What's new

Kathmandu to Kailash: Ký sự xuyên Hy Mã Lạp Sơn.

Nhân duyên với Kailash tự thuở nào?

Tôi bắt đầu có vài khái niệm về Tây Tạng cách đây khoảng mười năm. Có lẽ những thông tin đầu tiên lại xuất phát từ cuốn sách “Suối nguồn tươi trẻ” của Peter Kelder. Tôi vẫn khá kiên trì tập luyện năm thức tập của Tây Tạng theo hướng dẫn trong sách này và hẳn nhiên cảm nhận được sự tăng cường sức mạnh về thể xác cũng như tinh thần. Từ đó tôi để ý đến hai chữ Tây Tạng nhiều hơn. Vậy là “Con đường mây trắng” của Anagarika Govinda do Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách dịch, “Người Tây Tạng nghĩ về cái chết” (Bardo Thodol), “Trong vòng tay Sambala”, “Chúng ta thoát thai từ đâu” của Erono Mundasep và rất nhiều cuốn sách viết về Tây Tạng, Ấn Độ, bắt đầu chiếm nhiều chỗ trong tủ sách của tôi.

Giáo sư Spalding với cuốn “Hành Trình về Phương Đông” đã làm “đảo lộn” suy nghĩ của tôi về con người và vũ trụ. Ông thường xuyên đề cập đến những vị Tôn Sư ngoài trăm tuổi vẫn đang ẩn tu trên những ngọn núi tuyết phủ trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Còn Govinda và Mundasep đều viết nhiều về một ngọn Núi Thiêng, nơi được xem là Núi Tu-Di trên quả địa cầu, là “tâm điểm của mọi xứ sở”, nơi trú xứ của Thần Shiva, của các vị Thiền Phật và Bồ Tát. Một ngọn núi mà theo Govinda là “không có núi nào có thể sánh”. Ngọn Núi Thiêng đó có tên là Kailash, mà trong tác phẩm của mình cũng như các bản dịch, anh Nguyễn Tường Bách gọi là Ngân Sơn.

Ước mơ gần như “hoang tưởng” được đến chiêm ngưỡng ngọn Núi Thiêng, nơi là “trung tâm của thế giới” có lẽ bắt đầu manh nha và lớn dần trong tôi từ những ngày tháng đó.

Và rồi, điều cần đến phải đến. Đầu tháng 6 năm 2010 tôi được gặp anh Nguyễn Tường Bách nhân dịp anh từ Đức về Việt Nam chịu tang bố. Tôi nhớ đã gặp anh tại nhà một người bạn thân của anh. Tôi vốn rất hâm mộ anh Bách sau khi đọc khá nhiều tác phẩm anh viết và dịch; vẫn mong một ngày được gặp anh. Trước đó, khi biết tin bố anh vừa mất, tôi chủ động google, tìm trên các diễn đàn được địa chỉ email của anh. Tôi gửi email chia buồn và anh cũng sớm phúc đáp với lời cảm ơn chân thành. Cuộc sống vốn diệu kỳ vậy đó. Biết tôi mê anh Bách, anh Trần Sỹ Chương, một người anh của tôi đã tạo điều kiện để tôi được gặp anh. Tôi còn nhớ khi vừa vào nhà anh Thu, cúi chào và giới thiệu tên mình, anh đã hỏi “hóa ra Tuấn này là Tuấn đã email cho anh à?”. Nhân duyên cho chuyến hành hương chiêm bái Kailash (Ngân Sơn) hẳn đã nảy mầm từ hôm ấy.

Topic đã được gởi đăng bởi BDK
 
Last edited by a moderator:
Xin góp vui topic của anh, một số ảnh đoạn đường đầu hành trình Kora.

250911_10150977919134875_279713201_n.jpg


Đoạn đường từ Darpoche, đường đi xen giữa núi. Thật may mắn vì đúng lúc này trời không còn tuyết rơi, mây mịt mù.

Chặng đầu của kora, một góc chụp tương tự của bạn Langthang

attachment.php


Tiến thêm vài bước nữa

attachment.php
(Ảnh: Virgo)

Nhóm của anh Tuấn nghỉ đêm của kora ngày 1 trong nhà khách nào trong mấy căn nhà trước tu viện Dirapuk thế ạ ? Nhìn từ phía nhà khách, tu viện bé tí tẹo nhỉ?

Trước khi tới Dirapuk, nếu thời tiết thuận lợi thì các đoàn hành hương có thể nhìn thấy mặt phía Tây Bắc của Kailash. Từ hướng này ngọn núi có hình dáng hệt như kim tự tháp

attachment.php


attachment.php
 
Buổi chiều Ngân Sơn mùa hạ năm đó đẹp lạ lùng. Dù những con sông vẫn còn lóng lánh tuyết băng, dù mây trắng rồi mây xám nhiều lúc rủ nhau từ bên kia núi ùa về che phủ Ngân Sơn, rồi vội vã đi nhanh như lúc xuất hiện… bầu trời Ngân Sơn vẫn thăm thẳm xanh, mê mải xanh, xanh như không thể nào xanh hơn được nữa. Và trên nền xanh đó, kim tự tháp Ngân Sơn lấp lánh tuyết trắng càng đẹp uy nghi hơn bao giờ hết.


P6263083-1.jpg

Góc Tây Bắc của Ngân Sơn.


P6260769-1.jpg

Ngân Sơn nhìn từ tu viện Dirapuk.


Nhưng, trong nhiều những tấm hình chụp trên đường kora Ngân Sơn, những tấm hình tôi chụp lén những người Tạng đi hành hương, dù đôi lúc không có không có hình ảnh Ngân Sơn trong đó, là những tấm hình tôi rất thích. Và chính những bước chân chậm nhưng vững chắc của các cụ ông, cụ bà, những vòng quay Pháp luân chung, những câu tụng niệm Om Mani Padme Hum của những người Tạng, của cụ bà tuổi đã rất cao này… đã dìu bước chân tôi, đã thôi thúc tôi, đã giúp tôi thực hiện được hành trình tâm linh này.


P6263122-1.jpg

Cụ bà người Tạng và con, hay có lẽ là cháu vì anh thanh niên rất trẻ, đang hướng về tu viện Dirapuk.​


Tôi nợ Ngân Sơn, nhiều lắm những ân tình!
 
Tiếp tục chờ ký sự của anh Tuấn.
Mình chia xẻ thêm một số hình ảnh của hành trình Kora.

Hoàng hôn Kailash

HonghnKailasha.jpg



Dáng núi trên đường Kora (ngày 1)

Nitrnngkoraa.jpg



Người Tạng thực hiện nghi lễ "Tam bộ nhất bái" trên đường kora

IMG_3708a.jpg



Sông băng trên đường Kora (ngày 1)

Spnchnghri-Day1Koraa.jpg
 
Last edited by a moderator:
Đêm trắng tại Dirapuk (1)

Khoảng ba giờ chiều thì nhóm “tiên phong” tới đích và đến sáu giờ thì gần như mọi người đã về đủ tại nhà khách tu viện Dirapuk. Ai cũng cảm thấy thoải mái hơn nhiều vì đã có chỗ đặt chân nghỉ ngơi và thay quần áo. Nhóm đầu tiên về tới hẳn gồm anh Hồng Minh, Thanh Cường, Thầy Viên Định và Trọng Lý(?). Mình thuộc tốp giữa một phần do sức đi không theo kịp nhóm trước và phần khác cũng do la cà ngắm sông ngắm núi dọc đường.

Thật ngạc nhiên là lúc này trời không những tạnh mưa hẳn mà gần như còn có ánh nắng vàng vào buổi chiều muộn. Dẫu vậy, trời vẫn khá nhiều mây nên không thể nào nhìn trọn Kailash uy nghi đâm thẳng vào bầu trời. Ngạc nhiên hơn là cũng chỉ khoảng một giờ sau, trời lại đổ mưa lất phất và trở lạnh rất nhanh khiến mình bỏ luôn ý định sẽ ôm cái máy ảnh đi dạo quanh những khu vực lân cận. Thật tiếc là mình cũng “quên” luôn việc đi viếng tu viện Dirapuk ngay phía trên đồi. Một số anh chị khác đã kịp tranh thủ ghé tu viện và nhận thuốc của vị sư trưởng.

Lặng ngắm chân núi Kailash trong sương mù được một lúc thì giờ uống trà đã tới. Như thường lệ, nhóm sherpa lại mang trà cho từng thành viên. Anh em quây quần trước hiên nhà khách tu viện trò chuyện về những gì đã trải qua trong suốt một ngày dài vượt 22km. Trước mỗi bữa cơm, chúng tôi vẫn thường được uống một thứ trà ngọt, giống như trà đường ở Miền Nam vậy. Sau đó cơm sẽ được phục vụ. Thực tế mình chưa đến nỗi “sợ” bữa cơm như một số thành viên khác nhưng mình cũng gần như chưa bao giờ có cảm giác ngon miệng. Ăn cho qua bữa vậy thôi. Thật khó mà tả được cảm giác mỗi khi bữa cơm đến. Trong người vẫn đang có cảm giác mệt mỏi, muốn nằm yên như vậy nghỉ ngơi thêm một lát lại bị “dựng dậy” để ăn cơm. Cơm tập thể nên phải đúng giờ giấc, ngon hay không cũng phải “chiến đấu” thôi vì nếu không đêm sẽ đói. Chưa bao giờ mình lại thèm một bữa cơm bụi Sài Gòn như lúc này. Các bạn sherpa người Nepal vô cùng tận tụy nhưng rất tiếc thức ăn lại không thể hợp với khẩu vị của mình. Hỏi ra thì các thành viên khác đều như vậy. Có bữa mình dặn Moti hoặc Durga cứ luộc mấy quả trứng một cách bình thường nhất thì hôm đó được một bữa ngon. Ước một gói mì tôm được nấu thật đậm đà theo kiểu Việt Nam. Các món ăn ở đây đều “nhợt nhạt”, có mùi “India, Nepal, Tibet”. Món ưa nhất của mình là mấy quả táo ngâm đường dùng tráng miệng. Các anh chị trong đoàn cũng có mang theo ít thức ăn bổ sung nhưng cũng không giúp ích được gì nhiều. Vì cơm Tây Tạng cũng khác cơm Việt Nam. Hay là còn do “hội chứng độ cao” và nhiều yếu tố về môi trường khí hậu…khác, do sự mệt mỏi thể xác triền miên, do thiếu dưỡng khí… khiến người ta không có cảm giác ăn ngon nhỉ?
 
Last edited:
Đêm trắng tại Dirapuk (2)

Bây giờ ngồi nhớ lại, ngay trên xe bus suốt dọc hành trình, anh Bách đã nhiều lần đề cập đến năm nỗi khổ hành hạ người hành hương trên cao nguyên Tây Tạng, đặc biệt khi ở độ cao trên 4500m. Sau này anh cũng viết chi tiết về những vấn đề này trong tác phẩm “Đường xa nắng mới”. Thứ nhất là thiếu dưỡng khí. Càng lên cao, không khí càng loãng. Nếu sống nhiều ngày trên độ cao >4500m như thế này lại càng nguy hiểm hơn nhiều. Hệ tim mạch, hô hấp và toàn thân đều bị suy nhược trầm trọng. Dirapuk này ở cao độ 4,890 m. Dưỡng khí ước chừng còn chưa đầy 60% so với mức bình thường. Thứ hai là thời tiết quá ẩm và lạnh. Thứ ba là nỗi khổ mất ngủ do “hội chứng độ cao”. Thứ tư là thức ăn khó nuốt, ai cũng chỉ ráng ăn cầm hơi thôi. Và cuối cùng là các tiện nghi cho sinh hoạt như điện, nước, nhà vệ sinh..quá thiếu thốn, tồi tệ “nện” thêm một đòn nữa để “cố tình” hạ “knock out” khách hành hương. Xin mượn lại câu nói của anh Bách “Chỉ một vấn nạn trong năm thứ đó đã có thể làm sức ta yếu hẳn. Nhưng ở đây cả năm yếu tố đồng thời tác dụng và vì thế rất nhiều đoàn viên yếu hẳn đi từ sau ngày đến Nyalam”. Với mình, nếu sắp xếp theo thứ tự thì mất ngủ là đáng sợ nhất(1), sau đó mới đến chán ăn(2), thiếu dưỡng khí(3), thời tiết ẩm và lạnh(4), và cuối cùng mới tới điều kiện vệ sinh tồi tệ(5).

Sau bữa cơm tối, cả đoàn lại có một cuộc họp “rất quan trọng”, theo như lời Tsering, anh chàng hướng dẫn viên người Tạng. Mình nhớ cuộc họp diễn ra trong khoảng thời gian từ 8-9h tối. Vẫn một cái giọng "căng thẳng" nhấn mạnh về sự nguy hiểm của ngày Kora thứ 2, Tsering “khuyên” mọi người nên “biết quý trọng” mạng sống của mình vì mạng sống là thứ quý giá nhất. Rằng vẫn còn cơ hội cuối cho những ai muốn trở lại; không được phép đùa với mạng sống của mình, hành trình ngày mai là cực kỳ gian khổ, đã quyết đi là không thể trở lại..Năm nào cũng có hàng chục người bỏ mạng nơi đây, không ngoại trừ những vận động viên leo núi chuyên nghiệp từng chinh phục nhiều ngọn núi cao trên thế giới..

Mỗi lần nghe Tsering nói mình cũng thêm phần do dự. Như đã đề cập lúc chuẩn bị hành trình Kora. Mình chưa hỏi ai về việc có băn khoăn suy nghĩ gì không trước khi quyết định Kora. Riêng mình thì có. Rõ ràng là lúc này mình cũng như mọi người (trừ anh Cường) vẫn chưa hề có một chút hình ảnh nào về đường Kora ngày thứ 2. Nhưng theo như những gì Tsering và cả anh Cường kể thì đường đi rất nguy hiểm, nhiều đoạn một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Có thể có bão tuyết trên đường đi. Sau này khi đã vượt đèo Dolma thì mình nhận thấy mức độ nguy hiểm cũng không đến nỗi ghê gớm như người ta kể. Có đèo cao nhưng không có vực sâu, chỉ có nhiều đoạn khá dốc và bên cạnh là vách núi khá cao nhìn xuống hồ.. Tuy nhiên, sự cực khổ, mệt mỏi đến tận cùng thì lại có thừa.

Họp với Tsering xong, mọi người còn ngồi lại bàn bạc thêm phương án cho ngày mai. Ban đầu vài người vẫn có ý kiến là chia làm ba nhóm, những người khỏe sẽ hỗ trợ cho những người yếu. Tuy nhiên có thêm vài ý kiến khác khá “hợp lý” phản biện lại cho rằng như vậy hơi khó vì nhiều người sẽ đi nhanh hay chậm theo cách “tự nhiên” nhất của mình. Khó “ép” một người vốn đi chậm phải đi nhanh vì như thế là bất khả kháng. Ngược lại, cũng không thể bắt một người đi nhanh mà phải đi thật chậm lại để bọc lót sau cùng. Mỗi người đều có một “tốc độ tự nhiên” của mình và phải được tôn trọng. Do đó, phương án hài hòa nhất được đưa ra là nhóm có “tốc độ nhanh” vẫn cứ đi trước. Lâu lâu sẽ dừng lại để xem xét tình hình có ổn không và trợ giúp nhóm sau nếu cần. Nhóm “tốc độ chậm” sẽ đi cuối cùng theo đúng khả năng tự nhiên của mình và nhóm đi giữa sẽ là sợi dây kết nối nối cho hai nhóm đầu và cuối. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ chặng đầu tiên ngày hôm nay, mọi người đều phải hiểu rằng, ngày thứ hai thì tự mình quyết định số phận của mình là chính. Không ai có thể giúp đỡ được ai. Kể cả sherpa đi cùng cũng không thể giúp khách. Do đó, phương án đề ra trông có vẻ cũng rất hợp lý nhưng sẽ khó mà áp dụng cho ngày mai. Ai cũng hiểu được vấn đề này.
 
Last edited:
Đêm trắng tại Dirapuk (3)

Trở lại với tâm trạng của riêng mình. Ngày thứ nhất với 22 km đi bộ trong mưa đã qua đi trong sự mỏi mệt. Sáng mai sẽ bắt đầu một hành trình khắc nghiệt hơn với 18 km vượt điểm cao nhất là đèo Dolma cao 5660 m. Đêm nay sẽ là một đêm vô cùng quan trọng với mình. Tiếp tục lên đường hay quay lui trở lại ? Sức khỏe hiện thời như thế này liệu có đủ để tiếp tục vượt đèo? Dẫu không có sự sợ hãi nhưng lòng mình vẫn gợn những băn khoăn. Câu nói “Đi hành cước Ngân Sơn được thì tốt, không thì cũng tốt. Quan trọng nhất là cái tâm hướng về Ngân Sơn. Ngay từ bây giờ, khi các bạn đã đến Kathmandu để chuẩn bị lên đường đi Ngân Sơn là công đức đã lớn rồi” của Ngài Sonam Rinpoche vẫn còn vẳng bên tai.

Bây giờ ngồi trong phòng máy lạnh ở Sài Gòn; hồi tưởng lại cảm giác lúc đó thật khó khăn. Chợt nhớ tới hai cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh mà mình rất thích “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai và “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Cả hai đều diễn tả rất thật, rất sống động về những khoảnh khắc hèn nhát, sợ chết và chuyện đào ngũ của "bộ đội Cụ Hồ". Hầu hết các tác phẩm khác viết về chiến tranh đều ca ngợi sự hy sinh anh dũng của bộ đội ta. Chỉ có quân địch là hèn nhát; còn quân ta luôn anh hùng, không bao giờ biết run sợ trước cái chết. Đọc Bảo Ninh và Chu Lai mình mới thấy bóng dáng con người trong mỗi người lính, bên nào cũng vậy. Người chứ không phải Robot. (Có người còn "ác miệng" nói rằng đọc nhiều tiểu thuyết chiến tranh của Việt Nam có cảm giác như quân ta "không có bộ phận sinh dục" nữa cơ đấy. Ai mà lỡ miệng nói đểu thế thì đọc 2 quyển trên nhé.:LL).

Dù chỉ là một vài khoảnh khắc thoáng qua, mình, con cháu đích tôn của “quân ta anh hùng” cũng đã có cảm giác “sợ chết” nên đang băn khoăn giữa “tiến” và “lùi”. Thật buồn cười, bao nhiêu chuyện lớn lao khác sẽ như thế nào nếu mình chết ngày mai thì chỉ lướt qua khá nhanh và bây giờ mình không nhớ rõ. Chuyện mình “lo” nhiều lại là thư tình của các em gái thầm thương trộm nhớ đang nằm trong góc tủ mà lỡ may lọt ra ngoài vào tay “quân thù” thì nguy hiểm biết dường nào...=)) Mình cứ hình dung người ta đang vào nhà mình đập tủ để kiểm tra xem tài sản của người quá cố còn có những gì và thế là một đống thư từ bay ra. Những khuôn mặt ngơ ngác như đang hỏi “cha này khô khan như thế mà cũng có lắm em “chết” vậy sao?”. Đây là những tài liệu “bí mật” nhất mà mình sẽ “sống để bụng, chết mang theo”, không bao giờ “bật mí” với ai. Thế mà giờ này thiên hạ ai cũng biết. Trước khi đi mình đã định sẽ về nhà “thủ tiêu” hết nhưng rồi lại bận rộn quá nên không thể kịp. Mình đã lên đường chiêm bái Ngân Sơn với những hành trang hạn chế nhất có được từ một phòng nhỏ nơi mình vẫn ngủ lại trong công ty. Bây giờ về nhà an toàn rồi. Thư từ lại không muốn đốt đi nữa. Chờ một chuyến đi khác nguy hiểm hơn, lúc đó sẽ đốt cũng chẳng muộn đâu các bác nhỉ? :))

Còn nữa, mai kể tiếp ạ...

(Topic nằm trong box “hồi ức về những chuyến đi nước ngoài” cũng đúng thật. Muốn “hồi” cho được chuyện thì “ức” cũng muốn vỡ ra. Viết khó thật.)

@Bác huuhungvt, Kim Hoa Bà Bà, Cỏ dại: Cảm ơn các bác tiếp tục gửi lời động viên.
@Bác thichduyquach: Chúc bác sớm hoàn thành ước nguyện.
@Bác langthang06, June, backpackervn, tu ấn: Cảm ơn tất cả các bác đã “tiếp sức mùa thi” cho em trong mấy ngày qua. Những tấm ảnh không thể chê vào đâu được. Chẳng biết nói gì hơn là “Chân thành cảm ơn” các bác. Mong các bác tiếp tục tiếp sức cho em trong mấy ngày tới nhé. (Nguyện cầu có thêm nhiều cao nhân đang ẩn tu nơi núi tuyết xuống núi hà hơi tiếp sức cho tuanfreedom).
@Tất cả các bác: Cảm ơn nhiều nhiều.
@Bác Phiêu linh 9999: Sẽ kể với bác ở phần sau nhé..
 
Last edited:
Chi ngưỡng mộ cái tài "ăn mày dĩ vãng" của Tuấn đấy. Vào đây mới thấy như vừa mới xong kora và về lại Darchen đoàn tụ tất cả nhà sau 3 ngày chia ly. Ôi hóa ra đã có cuộc chiến giữa "tiến" và "lùi" gay gắt thế. Chị chỉ đi niềm tin mãnh liệt: đi là sẽ đến. Vả lại trước khi bắt đầu hành trình chị đã cả tháng trời nghiên cứu cái topic của June về hành trình Kailash nên thêm phần quyết tâm và nghị lực để vượt khó.

Cám ơn June nhiều nhé
 
Đêm trắng tại Dirapuk (4)

Bàn chuyện phương án tổ chức đi cho ngày mai xong, mình lẻn ra nhà bếp nói chuyện cùng các bạn sherpa. Các sherpa sẽ ngủ luôn trong bếp, nơi sàn nhà khá ẩm ướt. Mình thương các bạn ấy vô cùng. Mình đặc biệt thương mến Moti. Ở anh toát ra một vẻ đàn ông mạnh mẽ, khí chất kiên cường, là chỗ dựa vững chắc cho người khác. Thật là phúc đức cho ai được làm vợ con anh hoặc người thân trong gia đình anh. Vài bạn nữ trong đoàn luôn tấm tắc khen anh nam tính, dễ thương cũng phải thôi. Mình là đàn ông mà cũng còn mến anh nữa là. Anh luôn động viên người khác mỗi lúc gặp khó khăn hay lo lắng. Mỗi lần tâm sự với các bạn Nepali này mình lại thấy ấm áp hơn, thanh thản hơn.

Mình hỏi thật Moti rằng “Mày nói thật đi, mày đã cùng đồng hành với tao từ Kathmandu tới đây. Liệu tao có vượt qua Dolma La không?”. Moti khẳng định một cách chắc nịch: “Đừng lo, mày thừa sức đi mà. Tao đã hai mươi mốt lần Kora rồi. Ai đi được hay không tao nhìn qua là biết liền”. Nghe vậy, mình cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Bao nhiêu lời “dọa dẫm” của Tsering đều tan thành mây khói. Chưa hết đâu, cảm thấy như tôi vẫn chưa tin tưởng , Moti còn bồi thêm phát nữa: “Đi xong Kora này, về Darchen, nếu còn thời gian, nghỉ ngơi một ngày, hôm sau mày có thể đi tiếp một vòng nữa. Lần sau nếu quay lại, mày nên bố trí đi luôn hai vòng Outer Kora để mau có đủ 13 vòng mà đi Inner Kora nhé”. Lúc đó, tôi không biết Moti nói thật hay anh dùng một "liệu pháp tâm lý" để khích lệ tinh thần tôi chứ đến đây thì tôi đã hoàn toàn tin tưởng vào sức khỏe của mình. Dù thật hay không tôi cũng rất cảm ơn anh về điều này.

Về sau, càng tiếp xúc nhiều hơn với Moti cho đến ngày chia tay nhau tại Kathmandu, tôi tin rằng Moti đã nói thật. Không chỉ mỗi chuyện này mà tất cả mọi chuyện Moti đều nói thật. Anh chân thành, dễ mến, không "khéo nói" như người Việt mình đâu. :)). Quả thật, sau ba ngày 2 đêm với 52 km đi bộ trong mưa, gió và tuyết, về đến Darchen, mình có cảm giác đúng y như lời Moti khẳng định. Mình tin là nếu được nghỉ ngơi một ngày, ngay hôm sau mình sẽ đi trọn Kora một vòng nữa (cảm giác thật lúc đó là vậy, tuanfreedom quyết không dám “lộng ngôn”).
 
Last edited:
Đêm trắng tại Dirapuk (5)

Bây giờ thì mình yên tâm đi ngủ rồi. Đồ đạc đã được chuẩn bị sẵn cho hành trình ngày mai. Mặc thêm vài lớp áo, chân vẫn hai lớp vớ, mình chui ngay vào chăn cho đỡ lạnh. Dốc sức thở vào thở ra thật nhanh để mau làm ấm cái chăn lạnh toát này. Chợt nhớ ngày xưa còn bé, vào mùa đông lạnh giá, đêm nào mình cũng ráng học bài thật khuya. Ai cũng nghĩ là mình chăm học. Vâng, mình cũng chăm thật đấy nhưng ngoài mình ra vẫn còn một “âm mưu” mà chắc chẳng mấy ai biêt được. Mình học thật muộn để mấy đứa em đi ngủ trước; mươi phút sau mình chui vào thì chăn đã rất ấm. Với em út thì mình phải “dụ dỗ” để nó đi ngủ trước vì sau này (hình như) chúng biết “mánh” của mình nên cũng “âm thầm” bắt chước theo. Riêng với bà nội thì chẳng cần phải áp dụng chiêu thức gì cả vì bà không thể nào học đua thật khuya với mình được;)=)). Vậy là mình xin bố mẹ được ngủ cùng giường với bà nội từ đấy. Sau này đi học xa rồi, nhớ lại cứ thấy thương bà vì lẽ ra mình phải lên ủ ấm chăn trước cho bà mới phải. Đằng này cứ chờ bà ngủ trước cho ấm sẵn rồi cứ thế mà hưởng. Ôi, tuổi trẻ ngây ngô biết nhường nào. Sau này rút kinh nghiệm, mình vẫn lên ủ chăn cho bà , sau đó xuống nấu bánh chưng với bố mẹ và nói chuyện thật khuya trong những đêm cận tết. Lòng bỗng nhẹ nhàng hơn vì biết yêu thương nhiều hơn.

Mỗi đêm ngủ trong giá rét, lại nhớ tới hai bài thơ viết về bà mà mình thuộc lòng từ những năm học tiểu học. Ngỡ cứ như tác giả viết riêng cho bà nội mình vậy:

“Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích chích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà Tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả Thị thơm, cô Tấm rất hiền


Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay"

(Nói với em-Vũ Quần Phương)

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói,
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy.

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu,
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.
---
Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?"

(Bếp lửa- Bằng Việt-1963)

Mình giờ đã trở thành một “chú bé đi hài bảy dặm” như đã từng thấy trong những câu chuyện cổ tích của bà. Mình đã đi xa, rất xa, đến nơi “có ngọn khói trăm tàu, lửa trăm nhà và niềm vui trăm ngả”.

“Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,623
Bài viết
1,154,081
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top