What's new

[Tổng hợp] Kể chuyện Tây Nguyên

attachment.php

Hoa dã quỳ Đơn Dương (Lâm Đồng)

Đã từ lâu, tôi muốn viết về Tây Nguyên, viết cho chính mình, cho tình cảm của mình với vùng đất cao nguyên này. Tôi viết những gì tôi đã tìm hiểu, cả qua sách, báo, qua mạng và qua những lần lang thang Tây Nguyên. Tôi cũng không biết có hoàn tất được topic không, nhưng cứ viết vậy, gọi là chút chia sẻ.

Tây Nguyên là vùng đất thuộc miền Trung Việt Nam, hiện có năm tỉnh, theo thứ tự từ Bắc vào Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cách ghi tên như vừa rồi được xem là tên chính thức trong các văn bản hành chính, còn câu chuyện về tên gọi và các tên khác của từng tỉnh, tôi sẽ kể lần lượt sau.

Như những câu chuyện thường kể về các vùng đất, phần đầu tiên là lịch sử ...
 
Last edited:
Kon Tum - đơn vị hành chính đầu tiên

Cũng trong thời điểm này, ở phía Bắc Tây Nguyên, người Pháp đã lấy được khu vực người Bana và người Xơ Đăng ở Kon Tum (mở rộng từ vương quốc Sedang) và khu vực miền núi giáp Phú Yên (tương ứng Ayun Pa) ngày nay. Năm 1892, người Pháp đặt tòa đại lý hành chính Kon Tum bên bờ sông Đắk Bla, đây là cơ quan hành chính đầu tiên của người Pháp tại Tây Nguyên. Kon Tum cũng là đơn vị hành chính đầu tiên của Tây Nguyên, cấp đại lý hành chính (tương đương huyện - thị xã), thuộc tỉnh Bình Định.
Theo tiếng Bana, Kon nghĩa là làng, Tum nghĩa là hồ, đây là ngôi làng ở bên hồ gần sông Đắk Bla. Hiện nay tại thành phố Kon Tum vẫn còn dấu vết của làng này.

3641025891_1586d273dc_o.jpg

Dòng sông Đắk Bla
 
Last edited:
Người Việt thám hiểm Tây Nguyên

Trước khi tôi viết về chuyến đi năm 1893 của bác sĩ Yersin, tôi giới thiệu một câu chuyện rất thú vị nhưng ít người biết.

Có thể nói, về khám phá Tây Nguyên thì người Pháp đi trước người Việt. Ở đâu có người, ở đó có dấu chân các giáo sĩ truyền giáo. Việc tổ chức khám phá những vùng đất, khai hoang thì người Việt chủ yếu làm ở vùng đồng bằng, sau này là vùng đầm lầy, đầm phá, chứ chưa lên được vùng cao. Người Việt hầu như chỉ đến được vùng rìa của Tây Nguyên, tương ứng với An Khê, A Yun Pa, Ma Đrăk, Khánh Sơn hiện nay.

Nhưng có một người Việt bày tỏ quyết tâm thám hiểm vùng núi, đó là ông Nguyễn Thông. Ông sinh năm 1827, là người Gia Định. Ông làm Án sát rồi Bố chánh Quảng Ngãi, đến năm 1873 ông về Sơn Trung (thuộc Bình Thuận) dưỡng bệnh.
Tại đây, ông tụ họp các địa chủ, học giả, quyết tâm khai khẩn vùng núi giáp Bình Thuận (tương ứng Lâm Đồng). Ông dâng sớ lên vua, nói vùng này "không có bãi xa truông rậm nguy hiểm, không bị đầm lớn sông dài chia cách", đề nghị "nên chiếm lấy đầt ấy để mở rộng bờ cõi, cày lấy ruộng ấy để thêm nhiều lương thực" [Khai sơn quốc nghị].
Ngay sau đó, ông bị điều ra Huế, làm đến năm 1877 thì lại được cho về Bình Thuận và chấp thuận cho ông khai hoang vùng đất miền núi mà ông gọi là Sơn Quốc. Ngay trong năm 1877, Nguyễn Thông lập đoàn khai sơn, cùng Tuần phủ Trương Gia Hội đến khu vực La Ngư - Bà Dầu. Khu vực đó chính là sông La Ngà - Lạc Tánh hiện nay.
Một bộ phận trong đoàn do Nguyễn Văn Trị dẫn đầu đã tách khỏi đoàn để khảo sát các làng Thượng (Man sách) ở ven sông Dã Dương. Sớ viết: "Ngày mùng 8 tháng 6 thì đến sông lớn Đà Đàn, rộng khoảng năm sáu mươi trượng, nước đục ngầu, giữa các đảo dài. Người Man gọi nước là "Đà", gọi lớn là "Đàn", cũng như người Việt nói là "sông lớn". Đà Đàn, người Việt gọi là sông Dã Dương, hạ lưu là sông lớn Thần Quy".
Sông Dã Dương chính là thượng lưu của sông Đồng Nai, trên bản đồ còn được gọi là Da Dung. Đảo dài chính là cù lao nằm giữa nơi hợp lưu của hai dòng sông Đạ Huoai và Đồng Nai. Sông Đồng Nai chính sông Thần Quy.

Chuyến đi năm 1877 đã tìm ra một phần vùng Đạ Huoai của Tây Nguyên, cũng là vùng rìa của Tây Nguyên.

Nguyễn Thông muốn thực hiện những chuyến đi tiếp theo, nhưng sức khỏe ông sút giảm nghiêm trọng. Sau đó không lâu, ông ốm nặng, và mất. Cuộc khám phá Tây Nguyên của người Việt bị dừng lại.
 
Last edited:
Những nhà thám hiểm

Đến đây, tôi xin kể với các bạn câu chuyện ít người biết: bác sĩ Yersin không phải là người Pháp đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang). Nhưng khoan ném đá tôi, để tôi kể đã.

Nhà thám hiểm tiên phong là bác sĩ Paul Néis, thuộc hải quân Pháp. Năm 1880, ông đi tìm hiểu về vùng người Mạ ở Bà Rịa. Đầu năm 1881, ông thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên lên vùng cao, hành trình quanh 3 con sông La Ngà, Đồng Nai và Đạ Huoai. Chuyến đi này có thể xem là gần giống với chuyến đi của Nguyễn Thông năm 1877. Cũng trong chuyến đi này, người Thượng nói cho ông biết về đầu nguồn sông Đồng Nai.

Ngay sau đó, ông thực hiện chuyến đi lên đầu nguồn sông, từ ngày 11/2 đến giữa tháng 4/1881. Cùng đi với ông có một trung úy thủy quân lục chiến phụ trách về trắc địa tên là Albert Septans và một tù trưởng người Mạ ở vùng sông La Ngà. Theo báo cáo của đoàn thám hiểm được công bố cùng năm, Néis và Septans đã vượt núi Tion-lay (khu vực gần đèo Bảo Lộc) và đến được một nơi gặp một dãy núi với hai ngọn: Delmann và Mnil. Đây là điểm nút của một loạt ngọn đồi có cây cối; các ngọn đồi đó được nối tiếp về phía Đông bắc bởi "một cao nguyên thứ hai trơ trụi, bao gồm một loạt các quả đồi hoàn toàn trọc, có độ cao trung bình từ 30 đến 40m. Cao nguyên đó được bao quanh về phía Bắc bởi một dãy núi có hình dáng độc đáo, dễ nhận ra từ xa, phần phía Tây trơ trụi, phần phía Đông có rừng; đó là núi Lang Bian. Chính đó là đầu nguồn của sông Đồng Nai mà cho đến nay, vẫn chưa được biết đến".

Trong số các làng đoàn đã đặt chân đến, có một làng đáng chú ý: làng Late, nơi đoàn đã cư trú từ 16 đến 20/3/1881. Theo mô tả, làng này nằm cách điểm hình thành của dòng Da Dong (tức Da Dung) chừng 10 km, với một thác nước cao 4-5m, và nhiều ghềnh đá; nơi đây sông rộng trung bình 10m, sâu 1m, lòng sông lởm chởm đá. Làng Late nằm trên cao nguyên Lang Bian, nhưng ở phía Dankia - Ankroêt chứ không phải phía Đà Lạt ngày nay.

[Theo Mai Thái Lĩnh - Nguyễn Hữu Tranh - Trương Ngọc Xán dịch từ Paul Néis et Albert Septans, Rapport sur un voyage aux sources du Dong-Nai, Excursions et reconnaisances]

Như vậy, bác sĩ Néis và trung úy Septans mới là người đầu tiên đặt chân đến Lang Biang và công bố trong giới thám hiểm Pháp.

Sau chuyến đi của Néis và Septans, một loạt các nhà thám hiểm khác đã lên đường như A. Gautier (1882), L. Nouet (1882), Humann (1884). Trong Nhật ký của Yersin, ông có viết đến Néis và Humann, như vậy đã có sự thừa hưởng thành quả của những nhà thám hiểm đi trước. Thậm chí khi khởi hành năm 1893, Yersin có cả tấm bản đồ của Humann.

Nhưng Yersin đã làm khác những nhà thám hiểm trước như thế nào, và tại sao vẫn nói ông là người tìm ra cao nguyên Lang Biang?
 
Hành trình 7 tháng của bác sĩ Yersin

Nhờ những sự giới thiệu, đầu năm 1893 Yersin gặp được Toàn quyền Đông Dương De Lanessan. De Lanessan là một quan chức rất xem trọng trí thức, ông nể trọng Yersin và Calmette. Sau khi nghe Yersin trình bày, De Lanessan đồng ý hỗ trợ Yersin tiếp tục chuyến thám hiểm, theo đó nhiệm vụ của Yersin là khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng người Thượng và kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ. Ngoài ra, Yersin còn phải tìm hiểu về tài nguyên trong vùng: lâm sản, khoáng sản, khả năng chăn nuôi, ... Địa bàn thám hiểm được chỉ định là "một vùng ở Nam Trung Kỳ, nằm giữa bờ biển và sông Mékong, là vùng đầu nguồn của các con sông Đồng Nai và Sé-Bang-Kane".
Chú thích: sông Sé-Bang-Kane là cách gọi khác của sông Sêrêpôk.

Trong Sept mois chez les Mois (Bảy tháng ở xứ Thượng), Yersin cho biết ông nghiên cứu những công bố của Neis và Septans năm 1881, cũng như bản đồ của Humann. Kết hợp với nhiệm vụ khảo sát cho việc làm đường, ông bắt đầu theo hành trình mà đa số các nhà thám hiểm đã đi: lưu vực sông La Ngà. Khi đó, ông dự đoán con đường lên xứ Thượng sẽ là từ Trà Cú đến sông La Ngà và lên miền núi.

Ngày 24/2/1893, Yersin khởi hành, đi cùng ông là nhiều người hỗ trợ, ông mang theo nhiều máy móc đo đạc, cũng như mang nhiều thuốc để tiêm chủng cho dân dọc đường. Từ Sài Gòn, ông đi đến Biên Hòa rồi đi theo bờ sông đến Tân Uyên (Bình Dương). Từ đây, đoàn đi thuyền qua sông Đồng Nai rồi bắt đầu đi về lưu vực sông La Ngà.

Trích:
Ngày 28 tháng 2, chúng tôi đi xe trâu từ Trị An đến Trà Cú. Chiếc xe toàn bằng gỗ, bánh xe có đường kính hơn 1,5 mét. Một chiếc mui nhỏ che hành khách và thùng hàng. Bánh xe cọ vào trục tạo ra một âm thanh đinh tai và đều đều vang đi rất xa. Điệu nhạc kinh khủng này không làm thú rừng hoảng sợ. Từ xe trâu, chúng tôi có thể bắn trúng nai, trâu rừng.

Con đường chỉ là một khoảng trống trong rừng. Xe lên dốc, xuống suối, leo lên trên rễ cây. Khoảng cách được tính theo trạm. Một trạm khoảng một giờ xe trâu đi (3-4km). Khi đến mỗi trạm, chúng tôi tháo ách và cho trâu uống nước.

Từ Trị An đến làng Thượng đầu tiên Vio-yang mất một ngày đường. Rừng bằng lăng rất đẹp. Người Việt đẽo thân cây dầu để cho dầu chảy ra rồi thỉnh thoảng dùng thìa gỗ múc dầu. Ở đây còn tìm thấy cây sao, vênh vênh,...

Cũng như các làng Thượng ở Nam Kỳ, Vio-yang có một nhà chính dài và nhiều căn nhà nhỏ khác nằm rải rác trên một khoảng đất rất rộng. Chủ làng - gọi là Tổng Man - ở trong căn nhà chính. Một nhà dài được dùng làm nơi ở chung cho nhiều gia đình.

Người Thượng ở Nam Kỳ có thân hình rất cân đối, nước da màu nâu đậm, tính tình hiền lành, nhút nhát, không thích sống xa quê hương. Họ trồng lúa rẫy, bắp và một ít thuốc lá. Khi thiếu gạo, họ ăn các loại củ tìm thấy trong rừng. Họ dùng cung tên săn mồi. Trên trần nhà, chúng tôi nhìn thấy nhiều hàm răng dưới của con nai được giữ gìn như chiến lợi phẩm trong những chuyến đi săn.

Từ Vio-yang đến Trà Cú, chúng tôi đi ngang qua các làng Tiouk Trem, Thao Vieuk và Võ Đắt. Từ làng này đến làng khác, đường đi không thẳng tắp mà quanh co. Gần Trà Cú, chúng tôi ra khỏi rừng và vượt qua một cánh đồng rộng ngập lụt vào mùa mưa. Dòng sông La Ngà chảy ngang qua cánh đồng.

Từ Trà Cú đến Tánh Linh, chúng tôi đi trong rừng mất 3 giờ. Tánh Linh là một làng Chăm gồm có một chục thôn nhỏ nằm giữa ruộng lúa. Cánh đồng Tánh Linh được giới hạn như sau: núi Ông về hướng Đông, núi Cà Tong về hướng Tây; sông La Ngà và dãy núi La Ngà về hướng Bắc, rừng ở hướng Nam. Một dòng suối lớn- suối Lạc - làm ngập cánh đồng vào mùa mưa.

Người Chăm ở Tánh Linh không nhiều, khoảng hơn một trăm người.

Cánh đồng Tánh Linh đầy thú rừng: nai, hươu, trâu, heo rừng. Đêm đêm chúng tôi nghe tiếng voi hú quanh trại. Một hôm, khi đi săn, chúng tôi gặp hai con voi cái chạy trốn ngang qua một vùng đầm lầy.

Tôi đề nghị với người chủ làng được chích thuốc cho toàn dân trong làng. Ông chấp nhận ngay và dân nhiều buôn Thượng quanh vùng đến xin được chích thuốc.

Như vậy Vio-yang gần Trị An, tuy nhiên khó có thể xác định Trị An và Vio-yang chính xác là ở đâu. Tôi đoán Vio-yang là Phú Cường (Định Quán, Đồng Nai), thông qua thông tin người Pháp có đồn điền cà phê ở đây. Tiouk Trem thì chắc chắn chính là Túc Trưng (Định Quán). Cánh đồng Tánh Linh và dòng sông Lạc thì là khu vực Tánh Linh - Biển Lạc. Núi Ông cũng ngay gần đó (gần Tà Pao và Tà Pứa rất quen thuộc với dân phượt), nhưng nếu là núi Tà Cú thì lại quá xa. Có lẽ, Trà Cú là một nơi khác gần khu vực này.


attachment.php

Bản đồ các dòng sông chính khu vực Đồng Nai.​

Từ Tánh Linh, Yersin theo đường mòn về Phan Thiết, và sau đó ông về lại Nha Trang để chuẩn bị cho chuyến đi theo hướng khác.
 
Hành trình 7 tháng của bác sĩ Yersin

attachment.php

Trên đây là bản đồ chuyến đi của Yersin. Đường ..... là hành trình của ông từ tháng 2 đến tháng 5/1893. Đường ----- là hành trình trong tháng 6/1893.

Từ Nha Trang, Yersin quay lại Phan Rí. Ngày 8/4/1893, Yersin rời Phan Rí để lên vùng núi. Yersin chép là đoàn có đến 80 dân phu đi cùng. Đoàn đến một làng Chăm là Kalon-Madai (hiện nay còn địa danh Kalon ở Bắc Bình).

Yersin viết: Có 2 nẻo đường từ Ca-long lên cao nguyên: một nẻo đi ngang qua Ta-ly đến Ta-la (2 ngày đường) và một nẻo khác đến Lao-Gouan (1 ngày đường). Tôi đã biết con đường thứ nhất. Hai năm về trước, tôi đã đi trên con đường này trong chuyến lên miền Thượng đầu tiên. Lúc bấy giờ, thời tiết rất xấu. Tôi còn nhớ mãi tôi đã vượt hai ngọn đèo cao 900 và 1.200m trong một cơn mưa tầm tã.

Như vậy, trong chuyến đi trước đó vào năm 1891, Yersin từ Phan Rí đến Kalon-Madai và lên Ta-la. Theo bản đồ của Yersin thì Ta-la nằm trong vùng Di Linh hiện nay. Lao-Gouan là làng Laouan Krela, nay thuộc huyện Đức Trọng. Như vậy, Yersin lên Di Linh trong lần năm 1891 không đi theo đường qua các ngả Tà Năng, Tà Hine hay Ninh Gia, rất có thể ông đi theo đường Tam Bố.

Còn trong chuyến này, ông đi lên Lao-Guoan. Từ Kalon lên Lao-Guoan sẽ có 3 đường trên: Tà Năng, Tà Hine hoặc Ninh Gia (thực ra là 2 đường, vì Tà Hine hay Ninh Gia chỉ khác nhau ở vài nhánh).
 
Hành trình 7 tháng của bác sĩ Yersin

Sau một ngày leo dốc liên tục đoàn đến Lao-Guoan. Tại đây, Yersin gặp Tong Vit Ca, một người Việt lo việc thu thuế người Thượng cho Phan Rí, Tong Vit Ca đưa Yersin đi tiếp.
Ngày 14.4 đoàn rời Lao-Gouan tiến về phía Bắc, vượt dòng Da Gnine (tức Đa Nhim), sau một ngày đi bộ, Yersin đến làng Rioung, nằm gần nhánh thứ hai của sông Đồng Nai: Da Dong (tức Đa Dung). Rioung (có thể là làng Riong Bolieng ngày nay, thuộc huyện Lâm Hà). Cao nguyên xung quanh Rioung trơ trụi, những đàn nai đông đảo thường chạy qua đó. "Nếu từ Rioung, người ta tiếp tục đi về phía Bắc, điạ hình sẽ trở nên rất nhấp nhô và dâng cao dần cho đến núi Lang Bian. Núi này, cao hơn 2.000m, đã được các ông Néis và Umann thám sát. Đó là nơi phát nguyên của sông Đồng Nai".
Chú thích: Umann là Humann, có lẽ Yersin ghi nhầm.


Tuy nhiên, trọng tâm của Yersin là tìm một con đường lên cao nguyên. Ông cần đến Ta-la, nơi đã đến vào năm 1891, và tìm đường nối từ Ta-la đến sông La Ngà.

Đoàn rời Rioung đi về hướng Tây Nam và đến Ta-la. Những ghi chép của Yersin về mỏ thiếc, về những địa danh có chữ Ia củng cố giả thiết là Ta-la là phụ cận phụ cận thị trấn Di Linh ngày nay.
Từ Ta-la, Yersin về lại Tánh Linh.

Sau đó, từ Tánh Linh, Yersin tìm cách đi lên lại cao nguyên theo đường khác. Ông đi đến Me Pou (Mê Pu, Bình Thuận), Đạ Cai, nhưng sau đó không thoát ra khỏi được vùng hữu ngạn sông La Ngà. Yersin về lại Tánh Linh. Khi đó là cuối tháng 5/1893.
 
Hành trình 7 tháng của bác sĩ Yersin

Ngày 30 hoặc 31 tháng 5/1893 Ông tiếp tục lên đường theo hướng đã đi từ Droum xuống Tánh Linh. tại đây, ông tìm đường lên hướng sông Đồng Nai. Ngày 11/6/1893, ông đến Bross, nằm ở đáy một thung lũng sâu có sông Đồng Nai chảy qua, phía Bắc là ngọn núi Tadoung. "Ngọn núi này nhìn từ xa tựa như một chiếc mũ lớn nhọn đầu đặt trên cao nguyên, nằm cạnh một thứ mê lộ gồm các đỉnh cao và các thung lũng sâu, dưới đáy các thung lũng là những dòng nước lạnh ngắt. Người ta tưởng chừng đang ở vùng núi Alpes". Yersin đã băng qua mây mù và mưa để leo lên đỉnh núi cao nhất. Rừng khá rậm, ông phải trèo lên cây để quan sát, nhưng những màn mưa dày đặc không cho phép ông định vị một cách chính xác.

Núi Tadoung rất giống tên núi Tà Đùng, nhưng như vậy lại quá xa Rioung nay thuộc huyện Lâm Hà. Tuy nhiên, rất phù hợp về mặt mô tả. Từ núi Tà Đùng có thể băng rừng đế đến Tân Hà, Lâm Hà.

Từ Tadoung, Yersin xuống núi để trở lại Rioung. Để lại hành lý nơi đây, ông cùng với bốn người phu khuân vác lên đường thám hiểm vùng núi Lang Bian.

Từ Rioung, Yersin đi đến bờ sông Da N'Tâme (tức Da Tam), một chi lưu của sông Đa Nhim. Ngược dòng Da Tam, ông đi đến các làng Kréan (gần núi Mnil), Brenne (tức Prenn, gần thác Prenn); sau đó đi về phía Tây-Bắc, rồi bắt đầu leo núi. Sau gần một giờ leo núi, ông bước ra khỏi rừng thông và phát hiện ra cao nguyên Lang Bian. Lúc này là 15g30 ngày 21/6/1893. Trong nhật ký hành trình, ông ghi vắn tắt "3h30: grand plateau dénudé mamelonné" (3g30: cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi).

Trong hồi ký, ông mô tả như sau "Khoảng 15 đến 20 km trước khi đến chân núi chúng tôi ra khỏi rừng và thấy mình đang đứng trước một vùng đất hoàn toàn trơ trụi, phủ toàn cỏ. Mặt đất như những lượn sóng dài làm cho ta có cảm tưởng đang đi trên một đại dương bị xao động bởi những đợt sóng khổng lồ. Dãy Lang Biang sừng sững ở giữa như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi ta đến gần. Trong những cánh đồng bao la ấy, ta dễ tính sai cự ly. Dưới đáy thung lũng, đất màu đen và có than bùn. Những đàn nai lớn cho phép đến gần khoảng một trăm mét, rồi vụt bỏ chạy ra xa, ngoái đầu lại nhìn chúng tôi một cách tò mò".

Vào lúc 15g45 cùng ngày, Yersin vượt qua dòng suối Cam Ly để đi về phía Tây - Bắc. Ông đến làng Deung vào lúc 17g55, sau đó vượt dòng Da Dong (tức Da Dung) và đến 18g15 thì đến làng Dan Dia (Dan Ya). Yersin ghi chép người ở cao nguyên này là người M'Lates. Vùng đất cao nguyên này ông ghi là D'Lat (của người Lạt).
Chú thích: Dan Dia hay Dan Ya là Đankia.

Từ Dan Dia, Yersin trở lại làng Deung rồi về làng Rioung. Từ đây, ông theo thung lũng sông Đa Nhim tìm đường về Phan Rang. Các ghi chép chưa cho biết chính xác Yersin xuống khỏi cao nguyên theo đường nào. Các làng người dân tộc trong ghi chép phù hợp với mô tả về người Ra Glai và người Chăm. Ngày 26/6/1893, ông về đến Phan Rang.
 
Thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng

Ngày 8/9/1893, Yersin từ Nha Trang trở lại Phan Rang, ông lên lại Đrăn (Đran), đi xuống Ta-la và về lại Tánh Linh. Trong chuyến đi này, các sơ đồ được làm rõ hơn, phục vụ cho công tác làm đường.
Nghiên cứu của Yersin không hoàn toàn giúp người Pháp trong việc mở đường lên cao nguyên. Ông không cho rằng có thể làm đường qua vùng Tánh Linh và lưu vực sông La Ngà.

Năm 1894, Yersin lại từ Phan Rang lên Đran, lần này ông tìm được đường đi từ Đran lên Đankia không qua Brenne hay Rioung.

Năm 1897, Đông Dương có một Toàn quyền mới là Paul Doumer. Doumer là một nhà lãnh đạo giỏi, năm 1895 ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính Pháp. Ông chủ trương khai thác đến cùng kiệt tài nguyên của các thuộc địa, kết hợp xây dựng hạ tầng giao thông cũng như các công trình công vụ.
Ngay trong năm 1897, Doumer muốn xây dựng một nơi nghỉ mát cho quan chức Pháp, mà ông gọi là trạm điều dưỡng. Ông viết: "Trong tất cả các thuộc địa vùng nhiệt đới được cai trị một cách hợp lý, người ta quan tâm đến việc tìm ra những vùng đất có khí hậu gần giống với khí hậu châu Âu để người da trắng có thể bảo tồn hay phục hồi sức lực. Các trạm điều dưỡng (station sanitaire) ấy được sử dụng làm địa điểm nghỉ mát để khôi phục sức khỏe cho những người bị buộc phải cư trú ở những nước có khí hậu kém lành mạnh; chúng được dùng làm nơi đặt các công sở, các cơ quan, các đạo quân không bắt buộc phải bố trí ở các nơi khác".
[Paul Doumer, L'Indochine francaise (souvenirs), Vuibert et Nony, Paris, 1905.
Mai Thái Lĩnh - Nguyễn Hữu Tranh - Trương Ngọc Xán dịch]
Doumer viết thư cho các Khâm sứ, cũng như các nhà nghiên cứu nổi tiếng, trong đó có Yersin. Ngày 18/7/1897, Yersin trả lời thư Doumer giới thiệu cao nguyên Lang Biang, và Doumer quan tâm đến địa điểm này.
Tháng 10/1897, Toàn quyền Doumer cử một phái đoàn khảo sát lên cao nguyên Lang Biang, dưới sự chỉ huy của đại úy Thouard. Tháng 10/1898, Thouard kết luận là con đường có thể làm là từ Phan Rang lên Đran, băng qua thung lũng sông Đa Nhim. Phái đoàn cũng đề nghị khảo sát một tuyến đường từ Sài Gòn, men theo thung lũng sông Đồng Nai, để tránh các bờ núi dốc đứng. Do đề nghị này, một số phái đoàn đã được cử làm nhệm vụ khảo sát tuyến đường từ Sài Gòn trong thời gian 1898-1990 (các phái đoàn Odhéra, Garnier và Bernard).

Kết quả chuyến khảo sát làm hài lòng Doumer. Tháng 3/1899, đích thân Doumer đi cùng Yersin lên Lang Biang.
Từ Phan Rang, đoàn đến Krong Pha (Sông Pha), vượt đèo Krong Pha sau này được đặt tên là Bellevue (tạm dịch: cảnh đẹp) đến Đran và lên Lang Biang. Sau đó đoàn đến Dankia. Doumer hoàn toàn hài lòng với cao nguyên Lang Biang. Sau đó, đoàn trở lại Phan Rang theo đường cũ.

Ngay trong tháng 4/1899, Doumer phái đại úy Guynet làm con đường Phan Rang lên cao nguyên, hoàn thành vào tháng 6/1900.

Ngày 1/11/1899, Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai) và bao gồm lưu vực phía trên của sông Đồng Nai. Tòa công sứ của tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai Thượng được đặt tại Djiring, và hai trạm hành chính (poste administratif) được thiết lập tại Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang.

Như vậy, dù Yersin không phải là người Pháp đầu tiên đặt chân đến cao nguyên Lang Biang, nhưng ông đã là người ghi chép và vẽ bản đồ cụ thể nhất, có những nghiên cứu đầu tiên về vùng cao nguyên này, và giới thiệu đến Toàn quyền Doumer để xây dựng trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang. Yersin cũng đưa ra con đường Phan Rang - Đran - Đà Lạt để xây dựng, chứ không làm đường dọc theo sông Đồng Nai như con đường Néis và Septans đã đi.

Tòa công sứ đặt tại Djiring, bao gồm Ta-la và vùng phụ cận. Theo Yersin thì Ta-la là nơi đông dân nhất, và có nhiều người giàu có. Djiring được cho là tên của một làng ở Ta-la, đặt theo tên thủ lĩnh làng này, hoặc người có công khai phá vùng này.

Tỉnh Đồng Nai Thượng là tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên.
 
Thành lập tỉnh Kon Tum

Năm 1904, Pháp thành lập tỉnh Plei Ku Der, bao gồm hai đại lý hành chính là Kon Tum và Cheo Reo (vốn thuộc tỉnh Phú Yên).
Theo thầy Kpă Pual công tác tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Gia Lai, cái tên này là Pháp hóa Pơlơi Kơ Dưr, nghĩa là làng trên cao.
Đến năm 1907, Pháp lại bỏ tỉnh Plei Ku Der, đại lý hành chính Kon Tum lại thuộc Bình Định, đại lý hành chính Cheo Reo lại trở về Phú Yên.
Ngày 9/2/1913, Pháp thành lập tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý hành chính Kon Tum tách ra từ Bình Định, đại lý hành chính Cheo Reo tách ra từ Phú Yên, và đại lý hành chính Buôn Ma Thuột. Năm 1917, Pháp thành lập đại lý hành chính An Khê thuộc tỉnh Kon Tum.

Như vậy, Kon Tum là tỉnh được thành lập sau tỉnh Đồng Nai Thượng, là một tỉnh rất lớn, tương đương các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và một phần tỉnh Đắk Nông hiện nay.

Tây Nguyên lúc này gồm hai tỉnh trên và vẫn chưa có tên gọi cho vùng.
 
Có vài khái niệm cần giải thích:
Moï
Chưa có luận cứ nào khẳng định từ "Moï" trong tiếng Pháp dành riêng cho người Tây Nguyên có sự liên hệ với từ "Mọi" trong tiếng Việt vốn đã được dùng trong sử liệu triều Nguyễn. Tuy nhiên, sự tương đồng là có thể nhận thấy rõ ràng.
Liên hệ thêm: có một số từ tiếng Pháp đề cập đến nước Việt và người Việt có ý khinh miệt, nên từ "Moï" có lẽ không khác biệt.

Bạn có vẻ hiểu biết nhưng lý giải trên của bạn là sai.

Từ "Mọi" không có nguồn gốc từ chữ "Moi" trong tiếng Pháp đâu bạn nhé. Mặc dù từ ngữ Việt cũng vay mượn từ tiếng Pháp kha khá.

Nó xuất phát từ những từ: man, di, mọi, rợ, địch, nhung.... thế còn những từ này từ đâu thì mời bạn tìm hiểu tiếp.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,876
Bài viết
1,170,970
Members
191,569
Latest member
duchailongvan
Back
Top