What's new

Hà Giang - Gửi trái tim ở lại cao nguyên đá

Phần 1: Mở đầu

Mở đầu lan man chút nhé :)

Khi tôi đang đặt con trỏ màn hình vào trang Word trắng trơn, chả có chữ nào ngoài dòng tiêu đề “Hà Giang, gửi trái tim ở lại cao nguyên đá”, thì tôi tạm dừng dòng suy nghĩ bởi những tin nhắn từ Patrick, một anh người Pháp, vừa gửi trên Couchsurfing.

Patrick dự định sang Sài Gòn giữa tháng 1, tìm việc làm và trải nghiệm cuộc sống nơi đây. Nghe Patrick chia sẻ, tôi hiểu cảm giác lo lắng của anh ấy trong thời khắc chuyển giao, chia tay những điều rất thân quen đến mức cũ kĩ, đặt chân đến một nơi hoàn toàn xa lạ, có chăng chỉ biết qua sách báo và truyền thông. Đó hệt như cuộc chia tay đầy nước mắt của tôi với DAMCO, giã từ Sài Gòn, và thử trải nghiệm cuộc sống ở một vùng đất không hẳn mới, nhưng cũng chẳng phải quen.

“You never know what you can do till you try”, William Cobbett đã từng nói vậy.

Đừng tin lời ai khác. Cứ tự nhìn bằng đôi mắt, cảm nhận bằng trái tim của bạn. Rồi bạn sẽ tìm ra cách tốt nhất, phù hợp nhất để tận hưởng những điều xung quanh.

—-

Tôi nghĩ mình có duyên với vùng đất phía Bắc, không chỉ riêng Hà Nội. Tôi mê mẩn cái hùng vĩ của những ngọn núi sững sững đồi nối tiếp đồi khi xe vòng vòng qua đoạn gấp khúc hình khuỷa tay. Có lẽ vì vậy mà câu chữ của tôi, cả cách viết, cũng ít nhiều mang chút văn phong đất Bắc. Dù tôi sinh ra ở miền Trung và đang nói thứ tiếng như kiểu nửa Sài Gòn, nửa miền Tây, pha một chút miền Trung nắng gió.

Chẳng biết tình cờ hay hữu ý, mà những chiếc vé máy bay tôi đặt ra Hà Nội đều đến từ quyết định trong phút chốc. Tôi chưa bao giờ lên lịch, ngoại trừ chuyến Team Building Tây Bắc với nhóm Commercial ở DAMCO.

Không nhiều người tin, rằng hầu hết tôi đi một mình. Người yêu cũ của tôi cũng không tin điều đó, bởi người ta chưa từng làm điều tương tự. Thực tế thì, tôi đi một mình thật. (Quái gở, cần gì phải có dòng thanh minh ở đây nhỉ?).

—–

Hà Giang đã là ước mơ của tôi từ lâu lắm rồi. Từ hồi người ta chưa rần rần dùng khái niệm “phượt” một cách tràn lan đại hải như bây giờ cơ. Từ cái thời sinh viên, tôi tình cờ nhìn thấy hình một cô bạn cùng giảng đường vi vu với bạn trai bằng xe máy lên cao nguyên đá Đồng Văn. Tôi nghe được cái tên ngồ ngộ: Vèo Mạc, Đồng Văn từ dạo ấy.



Tôi đã nhắm mắt tưởng tượng cánh đồng hoa tam giác mạch trắng hồng mỏng manh phủ kín những triền đồi. Tôi thấy mình mặc chiếc váy xòe xếp ly rất điệu, e ấp nấp sau những luống cải đang mùa trổ bông. Mùa vàng ruộng bậc thang khoác lên Hoàng Su Phì làm say đắm biết bao tay săn ảnh. Vậy đấy, tôi chưa đến bao giờ, nhưng tôi biết vì sao mình muốn đến.

Và 26 tháng 10 năm nay, tôi đi Hà Giang thật, một mình….
 
Phần 2: Một mình trên chuyến xe đêm

26.10.2015,

Thành cố gắng giữ vững tay lái, luồn nhanh hơn bình thường một chút giữa những dòng xe. May thật, đường ra bến xe bây giờ có đoạn cao tốc, thông thoáng, trơn tru. Tranh thủ thố cháo ếch Singapore nóng hổi trước giờ lên đường mà suýt chút nữa trễ mất chuyến xe Hải Vân tám rưỡi tối. Thành là bạn tốt của tôi và Quế, ngày xưa đã có thời gian công tác ở Sài Gòn. Chưa bao giờ thấy bạn ấy phàn nàn mỗi lần tôi ra Hà Nội và thèm đi lang thang hít bụi ngửi khói.

Mỹ Đình tối nay thưa thớt khách, khác hẳn cách đây vài năm, khi tôi một mình ra bến bắt xe xuống vịnh Hạ Long.

Tôi đi thẳng ra sau khu bán vé, đến đúng biển số xe Hải Vân đã đặt trước qua tổng đài. Là xe giường nằm, nhưng lạ một chỗ toàn giường đôi. Được xếp nằm cạnh một chị gái nói giọng tỉnh nào đó phía Bắc, tôi chẳng phân biệt được. Nhớ năm kia lên Sapa một mình bằng xe Sao Việt, đã một phen giật nẩy mình khi bất chợt quay sang phải suýt đụng mặt một bạn nam vừa nói chuyện dưới đất khi nãy, nằm ngay kế bên (Thế quái nào mà xe trong Nam chỉ có giường đơn còn ngoài này toàn gặp giường đôi nhỉ? Thế quái nào mà nhà xe xếp chỗ lại không hỏi giới tính của hành khách chứ? À làm bộ vậy thôi, có khi mừng bỏ xừ trong bụng đi được :-D).

Xe đêm. Những chuyến xe đêm luôn mang đến nhiều xúc cảm. Bởi đêm là lúc con người ta thường sống thật với chính mình. Ngặt nỗi chiếc điện thoại cùi bắp đã báo phần trăm pin ở mức báo động, đành ngậm ngùi tắt nguồn để dành đến sáng hôm sau.

Đường lòng vòng lắc lư kiểu gì chẳng rõ. Bởi tôi đã kịp say mấy giấc nồng trước khi đôi bạn trẻ rủ rỉ rù rì giọng Đà Nẵng ở giường phía sau ôm nhau (có lẽ) chìm vào giấc ngủ.

Giọng anh nhân viên nhà xe khe khẽ “Đến bến xe Hà Giang rồi nhé”. Ngoài trời hãy còn tối lắm. Liếc mắt nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, mới có bốn giờ sáng. Hèn gì…Vài người lục đục ôm đồ đạc đi xuống. Nhiều người vẫn còn nằm yên, mơ màng nhắm mắt ngủ tiếp. “Không sao đâu, cứ ngủ lại trên xe bao lâu tùy thích, đến sáng rồi hẳn đi”, đâu đó giường bên kia cất tiếng vậy. Tôi thấy yên lòng, lại chợp mắt. (Chứ lúc đó đang sờ sợ hổng xuống xe rồi xíu nó quay đầu đưa ngược về Hà Nội thì có phải đời khôi hài lắm không).



6g sáng, mở mắt vươn mình sau một giấc ngủ ngon. Từ từ bước xuống, thong thả đảo mắt ngó quanh. Bến vắng tanh, chẳng còn một bóng khách. Vài chiếc xe đậu im lìm dưới không khí lạnh se se. Đây là Hà Giang, chẳng nóng như Hà Nội mấy hôm trước nhỉ.

—-

Phớn là cựu admin của Blogger Vì cộng đồng khu vực phía Bắc. Tôi biết Phớn qua lời giới thiệu của Ngốc Xít, cựu thành viên tích cực nhóm Blogger Vì cộng đồng trong Sài Gòn. Phớn giờ đã rời Hà thành phố thị, dành tâm huyết tuổi trẻ cho du lịch Hà Giang.

Chưa bao giờ tránh khỏi cảm giác nao nao, thêm chút lo lắng khi một mình đặt chân đến vùng đất nào đó lần đầu.

Giọng Phớn qua điện thoại nghe nhẹ và rất êm, tôi thấy yên tâm phần nào. Ý nghĩ có một ai đó sẽ ra đón mang lại cho tôi cảm giác thân quen ở những nơi xa lạ.

Phớn chở tôi quanh một vòng trung tâm thành phố Hà Giang. Dừng xe khi thấy nhóm bạn trông như khách du lịch đang chụp hình tự sướng, Phớn đến nói chuyện, xin cho tôi ghép ké đoàn lên Đồng Văn. Ngặt nỗi tất cả đều có ôm có xế, duy nhất dư ra có mỗi bạn nữ chạy xe một mình. Điều đó đồng nghĩa nếu tôi đi chung, tôi và bạn thay phiên nhau lái. Mười mấy năm, tôi chỉ chạy đường bằng, làm gì đủ can đảm bò hết những con dốc ngoằn ngèo hình chữ Z hơn cả trăm cây lên đến Đồng Văn.

Khó quá bỏ qua! Ghé quán làm đĩa phở chua cho bữa sáng rồi tính tiếp. Tệ thật, đói quá nên lưu cái tên quán ở đâu chẳng rõ, tôi chỉ nhớ món ấy được trộn từ 12 thứ gia vị. Phở nước, phở xào, phở áp chảo tôi đã thử qua. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nếm thử món phở chua, trong đĩa. Vị lạ miệng, hay hay. Mới nhìn hơi hơi giống đĩa gỏi.




Hôm nay là thứ hai, Phớn nhiều việc ở Hà Giang nên không cùng lên Đồng Văn được. Sau một hồi tính lui tính tới, Phớn nhờ em Trực đồng hành với tôi trong hành trình xe máy này.

Trực là cậu trai hiền lành, giọng nhỏ xíu, hay cười mỉm mỉm, kém tôi 7 – 8 tuổi. Bạn ấy là người Tày, thỉnh thoảng kể tôi nghe vài phong tục của người Tày trên đường đi.

Cao nguyên đá Đồng Văn cách thành phố Hà Giang 140 cây số.

Chỉnh lại khăn mũ, khẩu trang, áo khoác ấm, chúng tôi bắt đầu lên đường….
 
Last edited:
Phần 3: Không có con đường hạnh phúc, chỉ có hạnh phúc trên mỗi chặng đường đi…

Hà Giang đang mùa chớm đông. Trực cứ liên tục hỏi, sợ tôi không chịu được gió lạnh khi chạy xe. Đã nói rồi mà, tôi chưa bao giờ từ bỏ sở thích để cái lạnh ngấm vào da thịt, cho đến lúc hai hàm răng va vào nhau lập cập, miệng và lưỡi tê lại chẳng nói tròn câu. Là tôi đang tả kiểu cái lạnh Sa Pa nhé. Chứ ngay lúc này, mặt trời bắt đầu vươn vai, nhìn xuống mỉm cười, nụ cười tỏa nắng.



Phải chồm người qua phải, ké sát tai tôi mới nghe rõ Trực đang nói gì. À, là Hà Giang có 1 thành phố trực thuộc tỉnh, 10 huyện và 22 dân tộc đang sinh sống. Với những ai đam mê du lịch bụi, hẳn chẳng có gì xa lạ với cái tên Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Hoàng Su Phì. Ngoài ra còn thêm năm huyện khác nữa.

—–

Trực dừng xe ở Cổng Trời. Tôi hí ha hí hửng, tưởng phen này tìm được đường lên trời chăng. Thật ra nó chỉ là một địa danh đặt tên bởi người Mèo (dân tộc Mông). Đứng ngay Cổng Trời, phóng tầm mắt ra xa giữa núi non hùng vĩ, tự nhiên tôi bắt đầu hứng thú với cái thế chụp ảnh từ đằng sau. Trông vừa có vẻ tự do, vừa cô độc, và sẵn sàng chào đón một người bạn đồng hành.


Cổng Trời

Chừng hơn một tiếng, chúng tôi đi qua con đèo bạt ngàn thông xanh, cứ ngỡ đang đi giữa Đà Lạt. Dừng uống nước, leo lên đồi ngồi nghiêng mình bắt tréo chân, nghe gió hát, mát mẻ sảng khoái lạ thường.


Rừng thông trên đường đi

12g trưa, chúng tôi ghé Yên Minh ăn cơm. Không gian quán không lấy gì làm ấn tượng, bù lại, tôi cực kì thích đĩa gà luộc chặt miếng to và canh đỗ tương nấu bằng nước hầm xương gà. Nếu bạn có dịp lên Hà Giang, tôi gợi ý bạn đừng bỏ qua món gà. Gà người ta nuôi thả tự nhiên thật, lại toàn địa hình đồi núi nên thịt gà dẻo dai, nhai sướng răng quá chừng. Đỗ tương (hạt đậu nành) người ta để nẩy mầm, nhìn hơi giống giá đỗ. Sài Gòn ẩm thực đa dạng là vậy, mà tôi chưa từng được ăn bao giờ (hay do tôi kém quá, chưa len lỏi đủ nhiều mấy ngõ ngách Sài Gòn). Canh đỗ tương ăn bùi bùi thơm thơm, vị nước dùng từ gà ngọt thanh khiến người ăn thấy nhẹ bẫng.



Chỉ nghỉ ngơi sau ăn khoảng 15 phút, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.

Tôi nhớ như in cái cảm giác một giây choáng ngợp khi bỗng nhiên ngước mặt lên cao, nhận ra con đường mình đang đi thật bé nhỏ, hệt như đường vẽ bút chì, lọt thỏm giữa bốn bề núi đá lẫn cây xanh. Núi cao quá, che phủ hết ánh mặt trời. Tôi ngỡ mình đang diễn vai chính trong bộ phim kiếm hiệp nào đó của Hồng Kông.



—-

Nhà của Pao nằm ở một ngôi làng nhỏ, bên trái một mảnh đất trồng đầy hoa hồng (chưa thấy trổ bông). Đó là một buổi đầu giờ chiều vắng lặng, may mắn không thấy tiếng khách du lịch râm ran. Nắng liêu xiêu kèm vài cơn gió lạnh, làm tôi nhớ quá những buổi chiều gần ba mươi tết thời tiểu học.


Đường vào nhà của Pao

Ngồi xuống chiếc ghế nhỏ trò chuyện với cô bé vừa bế con vừa chiên thứ gì đó giống chả cá xay để nguyên da. Em vừa tròn đôi mươi, khuôn mặt non choẹt chẳng thấy vướng chuyện đời (nét mặt phổ biến ở vùng cao). Thứ em đang chiên là bánh làm từ hạt hoa tam giác mạch (Hạt có hình khối tam giác bé xíu như hạt hướng dương nên cái tên cây hoa tam giác mạch là từ đó mà ra). Nghe tên đã thấy thèm thèm nơi đầu lưỡi, bởi chẳng phải miền xuôi đang sốt xình xịch phong trào lên chụp hình hoa tam giác mạch đó sao. Thật ra thì, có ăn thử mới mấy nó chả có vị gì cả ngoài cảm giác khô khô nơi cuống họng. Người ta làm để ăn cho no được lâu, đâu phải thứ gì béo bổ. Mua một cái năm ngàn ăn thử, thấy nghèn nghẹn khi nghĩ về câu nói “Ăn để no”.


Hạt tam giác mạch


Bánh làm từ hạt tam giác mạch


Xin lỗi em chỉ là cô gái bán bánh tam giác mạch :)

Tôi sẽ không nói nhiều về nhà của Pao. Nó có tên như vậy vì là nơi người ta đã đóng bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”. Đây là nhà của ông tướng lĩnh trong đội quân bảo vệ vua Mèo. Vẫn còn con cháu mấy đời nhà ông đang sinh sống trong đó. Kiểu nhà sàn gỗ, vách gỗ thế này không mấy xa lạ trong kí ức tuổi thơ tôi.

———–

Sau nhà của Pao, tiếp tục đến nhà Vương (vua Mèo), dĩ nhiên to và hoành tráng hơn, lại chia ra nhiều phòng cho các bà vợ. Có cả phòng trữ thuốc phiện. Ở đây tôi ấn tượng nhất cái chuồng ngựa, trông rất chi thơ mộng giữa rừng thông gió hát.

Chúng tôi phải rất tranh thủ để kịp đến cột cờ Lũng Cú trước khi trời tối.

——–

Mải huyên thuyên lúc nãy, tôi quên mất một chi tiết nên kể để ai đó có ý định chạy xe máy thì rút kinh nghiệm. Đường lên Đồng Văn toàn khúc cua khúc khủy. Có tả thế nào bạn cũng không thể hình dung ra được, cho đến khi bạn thử và tự mình hiểu. Qua tranh ảnh, nhìn nó quyến rũ, đẹp vô cùng. Thực tế cũng đẹp y chang vậy, nhưng nó đẹp một cách đầy thách thức những tay còn non lái. Đạp số, rồ ra, siết-nhả thắng, tất cả phải được thực hiện một cách nhịp nhàng, từ tốn khoan thai. Leo đèo không việc gì phải vội. Nhiều lắm lắm những đoạn đá dăm nhỏ, vừa ôm cua lại ì lên dốc đứng. Gặp xe lớn đổ đèo là giật mình lạc tay lái như chơi. Lúc này chắc Hà Giang đang sửa sang lại đường để đón khách dịp lễ hội, nên đá sỏi rơi từ xe ben xuống đầy đường.

Trực chầm chậm ôm cua, vừa cua vừa nghiêng khoảng 30 độ. Tôi bâng quơ thả hồn theo phong cảnh. Oành… Còn chưa kịp hiểu ra câu chuyện thì tôi đã biết mình vừa lộn một vòng qua đầu bạn xế, va mặt xuống đường. Lúc này áo khoác khẩu trang che khá kín. Quần áo lấm lem bụi đường. Tôi quay ngoắc đầu lại nhìn bạn xế, thấy đang bị xe đè lên chân. Vội vàng chạy lại đỡ xe cho em ấy, rối rít cứ sợ em ấy bị làm sao. May quá, xế không sao thật. Có vị gì đó tanh tanh nơi khóe miệng, lấy kiếng ra soi. Kiểm tra đi kiểm tra lại, răng cỏ còn nguyên chỉ rớm máu, tróc mảng môi trong, gò má trái sưng sưng. Mặt em ấy hơi hoảng, em ấy lo tôi có hề hấn gì. Còn tôi thì từ lúc ấy trở đi cứ thấy đoạn cua là không dám hó hé, cứ sợ ngã vô duyên vô cớ, chẳng may gặp xe ngược chiều thì làm gì còn cơ hội ngồi đây mà viết mà kể chuyện này.

(Ngồi viết nốt những dòng này khi ý thức đang dần chìm vào cơn mê ngủ. Ráng bật dậy, mở nhạc thật to. Âm nhạc luôn là chất xúc tác làm dâng trào cảm xúc, mỗi khi muốn viết linh tinh. Nhất là khi bài hát đó, giai điệu đó có gắn với một hình ảnh hay kỉ niệm nào đó về điều sắp viết. Nhưng lúc này đây, âm nhạc không có tác dụng “khơi gợi”, mà đang làm nhiệm vụ “đánh thức”. Nếu không lại ngủ như heo mất, lại mắc nợ chính bản thân và mắc nợ Hà Giang bởi câu chuyện dang dở. Có vừa ngủ vừa viết sai chính tả cũng xin đừng quở trách. Ai khiến mà khổ rứa trời! Haha)

——-

Nơi cao nguyên bóng xế chiều đổ sập chỉ trong thoáng nháy mắt. Đứng giang tay trên cột cờ Lũng Cú, gió lạnh từng cơn tranh thủ len vào khe áo khoác, thấy nao nao từ trên cao nhìn xuống. Ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng năm mươi bốn mét vuông kiêu hãnh tung bay, tự hào quá đỗi.

 
Last edited:
(tt)

Trăng đêm soi đường bầu bạn, một xế, một ôm, chẳng có cảm giác độc hành.

Chúng tôi đến thị trấn Đồng Văn đâu đó 7g tối. Rẽ vào ngôi nhà cổ homestay cất vội ba lô và đồ đạc, loanh quanh tìm quán cơm. Trên này thích nhất món gà và thịt dê. Người ta nuôi thả đồi nên thịt ngon khỏi phải nói.

Thị trấn này có một con đường mang tên “Phố cổ”, giữ lại hầu hết những ngôi nhà vách gỗ, vách đá của người Mông. Ngôi nhà tôi ở có lẽ “thơ” nhất khu này, nằm chênh vênh trên một khoảng đất cao rất cao so với mặt đường. Chú chủ nhà làm dịch vụ homestay, nhiều giường kê sát vào nhau bên dưới. Trên gác gỗ xếp ngăn nắp nhiều tấm nệm mỏng cạnh nhau. Giá mỗi đêm hai trăm ngàn một người. Chỗ này chỉ thích hợp với những ai thích dịch vụ homestay, ở với người địa phương chứ không có phòng riêng.

Buổi tối trên cao nguyên lạnh lắm, nằm cuộn chăn co ro, chẳng buồn thò chân ra đường. Phần vì cả ngày ngồi sau xe máy. Tối đó ngủ mê man, toàn thân mỏi nhừ, hai bắp chân có lúc như bị chuột rút, không dám nhúc nhích.

Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm, như thói quen ở Sài Gòn vốn thế. Nhón từng bước khe khẽ, cố gắng hết mức để tiếng mở cửa bớt sột soạt. Đứng trên hiên nhà cao, vươn vai, hít một hơi thật sâu, thật dài mùi sương, mùi cao nguyên đá. Bỏ lại sau lưng cái nắng, cái bụi đường ngày qua, tôi nhắm mắt, ngước lên trời cao, mỉm cười một nụ cười mãn nguyện.


Sớm tinh mơ ở Phố Cổ trên Cao nguyên đá


Homestay Phố Cổ

Một mình rảo bộ ra quán café Nhà cổ phía trước con phố. Hai bạn trẻ đang đứng trên gác cao, hôn nhau nồng nàn trước ống kính chỉnh tự động. Sáng sớm nay tinh khôi quá….


Cafe Phố Cổ

Hơn 8g chúng tôi khởi hành về lại thành phố Hà Giang.

Cung đường từ Đồng Văn về thị xã Mèo Vạc thật biết cách làm say lòng lữ khách. Chỉ có chạy xe máy, mới tận hưởng đủ đầy nhất tất tật những cung bậc cảm xúc. Chẳng thế mà người ta gọi Mã Pì Lèng là một trong Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam còn gì.


Một trong "Tứ đại đỉnh đèo"

Tôi dang hai tay đón lấy từng cơn gió. Muốn ngửa mặt lên trời và hét thật to. Núi tiếp núi, đá chồng lên đá, kì vĩ và muôn trùng quá. Tôi cứ ngỡ mình đang lạc trong vào giấc mơ, mãi không muốn tỉnh dậy. Choáng ngợp đến mức nổi cả da gà. Không thể, không thể tin được. Đất nước mình đẹp quá, thiên nhiên mình diệu kì quá!


Say cảnh, say tình, say cao nguyên đá :)

Tôi bảo Trực dừng xe, vứt hết khẩu trang, bao tay, áo khoác. Ngồi khoanh chân trên bệ lan can vệ đường, ngửa cổ nhìn những ngọn núi đá sừng sững, che bóng mát cả một chặng đèo quanh co. Tôi cứ ngồi như thế, thật lâu. Rồi muốn hét lên thật to “Mã Pì Lèng kia! Ngươi đánh cắp trái tim của ta mất rồi”.


Mã Pì Lèng - kẻ đánh cắp trái tim

—–

Trực ghé làng dệt vải lanh của đồng bào Mông. Là lần tôi được họ hướng dẫn cách dệt vải hoàn toàn thủ công từ vỏ cây lanh. Trải qua 41 công đoạn, nào tước vỏ, nào giã, nào nối, nào phơi, nào quấn, nào cuốn, nào nấu tro, nào đạp, nào chà, nào dệt, nhiều quá tôi không nhớ nổi. Có điều thú vị là, họ hoàn toàn không dùng bất kì hóa chất nào trong 41 công đoạn đó cả. Bởi hóa chất sẽ làm đứt sợi lanh. Cả màu sắc để nhuộm vải cũng được nấu từ cây rừng. Người Mông họ hay quá, họ đi vào sâu trong rừng để tìm nhiều loại thân cây đủ màu sắc, vàng, cam, xanh,…Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam làm nên những chiếc túi vải lanh hoàn toàn thủ công để bán. Người Mông ở những khu vực khác chỉ dệt vải để may quần áo truyền thống cho họ, chứ không bán. Tôi vốn mê tất tật những thứ đồ làm thủ công, nhiều màu sắc, đã tranh thủ quất luôn ba chiếc túi, bạn bè ai nhìn thấy cũng khen. Hehe.


Chị Mai hướng dẫn cách dệt vải lanh hoàn toàn bằng tay, trải qua 41 công đoạn

—–

Tôi thường cứ gặp hết niềm vui này đến cái may mắn khác trong hầu hết những chuyến tôi đi một mình. Một mình, tôi quen được biết bao con người mới. Một mình, tôi cứ thong dong, tha hồ quan sát. Một mình, tôi được chiều chuộng như một đứa con ở xa mới về.

Tế là hướng dẫn viên làm trong công ty du lịch của Phớn. Tối hôm ấy nhà Tế có tiệc rượu, mời tất cả các bạn trong công ty Phớn. Lúc tôi và Trực còn đang trên đường thì Phớn đã nhắn bảo chúng tôi về, có vịt đang đợi, nấu nướng đã có nhóm ở nhà lo, chúng tôi chỉ việc ăn, không cần làm gì cả. Số hưởng thế không biết!

Trực chui xe vào dựng ngay dưới gầm gỗ. Trời ơi, ra là tối nay được ăn ở căn nhà sàn này. Gia đình Tế là người Dao, vẫn giữ thói quen từ ngàn xưa sống trong những căn nhà sàn gỗ. Tuyệt quá, tôi chẳng thể nói nên lời. Ba mẹ Tế hiền lắm. Họ nói với người Kinh bằng tiếng Kinh, nhưng nói với nhau bằng tiếng Dao. Tôi thấy mình dốt tệ, chẳng đủ khả năng hiểu họ nói gì, giống như cái thời chưa được đi học tiếng Anh mà nghe người ta hé lô, hé la á.

Cả nhà Tế làm một nồi lẩu vịt thiệt to. Rau xanh chứa đầy ba bốn rổ. Anh ABC đến còn mang theo cả một xiên thịt lợn gác bếp (theo cách gọi của tôi thì nó là “thịt hun khói”, ngon gấp mấy lần thịt hun khói sếp cũ vẫn hay mua về từ Singapore). Ở gian chính giữa nhà sàn, mọi người ngồi quây quần cạnh nhau bên nồi lẩu nghi ngút khói. Tiếng chào hỏi, tiếng những cốc rượu cụng nhau tanh tách, rồi cả những cái bắt tay mỗi khi chào xong, giới thiệu tên xong và uống xong, tất cả làm tôi thấy hứng thú vô cùng. Để đáp lại lòng hiếu khách, tôi cũng thử từng ngụm rượu ngô (dù chưa bao giờ uống rượu). Một lúc sau, cảm giác lâng lâng, đầu xoay xoay, bước đi bay bay cứ như trên mây. Là tôi say thật, say rượu ngô, say tình người, say lòng hiếu khách, hệt như lúc chiều say cao nguyên.


Tế và gia đình đang chuẩn bị bữa tối để thết đãi khách

Đêm nay tôi sẽ ngủ homestay nhà vợ chồng bác của Tế. Tế và một em nữa chở tôi sang. Vẫn còn nhớ như in lúc chào tạm biệt ba mẹ Tế, ngoái đầu nhìn lại, trăng tròn vành vạnh chiếu sáng cả căn nhà sàn, nhìn ra xa phía sau những thửa ruộng bậc thang, trước nhà là ao cá. Lúc đó tôi chỉ muốn đứng nhìn mãi, nhìn mãi, để thu hết hình ảnh này, cảm xúc này, lòng hiếu khách này vào bộ nhớ, vào mảng tường kí ức rồi dán lên trên chiếc nhãn “Nhớ quá Giang”.

—–

Hạnh phúc không ở đích đến mà nằm ở mỗi chặng đường đi. Những con người tôi gặp, những xúc cảm tôi có trong mỗi chuyến đi là món quà tuyệt vời nhất mà cuộc sống hào phóng ban tặng. Để sau này, sẽ tự hào kể lại cho con cháu rằng “Nơi này, ngày ấy, bà đã từng đặt chân qua…”


Nơi này, ngày ấy, bà đã từng đặt chân qua...


--Hết--
 
Last edited:
Có nhiều ảnh lắm. Quên mất cách up rồi. Hình như phải up đâu đó rồi lấy link qua nhỉ?

Bạn tạo 1 tk bên trang up ảnh Flickr. rồi up ảnh lên trang Flickr đó. sau đó copy link của từng ảnh trên trang Flickr đó dán vào ô up ảnh bên trang Phuot.vn
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,728
Bài viết
1,155,215
Members
190,161
Latest member
Tranggg1102
Back
Top