What's new

[Chia sẻ] [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2016]

Chap 1: First step
Chuyến đi được khởi động bằng lá đơn xin nghỉ việc.
Tuy đã lên kế hoạch và chuẩn bị tinh thần khá lâu trước khi "thực sự" bắt đầu, nhưng khi xin nghỉ mình vẫn hồi hộp và lòng rạo rực khó tả.
Để thực sự rời khỏi một nơi quen thuộc với những người bạn hiểu mình, mến mình để đi tới một nơi "mơ hồ" với nhiều người lạ, là điều khá khó khăn. Mình đã chuẩn bị và lên gân cốt rất lâu nhưng sau một thời gian dài, vẫn chưa gom đủ dũng cảm để thốt ra lời chia tay.
Nhưng, vào một ngày trời mưa, ngồi lật giở cái kế hoạch cho chuyến đi đã chuẩn bị được hòm hòm, tự nhủ với bản thân: "Trang à, bạn định ngồi để được ru ngủ trong cái hộp này tới bao giờ? Nếu không thử bước một chân ra ngoài vào lúc này, thì là bao giờ?", và cứ thế bước tới chỗ chị quản lý, buột miệng nói về ý định xin nghỉ.
Sau khi xin nghỉ, cũng không hoang mang đến mức như mình đã tưởng tượng. Mọi thứ trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn bao giờ hết.
Mình rút ra được một bài học: "Đối với một thanh niên gắn bó lâu dài với khu Công nghiệp, thì việc can đảm mở lời xin nghỉ là một trong những bước quan trọng nhất phải làm, nếu như bạn muốn bước đi đâu đó."
Đứng trước quyết định rời Hà Nội vào Nam, bỗng nhiên mình thấy Hà Nội đẹp hơn bao giờ hết.
Ô cửa sổ phòng mình hàng ngày ngập nắng, thấy chói mà mấy hôm nay, lại thấy nắng bỗng nhiên buông rất dịu dàng.
Con đường bí mật với cây chanh thi thoảng nở hoa thơm ngát, cũng thơ hơn.
Hà Nội ồn ào, vội vã thường ngày cũng trở nên yên bình hơn.
Khi mất đi điều gì, người ta mới biết trân quý điều đó hơn.
Hà Nội, một ngày mưa tháng 8.
**************************************************************************************
Chap 2: Mưa cũng đi. Kế hoạch đã lên rồi!
Sau khi nghỉ ngơi ở nhà hai hôm, mình bắt đầu xách dép lên và đi.
Xuất phát vào một ngày mưa gió. Mưa rất to và không có dấu hiệu dừng. Nhưng kế hoạch đã lên rồi, nên cứ bọc đồ thật kỹ rồi đi thôi.
Ông trời như muốn thi xem ai kiên gan hơn ai. Mưa xối xả, trắng trời. Mưa phả vào mặt, bỏng rát. Cặp kính cận lại càng phản bội mình. Nước mưa ở trên tuôn xuống, hơi thở ở dưới phả lên, làm kính mờ mịt, nhiều khi không nhìn nổi đường.
Vì ít kinh nghiệm đi đường xa trời mưa, nên dù mặc quần áo mưa đầy đủ, bọc giầy, balo kĩ càng nhưng đến Vinh thì vẫn ướt nhẹp. Vừa lạnh, vừa đói, mấy bận phải rùng mình. Bài học rút ra: mặc quần áo mưa đầy đủ vẫn nên dùng dây thun buộc chặt phần cổ tay, cổ chân để nước mưa không bắn vào. Nếu đi ngắn không sao, đi đường dài, bạn sẽ lãnh đủ cảm giác cái lạnh ngấm dần. Tuyệt đối không tin tưởng vào túi nilon buộc giầy. Trời mưa, trước khi lên đường, bạn nên chắc chắn đã có trong balo 1 đôi giầy đi mưa.
Trời mưa to, cũng cho rằng bãi biển thể nào cũng đục ngầu và gầm gào, nhưng nhất quyết phải tạt té qua xem thế nào.
Biển quả thực rất đục và gầm gào đáng sợ. Nhưng hoa muống biển thì vẫn tươi rói và tím ngắt một vạt đất!
Dọc đường mưa mờ mắt, nhưng Thành Vinh không mưa một giọt. Dù sao vẫn có chút an ủi nho nhỏ cho 1 đứa vừa bị ủng tay, ủng chân vì dầm mưa mấy tiếng.
Nghỉ ngơi mấy tiếng, mò mẫm chỗ đi ăn.
Lần trước tới thành Vinh, chưa kịp ăn cháo lươn đã về. Lần này "sống chết" phải ăn bằng được. Theo lời khuyên của dân bản địa thì cháo/miến lươn ngon nhất là ở khu Cổng thành. Khu này có phố ăn đêm. nên có khá nhiều lựa chọn. Mình tạt vào 1 quán vỉa hè nằm trên đường Phan Đình Phùng, đối diện quán Kara 108. Dì chủ quán hiền lành, không khí đặc quánh mùi hoa sữa mùa thu Hà Nội là lý do mình tạt vô. Không chỉ chỗ quán đó, mà dọc đường Phan Đình Phùng, chỗ nào cũng thơm ngào ngạt hoa sữa. Cháo lươn thơm nức mũi, hoa sữa thơm nồng. Trời se se lạnh mà được ngồi đó và ăn món này, thì không gì tuyệt hơn. Ngoài cháo, bạn còn có lựa chọn là miến lươn và súp lươn.
Cháo lươn Nghệ An cay nổi tiếng. Bát khá to, đậm đà và nhiều thịt lươn. Một bát 30 ngàn, nhưng ăn no. Nếu người nào không ăn được cay, có thể dặn dì chủ quán không chan nước cay là vô tư.

Ăn xong, mình lò dò tới quán cafe quen. Gọi là quen cho "oách". chứ thực ra lần này nữa mới là lần thứ 3 tới đây. Anh chủ quán tên Hưng, giới chơi Minsk gọi anh là "anh Heo", xởi lởi, nhiệt tình và hay chuyện.
Anh là "tay chơi" nên có rất nhiều câu chuyện "trên đường" và kinh nghiệm đi đường cũng vô kể. Lần nào gặp, cũng được anh kể nghe những mẩu chuyện con con thú vị, và chia sẻ nhiều mẹo vặt.
Quán của anh có cái tên "nói lên tất cả": Indian coffee, số 81A, đường tàu cũ. Tất cả đồ trang trí trong quán đều mang phong cách Bohemian. Những lốp xe cũ được sơn đủ màu. Những cây cảnh nhỏ xinh. Bàn gỗ được sơn thành quốc kỳ các nước. Tranh vẽ chì chân dung thổ dân. Túi bohemian.
Đồ uống xếp vào loại khá.

Ngoài phong cách quán khá lạ, không lẫn vào đâu ở giữa thành Vinh và anh/chị chủ quán siêu dễ thương, còn một lý do nữa mình chọn quán này là do quán nằm ở vị trí khá xa so với trục đường chính, nên vô cũng yên tĩnh và thảnh thơi. Có cảm giác mình có thể ngồi ở quán đó cả ngày mà không chán.
Tới quán vào một tối mưa lất phất bay, không khí se se lạnh. Bên ngoài mưa gió lạnh lẽo, bên trong quán tiếng guitar bập bùng, tiếng hát trầm ấm, tiếng nói chuyện rổn rảng.
Cảm giác được nghe người lạ hát những bài hát quen như "Nơi ấy" ở trong không khí đó, ở một nơi xa như vậy, nếu không dũng cảm bước một chân ra ngoài, làm sao có được.
Cuộc sống thực ra vô cùng náo nhiệt và dễ thương.

***************************************************************************************
Chap 3: Bão về. Nhỡ kế hoạch!
Theo kế hoạch, sau 1 đêm ở thành phố Vinh, mình sẽ thẳng tiến tới Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nhưng...cuộc đời luôn là một ẩn số, không thể đoán được.
Tối ngày thứ 2, nghe tin áp thấp nhiệt đới chuyển thành bão. Phạm vi ảnh hưởng đúng lộ trình mình chuẩn bị tới. Vậy là, vỡ kế hoạch. Đành ở lại Vinh thêm một đêm nữa.
Bạn host ở Hà Tĩnh cũng khuyên mình nên ở lại Vinh.
Đợi tới trưa thì cơn mưa nặng hạt cũng dứt. Vội vàng, xách dép thẳng hướng núi Quyết, đền thờ Quang Trung đi tới.
Quyết tâm "phục thù" đoạn đường lần trước chưa khám phá hết.
Có lẽ do trời mới mưa, nên đường lên núi không có một bóng người.
Bậc thang dẫn lên hơi dốc và hẹp, lại hơi âm u. Cũng hơi lo, nhưng lại kệ, cứ lên xem thế nào!
Lên đỉnh núi Quyết, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Vinh.
Những nếp nhà đủ màu nằm san sát nhau. Xa xa là dòng sông xanh uốn lượn quanh thành phố.

Có lẽ do trước đó trời mưa lớn, nên mới hơn 4 giờ chiều sương đã bảng lảng.
Đồi thông gió reo vi vu, sương khói phơ phất bay.
Cảm giác như đang được ở chốn bồng lai tiên cảnh.
Ngồi bệt ở bậc thềm, để gió nhẹ thổi lay mái tóc, để sương lạnh ngấm vào da thịt, để cái tĩnh lặng nơi đây làm thư thái tinh thần.
Giá mà được ngồi ở đây mãi, thì thích nhỉ.
Chợt nghĩ, có thể nơi núi cao, vắng vẻ có cái tĩnh không nơi nào có được nên các vị tu hành mới thường lui tới chăng.
Đường lên núi Quyết phía Bùi Thị Xuân là đường hậu, nên khá hẹp, âm u và ít người.
Nhưng phía lối chính lên đền, ở bên kia của ngọn núi, rộng và đẹp.
Đường lên uốn lượn quanh co, dài khoảng 800m.
Hai bên đường là rừng thông xanh ngút ngàn. Phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn rõ sông Lam, núi Hồng và cây cầu Bến Thủy.
Người lên núi tập thể dục tấp nập mỗi buổi chiều tà. Già trẻ, lớn bé, chạy bộ, đạp xe...đủ cả.
Thi thoảng lại bắt gặp cả vài đôi trẻ, dựng xe máy, ngồi tâm sự.
Được nhỏ to tâm sự trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ như này, ai mà chẳng mê.

Trước khi ra khỏi nhà, cô em gái dặn: "Khi mua gì, chị cũng phải cẩn thận, dân ở đây "ghê" lắm!", đâm ra, cũng nơm nớp lo. Lại lỉnh kỉnh balo máy ảnh, nên cũng sợ bị chặt chém vì biết là dân đi du lịch. Nhưng hóa ra...toàn lo hão! Hoặc giả, nhìn mình không có "khí chất" dân du lịch. Hoặc giả, dân miền Trung, ngàn năm vẫn đôn hậu, thật thà.
Kệ.
Chỉ biết, đi tới đâu, mình cũng được biệt đãi.
Ghé quán cóc ven đường gần ĐH Vinh mua cốc cafe nâu mang đi. Chị chủ quán gạ: "Ăn chiếc bánh khoai cho khỏi đói lòng, em!". Tặc lưỡi: "Vâng, chị cho thử một chiếc ạ!", vừa thầm nghĩ: "Haiz..Không biết bị chặt chém cỡ nào đây".
Nhìn mình bốc bằng tay, không dùng dĩa, chị cười ỏn ẻn, nói gì đó với Chị gái bên cạnh bằng giọng Nghệ An, nghe không ra. Đáng yêu quá thể mà! - Nghĩ bụng vậy.
Cafe mang ra, được pha phin cẩn thận, rồi cũng lắc đúng điệu vậy mà gom lại 2 món thanh toán hết có 15 ngàn. Chỉ nói : "Em dễ thương, nên Chị mời bánh đó!" Haha
Chiều về, đi qua quán trà đá - karaoke, loại hình karaoke bình dân độc đáo, 5k/1 bài, khá phổ biến ở thành phố Vinh, thấy hay hay, ngó nghiêng. Anh chủ quán đon đả :"Vào đây đi em, uống nước, hát karaoke cho xôm nào!". Tạt vô liền.
Anh mang cho mình cốc nhân trần đá, rồi bấm bấm chọn bài trên Youtube :"Em hát bài gì? Bài gì cũng có hết em ạ! Bài A nhé? Hay B nhé?" Bấm bụng cười vì anh chủ quán nhiệt tình quá!
"Anh hát mẫu rồi em chọn bài nào đó để hát nhé! Vui lắm!"
Hahahihi một lúc, cũng chọn đại một bài để hát. Quán nước văng teo, nhõn có 2 anh em ngồi hát với nhau. Anh chủ quán hát, mình vỗ tay. Mình hát, thì anh vỗ tay. Thế mà cũng ngồi với nhau 2 tiếng.
Đứng dậy thanh toán, anh xua tay vội vã : "Không, không cần thanh toán, anh mời nhé! Chúc em có chuyến đi vui vẻ!"
Cũng năn nỉ trả, nhưng anh nhiệt tình quá, nên chỉ biết cám ơn.
Hay anh Heo quán Indian cũng thế. Gọi đồ uống chán chê, ngồi nhâm nhi mê mệt mà anh chỉ lấy tiền có 1 cốc cafe 15 ngàn, còn lại : "Anh mời cô, để cô có chuyến đi an toàn!"

Đấy, người miền Trung đấy!
Đấy, mối quan hệ giữa tiền bạc và con người đấy!
Cả ngày lang thang, vỡ vạc ra một chân lý:
"Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người với người sống để yêu nhau".
20160911_214058.jpg
20160912_164034.jpg
20160912_172304.jpg
20160624_162454.jpg
1.IMG_0296.jpg
1.IMG_0320.jpg
 
Last edited:
Re: [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2017]

Chap 4: “Bán bia cũng vui lắm mà Chị!”
Trời vẫn mưa to.
Dân Vinh bình thản đối phó với những cơn mưa nặng hạt giống như cách dân Buôn Ma Thuột vô tư nhậu tiếp cho dù có mất điện vậy.
Mưa cứ rơi còn hoa cứ nở, trải vàng con phố, và các cụ già thì cứ “thong thả buông cần trúc”.
Cảnh trong mưa mà cũng đẹp như một bức tranh vậy. Giá mà biết vẽ!
Bên ngoài công viên này là 2 hàng cây xanh rợp bóng, phía cổng nhìn sang Quảng trường.
Khu trái tim thành phố có khác. Đẹp và ngát xanh và lộng gió.
Đang lang thang dọc hồ Gong, nằm trong công viên Nguyễn Tất Thành, thì có một bạn câu cá gọi với: " Chị ơi, qua đây chơi!".
Tính bỏ đi, nhưng nghe giọng dễ thương quá. Thì qua!
Chỉ là cuộc hội ngộ ngắn ngủi, nhưng cậu bạn cho mình khá nhiều bài học giá trị về cuộc sống.
Cậu bạn tên Bắc. Mình trêu: “quê miền Trung mà tên Bắc hả?”. Cậu chỉ cười hiền, chả nói gì. Bắc làm phục vụ trong quán bia Bờ Hồ. Cũng được một thời gian dài. Nom thông minh và nhanh nhẹn. Lông mi dài và cong vút như con gái. Giọng Nghệ An "thành phố". Đậm âm hưởng Nghệ An mà không quá khó nghe. Trầm ấm.
Lúc mình gặp, Bắc đang câu cá.
Mình thắc mắc: "Đang bão mà cũng câu cá hả em?", Bắc đáp hồn nhiên: "Thời tiết nào cũng phải kiếm ăn mà Chị!".
Một đứa 27 tuổi như mình nhiều lúc chỉ vì tâm trạng thất thường của bản thân đã buông ngay tắp lự, "không làm ăn gì nữa".
Vậy đấy.
Có những thứ với người này là hiển nhiên, với một số người khác là thành quả của cả một quá trình nỗ lực.
Phải trân trọng hơn với cả những điều nhỏ nhặt nhất.
Mình trêu: "Lâu như thế mới được một con cá, em làm gì trong thời gian đó? Đếm sóng được bao nhiêu vòng hả?". Bắc cười hiền: "Em chỉ tranh thủ ngồi nghỉ vậy thôi mà".
Mặt em hạnh phúc và thỏa mãn một cách đáng ghen tị.
Người ta có phải làm điều gì to tát để được hạnh phúc đâu. Chỉ đơn giản là có một khoảng thời gian rảnh, một không gian nhỏ yên tĩnh, để nghỉ ngơi, để thoát khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền là đủ hạnh phúc rồi. Nếu ai biết cũng hạnh phúc với những điều nhỏ nhoi như vậy, hẳn thế giới phải hòa bình lắm.
Bắc hồn nhiên kể mình nghe chuyện làm ăn rồi kết luận: "Bán bia vui lắm Chị", trong khi mình nghĩ ở đất gió Lào, phục vụ quán bia phải vất vả lắm. Hẳn là, bất cứ ai yêu cái nghề mình chọn cũng sẽ có được niềm vui và hạnh phúc như Bắc đây.
Sau này, mình sẽ cố gắng sống làm sao để có thể kể về công việc của mình một cách vui vẻ, hạnh phúc như Bắc.
Ngỏ ý muốn chụp hình, nhưng em từ chối.
Tạm biệt Bắc, mình rẽ vào đường Phan Đăng Lưu với những hàng cây cổ thụ rợp bóng.
Theo lời cô em giới thiệu, mình tạt vô quán cafe Nhật Nguyệt cuối đường Võ Thị Sáu.
Quán có phong cách khá lộn xộn và thập cẩm: trang trí kiểu Trịnh ca, bật nhạc Đàm Vĩnh Hưng và đồ uống có vị như cafe vỉa hè mình mua hôm nọ.

Hạnh phúc, niềm vui thực sự rất giản đơn. Cứ yêu đời hết mình bạn sẽ không còn phải băn khoăn về câu hỏi: "Mình thực ra là ai? Vì sao mình tồn tại?" thêm nữa.
***************************************************************************************
Chap 5: Hà Tĩnh mình thương
Rời Vinh vào một buổi sáng mưa ngập lối đi. Hà Tĩnh mình thương nghe nói không mưa, nên tự tin xuất phát. Qua khỏi cầu Bến Thủy thì trời ngớt mưa rồi tạnh hẳn. Lần đầu tiên được thấy trời xanh sau mấy ngày liền mưa bão. Vui niềm vui như đón “Mạ” đi chợ về.
Theo lời giới thiệu của anh bạn xứ Nghệ, trước khi tới thành phố Hà Tĩnh, mình ghé qua Suối Tiên để tận mắt nhìn hàng thông xanh “trong truyền thuyết”. Từ biển báo thị xã Hồng Lĩnh rẽ phải khoảng hơn 3km là sẽ tới.
Mình vào tới nơi thì mưa đã tạnh hẳn và trời đã xanh trở lại. Hai bên đường toàn thông là thông. Rừng thông reo vi vu theo gió. Trộm ước: “Giá như khi chết, mình được yên nghỉ ở đây thì thanh bình biết mấy. Một cái chết thật đẹp!”.
Mới qua một trận bão, nên rừng thông bị chặt tỉa nhiều, và lá rụng thành lớp trên mặt đường.
Một mình băng rừng, một mình lội suối, một mình hát hò. Tự do và lãng du như một cơn gió.

Qua Hồng Lĩnh chạy thẳng QL1A về Kỳ Anh, điểm hẹn với Trần Đôm - bạn host của mình ở Hà Tĩnh. Chạy qua thành phố, cách Kỳ Anh khoảng 40km, chợt thấy có biển báo rẽ vào biển Thiên Cầm. Tặc lưỡi: “Xăng vẫn nhiều và thời gian thì có dư. Thì rẽ!”.
Từ QL1A rẽ trái 12km thì tới biển. Đường vào rộng và đẹp, chỉ hơi nhiều các “anh bạn bốn chân”, đi lại cũng phải lưu tâm.
Vừa rẽ vào đã ngửi thấy ngay mùi vị của biển. Mằn mặn.
Biển này được vua Hồ Quý Ly đặt tên, bởi hình dáng giống đàn tỳ bà. Mình tới không vào mùa du lịch nên biển vắng, tịnh không một bóng người. Mình không thích chốn đông người, nên càng vắng càng ..mừng.

Mới trải qua một trận bão, nên nước biển gần bờ vẫn còn đục, nhưng ngoài khơi thì đã xanh ngăn ngắt. Biển xanh, nước non xanh, trời xanh làm lòng người cũng xanh mát ngời ngợi.
Nằm trên tảng đá đánh một giấc ngon lành. Trên đầu là trời xanh, mây trắng và bên cạnh là đồi thông, biển rộng, sóng vỗ rì rầm. Thảng hoặc thì có thêm vài đàn hải âu vút qua, tô điểm thêm nét đẹp cho bức tranh Thiên Cầm.
Đời còn gì đẹp và thảnh thơi hơn?Giá có lều thì cũng cắm trại ngủ lại một đêm cho bõ công.

Ngủ một giấc thật ngon, tỉnh dậy đã hơn 4 giờ chiều. Sợ muộn giờ hẹn với bạn host, nên vội vàng leo lên xe thẳng hướng Kỳ Anh đi tới.
Ở đây, mọi người dường như có một “thói quen” khá kỳ lạ: thích đi “ngược chiều vun vút”, đi đường một chiều mà người đi ngược lại còn đông hơn người đi đúng chiều.
Kỳ Anh giống như một thị trấn của người Tàu. Biển hiệu nhà hàng, khách sạn, quán cafe...đều để song ngữ Việt-Trung. Người Tàu đi lại khá đông. Từng nghe tin đồn rằng dân ở đây, phần đa đã “bán mình” cho Trung Quốc, nhưng không nghĩ sự thực còn “phũ” hơn cả lời đồn. Khái niệm Tổ quốc dường như chưa bao giờ mỏng mảnh như ở đây.
Bạn host có cái tên khá lạ Trần Đôm, xuất thân là dân Đắk Lắk. Cách nói chuyện và ngôn từ sử dụng đặc trưng và đậm chất của mấy anh “dzai” Tây Nguyên. Bạn và gia đình xởi lởi, vui tính. Ở đây, mình còn có cơ hội “trổ tài” nấu nướng nữa. Tuy nhiên, sự thực thì bạn host giúp đỡ là phần đa ^^
Điều mình thích thú ở hình thức “ngủ nhờ” này chính là bạn có cơ hội tiếp xúc, nói chuyện gần nhất, trực tiếp nhất với dân bản địa, cũng như kết thêm nhiều bạn mới. Cớ gì sống mà không để yêu nhau?

Hà Tĩnh có biển nằm trong núi, có rừng thông xanh, có bãi biển yên tĩnh tuyệt đối và có những con người đáng mến! Có tiếc gì mà không hát vang: “Hà Tĩnh mình thương!”
IMG_0858.JPG
IMG_0879.JPG
20160914_141926.jpg
1.IMG_0301.jpg
1.IMG_0852.jpg
 
Last edited:
Re: [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2017]

***************************************************************************************
Chap 6: Quảng Bình quê ta ơi!
Sau 8 giờ ngồi tàu từ Ga Bỉm Sơn, mình đã tới được thành phố Đồng Hới. Trên tàu gặp được hai bác cháu nhà nọ hay chuyện. Chuyện rôm rả. Từ văn hóa, lịch sử, địa lý tới chính trị. Chuyện ngày xưa dân ở đây khai phá đất thế nào, chiến tranh ác liệt ra sao, rồi tới chuyện ông chủ tịch nọ ăn chặn tiền làm dân cả một dải miền Trung vất vả thế nào. Nói chuyện với người già khá bổ ích và thu lượm được nhiều kiến thức.
Gần 8 giờ tối thì về tới chỗ nghỉ. Anh/Chị chủ nhà rất tử tế. Anh là nhân viên bưu điện, chị là giảng viên Đại học Quảng Bình. Anh/Chị còn kinh doanh thêm cả khách sạn.
Biết mình tới, anh/chị chờ cơm tới tận giờ đó. Đồ ăn Quảng Bình cũng cay như ở Nghệ An. Có phần còn cay hơn. Chị Nga nói do mùa đông ở đây rất lạnh nên mới có thói quen ăn cay. Bước chân qua đất Nghệ An là bắt đầu bước vào thế giới của những ngôn từ mới mẻ. Cô giúp việc nhà chị gái Nga hay chuyện, nhưng chủ yếu dùng ngôn ngữ bản địa. Vừa nghe vừa đoán vừa được giải nghĩa thì cũng hiểu được chín chục phần trăm câu chuyện. Cô năm nay 52 tuổi, chồng mất đã lâu, hình như đang nên duyên với một chú ở quê. Ngủ với cô ba đêm thì mất hai đêm cô chú dỗi nhau. Tình yêu chẳng bao giờ là muộn.
Ở đây còn có duyên quen bạn Thiện, một sư thầy gốc Huế nữa. Lúc đầu, nhìn bạn khá “anh chị”, nên hơi e ngại, nhưng khi nói chuyện thấy bạn vẫn thân tình, rất Huế.
Có lẽ do Quảng Bình không xô bồ như Hà Nội, nên mọi người đều nhẹ nhàng, không vội vàng, và thân tình với cả những người lạ.
Sáng dậy sớm đi bộ ra sông Nhật Lệ để ngắm bình minh từ cầu Nhật Lệ. Buổi tối cầu này sẽ được thắp đèn xanh đỏ, nom lấp lánh như đang ở công viên.

Chỗ mình ở nhờ là Phùng Hưng, con đường chạy dọc sông Cầu Rào. Hết Phùng Hưng sẽ gặp Lý Thường Kiệt, con đường rải đầy hoa sữa. Hình như người miền Trung cũng thích hoa sữa như người Hà Nội. Từ Lý Thường Kiệt rẽ trái sẽ gặp sông Nhật Lệ. Con đường dọc sông được trồng nhiều cỏ xanh và thông được cắt tỉa gọn gàng. Con đường này khá yên tĩnh. Bạn có thể nghe được cả tiếng sóng vỗ vào đá, tiếng chim chuyền cành trên những nhánh cây khô. Bạn còn có thể bắt gặp vài người mắc võng nằm ngủ vào thời điểm 7 giờ sáng.

Ngoài tòa tháp Tam Tòa, nơi được đồn rằng Hàn Mặc Tử từng rửa tội, gần cuối công viên sẽ có tượng đài Mẹ Suốt. Dân Quảng Bình ngoài thói quen gọi Dì, còn gọi các cô trung tuổi là Mẹ.
Tượng đài khắc 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung, Gió lay như sóng biển tung trắng bờ... Gan chi gan rứa, mẹ nờ? Mẹ rằng: "Cứu nước mình chờ chi ai?" Nhắm mắt tưởng tượng bến sông xanh tươi này có một thời chìm trong mưa bom bão đạn mới thấy được hòa bình là điều tuyệt vời nhất.

Cuối công viên là chợ Đồng Hới. Nghe kể trước khi biển nhiễm độc, bến sông này thuyền ghe ra vào tấp nập. Thời điểm mình tới đã cách vụ nhiễm độc gần nửa năm nhưng thuyền bè vẫn gối đầu nhau, ngủ yên dọc bờ sông. Thi thoảng mới bắt gặp vài chiếc thuyền thúng đi thu cá ở các lưới giăng mắc trên sông.
Thử nằm lăn trên bãi cỏ với hoa vàng, cỏ xanh, nghe gió sông thổi mát lạnh, để suy nghĩ thật tĩnh lặng, bạn sẽ thấy cuộc sống có gì đâu phải vội vã, có gì đâu phải gấp gáp.

Theo lời giới thiệu của anh Heo ở Vinh, mình tạt vô quán Tree Hugger Cafe. Quán màu xanh lá, mát mắt. Trong quán được trang trí nhiều đồ nhỏ xinh và hoa khô. Cảm giác như được gặp lại mấy quán hay đại lý du lịch ở Vang Viêng - Lào vì quán được bài trí theo phong cách du lịch bụi với đầy đủ thông tin các tour, ảnh người, cảnh treo lúc lắc bằng mấy sợi dây gai. Quán có view đẹp. Nhìn thẳng ra bờ sông Nhật Lệ và tòa tháp Tam Tòa.

Tiếp tục đi theo hướng mặt trời mọc là tới bãi tắm Nhật Lệ. Bên trái đường có tháp Đèn biển Nhật Lệ. Leo lên trên ngó xuống cũng thú. Bãi tắm trải một đoạn dài. Nhìn sang bán đảo Bảo Ninh với ngút ngàn dừa xanh. Biển xanh. Cát trắng. Nắng vàng. Hoa muống tím. Nếu may mắn đi vào thời điểm ít người, bạn có thể ngả lưng trên ghế đá, được xếp dọc bờ biển, dưới những tán cây thông, đánh một giấc. Sóng và gió sẽ kể bạn nghe về lịch sử oai hùng, một thời bom đạn của nơi này. Dọc bờ sông cách một đoạn lại có một tấm biển đề mốc lịch sử về một trận chiến, một trận oanh tạc. Nơi này đã khi nào ngơi ngớt chiến tranh? Gió biển Quảng Bình không mang vị mặn mà mát lạ kỳ. Có lẽ do hòa với gió sông Nhật Lệ nên biển cũng bớt vị mặn mòi.
Tiếp tục đi dọc đường bờ biển thêm 4km từ bãi tắm sẽ gặp đồi cát Quảng Phú. "Chang chang đồi cát nắng trưa Quảng Bình". Đường tới đồi cát đẹp và dễ đi. Hai bên đường toàn thông là thông. Một bên là biển xanh, còn một bên là đồi cát trắng. Khu này đẹp nên dịch vụ đang phát triển hơn. Nhà cao tầng thi nhau mọc lên san sát. Đây là sự đánh đổi mà phần đông mọi người đều muốn, nhưng là "tiếc nuối" của một phần ít ỏi còn lại. Phát triển đổi chỗ cho hoang sơ.
Cuối đường thông có một số đường đất nhỏ rẽ vô chân đồi cát. Có lẽ do sự phát triển mới ở mức "tương đối" nên người dân vẫn rất đáng tin. Mình khóa xe để dưới tận chân đồi rồi leo lên tận đỉnh chơi bời mấy giờ đồng hồ, xe cộ vẫn còn nguyên vẹn. Đến đồi cát vào thời điểm hoàng hôn, nắng đã thôi chói chang, và vừa đủ để dát vàng cả ngọn đồi. Đứng từ trên đỉnh nhìn xuống, một bên là biển rộng, một bên là rừng bát ngát. Chiều buông chông chậm theo ánh mặt trời. Càng về chiều cảnh cảnh đẹp. Không chỉ có nắng, mà sương cũng bắt đầu giăng mắc trên đỉnh các ngọn cây. Đẹp mê hồn.

Trượt cát là một trò chơi thú vị mà ai cũng nên thử khi đã cất công lên tới đỉnh đồi. Chỉ cần một tấm phim chụp X-Quang hay một tấm bìa trơn và một chút dũng khí là bạn đã có thể bắt đầu trò chơi "mạo hiểm" này. May mắn, khi leo tới đỉnh thì gặp mấy cậu nhóc lớp 6, 7 đang chơi, nên mình cởi giầy xin nhập nhóm liền. Trò này đơn giản nhưng cũng cần những kỹ năng nhất định. Khi trượt, ngoài việc tay phải giữ chặt để định hướng cho "tấm ván", thì chân phải co lên làm sao cho không chạm tới cát. Vài lần đầu chưa khéo mình chỉ trượt được tới nửa đồi rồi bị lăn tròn xuống tận chân đồi. Miệng đầy những cát. Đầu & người không chỗ nào không có cát.

Khi nhận được câu trả lời có cho câu hỏi :"Chị có học đại học chi không?" các bạn đều xuýt xoa hâm mộ. Có một chút cay cay nơi khóe mặt và một chút xót xa trong lòng. Văn hóa "thực sự cần thiết" không biết tới bao giờ mới phổ cập tới nơi này, để trẻ con không phải ước ao vì những điều hiển nhiên.
Đi xa hơn một chút khỏi thành phố Đồng Hới, theo đường mòn HCM, khoảng 35 đến 60km bạn có thể tới thăm quan các điểm như: động Phong Nha Kẻ Bàng, động Thiên Đường, Hang Tối, sông Chày, hang Tám Cô. Thẳng quốc lộ 1A từ 30~80km, bạn sẽ tới được bãi Đá Nhảy và mộ bác Giáp. Tất cả các điểm này đều nên đi vào mùa khô.
Mình đi trúng mùa mưa, trúng ngày bão nên động Phong Nha không bán vé, chỉ đi được động Thiên Đường. Mưa to nên nước suối chảy xiết. Các trò mình dự tính chơi đều bị hủy: tắm bùn và nhảy zipline. Để vào Động phải đi qua Khe Gát rồi rẽ vào Tây Trường Sơn khoảng 14km. Khe này lúc quay về đã bị nước lũ vùi lấp nên phải đi vòng xa hơn lúc đi. Đường vào quanh co, khúc khuỷu. Có đoạn còn có biển nhắc nhở: "Đường dốc, đề nghị cài máy số 1". Hôm mình đi trời bão to, nên các dãy núi đều bị mây che phủ, thi thoảng mới ló dạng. Mưa trắng trời, tạt vào mặt bỏng rát. Dòng suối cạnh con đường nước dâng cao, đục ngầu và gầm gào đáng sợ. Thời chiến các cụ sợ mùa mưa Trường Sơn là phải.
Theo quan điểm cá nhân thì động khá đẹp, nhưng hơi thiếu so với cái giá 250k vé vào cửa. Hoặc giả, mình thuộc tuýp chỉ thích mấy trò chơi “vớ vẩn” chứ không thuộc tuýp ưa khám phá. Giá như đi vào mùa khô thì đã thu được hết cái hùng vĩ của dải Trường Sơn này vào mắt. Khá đáng tiếc.

Động Phong Nha không bán vé, nên dù trời mưa tầm tã, đường vào tối thui, sâu hun hút mình vẫn nhấn ga nhằm hướng hang Tám Cô đi tới. Càng đi sâu vào rừng đường càng dốc. Đổ đèo liên tục. Mưa càng ngày càng nặng hạt. Kính bị phủ mờ mịt. Xung quanh là rừng già. Chỉ có tiếng suối đổ, không một bóng người và âm u tới hạn. Chỉ cần một chút lơ đễnh là cả xe và người sẽ bay xuống vực sâu. Gom hết dũng cảm để đi tiếp, vừa đi vừa tự nhủ: "Đi là để trở về" để giữ chặt tay lái. Nhưng...khi còn khoảng 5km nữa là tới hang, vừa sợ ma, vừa không nhìn thấy đường, lại liên tục đổ đèo, thì một chút dũng khí vừa gom được đã tan thành mây trời. Lụi cụi quay xe ra về. Vừa quay về vừa khóc ấm ức. Ấm ức với bản thân vì đã không đủ dũng cảm để đi hết chặng đường. Nếu trời không mưa thì mình sẽ hoàn thành chặng đường chứ?
Mưa ngập lối, lại đi đường mòn vắng người nên cảm thấy đường về xa lắc. Nhìn mấy sợi khói mỏng bay lên từ nếp nhà ven đường, hòa trong cơn mưa và cái lạnh đang ngấm dần, chỉ ước được về nhà. Đúng lúc điện thoại phát bài Trở về. Lẩm nhẩm mấy câu của Thôi Hiệu: " Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu." mà tim không thôi bổi hổi.
Kinh nghiệm rút ra: nên tới Quảng Bình vào mùa khô để cảm được hết cái đẹp, cái vui nơi đây. Bờ biển cát trắng phau. Đồi cát chang chang nắng trưa. "Đường Trường Sơn xe anh thẳng tiến", dài tít tắp và xanh ngắt rừng già. Phong Nha Kẻ Bàng di sản đã được công nhận. Hang Tám Cô với đường vào "lạnh" thấu tâm can. Động Thiên Đường với chỗ nghỉ trên đỉnh núi nhìn rõ dãy Trường Sơn hùng vĩ. Hang Tối sông Chày với các trò chơi zipline, kayak, hay tắm bùn.
1.IMG_0929.jpg
1.IMG_1007.jpg
1.IMG_09091.jpg
20160920_171853.jpg
1.IMG_1085.jpg
1.IMG_1088.jpg
1.IMG_1077.jpg
20160920_081655.jpg
View attachment 145684
1.IMG_1029.jpg
 
Last edited:
Re: [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2017]

***************************************************************************************
Chap 7: Quảng Trị “sầu” và “thảm”
Sở dĩ nói Quảng Trị “sầu” và “thảm” vì những trải nghiệm của mình nơi đây thực sự nhuốm hai màu “sầu thương” và “thảm thương”.
Rời Quảng Bình vào một ngày nắng, nhưng vừa qua cầu sang đất Quảng Trị thì trời lại đổ cơn mưa. Quảng Trị đón mình nồng hậu quá. Mưa còn lớn hơn những lần mưa trước. Nghe nói “lại” bão.
Mưa lớn nên mình phải dừng nghỉ trước khi tới điểm hẹn với bạn host ở Quảng Trị. Tối đó nghỉ ở Gio Linh. Nghe tới Gio Linh, thì trong đầu không nghĩ gì ngoài Bà mẹ Gio Linh, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và các chiến tích oai hùng từng diễn ra nơi đây. Trong không khí đó, lòng không khỏi cảm phục, mến mộ và vương chút “sầu thương”.
Mưa lớn nên trời khá lạnh, cộng với ý nghĩ nơi này vô cùng linh thiêng, nên thấy”lạnh” hơn. Nơi này từng là “túi hứng bom đạn” trong thời chiến mà.
Từ thị trấn Gio Linh, đi khoảng 16km sẽ vô tới đường mòn Hồ Chí Minh, rẽ phải, đi thêm một đoạn sẽ thấy nghĩa trang Trường Sơn với biển báo lớn ngay mặt đường. Nghĩa trang được đặt tại khu vực đồi bến Tắt, là nơi khởi nguồn của sông Bến Hải và là điểm đầu tiên của con đường Trường Sơn phía Nam.
Nghĩa trang trồng nhiều cây xanh, mát mẻ và linh thiêng. Xung quanh được bao bọc bởi núi rừng, như muốn giấc ngủ của các anh, các chú được “ngon” hơn. Không khí tĩnh lặng tới nỗi nghe được tiếng quạ kêu, vượn hót, và tiếng nước chảy.
Hôm mình tới, nơi đây vừa trải qua cơn mưa, trời như xanh hơn, không khí như sạch hơn, và ngoài ba chú công nhân phục vụ thì chỉ có mỗi mình. Các ngôi mộ được xây dựng ngay ngắn, thẳng hàng nhưng trải dài như không có điểm dừng. Đầu mình liên tục vang lên câu hỏi: “Có bao nhiêu tuổi hai mươi đã thành sóng nước nhỉ?”, và lòng không khỏi thổn thức. Cái giá cho hòa bình là quá lớn. Chiến tranh không có nghĩa gì ngoài tang thương và chết chóc. Nhiều ngôi mộ có tên, nhưng có không biết bao nhiêu ngôi mộ không tên, xếp hàng dài, yên lặng, cạnh nhau. Tất cả đều mang màu trắng ám ảnh. Mỗi ngôi mộ là một đời người, một câu chuyện đã mãi bị vùi lấp. Liệu có đáng? Chưa kể số anh hùng liệt sỹ đã hi sinh, mà không sách bút nào ghi nhận, không được ai biết tới, không thể trở thành cả một kí ức.
Rời nghĩa trang trong thổn thức, mắt đẫm lệ nhòa. Liệu có ai mà không cảm thấy sầu thương ám ảnh khi tới đây?

Từ Gio Linh quay ngược lại phía Quảng Bình, rẽ vào QL1A cũ khoảng 12km sẽ gặp cầu Hiền Lương huyền thoại, nơi có vĩ tuyến 17 chia cắt 2 miền, có cột cờ bền gan trường tồn cùng vận mệnh đất nước. Cầu được sơn thành 2 màu xanh và vàng để phân biệt hai miền Nam Bắc. Đặt chân lên nơi đây vào thời bình, có lẽ khó mà hiểu hết được giá trị thiêng liêng của nó, nhưng đó là cả một lịch sử oai hùng và thiêng liêng của dân tộc.

Tới Quảng Trị, không thể bỏ qua một địa điểm “khốc liệt” khác, thường được nhắc tới như “cối xay thịt người” trong thời chiến: thành cổ Quảng Trị. Thành cổ nằm trong địa phận thị xã Quảng Trị cách Gio Linh khoảng 16km.

Mình tới thành cổ đúng lúc có vài đoàn tham quan, có hướng dẫn viên, nên “tự động” ghép đoàn để nghe những câu chuyện thiêng đã diễn ra nơi đây. Những câu chuyện được kể bằng giọng truyền cảm của chị HDV làm nhiều người rưng rưng, có người còn òa khóc. Nhất là khi chị ấy cất giọng đọc bài thơ của nhà thơ Phạm Đình Lân:
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào
Tàn khốc và oanh liệt. Diện tích thành cổ không lớn, nhưng 81 ngày đêm năm đó nó đã phải hứng chịu sự tàn khốc như vậy, ai mà không đau xót. Trong thành cổ không có nấm mộ nào, nhưng mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ xanh tươi nơi đây lại đã từng thấm máu bao người.

Đi thêm 1 đoạn sẽ tới sông Thạch Hãn. Vì đã từng khóc nức nở khi xem phim Mùi cỏ cháy, bộ phim về cuộc sống và tâm tư người lính trước và sau khi bước chân vào thành cổ, nên mình không kìm được xúc động khi được tự đặt chân tới đây. Nằm bên bờ sông, ngó dòng sông chảy êm đềm, thuyền đánh cá tự do tung lưới, không thể mường tượng ra dưới đáy sông là bao nhiêu tuổi 20 đã nằm lại.
Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
Đây “cỏ non thành cổ”, kia “tuổi hai mươi thành sóng nước”, hàng triệu, hàng trăm vạn tuổi xuân để lại nơi đại ngàn không vết tích. Quá khứ đã như vậy, hiện tại nên thế nào mới phải đây?
Có một “sự cố” nhỏ đã xảy ra ở Quảng Trị, nên với mình nơi đây ngoài sầu thương, còn có chút “thảm thương”. Do sơ ý, mình đã để “lạc” mất ví với một ít tiền mặt và một số giấy tờ mà không xin lại được. Cũng may, do biết chút “thủ thuật” khi đi xa, tức là, găm tiền mặt ở nhiều nơi, mỗi nơi 1 chút, giấy tờ cũng vậy, để khi mất sẽ không mất “sạch sành sanh”, nên mình vẫn còn lộ phí và giấy tờ tùy thân để đi tiếp. Và cũng nhờ “sự cố” này mà những chặng về sau, mình được hưởng một số may mắn không ngờ. Hihi.
Trong cái rủi, có cái may. Vậy đấy!
Mặc kệ rủi ro nhỏ đó, với mình, Quảng Trị vẫn là nơi rất đáng để tới, để cảm thấy tự hào, biết ơn. Dù chính quyền có ra sao thì đất nước vẫn là Tổ quốc đẹp xinh!
1.IMG_1109.jpg
1.IMG_1146.jpg
1.IMG_1154.jpg
IMG_1138.JPG
20160923_103432.jpg
1.IMG_1140.jpg
 
Last edited:
Re: [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2017]

Chap 8: Mưa, sầu, cơm hến và tình Huế
Huế cách thị xã Quảng Trị khoảng 60km, nên sau khi lặng mình trước dòng sông Thạch Hãn, mình chạy thẳng tới Huế.
Trên đường đi, lại được gặp trời xanh sau hai ngày “ăn dầm, nằm dề” ở đất Quảng Trị do mưa bão.
Nhắc tới Huế là nhớ tới bài thơ về thôn Vỹ, về những vườn cau xanh mướt như ngọc, nhưng lá trúc che ngang mặt chữ điền và những thiếu nữ Huế với “áo em trắng quá nhìn không ra”...
Có vẻ như Huế đang vào mùa thu hoạch cau, dọc đường từ thị xã Quảng Trị tới gần thành phố Huế, gặp cơ man nào là xe thu mua cau. Cau được xếp chồng lên các xe tải to. Trong quan điểm của mình, mùi thơm của lá trầu, quả cau là mùi dân giã và dễ mang lại cảm giác bình yên lạ kỳ.
Ban ngày Huế nắng chang chang, nhưng tới tối, vừa bước vào phố đi bộ thì trời đổ cơn mưa. Khá nặng hạt và dai dẳng. Chạy vội vào trú dưới chân một cột đèn lớn. Đối lưng với mình là một đôi có vẻ đang rất muốn chỗ nghỉ”. Mình cứ tưởng, người Huế thường không thích lộ liễu như vậy nên hơi bất ngờ. Nhưng kệ. Ánh đèn vàng hiu hắt, chiếu bóng loang lổ của cành lá lên làn mưa. Buồn muốn héo tim.
Mưa day dứt mãi không tạnh. Mưa lớn rồi mưa nhỏ, nối nhau rơi như muốn để du khách cũng được thấm đẫm mình trong cái nét buồn nơi đây.
Nói mưa là đặc sản của Huế cũng không ngoa. Mưa dăm ba phút thì ngừng vài giây, để mọi người có thời gian mà “ngấm". Mưa dầm dề cộng hưởng với sự yên bình của Huế tạo nên một nỗi buồn không nơi nào có được. Nhưng đó dường như cũng là khoảng thời gian, không gian phù hợp để thả hồn vào một nỗi man mác khó hình dung, giúp lòng có những giây yên bình vô hạn.

Chịu hết nổi cảnh “mùi mẫn” bên cạnh, mình lướt qua mái hiên một nhà hàng sang trọng để trú mưa. Có một chú trạc tầm 50 tuổi, cũng đang trú mưa. Tay xách nách mang, khuôn mặt khắc khổ, như cả cuộc đời chưa một phút thảnh thơi. Chú ngồi lặng lẽ trong một góc tối, ghé mắt nhìn vào nhà hàng sang trọng nọ, đôi mắt như thêm sầu thăm thẳm. Hỏi chuyện thì được biết, chú xa quê lên thành phố làm ăn đã lâu, nay phải về trong đêm vì mạ chú bị bệnh nặng. Chú kể bằng giọng Huế nặng. Nghe buồn buồn.
Cuộc đời thật nhiều nỗi thống khổ. Với vài người, bỏ dăm trăm ngàn hay một vài triệu ăn một bữa “sang chảnh” chẳng bao giờ phải nghĩ nhiều, nhưng với một vài người khác, được đàng hoàng bước vào một nhà hàng sang trọng có vẻ như là điều quá sức xa xỉ trong cuộc đời.
Hình như trong cõi trần này chẳng tồn tại thứ gì gọi là công bằng cả.
Huế buồn lại thêm sầu.
May còn khoản đồ ăn, uống ở Huế rẻ nhưng lại rất ngon bù lại, nên thấy đời còn chút vui.
Hôm chiều vừa tớ Huế, bụng réo ầm ĩ nên thây kệ nỗi buồn mất đồ (cũng như bị sờn chút lòng tin con người) mình phi ra mấy quán vỉa hè tìm đồ ăn. Với mình, phải mấy quán ăn uống vỉa hè, bán mấy đồ đặc trưng của địa phương mới là mấy chỗ nên ghé qua khi “đói khát", chứ mấy hàng quán “to oành", bán mấy món “sang chảnh" thì ở đâu mà không có.
Quán đầu tiên mình ghé là quán hủ tiếu. Khách đông. Hầu như toàn sinh viên. Chắc mẩm ngon rồi đây, nên tạt vô.
Hủ tiếu ngon quá sức tưởng tượng của mình. Món này được phục vụ kèm với một đĩa dưa chua và “có vẻ” như là cà rốt + hành muối. Không hề khó ăn, mà ngược lại, còn làm cho món hủ tiếu khô dễ ăn và ngon hơn.

Ăn xong mình lang thang, tạt vô quán cafe. Tiếng cười nói huyên náo một góc. Rặt tiếng “Huệ”. Nằng nặng mà nghe sao thân thương. Cafe nâu đá 8k/ cốc. Rẻ bèo, mà lại chất.
Nói về đồ ăn Huế, mình bị ấn tượng “sâu sắc” với món cơm hến. Số là, lần trước đi cùng lũ bạn, có ghé quán cơm hến đó một lần, “nhớ” là nó rất ngon, nhưng...lần này, bát cơm cay trên mức mong muốn của mình. Vừa ăn vừa uống nước (nước lọc vì uống bát canh đi kèm còn khổ hơn), mà cũng chỉ xơi được nửa bát. Chưa kể, vừa ăn vừa khóc. Với những bạn ăn được cay, thì cơm hến là một món thực sự ngon, bổ, rẻ, vì chỉ có 10k/bát, mà đầy ắp những hến.

Mình đến Huế ngay sau khi mất đồ ở Quảng Trị. Biết mình không còn CMT, chị chủ nhà nghỉ Tuấn Anh, ưu tiên dành nguyên phòng cho mình với giá của một giường, và không quên dặn dò bằng giọng Huệ ngọt lịm: “Lần sau, đi đâu phải cẩn thận nghe em!”. Sau khi biết mình đang trên đường vào Quảng Nam, chị còn nhiệt tình lấy nước đầy bình, rồi dúi vào tay mình, giúp mình buộc đồ, chỉ đường cho mình.

Đến Huế, gặp người Huế, gặp cảnh Huế, không thể không nhớ đến bài hát Rất Huế:
“ Giữ chút gì rất Huế đi em
Cánh thơ, áo trắng chấp hai tà
Để vạt lụa bay trên đường chiều
Ngỡ mình lạc chân trong cõi mơ”
20160924_083930.jpg
20160924_084018.jpg
1.IMG_1163.jpg
1.IMG_1176.jpg
20160924_081620.jpg
20160924_105653.jpg
1.IMG_1158.jpg
 
Last edited:
Re: [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2017]

Chap 9: Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi...
Sau khi ăn sáng bên dòng sông, uống cafe cạnh Hoàng thành, con đường rợp bóng cây xanh, để cảm xúc hòa tan vào không khí mát lành nơi đây, mình lại lên đường.
Đà Nẵng đã ăn dầm nằm dề vài bận, lại nghe nói đang có Đại hội thể thao biển quốc tế gì đó, dự là Đà thành sẽ đông như trảy hội, nên mình phi xe thẳng về Hội An - cho yên bình.
Tính từ Hà Nội đổ vô, chặng này có thể coi là chặng đẹp nhất.
Theo lời giới thiệu của các vị tiền bối trong giới, mình không đi theo QL1A mà từ thành phố Huế, chạy ra bãi tắm Thuận An theo đường TL49B.
Đường tỉnh lộ vòng vèo, xuyên qua nhiều làng chài nhỏ xinh, với những lũy tre xanh xanh tự bao giờ. Các xóm nhỏ ở đây vẫn giữ được phần nhiều nét xưa cũ mà hầu hết các làng quê thời nay đã đánh mất. Mình có cảm giác được trở về với tuổi thơ xưa khi bắt gặp cảnh bọn trẻ con tung tăng cặp sách tới trường. Khăn quàng đỏ phấp phới bay, tay trong tay đi dưới lũy tre làng, vừa đi vừa hò reo, nô đùa ầm ĩ. Vài quán cóc nhỏ mọc lên ven đường, với dăm ba gói bỏng, bim bim. Hy vọng các em có thể trân trọng nơi mình lớn lên và lấy đó là cội gốc để phát triển. Ở thời nay, không còn nhiều những tuổi thơ yên bình đến thế.
Con đường tỉnh lộ nằm giữa hai đầm Thanh Lam & Hà Trung, lúc là bê tông, khi là đường đất. Bãi tắm Thuận An đẹp với rừng thông cạnh bãi biển. Gió thổi, thông lại reo vi vu. Bãi tắm Thuận An có bãi cát trắng phau, phía bên kia là đầm rộng mênh mang những nước. Trên đường đi bạn sẽ gặp chợ Vinh Hiền, khoảng 8km nữa sẽ tới cầu Tư Hiền. Rẽ vào con đường nhỏ vô chợ, bạn sẽ gặp cảnh tượng khiến tim như ngừng đập, choáng ngợp trước cảnh mênh mông của sóng nước đầm Cầu Hai. Mình không kìm nén nổi cảm xúc và nhảy loi choi rồi hét ầm ĩ giữa trưa nắng gắt:”Đẹp quá đi cha mạ ơi!!!”. Mình hét to đến nỗi có một chú, chắc là người địa phương, giật mình, dừng nhâm nhi ly cafe, chạy qua hỏi thăm. Sau khi trình bày, chú bỏ đi, để lại mình với đất trời mênh mang. Nếu bạn là mình, bạn cũng sẽ hét lên như vậy thôi. Con đầm rộng thênh thang, vài chiếc thuyền con neo đậu yên bình, soi bóng nước, xa xa là những dãy núi xanh xanh với mây gắng vờn quanh. Như một cảnh bước ra từ những bài thơ vậy.
Từ chợ này đi 8km nữa là tới cầu Tư Hiền. Cầu bắc qua con đầm Cầu Hai, một bên là đầm, một bên là đã thấy biển. Cầu rộng, dài và chỉ có mình mình. Qua cầu sẽ tới chân đèo Phước Tượng. Đường đèo không khó, và hôm mình qua là tầm 2 giờ chiều, nên thấy vắng vẻ. Mát lạnh gió ngàn, thơm lừng mùi lá cây. Vừa đi vừa tự nhủ lòng, nếu đi đường QL làm sao có được những cảm xúc này đây, ngàn lần biết ơn anh tiền bối đã chỉ đường đi nước bước. Đi chậm vài năm nữa chưa chắc đã còn những yên bình mà hưởng.
Mình đã 2 lần đi xe máy qua đèo Hải Vân, nhưng toàn ngồi ghế sau. Lần này, tự mình cầm lái, để gió sương phả vào mặt, khỏi cần nói chắc mọi người cũng đoán được mình đã hú hét như điên cả chặng đường dài đó. Mặc kệ ai nhìn.
Mây bay là là mặt đất, giăng phủ làm đèo mờ ảo như chốn bồng lai tiên cảnh. Những khúc cua tay áo, quanh co, đẹp ngỡ ngàng. Đứng từ trên đỉnh nhìn xuống bạn sẽ thu được cả thành phố Đà Nẵng vào tầm mắt. Không thể diễn tả hết bằng lời cái đẹp nơi đây. Có điều kỳ lạ là 2 lần tụi mình đi qua, toàn “bỏ quên” cái đỉnh, nhưng rõ ràng là nó rất nổi bật, nên mình băn khoăn, có phải để lần này mình được chiêm ngưỡng với trọn vẹn cảm xúc mà những lần trước đều không thấy nó. Cả chặng đường đèo headphone chỉ phát duy nhất bài “Tàu anh qua núi”, cảm xúc như được khắc sâu hơn, cái đẹp nơi đây như được khắc cốt ghi tâm hơn với cảm xúc trọn vẹn nhất.

Qua đèo Hải Vân, mình dừng chân ở quán chân núi, cái quán cóc cạnh đường tàu, mà lần nào tới đây, mình và lũ bạn cũng dừng chân tiếp cốc cafe. Cô chủ quán vẫn nhận ra mình, ưu tiên cho con bé cốc to oạch, trong khi các thanh niên ngồi bàn bên chỉ được ly nhỏ. Ở đâu cũng thế nhỉ, có “tí” quen biết vẫn khác.

Kết thúc chặng đường qua đèo với nguyên cảm xúc hưng phấn trước những cảnh đẹp siêu thực, mình nhấn ga, Hội An thẳng tiến.
1.IMG_1193.jpg
1.IMG_1199.jpg
IMG_1185.JPG
20160924_131540(1).jpg
 
Last edited:
Re: [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2017]

Chap 10: An yên như Hội An
Qua đèo Hải Vân, mình chạy qua Đà Nẵng về thẳng Hội An.
Hôm mình qua, Đà Nẵng đang tổ chức Đại hội thể thao bờ biển hay biển quốc tế gì đó. Cháu nó đã không biết đường thì chớ, con đường ngắn nhất, quen nhất tới thành Rome lại bị chặn, làm cháu phải mất thêm một lúc nữa dò dẫm hỏi đường.
Tới cầu vô Hội An đã là 5 giờ chiều. Mình tới vừa đúng lúc dòng sông đang được mặt trời dát vàng óng ánh, dưới sông là chiếc thuyền con đang yên bình nằm lặng lẽ.
Cuộc đời, gì đâu, lúc nào cũng đẹp như một bài thơ.
Ngơ ngẩn ngó cảnh đó đến hơn 5:30, sát giờ hẹn với anh Ninh, chủ homestay mình ở, mới sực tỉnh, nhấc mông chạy hối hả, cho kịp.
Anh Ninh năm nay 34, thầy giáo dạy Toán, Lý, nhưng nom không có vẻ gì là khô khan, trái lại mình thấy anh hơi mỏng manh và hợp làm thầy dạy Văn hoặc Sử hơn.
Biết mình đi 1 mình, Anh nhiệt tình chỉ từ đường đi nước bước, rồi đến chỗ chơi như thế nào. Nhiệt tình của anh làm kẻ lang thang như mình cảm thấy ấm lòng biết bao. Bố Mẹ và em trai anh cũng vậy, họ làm mình có cảm giác như được sống ở nhà vậy, dù cách nhà tận gần nghìn km lận.
Em trai anh sẵn lòng đưa mình đi chơi phố cổ, khi thấy con bé có vẻ sợ ma, nhưng lại muốn chơi khuya.
Bố Mẹ anh dù khác biệt giọng nói, và nói chuyện phải vất vả lắm mới hiểu nhau, vẫn tiếp chuyện mình nhiệt tình, ấm nồng.
Homestay mình ở, có nhiều cau, và vườn dừa bao quanh, xanh, mát ngời ngợi. Ở homestay có nhiều ích lợi mà ở khách sạn đời nào có được, nên mình rất thích kiểu ngủ nhờ và homestay là vậy.
Chỗ ở cách phố cổ 4km, và gần bên cầu cửa Đại, từ phòng ngó ra đã có thể thấy cầu rồi. Trong vòng bán kính 10km2 là đi được khá nhiều chỗ hay ho rồi.
Phố cổ thì không bàn, vì ai tới Hội An mà không đi bộ vài vòng quanh phố cổ. Phố này phải đi vào ban ngày mới có cảm giác là “đất của mình”, còn về đêm là đất của Tây, của dân du lịch. Người đi bộ đông như nêm, chen lấn.

Cách phố cổ 4km là làng gốm Thanh Hà. Làng gốm này bị thương mại hóa rồi, nên mình chỉ ghé nói chuyện với chị nặn và bán nồi đất rồi về. Nếu đi lần đầu, bạn cũng có thể ghé vô nặn gốm với dân cho biết. Nặn thử không mất tiền, nhưng trước khi rời đi cũng nên mua vài món nhỏ xinh. Cũng chỉ tầm 5k cho 1 con tò he thôi. Rẻ hều.
Hội An còn có cầu Cửa Đại và bờ biển cửa Đại đẹp mê ly. Cầu dài, rộng và đẹp, bắc qua vịnh Cửa Đại. Đứng từ trên cầu có thể nhìn thuyền bè xuôi ngược. Giữa cầu người ta còn chu đáo thiết kế hẳn một chỗ nhô ra, dành cho mọi người đứng ngắm cảnh. Đứng trên cầu nhìn xa ngút tầm mắt vẫn chưa hết sông, hết biển. Từ chân cầu rẽ trái, hướng ra biển cửa Đại, bạn sẽ được đi qua con đường với rừng dừa nước. Thấy có biển đề khu này là khu vực bảo tồn dừa nước. Nghe nói, để tránh đất liền bị xâm mặn.

Đến biển cửa Đại lúc 1 giờ chiều, giờ vãn khách. Trưa nắng, biển vắng, gió mát. Trời cứ xanh và rộng như vô tận. Biển cứ xanh và xa như vô bờ. Dọc bờ biển là rừng dưa đong đưa trong gió. Đây đó có vài kẻ lữ hành cô độc nằm đọc sách dưới bóng dừa. Kìm lòng chẳng đặng, mình rải áo làm chiếu, lấy khăn làm gối, nằm trên mấy bao bố (chắc được đắp làm đập để chống bão), đánh một giấc. Giấc ngủ mát lành dưới bóng dừa.

Đến Hội An mà không ăn cao lầu xứ Quảng, mì Quảng, thì khá đáng tiếc. Món gì cũng ngon. Hoặc có thể do mình dễ nuôi. Nếu muốn uống cafe thì có thể uống ở quán vỉa hè của Dì gần cầu Nhật Bản. Cafe đen, đặc sánh, không vị đỗ tương, 8k/ly. Sáng dậy sớm làm vài vòng ngắm bình minh phố cổ, hưởng cái không gian vắng người yên tĩnh, rồi ngồi đó, nhâm nhi ly cafe, ngắm sông Thu Bồn nước lững lờ trôi. Dòng đời như trôi thật chậm.
Dòng đời vội vã rồi cuối cùng còn lại gì?
1.IMG_1204.jpg
1.IMG_1216.jpg
1.IMG_1245.jpg
20160925_070447.jpg
20160925_074054.jpg
1.IMG_1223.jpg
1.IMG_1213.jpg
20160925_113328.jpg
20160925_144435.jpg
 
Last edited:
Re: [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2017]

Chap 11: Lý Sơn - Nắm tỏi yêu thương
Sau khi thong thả ăn sáng, uống cafe phố cổ, 9h mình bắt đầu xuất phát đi Quảng Ngãi từ Hội An. Chạy thẳng qua cửa Đại là đường đi Tam Kỳ - nơi có làng Bích Họa mới nổi dạo gần đây. Đó là một con đường rất đẹp, và vắng. Từ cầu chạy khoảng hơn chục km vẫn gặp các cồn cát trắng, xen lẫn là đám xương rồng. Cảm giác như đang chạy trên sa mạc vậy.
Anh bạn ở Quảng Ngãi cảnh báo mình rằng trời đang bão, và có thể không ra được Lý Sơn. May sao, chỉ tới Tam Kỳ là trời ngớt mưa rồi dừng hẳn, thậm chí còn hửng nắng.
Có lẽ “xuống chó” nhiều rồi, nên tới đoạn này được “lên voi” chăng? Haha.
Mình vừa tới thì biển êm và tàu được phép chạy ra đảo.
Mình không thích những không gian hẹp, chật chội, nên đi tàu bao giờ cũng ngồi ngoài boong. Khác lần trước, lần này mình đi một mình và không gặp anh lính biển nào để cùng nhau ngồi hát những khúc ca về biển cả.
Vẫn còn đây những mái đình lợp ngói phủ màu rêu, vẫn còn đây những chiếc thuyền nép mình bên bến ngủ sau chuyến đi biển dài ngày, và nước biển vẫn xanh màu thạch bích, nhưng Lý Sơn thì đã thay da đổi thịt nhiều.
Khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm. Có một điều mình thấy khá thú vị ở đây đó là cách sử dụng điện của người dân. Lý Sơn mới có điện vài năm trở lại đây. Dân đảo dùng điện như cái cách mà dân quê mình sử dụng điện vào dịp Tết vậy. Đèn nháy chăng khắp nơi, những chiếc loa to để trực tiếp ngoài đường, bật inh ỏi, karaoke bắt đầu vào lúc 3h chiều... Nhưng thay đổi lớn nhất có lẽ là con đường bao quanh đảo. Hồi trước mình ra chưa có, nhưng tới năm nay đã xây xong được một nửa. Dân đảo nói, chỉ nửa năm nữa là hoàn thành nốt phần còn lại. Khi đó có thể chạy xe nguyên một vòng quanh đảo, mất chừng 30 phút.
Có điện, thông tin đến với dân đảo nhiều hơn, đa chiều hơn. Mình đã có thể ngồi bàn về chính trị hiện nay như nà0, tình hình đất nước phát triển ra sao với cô chú chủ nhà chỗ ở nguyên cả buổi chiều. Chỉ vài năm nữa thôi, Lý Sơn sẽ trở thành một thành phố nào đó. Ngồi trong nhà sẽ lại nghe thấy còi xe inh ỏi ngoài đường. Bụi sẽ là phủ một lớp lên những con thuyền, những bông hoa muống tinh khôi nơi đây. Khi đó, có lẽ mình sẽ không trở lại Lý Sơn nữa. Tuy nhiên, với người dân nơi đây, sự phát triển này là cần thiết, và sự đánh đổi này là đáng giá.
Phát triển vật chất nhanh là vậy, nhưng ngư dân nơi đây vẫn chân chất thật thà. Họ vẫn là những người con của biển cả, ăn sóng nói gió, với sự đối đãi, sự chân tình đậm đà như nước biển.
Biết mình có một mình, lại từ nơi xa tới, cô chú Phẩm “bố trí” hẳn một phòng riêng đợi mình (nhưng chỉ tính giá như một người ~50k/đêm), lại săn sóc mình như người nhà. Họ mang những câu chuyện mình nhặt nhạnh được trên đường mang kể với khắp hàng xóm làng giềng. Họ giới thiệu về mình với giọng trách yêu như khi cha mẹ kể về những đứa con: ”Con gái mà đi một mình, xa xôi vậy đó!” . Ấm áp tận đáy lòng.
Trước khi rời Lý Sơn để tiếp tục cuộc hành trình, cô chú và cô hàng xóm còn tiễn mình ra tận cửa, không quên “dúi” vào túi áo mình một nắm tỏi lớn, với lời dặn dò: “Dù thế nào cũng đừng bỏ ra khỏi người nghen con, để đó để không bị lừa mị khi tiếp xúc với người lạ. Xã hội giờ nguy hiểm lắm con à!”. Chẳng tin đâu, nhưng vẫn để yên cho cô sắp xếp.
Khi ra tới Quy Nhơn, chưa kịp gọi hỏi han thì đã thấy cô gọi vào chỉ vì : “Cô có cô con gái trong đó, không có chỗ ở nói cô chỉ chỗ cho nghen”.
Người đời đi lừa nhau thế nào mình không biết, chỉ thấy quanh mình toàn người tốt.
Ai được ở trong hoàn cảnh này cũng sẽ “phải” kết luận như mình thôi.
1.IMG_7284.jpg
IMG_1420.JPG
20160927_174721.jpg
1.IMG_1371.jpg
1.IMG_1406.jpg
1.IMG_7082.jpg
1.IMG_7110.jpg
1.IMG_7142.jpg
1.IMG_7222.jpg
1.IMG_7287.jpg
 
Last edited:
Re: [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2017]

Chap 12: Nhỡ tàu - Tủ quần áo di động - Những giấc ngủ bên bờ biển
Bị nhỡ chuyến tàu sớm nhất từ Lý Sơn, nên 11h hơn mới cập lại cảng Sa Kỳ.
Từ Sa Kỳ đi thành phố Quy Nhơn khoảng 200km, tính theo đường ven biển.
Dự định ban đầu là 9h sáng đi từ Sa Kỳ, vừa đi, vừa ngắm nghía, tới nơi vẫn còn sớm nhưng... Lại nhưng.
Trong chuyến đi này, nhiều lần mình khổn khổ (hay sung sướng) vì cái nhưng này.
Theo hướng dẫn của những người đi trước, cứ tỉnh lộ mình đi, nhưng vì kém khoản xác định phương hướng nên lạc tới lui từ QL1 vô đường tỉnh, rồi lại từ QL1 vòng lại đường tỉnh (vì tiếc cảnh đẹp). Cách Quy Nhơn khoảng 50km trời đã xâm xẩm tối.
Mắt cận, tầm nhìn bị hạn chế, lại có tính nhát gan (sợ ma) nên vừa đi vừa run. Tỉnh lộ nên đường xấu, dân cư lại thưa thớt nên tối như hũ nút. Đã sợ lại thêm sợ. Chưa kể, phải qua vài cái đèo, chân núi nữa mới tới được thành phố.
Cảm giác đi buổi tối ngày hôm ấy có lẽ không bao giờ mình quên. Vừa đi vừa hát thật to, rồi lại lảm nhảm một mình cho đỡ sợ. Tìm đường ra quốc lộ 1A thì thấy khá xa, nên bấm bụng đi tiếp. Đường vắng tanh. Qua đèo ý nghĩ con ma trắng nhảy từ đỉnh xuống không thể nào dứt ra khỏi đầu được. Đường xa càng thêm xa. Gần cuối đường, thoáng thấy ánh đèn xe máy, vội vàng bám đại theo, không quan tâm chú ấy đi tới đâu. Mừng hơn bắt được vàng.
Lảm nhảm hồi, theo đuôi một hồi rồi cũng ra được tới đường lớn. Thở phào, như vừa đi qua ải Diêm Vương vậy.
Sau bận đó, mình tự hứa với lòng không bao giờ để lỡ dở kế hoạch để phải đi đêm như vậy nữa. Đã không được ngắm cảnh, lại còn được phen hú vía.
Đến Quy Nhơn đã 7h tối. Liên lạc với anh chị host rồi đi ăn tối. Trước khi đi 1 tháng mình có gửi yêu cầu xin “ngủ ké” tới chị Huyền qua courchsurfing.com và được đồng ý ngay. Chị Huyền cực kỳ thân thiện và dễ gần, nhưng đáng tiếc khi mình tới chị vừa đi công tác. Mình gặp anh Khoa & mẹ Chị. Mẹ chị là dân Bắc 54, cô chuyển vô đây sống đã hơn 30 năm nhưng giọng nói vẫn mang âm hưởng Hà Nội. Đem thắc mắc “Cô vô từ hồi nhỏ xíu mà vẫn giữ giọng Bắc nhỉ” hỏi, cô nói :”Cái gì hay thì phải giữ”, nhưng cá nhân mình lại thích giọng Nam hơn. Nghe ngòn ngọt, dìu dịu.
Anh Khoa sinh ra và lớn lên ở Nha Trang, nhưng có “duyên nợ” - theo lời anh kể, nên đang “ngủ ké” dài hạn ở Quy Nhơn. Anh chị có nuôi 3 chú chó và 8 chú mèo. Thậm chí nhường phòng cho bọn nó nữa. Tóc anh dài, hơn tóc mình. Góc nhà xếp cây guitar. Đồ đạc được đặt hết trong 2 balo lớn, chứ không có tủ. Cứ như anh sẵn sàng lúc nào cũng có thể xốc balo lên vai và đi vậy. Hồi mình gặp, quả là anh có đang chuẩn bị cho 1 tháng vòng quanh Tây Bắc.
Anh đi nhiều và trải nghiệm nhiều, nên câu chuyện với anh kéo dài như không dứt. Những người con của bụi đường luôn có sức hút nào đó với mình. Những câu chuyện anh kể phóng khoáng và đẹp như những vần thơ. Với Đà Lạt mộng mơ. Tây Nguyên bỏng rát cái nắng cháy da. Vĩnh Hy đẹp như dải lụa. Với những người bạn gặp.
Thích thơ Hàn Mặc Tử và cảm động vì chuyện tình của chàng thi sĩ và nàng Mộng Cầm, nên tới Quy Nhơn mình ghé khu mộ Hàn Mặc Tử, trại phong Quy Hòa ngay. Khu này cách trung tâm chỉ 3km nên rất tiện để thăm thú. Trong trại phong hiện giờ chỉ có bệnh viện Da liễu và dân cư đã định cư tấp nập ở đây. Thậm chí, có cả chợ. Đẹp, mát và xanh. Nằm trong khuôn viên trại có bãi biển Tuy Hòa với cát trắng trải dài, và hàng muống biển tím ngăn ngắt. Có lẽ để xoa dịu nỗi đau mà bệnh nhân phải chịu, các bác sỹ mới cất công kiếm tìm ra một nơi đẹp tựa chốn thần tiên làm nơi chữa trị.
Buổi tối ghé tới đường ven biển Quy Nhơn. Đường rộng và dài, gió mát lộng. Cách dăm ba mét lại có tượng đá khắc những đặc trưng của đất Bình Định: thế võ nổi tiếng, loài cá đặc trưng... Đường ven biển ở đây, ngoài những thanh niên túm năm, tụm ba, hay cả tụm "hai" ngồi tán ruồi, còn có nhiều người, trải chiếu nằm ngủ. Gối đôi khi là cái ba lô sờn, phai màu sương gió, cũng có khi mình nhìn thấy chỉ đơn giản là chiếc áo khoác bạc màu...Những giấc ngủ chật vật bên bờ biển, để ngày mai họ lại quăng mình ra biển, hay là...ra phố, chật vật kiếm sống.
Sau này mỗi khi cảm thấy chán nản trước công việc, hay cuộc sống gặp chút khó khăn mình lại nhớ về những mảnh đời ấy để làm động lực cho bản thân.
Quy Nhơn đẹp và còn khá nguyên bản do chưa nhiều khách du lịch.
Hy vọng khi có dịp quay lại mình sẽ còn gặp lại dốc Mộng Cầm sạch và vẫn đẹp như Mộng.
20160929_083045 (1).jpg
20160929_094128.jpg
IMG_1478.JPG
IMG_1480.JPG
IMG_1470.JPG
20160929_075614.jpg
IMG_1484.JPG
 
Last edited:
Re: [Hà Nội - Vũng Tàu - tháng Tám, 2017]

Chap 13: "Tour phục thù". Chạy giông. Xứ Nẫu.
Sau 1 đêm Quy Nhơn với những câu chuyện cùng anh Khoa, với biển đêm Quy Nhơn y chang Hồ Tây đêm (y chang đoạn phố Hàn Cuốc thôi), cốc nước mía 5k cùng giọng ngọt lịm của chị bán hàng khi thấy mình cất giọng miền ngoải, sáng vẫn dậy 5h để đi ngắm biển.
Mình đi dù đã cuối mùa mưa, nhưng mưa mây vẫn nhiều. Ra biển, nhưng không ngắm được mặt trời mọc.
Cô chủ nhà bán "bún, phở Hà Nội", ăn đại 1 tô rồi làm 1 tour "phục thù". Gọi là "phục thù" vì hôm qua khi đi qua đoạn biển Trung Lương (nghe giang hồ đồn đại là đẹp lắm!) trời đã tối, nên không "cảm" được gì. Hôm nay quyết tâm ngắm lại mới đi tiếp.
Đoạn qua cầu Thị Nại ra Eo gió, đẹp mê ly. Đường đẹp mà lại ít người qua lại. Phóng xe tít mít. Ngược lại tận Trung Lương, ngắm nghía, selfie một hồi, mình quay ra Eo Gió. Khỏi phải nói, Eo Gió....đông như thế nào. Người lôi lôi, người kéo kéo. "Thuyền đi Kỳ Co không chị ơi?", "Bên này giá rẻ hơn nè chị ơi!". Giá mà...cái sự bon chen nó không len đến những chỗ đẹp như thế này thì...phải biết.
Mặc mọi sự lố bịch của con người, thiên nhiên vẫn quyến rũ chết người. Đứng ở Eo Gió mà nhìn quanh, con người nhỏ bé biết nhường nào, mọi sự như hóa thinh không.
Rời Eo Gió mình về lại thành phố, chằng buộc đồ, chào cô chủ nhà, anh Khoa, 2 bạn chó, 8 bạn mèo, rồi đi. Đến dốc Mộng Cầm, dừng ăn trưa, uống cafe, chào Quy Nhơn lần cuối mình mới rời đi. Chạy thẳng dốc Mộng Cầm sẽ ra QL1D. Con đường đẹp bao quanh vịnh Quy Nhơn. Không khí trong lành và thấm đẫm mùi gió biển. Mặc dù lựa chọn cung đường biển nên hầu như cả chặng hầu như lúc nào cũng được đắm mình trong biển, nhưng lúc nào được cận kề mình cũng thấy say mê. Hít căng phổi mùi biển như đây là lần được gặp. Tận hưởng con đường dài, với những đường cong mềm mại, vắng bóng người.
Anh Khoa có giới thiệu 1 quán cafe ở Bãi Xép do 1 anh Tây nào đó làm chủ, nhưng mình không ghé vô Bãi Xép, nên đành tiếc nuối bỏ qua.
Mình cứ như là con ghẻ của trời vậy. Hễ xách dép đi là y như rằng gặp mưa. Quãng đường từ Quy Nhơn tới thành phố Tuy Hòa khoảng 90km, nhưng trời lúc mưa, lúc nắng, gom chung lại chắc mình cũng bị dính mưa gần nửa quãng. Thao tác "tháo giày, thay dép, bọc balo, mặc áo mưa....đi....tháo dép, đi giày, tháo bọc balo, cởi áo mưa" được mình bình chọn là thao tác gây khó chịu nhất trong chuyến đi, là vì tính thất thường này của ông giời.
Từ đường QL rẽ vô hơn chục km là tới Gành Đá Đĩa. Trên đường vô tiện có ghé nhà thờ Mằng Lăng. "Service" chỉ dẫn đường ở đây khá tốt. Dù đường vô vòng vèo, qua vô số khu dân cư, nhưng những dòng chữ dẫn hướng được người dân hoặc dân du lịch tốt bụng nào đó ghi rất rõ trên các tấm biển, bờ tường, nên mọi người dễ dàng vô đến nơi mà không cần dừng lại hỏi đường.
Ở Gành Đá Đĩa gặp 1 anh giai người Hà Nội đi 1 mình: "Anh đi 1 mình, mới ở Hà Nội vô chơi, nghe đồn ở đây đẹp lắm, nên thuê xe chạy 1 mình từ Tuy Hòa ra đây đó. Vậy mà...chẹp....chẳng đẹp gì cả, em nhỉ? Nhưng...em cứ chụp giúp anh mấy tấm để về khoe bạn bè được không? Như này...như này...đẹp chưa em? Anh ngồi gác chân như này nhé? Đẹp chưa em? ...Em focus vô anh được rồi, em nhé!....bla....bla".Cạn lời! Một lúc sau: "Ui, em về Tuy Hòa hả? Chung đường rồi! Đi chung nhé!". Khỏi cần kể chắc bạn cũng biết câu trả lời của mình nhỉ.
Ra khỏi Gành Đá Đĩa thì mây đen lại ùn ùn kéo tới. Đã bảo mình là con ghẻ của thủy thần mà :)). Mây ngay trên đầu. Sấm rền. Chớp rạch ngang dọc bầu trời. Chỉ mưa thì không sao, nhưng cảm giác sấm chớp đuổi sau lưng thì không dễ chịu chút nào.
Mình nhớ đến những ngày mưa giông thuở bé. Giông bão miền Trung thường bắt đầu vào độ hè về. Trường được nghỉ hè, nên công việc "làm thêm" thường xuyên của lũ trẻ quê chúng mình là "chăn trâu, cắt cỏ" (nói cho vần chứ thực ra nhà mình chỉ nuôi bò). Mưa mùa hè thường lớn và kèm sấm chớp. Trẻ con đứa nào cũng sợ. Cái cảnh, một con nhóc loi choi, chơi vơi giữa cánh đồng mênh mang nước, mưa xắt xéo ngang dọc, vừa đi vừa kéo lê chú bò (to đâu gấp đôi nó và cũng đang khiếp đảm ông giời như nó), mới thảm làm sao. Sét sắc lẹm, rạch ngang dọc bầu trời. Nó vừa đi vừa khóc. Có lúc phải ôm cổ chú bò để an ủi lẫn nhau. Vậy mà, lũ trẻ con miền Trung cứ thế, kiên cường lớn dần lên cùng những cơn mưa. Bây giờ lớn, thi thoảng chỉ mong được bé lại để làm 1 mục đồng, được co ro trong những cơn mưa đã từng tắm mát tuổi thơ mình.
Tới chiều muộn, chạy trối chết qua những cơn giông thì cũng tới được nhà Nẫu, một homestay nhỏ xinh trú ngụ gần quảng trường 1-4, trong thành phố Tuy Hòa. Phú Yên dạo gần đây cũng khá nổi, nhờ bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (mặc dù mình nghĩ tự thân vùng đất đẹp như thơ này cũng đã nổi tiếng mà không cần PR qua một bộ phim), nhưng Tuy Hòa vẫn là một thành phố nhỏ xinh, có những nét thanh bình mà thành phố lớn không có được.
Đã liên lạc từ trước, nên khi mình tới thì đã thấy có anh Phú và 1 em zai (sau này mình biết tên Đạt), ngồi cửa, bê nguyên tô cơm to oạch, ăn ngon lành, chào đón.
Thành phố nhỏ, nên loanh quanh với cá ngừ đại dương, bánh xèo, tháp Nhạn... cũng hết mất đêm. Mỗi ngày trôi qua, đến một vùng đất mới, tim lại đập những nhịp mới. Giá thời gian cứ trôi qua bằng những ngày như vậy, thì hay biết mấy!
IMG_1594.JPG
IMG_1516.JPG
20160929_150540.jpg
IMG_1525.JPG
20160929_165425.jpg
20160929_145826.jpg
IMG_1594.JPG
IMG_1530.JPG
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,180
Bài viết
1,150,375
Members
189,941
Latest member
Thao10
Back
Top