Cafe ở đây uống cũng được, không đến nỗi nào, mình cứ nghĩ là tệ lắm, câu chuyện dở dang giữa hắn và anh chủ quán đã cuốn hút tôi, anh kể:”Trước đây ở khu Đồng Văn này có nhiều nhà cổ lắm, nhưng nhà nước mình không có chính sách gì bảo tồn giữ gìn nên người dân đã phá đi xây nhà mới hết rồi, giờ chỉ còn vài cái thôi, tiếc quá, nhà họ bị dột, xuống cấp nên họ cố giữ cũng không được nữa, chỗ đầu kia có một cái nhà cổ mới rỡ để xây mới, tiếc ơi là tiếc, nếu chính sách của nhà nước mà rót xuống đây, quan tâm hơn thì chỉ cần đưa cho họ vài triệu là họ giữ nguyên lại nhà, hoặc chính sách nếu ai muốn xây nhà thì phải đi chỗ khác chẳng hạn, không được phá rỡ nhà cổ thì bây giờ Đồng Văn đẹp biết bao.”
Anh lại kể tiếp:” Bọn em mới sửa lại cái nhà này đấy chứ, sau khi tham khảo rất nhiều em mới quyết định chọn phương án sửa chữa làm sao mà không ảnh hưởng tới nét cổ của ngôi nhà, bọn em chỉ dùng máy doa hết các thanh gỗ thôi chứ không can thiệp vào ngôi nhà, phần nhà vệ sinh em tính mãi mới đưa được cái nhà vệ sinh cơi nới khuất ra sân sau để đảm bảo không nhìn thấy những thứ hiện đại trong không gian này. Các anh ở Hà Nội lên cũng thấy tiếc lắm, tiếc cho Đồng Văn cổ kính. Kiến trúc của nhà này cũng hay lắm, em đơn cử như cái rãnh thoát nước ở sân này chẳng hạn, chỉ một cái lỗ thoát nhỏ thôi mà không bao giờ bị ngập, em cũng chẳng biết nước nó thoát đi đâu nữa nhưng qua những trận mưa lớn thì chưa bao gờ bị ngập cả” lúc này tôi ra ngoài nhìn cái rãnh đó và cửa thoat nước, đúng thật, hay thật:
Rãnh thoat nước được ghép bằng các tấm đá lớn được đục đẽo bằng tay:
“Em trước là dân buôn bạc, nhà em ở dưới thị xã Hà Giang cơ, em chỉ cần nhìn bạc, mài xuống đất và ngửi là biết biết được loại bạc thấp, trung hay cao, nhiều khi còn bịp người dân tộc ấy chứ, có những đồng bạc hoa xòe ngày xưa của Pháp họ cũng đi bán, ngày trước có một chợ chuyên buôn bán vòng bạc, đồ bạc ở phía trên kia nhưng bây giờ không còn nữa, sau này bọn Trung Quốc nó cũng sang mua bạc của người dân tộc, bọn nó khôn lắm, mình không ăn được với nó. Ngày xưa ở trên này hay lắm, buổi sáng sớm khi người dân tộc đi chợ, ánh sáng lấp lánh từ chiếc vòng bạc trên cổ tạo thành những dòng lấp lánh đi từ các ngả trên núi đi xuống trông rất đẹp, thực ra họp chợ cũng không phải đơn thuần chỉ là mua bán mà là một hình thức sinh hoạt văn hóa, người dân đi chợ tiêu hết đồng tiền cuối cùng của một tuần sau đó tuần sau lại kiếm tiếp, phong cách sống giống như người miền Nam ấy, sau khi mua sắm họ ăn thắng cố, mèn mén, uống rượu họ nhảy múa, hát hò, thổi khèn, đến say sỉn nằm la liệt ở chợ ấy, ngày xưa họ chủ yếu là đi ngựa nên ở dưới chợ có các cọc buộc ngựa nhưng giờ họ đi xe máy nên bỏ hết các cọc đó rồi” câu chuyện của anh ấy cuốn hút chúng tôi làm tôi phải thay đổi ý định chỉ ngồi ở quán khoảng 10 phút rồi đi luôn, thôi, mình ở lại nghe anh ấy kể chuyện rồi đi muộn một tí cũng được, lúc này anh lại kể tiếp câu chuyện: “người dân tộc khi say họ thường ngủ nên trên đường em thường thấy hình ảnh chồng say, vợ ngồi che ô cho chồng hàng giờ liền bên đường đợi đến khi chồng tỉnh mới về. Anh em đi xe ô tô phải chú ý khi trời sương mù, nhìn thấy hình đen đen như phân trâu thì phải tránh, đó là cái mũ nồi của người dân tộc, có nhiều trường hợp phọt cả óc lên cây rồi đấy. Nhiều khi người vợ còn cho chồng cầm đuôi ngựa cho ngựa kéo về” lúc này anh ấy cũng mô tả cứ như người say thật, 2 tay vờ cầm lấy đuôi ngựa, 2 chân bước như đang say để làm thêm phần sống động cho câu chuyện “còn vợ lững thững theo sau” anh kể tiếp và những câu chuyện về những dự định của anh về ngôi nhà cổ và về Đồng Văn đã cuốn hút chúng tôi gần 1 giờ đồng hồ, đã đến 12 giờ trưa, chúng tôi quyết định rời Đồng Văn cho kịp lịch trình mặc dù vẫn muốn ở lại thêm 1 giờ nữa, chúng tôi chào anh và hẹn gặp lại vào thời gian tới, ra đi thật lưu luyến, cảm ơn anh đã thổi hồn vào quán cafe của anh, vào Đồng Văn, vào Hà Giang. Anh đã giúp cho chuyến đi của chúng tôi nhiều ý nghĩa hơn.