Re: Jeddah -Arrabia Saudi tháng 6/2015: Hành trình về Thánh địa Mecca bất thành.
TỔNG KẾT LẠI
Ả Rập Xê Út (Saudi Arabia) là một quốc gia Hồi giáo nổi tiếng, nhưng đối vơi cá nhân tôi thì thấy rằng vẫn còn có gì đó xa lạ với thế giới bên ngoài. Riêng đối với thế giới Hồi giáo thì không tính vì hàng năm có hàng triệu lượt người Hồi giáo hành hương về đây. Chính vì thế mà các thông tin đi lại, các quy định, luật lệ ...chắc chỉ dành riêng cho những người theo đạo Hồi và hầu hết bằng ngôn ngữ Ả Rập (Arabic). Tôi vẫn ấn tượng nhất việc tìm hiểu các thông tin du lịch mà tôi tự mày mò tìm kiếm bằng hầu hết các điều kiện hiện có nhưng gần như là...chả có thêm thông tin gì bổ ích. Có một số thông tin chắc chắn cần phải biết mà tôi tổng hợp lại được như sau:
1. VISA vào Ả rập rất khó. Nếu bạn không có submit đầy đủ thông tin về bạn, gia đình, tôn giáo,... thì rất khó để có được VISA
2. Phụ nữ, chẳng dễ dàng xin VISA vào Ả rập, nếu không phải là đi theo diện abc nào đó của chính phủ, hoặc bạn là đạo Hồi được tháp tùng vào Ả rập bởi chồng, cha hoặc anh trai cũng theo đạo Hồi
3. Người Ả rập rất lành và dễ chịu nếu như bạn không làm gì bất nhã hoặc vi phạm những điều cấm kỵ của đạo Hồi được quy định trong các cuốn kinh Qur'an. Tuy nhiên, nụ cười xã giao của người Ả rập không phải lúc nào cũng thường trực trên môi.
4. Người lao động nhập cư vẫn là lực lượng lao động chính cho quốc gia dầu mỏ nổi tiếng này. Người lao động Việt nam sang cũng làm hầu hết trong các nhà máy, các khu công nghiệp và cảng biển. Tôi có gặp một số em người Việt quê Hà Tĩnh, Nghệ An,.. sang lao động bên này với thời hạn 2 năm. Các em rất thấy thoải mái với cuộc sống và thu nhập, trung bình khoảng 1000 - 1500$/ tháng. Hầu hết các em là thanh niên trẻ ngoài 20 tuổi, chưa có gia đình nên đều hầu hết muốn được làm tăng ca. Phần vì còn trẻ khỏe, phần nữa là muốn có thêm thu nhập ngoài giờ, và theo thú nhận của một em người Hà Tĩnh thì việc làm tăng ca sẽ được ăn 2 buổi ở nhà máy không mất tiền.

5. Đạo Hồi nghiêm cấm uống rượu và ăn thịt lợn (heo), họ cho rằng lợn là con vật bẩn thỉu nên chỉ hầu hết ăn các loại thịt gia súc, gia cầm khác mà hoàn toàn không có thịt lợn. Việc uống bia rượu cũng bị nghiêm cấm, họ cho rằng rượu bia và các chất có cồn khác là tác nhân làm cho con người hư hỏng như mất kiểm soát hành vi, đánh nhau, cướp giết hiếp... vì vậy mà các lao động người Việt sang đều có chung một ấp ủ là loay hoay tìm cách nấu rượu lậu để uống. Việc kiểm tra, soát xét và kỷ luật cho về nước các lao động người Việt bên này không hề ít, tuy nhiên tình trạng cũng chẳng giảm được là bao nhiêu. Và trong buổi ăn tối tiếp đoàn chúng tôi, vị Giám đốc điều hành (vốn người Hà lan) cùng với bầu đoàn có đánh tiếng hỏi xem chúng tôi có muốn dùng một ít Champaine của người Ả rập không? Chúng tôi đồng ý liền. Sau đó, champaine được mang ra trong một cái bình cao cổ, nhân viên phục vụ rót vào cốc cho mỗi người. Tôi cũng hào hứng đưa lên miệng nhấp thử, sao nó giống nước táo thế nhỉ? Bị giám đốc điều hành cười nói: Đó chính là nước táo đấy! =))
6. Phụ nữ Ả rập thường kín đáo và kín tiếng. Tôi đi khắp các cửa hàng, cửa hiệu và công sở, nhà máy... chẳng thấy mấy bóng lao động nữ. Các cửa hàng là rõ ràng nhất vì chỉ toàn thấy đàn ông bán hàng, tịnh chả thấy bóng phụ nữ đâu. À, phụ nữ sẽ làm khách hàng!
...
Còn nhiều những điều tổng kết vui nữa ở đất nước Hồi giáo nổi tiếng với 2 vùng đất linh thiêng là Thánh địa cũng như cái nôi của đạo Hồi này, tuy nhiên đúc rút lại thì các bạn không phải đạo Hồi (như tôi) cũng sẽ chẳng khám phá được gì hay ho hơn đâu. Vì luật Hồi giáo ở đây không cho phép người không phải đạo Hồi vào các vùng đất thiêng liêng ấy. Thế nên ..chả có gì vui.
Một số hình ảnh trước khi kết thúc chuyến đi, như bữa tối ở Pack Hyatt Resort bên bờ Biển Đỏ, nơi được đón tiếp với đồ uống khai vị nổi tiếng. Champaine nước táo.
Con đường trở ra sân bay ngày về cũng lại một lần nữa đưa tôi đi ngang qua Thánh đường King Saud, nơi mà vô tình và may mắn đối với người ngoại đạo như tôi được lọt vào bên trong để khám phá thêm phần nào sự bí hiểm của đạo Hồi. Kể từ sau hôm đó, chẳng có thêm lần nào tôi được đặt chân tới những nhà thờ Hồi giáo hay những gì thuộc về Hồi giáo như thế nữa.
Ngoại ô của Jeddah đang từng ngày đổi mới bởi các khu đô thị mới hai bên đường, bởi đường xá rộng rãi và thẳng tắp. Đường xá thênh thang hỗ trợ cho sự phát triển và mở cửa ra với thế giới.
Giao thông ở Ả rập là một điều rất hay mà tôi đã từng đề cập tới ở trên. Từ chuyện giá xăng dầu rẻ quá thể, cho tới chuyện dễ dàng sở hữu một chiếc xe hơi ở đây, cũng như chuyện chạy xe và những việc vụn vặt như va chạm hay cọ quẹt. Đó hoàn toàn không có gì to tát cả. Thánh Allah đã muốn thế rồi mà.
Sân bay Quốc tế King Abulaziz của Jeddah - Saudi Arabia nằm bên bờ Biển Đỏ. Vào những thời điểm cao điểm của tháng Ramdan sân bay đón tiếp khoảng 5 triệu lượt khách. Còn trong năm đón tiếp khoảng 13 triệu lượt người. Tuy nhiên nhìn từ phía bên ngoài thì cũng đâu có gì hoành tráng như những trung tâm trung chuyển hàng không khác trên thế giới đâu nhỉ?! Vả lại, đây là sân bay dành cho khách. Còn kế bên đó trên đường đến là sân bay tư nhân (Private aiport) thấy đỗ sat sát các máy bay tư nhân. To có, nhỏ có, các ký hiệu và màu sắc khác nhau. Hóa ra là các ông hoàng, thái tử, hoàng thân cũng như các tỉ phú Ả rập họ đi riêng chứ đâu có đi chung với mình đâu nhỉ? Giờ thì về lại với đất nước Việt nam vô cùng xinh đẹp, hiền hòa và thân thiện thôi. Chào nhé và hẹn sẽ có ngày gặp lại đất nước và con người Ả rập trong thời gian tới! (BB)