Bãi Na hoang sơ không một bóng người, cũng không có rác luôn. Nhìn từ góc này đâu thua bất cứ bãi biển nổi danh nào (thông cảm, trình chụp ảnh còi, máy chụp ảnh cùi, không làm toát lên vẻ đẹp trinh nguyên của em nó).
Trên bãi cát, một loài thực vật mọc bò lan, trông như một con bạch tuộc đang vươn những cánh tay ra đe dọa tôi không được làm phiền đến sự yên bình của bãi biển này.
Chuyến này, để tranh thủ thời gian, tôi đi ngay, không có thời gian tắm biển. Còn lần trước, tôi không kìm được ý muốn lao xuống dòng nước. Cởi hết quần áo (cởi hết nhá), để lại cặp mắt kính ở bờ cát, tôi nhảy xuống, thỏa sức vẫy vùng với làn nước mát.
Thật không may mắn, sau đó ít phút, trời sẫm lại, biển nổi sóng, buộc tôi phải lên bờ sớm. Lúc đó, màu nước biển xanh như màu vỏ chai, giống như trong bài văn sách cấp một tôi đã đọc từ nhỏ (hình chụp từ máy Olympus chống nước cùi, vừa bơi vừa chụp).
Lên bờ, điều không may mắn hơn nữa là cặp mắt kính mất tiêu, có lẽ để gần mép nước quá, bị sóng cuốn trôi rồi. Còn cặp mắt kính dự phòng trong ba lô, tôi dò dẫm lấy ra sử dụng. Vì cận thị nặng, gần như trong các chuyến đi xa, tôi luôn thủ sẵn một cặp mắt kính dự phòng; tôi khuyên các bạn phải đeo kính cũng nên như vậy nếu không muốn trở thành gánh nặng cho bạn đồng hành khi mất kính, hoặc tệ hơn, trở thành tai họa cho chính mình.
Đeo mắt kính xong, vừa chổng mông mặc quần thì nghe tiếng nói phía sau. Hai người đàn ông mặc quần dã chiến của bộ đội đang xách một can khoảng 20 lít, có lẽ trong đó là nước. Tôi và họ cất tiếng chào rồi họ đi về cuối bãi Na, phía ấy có trạm gác yến sào. Họ tranh thủ tắm rửa dưới biển; khi thấy tôi có ý định đi mũi Đôi, họ có nhã ý chỉ đường rừng nhưng tôi đã quyết định nhảy đá rồi nên không để ý đường họ chỉ là đường nào. Lúc đó khoảng 10h30.
Còn lần này, đi tới trạm gác yến sào, thấy tôi, một người đàn ông lớn tuổi cất tiếng: “Chào sếp”. Tôi vội nói: “Em không phải là sếp. Em đang ra mũi Đôi” (như đã nói ở trên, lại quen miệng gọi là anh, mặc dù người đó khá lớn tuổi). Hình như, trong ý nghĩ thông thường của mọi người, cứ ai mặc đồ rằn ri là bộ đội; hay là trông tôi giống bộ đội nhỉ. Lúc đó tôi mặc quần dã chiến của chỉ huy chứ không phải lính nhưng lại mặc áo thun, đầu mang mũ tai bèo, mang mắt kính. Lúc ở bến xe Miền Đông cũng vậy, khi thấy tôi, anh phụ xe hỏi tôi: “Bộ đội à ?”. Tôi trả lời không thì anh lại bảo: “Bộ đội thì mới mặc thế này chứ ?”.
Vừa đến trạm gác yến sào được một phút thì phía biển có tiếng í ới. Một tàu gỗ đưa hai người cập bến, người đàn ông lớn tuổi ra đón. Từ xa, thấy hai người trẻ tuổi mang mũ tai bèo, một mặc áo cờ Việt Nam, tôi tưởng họ đi du lịch nên cất tiếng hỏi: “Đi mũi Đôi về à ?”. Một người đáp: “Ở mũi Đôi cả tháng rồi, muốn về mà không được ấy chứ”; thì ra họ làm ở Công ty yến sào. Chào họ, tôi bắt đầu bước nhảy đá đầu tiên; cậu trẻ tuổi e dè: “Đi mũi Đôi đường đó sao được !”, “Được mà, mấy năm trước mình đi thế này rồi, chỉ là đi lại thôi”, tôi trả lời.