What's new

[Tổng hợp] Kinh Bắc, một miền cổ tích

Kinh Bắc là vùng đất cổ thiêng liêng bậc nhất nước Việt, là đất Tổ khởi thủy của Phật giáo Việt Nam, là quê hương phát tích nhà Lý, là trấn Chính bắc của thành Thăng Long.

Viết về Kinh Bắc không bao giờ hết được. Trong topic này, cũng chỉ mong cùng mọi người chia xẻ những gì đã biết, đã cảm nhận về miền cổ tích này.

Bài viết trên các báo về Kinh Bắc thì nhiều lắm, copy and paste không khó, vì thế cũng mong muốn nói những điều có tính riêng biệt hơn là những bài copy and paste đơn thuần.
 
Last edited:
Cột đá nằm ở tầng thứ 2 trong số 4 tầng trên núi của chùa Dạm. Từ đây nhìn ra, có thể thấy gò đất gọi là gò Rùa vẫn còn đó. Nhưng những công trình xưa giờ không còn nữa.


Trên 4 tầng xưa kia có nhiều công trình xây dựng. Cũng không tài liệu nào ghi lại đã có những công trình thế nào. Chắc hẳn là nhiều gian, nhiều tòa, nhưng cụ thể thì không biết.

Chỉ còn lại những lớp đá kè giữa các tầng, cũng đã bị xói lở, nghiêng xô sau chín trăm năm mưa gió.


 
Nhìn những bậc thang đá trong chiều, bỗng tưởng tượng như thấy cảnh một bà già trong lớp áo tu hành, chầm chậm leo lên từng bước, từng bước...

Người đàn bà ấy đã là Mẫu nghi, Quốc mẫu, quyền uy danh vọng tột đỉnh, nhưng nay, trong bóng chiều của cuộc đời, lại tìm về với ngọn núi đá này, để chiều chiều ngắm bóng hoàng hôn, lặng nghe tiếng kinh tiếng mõ. Dáng vẻ cao quý ngày xưa giờ cũng còng xuống, bàn tay vỗ án phán xét giờ cầm tràng hạt, lặng lẽ...

Chẳng biết bà ấy có nghĩ gì không nhỉ ??

 
Đường xuân một đoạn

Tuỳ bút ( Sưu tầm )

Đã có lần tôi với nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đi một nửa vòng Kinh Bắc, và hẹn nhau sẽ đi tiếp nửa vòng bên kia cho tròn một vòng quỹ đạo mặc dù mình chẳng là ngôi sao mà chỉ là con gió vẩn vơ:
Một nửa vòng là bán nguyệt chăng? Thì cứ cho là như thế, như câu ca xưa, có từ thời Bắc Ninh ăn lan Đông Ngàn xuống đến Gia Lâm Bát Tràng rằng:
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Đinh Quang Thành may mắn hơn tôi, đúng là anh lấy được cô gái Đình Bảng Bắc Ninh, quê hương Cổ Tháp, nơi sinh thành ra món bánh Xu Xê tuyệt đỉnh, cứ vàng óng lên trong hồn thực khách...
Đường đi rải nhựa như lụa mềm, như tấm thắt lưng cô gái Bát Tràng, Nội Duệ, Cầu Lim, nên mình cũng không biết rằng đây có thực là vòng bán nguyệt hay không, có khi là đường xiên, đường chéo, đường viền, lục lăng bát giác, chưa biết chừng.... nhưng con đường thúc gọi, đúng hơn là tiếng trống hội làng thúc gọi, những con mắt trao tình chờ đợi, những bước chân ríu ran mừng đón, những món quà quê dọc đường trao duyên e thẹn.... vậy thì cứ đi, đi như định mệnh, như ma ám, như đi vào huyền thoại, đi vào cổ tích, đi vào câu ca quan họ, đi vào quê mẹ của thi hào Nguyễn Du, đi vào con sông Cầu tuy lơ thơ mà chảy suốt mấy mươi đời người dùng dắng tri âm....
Hội Lim tắc đường, cả đường cũ cong lượn và đường mới thẳng băng.... Thấp thoáng áo mớ ba mớ bẩy, ít nón thúng quai thao nhưng nhiều mũ xe bảo hiểm, âu cũng là nét thời đại, biết đâu vài ba trăm năm nữa, chiếc mũ kềnh càng như đầu con dế mèn này sẽ thành câu ca quan họ của thế kỷ hăm nhăm? Chẳng hạn:
Yêu nhau gửi mũ bảo hiểm cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió lăn....

Chim đang ca trên đồi Lim kia, những con chim Liền Chị bao đời làm ta thảng thốt say mê.... và làn tóc không được hong nơi cửa sổ chỉ là dóng tre, thanh nhứng, mà là giữa thanh thiên bạch nhật, trên thuyền, trên đồi.... hong tóc và hát nghiêng nón để cho tóc mượt khoe từng sợi thần tiên. Tóc thành suối hương hay lời ca thành suối, trời ngoài kia có những thủa ruộng mượt như gương nước mà lúa mới cấy, ngọn mạ còn được xén cho bằng, khiến mỗi thửa y như một chiếc bàn chải khổng lồ đặt ngược, hay là nó sắp chải vào trời, chải vào mây, trải vào lời ca cho mượt mà, mượt mà đến đời sau quan họ, đến nghìn cây số xuôi ngược chia tay....
Không vào được hội Lim, không nghe thấy "Nước mắt ướt đầm vạt áo..." nhưng ta vẫn như nghe thấy, nghe rõ, thì ra ta nghe bằng hồn ta, bằng tim ta đã được tưới đẫm từ bao giờ không biết những Diềm, những Ó, những Đặng... những Lim... ta không còn phân biệt....
Đinh Quang Thành cũng dâng hồn nghệ sĩ, dừng xe liên tục để ghi hình bấm máy. Mái tóc bạc của anh đôi lúc lẫn vào mây trắng, ta có đủ thì giờ để ngắt ngọn cỏ đưa lên lưỡi cho vị ngọt đồng quê Kinh Bắc thấm vào cảm giác.
Cứ vượt xe hướng Bắc mà đi. Bỏ lại thị xã êm đềm, hãy vào viếng tiền nhân, tiền liệt. Văn Chỉ Bắc Ninh vừa được trùng tu, gạch đất còn ngổn ngang, những tám bia đá còn nằm ngồi thư giãn, mặc cho những cụ rùa đá nghỉ ngơi ít ngày ít tháng trước khi cam thân phận:
Thương thay thân phận con rùa
Lên đình đội hạc xuống chùa đội bia.

Đây không phải là đình mà cũng chẳng phải là chùa mà là Văn Chỉ, nơi thờ chữ nghĩa, nơi tưởng nhớ hiền tài, nơi còn lưu lại bao tinh anh Kinh Bắc như làng Kim Đôi có mấy chục Trạng Nguyên, Tiến Sĩ được lưu danh ở đây, được hương khói chốn này....
Hội Lim lan ra tận đường cái. Tiếng hát chờn vờn không âm vang trong ồn ã thì đã có trăm nghìn hàng bánh đa Kế, trăm nghìn hàng nặn tò he xanh đò tím vàng, cứ mua đi, mua lấy sắc màu mùa xuân ngưng đọng vào, ngón tay tài hoa nghệ nhân, nghệ sĩ.... hàng táo xanh chân đồi còn xanh lắm, chợt nhớ câu:
Chàng như táo rụng sân đình
Em như gái dở đi rình của chua....

Vượt qua thị xã, còn bao nhiêu đoạn đường của một nửa vòng Kinh Bắc đang dang dở đợi chờ. Thì hãy đi tìm vang bóng cuả một thời hội làng Đồng Kỵ, pháo thì phải phá tường, đổ vách mới khênh được "Ông Pháo" ra đình. Đình cổ còn đây, chùa cổ kề bên, lầu tám mái nhưng có đến 16 cột lim đỏ chói vững bền như làng Việt ngàn xưa.
Đồng Kỵ làng nghề đã mới, khảm trai, đồ gỗ, mộc cổ và giả cổ, chí chát vang lên, mặc cho những cổng làng mang nửa hình trăng, mang nửa hình tròn đứng cùng thời gian chứng kiến đổi thay, gạch ngói hay tre trúc, mùi gỗ hay mùi rơm mới đang phơi, véc ni bóng lộn thay cái rổ xề cái rá thủ công.... Có một đồng kỵ đang mới giữa một Kinh Bắc, Bắc Ninh đang mới, mới theo quy luật, mới vì ước mong, mới cùng thời đại....
Lần đầu tiên theo kẻ vô thần là tôi, đến đền bà Chúa Kho, một liệt lữ yêu nước, một vị tướng tài tuẫn tiết vì non sông đất nước, không thể nào trở thành người uống bia tây và hút thuốc lá Ăng lê để cho vay nặng lãi.
Ai đến đây vay vàng? Ai đến đây cầu lộc cầu tài cầu phúc? Ai cầu duyên? Ai cầu cho những người bất hạnh lầm than quanh ta? Không thể biết trong hàng vạn con người chen chúc kia, những lời cầu khấn là những loại gì? Và mấy giàn tre nứa như những cái giá gác mấy chục nong tằm, gác mấy chục mâm cỗ đám ma... toàn lễ vật, nào là thịt gà, nào là cây vàng cây bạc, nào vàng thoi vàng nén, nào xôi oản, quýt cam.... Thứ nào bà Chúa Kho nhận, còn thứ nào bà không nhận? Mình thành kẻ bất kính mất thôi, đành xin bà tha thứ, ta đi nốt nửa vòng văn hoá Bắc Ninh tự tìm lấy mùa xuân mà gửi gắm nỗi niềm chứ chẳng thể cầu xin tài lộc giữa hư không....
Quay về Đình Bảng, ghé thăm bà Lụa Xuân, nơi làm ra những chiếc bánh Xu Xê lừng danh thiên hạ, mà mùa vàng quả dành dành như vẫn còn đôi phần hoang dại quanh những bờ ao quê đã nhập vào đây thành mỹ vị tài hoa, không thể thiếu trong đám dâu đám cưới những giai nhân tài tử mấy thời.
Bờ sông mênh mang gió thổi, chưa có con chim vít vịt, càng vắng tiếng chim tu hú trong lùm tre giữa những cánh đồng châu thổ. Ta xuôi Bát Tràng, ta đến Xuân Quan, nơi có cống xuyên đê của hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải. Bắc chính là Bắc Ninh mà làng Bồ Bát Thanh Hoá đi ra đây hơn trăm năm. Nay khói lò bát đã thay bằng lò khí đốt khá nhiều. Làng đang sắp mở rộng thêm cho hợp với thời đại chuyển mình.
Lại một điều, xã Xuân Quan vẫn còn có một ngôi đền cổ kính, có lầu chuông gác trống, có hai con voi đá (giả đá thì đúng hơn) bị lún chìm vào phù xa đến ngang bụng, có pho tượng cụt đầu dù thân tượng có mũ áo cân đai. Ai vậy? Đền thờ, thờ người tướng chống nhà Tần, vừa có công với nước ta vừa có tội với nước ta, công tội có lúc phân minh, có khi chẳng rạch ròi. Đó là cha của anh chàng Trọng Thuỷ, là bố chồng của cô công chúa oan nghiệt Việt Nam: Mỵ Châu. Đó là Triệu Đà. Đền thờ có từ lâu lắm, không ai phá hay không ai nỡ phá, không nhẫn tâm phá, bởi đây vẫn là công sức của người Việt dựng thành, xây lên. Nay Xuân Quan là Gia Lâm Hà Nội mà chia tay cùng Kinh Bắc, thực ra, bờ sông Hồng này chẳng lấy thêm nước của sông Cầu đó ư? Đất. Hà Nội nay chẳng là Bắc Ninh đó ư? Thì phân biệt làm chi, rạch ròi sẽ là vô lý... Ta ngập thân vào mây này, gió này, khí trời này, âm thanh này, vị ngọt ngào này... ta đâu cần biết đến một thứ ranh giới vô hình nào trong không khí kia chia địa phận này thành địa phận khác.....
Có người ước mơ giàu sang, đến đền bà Chúa Kho để vay nghìn cây vàng về xây nhà lầu, nhưng cũng có người như nghệ nhân Nguyễn Dương của Giang Cao Bát Tràng ước mơ làm ra sản phẩm gốm sứ lừng danh thế giới, nhà nghệ sĩ Đinh Quang Thành ước mơ có tấm ảnh đẹp... và nhỏ nhoi như tôi, tôi mơ ước mùa xuân nào cũng được rong du để làm vốn đời mình, loại vốn chẳng hề mang lại giàu sang, nhưng mang lại nhiều tri âm tri kỷ.
 
Đến Kinh Bắc, không thế không nhắc đến chùa Dâu, ngôi chùa cổ nhất nước Việt.

Chùa Dâu nằm giữa trung tâm Luy Lâu, là chùa nhưng lại thờ nữ thần Mây - bà Pháp Vân. Đến đây, thiết tưởng cũng nên biết về tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ nữ thần Nông nghiệp, đã được hóa thân vào Tứ pháp.

Truyện kể rằng, xưa, thiền sư Khâu Đà La từ Tây Trúc đến Luy Lâu, tu tại chùa Linh Quang. Nàng Man Nương làng Mãn Xá mới mười hai tuổi đến nghe kinh, một trưa nằm ngủ, thiền sư bước qua người nên mang thai. Cha mẹ nàng bắt đền sư, thì được bảo rằng đó là con của thần thánh, chớ nên khinh thường. Mười bốn tháng sau nàng sinh con, đem trả Thiền sư. Khâu Đà La gõ thiền trượng vào gốc cây dung thụ - cây đa, cây tách ra, rồi bỏ đứa bé vào đấy, đồng thời trao gậy cho Man Nương rồi đi về phương bắc.

Mấy năm sau hạn hán, Man Nương nhớ lời sư, đem gậy cắm xuống đất thì từ đó nước trào ra, cứu được ruộng đồng. Lại đến một ngày mưa gió, cây dung thụ đổ xuống sông Dâu, không ai lôi lên được. Chỉ có Man Nương dùng dải yếm kéo là cây theo lên bờ. Từ cây tạc nên bốn pho tượng, tức bốn người con gái của Man Nương, là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tức các nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp.

Ngoài ra còn một khối đá, tức là Thạch Quang Phật.

Truyền thuyết trên cho thấy tín ngưỡng thờ các nữ thần nông nghiệp đã có từ rất sớm, và hình thức Phật giáo ban đầu truyền vào Việt Nam cũng mang nặng màu sắc thần bí, huyền thuật. Phật pháp gắn liền với phép thuật làm mưa, với các hòn đá linh thiêng, cái cây linh thiêng, mang nặng màu sắc bản địa.
 
Tài liệu có chép rằng Tứ Pháp được thờ ở 4 ngôi chùa:

1. Bà Pháp Vân thờ ở chùa Dâu
2. Bà Pháp Vũ thờ ở chùa Đậu
3. Bà Pháp Lôi thờ ở chùa Tướng
4. Bà Pháp Điện thờ ở chùa Dàn

Nhiều người nhầm rằng chỉ có 4 ngôi chùa Dâu Đậu Pháp Dàn. Trên thực tế có nhiều ngôi chùa mang cùng một tên Nôm, và thờ cùng một nữ thần, do đó thường tưởng bà Pháp Vũ phải ở chùa Đậu ở Hà Tây.

Thực tế, khắp đồng bằng bắc bộ, có nhiều nơi thờ Tứ Pháp, và có nhiều ngôi chùa cùng tên. Chùa Đậu thờ Pháp Vũ gốc nằm ở Bắc Ninh, chùa Đậu ở Hà Tây chỉ là cùng tên.

Ở Gia Lâm cũng có chùa thờ Tứ Pháp, Hưng Yên có hệ thống 4 chùa, Nam Hà cũng có hệ thống 4 chùa thờ Tứ Pháp.

Nhưng chỉ duy nhất ở Bắc Ninh là có đủ hệ thống 5 chùa, vì là nơi duy nhất có chùa thờ Man Nương, là mẹ của Tứ Pháp, là đức Phật Mẫu.
 
Theo truyền thuyết, Man Nương tức Phật Mẫu Man Nương, là mẹ của Tứ Pháp. Bốn chị em được thờ ở bốn chùa, còn người mẹ được thờ riêng, nên chùa Mẹ gọi là chùa Tổ.

1. Chùa Tổ, còn gọi là chùa Mãn Xá, tên chữ Phúc Nghiêm, ở làng Mãn Xá, thờ Phật Mẫu Man Nương.
Trên đường đi chùa Dâu, cách 3 - 4km sẽ thấy bên phải đường có lối vào chùa Tổ. Hàng năm lễ hội, thì kiệu của các chị em Tứ Pháp phải rước đến chùa này lễ Mẹ trước rồi mới được đi về.

2. Chùa Dâu, tên chữ Diên Ứng, thờ bà Dâu, tức nữ thần mây Pháp Vân.
Đây là ngôi chùa cổ nhất nước Việt, có từ thế kỉ thứ 2. Trong chùa thờ bà Pháp Vân, Pháp Vũ, và Thạch Quang Phật.

3. Chùa Đậu, thờ bà Đậu, tức nữ thần mưa Pháp Vũ.
Chùa vốn cách chùa Dâu không xa. Sau bị Pháp phá hủy, tượng Pháp Vũ phải đem về chùa Dâu thờ cùng với chị.

4. Chùa Tướng, tên chữ Phi Tương, thờ bà Tướng, tức nữ thần sấm Pháp Lôi.
Chùa hiện còn rất nhỏ, dựng lại về sau. Chùa cũ đã bị phá hủy.

5. Chùa Dàn, tên chữ Phương Quang, thờ bà Dàn tức nữ thần chớp Pháp Điện.
Chùa còn khá đẹp.

Nếu đi chùa Tứ Pháp Bắc Ninh, nên cố gắng đến các chùa trên. Ngoại trừ chùa Đậu đã bị phá, các chùa còn lại đều trong vòng 5km tính từ chùa Dâu.
 
Sự khác biệt của các ngôi chùa thờ Tứ Pháp đó là: Mặc dù là chùa thờ Phật, nhưng tượng Tứ Pháp lại lớn hơn rất nhiều, và để cao hơn tượng Phật.

Những pho tượng Tứ Pháp là những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp, thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, phúc hậu, hiền hòa, thông minh.

Các bức tượng toàn thân ngồi trên tòa sen, đầu có tóc xoắn giống Phật, nhưng hai tay bắt quyết tự nhiên. Ngày nay người ta toàn lấy áo phủ lên tượng, đội mũ lên đầu, khiến cho vẻ đẹp nguyên bản bị mất đi nhiều.


Tượng Phật Mẫu Man Nương ở chùa Tổ. Bà là mẹ của Tứ Pháp.

ManNuong.jpg


Tượng bốn nữ thần Mây - Mưa - Sấm - Chớp ở bốn chùa: Dâu - Đậu - Tướng - Dàn.
Bốn người có những nét khác biệt nhất định. Em út - bà Pháp Điện trẻ nhất, mắt mở to, rất sáng, thông minh tinh nghịch. Trong khi rước lễ thì bao giờ kiệu bà Pháp Điện cũng chạy nhanh và hay phá phách nhất.

TuPhap.jpg
 
Chùa Tổ - Phúc Nghiêm tự - ở làng Hà Mãn (tên cũ là Mãn Xá) ít được chăm sóc hơn chùa Dâu, nên đã xuống cấp nhiều.

Nhà tiền tế mới được tu sửa lại, nhưng cũng tạm bợ. Còn khu thượng điện, nơi đặt tượng bà Phật Mẫu Man Nương thì lụp xụp lắm rồi. Khi tôi đến, nhà chùa phải dùng mái tôi để tránh dột. Hương khói cũng lạnh lùng hơn nhiều so với chùa Dâu.

Bà già canh chùa nói có vẻ bùi ngùi rằng : "Người ta ai cũng biết, cũng đến chùa Dâu, nhưng chẳng mấy ai biết đến chùa Tổ, là nơi ở của bà Phật Mẫu, chỉ biết đến con gái mà không biết đến Mẹ".

Rồi bà đọc cho tôi nghe một đoạn rất dài của bài Truyện thơ Nôm về sự tích Man Nương. Bài thơ lục bát dài hàng trăm câu, bà đọc làu làu, rồi giải thích từng đoạn, từng câu. Có thể thấy bài thơ nôm đó mới được sáng tác thôi, cùng phong cách thơ nôm Thạch Sanh, chúa Ba chùa Hương,... Nó mang đậm tinh thần người Việt với các đấng Mẫu, vốn là tín ngưỡng bản địa.

Ở chùa Tổ, tôi thấy được sự gần gũi, thành kính chân thực của người dân nghèo, sự thanh thản dễ chịu. Điều này không thấy được ở chùa Dâu.
 
Chùa Tổ nằm bên cạnh một ao nước sâu. Bà giữ chùa nói rằng trước kia đó là "Vực nước", Vực nước xưa kia sâu lắm, rộng lắm, thông đến cả sông Thiên Đức (sông Dâu). Nhưng rồi vật đổi sao dời, nay chỉ còn như một cái ao lớn.

Sân sau chùa có một giếng nước rất trong mát. Đó là nơi Man Nương xưa kia cắm gậy xuống đất lấy nước cứu dân.

Bên ngoài tiền đường, trong sân đất của chùa có 1 cái hố đất lõm. Tôi đã đọc rằng trước kia hai bên đều có hố như vậy, đó là hai mắt rồng. Nhưng rồi một hố bị lấp, nay chỉ còn một. Con rồng long mạch đã bị mất một mắt.

Hàng năm, đến ngày hôi Dâu (8 - 4 Âm lịch), thì kiệu tượng Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện sẽ rước về chùa Dâu, lễ chị cả Pháp Vân. Sau đó kiệu tượng 4 bà rước đến chùa Tổ lễ Mẹ. Chùa Tổ sẽ làm xôi, bánh giầy, oản quả để phân phát cho 4 chị em, hôm sau mới trở về.

Tượng trong chùa khoác áo, chỉ đến ngày lễ hội, trong lễ Mộc dục (tắm tượng) thì mới cởi ra.

 
Tượng thiền sư Khâu Đà La trong chùa Tổ




Nhiều người thắc mắc rằng: Theo sự tích Man Nương, Man Nương đến chùa Linh Quang gặp sư Khâu Đà La, rồi về chùa Mãn Xá (Phúc Nghiêm) tu, sau đó mới khắc tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện để thờ ở 4 chùa.

Thế thì sao lại nói chùa Dâu là cổ nhất Việt Nam? Ít nhất cũng còn chùa Linh Quang, chùa Phúc Nghiêm trước đó.

Thực ra, truyền thuyết Man Nương ra đời muộn hơn tuổi của chùa rất nhiều. Chùa Dâu đã có từ thế kỉ thứ 2, trong khi truyện Man Nương mãi đời Trần mới có, nghĩa là hơn 1000 năm sau. Và các tượng trong chùa lại còn muộn hơn nữa, thế kỉ 17 - 18.

Thời Lý, Phật giáo rất thuần khiết, đến đời Trần mới dần trộn thêm những yếu tố thần thánh hóa. Và đến đời Lê thì những yếu tố thần thánh này trở thành cực thịnh, khiến cho các chùa đều thờ thêm Mẫu, là một tín ngưỡng bản địa cổ được chấn hưng và ghép vào các chùa.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,195
Bài viết
1,150,493
Members
189,952
Latest member
Xelubeouu
Back
Top