What's new

Kathmandu to Kailash: Ký sự xuyên Hy Mã Lạp Sơn.

Nhân duyên với Kailash tự thuở nào?

Tôi bắt đầu có vài khái niệm về Tây Tạng cách đây khoảng mười năm. Có lẽ những thông tin đầu tiên lại xuất phát từ cuốn sách “Suối nguồn tươi trẻ” của Peter Kelder. Tôi vẫn khá kiên trì tập luyện năm thức tập của Tây Tạng theo hướng dẫn trong sách này và hẳn nhiên cảm nhận được sự tăng cường sức mạnh về thể xác cũng như tinh thần. Từ đó tôi để ý đến hai chữ Tây Tạng nhiều hơn. Vậy là “Con đường mây trắng” của Anagarika Govinda do Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách dịch, “Người Tây Tạng nghĩ về cái chết” (Bardo Thodol), “Trong vòng tay Sambala”, “Chúng ta thoát thai từ đâu” của Erono Mundasep và rất nhiều cuốn sách viết về Tây Tạng, Ấn Độ, bắt đầu chiếm nhiều chỗ trong tủ sách của tôi.

Giáo sư Spalding với cuốn “Hành Trình về Phương Đông” đã làm “đảo lộn” suy nghĩ của tôi về con người và vũ trụ. Ông thường xuyên đề cập đến những vị Tôn Sư ngoài trăm tuổi vẫn đang ẩn tu trên những ngọn núi tuyết phủ trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Còn Govinda và Mundasep đều viết nhiều về một ngọn Núi Thiêng, nơi được xem là Núi Tu-Di trên quả địa cầu, là “tâm điểm của mọi xứ sở”, nơi trú xứ của Thần Shiva, của các vị Thiền Phật và Bồ Tát. Một ngọn núi mà theo Govinda là “không có núi nào có thể sánh”. Ngọn Núi Thiêng đó có tên là Kailash, mà trong tác phẩm của mình cũng như các bản dịch, anh Nguyễn Tường Bách gọi là Ngân Sơn.

Ước mơ gần như “hoang tưởng” được đến chiêm ngưỡng ngọn Núi Thiêng, nơi là “trung tâm của thế giới” có lẽ bắt đầu manh nha và lớn dần trong tôi từ những ngày tháng đó.

Và rồi, điều cần đến phải đến. Đầu tháng 6 năm 2010 tôi được gặp anh Nguyễn Tường Bách nhân dịp anh từ Đức về Việt Nam chịu tang bố. Tôi nhớ đã gặp anh tại nhà một người bạn thân của anh. Tôi vốn rất hâm mộ anh Bách sau khi đọc khá nhiều tác phẩm anh viết và dịch; vẫn mong một ngày được gặp anh. Trước đó, khi biết tin bố anh vừa mất, tôi chủ động google, tìm trên các diễn đàn được địa chỉ email của anh. Tôi gửi email chia buồn và anh cũng sớm phúc đáp với lời cảm ơn chân thành. Cuộc sống vốn diệu kỳ vậy đó. Biết tôi mê anh Bách, anh Trần Sỹ Chương, một người anh của tôi đã tạo điều kiện để tôi được gặp anh. Tôi còn nhớ khi vừa vào nhà anh Thu, cúi chào và giới thiệu tên mình, anh đã hỏi “hóa ra Tuấn này là Tuấn đã email cho anh à?”. Nhân duyên cho chuyến hành hương chiêm bái Kailash (Ngân Sơn) hẳn đã nảy mầm từ hôm ấy.

Topic đã được gởi đăng bởi BDK
 
Last edited by a moderator:
Mấy bữa nay lu bu với công việc không ghé topic này, cứ tưởng bạn tuanfreedom đã cạn vốn rồi cơ. Ai dè... và giật mình thấy views đã vượt con số 52.000. Chúc mừng và cảm ơn bạn rất nhiều! Mong bạn tiếp tục...
 
Những đứa bé Kora 2

Dù đã sao lưu ảnh rất cẩn thận, mình vẫn bị "thất lạc" một số tấm ngay trong laptop. Đành ngoái lại nhìn về Dolma La thêm lần nữa. Đây là ảnh một gia đình người Tạng trên đoạn đường sau khi qua đèo Dolma nhưng chưa tới "dòng sông tuyết". Cậu nhóc rong ảnh không biết đã được 3 tuổi chưa mà đã vượt Dolma rồi? Và đây không biết là lần thứ mấy cậu Kora nhỉ?

IMG_2236.jpg

Mình chưa bao giờ kịp hỏi xem mấy bà mẹ Tạng có phải bỏ ra nhiều thời gian để "năn nỉ" và "ép" con phải ăn như nhiều bà mẹ Việt không nhưng mình đoán chắc là không. Nhìn mặt cậu bé nào cũng rất cam chịu, "biết thân biết phận" lắm chứ không hay vòi vĩnh và khóc nhè như teeeeen Việt. Và chắc lớn lên các cô cậu bé Tạng cũng không hỗn láo với bố mẹ và người lớn như "một bộ phận không nhỏ" (*) những cô cậu bé Việt, đặc biệt là con cái các quan chức hay trọc phú ở thành thị đâu nhỉ.

(*) Chữ hay dùng trong các phát biểu của các vị lãnh đạo.
 
Last edited:
Re: Về việc cập nhật chỉnh sửa thường xuyên bài viết.

Cám ơn bạn đã kể lại chuyến đi thật ý nghĩa, làm hành trang trên cuộc đời phía trước cái này còn quí hơn cả bạc tiền nhọc nhằn kiếm tìm hàng ngày.
 
Những chuyến viễn du vào bản ngã

Nghỉ giải lao và tạm xa phượt forum một thời gian để “phượt” thêm vài chuyến. Trong thời gian này Tuấn cũng tranh thủ tập tành viết lách; đã nỗ lực hết mình, đánh vật với các con chữ để cuối cùng cũng “mần” được mấy bài báo. Xin gửi quý anh chị và các bạn một bài viết mới nhất của Tuấn liên quan đến chuyến đi này; bài điểm sách về cuốn bút ký “Đường xa nắng mới” của tiến sĩ Nguyễn Tường Bách. Bài viết có tựa đề “Những chuyến viễn du vào bản ngã” được đăng trên tạp chí Lifestyle. Xin lỗi vì đã làm "loãng" cái topic một chút. Tuấn sẽ tranh thủ "đi" cho hết hành trình chiêm bái Ngân Sơn.

2_DocSach_M3_001.jpg

2_DocSach_M3_002.jpg

Những chuyến viễn du vào bản ngã

“Đường xa nắng mới” là tập bút ký mới nhất của Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, tập hợp những bài viết ký sự du hành của tác giả đến nhiều xứ sở lạ kỳ trên thế giới.

Bắt đầu từ câu chuyện về ngôi làng nhỏ yên bình của mình ở nước Đức; bằng lối kể chuyện đầy mê hoặc, tác giả đã dẫn dắt người đọc du hành qua nhiều vùng đất lạ mà điểm dừng chân cuối cùng là mãi tận Kailash (Ngân Sơn) - ngọn núi thiêng được sùng bái nhất trên quả địa cầu.
Hiếm khi đến những thành phố hoa lệ, hành trình của tác giả thường là những nơi “thâm sơn cùng cốc”, ví như bám theo lộ trình ngày xưa của đại sư Huyền Trang qua các sa mạc ở phía Tây Trung Quốc; tới nhiều điểm trên “con đường tơ lụa” nối liền Á - Âu; đi xuyên dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ hay lang thang trên những miền đất lạnh lẽo ở Bắc Âu. Đắm mình vào trang sách, độc giả như được cùng ông cảm nhận sức nóng của “Hỏa Diệm Sơn”; lắng nghe tiếng sóng vỗ trên Hồng Hải; hồi hộp chờ ngắm núi lửa thức giấc tại Sicilia hay đón mặt trời lúc nửa đêm tại Mũi Bắc(North Cape) - Na Uy.

Không dừng lại ở những câu chuyện “đường xa xứ lạ”, sức cuốn hút mãnh liệt từ những trang viết của Nguyễn Tường Bách còn là nhiều phát hiện bất ngờ và thú vị về mỗi xứ sở, kết tủa từ trải nghiệm và tri thức. Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới mang đậm nét của Kim Cương Thừa lại nằm ở Indonesia-quốc gia có cộng đồng hồi giáo đông nhất thế giới. Cuộc chiến thành Troy lại không diễn ra trên đất Hy Lạp mà là Thổ Nhĩ Kỳ. Amsterdam là thành phố của những người không ưa khuôn phép, nơi mà người ta “sẵn sàng phá vỡ mọi lề thói, dám hợp thức hóa những điều cấm kỵ”. Nhờ vậy mà “lầu xanh, lầu hồng và cả khu vực tiêu thụ bạch phiến được ghi chính thức trên bản đồ thành phố”. Thăm Bồ Đào Nha, tác giả “chứng minh” một cách thuyết phục rằng giáo sĩ Dòng Tên người Bồ là Francisco de Pina chính là người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ chứ không phải Alexandre de Rhodes, một nhà truyền giáo người Pháp - học trò của ông.

Bằng bút pháp điêu luyện, dàn hợp xướng âm thanh từ những đoàn lạc đà, lừa ngựa qua lại trên “con đường tơ lụa” thuở nào được tái hiện sống động. Không chỉ có thương buôn, vải vóc, trên lưng lạc đà, lừa ngựa còn có những nhà thám hiểm, truyền giáo, mang theo kinh sách, tư tưởng mà đại diện tiêu biểu nhất đó là Huyền Trang, một đại dịch sư vĩ đại, nhà thám hiểm và truyền giáo kiệt xuất. Và cuối cùng, không thể không nhắc đến những đoàn quân hàng vạn người ngựa của các đế chế hùng mạnh một thời đã băng qua con đường này trên hành trình chinh phạt. Dục vọng bành trướng làm những vương triều sụp đổ, xóa sổ một số quốc gia và kéo theo đó là những nền văn hóa cổ bị chôn vùi. Ngay cả những đế quốc từng bá chủ thế giới một thời như Bồ Đào Nha, xa hơn là Hy Lạp rồi cũng suy tàn. Cuộc sống quả thật vô thường.
Trên những nẻo đường du ngoạn, niềm thương tổ quốc dường như vẫn canh cánh trong lòng tác giả. Một đôi dép Bitis ai đó bỏ quên trên bờ Hồng Hải cũng khiến “khách” chạnh lòng. Ngược dòng lịch sử, “khách” vẽ lại lộ trình của sứ thần Phan Thanh Giản dọc con đường tơ lụa trên biển, xuyên qua Hồng Hải, ghé Ai Cập trước khi cập cảng Marseille để yết kiến vua Pháp là Napoleon III. Sứ mạng “chuộc” lại ba tỉnh Nam Kỳ không thành và những đề xuất canh tân đất nước của ông cũng không được xem trọng.

Đọc đến đây, độc giả có thể bắt gặp nỗi tiếc nuối khi Việt Nam đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để phát triển và đó vẫn chưa phải là “những lần bỏ lỡ cuối cùng của lịch sử dân tộc”. Cùng thời điểm đó, Minh Trị Thiên Hoàng bắt đầu canh tân nước Nhật. Nhìn sang quốc gia láng giềng Thái Lan, vào năm 1907, vua Thái và đoàn tùy tùng đặt chân đến Mũi Bắc(North Cape), “điểm cùng trời cuối đất” của lục địa già. Thế mà “Cũng có những nhà vua Châu Á khác không bao giờ rời ngai vàng đi đâu cả và tưởng mình biết mọi chuyện trên đời”.

Nguyễn Tường Bách đặc biệt dành khá nhiều trang viết cho các ngọn núi hùng vĩ như Zugspitze(Đức), Mont Blanc (Thụy Sĩ-Pháp), Grossglockner (Áo) hay Mytikas trên dãy Olympus tại Hy Lạp. Tuy vậy, ngoài một lần duy nhất lên đỉnh Zugspitze cao nhất nước Đức thời sinh viên thì ngay sau đó tác giả đã không còn ý định chinh phục một ngọn núi nào. Theo ông, “Điểm cao nhất của Núi lại là nơi đáng cho con người quy ngưỡng. Ta không thể khinh xuất leo lên đó vì một thành tích cá nhân được” bởi “Trong mi, chứ không phải trên mi, ngự trị những vương quốc cao quý hơn nữa”. Thông suốt như vậy nên dù nhiều lần bị lỡ những dịp may hiếm có như xem núi lửa Etna phun; ngắm mặt trời mọc lúc nửa đêm tại Mũi Bắc…thì tác giả cũng không vì thế mà quá phiền muộn. Ngược lại, những cơ hội bị bỏ lỡ lại khiến ông “ngộ” ra rằng: “Vì mi lấy trái đất làm chuẩn nên mới thấy mặt trời có lặn có mọc. Thực ra mặt trời không bao giờ mọc hay lặn, nó luôn luôn có. Cũng thế, vì mi lấy thân vật chất làm tiêu chuẩn nên thấy có sống có chết. Cái Biết không bao giờ sống hay chết, nó luôn luôn có. Mi chưa từng có cái Không Biết”. Biết vậy mà cuối cùng, việc bỏ lỡ cơ hội đi quanh một ngọn núi thiêng vẫn khiến ông không khỏi nuối tiếc, ngậm ngùi.

Với tác giả “trên thế gian này, còn một ngọn núi nữa mà đến đó không phải để nhìn vào khuôn mặt của thần chết mà hầu như để đánh đổi cả đời mình. Tên ngọn núi đó là Kailash tại Tây Tạng”. Đó là lý do khiến ông dành trọn phần hai của tập bút ký cho chuyến du hành vượt Hy Mã Lạp Sơn đến chiêm bái Kailash, núi Tu-Di trên quả địa cầu, nơi được xem là “tâm điểm của mọi xứ sở”.

Vốn là một tiến sĩ vật lý, từng hành hương nhiều thánh tích Phật giáo, với kiến thức sâu rộng về triết lý nhà Phật và bản thân cũng là một Phật tử thuần thành, ông đưa ra những kiến giải sâu xa về Kailash và nhiều vùng đất lạ lùng dọc hành trình chiêm bái. Thêm nữa, người đọc còn thường xuyên bắt gặp những trải nghiệm tâm linh khác thường của tác giả; những sự việc khá lạ lùng, kỳ bí xảy ra với đoàn hành hương. Ngoài ra, phảng phất trong những trang viết còn là nỗi day dứt về thân phận con người trước thời cuộc trớ trêu, sự bấp bênh của những dân tộc nhược tiểu trong những giai đoạn biến động của lịch sử…Điều đáng quý là tác giả trung thực đến từng chi tiết. Xác tín điều này bởi người viết là bạn đồng hành của ông trong suốt những ngày dài đi đảnh lễ Ngân Sơn.

Đi để được ra khỏi đời sống bình thường. Đi để làm giàu thêm vốn tri thức và văn hóa. Đi cũng còn để tâm được mở rộng. Gấp lại tập bút ký, cảm giác đọng lại là trước khi đến một vùng đất mới, tác giả đã “làm tư liệu” khá công phu về nơi mà mình sẽ đặt chân tới. Thế nên có những địa danh không quá xa lạ nhưng cách nhìn, cách kể của “khách” nhiều khi vẫn khiến độc giả không khỏi bất ngờ.

“Đường xa nắng mới” xứng đáng có vị trí trang trọng trên kệ sách của những người đam mê du lịch thám hiểm, tâm linh. Ngay cả những ai ít xê dịch nếu suy ngẫm vẫn có thể chiêm nghiệm ra những điều tâm đắc. Đơn giản, với người viết, “Đường xa nắng mới” là một tập bút - ký - tư - tưởng.

Box: “Mười năm qua tôi mơ được đi Ngân Sơn. Gần hai năm qua, chúng tôi tổ chức cho chuyến hành hương. Nay anh em đã lên đường thật rồi còn tôi thì nằm đây, trong tòa nhà dưới chân Ngân Sơn và chờ anh em trở lại. Đoàn tàu đã khởi hành rồi, tôi bị bỏ lại trên sân ga. Tôi muốn ứa nước mắt”.TS. Nguyễn Tường Bách

Bài và ảnh: Nguyễn Anh Tuấn (đăng trên Tạp chí Lifestyle số 65 ngày 25/11/2012)
 
Last edited:
Re: Rakastal-Hồ Mặt Nguyệt

Bài viết ,hình ảnh..nhất là dùng Google để diễn tả vị trí nơi đang đến và những nơi sắp đến ,Cám ơn Bác "Thớt " đã bỏ rất nhiều thời gian để viết tường thuật lại chuyến đi này !!!Nhờ Bác mà mình mới biết Núi Kailas ,hồ thiêng ...qua nhửng tấm ảnh của Bác ,chừng nào đi lại nơi này ,nhớ mở Topic tìm Bạn Đồng hành nha Bác ...
Trân trọng
 
Em đã đọc hết 23 trang hồi ức của anh rồi anh Tuấn ơi. May mà em tìm thấy topic của anh khi anh đã viết qua đoạn vượt đèo Dolma, không thì cũng phải hóng cổ dài hơn tay như các anh chị khác ở topic này.

Đèo Dolma khó nhưng chắc vượt qua cái sự sợ hãi của mình còn khó hơn nhiều lần. Kinh nghiệm leo trèo của em cũng còn ít, chưa thể so sánh với chuyến xuyên Hy Mã Lạp Sơn và hành trình Kora của anh, nhưng đâu đó có những khoảnh khắc trong chuyến đi, em biết mình đi không phải bằng sức khỏe, vậy nên em chia sẻ với anh những khoảnh khắc cuộc chiến tiến hay lùi.

Em rất thích một câu trong hồi ức của anh, mà cũng ko nhớ nó nằm ở post bao nhiêu và đoạn nào. Đại khái vầy, cuộc đời không tính bằng trái tim bạn thở được bao nhiêu nhịp mà được tính bằng bao nhiêu lần trái tim bạn muốn như ngừng đập.

Cảm ơn anh Tuấn đã đi và đã chia sẻ chi tiết và đầy cảm xúc ạ. Một chuyến đi lớn phải không anh :D.
 
Câu đó ko biết có phải mở đầu của cuốn Đường xa nắng mới không? "Đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà đo bằng những nơi chốn và khoảnh khắc là cho ta nín thở" (Khuyết danh)
Đoàn mình cũng đã đến Tây tạng vào tháng 9 vừa rồi, có những lúc phải nín thở theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tuy không đi theo hành trình của bác Nguyễn Tường Bách và mang tính du lịch nhiều hơn nhưng cảm xúc cũng đong đầy lắm :D
 
Cả ngày làm việc hôm qua em đã dành thời gian để đoc các bài viết của anh 1 cách say sưa đến mức tối về em cứ ngỡ như mình cũng vừa vượt qua một hành trình dài từ Nepal sang Tây Tạng rồi đến Ngân Sơn như những thành viên trong đoàn. Rất cảm ơn anh vì nhưng chia sẻ,hơn cả một chuyến đi,em học được thêm rất nhiều điều sau khi đọc ký sự này của anh. Cảm ơn anh Tuấn lần nữa.
 
chỉ biết dùng từ cảm ơn thật nhiều về bài viết, hình ảnh mà Tuấn đã cung cấp, nhờ đó mình mới hiểu biết thêm về thế giới. Cảm ơn
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,180
Bài viết
1,150,378
Members
189,941
Latest member
Thao10
Back
Top