỏ, trắng hay xám xịt.......đen đúa theo thời gian........

..........Sau khi thoát ra khỏi chỗ hai con Voi già đang còn sống.........Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình vô tình được chứng kiến và được đứng giữa cái Nghĩa địa Voi "huyền thoại" này.......

Trèo lên một cây cao, Tôi thấy một đám rừng trống.......mất 15'''' phút sau, trước mắt chúng tôi hiện ra một quang cảnh mà có lẽ trong mơ tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến........Giữa bãi đất bằng phẳng cỏ lúp xúp, lộ rõ hàng trăm cặp ngà Voi nằm chồng chéo, hàng chục ụ mối to nhỏ màu vàng nhạt nhô lên giữa bạt ngàn bụi cỏ hoa tim tím.......

Tôi lại gần một cặp ngà Voi dài...cong vút định nhấc lên, bất ngờ tôi rụt ngay tay lại....Chèng ơi ! Ba con rắn nho nhỏ, xám có, vàng nhạt có....bất ngờ ngóc đầu..ngoằn ngèo trườn thoăn thoắt...chạy trốn !!! Cái ngà Voi nặng ghê gớm......có lẽ nó phải tới 20 kg.........

Chúng tôi không dám đứng lâu ở cái bãi đất .......Hôi thối và khó chịu vô cùng.....Không khí đặc quánh, và rắn......chao ôi sao nó nhiều thế ...... Toàn hai loài rắn xám, vàng nhạt.....chúng nho nhỏ nhưng dài thượt.....Chúng di chuyển liên tục qua các ụ mối và tiếng kêu rin rít...rin rít .......

Trời chiều....Chúng tôi quá nhức đầu với cái mùi xác Voi rữa nên quyết định trèo lên đỉnh đồi càng nhanh càng tốt.........Cái balo và khẩu súng AR15 như nặng hơn rất nhiều so với ngày thường.....Mất gần 2 tiếng chúng tôi mới leo lên tới chỗ ban trưa đã nghỉ chân......

Khi mặt trời ngả bóng qua đỉnh đồi, bóng chiều dần buông trên cái Nghĩa địa Voi, làn sương tím lãng đãng bao phủ trên những tàng cây xanh rì........ Gió và bầu không khí đã trong lành trở lại .... Chúng tôi vẫn còn bàng hoàng chưa thể tin nổi là mình đã vào tới một khu đất "huyền thoại" ...... lan truyền hàng trăm năm trong Dân gian......

Chuyến đi ấy, sau 18 ngày lăn lộn với dốc cao, gai góc và cây cối chằng chịt, đồ ăn và sức lực đã gần cạn......chúng tôi thất bại vì không phát hiện được gốc Trầm Hương nào........Bàn nhau quay lại Nghĩa địa Voi với ý định cố gắng tìm cách vác về 1 cặp ngà đẹp đẽ ............. Vô cùng kỳ lạ ! Chúng tôi đã không thể tìm ra nó nữa.......Nó như đã "biến mất" trong thẳm sâu màu xanh của rừng đại ngàn Nam Lào........
 
Đêm đi săn đáng nhớ của tôi, gã trai mới lớn 21 tuổi!:D

Tháng 4 năm 1988, Cơn mưa đầu tiên của mùa mưa năm ấy !

Buổi chiều, trời nắng oi, gió khe khẽ lay tán lá, ven lô cà fê, hàng Muồng ủ rũ, trơ trọi khẳng khiu .... Hồ Eaktur lặng lẽ, nước cạn gần đáy, mặt hồ tua tủa những thân cây cổ thụ to vật giơ cành lên trời ! Khát ! cả Cao Nguyên đang vào thời điểm khát cháy.....

16h trời bỗng ào ạt gió, phía chân dãy Tây Trường Sơn bỗng xoắn xít những đụn mây đen kịt, nó tràn về Đông Trường Sơn chỉ trong thoáng chốc... cả Krongana, cả KrongPac, cả M''drak và Eaka, C''Mnga đều mừng rỡ... Mưa ! Mưa.....

Và rồi lộp độp những hạt mưa đầu tiên, gió lặng, ì ầm tiếng sấm... Mưa nặng hạt hơn, rồi bỗng ào ào ào... Mưa như trút, mưa như chưa bao giờ được mưa, mưa thoả thuê, mưa gột rửa bụi bặm và mưa tràn lên những tàng cây rừng...

Tia chớp sáng xanh loé lên nhằng nhịt chạy dài trên bầu trời đang tối dần.....Soẹt... Đoooooành...... tiếng sét nổ vang trời, và rồi cả bầu trời đêm cứ nhằng nhịt những tia chớp như thế mãi đến khi mưa gần tạnh...

Hồi đó, tôi thường theo ông chú họ là đội trưởng đội bảo vệ Nông trường Cafe đi chơi... Đã có lần được đi săn nhưng chưa bao giờ lại thấy ông chú hối hả chạy về, vai khoác AR15 tay cầm hộp đạn mà lại rạng rỡ đến thế....Hồn nhiên đến thế !!!

Thì ra, kinh nghiệm của những người đi săn cho thấy, thường là sau cơn mưa đầu mùa, thú hoang đi ăn đêm rất nhiều! Chúng cũng mừng rỡ khi trời đã mưa, sau 6 tháng khát, khát đến cháy cỏ.....

Năm ấy, khu NTVĐ thuộc xã Eaktur - KRONGANA còn rất nhiều rừng nguyên sinh. Tính từ nông trường, chỉ cần bạn đi sâu khoảng 8 km, bạn sẽ chạm vào những khu rừng còn nguyên vẹn, những khu rừng săng lẻ bạt ngàn thân to mấy người ôm, bạnh cây nhô cao cả mét... những đám rừng Sao, Dầu mọc chen chúc thẳng tắp, đi sâu tới địa phận M"drak, Krong Nô bạn có thể gặp những khu rừng chỉ có độc loại cây Cẩm Lai (Trắc) mọc chi chít ven suối.... Rồi K''te (Gõ đỏ)....

Thú hoang thì nhiều! Kể ra có thể bạn không tin! Nhưng đây là câu chuyện thật 100%! Đã có lần tôi ngồi trong nhà của một người bạn già ở NT 719 dưới Eaka, con đường đất đỏ vắng lặng chạy qua trước mặt nhà anh ấy. Buổi trưa, nắng gay gắt, tôi giật mình khi nhìn thấy 4 con voi rừng, 2 con to 2 con nhỏ thủng thẳng cái vòi dài ngoẵng đủng đỉnh bước qua đường ... Chúng nhanh chóng khuất sau những tàng cây rừng nguyên sinh. Còn lợn rừng và khỉ thì... chỉ là chuyện vặt!!!

Chính vì thế mà khi được chú tôi bảo: Tối nay chú với mày đi săn. Chú mượn cho mày một khẩu AR và cho mày 5 viên. Cố mà kiếm con lợn rừng nhé! Chú cười và tôi thì sướng âm ỉ....

Hơn 7h tối, hai chú cháu lên đường... Đèn săn là đèn pin ắc quy gắn vào trán. Ánh sáng của nó chụm lại soi rõ mắt thú hoang... bắt đèn sáng quắc!


...........Khoảng 21h, nhóm đi săn đêm hôm ấy có 4 người, chia làm 2, đi ngược chiều nhau. Tôi và anh Bắc, đội phó Đội bảo vệ, "khét tiếng" nông trường về độ lỳ lợm và máu ăn thua đánh nhau với dân tộc. Bắc bảo tôi: Chú mày ngắm cho kỹ vào nhé, tao chỉ cho chú có 5 viên, bắn hết thì thôi, được hay không ráng mà chịu....

Hai anh em men qua những lô cafe cao ngang lưng người. Trườn qua một con dốc trơn nhẫy, đi xuyên qua vạt rừng còn đang nặng đẫm nước mưa thì tôi nghe tiếng ếch kêu "uôm uôm" vang vang, náo nhiệt.... Anh Bắc bảo tôi: Cái sình này lắm ếch thế! Xuống bắt nhá!

Chèng ơi !!! Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ếch lắm đến như thế! Qua ánh đèn pin sáng quắc, tôi nhìn rõ từng đàn ếch, từng cặp ếch, đùm túm nhau, cưỡi lên lưng nhau... Ếch ông, ếch bà, ếch bố, ếch mẹ, ếch con, ếch cháu thôi thì cứ gọi là cả đàn ếch, cứ trèo lên lưng nhau mà thi nhau gào : Uôm !! Uôm !!...

Túm cái gấu quần, tôi và Bắc thi nhau vồ, chụp.. Vồ ếch? Vầng! Cứ mỗi lần chũm tay chụp một phát là vớ từ 1 đến 2 con. Ếch béo mẫm, nẫn nần thịt....Tha hồ chụp, chúng vẫn không thèm chạy.. cứ gân cổ: Uôm !! Uôm !!

Có lẽ chúng tôi phải vồ được tới cả trăm con, hai ống quần chĩu chịt ếch, nặng chình chịch. Chúng tôi khiêng "cái quần" ếch ấy lên khỏi bờ sình, túm chặt. Bắc bảo tôi: Mày vác về luôn đi, tao chờ ở đây.... Tôi vác cái "quần ếch" về ....

1h sau tôi mới quay lại bờ sình! Không thấy Bắc đâu, tôi hơi sợ.. Phần sợ ma, phần sợ thú dữ (theo bản năng chứ hồi ấy ở đó làm gì còn), Đang định gào lên gọi Bắc thì tôi nghe tiếng nổ: Đoànhhhh! Ánh sáng đèn pin loang loáng và tiếng Bắc gọi: Hoàng, giúp tao nhanh lên...

Bắc bắn được một chú Chồn đuôi đỏ nặng khoảng 4 kg. Chúng tôi lấy dây dù cột lại, treo lên cây Kơ nia nhỏ mọc ven sình, chỗ dễ thấy nhất và tiếp tục đi sâu vào rừng...

Đi được mấy trăm mét, Bắc bảo tôi dừng lại, cả hai im lặng! Bên kia sình, rõ ràng tiếng nai toác .. toác... ! Lom khom tiến từng tý một nhưng tiếng nai cứ xa dần.. Thế là hụt một chú nai ! Nhưng bất ngờ, tôi nghe tiếng : xoạch ! xoạch ngay bên cạnh. Quay đèn sang, tôi nhìn rõ một chú nhím to bự đang xù lông, rũ lông xoạch xoạch ... Chẳng kịp ngắm kỹ, tôi nhắm mắt nổ một phát: Đoành! Trượt con mịe nó rồi ! Bắc kêu, để tao ! nổ đúng một phát, tôi nhìn rõ con nhím dẫy lên, sụp xuống! Bộ lông dựng đứng của nó xẹp dần, xẹp dần....Con nhím to thật! Dễ đến gần chục kg! Tiếc nhất là cái dạ dày của nó vỡ toác, nhầy nhụa....

Vào mùa khô, rừng Tây Nguyên cằn cỗi và khát cháy.. Vạn vật như quắt queo, như bị rang lên dưới cái nắng ong ong khô khốc ! Thú hoang chỉ mò đi ăn đêm vào lúc gần sáng khi sương buông, trời bớt nóng....... Nghe nói loài nhím lúc ấy chỉ đi tìm rễ cây, loại rễ cây có những tinh chất quý, chất làm thuốc chữa bệnh để ăn. Dạ dày mùa khô của nó là một "vị thuốc" ngâm rượu rất quý ! Lấy ra, rửa sạch bằng nước nóng, rồi bằng rượu, sau đó đem ngâm với rượu trắng có độ cồn cao khoảng 6 tháng là có thể đem ra "nhâm nhi" được ! Người Hoa Chợ Lớn rất ưa thứ này !

... Khoảng 1h sáng! Chúng tôi đi tới ven suối. Lúc này mưa đã tạnh, mây tan, trăng lung linh trên đầu ! Rừng xào xạc, lộp độp nước rơi trên tán lá. Đoạn suối róc rách chảy, gần đó có một tảng đá bằng phẳng khá lớn ! Chỗ bên kia suối là vạt sình lầy mọc đầy le le, tre... đoạn này giáp ranh với khu rừng khộp toàn cây Dầu Lông. Tôi nhìn thấy 2 vệt sáng đèn pin! Khua khua đèn báo hiệu, chúng tôi gặp 2 "gã" dân tộc Tày ! Vừa châm được điếu thuốc hút, hỏi được mấy câu thì tôi bỗng nghe: Đoành .. Đoành ... rồi tiếng : Kheee ! Kheee ! Kheee....

Vừa quay lại chỗ tiếng súng nổ, tôi choáng thật sự! Trời ạ! Một cái vòi Voi hua hua... thân hình to ngồn ngộn của nó thoắt một cái đã ở ngay sát chỗ chúng tôi đứng... Tôi hét lên, chân tay bủn rủn: Voi kìa...

Cả đám toé ra chạy thục mạng. Chạy vắt chân lên cổ, mặc cho cỏ xước, cành cây cào cấu quất vào mặt ... Chạy như "máy khâu"....rồi vấp, ngã lên ngã xuống...

Phải đến 25'', vượt qua chỗ rừng Khộp, ra đến gần lô cafe của đội 35 tôi và Bắc mới dừng lại thở hổn hển... Bắc nói: May thế, nó không đuổi đấy, nó mà đuổi thì cả lũ hôm nay chết mất xác! Con Léc của nhà thằng Zớt !

Thì ra, con voi ấy là voi nhà thằng Y Zớt ở buôn Zung, một gia đình nổi tiếng Krongana về nuôi voi kéo gỗ. Con voi này tên Léc, dữ có tiếng, được thả rông trong rừng ... Chả hiểu sao mà "gã" Tày kia lại nổ súng bắn nó... Chắc là quáng gà tưởng voi rừng. Bố khỉ ! Tý nữa thì mất mạng...

Nhưng đã hết đâu.... Vừa thở được tý thì đến lượt Bắc kêu thất thanh: Nó kìa... Trong ánh trăng nhờ nhờ, thân hình con voi lừng lững đang nhào tới chỗ chúng tôi đứng...
 
.... Nghe tiếng anh Bắc kêu: Nó kìa... Tôi không kịp vơ súng, chạy tháo thân về hướng lô cà phê của đội 36. Cứ chui luồn dưới tán lá cà phê mà chạy....

Bình thường tôi chạy thuộc dạng yếu! Thế mà sao hôm ấy khoẻ thế! Ba chân bốn cẳng "đua" như điên, chạy bay tóc (câu thành ngữ dân DakLak hay nói) ....

Chúng tôi mạnh ai nấy tìm cách thoát thân vì biết rõ giống voi là giống thính hơi, đuổi dai, đặc biệt con Léc là một con voi rất khôn, rất dữ, nó dữ nổi tiếng vùng Đông Krongana. Nó có thể tìm đường tắt để đón đầu, thậm chí rình phục ở một quãng nào đó.... Nó mà đuổi kịp, ắt chết. Chết không toàn thây bởi nó sẽ dùng cái chân to như cột đình kia dẫm và di cho vài phát, xong rồi cuốn ngang người đập cái chát vào thân cây cổ thụ. Ôi thôi, đời đi đứt!!!

Cũng không rõ làm sao mà nó có thể đi qua một cái sình lầy, một trảng rừng Khộp và hơn 7 km chiều dài lô cà phê để đuổi chúng tôi tới bờ suối... Dai dẳng đến phát khiếp!

Gần sáng, tôi mò về đến bờ hồ Eaktur. Ngồi thở dốc và mệt mỏi. Trời lại lắc rắc mưa, sấm ì ầm....Không rõ giờ này anh Bắc có thoát không?

Hồi tôi mới "lò dò" lần đầu tiên vào Krongana năm 1985, chú tôi cho đi chơi ở Lăk và Krong Bông. Cứ buổi chiều, dân ở Lak đi làm về, dẫn voi về Buôn, dễ có đến chục con lững thững đi trên con đường quốc lộ 27 lúc ấy vẫn còn là đường đất đỏ. Voi được dân ở những Buôn làng xung quanh hồ Lak thuần hoá rất nhiều, tuy không bằng trên Buôn Đôn, EaSup nhưng cũng thuộc hàng có tiếng tăm ở Cao Nguyên.... Có nhà thuộc dạng giàu có tới 2 - 3 con. Voi được mua, được đổi bằng tiền, vàng, gỗ quý, ché Tuk (Loại ché cổ đựng rượu rất quý của người Ê đê)....

... Trời lại mưa, mưa to.. Tôi quyết định về chứ không chờ anh Bắc. May là cái đèn pin vẫn còn lủng lẳng ở cổ. Khi đi qua chòi canh rẫy của MaSon buôn Tuê (Ma Son tức là Bố của thằng Son) qua mấy cái nhà mồ cũ kỹ, mối xông từng đám to như đống rạ, tôi chợt soi thấy một chiếc xà gạc rỉ sét... Chắc là xà gạc chia của cho người chết. Nhặt cái xà gạc để đề phòng gặp rắn, tôi vừa đi vừa phát bụi cây .. tiếng phát cây cứ xàm xạp, xàm xạp....

Chỉ còn cách nhà chừng 2 km, phải lội qua khúc suối đầu nguồn của hồ Eaktur để qua bên kia đồi, khúc suối chảy róc rách, nước ngầu đỏ. Vừa đặt chân lên tảng đá định lội qua, tôi giật mình khi nhìn thấy mấy khúc gì, nhìn như lưng cá lóc, dài dài đen đen đang trườn lên ngược dòng... Ui trời! Cá lóc! Có tới mấy con "to vật" đang cố trườn mình ngược dòng nước lên phía trên. Vung xà gạc, tôi chém hai phát. Trượt rồi.... vung lên chém nữa.... Con cá giãy giụa rồi ngửa cái bụng trắng phếch lờ đờ trôi theo nước. Cả đàn cá "lặn" mất tích... Thế là được mỗi con, tiếc thật.....

Tờ mờ sáng, về đến cổng nhà, bên trong thắp đèn sáng, tiếng người lao xao... Chú tôi, ông bạn cùng đi ngồi há mồm nghe, Bắc đang vung tay, miệng chữ A, mắt chữ Y trợn thao láo kể chuyện chạy trốn voi dữ ......

Sáng hôm sau, chú tôi và Bắc nhờ Y Đức dẫn vào rừng tìm lại mấy con thú còn đang giấu... Khi về nói, may mà đêm qua cái xích voi to vật kia mắc lại giữa khe đá nên vô tình đã kéo con Léc đi chậm lại, nếu không vướng khe đá, có lẽ giờ này tôi đã không còn ngồi đây gõ bàn phím.....

Cũng không gặp lại hai "gã" Tày "ngu lâu dốt bền, quáng gà" kia nữa....

Nghĩ lại vẫn còn xanh mặt !

...........................................................

Tình cờ vừa rồi đi qua một vùng đồng bằng, giữa cánh đồng lúa mà lại thấy 1 chú voi đang được thả ra cho ăn .. Nó chuẩn bị đi vào khu vườn chuối... Chụp lại phát để nhớ tới đêm bị voi đuổi giữa rừng Krongana....




 
Tôi còn nhớ hồi ở Tây Nguyên, những năm đó có vài món ăn của người dân tộc (Cụ thể là dân tộc nào xin các bạn đừng hỏi, hơi tế nhị) phải nói là "LẠ" và hơi sợ... Có thể các bạn sẽ không tin khi đọc bài này, nhưng những ai ở Tây Nguyên lâu năm, ở gần những buôn làng người dân tộc Ê ĐÊ, M''nong, Giẻ''stiêng.... sẽ đều mỉm cười !!!

Món Sâu Muồng rang lửa.

Nguyên cái món này tôi được chứng kiến ở Buôn Zung, xã Eak''tur huyện Krong Ana ĐakLak:

Ở lô cà phê, người ta trồng rất nhiều cây Muồng hoa vàng (một loại cây lấy gỗ có lõi màu đen tuyền, rất rắn, nhưng vỏ cây thì lại mềm và dễ bị mục. Cưa ngang thân sẽ thấy một cái lõi gỗ màu đen có vân giông giống như gỗ Cẩm lai). Lá cây Muồng tựa như lá cây Hoè ở ngoài Bắc và vào dịp mùa khô, cây Muồng là nơi sinh sống của ngàn vạn con sâu màu thâm thâm nâu nâu, trông nó y như con sâu đo.... Buổi sáng cây Muồng còn tươi tốt và lá xanh um, có một đàn bướm vàng nhởn nhơ bay vào rồi sà xuống đẻ trứng... Hai hoặc ba ngày sau, trên tán lá cây, xơ xác và trơ trụi là hàng ngàn con sâu muồng bám vào khiến cây biến thành màu nâu nâu thâm thâm... Dưới đất là màu đen kịt, đấy là phân sâu ăn lá thải ra....Buổi trưa, trời im ắng, đến gần cây sẽ nghe tiếng sâu Muồng ăn lá rào rào như tằm ăn rỗi....
Người dân tộc mang theo một cái bịch nilon, đến gần cây Muồng có nhiều sâu, họ leo lên và ra sức rung .. sâu rơi như sao sa... Nhặt sâu cho vào bịch, có khi đi nửa buổi trưa là đầy một bịch nilon...

Sau khi mang về, bắc một cái chảo lên bếp lửa... Để chảo thật nóng... Họ đổ bịch sâu vào làm cái "xèo".... dùng cành cây đảo sâu cho chín thật vàng, rắc một ít muối ớt chỉ thiên giã nhỏ, họ mang ra... đánh chén một cách ngon lành... Hồi đó, nhìn họ ăn mà phát thèm, nhưng không nén được cảm giác ghê ghê....rờn rợn !!! Nghe đâu món này ăn vào tránh được bệnh sốt rét ?!!!

Đây là cây Muồng hoa vàng

 
Những câu chuyện bí hiểm khi đi tìm Trầm Hương do ông M kể

Chuyện thứ 2: Người rừng LÁ VÀNG...với 3 "ông" Bảy con..

Mùa đông năm 1987, khi đó tôi (Ông M) còn yếu do mới khỏi ốm một trận rất nặng. Gần bốn tháng "lang thang" khắp Nha Trang, Sài Gòn, Đà Nẵng và tốn bộn tiền... tôi mới qua khỏi. Về nhà hơn một tháng, hoàn cảnh gia đình lúc ấy kinh tế rất eo hẹp, tiền bạc tích trữ đã thành những viên thuốc, những ống thuốc biệt dược "bơm" vào cái thân xác gầy gò của tôi do di chứng những cơn sốt rét rừng hành hạ.......

Buổi trưa, cậu Tám Thành, người cùng đi với tôi trong mấy chuyến đi Trầm ở vùng Sông Hinh Phú Yên và M''''drăk ĐăkLăk sang nhà chơi... Cậu ta bô bô kể vừa mới "trúng" được hơn 3 ký loại 2, trừ ăn tiêu và chia chác, tiền để ra cũng khá... Vài hôm nữa cậu ấy lại "sắm chuyến" để đi. Lần này sẽ đi vùng Hiên - Giằng và Nam Sa Van (Lào). Chợt thấy nôn nao... Tôi nghe như gió đang ào ạt thổi trong lòng, những tàng cây xanh rì như đang ẩn hiện trước mắt ... Tôi đang nhớ rừng và những cây gió!

Mặc kệ những lời can ngăn của Vợ, nước mắt của Con... Tôi vay nóng 2 chỉ vàng của Năm Gô, lão già "địa chủ mới" của Thị Trấn để góp với Tám Thành "sắm chuyến" đi Nam Sa Van....

Tôi quyết định đánh cuộc sức khoẻ, cuộc sống của mình với chuyến đi này... Lên đường vào buổi sáng sớm một ngày giữa đông se lạnh, chúng tôi được chiếc xe Zin Quân đội mang biển TH chở những thùng đạn pháo lên Tổng kho Mai Hắc Đế BMT cho đi quá giang, suốt hành trình vượt đèo dốc, gò người chui trong tấm bạt của chiếc xe khiến tôi rã rời....

Hai ngày đường, khi đi nhờ xe, lúc vẫy xe đò, dọc quốc lộ 14 lồi lõm và bụi mù ... rồi "cuốc bộ" hơn 40 km... Chúng tôi đến ngã ba Khâm Đức khi chiều đã sẫm màu, núi rừng đã chìm dần trong màn đêm tối tăm của ngày cuối tháng.....


Tôi quyết định ngủ nhờ lại ở căn nhà đầu tiên, ngôi nhà lụp xụp lợp tranh tơi tả..... Chủ nhà là một ''gã" đàn ông vạm vỡ "đen như than" người dân tộc Kơ Tu đang ở cùng bà mẹ già dễ đến 80 tuổi ........Chúng tôi nói thật là dân đi rừng, muốn ngủ nhờ một đêm ... gã đồng ý , lát sau chỉ cho chúng tôi chỗ ngủ đêm và cũng đi ngay vào làng Kơ Tu cách ngã ba 2 km nói là đi việc...

Cả đêm nghe tiếng nai "toác toác" trong khu rừng đang bị chặt phá đốt rẫy gần đó ........Không gian tĩnh mịch, lẫn lộn mùi rừng và mùi khét của rừng bị đốt khiến tôi cứ chập chờn không thể ngủ nổi !

Sáng sớm, sương bảng lảng lẫn cả khói đốt rẫy khen khét, tôi và Tám Thành chào "gã" chủ nhà tốt bụng để lên đường, cũng chẳng để ý là ánh mắt "gã" có vẻ như khang khác với ánh nhìn lúc chiều tối hôm qua.....

Đường vào rừng lúc đầu là cả một quãng dài vượt qua 4 quả đồi toàn lồ ô và le le um tùm .... Thỉnh thoảng chúng tôi giật mình vì thấy mấy "ngài" đã được thuần dưỡng đang ngoe nguẩy cái vòi "vặt" lá lồ ô và le le rào rào.... Gần trưa thì chúng tôi qua được khúc suối rộng nơi rừng le le và rừng gỗ giao nhau, Tám Thành bảo tôi :
- Nghỉ chút anh ơi !

Bên kia suối, rừng âm u và hơi tối ! Chúng tôi bỏ Ba lô và đang tính nấu ăn trưa thì bất ngờ tôi nghe tiếng súng nổ chát chúa ! Tiếng súng AK47.........


.......... Tôi thoáng nghĩ: AK47 thì có thể là Kiểm lâm hoặc Bộ đội, họ bắn gì thế nhỉ?

Tám Thành và tôi để balo tại chỗ, chạy vượt qua đoạn suối nông sang tới khu rừng gỗ, thoáng thấy 1 bóng người mặc áo xanh đang xách súng chạy lom khom....Tôi đứng lại kêu Tám Thành: Chú mày ! Quay lại đi, Kiểm lâm đấy...

Đúng là Cán bộ Kiểm lâm thật, song không phải 1 người mà 2 người, thêm 1 cán bộ Địa chất. Họ bắn heo rừng, một chú heo con hơn 10 ký...

Anh bạn Kiểm lâm "sỗ sàng" kiểm tra vật dụng của chúng tôi và sau một hồi vặn vẹo thì "thả" cho chúng tôi đi ....

Chẳng kịp nấu ăn trưa, hai chúng tôi đi luôn cho đến chiều tối thì dừng lại nghỉ ở chỗ có khe nước chảy róc rách....Rừng âm u và chằng chịt dây leo....Chúng tôi phát hiện ra khu rừng rất nhiều gỗ Sao và gỗ Cẩm Lai, những cây Sao cao vút thân thẳng tắp lớn tới gần 2 người ôm, Cẩm Lai "mọc" thành đám, sần sùi... Hiển nhiên là đã tới khu vực rừng rất sâu vì nếu còn nhiều gỗ nhóm 1 như thế này, chắc chắn đám thợ cưa chưa bao giờ thò mặt tới.......

Ăn tối xong vừa lúc màn đêm đã buông xuống mù mịt ! Thu dọn đồ gọn gàng, tôi bật đèn pin, mắc võng lên hai cái chạc cây có những cây leo quấn loà xoà lá....Cách 10m, đốm đỏ đầu điếu thuốc của Tám Thành đu đưa, đu đưa.....Tôi nằm một lúc thì thiếp đi.....

Khuya, rừng lao xao gió....Tôi thoang thoảng nghe tiếng thở khò khè và tiếng lá xào xạc, xào xạc ! Như luồng điện giật qua người, tôi nhận ra tiếng Trăn gió đang tới....

Bật chiếc đèn Pin 4 pin rọi thẳng, sáng quắc....tôi hét lên: Tám Thành, con trăn gió lớn quá kìa....

Trên cây Cẩm Lai, con Trăn gió lớn gần bằng bắp vế đang cuộn mình quanh cành cây thõng cái đầu nhỏ xuống...ti hí mắt nhìn !!!

Định thần nhìn kỹ, tôi mới nhận ra tại sao nó chưa quăng mình tấn công tôi và Tám Thành....Rất may là trong lúc mắc võng ngủ, chúng tôi vô tình đã mắc võng vào giữa những bụi Sắn dây rừng, một loại cây mà loài Trăn rất kỵ giơ...

Hú vía !!! Sau khoảng 10'', con Trăn to lớn khe khẽ trườn đi trên những cành cây, xào xạc xào xạc y như lúc nó đến........
 
Last edited:
....... Từ lúc ấy đêm trôi qua một cách yên bình !

Sáng sớm, chúng tôi ăn sáng và nai nịt gọn gàng để chuẩn bị tinh thần leo qua hẻm núi đằng trước và đi qua khu rừng khộp. Gió lúc này ào ạt trên những tàng cây và mây vần vũ trên đỉnh những quả núi lô nhô xa mờ chập chùng....

Khoảng 9h chúng tôi tới một thung lũng nằm khuất sau 2 quả núi rậm rì cây cổ thụ và dây leo chằng chịt... Bắt gặp ở khu rừng này rất nhiều cây có quả chín vàng ươm mùi thơm ngát, cạnh đó suối nước trong vắt chảy róc rách. Tám Thành bảo tôi là đã gần tới khu rừng khộp, chỉ cần đi qua rừng khộp là đã bắt đầu vào khu vực rừng có Kỳ nam vì trước đó đã có 3 nhóm 'trúng' gần 28kg loại đặc biệt.... Bọn nó đã thành "đại gia" hết rồi...

... Bị câu chuyện 28 kg Kỳ Nam cuốn hút mà bước chân của chúng tôi như dẻo dai thêm, càng gần thung lũng chúng tôi càng có cảm giác có động ! Hình như có người thì phải....

Quả nhiên, vừa đi qua đám dây leo và lội qua khúc suối. Hai chúng tôi chững ngay lại vì nhìn thấy thấp thoáng sau mấy bụi cây là mấy cái bóng xám của người hay là khỉ gì đó đang lom khom chui lủi... Tám Thành giương cái xà gạc nhăm nhăm đuổi theo, tôi vội vã theo sau.....

Mấy bóng xám kia thoăn thoắt chui lủi qua những bụi cây và đu cành nhanh như vượn, định thần nhìn kỹ tôi thấy đúng là người chứ không phải là thú vì họ quấn lá và vỏ cây xung quanh thân thể, Tám Thành thì đuổi theo sát......
 
Bác ơi, thích quá, được đọc bao nhiêu điều kỳ thú về núi rừng VN.
Nhưng em đề nghị be bé, bác chấm một nhát thôi được không? Nhá!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,620
Bài viết
1,153,968
Members
190,147
Latest member
daniel22
Back
Top