What's new

[Chia sẻ] Hè Thanh Hải - Đến Khả Khả Tây Lý ngắm linh dương Tạng

96d09f23a99c49a6e54ad2c5d6f83ef6ec3040a5.jpg

Hè đến rồi bâng khuâng ko biết đi đâu. Chợt nhớ ra lâu rồi ko đi Trung Quốc, mà hè TQ thì popular nhất vẫn là Thanh Hải. Lúc đầu vốn chỉ định bay đến Tây Ninh ghép tạm đoàn nào bên TQ lượn mấy cái hồ rồi tếch về cho gọn ghẹ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại đã mua mâm phải đâm mâm cho thủng, mắc công đến đấy thì phải đi cho bõ. Vậy là từ ngày quyết định trong vòng 1 tháng vừa bận giang nắng ở Wadi Rum vừa vận động hết các thể loại contact wechat cũ đi 1 một vòng khảo giá xe cộ, đọc công lược trên mafengwo, lên lịch trình, lấy ảnh lừa tình của các bạn TQ đi lùa các bạn đồng hành đi cho đủ mâm đủ phòng đủ xe road trip rồi mua vé mb, làm visa cấp tốc .. may sao ko bị rớt đồng chí nào, lành lặn đủ 6 mống đặt chân tới Thanh Hải.

Thanh Hải làm du lịch chưa tốt như Tứ Xuyên hay Tân Cương, khách du lịch cũng bị hạn chế chỉ hay đến vào mùa cao điểm là mùa hè còn các mùa khác trong năm thì khá là đìu hiu, du khách TQ ở đây so với các tỉnh khác còn ít chứ chưa cần nói tới du khách nước ngoài. Vật giá mặt bằng chung liên quan đến du lịch như xe cộ ... cũng cao hơn so với Tứ Xuyên. Nhưng ngược lại chính vì như vậy nên đi Thanh Hải ko có cảm giác thương mại hoá nhiều như những tỉnh khác. Người dân cũng lành hiền và nhiệt tình hơn, bên cạnh thắng cảnh tự nhiên còn có hơi thở văn hoá Tạng thuần khiết vì trước kia nơi đây vốn là một phần của Vương quốc Tibet, lại được đi coi động vật hoang dã trên cao nguyên Thanh Tạng. Vừa được trải nghiệm cảnh lại trải nghiệm thú, lại được enjoy sự hiếu khách của người bản địa rồi trải nghiệm lịch sử, văn hoá cái gì cũng có thật là mê. Chắc đây cũng là nơi duy nhất ở TQ mà mình sẵn sàng quay lại lần 2 để khám phá tiếp.

I. Tổng quan

Người ta vẫn hay nói chưa đi tới Tây Bắc thì chưa biết Trung Quốc rộng lớn như thế nào. Tây Bắc của Trung Quốc dùng để chỉ khu vực 5 tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Tân Cương, Thiểm Tây và Ninh Hạ. Trước đó mình mới đi được Tân Cương nhưng Tân Cương đã lớn rồi thì Thanh Hải còn lớnnn hơn mấy lần thế nữa. Roadtrip 13 ngày đa phần ngày nào cũng đi hùng hục, trung bình chạy từ 350 ~ 500km/ngày, có những hôm đi 800km từ tinh mơ cho đến tối mịt miệt mài đến được khách sạn thì cũng 10h đêm, ăn vội ăn vàng được mỗi miếng cơm xong 11h khuya còn bị bắt ra đồn công an điểm danh xong các chú mới cho về ks ngủ thiệt là hốt hoảng.

5f1ac88802d7a1f7d032a088c4e293467438c4d7.pnj

Tỉnh Thanh Hải được chia làm 8 khu hành chính: 1 thành phố (số 3 - Tây Ninh), 1 địa khu (số 4 - Hải Đông) và 6 khu tự trị (Hải Tây, Hải Bắc, Hải Nam, Hoàng Thổ, Ngọc Thụ và Quả Lặc), nhìn trên bản đồ thì cả tỉnh có hình dạng giống như một con thỏ với hồ Thanh Hải nằm ở vị trí con mắt. Do vị trí khá đặc biệt giáp với Cam Túc ở phía đông bắc, giáp với Tân Cương ở phía tây bắc, giáp với Tứ Xuyên ở phía đông nam, và giáp với khu tự trị Tây Tạng ở phía tây nam nên ngoại trừ mạn Tây Ninh, Hải Đông, Hải Nam, Hải Bắc nơi có hồ Thanh Hải, hồ muối Chaka, Môn Nguyên, Đồng Nhân … là những địa điểm dễ đi và khá popular trên hành trình tham quan Thanh Hải thì chính phủ TQ hiện đang hạn chế việc cho phép du khách nước ngoài tới châu Ngọc Thụ (số 7), Quả Lặc (số 8), Hải Tây(số 1) muốn tới phải tiến hành báo cáo xin permit trước, tới chỗ nào là phải đích thân đi trình diện công an bữa đó (mỗi chỗ 1 loại permit nhé). Và cho dù có permit đi chăng nữa thì vẫn có rất nhiều điểm được cho là nằm trong khu vực quân sự, có vị trí chiến lược đặc biệt hay thậm chí chỉ là khu công viên bảo tồn quốc gia, vd như sâu đầu nguồn sông Hoàng Hà, Trường Giang … hay phía Tây Khả Khả Tây Lý cũng cấm khách du lịch nước ngoài và cả nhiều điểm ở khu Hải Tây nữa (nghe nói vì có nhiều kho vũ khí rồi tên lửa đạn đạo này nọ). Đến người bản địa muốn vào còn rất khó và rất tốn kém). Mặc dù vậy thì chính sách đối với khách du lịch ở Thanh Hải ko đồng nhất và hay thay đổi, lúc thì cho lúc thì ko nên việc lên lịch trình tới khu vực này cần phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng điều chỉnh).

7a0b442e2bbae3cea4f0cf29c837c6591adf6090.jpg


Cảnh nhặt trên đường tại huyện Trát Thanh, Tạp Đa, Ngọc Thụ

Vì phần lớn địa phận tỉnh Thanh Hải nằm trên cao nguyên Thanh Tạng được mệnh danh là nóc nhà thế giới nơi có dãy Côn Lôn, Hymalaya án ngữ cũng như là khởi nguồn của 3 con sông mẹ Trường Giang, Hoàng Hà, Mê Kong cùng rất nhiều hồ nước mặn ngọt, núi tuyết sông băng nên Thanh Hải có nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên rất lớn. Trong khoảng chục năm gần đây chính phủ Trung Quốc cũng chú ý nhiều tới việc bảo tồn giữ gìn khu vực này nên cứ chỗ nào đẹp đẹp đồng không mông quạnh là nhảy vô trồng rừng rồi quây vào dựng công viên quốc gia, khu bảo tồn hết sạch: 3 khu vực 3 con sông đầu nguồn Trường Giang, Hoàng Hà, Mê Kong (lúc ở trong Trung Quốc thì gọi tên sông Lan Thương) thì được quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên Tam Giang Nguyên (nghĩa là nguồn của 3 con sông) từ năm 2000. Trước trong đó có bao người bản địa thì đền bù đuổi đi gần hết để lại cả thế giới cho các loài động vật hoang dã (và căn cứ quân sự).

b3157794f55fa95f0bc901c8eb86fa49231dd109.jpg


Thượng lưu sông Lan Thương tại khe núi Lan Thương thuộc khu bảo tồn Ngang Trại

Khu vực dãy núi Khả Khả Tây Lý (Hoh Xil) nằm ở phần tây bắc của cao nguyên do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt trước giờ vốn khu vực gần như không có dân cư nào giờ chẳng được ai đoái hoài gì nhưng sau khi sự kiện anh hùng người Tạng lập đội tự vệ bảo vệ linh dương Tây Tạng ở khu vực này khỏi dân săn bắt trộm nổi tiếng thế giới, dưới áp lực của dư luận quốc tế chính phủ TQ đã chính thức quây nốt khu này thành khu bảo tồn tự nhiên, cắm chốt nghiêm ngặt để hạn chế triệt để nạn săn bắt lậu. Giờ đây nơi này đã trở thành thánh địa của linh dương Tây Tạng cùng các loài động vật hoang dã khác cứ mỗi tháng 5 hàng năm hàng vạn con linh dương Tạng sẽ di cư hàng trăm ngàn km để đi tới hồ Trác Nãi, hồ Thái Dương … Kekexili ở trung bộ Tam Giang Nguyên để sinh đẻ.

b57d5e6da70bbce334ce2016382b8c3481e939ba.jpg


Mùa ngắm động vật tại Thanh Hải. Bò yak thì chỗ nào ở Thanh Hải cũng có thể nhìn thấy.
Mấy chỗ sâu trong Khả Khả Tây Lý này thì cấm, cấm hết ko cho ai được vô. Chắc trừ mấy đoàn làm phin tài liệu thi thoảng được cho permit giá cắt cổ đi vô chụp hình các e một 2 hôm để TQ đem đi khoe thiên hạ đặng lấy danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới chứ ko thì tạm thời trong tương lai gần đến người Tạng bản địa Ngọc Thụ, Khúc Mã Lai còn ko có cơ hội diện kiến mấy hồ này chứ đừng nói tới khách nước ngoài.
Chính vì có nhiều hạn chế như vậy nên hành trình tới Thanh Hải ko được tự do đi tới tất cả những địa điểm mong muốn tới nhưng cũng đã la liếm đến hết sức có thể tính tại thời điểm đi là tháng 6/2023 nên chỗ nào cũng mon men tới được 1 tý.

2223955d1fd0646341376281c3a6c55b274c5226.jpg


Mani đá trên Đường Phồn cổ đạo - con đường mòn nối liền triều Đường nhà Hán và vương quốc Thổ Phồn xưa, là con đường mà 1300 năm trước công chúa Văn Thành của nhà Đường đã đi đến để làm dâu Tây Tạng, mang theo Phật giáo làm của hồi môn, tạo tiền đề cho việc hình thành Phật giáo Tây Tạng - Phật giáo Mật Tông mang bản sắc huyền bí của riêng Tây Tạng cũng đi qua Ngọc Thụ và để lại rất nhiều dấu ấn ở đây.

Bên cạnh thăm thú thắng cảnh tự nhiên, ngắm chim muông động vật, Thanh Hải còn là nơi để cảm nhận văn hoá Tạng thuần khiết bởi địa phận tỉnh Thanh Hải trước kia vốn là bang Amdo thuộc vương quốc Thổ Phồn (Tây Tạng cũ). Vương quốc Thổ Phồn có thể được chia thành 3 khu vực chính do 3 bộ lạc Vệ Tạng (U-Tsang), Kham và Amdo tạo thành. Sau đó khi nhà Nguyên sát nhập Tây Tạng để dễ bề cai trị đã tách và xé lẻ các cộng đồng này ra. Trong đó thì người Vệ Tạng hiện sống chủ yếu ở khu vực khu tự trị Tây Tạng, Lhasa hiện nay, người Amdo chủ yếu ở mạn Thanh Hải, Cam Nam ở Tứ Xuyên (Đạt Lai lạt ma thứ 14 cũng chính là được sinh ra tại Amdo), người Kham (Khang Ba) được cho là dũng mãnh và hiếu chiến nhất ra cho phân tán sống rải rác ở các khu Cam Tư, A Bá ở Tứ Xuyên, Xương Đô ở Tây Tạng và ở châu Ngọc Thụ thuộc tỉnh Thanh Hải, TQ hiện nay. Đặc biệt ở mạn Ngọc Thụ, do vị trí địa lý xa xôi cũng như các nguyên nhân lịch sử khác nơi đây được đánh giá là 1 trong những khu vực giữ nguyên được màu sắc truyền thống Phật giáo Tây Tạng nhất. Thậm chí còn được đánh giá là lưu giữ được bản sắc thuần khiết còn hơn cả Tây Tạng.

f0f7b2069b9746d702f288afdd1e7eac930131c8.jpg

Trang phục truyền thống người Tạng

Ở Thanh Hải có tổng cộng 670 gompa Phật giáo Tây Tạng thì ở Ngọc Thụ đã chiếm 1/3 số lượng. Phật giáo Tây Tạng có 5 tông phái lớn: Nyingma là tông phái lâu đời nhất với đại sư Liên Hoa Sinh làm sư tổ, phái Ning Mã có sắc phục mũ đỏ, nên còn được gọi là Hồng Mạo Giáo. Phái sa—skya (Tát-ca phái hay Hoa giáo) , Phái Kagyu (Ca-nhĩ-cư phái hay Bạch giáo), Phái Cam-Đam, Phái Gelugpa (phái Cách Lỗ hay Hoàng Mạo Giáo). Phần lớn các tu viện phái Ninh Mã ở Thanh Hải đều được tập trung ở Ngọc Thụ và châu Quả Lặc và đặc biệt đều là ở những nơi có vị trí hiểm trở xa xôi trong rừng núi. Bạch giáo ở THanh Hải có 105 tu viện thì ở Ngọc Thụ đã chiếm 103. Riêng Hoa giáo toàn bộ 28 tu viện đều nằm ở Ngọc Thụ. Vì Hoa giáo là giáo phái của 2 bác tài người Tạng trong chuyến đi này, đồng thời lại đi đúng dịp lễ lớn nên mọi người đã được chứng kiến tận mắt từ buổi lễ sáng cho đến các bước chuẩn bị cho lễ Phật đản cũng như nghi lễ được tổ chức trong dịp Đại lễ này ở đền Kết Cổ (Jie Gu Si), Ngọc Thụ

c203dfc316448287c7316b32d49506d7acfbb2f8.jpg


Nghệ thuật Tạng đầy màu sắc tại căn nhà gỗ Tạng đạt kỷ lục Guiness ở gần công viên quốc gia Kanbula
 
Last edited:
f46d39cc64f7e901ee8472da46266f02d26751f2.jpg

Tu viện Kumbum - Tháp Nhĩ Tựmột trong sáu tu viện quan trọng của phái Cách lỗ mũ vàng được thành lập từ năm 1379 là một tổ hợp tu viện rất lớn diện tích hơn 600 mẫu.

II. Tây Ninh và các khu vực phụ cận Hải Nam

Mọi hành trình tại Thanh Hải thường bắt đầu từ Tây Ninh - thành phố trung tâm của tỉnh Thanh Hải , điểm kết nối giữa Trung Nguyên và miền Tây Trung Quốc. Là một phần của con đường tơ lụa kết nối Á Âu cũng như nằm trên Đường Phồn cổ đạo kết nối Trung Hoa & Thổ Phồn cũng như là biên giới giữa triều Hán, Đường với Tây Vực trong lịch sử, ngày nay Tây Ninh vẫn tiếp tục với vai trò quan trọng của mình như là đầu mối giao thông từ nội địa TQ đi vào cao nguyên Thanh Tạng cũng như là điểm khởi hành cũng như bắt buộc phải đi qua của đường sắt Thanh Tạng cùng các đường quốc lộ huyết mạch khác của TQ.
Thanh Hải có tổng cộng 44 sắc tộc cùng sinh sống nhưng nhân khẩu nhiều nhất và phân bố rộng rãi nhất là người Tạng, sau đó là người Hồi, người Thổ, người Mông Cổ ... Riêng người Hán tập trung nhiều nhất ở khu đô thị chính là Tây Ninh. Chính vì nhiều sắc tộc như vậy nên ở Tây Ninh có thể nhìn thấy đền thờ Phật giáo Tây Tạng, mosque của người Hồi giáo cũng như đền thờ Đạo giáo xuất hiện ở rất nhiều nơi (do Đạo giáo được cho là xuất phát từ núi Côn Luân, nằm trên cao nguyên Thanh Tạng trong địa hạt Thanh Hải nên ở đây có 1 số đền thờ Đạo giáo rất nổi tiếng).

dbb2466c2a380634efbb00d969ee85ebed5b4c32.jpg

Bắc Thiền Tự (Bei Chan Si - Tulou Guan)

Bắc Thiền Tự hay còn gọi là Bắc Sơn Tự được xây dựng từ thời Nguỵ (năm 106 trước Công Nguyên) vốn trước đó là một ngôi chùa Phật giáo nhưng sau đó chuyển thành đền thờ Đạo giáo được dựng dựa vào núi Bắc Sơn. Do trên bề mặt núi có các vân chia từng tầng từng lớp nhìn rất giống kiến trúc tầng của Thổ Lâu nên đền này còn có tên gọi là Thổ Lâu Quan (Tu Lou Guan).

be47084b46c6cdd9b21ef0de91c7e858a3523e1e.jpg

Tượng Phật tự nhiên cao 30m ở Bắc Thiền Tự. Tượng này nhìn xa có thể thấy rõ đầu, thân, tứ chi cũng như ngũ quan đầy đặn rất có phong cách nghệ thuật đời Đường.

de74068b204889d363ad7b5f43f7b34b9a8b6143.jpg

Đương mùa mẫu đơn nên bên trong khuôn viên hoa nở tưng bừng. Phía trên đèn lồng đỏ có in 3 chữ Thổ Lâu Quan.



214c7a0adef8c8b630f5e4b4d85440d2431b95b5.jpg

Lâm trường Tiên Mễ (Xian Mi) : từ Tây Ninh chạy mấy chục km đi về lâm trường ngắm cảnh thảo nguyên. Cừu nè.

eb8392ffcc5387833ad9ca385f4b97952c893e91.jpg

Dê nè, đông như kiến cỏ

81c851769b3428b3546b5ae247ef968e41f2d937.jpg

Có đi tới Đỉnh núi tuyết Cương Thập Ca (Gangshiqia Peak) : đỉnh này nằm trong dãy Kỳ Liên (Qilian Shan) , có độ cao 5254m nằm cách Môn Nguyên (Men Yuan) 36km là một trong những đỉnh núi tuyết được mở cửa với du khách, cho phép được leo lên đỉnh với permit đơn giản.


3044a84f13c8bdf7f753a64175c9fc25b60f8a0e.jpg

Hôm này cũng có rẽ qua Môn Nguyên (Men Yuan) nơi nổi tiếng với đồng cải vàng trải dài hàng chục km nhưng vì mùa cải là tháng 7, hiện giờ mới có tháng 6 nên đồng vẫn xanh lè. Và bên cạnh cải thì Thanh Hải còn trồng nhất nhiều lúa mì Thanh Khoa - vừa là lương thực chính để nấu mì, vừa có thể đem đi nấu rượu - 1 đặc sản ai cũng phải thử ở Thanh Hải. Trên hình là đồng lúa mì thanh khoa với backdrop và dãy Kỳ Liên ở Môn Nguyên.

0dd8985cdf86c5c3d85ce2f7770f55f673467d69.jpg

Hành trình đi chụp mông cừu

856ec7f6ea764cacc09ab688df8e237dfb97d97c.jpg

Ở Thanh Hải còn có rất nhiều sóc đất. Con nào cũng ú na ú nần

 
6eed00258be96df0c26915da7480846aa4c20b2a.jpg

Công viên địa chất Khảm Bố Lạp (Kanbula), Hoàng Nam, Thanh Hải

II. Khu vực Hoàng Nam

Ngày tiếp theo từ Tây Ninh đi tới Hoàng Nam. Do nằm ở phía nam sông Hoàng Hà nên khu tự trị Tạng này gọi là Hoàng Nam. Hoàng Hà lúc xuất phát từ núi Bayan Har thuộc dãy Côn Lôn trên cao nguyên Thanh Tạng thì cũng chỉ có xíú, lại sinh sau đẻ muộn nên chưa có đủ sức mạnh vượt núi cao nguyên nên chỉ có thể chảy men theo sơn mạch vậy nên mềm mại uốn éo lững thững chảy qua Hoàng Nam.


0e9d930e5d6ab19c6ba2762d67d6578085cb82dd.jpg

Nước sông Hoàng hà xanh ngọc tại Quý Đức (Gui De County)
Hoàng Hà có nhiều trầm tích nên nước sông nổi tiếng đục vàng thế nên mới có câu tội lỗi này nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không thể rửa sạch nhưng ở thượng nguồn Thanh Hải nước sông do chạy qua hẻm núi Long Dương ở Cộng Hoà, trầm tích lắng xuống hồ thuỷ điện Long Dương nhân tạo ở đây rồi mới đổ về Quý Đức nên nước sông ở 2 mạn này trong veo.

46271d43e7737af05e0521dcda36e5a444b6f9ff.jpg


Hồ Long Dương (Long Yang Lake) , huyện Cộng Hoà (Gong He Xian), Hải Nam

9e3ad48db23abf041b2164e1bf81905592ad8c03.jpg

Có ruộng cải nên thơ lừa tình quá thể

dd3c3882f5e5241cf1bcf933eba1ad40c476ea9f.jpg

Kho nước Lí Gia Hiệp (Li Jia Gorge) thuộc công trình trị thuỷ nằm bên trong công viên địa chất Kanbula, Hoàng Nam.

Công viên địa chất Kanbula này nằm ở khu vực giao giữa cao nguyên Thanh Tạng và cao nguyên Hoàng Thổ, có địa mạo Đan Hà đất đỏ cũng rất nổi tiếng (màu sắc và quy mô thì vẫn kém Trương Dịch 1 chút). Công viên to bự chảng nhưng đến đúng hôm nắng quá ai nấy rũ rượi như cái giẻ vắt vai nên đi loăng quăng có 1 xíu.

bc2b8e236b718e5d5c7ca93b0b1bc638e0edab35.jpg

Địa mạo Đan hà trong công viên

34d2d22ac2bbdfa44baa9e8609c2e4384bb4e92f.jpg


Hoàng Nam cũng có rất nhiều tu viện Phật giáo đẹp và có huyện Đồng Nhân nổi tiếng với truyền thống nghệ thuật Tạng như vẽ thangka .. nhưng ko kịp ghé, chỉ kịp đi qua đền Hạ Quỳnh (Xiaqiong Si). Hạ Quỳnh Gompa được thành lập năm 1394 là một trong những học viện Phật giáo lâu đời nhất Thanh Hải. Vị Lạt ma sau khi học ở đây 9 năm đã thành lập nên phái Cách Lỗ, nên là tu viện này có thể được coi như là khởi sinh cho phái mũ vàng.

d2ccd089011bc69cfcd5a7f3fbc806a5b1588111.jpg


Hạ Quỳnh Gompa (Xia Qiong Si) vì vị trí khá xa xôi nên ít bị khách du lịch quấy nhiễu

d5e90771ced37a7353cf359535c99ad468aea9b6.jpg

Chỉ có các A Khả (tiếng Tạng chỉ các hoà thượng còn đang tu hành) chăm chỉ niệm kinh.

715d3176f217590d510f4c5cffa13fda65b35282.jpg


Trên đường lên đền Hạ Quỳnh có gặp một gia đình đi làm lễ, đốt vàng thả giấy đầy trời.
 
18d960d9bcbcd45c9a02ccbd1872e5f76aeb41da.jpg

Kỳ Liên Sơn (Qilian Shan) trên đường đi tới hồ Thanh Hải

III. Huyện Cộng Hoà
Lẽ thường là đến tỉnh Thanh Hải người ta phải lao đi hồ Thanh Hải xoã xượi cho bõ cái công, dù gì cũng là hồ nước mặn cao nhất trong Đại lục mà ai ai cũng check-in ca tụng (vốn hồ này từng là một phần của biển nhưng do sự trồi lên của cao nguyên Thanh Tạng nên nhấc luôn cả cái vạt biển này lên giờ để nó bơ vơ mắc kẹt ở đây mới thành hồ nước muối giữa lòng cao nguyên như thế này). Nhưng không :v. Vì thổ địa ở đó một mực kêu giờ chính phủ quây toàn bộ cái hồ đóng rào ko cho ai vô rồi thu vé vào cửa mắc như quỷ xong đi vô coi được môĩ cái vũng nước xong thôi chả có rì đâu đứng ngoài xem xem tý cho biết là được rồi. Thôi cũng tặc lưỡi chiều bạn vì lúc đến được khu thắng cảnh cũng gần giờ đóng cửa rồi có xuỳ tiền chạy vô cũng chỉ coi được chút xíu là bị đuổi ra, tháng 6 cải vàng còn chưa kịp nở chắc cũng khó chụp được hình đẹp nên đứng ngoài hàng rào ngó nghiêng tý rồi chạy xe về huyện Cộng Hoà nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chặng hành trình hardcore đợt sau.

553cb7571dfbbac81221cdf502cad7c37c3ab758.jpg

Hồ Long Dương (Long Yang gorge)

Trong huyện Cộng Hoà (Gong He) có cái hẻm núi Long Dương là hẻm núi đầu tiên mà sông Hoàng Hà chảy qua sau khi từ nguồn chảy tới cao nguyên Thanh Hải. Cửa hẻm núi chỉ rộng 30 mét và tổng chiều dài khoảng 33 km với 2 bức tường bằng đá granit cứng đứng thẳng và cao gần 200 mét nhìn từ trên cao trông rất giống hình một con rồng.

4e7698fa1885f4bc141ebf1664825fa40dab4914.jpg


Nhìn từ đây thì ko thấy rồng hay thằn lằn chi hết

Vị trí địa lý này rất phù hợp làm thuỷ điện nên các bạn TQ lập luôn 1 trạm thuỷ điện ở đây (trữ lượng to chỉ sau đập Tam Hiệp) rồi đầu tư thêm thành khu thắng cảnh nên trồng hoa cỏ làm tiểu cảnh tưng bừng vừa đẹp vừa mới mỗi tội chả có mấy mống khách. Khu bên trong huyện Cộng Hoà thì càng lặng như tờ về đêm cứ như thành phố ma vì ngoài cái hẻm núi kia ra chả có gì chơi cả nên ko ai người ta ở qua đêm tại đây làm chi hết.

1a617e45d444803966e00047a554882519b8aa3c.jpg


Trồng dương, trồng hoa, toilet xịn xò này nọ rất chi là đầu tư

834b0bdaa19369fe4c37cb400c4d0229dd3c53e5.jpg

Nơi đây còn có tên gọi là Colorado của TQ :))

a8b90f3d15aa662bb4891c713ef51fa8dc60225d.jpg

May quá có cái đồng cải gỡ gạc cho chuyến Thanh Hải mùa hè

b5ae7ceb2987ad5744d30fe9963c507f7b0a2e6b.jpg

Thanh Hải trồng rất nhiều tử đinh hương, từ đường bê tông cho đến trên núi, chỗ nào cũng thơm phức

39cd7b13ca4093386144e51e7e991888fec0cf5d.jpg

Kết thúc chặng 1 nghỉ dưỡng tại Thanh Hải tại đây từ giờ trở đi là chặng 2 bão táp :x

 
157dc08181ef5f9998fa2c89ab244884818b349e.jpg

Tour động vật hoang dã tại Ngọc Thụ, Thanh Hải chuẩn bị bắt đầu

IV. Khu tự trị Tạng Ngọc Thụ (1)
Tiếp tục đi về phía Tây mới là các điểm chính của hành trình cũng như là những nơi mà mình muốn đến nhất khi tới Thanh Hải: Ngọc Thụ, Tam Giang Nguyên và Khả Khả Tây Lý.

6f20235285ccccb94dd45572207f4647f670d8be.jpg

Sáng sớm đổi sang 2 con xe việt dã xuất phát từ Cộng Hoà đi lại nhìn thấy ruộng cải và thanh khoa bên bờ sông Hoàng Hà

Từ Cộng Hoà tới Ngọc Thụ là hơn 600km đường đi mải miết từ 8h sáng tới 8h tối mới tới được nơi vì trên cao nguyên chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao đất đường đêm thì đóng băng lại do rét mướn sáng hôm sau mặt trời lên lại nở hết cả ra vì nóng. Cứ liên tiếp tuần hoàn như vậy nên mặt đường trồi thụt liên tục, uốn lượn như đồ thị hình sin nên xe chạy bập bềnh cứ như chơi thú nhún. Thế mà đoạn ko bị bắn tốc độ bác tài cứ mát ga hơn trăm cây số/h làm các cháu trong xe nín hết cả thở.

c3c570c54bf3d26fbaa05297896fcf815bd05c56.jpg

TQ giờ lắp camera phạt nguội với theo dấu người dân rất chi là kinh. Lúc xe vừa trờ tới địa phận Quả Lặc, chụp camera thấy người lạ một phát là đồn công an lập tức gọi điện thoại tới cho bác tài hỏi mấy đứa ấm ớ đi cùng trên xe là 6 đứa ngoại quốc hôm trước mới xin permit đấy đúng ko. Ko biết nếu bảo ko thì có bị dẫn độ về sân bay ko nhỉ.

Để giải quyết cho vấn đề đường hỏng liên tục chả kịp sửa này là dựng các cây tán nhiệt chạy bằng năng lượng mặt trời ở 2 bên đường để tránh cho mặt đất bị đóng băng vào lúc thời tiết lạnh. Nhưng vì làm vậy khá là tốn kém nên chỉ làm nhiều ở đường cao tốc Thanh Tạng huyết mạch mấy ngàn cây số thôi còn mạn Ngọc Thụ này lưu lượng người sử dụng ít hơn nên thi thoảng mới thấy có một ít (hok có chụp ảnh).

Lên cao nguyên hơn 3000m rồi nên là người ít bò nhiều. 1 con bò yak giá khoảng 1 vạn tệ 1 chú (khoảng 35tr vnd). Nhà nào nuôi ít thì năm chục gần trăm con, đàn nào nhiều thì vài ngàn con có lẻ. Nghe nói người chăn thường đào một cái hố đâu đó nằm xuống dưới tránh gió tránh rét nên bình thường nhìn không có thấy. Cuộc sống cao nguyên của người Tạng chủ yếu phụ thuộc vào bò yak: thịt, sữa dùng để ăn, lông để may áo, may lều, còn dùng để thồ hàng, cày bữa, phân bò thì dùng để làm chất đốt ... nên nuôi được bò là có thể tự cung tự cấp đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cơ bản rồi. Bò thuần hoá thì sống được khoảng hơn 20 năm, mua vài con làm giống rồi từ đó sinh sản thêm ra lời gấp mấy lần gửi tiết kiệm. Tuy nhiên tuy tài sản tích luỹ chạy bằng cỏ này chịu khổ giỏi nhưng gặp phải những năm dịch bệnh hoặc tuyết lớn quá có khi chết cả đàn là tay trắng nên là nào giờ chính phủ TQ vẫn vận động dân du mục định cư cố định ở làng xóm và ít chăn thả tản mát nay đây mai đó như trước giờ nữa.

d66f5ebdb88ef4270888a7aa7ad518b7f138132b.jpg

1 bức ảnh toàn tiền là tiền. Cỏ đầu hè vàng khè mà vẫn phải cạp.

c3690b9499116e55c321617f8363bd8de5d547f9.jpg

Dạo gần đây Thanh Hải làm công tác bảo tồn thiên nhiên rất tốt nên là lượng động vật hoang dã ở khu vực này cũng rất nhiều. Vd như là lừa Tạng hoang nè,.

cd843d03cd9f26ea090b497589356182d6e2ad05.jpg

Xingxing Hai tại Maduo (Biển sao - gọi vậy vì cả khu này là cả cụm hồ nước ngọt to nhỏ đủ kích cỡ lại bạt ngàn như sao trên trời vậy)

Từ Cộng Hoà đi miết gần 300 km tới huyện Maduo (Mã Đa) thuộc châu tự trị Guoluo (Quả Lặc) là tới địa phận đầu nguồn con sông mẹ của nền văn minh Trung Hoa - sông Hoàng Hà. Sông Hoàng Hà được sinh ra từ núi Ba Nhan Khách Lạp (Bayan Har) thuộc dãy Côn Lôn tại Maduo, tận nguồn nghe nói chảy có xíu xíu vậy thôi vậy mà cũng tích được 2 hồ chị em Erling và Zhaling (hồ nghe nói vừa to vừa đẹp nhưng người nước ngoài cũng đang bị cấm :/ ) rồi chảy ra được đến đây vỡ thành hàng trăm cái hồ nước ngọt nhỏ gọi là cụm hồ Xingxinghai rồi lại chảy tiếp xuống dưới mạn Cộng Hoà, Quý Đức như ở post dưới.

e1e8130354d8e45bbc97551cec9bdb7eae6d11d1.jpg

Chuột ko đuôi - mồi khoái khẩu của các loại động vật cao nguyên

0304cfbf52347d9de625a343587b925c15f36314.jpg

cá Hoàng hà tại hồ sao. Giống cá này cũng là động vật được quốc gia bảo vệ nên ko được bắt và người Tạng cũng có truyền thống thuỷ táng và ko ăn động vật bơi dưới nước nên mấy con cá này ko có thiên địch gì hết. Thấy có người là bu tới ào ào vì biết là người ta đến cho ăn.

29e1eacba3bfb90631f975c7f32d375f64bc9df6.jpg

Đèo Bayan Har (4824m)
Qua đến đèo Bayan Har là xem như chính thức đã đi vào đến địa phận Ngọc Thụ rồi. Trời vừa gió vừa lạnh, đèo thì cao gần 5000m không khí loãng ai nấy há mồm thở như cá mắc cạn nên ko xí xớn gì nhiều.

9ff845d35a3accb625bec32615a6921dc249c28b.jpg

Ngồi xe hơn chục giờ đồng hồ cuối cùng đã tới được Ngọc Thụ. Cảnh thành phố hơi bị anti-climax tý vì khoảng hơn chục năm trước đây là tâm chấn của vụ động đất lớn 7.1 độ richter thương vong rất nhiều, nhà cửa đổ nát hết sau đó được viện trợ từ cả nước xây mới lại rất nhiều trong thời gian ngắn nên ko còn được nhìn thấy bóng dáng xưa cũ của nó nữa.


 
7256b7b95e85b42470646af749f73a871d5d7fa1.jpg

Bò sống đọ với núi cao nguyên 5000m nên lông vừa dài vừa lại ú

V. Tam Giang Nguyên, Ngọc Thụ
Thành phố Ngọc Thụ có độ cao trung bình là hơn 3600m nên là mới từ đồng bằng (aka Tây Ninh) lên ở khách sạn hịn 1 chút để giúp khách dễ thích ứng với độ cao hơn ban đêm họ cho ăn buffet oxy thoả thích (trong phòng có ống dẫn oxy ngay đầu giường bật lên là phun oxygen như máy tạo ẩm). Mới đầu còn chảnh tính để tự quen với độ cao một cách tự nhiên cho lành mạnh thèm bật nhưng sang đến ngày hôm sau thấy hơi đau nửa đầu, có triệu chứng shock độ cao mà mới đi được nửa hành trình nên là hơi rét tối về nằm hít lấy hít để.

Để làm quen dần với độ cao thì ngay ngày hôm sau với Ngọc Thụ ko nên lao lực đi chơi quá nên là chỉ thong thả đi xem đền Kết Cổ - đền dòng Sakya - Hoa giáo lớn nhất ở Ngọc Thụ. Loạng quạng thế nào đến đúng ngày niệm kinh đầu tiên của đợt lễ lớn tháng 6, 2 bác tài người Tạng nhà mình lại theo dòng này nên được dẫn vô tận trong điện xem các lễ buổi sáng và công tác chuẩn bị.

d7a8629e7a05bb06dac1b35b877cd52b132ce00b.jpg

Điện chính của đền Kết Cổ

39804decf937b09032442f55f114034fb2743ff6.jpg

Phía bên trái là khu nhà ở của các thầy. Mới xây lại sau hồi động đất nên nhìn hơi bị công nghiệp.

a4924ffef041cbb0f6c4e8fa2e33c544bf563141.jpg

Lễ chính thức bắt đầu vào 8h tối nhưng đã tất bật chuẩn bị từ sáng sớm

56a6e60253c6c549ebc9e0f2344898a406be61dc.jpg

Xem các thầy vẽ mandala. Tranh mandala rất đối xứng hồi trước cứ nghĩ các thầy tay không bắt giặc cứ thế hoạ thôi ai dè nay mới biết là cũng phải dùng compa, tool các thứ nhé.

Vì lễ 8h tối mới bắt đầu nên cho đến lúc ấy chạy đi thăm miếu công chúa Văn Thành trên Đường Phồn cổ đạo (đến được đến miếu thì ko có cái ảnh nào : )).

a7e3714784baeaface3fad5744f0a1a92a72ba09.jpg

Trên đường đi ngang qua thành đá Mani tại Ngọc Thụ

17f56b843a219eb3c5a4b2c3326b3b7b18b93c97.jpg

 
Đường Phồn cổ đạo là con đường mòn nối liền thủ đô Tây An của nhà Đường qua Tây Ninh tới Ngọc Thụ, xuyên qua Tam Giang Nguyên để tới Lhasa, Thổ Phồn (vương quốc Tibet ngày trước). Đây cũng là con đường mà 1300 năm trước công chúa Văn Thành của nhà Đường đã đi để đến làm dâu Tây Tạng, mang theo bao nhiêu là tuỳ tùng, của nả, sách vở và cả kinh Phật làm của hồi môn, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế và hình thành Phật giáo Tây Tạng ngày nay (2700km nhưng cô đi 3 năm mới tới vì mỗi chỗ dừng chân nghỉ hẳn 2,3 tháng, chắc do hồi đầu hỏng có ham lấy chồng xứ lạ lắm.

5d7ea6a2fcb2ca751e2f216061987c4ac755c0fc.jpg

Dừng chỗ nào cô cho vẽ tranh khắc tượng xây chùa Phật đến đó. 1 ví dụ 1 graffiti. Mặt Phật đầy đẵn đúng thẩm mỹ nhà Đường nha
5167e3b9c98a283a0cadbafec720a84c9eeae808.jpg

Đi tháng 6 hơi sớm hoa mùa hè chưa mọc nhiều lắm nhưng mọi người đã đem lều chõng ra cắm trại picnic tưng bừng rồi.

98cb0014ee43afe87b53dce9123db2ccdd24526c.jpg

Sà vào làm quen rồi ăn hết nửa cả cái bàn picnic nhà người ta. Từ ảnh nhìn ko rõ chứ giữa bàn có mảng thịt bò yak khô hong gió to đùng ăn rõ là bon mồm : )). Cả nhà cô này đang trên đường hành hương nên là một lúc nữa lại gặp lại trên miếu công chúa Văn Thành. Người Tạng rất chi thân thiện hiếu khách các cô còn hỏi trong đoàn có đứa nào bị shock độ cao ko rồi cô cô lôi cho mấy miếng thảo dược người Tạng hay ăn để chữa bệnh nhìn như 1 cái mộc nhĩ khô mà ko shock độ cao ko được ăn nên quên tên dồi.

1e5386a12c9e2326e321d7508a39b82a093426e5.jpg

Mani núi trên cổ đạo. Ngoài mani núi còn Mani nước, mani .. rất nhiều loại hình như đương đăng ký di sản văn hoá thế giới mà quên mất tiêu.

7cc7984ed533cb2d807649064cc13a6af53a9cc1.jpg

Ngày nay Đường Phồn cổ đạo cũng trở con đường hành hương tới Lhasa rất nổi tiếng nên trên đường có thể bắt gặp rất nhiều người Tạng tam bộ nhất bái hoặc đi bộ tới Tây Tạng như các cô chú ni đi từ Cam Túc tới.

5cafd68621bba9c856a982d371694702ef3aafd4.jpg

Có những nụ cười mà cả đời ta ko bao giờ quên.

Bình thường khi ai đó quyết định đi hành hương bằng đường bộ nếu người trong làng hoặc bạn bè người thân có ai sắp xếp được người ta cũng sẽ bỏ công bỏ việc là lái chiếc xe uỷ lạo như chú lái bên phải này mang đầy đủ vật dụng nấu nướng rồi đồ ăn đồ uống lều chõng để người hành hương có thể nhẹ nhàng lên đường với balo vừa phải. Thường xe sẽ chạy phía trước vài km, người hành hương sẽ đi bộ hoặc tam bộ, ngũ bộ nhất bái đi theo sau. Khi đi đến chỗ xe rồi thì họ sẽ nghỉ ngơi một chút như các cô chú lúc này.

Nếu hành hương chỉ đi một mình ko có người trợ giúp thì chỉ cần vẫy xe qua đường, ai cũng sẽ sẵn sàng chở giùm ba lô của người hành hương đi trước và đặt lại ở vệ đường trước đó khoảng vài km để họ có thể hành lễ và lấy lại ba lô rồi đi tiếp. Vậy nên đi trên Đường phồn cổ đạo thi thoảng sẽ hay thấy mấy chiếc ba lô được đặt hoặc buộc gọn gàng bên cột đường. Đấy chính là hành lý của những người hành hương được các tài xế hảo tâm đặt giùm lên phía trước.

cf9311212947db1b6e87a0cb5f3a24b7ffd450ed.jpg

Liên Hoa Sinh trên đường. Đi được đến miếu công chúa Văn Thành thì ko chụp ảnh nên chờ khi nào chôm được ảnh của bạn thì mềnh kể tiếp.

b72643b58123b973037138fbce2cd1045d057964.jpg

Chạy đến miếu công chúa Văn Thành xong vội vàng trở về Ngọc Thụ coi đại lễ. Đi coi lễ được gặp thầy chấp pháp siêu ngầu.


 
d9cee45b060f38a37e30e7935bf85185b285371a.jpg

Đầu nguồn sông Lan Thương tại khu bảo tồn Ang Sai

Ngày hôm sau đi tiếp hành trình về nguồn các con sông.

Khoảng 55 triệu nước 2 mảng kiến tạo Ấn Úc và Á Âu va chạm vào nhau đã đẫn đến sự hình thành của cao nguyên Thanh Tạng cũng như tạo ra dãy Hymalaya có đỉnh Everest cao nhất Trái Đất hiện nay. 55 triệu năm tính ra so với tuổi của Trái Đất là còn rất mới và quá trình này vẫn còn đang diễn ra nên các nhà khoa học vẫn nhận xét là địa chất vùng này còn chưa ổn định. Chính từ những ngọn núi tuyết trên cao nguyên Thanh Tạng ở chính Ngọc THụ này đã chảy ra 3 dòng sông mẹ nuôi dưỡng 1/3 dân số thế giới: sông Trường Giang, sông Hoàng Hà và sông Lan Thương (lúc ở địa phận TQ gọi là Lan Thương khi sang địa phận quốc tế thì gọi là sông Mê Kong).

Trường Giang, Hoàng Hà và Lan Thương lần lượt có nơi khởi nguồn từ 3 huyện Zhiduo (Trị Đa), Maduo (Mã Đa) và Zaduo (Tạp Đa) tại Ngọc Thụ. Trong tiếng tạng thì Duo có nghĩa là nguồn, nên là Zhiduo có nghĩa là đầu nguồn của Zhi Qu (trị khúc). Maduo có nghĩa là Hoàng Hà - thượng lưu của Mã Khúc có nói đến ở post trước.

26e21a310abf152164c3f3a6121570dfb583b433.jpg


Thông Thiên Hà
Từ thành phố Ngọc Thụ đi tới Zhiduo đầu tiên sẽ thấy khúc sông Trường Giang mà lúc chảy ở mạn Ngọc Thụ gọi tên là Thông Thiên Hà. Ai mà còn nhớ Tây Du Ký thì sẽ biết Thông Thiên Hà này chính là kiếp nạn 81 mà thầy trò Đường Tăng phải vượt qua trên đường lấy kinh mang về Đại Đường. Hồi đầu khi các thầy trò đi qua đây thì có nhờ cụ rùa giữa sông chở giùm sang bờ bên kia. Cụ cho quá giang nhưng có nhờ một việc là đến lúc gặp Phật tổ rồi thì hỏi giùm là cụ năm nay bao tuổi rồi nhé, già quá rồi cụ nhớ hỏng có nổi.

Đến lúc 4 thầy trò thỉnh được kinh gặp được Phật tổ rồi công thành danh toại dzui qúa nhớ gì đến ai nữa nên là quên ko hỏi luôn. Đến đoạn đường về lại phải đi qua khúc sông này, cụ rùa mới hỏi thế hỏi hộ cụ chưa để cụ về làm mấy mâm đại thọ. Thấy cả 4 ông ậm ừ như gà mắc tóc là biết ôi nó quên chuyện của tôi rồi nên là cụ bực quá trả dép ông về. Đang chở ra giữa sông thì cụ hẩy cả 4 ông cùng mấy thùng kinh Phật mới thỉnh được về xuống. Sau khi lóp ngóp mãi bơi được lên bờ thì thấy kinh Phật ướt hết trơn rồi nên mới có chuyện ở khúc sông này Trư Bát Giới mới đem kinh Phật lên phơi trên đá. Nhưng vì ướt quá nên có nhiều đoạn chữ đọc ko nổi, chính vì thế nên đời sau mới có nhiều cách kiến giải kinh Phật khác nhau, vì sự cố này là Phật giáo mới chia thành 2 dòng Đại thừa và Tiểu thừa (đoạn này mình nghe bác tài kể lại thôi ko có check lại nên ko chắc chắn lém).

Bây giờ ở chỗ này người ta có quay lại thành 1 khu nhỏ trong đó có đặt hòn đá mà năm xưa Trư Bát Giới phơi kinh xong chữ bị lên phiến đá (đương nhiên là mang tính tượng trưng kỉ niệm thôi chứ chuyện thần thoại mà :v)

040ce706c394a686e4589c0bdbc29b883045049f.jpg

Vì mình là người VN mà nên để ý sông Mê Kong hơn. Khúc sông Lan Thương tại Tạp Đa. Đoạn này nhìn êm đềm vậy thôi chứ phần nhiều nó chảy xiết đục ngầu tràn bờ dữ wá nên được gọi là sông Lan Thương (nghĩa là cuồn cuộn sóng).

721598c34863e15fd0a00afcf9b854d4ebe332f8.jpg

Một đêm ngủ lều ngay bên bờ sông Lan Thương tại khu bảo tồn Ngang Trại. Rét lạnh thấy mồ đắp 3 lớp chăn người muốn bẹp dí rồi mà vẫn tê tái. Đúng chiều lại có gấu lảng vảng ngay cạnh khu lều nên tối ko ai dám đi đâu nằm im ru trong nhà.

fd1fa756ae898544ffeb45fc4d9ef20d18287e8c.jpg

Gặp được một đàn linh nguyên

fe9522486d1089f97b9743b5b63c07186e79675d.jpg

Gặp cáo Tạng, với ít thỏ rừng và một đàn dê xanh

2c0f5658258452b1568b7ed0ce82f45abce00d63.jpg

Hôm trước lúc mới tới mưa dữ tối trời tối đất quá tưởng trôi cả xe cả người xuống dòng Lan Thương để bơi về đất mẹ rồi may mà hôm sau hửng một tý còn thấy được mấy mẩu núi đá.

3392f10891102ef12edf7bdc5e71df31e8aa6439.jpg

Từ lúc thành lập khu bảo tồn là chính phủ bắt người dân sống ở khu vực này phải di tản hết. Giờ chỉ còn sót lại một vài gia đình Tạng du mục vẫn trú ngụ nơi đây thôi (bên cạnh bộ đội ở trạm gác)


 
86140a07920c184a3d1fb2664dff5a6b3d83a824.jpg

Bò ở Tạp Đa

Huyện Tạp Đa không chỉ là nơi có dòng sông đầu nguồn của Mekong-Lan Thương, mà còn là “quê hương của đông trùng hạ thảo” (gọi tắt là trùng thảo) ở Thanh Hải. Ngay giữa trung tâm huyện lỵ Tạp Đa có 1 cái quảng trường Đông trùng hạ thảo. Người ta còn hay nói rằng người Hán lên huyện Tạp Đa chỉ có 2 mục đích, một là tìm về đầu nguồn sông Lan Thương, hai là tìm đông trùng hạ thảo thôy.

abcc1cf42d01c727a93ccb58c85cc8d47cc346a9.jpg

Địa hình càng cao, chất lượng trùng thảo càng tốt. Mưa nhiều hay thiếu nắng, trùng thảo cũng không ngon.

70e627c6559898f14587580235880b2b06a3c326.jpg

Đi đúng mùa đào đông trùng chính vụ nên là xấp vội vô làm quen với 1 gia đình người Tạng ở Tạp Đa xin đào mới.

8bc999a6591fa30de36708af7cafc03123f87a54.jpg

Lúc mới đào lên thì còn tươi dính đất như này nhé

36a797a504c8aa1a00a72c736c2922dc60285c55.jpg

Rồi phải lấy bàn chải ra rũ đất như vầy nè. Nhẹ nhàng thôi mắc tiền lắm đứt cọng râu là xỉu tại chỗ luông.

a4c861e4fb8ac571bf4e0ee32f3555571b27e187.jpg

Xong đem phơi khô nhé. Phơi xong nó teo lại còn xíu à.

 
fc99e7452df942e425dfb3c046cfa65a51452a96.jpg

VII. Khả Khả Tây Lý, Ngọc Thụ

Nếu ai có đọc series Mật mã Tây Tạng của tác giả Hà Mã thì chắc sẽ nhớ tới hành trình của nhân vật chính Trác Mộc Cường Ba tới Khả Khả Tây Lý (Kekexili) trên cao nguyên Thanh Tạng. Là địa điểm làm bối cảnh chính trong cuốn 1, được miêu tả với muôn vàn cảnh thiên nhiên kì bí sông băng núi tuyết... , là khu thảo nguyên mênh mang khí hậu khắc nghiệt người ko thể sống nổi nên khu này đã trở thành thiên đường của các loài động vật hoang dã: gấu, sói, cáo, hươu ... và linh dương Tạng.

024d7804e46f588bef79796f1879a7a7727d2e48.jpg

Linh dương đực nè

Khả Khả Tây Lý là quê hương của linh dương Tây Tạng, do sống ở khu vực khí hậu khắc nghiệt cao hơn 5000m so với mực nước biển lạnh giá quanh năm này nên linh dương tiến hoá để có một bộ lông rất chi là dày, rất được giới mộ điệu phương Tây ưa chuộng bán được giá rất cao nên vào những năm 90 trước linh dương ở đây bị dân người Hồi (nghe nói, và cả số ít người Tạng nữa) săn trộm và tàn sát dã man. Số lượng linh dương ở đây giảm từ hàng triệu con xuống vài trăm ngàn con tiệm cận bờ tuyệt chủng.

8c77cefa6acb82271ea7b5f8f86fc17fade8344d.jpg

Chính phủ TQ thời đó có bận đấu đá lẫn nhau rảnh đâu mà để ý tới cái khu đồng không mông quạnh này chứ đừng nói gì tới mấy con linh dương. Xuất phát từ cả yếu tố tín ngưỡng, Phật giáo Tây Tạng vốn rất tôn trọng tự nhiên cũng như các loài động vật xung quanh, ý thức bảo vệ môi trường của họ trước giờ vốn vô cùng cao. Vậy nên là thấy chuyện bất bình rút đao tương trợ, có một chú anh hùng người Tạng ở đây đã đứng ra thành lập đội đi tuần dã chiến, quyết tâm chống lại bọn săn bắt trộm này. Chú tên là Suonan Dajie.

780a07ad0abbc4e87fecdb70c8424fbb5ed46987.jpg

Cáo Tạng

Do đội đi tuần này hoàn toàn là tự phát, không có chính phủ đứng đằng sau hỗ trợ vật tư vv trong khi dân săn bắt trộm do kiếm bộn từ việc buôn lậu nên ăn chơi trác táng, mua sắm khí tài đầy đủ, xe cộ súng ống không thiếu thứ gì. Ko ai tay ko mà bắt giặc được nên là để có thể đối chọi được với bọn chúng, trớ trêu là đội của chú cũng bắt buộc phải lấy linh dương bán kiếm tiền để mua súng ống đạn dược. Chú vốn ko phải là dân du mục lỗ mạng ít được ăn học mà thực tế là chú học rất cao, làm việc cũng có chức tước lớn nhưng đã bỏ tất cả vì sự nghiệp bảo vệ linh dương này.

dbe0338de48d76f6390949dacdf6c4aabaeffca6.jpg

Mông trắng chính là linh nguyên

Mặc dù có tiến hành vận động hành lang tác động để chính phủ quan tâm đến vấn đề này hơn nhưng không có hiệu quả, đồng thời cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều sau khi bị phát hiện chính đội của chú cũng dùng sinh mạng của linh dương để đổi lấy khí tài, chú đi thêm một bước nữa là mời một số nhà báo trong và ngoài nước đến tận nơi để chứng kiến sự tàn ác của cuộc đấu tranh tại xứ sở này. Chính bản thân chú cũng đã hy sinh trong công cuộc đó.

Nhờ có các nhà báo vào cuộc nên là vấn đề này được dư luận quốc tế rất quan tâm, chính phủ TQ chịu áp lực từ quốc tế cũng đã nhìn nhận chuyện này một cách nghiêm túc hơn là quyết định thành lập khu bảo tồn Khả Khả Tây Lý và đặt các trạm bảo hộ cũng như đưa quân đội vào đây để chấm dứt nạn săn bẳt trộm. 1 trong những trạm bảo hộ đã được đặt theo tên của chú Suonan Dajie. Cũng là trạm bảo hộ duy nhất ở Khả Khả Tây Lý mà khách du lịch được tới thăm. Khu vực sâu hơn của Khả Khả Tây Lý về cơ bản là cấm cả người TQ lẫn khách quốc tế. Để có thể vào được bắt buộc phải xin một cái permit vô cùng đắt tiền ( hình như mấy chục vạn 1 người cho 1,2 hôm trong đó). Vậy nên là đợt này chỉ có trớt quớt đi được ở cái mép Khả Khả Tây Lý thôi.

c515b40a779b26675ba17035d3299d3844b70001.jpg

Côn Luân sơn khẩu tại Khả Khả Tây Lý

5711b31383ae14903726f1621ab023a8e069edc8.jpg


Nếu đi sâu vào bên trong thảo nguyên nữa thì chắc gặp nhiều thú lắm nhưng mà theo luật thì xe ko phải biển Khả Khả Tây Lý chính người bản địa thì ko được đi ra khỏi phạm vi đường bê tông. Vượt ra khỏi đường chính một cái là xem như phạm pháp có người alo cảnh sát luôn nên ko thể léng phéng lái xe việt dã xuyên cao nguyên ngắm thú như trong Mật mã Tây Tạng được.

c7d5ef47e52f1ae4dae8ad3d9fbb14f27e3708f8.jpg

Vịt ở đầu nguồn Trường Giang, Khả Khả Tây Lý

Để đến được Khả Khả Tây Lý từ phải đi từ Ngọc Thụ đến huyện Trị Đa (Zhiduo). Zhiduo như post trước có nói thì nổi tiếng vì nằm ở đầu nguồn sông Trường Giang, được xưng là "vạn lý Trường Giang đệ nhất huyện". Được ca tụng là "nguồn của Trường Giang, tổ của trăm sông, đất của bò lông,quê của ca vũ,ngọn nguồn sinh thái, vương quốc động vật,cổ đạo Đường-Phồn cố đạo""nhất giang cửu hà thập đại than". Từ huyện Trị Đa đi về phía Tây, đêm ngủ ở Khúc Mã Lai (Qu Ma Lai), lên đồn công an điểm danh xong hôm sau mới được tiến vào khu không người ở Khả Khả Tây Lý. Thực ra cũng có thể nói huyện Trị Đa này là một bộ phận của Khả Khả Tây Lý.

7d468141922f94e0c60dd7308d589c1156bcc434.jpg

Gặp nhiều nhất là lừa Tạng nè. Tụi này sống bầy đàn, có quả bụng và chân màu trắng là đặc điểm nhận biết.

a4709fe4c991fdb3999372e4078f9b1ee8aae928.jpg

Bonus thêm hình e Ngao Tạng đi hoang




 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,626
Bài viết
1,154,144
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top