What's new

[Chia sẻ] Hà Giang ký sự

Đi để mà cảm nhận!

Đi để được gần gũi với bản sắc văn hoá của những dân tộc anh em!

Đi để hiểu và biết nhiều hơn về đất nước mình!

Đi chỉ vì muốn được đi!

Và chúng tôi, ViThanh cùng với NDMT (1 người bạn thân trong nhóm chơi ảnh) đã có một chuyến đi như thế. Chúng tôi đã hòa lẫn vào cảnh sắc vùng biên giới Hà Giang, nơi có núi non trùng điệp, có những làn mây trắng phủ bóng rừng già, nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh hoạ đồ,... Mỗi sớm tinh sương hay khi bóng chiều xế núi, ánh nắng xuyên qua làn mây chiếu rọi tạo nên những bức tranh khổng lồ trong tầm mắt lữ khách, cảnh đẹp mà tớ đành bất lực trước ống kính của mình, không thể diễn tả bằng trình độ còm cõi của tay máy nghiệp dư như tớ.


I. Hành trình trong đêm

Ngày 19/9/2008

Những dự định ấp ủ lâu nay đã được chốt lại vào thứ 6 - một ngày nắng đẹp. Theo đó, ngay từ tối hôm trước tôi đã sẵn sàng hành lý cho 1 chuyến đi xa. Máy ảnh được kiểm tra tình trạng hoạt động, pin nạp đầy, thẻ nhớ đã format, ống kính được lau lại một cách tỷ mỉ, cẩn thận và sạch sẽ,... Nhét mấy bộ quần áo vô ba lô, bản đồ gấp gọn cất vào nơi dễ lấy nhất, 1 ít đồ dùng cá nhân gọn nhẹ, nước lọc được mua bổ sung trên đường đi,... Tôi và NDMT chia tay Hà Nội bằng bữa tối nhẹ nhàng với 1 cốc bia tươi mát lạnh. Trời đã chạng vạng tối, đồng hồ chỉ 6h15'pm, chúng tôi ngược hướng Việt Trì thẳng tiến, rồi theo đường 2C ngược lên Tuyên Quang. Trăng thượng tuần ló dần ra khỏi đỉnh núi, hơi sương của núi rừng lành lạnh thấm vào da thịt. Khoảng 9h40'pm chúng tôi có mặt trên cầu Nông Tiến bắc qua sông Lô, hoàn thành quãng đường 170 km đầu tiên. Sau mấy phút nghỉ ngơi, kiểm tra lại xe cộ và mấy thứ đồ mang theo, chúng tôi đi lên hướng Bắc Quang. Sau khi vượt qua thị xa Tuyên Quang, thấy đường còn dài, trời lại tối đen như mực, bản đồ mang theo không có đủ thông tin chỉ dẫn nên 2 tên quyết định tìm 1 nhà nghỉ trú tạm qua đêm, định sáng sớm mai dậy thật sớm để tiếp tục bước chân lên đỉnh Hoàng Su Phì.

Sáng 20/9/2008

Tôi thức dậy vào lúc 4h00'am sau 1 đêm chợp chờn trong giấc ngủ bởi thứ mùi khó chịu và tiếng chó béc-giê sủa ủng oảng của nhà nghỉ ven đường có cái biển Xanh - Sạch - Đẹp to đùng đoàng. Nhìn sang bên, NDMT cũng đã thức giấc, chắc là hắn ta cũng chả thoải mái gì cho lắm trong căn phòng này.

Trời đang còn tối mờ mờ, chúng tôi lại lên đường, kim đồng hồ báo xăng gần chạm vạch đỏ, theo kinh nghiệm của tớ thì có thể chạy được 20km nữa nhưng với đường đồi núi thì tớ không biết trước được lúc nào thì chiếc xe sẽ ì ra. Vừa chạy đều đều vừa nhìn 2 bên đường tìm điểm đổ xăng nhưng tịnh không có bóng người, tất cả im ắng cùng với núi rừng. Sau khi chạy tầm gần 20 km chúng tôi quyết định dừng xe lại chờ trời sáng, nếu đi tiếp chúng tôi có thể phải vật lộn với cái xe cạn kịêt bình xăng giữa chốn hoang vu. Đồng hồ lúc đó chỉ 5h15'am.

"Thánh nhân đã kẻ khù khờ" - vừa lúc có quán hàng bên đường mở sớm, 2 tên ghé vô ăn sáng và giết thời gian, nhân tiện hỏi chổ đổ xăng. Đó cũng là lúc 2 tên chụp những bức ảnh đầu tiên của chuyến đi.

Bụng no căng, xăng tràn đầy, ngã ba Việt Quang thẳng tiến. Bản đồ trong tay, rẽ hướng Cổng trời theo đường bộ nối Bắc Quang - Hoàng Su Phì. Sương sớm mờ ảo, núi rừng trong sương hiện ra với màu xanh tươi mát, dòng suối trong lành uốn lượn dưới chân đèo. Trầm trồ thán phục thiên nhiên hùng vĩ và đẹp mê hồn, những bức ảnh tiếp theo đã được ghi lại.

(Còn tiếp)
 
Last edited:
II. Vượt qua Bắc Quang, mở màn khai phá cung đường đầu tiên

Nơi chúng tôi dừng xe ăn sáng, nhân tiện hỏi dò điểm đỗ xăng tại Tân Quang. Theo anh chàng chủ quán chỉ dẫn thì chỉ cần đi 1 đoạn khoảng 3 km nữa là đến Tân Yên, chổ đó nhiều trạm xăng lắm. Vậy nên chúng tôi quyết định đến Tân Yên mới bơm đầy ắp bình nhiên liệu mà thực sự không biết trạm xăng tiếp theo sẽ nằm ở khoảng nào.



Đường đi lên Bắc Quang khá đẹp, xe cộ thưa thớt nên vận tốc xe được giữ khá ổn định, không phải đạp phanh gấp lần nào. Sương sớm làm cho chúng tôi có cảm giác hơi lạnh – cái lạnh của miền núi. Mặt trời bắt đầu tỏa 1 vầng hào quang qua đỉnh núi phía đông – bên tay phải; sương mờ giăng giăng theo từng quãng đường. Với tiếng động cơ đều đều, cảnh vật loang loáng - lúc này tôi bắt đầu có cảm giác buồn ngủ. Kéo kính chắn gió lên để cho hơi lạnh phả vào mặt nhằm chống chọi với sự đoàn tụ của hai mí mắt nhưng tôi vẫn có cảm giác lâng lâng. Chợt giật mình - hình như tôi vừa lái xe vừa ngủ. Vội vàng tấp xe vào lề để trao tay lái lại cho NDMT. Chỉ chưa đầy 1 phút sau tôi đã ngủ ngon lành sau lưng người bạn đường. Lúc đó tầm 6h30’ sáng.

Hgiang15.jpg

Lên đến Việt Quang, chúng tôi đã hoàn thành quãng đường 93 km tiếp theo. Rẽ phải theo đường 279, vượt qua Tân Cương, hướng đến Vĩnh Ngọc rồi rẽ trái vào đường đi Chu Mạ theo sự chỉ dẫn của tấm bản đồ đen trắng mang theo. Hai thằng bảo nhau, may mà đi buổi sáng, nếu đêm qua bảo thủ mà chạy xe lên đây chắc chắn sẽ lạc đường vì biển báo trên này không rõ ràng, đường lại vắng vẻ…

Hgiang8.jpg

Cổng trời chào đón chúng tôi bởi những làn sương mỏng (mây trời) quất ngang mặt. Từng ruộng bậc thang xanh mơn mởn hiện ra dưới tầm mắt. Một chút thất vọng vì 2 thằng rủ nhau lên đây chụp cảnh Hoàng Su Phì mùa chín rộ, vậy mà từng thảm ruộng vẫn xanh non thế kia. Nhưng rồi phong cảnh tại đèo Cổng trời đã cuốn hút chúng tôi vào cơn say bắn phá. Cứ chạy một đoạn ngắn chúng tôi lại dừng xe để bóp cò súng. Nhiều khi mây mù che khuất mặt trời làm cho cả thung lũng tối sầm, chúng tôi đành đứng chờ cho mặt trời ló dạng để tác nghiệp. Nhưng chụp phong cảnh trong điều kiện ánh sáng không đồng đều, sương mờ giăng giăng trước mặt chẳng dễ dàng cho 1 tay máy í ẹ như tôi chút nào.

Hgiang13.jpg

Có nhiều lúc tôi phải xoay hết góc này đến góc kia để lấy 1 khoảnh ruộng nào đó có ánh nắng chiếu vào hoặc sương mù không bao phủ. Gió núi nhiều khi cũng ủng hộ chúng tôi bằng cách thổi bạt đi những đám mây khó chịu đó. Theo chân người đi lấy sắn trên nương, tôi bắt đầu dò dẫm theo đường mòn xuống từng đám ruộng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi lội ruộng bậc thang, được “nhìn tận mắt, bắt tận tay” từng bông lúa bụ bẫm trĩu nặng. Có một vài khoanh ruộng đã chín vàng. Sau khi chụp bằng ống KIT 18-55 mm để lấy góc rộng, tôi chuyển qua Fix 50-1.8 rồi thử bắn tầm xa bằng M42-fix135 mm. Mãi mê chạy theo từng ruộng lúa, đến khi nhìn lên thì tôi đã đi quá xa con đường chính. Lại quay đầu dòn dẫm tìm về chổ để xe ven đường. Lâu lắm rồi tôi mới leo dốc cao và dài như thế này. Mồ hôi chảy ròng trên lưng áo...

Hgiang19.jpg

Càng đi sâu vào Hoàng Su Phì lúa chín rộ càng nhiều, sự cảm hứng càng dâng cao. Nắng bắt đầu gay gắt, bụng bắt đầu đói, xăng trong bình bắt đầu cạn. Anh nắng gay gắt nên không thể chụp được ảnh đẹp – đó là 1 kinh nghiệm mà dân chơi ảnh ai cũng biết. Tôi cũng lo lắng cho cái xe của mình, đường đồi núi không biết sẽ đổ xăng ở đâu? Trạm xăng cách bao xa? Đoạn đường tiếp theo sẽ là lên dốc hay xuống dốc? Có “lết” được đến Hoàng Su Phì hay không? Tôi bắt đầu lái xe theo cách nguy hiểm nhất mà dân chạy xe đường đèo ít ai dám làm, đó là cắt côn để cho xe tự trôi nhằm tiết kiệm xăng và hạn chế tối đa phanh gấp. Vừa lái vừa lo xe vượt khỏi tầm kiểm soát, vừa quan sát từng cột mốc cây số bên đường, vừa bấm còi nhằm đề phòng xe ngược chiều khuất sau vách núi vào cua… Chúng tôi vẫn không quên dừng xe khi gặp cảnh đẹp bên đường.

(Còn nữa)
 
III. Ghé qua bản Péo, khám phá Pố Lồ

Cuối cùng thì 2 kẻ lượt phượt cũng tìm được điểm đỗ xăng với giá 19k/lít, so với công sức của người ta mang xăng từ dưới xuôi lên được chốn núi non đèo dốc này thì cũng còn rẻ chán. Xăng lại đầy bình, tinh thần như được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua bản Luốc, bọn tôi quyết định rẽ vào bản Péo. Thực ra thì 2 tên mới chạy ngoài đường và dành thời gian chụp ảnh phong cảnh chứ chưa có điều kiện tiếp xúc với dân bản. Nay ghé qua bản Péo cũng vì muốn thoả trí tò mò muốn tìm hiểu về một góc văn hóa khác lạ của đồng bào nơi đây.

Hgiang27.jpg

Vào bản Péo nhưng chỉ là đi để quan sát là chính. Vì với tập quan sinh sống của dân bản vùng này, nhà thì ở trên ngọn đồi, nhà lại nằm chênh vênh trên vách núi nên rất khó tiếp cận. Đường đi cực kỳ khó khăn, đá lổn nhổn và thỉnh thoảng phải băng con khe nước nhỏ hoặc can đảm lái xe đi chênh vênh bên mép đường vừa sạt lở.

Hgiang43.jpg

Từ đường chính tôi đi sâu vào bản Péo khoảng 6 km cho đến khi đường không còn là đường nữa, nghĩa là cực kỳ khó khăn cho chiếc xe máy đi thêm nữa thì 2 tên quay lại, tự nhủ rằng mình đã vào bản.

Hgiang38.jpg

Khoảng 12h trưa ngày 20.9.2008, bọn tôi rời bản Péo với cái bụng đói meo. Ra đến đường lớn để hướng đến Hoàng Su Phì, biển báo còn hơn 21 km nữa là đến nơi. Nắng càng gay gắt, da cháy bỏng rát nhưng khi gặp cảnh đẹp cũng không khỏi cầm lòng mà bỏ qua. Bức ảnh tôi chụp ngôi nhà bên suối được ghi lại trong hoàn cảnh như thế. Ngôi nhà rất thơ mộng bên ruộng lúa chín vàng nắm ngay bên bờ suối. Đẹp thật đấy nhưng rồi lại tự nhủ, không biết khi nước lũ đổ về thì ngôi nhà đó làm sao trụ vững nhỉ. Nhưng rồi tặc lưỡi, họ vẫn sống an bình đấy thôi!

Hgiang6.jpg

Càng gần đến Hoàng Su Phì đường càng khó đi, bùn đất khá nhiều, khi gặp nắng lên gây nên bụi mù mịt khi những chiếc xe tải nào đó chạy qua. Trên này chủ yếu là xe IFA 50, dòng xe của Đức mà tôi được biết rằng máy rất khoẻ. Có lẽ chỉ những chiếc xe này mới cày kéo được nơi núi rừng Hà Giang.

Hgiang36.jpg

Và rồi chúng tôi cũng đã đặt chân đến huyện lị Hoàng Su Phì, đồng hồ chỉ 1h30’pm, kilometer báo rằng chúng tôi đã đi được quãng đường 320 km tính từ Hà Nội. Sau khi đảo qua 1 vòng ở thị trấn nhỏ bé miền cao, chúng tôi ghé vào quán cơm bình dân bên đường để nạp năng lượng và tự thưởng cho mình chai bia Hà Nội mát lạnh. Vừa ăn 2 chúng tôi vừa bàn nhau sẽ tìm chổ nào đó nghỉ, nếu vào nhà nghỉ từ bây giờ sẽ chán lắm, cần tìm chổ chơi cái đã, ít nhất là khám phá thêm vùng lân cận cho đỡ phí công sức lên đến chốn này. Nhưng phải tính kế đường dài nên 2 tên quyết định lên núi tìm chổ yên vắng nằm ngủ.

Hgiang21-1.jpg

Theo biển báo, bọn tôi đi ngược lên Pố Lồ theo con đường đất đỏ đang xây dựng với bụi đường mù mịt bị cuốn lên bởi những chiếc xe IFA đang ầm ì leo dốc. Đi lên Pố Lồ toàn đường ngược dốc nhưng xăng còn khá nhiều nên cũng không lo lắng cho lắm. Đi được khoảng 2 km, phát hiện có ngôi nhà bên đường, nằm chênh vênh bên mỏm đất vươn ra chổ ngã 3 góc núi - cũng không biết là đã bỏ hoang hay là đang có người ở, chúng tôi ghé vào. Từ đây có thể đi lên Pố Lồ với quãng đường 4 km nữa hoặc rẽ sang Đản Ván với quảng đường 8,5 km đang đựoc duy tu, bảo dưỡng – theo biển chỉ đường được biết thế. Quan sát bên trong thì có vẻ đây là lán trại của công nhân làm đường, cửa khoá bên ngoài. Thôi thì nằm tạm hiên nhà ngủ giấc lấy sức cái đã!

Giật mình tỉnh giấc vì khúc gỗ mình dựa vào để ngủ bị đổ, tôi chống chọi với cơn buồn ngủ bằng cách đứng dậy đi lòng vòng để quan sát địa hình. Qua bản đồ được biết chổ này đã sát biên giới Việt – Trung, nếu tiếp tục đi ngược theo đường Pố Lồ sẽ lên Ngãi Chó – cái địa danh lạ lạ quen quen mà mình đã đọc được ở đâu đó. Nhìn đồng hồ đã gần 3h chiều, phải thức NDMT dậy để tiếp tục chuyến hành trình. Từ đây chúng tôi vượt qua bảng chỉ giới để đi vào vành đai biên giới.

Hgiang5.jpg

Dọc đường lên Pố Lồ có chổ đã đổ xong bê tông, có chổ đang làm dở dang, có chổ bị núi vùi lấp nhưng nói chung dễ đi hơn đoạn đầu. Bỏ xe máy bên đường, chúng tôi bắt đầu lội ruộng để "săn bắt con nghệ thuật".

Hgiang9.jpg

Đặc biệt nhất là lúa trong này chín vàng óng ả, nắng chiều chiếu rọi màu hổ phách, đẹp lung linh. Nhiều thửa ruộng dân bản đang thu hoạch. Chúng tôi lại vừa đi vừa chụp vừa trầm trồ cho cảnh sắc nơi đây. Cảnh đẹp đưa đường dẫn lối, số lượng ảnh chụp nhiều hơn sáng nay.

Hgiang45.jpg

Chụp chán chê, mặt trời đã dần khuất sau đỉnh núi, nhà ai đó đã có khói lam chiều bốc lên. Chúng tôi quay lại vì sợ vùng núi rừng trời tối sập rất nhanh. Nhưng rồi có đám gặt bên đường làm chúng tôi khó lòng ra về, tôi và NDMT cùng leo qua các thửa ruộng bậc thang trên cao để lên gặt lúa cùng bà con.

Đây cũng là giai đoạn có nhiều kỷ niệm nhất, có nhiều tình cảm với dân bản nhất và cũng có chút rắc rối đầu tiên với công an xã biên giới.

(Còn nữa)
 
bác làm tui nhớ đến chuyến đi của tui (cung đường cũng y như bác) hồi còn sinh viên. Chỉ khác là tui đi cách đây 10 năm. Lúc đó, tui nhớ còn thuê cái xe của ông Thanh què (đường Trần hưng đạo, Hà nội) giá 50 ngàn ngày. Lúc đó chỉ nói là đi lòng vòng xung quanh Hà Nội thôi, đến khi về, ổng biết được ổng than trời luôn (vì xe hồi đó ổng cho mướn là xe Nhật, không phải xe Hoa).
Đi xe máy kiểu như vậy thích nhỉ :)
 
IV. Một chút rắc rối và nhiều điều thú vị

Trong khi NDMT mãi mê với bà con dân tộc thì tôi lang thang chụp cảnh nơi khác, tình cờ thấy có 1 đ/c biên phòng hay công an gì đó trao đổi với 1 cô bé dân tộc đang gặt lúa. Tôi không nhìn rõ anh đó là công an hay bộ đội vì trời đã nhá nhem, chỉ biết là họ mặc áo màu cỏ úa… Khoảng 10’ sau, khi tôi đang đi lang thang phía dưới thì NDMT gọi leo lên ruộng phía trên để vào nhà sàn của người dân chơi. Tớ còn nghe cô bé dân tộc “mời 2 anh lên nhà em uống nước”. Một chút chần chừ vì sợ trời đang tối sẽ gây khó khăn cho bọn tôi khi quay về Hoàng Su Phì nhưng rồi tặc lưỡi, đây là cơ hội để tiếp xúc với dân bản để tìm hiểu văn hoá, lối sống của họ.

Hgiang47.jpg

Nhà sàn chỉ nằm bên trên mấy thửa ruộng nên bọn tôi nhanh chóng lên đến nơi, yên tâm bỏ xe máy dưới đường vì có ai đó bảo đừng lo, không mất đâu. Khi chúng tôi vừa lên đến nơi thì có 1 đ/c công an xã đến (tôi nhận ra vì phù hiệu họ đeo). Anh ta tiến đến bắt tay tôi khá chặt, khá niềm nở. Mọi người đều vui vẻ, nhiệt tình mời chúng tôi vào nhà. Tháo giày ở ngoài cầu thang, tôi leo lên ngồi quanh bếp với cụ chủ nhà. Ông là người già cả nhất, áng chừng 70 tuổi. Thật ra cũng khó đoán tuổi của người dân nơi đây. Mọi người trong nhà đều khá gần gũi, mến khách. Tôi đếm nhanh được 25 người cả già lẫn trẻ, vừa trai vừa gái. Cụ chủ nhà bảo hôm nay nhà gặt lúa nên anh em trong họ hàng ở gần đây sang giúp nên mới đông vui thế này. Cụ tự hào lắm! Ấm nước chè nóng được rót ra, nhấp chén chè loãng theo phép xã giao. Anh con trai cả của cụ chủ nhà giải thích rằng trên này họ không uống nước chè, nếu có uống thì nấu rất loãng. Quan sát 1 vòng quanh nhà, tôi thấy nhà này chắc là có “tinh thần cách mạng” tốt vì treo ảnh Bác Hồ, có bằng khen, giấy khen dán quanh nhà.

Sau những câu chào hỏi, làm quen xã giao. Anh công an xã cũng tự giới thiệu mình và rút ra cái thẻ công vụ. Anh có nói đến cái nghị định 34 nào đó của chính phủ về ứng xử an ninh vùng biên sau một hiệp định nào đó của Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó người lạ nơi khác muốn vào vùng biên phải có giấy phép do công an huyện cấp, phải có giấy giới thiệu của cơ quan/địa phương nơi khách làm việc/cư trú mới được chụp ảnh... Nói chung anh ta nói rất nhiều, nói dài dòng và cuối cùng xin được kiểm tra CMT, Giấy giới thiệu. Hình như anh ta muốn tôi và NDMT hiểu tầm quan trọng của an ninh biên giới. Giật mình nhớ đến tấm biển Frontier Area lúc đầu giờ chiều vừa vượt qua, tôi đã chụp kiểu ảnh cởi trần cười toe toét với nó. CMT thì lúc nào tôi cũng mang theo người nhưng Giấy giới thiệu thì kiếm mô ra. Lúc sau có thêm 2 đ/c công an đến, họ yêu cầu chúng tôi theo về đồn. Giữa họ và chủ nhà có trao đổi gì đó, hình như gia đình ông cụ không muốn công an đưa chúng tôi về đồn, có một số từ họ không phiên âm ra tiếng dân tộc nên tôi láng máng hiểu rằng mình nên tự tin lên đồn với họ. Đột nhiên anh công an hỏi tôi: “Anh có biết tiếng dân tộc không?”. Dĩ nhiên là không rồi, nếu tôi hiểu thì đã không nghe lời cô gái xinh đẹp mời lên nhà để bị câu lưu như thế này. Biết rằng rắc rối đã đến với mình nhưng cũng cảm phục tinh thần trách nhiệm của bà con dân bản đối với an ninh Tổ quốc. Cũng chẳng lạ lắm khi liên kết với những hình ảnh mà tôi đã bắt gặp trên này, đấy là hầu như nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc trước cửa.

Hgiang73.jpg

Chúng tôi đi lên đồn công an nằm trên 1 ngọn núi. Cũng không xa lắm nhưng đường quanh co. Lên đến nơi, tôi quan sát thấy nơi đây là 1 cụm hành chính gồm có quân đội, công an, ngân hàng nông nghiệp, cả bưu điện văn hóa xã và được nuôi khá nhiều chó. Rút điện thoại ra xem có sóng hay không nhưng chỉ có vạch trắng, huơ huơ cái mobile trên đầu thì anh công an bảo “trên này không có sóng di động đâu”. Uhm, có bưu điện nhưng không dùng được di động, cũng hay nhỉ!

Chúng tôi được bàn giao cho đ/c trưởng đồn. Anh lại nói một thôi một hồi về cái nghị định 34/CP, rồi anh nói rằng anh người nơi đây, lớn lên ở xã này và nay vừa mới được điều sang địa phương khác công tác. Một kiểu thuyên chuyển cán bộ theo định kỳ. Do đó, dù là trưởng đồn nhưng anh không có quyền quyết định mà phải chờ đ/c phó đồn. Một kiểu giải thích thật thà theo kiểu dân tộc. Anh ta sai cậu công an viên gọi cho phó đồn bằng cái máy bàn không dây của Viettel, sóng yếu với lại thói quen nói to của họ nên tôi láng máng nghe được rằng anh ấy đang ở nhà, chắc là khó qua được. Ở trên này mà đã về nhà có nghĩa là phải leo qua bao nhiêu là ngọn núi, con suối, hôm nay lại là tối thứ 7, đ/c phó đồn làm biếng rồi đây. Nếu thế họ mà giam mình trên này chờ đến sáng mai giải quyết có khi lại hay hay. Tôi nói ý nghĩ có khi “được” ngủ lại trên đồn cho NDMT, thấy cậu ta cũng vui vẻ “hưởng ứng”. Vậy là có cơm ăn, nước uống lại được ngủ miễn phí. Đ/c công an lại gọi cho bên biên phòng xin ý kiến, họ hướng dẫn thủ tục gì đấy cho bên công an…

Gác máy, đ/c đồn trưởng bảo biên phòng vừa gọi điện, họ không sang được vì xa quá. Tôi hỏi, “xa là bao xa?”. Đáp: “12 cây số”. Úi zời, chờ biên phòng leo núi sang đến nơi có mà trời sáng. Bọn tôi lại được dẫn sang phòng khác, được pha ấm trà mới và lại được đ/c luôn mồm xin được cảm thông. Đ/c ấy thanh minh rằng lỗi là do bọn tôi (là ViThanh và NDMT) không làm các thủ tục cần thiết trước khi vào vùng biên chứ không phải công an gây khó dễ. Trong khi không có ai trong phòng, tôi lấy vội cái máy ảnh ra khỏi ba lô, tháo thẻ nhét vào túi quần. NDMT cũng vừa tráo cái thẻ khác vào máy. Bọn tôi cần phải đề phòng họ bắt xoá ảnh, nếu thế thì công toi của cả ngày lăn lê chụp choạch đổ xuống sông xuống biển.

Sau thời gian chờ đợi, hỏi cung theo kiểu hỏi thăm và chờ đợi ý kiến của cấp trên (tôi đoán thế), tôi và NDMT đã bắt chuyện khá vui vẻ với các đ/c công an. Từ “tội phạm”, bọn tôi đã được coi như khách, như bạn tâm giao. Đ/c đồn trưởng khoe rằng vừa rồi đ/c được đi du lịch vào tận Nghệ An, thăm Cửa Lò và cả quê Bác nữa – hình như phần thưởng chiến sỹ thi đua gì đấy. Đ/c có con năm nay học lớp 11, định học xong 12 cho xuống Thái Nguyên học rồi về lại trên này làm việc. Nom đ/c có vẻ tự hào tợn. Rồi chúng tôi hỏi cả vấn đề tế nhị nhất là lương hàng tháng của cán bộ trên này, có trợ cấp gì không, chế độ công tác phí khi đi lại giưũa vùng rừng núi này như thế nào. Tất cả thắc mắc, tò mò của chúng tôi đều được giải đáp. Đ/c chia sẻ, trên này trình độ dân trí thấp lắm, internet chưa có, các cán bộ làm việc trên này mặt bằng văn hóa cũng thấp, nghiệp vụ non nên hy vọng thời gian tới sẽ cải thiện hơn bằng nguồn lực của dân bản – nghĩa là sẽ khuyến khích con em vùng này xuống miền xuôi học rồi về phục vụ bản làng. Tôi liếc nhìn sang bên cạnh thấy 1 đ/c cán bộ trẻ đang mổ cò cái văn bản mà sếp vừa giao gõ lại, nom sốt ruột lạ, chỉ muốn nhảy vào gõ nhoắng nhoằng thay cậu ta cho xong việc…

Khoảng 1h sau điện thoại bàn lại reo, đầu dây hình như là sếp nào đó vì bên này thấy vâng dạ hơi nhiều. Bọn tôi lại được gọi sang phòng khác. Họ phát cho mỗi tên 1 tập giấy và bảo viết tường trình. Tôi nghĩ bụng, chắc là sắp đựơc tha rồi đây, mất cơ hội ngủ lại trên này. Chỉ mất chưa đến 10 phút cho 1 trang giấy A4, bọn tôi nộp cho đ/c đồn phó. Đ/c ấy lại giải thích, thanh minh 1 chặp rồi sai đ/c công an viên đưa chúng tôi xuống núi. Bụng đã réo đòi nạp thức ăn, mong về nhanh thị trấn để nghỉ ngơi.

Trời tối đen như mực, ánh sáng của 2 chiếc điện thoại không đủ để soi đường, vực sâu bên phải, vách núi bên trái, đường nhỏ hẹp chỉ đủ 2 người tránh nhau. Quen đường như đ/c công an mà còn suýt ngã mấy lần. Tôi thì áp dụng nguyên tắc “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” nên không hề hấn chi. Khi đi gần qua nhà ông cụ lúc nãy, đ/c công an hỏi có vào nhà chơi nữa không. Dù bụng đói nhưng bọn tôi vẫn ghé qua chào họ 1 câu, coi như cảm ơn lại lòng hiếu khách của họ.

Chúng tôi lên nhà khi họ vẫn còn quây quần uống rượu, mâm của phụ nữ riêng, mâm của đàn ông gần bên bếp lửa. Chị em vẫn còn ăn uống ồn ào lắm, cánh đàn ông thì có vẻ trầm lắng hơn. Mọi người hỏi chúng tôi ăn chưa (dĩ nhiên là họ biết chưa ăn gì), đành thoái thác rằng chúng tôi phải vội về vì không quen đường rừng núi, trời lại tối và nhiều đèo dốc. Thực ra tôi sợ không ăn đựoc thức ăn theo khẩu vị của dân tộc. Không giữ chúng tôi ở lại được lâu, họ nhất quyết mời 2 thằng ở lại thêm 1 chút để uống chén rượu ngô. Chén này là của anh con cả, chén nữa là của ông em họ, rồi chén nữa là của chị dâu... Cô bé lúc chiều cầm chén sang chổ tôi, mời: “Anh uống với em 1 chén đi”. Làm sao mà từ chối được nhưng vẫn giả vờ không biết uống để họ rót ít nhất có thể. Chạm chén. Xong! Thở phào! “Anh uống chén nữa đi”. Nhưng mà anh không biết uống. “Anh uống đi mà. Đây là lần đầu anh lên đây và sẽ là lần cuối cùng phải không?”. Chối đây đẩy, rằng bọn anh sẽ còn lên nhiều nữa. Núi rừng Hà Giang đẹp lắm. Con người Hà Giang đẹp lắm. “Mong anh sẽ còn lên Pố Lồ nhiều nữa nha”. Liên, tên cô gái, đang là học sinh lớp 11 nâng ly. Vậy là chén thứ 2, rồi chén thứ 3... Rượu ngô nhẹ và ngọt nhưng dễ làm người ta chếnh choáng. Biết rằng ngồi thêm sẽ say nên tôi đành đứng dậy cám ơn và chào cả nhà ra về.

Cụ chủ nhà đã đi ngủ nhưng khi biết bọn tôi quay lại đã thức giấc dậy tiếp chuyện. Cả nhà ra tận chân cầu thang tiễn, riêng cụ chủ nhà ra tận đầu hồi, chổ con dốc,… Xuống đến đường lớn, thấy khoảng 5 đ/c công an đang “bảo vệ” cho chiếc xe của tôi. Vinh dự quá! Từ đây về thị trấn còn khoảng hơn 4 km nữa, gió đêm se lạnh. Chúng tôi cẩn thận lái xe rời xa Pố Lồ.

(Còn nữa)
 
V. Những người bạn mới trên phiên chợ vùng cao

Sương đêm lành lạnh, mấy chén rượu ngô cùng với đồng bào bên bếp lửa hồng không đủ làm cho tôi ấm bụng. Nhường tay lái cho NDMT, tôi tranh thủ trả lời 1 loạt điện thoại và tin nhắn của bạn bè. Số là mọi người thấy tự dưng tôi “out of touch” một thời gian khá dài nên hỏi thăm qua tần số 1800 MHz. Lúc chiều chúng tôi ì ạch leo dốc thì nay khá thoải mái cho xe trôi về xuôi…

Khoảng 21h tối 20/9/2008, chúng tôi về đến thị trấn Hoàng Su Phì. Cái bụng réo rắt giục giã chúng tôi vào cái quán bên đường. Thức ăn đã gần hết, chỉ còn ít thịt bò xào ăn cùng với tô cơm cuối cùng, chúng tôi thưởng thức buổi tối một cách ngon lành. Cách chúng tôi ngồi 3 dãy bàn có 1 nhóm 3 người có vẻ không phải là dân trên này, tôi khẳng định với NDMT một cách chắc nịch “dân phượt đấy, giống bọn ta rồi”. Thực ra chỉ cần quan sát trang phục và cái máy ảnh kè kè bên người là biết ngay dân du lịch bụi. Chủ động hỏi thăm, chúng tôi được biết họ vừa đặt chân đến Hoàng Su Phì cách đấy 1 lúc, hiện đang nghỉ tại nhà nghỉ Hoàng Anh. Chúng tôi hẹn tý nữa sẽ gặp lại!

Cơm bia no nê, chúng tôi tìm lại nhà nghỉ Hoàng Anh thì được bà chủ cho biết đã hết phòng. Vòng xe lại Sông Chảy Hotel thì cũng tình trạng tương tự. Hình như vừa có nhóm phượt đường dài ghé vô đây vì ngoài sân có khá nhiều xe máy lấm lem bùn đất mang biển số địa phương khác. Hai thằng bọn tôi lại lượn xe tìm chổ trọ qua đêm. Vùng đất mới lạ nên tôi không biết nơi đây có bao nhiêu chổ trọ cho dân lang thang chán cơm nhà như 2 thằng bọn tôi, có lẽ là khá hiếm vì trên này không phát triển dịch vụ du lịch. Tôi và NDMT đã tính đến phương án sẽ lên núi ngủ qua đêm nếu không thuê được nhà nghỉ. Địa danh này quá nhỏ bé để chúng tôi hy vọng sự đa dạng của hotel nhưng cũng vì thế mà chúng tôi không quá mất thời gian để tìm cho mình 1 phòng trọ gần đấy. Phòng ở khá sạch sẽ, có tắm nóng lạnh, có vô tuyến, chăn đệm thơm tho (tốt hơn hẳn cái nhà nghỉ “Xanh - Sạch - Đẹp” dưới Tuyên Quang). Giấc ngủ nhanh chóng tìm đến với tôi sau 1 ngày nhiều ấn tượng khó quên.

Sáng chủ nhật 21/9/2008, tôi tỉnh giấc bởi tiếng loa phóng thanh ầm ĩ lọt qua cửa sổ mở toang hoác, thời gian lúc đó là 5h sáng. Đầu tiên là tiếng hát quốc ca vọng vào tận giường ngủ, sau nữa là bản tin thời sự buổi sáng – hình như đây là 1 dạng đài phường.

Khoảng 5h45’am chúng tôi xách đồ nghề ra khỏi phòng, những đồ đạc khác không quan trọng lắm chúng tôi bỏ lại nhà nghỉ cho đỡ vướng víu, vả lại cũng không vội trả phòng làm gì. Lên đến đầu dốc đã thấy 3 đ/c phượt mới quen tối qua đang chọn góc máy để bắn phá. Được biết đội bạn chỉ lang thang chợ phiên đến tầm 7h sáng sẽ lên đường đi Xín Mần. “Vậy là chúng ta cùng đường rồi nhưng bọn tớ tầm 10h mới xuất phát”. “Đành hẹn trên cửa khẩu thôi”. Nhưng rồi chợ phiên đã cuốn hút Việt (anh bạn mới quen) nên cậu ta loay hoay mãi với từng khuôn hình. Còn đôi bạn Huy và Dung trở lại khách sạn sớm để trả phòng để lên Xín Mần trước.

Tôi cũng bị cuốn hút bởi rất nhiều màu sắc, rất nhiều những điều thú vị của phiên chợ vùng cao – nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em như Dao, Nùng, Tày,… Với mỗi tuần chợ chỉ họp 1 lần vào sáng chủ nhật nên bà con rất háo hức tham gia. Người thì cắp con lợn, người dắt theo con chó, con dê; người thì mang bán ít rể chay, quả ớt, củ riềng,… Có người chỉ mong xuống chợ để được ăn bát phở, uống chén rượu hoặc chỉ để đi chơi.

Họ có thể bày bán bất cứ thứ gì, dù chỉ là 1 nhúm nhỏ chỉ để thu về 1 số tiền ít ỏi.
Hgiang64.jpg

Nhiều người bán nhất với những can bé can lớn là hàng rượu ngôn, rượu sắn.
Hgiang55.jpg

Cảnh thường thấy ở phiên chợ, mẹ địu con đi khắp mẹt hàng này sang mẹt hàng khác.
Hgiang56.jpg

Thanh niên
Hgiang57.jpg

Cụ già
Hgiang59.jpg

Cả những con dê cùng xuống chợ
Hgiang54.jpg
 
VI. Hướng đến Xín Mần, đặt chân lên đất Tàu

Bọn tôi định rằng sẽ dạo chơi chợ Hoàng Su Phì 1 lúc rồi sẽ đi chợ Xín Mần. Ý định là vậy chứ thực ra bọn tôi cũng chưa biết chợ phiên Xín Mần nằm ở chốn nào. Thôi thì cứ ngắm chợ, chụp choạch nơi đây tới lúc nào chán thì đi khám phá vùng đất khác.

Sau 3 tiếng đồng hồ lang thang ở chợ phiên Hoàng Su Phì, chúng tôi quay lại khách sạn (gọi là nhà nghỉ cũng được) để trả phòng. Buộc lại hành lý thật chắc chắn, hai chúng tôi lên đường hướng tới Xín Mần, theo biển báo đích đến phía trước cách 60 km. Nắng bây giờ đã trải đều trên khắp vùng và khá gay gắt.

Hgiang31.jpg

Lòng vòng chạy theo đường dốc khúc khuỷ, vừa chạy xe vừa ngắm cảnh, cũng chẳng vội vàng làm gì. Đi được khoảng 10 km thì chúng tôi gặp Việt, anh bạn phượt mới chia tay nhau hồi sáng. Cậu ta đang dừng xe bên đường để chụp ảnh. Bọn tôi chạy qua mà không dừng lại, chỉ đưa tay vẫy chào vì thực ra phong cảnh nơi đây thua xa cảnh Pố Lồ mà bọn tôi đã thưởng ngoạn chiều qua. Chạy thêm tầm 3 km thì chúng tôi lại gặp Huy và Dung. Hai cô cậu có vẻ cáu kỉnh với anh bạn Việt vì mê say chụp ảnh quá, làm họ phải dừng xe chờ liên tục.

Rồi Việt cũng bắt kịp chúng tôi, cậu ta chạy xe khá cừ, Huy cũng là một tay lái đường trường khá vững. Cả 5 chúng tôi trên 3 xe lao nhanh về phía Xín Mần, dọc đường không quên kiếm tìm cảnh đẹp và phanh gấp xe lại khi có đối tượng nào đó lọt vào khung ngắm. Máy ảnh đã đeo sẵn bên hông, chỉ việc tháo nắp ống kính, bật máy và bấm. Rồi lại chạy, lại dừng, chụp,…

Hgiang34.jpg

Khoảng 10h30’ chúng tôi đến ngã 3 đi Xín Mần và cửa khẩu Mốc 5. Nắng đã rất gay gắt, da tay bỏng rộp, cháy đen. Cả bọn tấp xe lại bên tán cây để nghỉ ngơi, kiểm tra lại xe cộ, trao nhau chai nước suối, cái kẹo cao su và cả từng chiếc khăn lau. Khoảng 10 phút sau bọn tôi lên đường, rẽ phải theo hướng cửa khẩu Mốc 5, quãng đường dự tính khoảng 26 km. Đường đi càng ngày càng khó, nhiều đoạn dốc cao liên tục, từng chiếc xe bò lên đỉnh núi theo những khúc cua tay áo.

Bởi vì dừng lại chụp ảnh tại 1 số mỏm núi, tôi và NDMT bị những người bạn mới quen bỏ rơi lại phía sau. Ơn Đảng và Chính phủ, trên này vẫn có sóng Vinaphone nên tôi roamming từ Mobifone sang để gọi Việt, cậu ta báo còn cách biên giới Trung Quốc 5 km. Chúng tôi lên xe phóng nhanh về phía đường biên. Khi gần đến nơi, thấy tấm biển báo đã vào vành đai biên giới, chúng tôi dừng xe cất máy ảnh vào túi cẩn thận, sợ rằng khu vực này cấm chụp ảnh như bên Pố Lồ. Hai thằng bảo nhau đi vào đừng có chụp, lúc nào trên đường ra ta bấm máy cũng không muộn.

Hgiang32.jpg

Khoảng gần 12h trưa chúng tôi đến Xín Mần. Trên này khá mát mẻ, thậm chí hơi se lạnh khi có mây núi bay qua, khác hẳn với cái nắng cháy da dưới kia. Ghé vào đồn biên phòng hỏi thăm đường thì thấy xe máy của 3 người bạn đã yên vị trong sân, được anh cán bộ biên phòng cho biết 3 người đó đã đi bộ lên cửa khẩu Mốc 5. Chúng tôi cũng gửi xe lại để đi bộ lên đó. Vùng này chúng ta đang xây dựng, máy móc làm việc ầm ì, đủ loại phương tiện từ xe tải, máy xúc, máy ngoạm,... Có thể thời gian tới nơi đây sẽ trở thành cửa khẩu quốc tế.

Hgiang12.jpg

Khác với Pố Lồ, trên này bọn tôi được chụp ảnh thoải mái. Bước qua cột mốc 198 là đất Trung Quốc, cách đó mấy chục mét là chợ của Trung Quốc. Trên này chợ họp 1 tuần 2 lần, thứ 4 họp trên đất Việt Nam, thứ 7 họp trên đất Trung Quốc. Hai chợ cách nhau khoảng 200m. Trên này hầu như không thấy dân buôn bán như ở các cửa khẩu khác vì chợ chỉ họp theo phiên. Tại cột mốc biên giới thiên liêng của Tổ Quốc, chúng tôi gặp lại 3 người bạn và bấm cho nhau những bức ảnh kỷ niệm. Mấy ngày nay chúng tôi chủ yếu chụp phong cảnh, nay mới có phút thư giản bên nhau.

Hgiang67.jpg

Chúng tôi đi bộ sang đất Trung Quốc nhưng cũng chẳng thấy ai hỏi han gì, mà có ai đứng đấy đâu mà hỏi ngoài 1 cô gái Trung Quốc. Chúng tôi hỏi chuyện thì cô ta chỉ nói được câu tiếng Việt duy nhất "Không biết tiếng Việt đâu mà". Chơi nhởi chán, chúng tôi quay lại đồn biên phòng, đ/c trưởng đồn nằng nặc mời ở lại dùng cơm trưa. Mặc dù đang rất đói nhưng chúng tôi vẫn chối từ vì sợ rằng thêm 5 miệng ăn thì họ thiếu cơm mất, chúng tôi là những vị khách đột xuất nên họ không chuẩn bị thêm khẩu phần. Chào tạm biệt đ/c đồn trưởng, chúng tôi lên xe xuôi về đường cũ. Khi cách biên giới khoảng 1 km, nơi có 1 cái cầu nhỏ bắc qua con suối cạn chúng tôi dừng lại chuẩn bị cho bữa trưa.

Hgiang66.jpg

Việt đã chuẩn bị khá chu đáo, đầy đủ lương thực cho chuyến đi, có bánh gai, thịt hộp, bánh mì gối, mì tôm và cả hành tươi nữa. Với 3 hòn đá nhỏ, nước được múc từ suối, cồn khô và bát inox mang từ nhà đi, vậy là đã có nước sôi pha mì tôm. Một ít hành tươi được em Dung khéo léo cho vào cùng với thịt hộp, chúng tôi chia nhau ăn ngon lành.

(Còn nữa)
 
VII. Tham gia Emong Club và chuyến trở về trong đêm

Sau khi ăn uống qua loa bên bờ suối ngay bên cột chỉ giới vành đai biên giới, chúng tôi kiểm tra lại phanh xe, độ căng của lốp trước khi thực hiện hành trình tiếp theo. Trước đó Việt cũng đã thay nhớt xe vì sáng qua xe cậu ta bị ngập nước khi qua suối sâu. Tôi lấy đầy nước suối vào 2 vỏ chai Aquafina...

Khoảng 13h30’ chiều chủ nhật 21/9/2008, chúng tôi cùng lên xe xuôi về thị trấn Xín Mần. Lúc đi lên vất vả bao nhiêu thì khi xuôi về cũng căng thẳng không kém, xe đổ dốc liên tục, chủ yếu chạy ở số 2, số 3, nhiều lúc phải dồn về số 1. Lúc nãy định quay ra sẽ chụp ảnh nhưng tự dưng cảm hứng về mo nên chỉ chăm chăm chạy về ngã 3 đi Xín Mần. Rồi những làn mây trắng, những cơn gió núi mát lạnh cũng lùi xa phía sau, chúng tôi càng xuống thấp nắng càng gay gắt,…

Hgiang33.jpg

Khoảng 14h10’ chúng tôi ra đến ngã 3 Thèn Phàng, cả nhóm dừng chân nghỉ ngơi 1 chút. Mười phút sau chúng tôi lại khởi hành theo đường số 11. Đường khá khó đi vì nhiều đoạn đầy cát, sợ nhất là bị trượt bánh xe. Trong cái nắng cháy da người, chúng tôi cũng đến được thị trấn Xín Mần sớm hơn dự định. Lúc này cả nhóm 5 người dừng lại bổ sung thêm xăng xe. Cũng tại đây tôi và NDMT bịn rịn chia tay 3 người bạn đường mới quen. Theo kế hoạch của nhóm bạn kia thì Việt sẽ lang thang sang Yên Bái 1 chút, còn Huy và Dung sẽ chạy thẳng đến Lào Cai trước, sau đó cả 3 hẹn nhau cùng hội ngộ và lên tàu về Hà Nội lúc 22h đêm hôm đó.

Hgiang83.jpg

Tôi và NDMT xuôi theo đường 66 hướng về Việt Quang. Trời nắng nên tôi chạy khá nhanh, thay vì rẽ phải ngay khi vượt qua cầu bắc qua con suối rộng tôi lại rẽ phải đi Bản Ngò. Chạy khoảng 2 km tôi mới nhận ra là mình đã lạc đường và đây là lần đầu tiên của chuyến đi tôi mất phương hướng. Vùng đất chúng tôi đang đứng nằm sát mép bản đồ mà qua mấy ngày lặn lội đã bị rách nát phần nào, săm soi một lúc thì tôi cũng biết được hướng đi của mình. Và cũng từ đây chúng tôi mới biết thế nào là đường rừng núi cực khổ. Lúc thì xe chạy qua những vùng bản làng xanh mướt mắt, lúc thì chênh vênh bên vách núi, lúc lại luồn sâu trong những tán cây rừng rậm. Không còn là đường nhựa, đường đất phẳng mà thay vào đó là con đường với dốc cao dựng đứng với những hòn đá to nhỏ lổn nhổn. Chúng tôi lên dốc mãi, lên mãi mà không biết điểm dừng ở đâu, nhiều lần xe xoay ngang, tôi phải phanh dừng hẳn để lấy lại tinh thần và sức lực. Hỏi thăm người đi đường được biết quãng đường này có hơn 30 km toàn đá. Lên đến đỉnh đèo khổ sở bao nhiêu thì xuống đèo cũng mệt không kém, dùng cả 2 phanh mà nhiều lúc chiếc xe vẫn trôi tuột rồi xoay ngang đường. Cả hai tay cầm lái ê nhức, tôi đành trao tay lái cho NDMT để chia sẽ cung đường khốn khổ mà 2 thằng đùa vui là CLB Ê Mông (Emong Club).

Dọc đường chúng tôi còn dừng xe mấy lấy vừa để chụp ảnh, vừa nghỉ lấy sức và cả tiếp tế thêm nước uống. Dĩ nhiên là không có hàng quán nào bên đường, chúng tôi chỉ có thể uống nước từ trên núi theo khe đá đổ xuống. Khoảng 17h15’ chúng tôi nghỉ chân bên cầu, chổ ngã 3 rẽ vào bản Vẽ. bấm vài kiểu anh kỷ niệm, chúng tôi lên xe chạy qua Na Chì, băng qua làng Chữ rồi dừng chân nghỉ ngơi một chút ở quán nước ven đường…

Hgiang76.jpg

Trời đã bắt đầu tối, chúng tôi chỉ nhắm đích đến là Việt Quang để từ đó xuôi về Tuyên Quang và điểm dân chân cuối cùng sẽ là Hà Nội. Quãng đường còn khoảng 320 km nữa. Gió lạnh quất vào mặt ràn rạt, đường lại lắm ổ gà,ổ voi.

Tầm 18h30’ chúng tôi ra đến Việt Quang, NDMT tìm mua thêm cái kính trắng để chạy đêm, vừa chống bụi vừa chống loá mắt vì kính của mũ bảo hiểm xe máy quá kém.

Đường tối om om, dân cư thưa thớt, tôi đề nghị được cầm lái để NDMT tranh thủ nghỉ ngơi, đêm khuya cậu ta sẽ lái thay tôi vì khi chạy khuya tôi hay có tật buồn ngủ. Bám theo ánh đèn hậu lập loè của chiếc xe chạy phía trước, tôi giữ khoảng cách an toàn với họ và đánh tay lái cua theo cách của họ. Xe phía trước quen đường nên họ chạy khá nhanh, đường rừng núi mà vận tốc vẫn giữ đều đều 65 km/h. Tôi đành phải bám theo họ để đi nhanh vì mình không quen đường… Quãng đường là 95 km, tôi cố gắng chạy xe với mức độ an toàn nhất có thể nhưng vẫn căn thời gian sao cho còn kịp dừng xe ăn tối trước khi hàng quán đóng cửa.

Và rồi chúng tôi cũng đã về đến Tuyên Quang lúc 21h25’. Dừng xe ở 1 quán ven đường để rửa ráy và ăn tối. Món phở xào quá tệ, hình như còn có mùi thiu nhưng vì đói quá nên tôi cũng đã chén hết. Chai bia Hà Nội cũng được tôi uống cạn.

Tôi lại cầm lái xuôi về đất thủ đô, định sẽ chạy nhanh thêm vài chục cây số nữa sẽ trao lại cho NDMT. Nhưng khi ra hỏi thị xã Tuyên Quang thì đồng chí bạn đường đã ngủ gật sau xe bắt buộc tôi phải chạy chậm lại. Xe đang chạy đều đều, cảm giác như mình chạy sai đường nên tôi dừng xe lại để xem bản đồ. Khổ nổi đoạn này hầu như không có chỉ dẫn gì trên bản đồ cũng như biển báo bên đường. Vừa lúc NDMT tỉnh ngủ, hắn phán chắc nịch “Đi sai đường rồi, quay lại thôi”. Tôi cua xe, chạy vun vút theo hướng ngược lại. Nhà dân 2 bên đường đã ngủ, đường tối đen như mực. Mãi rồi cũng gặp 1 ngôi nhà còn sáng đèn, chúng tôi dừng lại hỏi thăm thì được biết là đã nhầm đường và cần phải quay lại 7 km nữa rồi rẽ phải theo đường 70 để về Vĩnh Yên rồi từ đó về Hà Nội. Trời ạ, có nghĩa lại lúc nãy tôi đã đi đúng đường! Xăng xe đã chạm vạch đỏ, vừa chạy vừa tìm kiếm chổ đổ xăng vừa lo xe chết máy dọc đường. Có lúc tôi đã nghĩ rằng sẽ chặn xe đường dài lại để xin tiếp tế nhiên liệu…

Tôi lại gặp may, có nhà dân bên đường ngủ muộn và nhà họ có bán xăng lẻ. Lúc đó tầm 22h30’, ở vùng nông thôn miền núi là đã qúa khuya rồi. Cô bé bán xăng thấy 2 người lạ chạy xe đường dài giữa đêm nên hỏi thăm từ đâu tới mà có giọng nói nghe lạ lạ. Tôi bảo, bọn anh bên Lào sang.

Xăng đã đầy, chúng tôi lại lên đường về đất Thổ Đu. Giữa ánh đèn pha loang loáng, tôi chợt thấy mình bồng bềnh. Giảm tốc, đạp phanh, tấp xe vào lề đường – tôi biết mình đã ngủ gật. Từ đây NDMT cầm lái để tránh cái tật ngủ đường của tôi. Trăng đã lên chênh chếch bên núi.



Ngày mới đã sang, 1h00’ ngày 22/9/2008 tôi về đến nhà sau gần 2 tiếng ngủ gật sau lưng NDMT. Vậy là chỉ còn 7h nữa tôi sẽ lại lên công ty bắt đầu cho công việc thường nhật.

Chuyến đi của chúng tôi đã thành công tốt đẹp, an toàn tuyệt đối trên quãng đường 800 km và thu lượm được rất nhiều điều bổ ích. Từ tinh thần bảo vệ biên cương Tổ Quốc đến đức tính chăm chỉ, chịu khó, mến khách của bà con dân tộc. Và cả những bức ảnh đẹp nữa, tôi đã bấm máy khoảng 700 lần để từ đó lấy ra những bức ảnh đại diện cho từng cung đường để khoe với các bạn.

Hẹn một chuyến đi khác cho một địa danh khác vào một thời điểm thích hợp!
 
ViThanh, likemoon

Các bạn thân mến,
Tôi là người mới là thành viên của phuot.
Cảm ơn các bạn đã thăm và dành nhiều tình cảm cho HG qua bài viết, qua các bức ảnh phong cảnh, con người,...chúng làm thức dậy và day dứt trong tôi tình yêu với Hà Giang nơi tôi đã từng sống cùng bà con các dân tộc và làm việc khá nhiều thời gian từ năm 1993. Gần nhất tôi làm cố vấn cho chương trình cấp nước sinh hoạt do UNDP và Chính Phủ tài trợ tại 4 huyện vùng I (vùng cao núi đá: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) từ năm 1998 đến 2001.Thời kỳ đó cuộc sống nói chung và giao thông nói riêng của các huyện còn khó khăn lắm. Nhưng phong cảnh thì thật hùng vĩ và con người 20 dân tộc Hà Giang thì thật đẹp.
Tôi có chút ít kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ tốt với Hà Giang cho nên mong được quen biết và trao đổi với các bạn.
Chúc các bạn sức khỏe và hạnh phúc.
Thân mến(BB)
Quoctuan
 
Chuyến đi của chúng tôi đã thành công tốt đẹp, an toàn tuyệt đối trên quãng đường 800 km và thu lượm được rất nhiều điều bổ ích. Từ tinh thần bảo vệ biên cương Tổ Quốc đến đức tính chăm chỉ, chịu khó, mến khách của bà con dân tộc. Và cả những bức ảnh đẹp nữa, tôi đã bấm máy khoảng 700 lần để từ đó lấy ra những bức ảnh đại diện cho từng cung đường để khoe với các bạn.

Hẹn một chuyến đi khác cho một địa danh khác vào một thời điểm thích hợp!
[/QUOTE]

Chào anh Vithanh,

Cảm ơn anh đã chia sẻ những kinh nghiệm, kỷ niệm trong hành trình về Hà Giang (em muốn dùng từ "về" với tất cả những địa danh trên tổ quốc mình, vì nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam cũng là quê hương mình). Em và nhóm bạn đang có kế hoạch về với Hà Giang dịp Giỗ Tổ, những thông tin anh cung cấp trong bài rất có ý nghĩa với bọn em trong việc lập hành trình. Cảm ơn anh một lần nữa :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,184
Bài viết
1,150,412
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top