What's new

[Chia sẻ] [Kashmir Du Ký] ... Và nơi đây bình minh yên tĩnh

Chúng tôi cởi bớt áo len, tạm biệt cái lạnh tê người của Ladakh để đáp chuyến bay về lại Delhi nắng cháy. Chuyến bay dài chưa đầy 55' chứa đựng nhiều điều bất ngờ hơn tôi nghĩ. Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông đứng tuổi điềm đạm và có khuôn mặt đặc trưng của người Ladakhi. Sau khi chào hỏi và được biết tôi từ Việt Nam đến, ông rất bất ngờ và dành toàn bộ thời gian trên chuyến bay để chuyện trò và kể cho tôi nghe những kỷ niệm "nhỏ" mà ông đã có với người Việt Nam ...

Năm 1984, khi đó ông còn là đại diện ngoại giao của vùng Ladakh, bang Jammu & Kashmir, ông tiếp xúc với người Việt Nam lần đầu tiên (ông phát âm rất chuẩn cái tên Việt Nam này), đó là cố bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch khi đó cùng một số tướng lĩnh cao cấp có chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ và dành 4 ngày để đi quanh khu vực Kashmir, ông là trưởng phái đoàn đón tiếp và là lần đầu chính thức đón người Việt Nam đến Ladakh ...

Bố của ông trước đây là đại sứ Ấn Độ tại Mông Cổ, chị gái ông học tiếng Nga ở thủ đô Ulanbato. Trong 1 lần đi thăm chị mình, ông được 1 người bạn của chị ông nấu mời 1 bữa cơm trưa. Đó là 1 lưu học sinh Việt Nam tại Mông Cổ mà ông chỉ còn nhớ được tên là "Hạnh", cũng là lần đầu ông được ăn món ăn Việt Nam mà ông ấn tượng đến tận bây giờ.

Mới đó mà đã gần 28 năm ... Ông nói với tôi sản vật đến từ Việt Nam gần gũi nhất với gia đình ông bây giờ là cá basa! Cá basa được được bầy bán rất nhiều ở các chợ vùng Ladakh và được người dân ở đây ưa chuộng bởi giá cả hợp lý và chất lượng hảo hạng :)

Chúng tôi tiếp tục trao đổi về những chuyện thường nhật, về gia đình và những điều cá nhân. Lúc máy bay sắp hạ cánh, ông trầm ngâm nói 1 điều làm tôi ấn tượng mãi: thế hệ của tôi và con trai con gái ông rất may mắn! Đúng thế, tôi thấy mình may mắn được sinh ra trong 1 thành phố anh hùng giữa 1 đất nước anh hùng, giống như con cái ông vậy. Tôi lớn lên khi tiếng súng gươm đã lui vào quá khứ, và chỉ được nghe về Kashmir cùng những chiến sự xung đột giữa Ấn Độ - Pakistan nhưng chưa bao giờ thực sự biết về miền đất đó. Hôm nay tôi xin dành bài viết này để viết về 1 góc nhỏ của Kashmir - vùng Ladakh - nơi đây, tôi biết rằng, bình minh yên tĩnh ^^

=====

Một vài hình ảnh giới thiệu về vùng Ladakh, tháng 5 năm 2011:

Những ngọn núi cao cheo leo ...

IMG_9679.jpg


... hay những thung lũng xanh mùa tuyết tan

IMG_0051.jpg


... Cuộc sống thanh bình dưới chân dãy Karakoram:

IMG_9745.jpg


IMG_9726.jpg


IMG_9623.jpg


... Và đặc biệt những di chỉ Phật giáo hiện hữu khắp nơi nơi:

IMG_9815.jpg


IMG_9998.jpg


... Một Ấn Độ rất khác so với những gì tôi đã hình dung!
 
Quá tuyệt vời khi nhìn thấy Leh Palace đầu tiên từ topic mới của Yilka. Tăng tốc lên một chút và chi tiết phần hành trình nhé.
 
0. Đôi dòng giới thiệu sơ lược về Ladakh

Không phải chờ đến lúc bộ phim '3 Idiots' ra mắt và được hâm mộ trên toàn thế giới thì những hình ảnh đẹp mê người của vùng phía Tây dãy Himalaya mới làm cho người ta say đắm. Với người Ấn Độ, toàn bang Jammu & Kashmir từ lâu luôn được coi là chiếc vương miện của đất nước, và bên trong J&K thì Ladakh là thiên đường của sự sống, đúng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lonely Planet vinh danh Ladakh là 1 trong 10 nơi phải đến cho những người đang yêu và cả kẻ thất tình!

Ladakh nằm ở đâu trên bản đồ Ấn Độ?

IndiaMap.jpg


Có lẽ ít đất nước nào làm cho người ta choáng ngợp bởi sự phong phú về địa hình, khí hậu, lịch sử, văn hóa như Ấn Độ. Trong đó chiếc vương miện của Ấn Độ - J&K - nằm ở vị trí cực kỳ nhạy cảm và trọng yếu. Phía Tây giáp với Paskitan, phía Đông giáp với Trung Quốc; cả 2 đường biên giới Tây-Đông này cho đến nay vẫn chưa được phân định rõ ràng và đã từng là điểm nóng giao tranh nhiều thế hệ. Lọt thỏm vào giữa dãy Karakoram chạy bên phải và dãy Zanskar chạy bên trái, toàn bộ Ladakh như được 2 bức tường tự nhiên bảo vệ thoát khỏi mọi biến cố xung đột quân sự. Người ta càng nhắc đến biên giới Kashmir nóng bỏng bao nhiêu thì ngược lại càng đề cao tính an toàn yên tĩnh của riêng Ladakh bấy nhiêu. Cho đến những năm 1970 khi chính phủ Ấn Độ chính thức mở cửa Ladakh cho du khách trong và ngoài nước được thăm quan du lịch thì người ta mới có điều kiện kiểm chứng sự độc đáo này.

kashmirmap.jpg


Về mặt lịch sử địa lý, Ladakh chắc không xa lạ với những thương nhân trên con đường tơ lụa huyền thoại kết nối Trung Hoa - Ấn Độ đến tận Địa Trung Hải. Từ Tân Cương vượt qua dãy Karakoram, người ta đặt chân vào Ladakh và chắc chắn sẽ bị mê hoặc bởi chất lượng hảo hạng của lụa Cashmere (còn có tên khác là Pashmina) cắt từ lông của loài dê núi nuôi trên những vùng tuyết phủ quanh năm của Ladakh. Không phải tự nhiên mà nhắc đến nơi đây, du khách đều ước ao sở hữu nhưng tấm khăn choàng, áo len Pashmina cực nhẹ và cực ấm. Có 1 điều đáng tiếc nhỏ, do kỹ thuật thêu tay của người Ladakhi chưa cao nên cho đến ngày nay, lông dê sau khi được cắt từ Ladakh vẫn được chuyển về Srinaga hay Jammu để làm thành thành phẩm cuối, rồi bán lại với giá khá cao :D
 
1. Đường vào Ladakh

Về mặt hành chính, bản thân Ladakh được chia ra làm 2 khu: Kargil và thủ phủ Leh. Nhưng tự nhiên lại có 1 sự phân định khác cho Ladakh, đó là sự phân chia bởi những thung lũng và dòng sông. Tổng quan Ladakh gồm 3 thung lũng chính: Shyok, Nubra, và Indus. Còn tôn giáo ở Ladakh tự nó có cách chia của riêng mình: một phần lớn chủ yếu theo đạo Hồi dòng Shia (Shia sect, Ladakhi Muslims) sống bên phía Tây của Ladakh gần Kargill; một nhánh nhỏ theo đạo Hồi dòng Sunni (Sunni sect) sống ở thủ phủ Leh; và số lượng rất đông đảo tín đồ Phật giáo sống ở Leh mà tôi xin gọi là Ladakhi Buddhism bởi đây là sự kết tinh lâu đời của tín ngưỡng Phật giáo Kashmir (Kashmiri Buddhism) với cổ giáo Bon và Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhism) đã làm Ladakh đặc biệt trở thành 1 vương quốc Phật giáo kỳ thú tuy có nhiều điểm tương đồng với người anh em Tây Tạng nhưng bản thân nó vẫn có những nét riêng biến ảo mà tôi xin dành viết cụ thể hơn ở các bài sau.

Đối với khách du lịch, có 2 cách để vào Ladakh: đường bộ hoặc đường hàng không.

a) Đường bộ: có 2 tuyến chính Srinaga-Kargil-Leh và Manali-Leh.

- Chạy từ Tây sang Đông, tuyến Srinaga-Kargil-Leh dài hơn 420km chạy qua 2 độ cao chính là Zoji La (~3500m) và Fotu La (~4100m) thường cần khoảng 2 ngày để đi hết, nghỉ 1 đêm ở Kargil.

- Tuyến thứ 2 Manali-Leh dài gần 480km ngày nay trở nên phổ biến hơn, cho phép du khách di chuyển từ Delhi qua bang Himachal Pradesh rồi bắt đầu công cuộc chinh phục những độ cao nằm giữa Manali và Leh như: Rohtang La (~3978m), Baralacha La (~4895m), Lachang La (~5060m), Tanglang La (~5360m). Tương tự tuyến 1, tuyến 2 này cần trung bình 2 ngày, nghỉ đêm giữa đường ở trấn Sarchu hoặc Keylong.

Do tính chất khí hậu nhiều tháng tuyết phủ nên 2 đường bộ này thường chỉ mở cửa từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10 hàng năm. Bang J&K có hẳn 1 site riêng để du khách và lái xe kiểm tra điều kiện đường mở hay đóng vào các thời điểm trong năm: http://leh.nic.in/

Một cảnh thường thấy trên các tuyến đường bộ của vùng Ladakh khi tuyết chưa tan hết:
IMG_0113.jpg


b) Đường hàng không: bởi không phải lúc nào cũng có thể di chuyển bằng đường bộ nên bay luôn là sự lựa chọn nhanh chóng nhất (nhưng chưa chắc an toàn nhất) cho du khách muốn đến Leh. Cũng vì thế mà việc bay từ Delhi đến Leh tuy phổ biến và chỉ kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ nhưng giá vé (trung bình 100USD/chiều) được coi là cực kỳ đắt so với mặt bằng trung giá vé nội địa Ấn Độ.

Có 4 hãng hàng không bay vào/ra Leh:

- GoAir: http://www.goair.in - Thể loại: HK giá rẻ, không có đồ ăn, ít chuyến, thường hoãn nhất trong số 4 hãng

- Air India: http://www.airindia.in - Thể loại: HK giá rẻ, không có đồ ăn, số lượng chuyến cũng không nhiều và hay có đình công nên lịch bay khó tin cậy

- Jet Airways: http://www.jetairways.com - Thể loại: HK chất lượng cao, giá đắt hơn GoAir và AirIndia, đồ ăn ngon và phong phú, hiếm khi hoãn hay trễ chuyến

- King Fisher: http://www.flykingfisher.com - Tương tự Jet Airways, nhưng tiếp viên xinh hơn, được coi là 1 trong những hãng HK nổi tiếng về việc tuyển chọn tiếp viên cực xinh :D

Cả 4 hãng trên đều đặt chỗ online và xuất vé điện tử. Riêng JetAirways và KingFisher còn cho phép chọn trước chỗ ngồi khi làm web check-in nên có thể sắp xếp ngồi cạnh cửa sổ ngắm cảnh khi bay vào/ra Leh. Các hãng đều tăng chuyến (2-3 chuyến/ngày) trong những mùa du lịch Ladakh (tháng 5 đến tháng 10), thời gian bay vào thường khá sớm (6am, 7am ..) và thời gian bay ra thường là sau buổi trưa nên rất tiện lợi cho khách du lịch.

Bay vào Leh lúc 6h sáng khi mặt trời mới ló:
IMG_9518.jpg


Trong chuyến đi lần này, tôi có dịp thử qua 2 hãng này và người bạn đồng hành thì bay vào bằng GoAir, mọi chuyến bay đều nhanh chóng, đúng giờ, an toàn, và đắt. Có 1 lưu ý nhỏ là độ cao của Leh khoảng 3600m so với mực nước biển nên ai cũng xây xẩm mặt mày và khó thở! Thêm vào đó là khí hậu Ladakh lạnh hơn so với các vùng khác của Ấn Độ nên mọi người nên chuẩn bị sẵn áo ấm khi xuống sân bay.

Ngoài ra do tính chất phức tạp của vùng Kashmir nên việc kiểm tra an ninh khi bay vào/ra Leh lâu hơn bình thường, tuy nhiên hoàn toàn không có gì phiền hà. Du khách chỉ được mang máy ảnh, điện thoại, laptop và đồ quý giá trong hành lý xách tay lên máy bay. Còn quần áo, đồ ăn, đồ dùng cá nhân, mỹ phẩm, thậm chí cả pin máy ảnh thừa đều được hướng dẫn cho vào hành lý gửi. Nói túm lại là đồ xách tay càng gọn nhẹ càng tốt để khỏi mất công mở hết ra kiểm tra.
 
Last edited:
2. Hành trình của chúng tôi trong chuyến du ký lần này

- 29/4: đáp máy bay Sài Gòn – KL chuyến 9.10pm-12am

- 30/4: bay AirAsia chặng KL-Delhi 5.40pm-8.40pm. Thời gian thực bay khoảng 5 tiếng 30’, chênh lệch múi giờ 1.5 tiếng

- 1/5: sáng sớm bay JetAirways chặng Delhi- Leh 5.40am-6.55am. Nghỉ ngơi đến trưa, chiều bắt đầu đi quanh Leh thăm Leh Palace, Palace Gompas, Jama Masjid dừng chân ngắm Leh từ Shanti Stupa

Chúng tôi mua tour của Yasmin Hotel http://www.yasminladakh.com/ladakh_tour_packages.asp 7 ngày 6 đêm bao gồm: bữa sáng, phòng đôi, xe và lái xe đi tất cả các điểm theo lịch trình dự kiến chúng tôi đặt ra, vé thăm qua mọi địa điểm, permit vào Nubra Valley và Pangong Lake, nghỉ 1 đêm trong Nubra Valley, cưỡi lạc đà ở làng Hunder. Gần như tất cả mọi thứ, trừ bữa trưa và bữa tối.

Giá Yasmin có thể coi là rẻ nhất trong những hotel và agency tôi liên hệ, tổng cộng 26,000 INR cho 2 người, tương đương 600 USD cho 2 người. Việc book tour thong qua email, không đặt cọc tiền, thanh toán mọi chi phí sau chuyến đi trực tiếp ở hotel, trả bằng đồng Rupee hay USD đều được. Tỷ giá trung bình trong thời gian chúng tôi ở Leh là 1 USD = 43.2 Rupee (chú ý: bạn có thể mặc cả tỷ giá chút đỉnh nếu đổi nhiều).

Chú ý: hoàn toàn ko bắt buộc phải mua tour hay thuê guide bên trong Ladakh nói riêng và Kashmir nói chung. Du khách tự do đi lại và khám phá theo ý thích. Một số khu vực cần permit cho người nước ngoài như Nubra Valley, Pangong Lake, Tso Mori Lake thì permit có thể xin trong Leh dễ dàng. Cách di chuyển giữa các điểm ở Leh chủ yếu là taxi, có thể thuê theo từng chặng hoặc thuê vài ngày. Ngoài ra bus cũng có nhưng tần suất thấp, có lẽ chưa phải mùa du lịch cao điểm (tháng 6 -> tháng 10) nên chúng tôi ít gặp xe buýt địa phương chạy đưa đón du khách. Ngoài ra các bạn Ấn Độ còn rất thích tự thuê xe máy lái nhưng chúng tôi không dám liều vì sợ rét và mù đường :D

- 2/5: đi về phía Đông Nam thành phố, đến thăm 3 tu viện nổi tiếng trong vùng: Hemis (cách Leh 40km), Thiksey (cách Leh 19km), Shey (cách Leh 14km)

- 3/5: đi Nubra Valley cách Leh 120km. Tuy quãng đường không dài nhưng cheo leo gian khổ. Vượt Khardung La pass (5400m) vào giữa trưa, buổi chiều xuôi về sườn Bắc của đèo đến thăm tu viện Diskit, cưỡi lạc đà 2 bướu ở Hunder và nghỉ 1 đêm ở đây

- 4/5: từ làng Hunder lái xe đến thăm làng Sumur và tu viện Samstaling rồi lại qua Khardung La trở về Leh

- 5/5: khám phá hướng Tây của Leh, đi thăm tu viện cổ xưa nhất của Leh: Lamayuru. Trên đường về dừng chân ở Alchi thăm làng Alchi và tu viện Alchi (cách Leh khoảng 70km).

- 6/5: khởi hành từ sáng sớm và dành ra nguyên ngày đi hồ Pangong cách Leh hơn 160km.

(Thường trong các ngày ở Leh, khoảng 6h chiều là chúng tôi đã về đến thành phố nên buổi chiều tối thả sức dạo chơi ăn uống và mua sắm. Internet của Leh nhanh hơn mong đợi, Facebook không bị chặn, còn đt Quốc tế thì cước phí rẻ không tin nổi!)

- 7/5: sáng 10.30am bay Kingfisher chặng Leh-Delhi. Hạ cánh lúc 12h chiều, đi lòng vòng tắm nắng trong thành phố, ngắm Ấn Độ “thân quen”, ghé Humayaun Tomb chụp ảnh rồi quay lại sân bay đáp chuyến bay 9.55pm đi KL

- 8/5: sáng 6am đến KL, từ đây về nhà thì ai cũng biết :D
 
Last edited:
Bạn Yika ,ảnh thiên nhiên bạn chụp đẹp thật, ko biết bạn có PS ko? vì mấy bức ảnh này tớ đã quyết định đổi kế hoạch thăm thú bang Rajastan sang đi Kashmir ^^
Nhưng chi phí đắt thế nhỉ? Ko biết có cách nào đi bui rẻ hơn ko? Ở Leh có nhiều guest house ko bạn?
 
Ngày 1: Leh - buổi chiều phố thị

@Cristal: ảnh của mình ko dùng PS mà dùng Lightroom để cut với xoay và chỉnh lại, được cái mình khoái sắc màu Canon nên cũng ko phải chỉnh nhiều lắm. Chi phí mà mình quote thực ra là khá rẻ rùi ý, bạn có thể tự thuê hotel, tự thuê xe riêng hoặc đi taxi cho từng chặng, mình nghĩ sẽ tốn kém tương đương đấy. Leh có cực kỳ nhiều nhà nghỉ bạn ạ, nói ko ngoa là cứ 5' đi bộ lại có 1 nhà nghỉ, và họ rất quen với làm du lịch rồi, tiếng Anh nói tốt nữa.

===

Chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Leh khá sớm, đoàn Việt Nam chỉ có 2 mống, mà dưới sân bay đã có 3 nhân viên của khách sạn đợi sẵn, kèm theo rất nhiều tốp lính lăm lăm súng ống, vừa thấy đã rét :D Sân bay này trước đây là sân bay quân sự, bốn phía xung quanh là tiền đồn và vô số trạm gác, tuy nhiên không khí rất thanh bình, khách du lịch có thể thoải mái chụp ảnh mà không bị hỏi han.

IMG_9543.jpg


Về đến hotel, chúng tôi ăn sáng nhẹ rồi đi ... ngủ theo khuyến cáo của bác chủ khách sạn với lý do để thích nghi với độ cao. Tỉnh dậy lúc 2h chiều, đầu nhức như búa bổ, chúng tôi tu nước như vạc mới đủ sức khăn gói đi chơi quanh thành phố. Một vài hình ảnh hotel Yasmin đơn sơ giản tiện:

IMG_9551.jpg


IMG_9554.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,486
Bài viết
1,153,188
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top