What's new

[Chia sẻ] Kinh hoàng Y Tý ngày đầu năm

Tôi ôm bụng chạy vào nhà vệ sinh lần thứ hai trong vòng 15 phút, mệt rã rời và vẫn còn quãng đường 170km trong đêm phía trước để về tới Hà Nội. Sau 4 ngày 5 đêm, tôi gần như đã kiệt sức, lịch trình ban đầu vỡ tan nát và chỉ muốn gục ngay trên toilet để ngủ bỏ quên đời. Thế nhưng lúc này cũng là thời điểm mà quãng đường vừa đi qua hiện lên rõ mồn một trước mắt tôi và ở đây, trong cái nhà vệ sinh xập xệ của một quán phở bình dân ven đường có lẽ cũng là nơi thích hợp nhất để tôi bắt đầu kể về chuyến đi bão táp của mình.

Ôm tham vọng đi qua hết ba trong tứ đại đỉnh đèo, săn mây Y Tý và thăm chiến trường Điện Biên nên mặc cho hai thằng bạn đi cùng bận đột xuất, đêm 30/12, tôi một mình xuất phát ngay sau khi tan làm. Thời tiết rất lạnh nhưng tôi di chuyển tương đối thuận lợi. Đi được khoảng 150km, tôi dừng lại nghỉ ở thị trấn Hiền Lương.

Sáng ngày 31/12, tôi ăn sáng ở thành phố Yên Bái rồi di chuyển theo quốc lộ 70 và dừng lại ăn trưa ở thành phố Lào Cai. Từ Lào Cai tôi đi qua Bát Xát và Trịnh Tường trước khi tới ngã ba Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Đường vào Lũng Pô phải đi qua 5km offroad từ đường chính, không quá khó đi nhưng rất ướt và bẩn. Chủ quan không chịu đi ủng nylon trước khi vào đoạn đường xấu, giày và tất của tôi khi quay ra đã ướt sũng.

_MG_3017 by Tăng Quân Hồng, on Flickr

Rời Lũng Pô, tôi đi tiếp về phía Y Tý. Đi được một đoạn, phanh sau xe tôi trục trặc phải dừng lại chỉnh nhưng vẫn không mấy khả quan. Tôi đành cố gắng đi tiếp và sẽ tìm hàng sửa xe dọc đường. Đường đi lên cao dần và sương mù ngày một dày đặc. Tầm nhìn hạn chế cộng thêm đôi chân bị ướt lúc nãy giờ như bị ngâm trong tủ đá khiến tôi không thể đi nhanh được. Khi tôi tới được trung tâm của xã Y Tý, trời đã tối. Tôi vào nghỉ tại homestay A Hờ. Y Tý vào mùa này rất lạnh nên nhà nào cũng luôn luôn có một đống lửa để sưởi ấm. Được ngồi hơ tay chân ở đây sau một đoạn đường dài rét mướt và mưa gió sung sướng vô cùng mặc cho hai mắt giàn giụa nước vì khói. Cả buổi tối cuối năm hôm đó tôi chỉ ngồi lì bên đống lửa để hong khô tất, giày và trò chuyện cùng 4 người bạn đi ô tô từ Thanh Hóa lên.
Sáng ngày 1/1, tôi thong thả dậy ăn sáng cùng nhóm bạn Thanh Hóa, mang xe ra hàng sửa phanh rồi lên Ngải Thầu để ngắm mây. Thôn Ngải Thầu nằm cách Y Tý 13 km trong đó có 8km đường offroad.

_MG_3055 by Quan Tang, on Flickr

Trời mưa và nhiều sương nên đường nhão, rất trơn và bẩn. Đường khó đi là thế, sương mù dày đặc là vậy nhưng khi bắt đầu lên tới thôn Ngải Thầu bất chợt sương mù tan biến hết, chỉ còn bầu trời trong xanh, ánh nắng ấm áp và biển mây trắng muốt trải dài ra bất tận. Tôi lúc này như bị mê hoặc, cứ thơ thẩn lang thang rồi tìm thấy mấy mỏm đá cao và cứ ngồi ở đó như vậy cả tiếng đồng hồ, khoan khoái tận hưởng cái cảm giác được đứng trên mây phóng tầm mắt ra tít tắp tận cuối chân trời ngắm dãy núi Hoàng Liên Sơn xanh thẫm ẩn hiện đằng xa.

_MG_3082 by Tăng Quân Hồng, on Flickr

Đến trưa, tôi quay lại Y Tý và may mắn có cơ hội được tham gia một đám cưới của người Mông. Có vẻ như cả thôn, bản đều tập trung ở đây vào ngày này, chật kín người từ ngõ vào đến nhà, rất đông vui và nhộn nhịp. Tôi được một anh chàng người dân tộc mời vào uống rượu. Người Mông ở đây rất nhiệt tình và hiếu khách. Chỉ cần một chén rượu và một cái bắt tay là có thể nói chuyện với nhau thân mật như bạn bè quen biết lâu năm. Trong bữa rượu trưa hôm ấy, một anh chàng dân tộc trẻ tuổi bỗng hỏi tôi “anh đã đi nhiều nơi, theo anh thì chúng tôi nên làm thế nào để thôn bản bớt khó khăn”. Tôi không thể chỉ cho anh ta một con đường để đi từ đầu đến cuối nhưng tôi có thể chia sẻ cảm nhận của mình về vùng đất này và những gì trong vốn hiểu biết của tôi. Cứ như vậy, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau rất lâu, từ lúc mâm cơm đầy ắp người cho tới lúc chỉ còn lại hai chúng tôi và chủ nhà. Chúng tôi uống nốt chén rượu cuối rồi sang chơi nhà gái bên cạnh.

_MG_3109 by Tăng Quân Hồng, on Flickr

Chú rể và phù rể lúc này đang bái lễ để xin phép rước dâu về. Bái lễ xong, mọi người lại tập trung thành hai góc, đàn ông và phụ nữ riêng biệt để ăn và uống rượu. Hơi buồn một chút là có một bác không cho tôi chụp ảnh nên chỉ có thể bắn trộm được vài kiểu vòng ngoài.

_MG_3131 by Tăng Quân Hồng, on Flickr

Tôi muốn quay lại Ngải Thầu để ngắm mặt trời lặn trên biển mây nên không thể chờ tới lúc đưa dâu mà đành chào từ biệt mọi người.
Hai thằng bạn của tôi xuất phát sau một ngày, vốn định hẹn gặp nhau lúc 4h chiều ở Y Tý nhưng một đứa có chút việc phải ở lại thành phố Lào Cai nên một lần nữa, tôi lên Ngải Thầu một mình. Khoảng 4h30 phút, tôi tới nơi nhưng lần này không được may mắn như buổi sáng. Mây bị gió thổi lên cao nên mặc dù đã lên tới điểm cao nhất của Ngải Thầu, không những tôi vẫn không thể nhìn thấy mặt trời mà cả biển mây lúc sáng cũng chẳng còn. Quá hụt hẫng và thất vọng, tôi đứng tần ngần một lúc rồi quyết định tranh thủ lúc trời còn sáng đi bộ tìm góc chụp bình minh ở hướng ngược lại. Đi được vài trăm mét, tôi gặp hai bác người dân tộc lớn tuổi đang trên đường trở về nhà. Tôi đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với người dân tộc nên tôi biết những người lớn tuổi thường không nói được nhiều tiếng Kinh và khái niệm về xa/gần của họ khác hoàn toàn với những người miền xuôi như tôi. Tôi cũng đồng thời biết rằng trời đang dần tối và sẽ vô cùng nguy hiểm nếu tôi bị lạc trong rừng một mình nhưng không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà tôi cứ vừa nói chuyện theo kiểu từ được từ mất vừa đi theo họ với niềm tin sẽ tìm được chỗ ngắm bình minh ở phía cuối của con đường. Gọi là đường nhưng thực ra nó chỉ là đường mòn nhỏ xíu người dân tộc dùng để đi và nó cũng chỉ là đường ở một đoạn ngắn đầu tiên còn lại đều là vạch cây, cỏ và lội suối mà đi.

_MG_3071 by Quan Tang, on Flickr

Chúng tôi đi mãi, đi mãi mà vẫn chưa thấy tới thôn của họ và trời lúc này đã không còn mấy ánh sáng. Từ khi bắt đầu đi tới đoạn đường xấu, có một thứ linh cảm dần trỗi dậy trong tôi, liên tục thuyết phục tôi rằng tôi đang làm một việc rất nguy hiểm và đến lúc này tôi không thể tiếp tục lờ nó đi thêm nữa. Tôi chào từ biệt hai bác để quay lại cho kịp trước khi trời sập tối. Tôi bắt đầu di chuyển trở về nhưng càng lúc tôi càng cảm thấy con đường mình đang đi không giống lúc trước. Tôi cũng đi theo con suối nhỏ giống như họ nhưng đường tôi đi không có nhiều đá làm điểm tựa mà phải lội trong nước. Tôi cũng tìm những bãi cỏ để bước vào nhưng chúng đều không vững chãi như con đường trước đó mà toàn là những bãi đất lầy và nhão. Tôi phải lội trong những đống sình ngập tới đầu gối mình và tôi biết chắc chắn tôi đã lạc. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhìn thấy chút ánh sáng ở cuối chân trời và tôi biết cứ đi theo hướng đó cuối cùng tôi sẽ về được. Cố giữ lấy cái niềm tin mãnh liệt ấy, tôi lội trong những vũng lầy để đi về phía Tây nhưng di chuyển trong rừng không đơn giản như tôi nghĩ. Địa hình trên núi không bằng phẳng lại có nhiều suối và hố sâu. Tôi lại đang đeo máy ảnh, không thể liều lĩnh nhảy qua những đoạn suối hay hố dài nên tôi phải di chuyển rất vòng vèo, thậm chí là đi rồi quay lại.

_MG_3044 by Quan Tang, on Flickr

Trời ngày càng tối, lạnh và nhiều sương. Tay tôi lúc này đã bị gai đâm xước rất nhiều còn hai chân thì ngập sũng trong bùn đất. Tôi vẫn không thấy có chút tín hiệu gì cho thấy mình sắp ra khỏi được đoạn đường rừng và tôi bắt đầu thấy sợ. Tôi đã để ý thấy những tiếng sột soạt trong bụi cây và đến khi tôi bị thụt một nửa người xuống một vết nứt sâu không thấy đáy, tôi thực sự hoảng loạn. Thứ duy nhất hiện hữu trong tâm trí tôi lúc đó là tôi cần sự giúp đỡ. Tôi đã thừa nhận rằng mình không có đủ can đảm để một mình vượt qua đoạn đường lạ này trong đêm nữa.
 
Tôi lấy điện thoại ra, rất may vẫn còn có sóng. Tôi gọi cho trưởng đồn biên phòng Y Tý bằng số điện thoại tôi đã lấy trên mạng nhưng đến lúc này tôi mới biết thông tin đó đã rất cũ rồi. Anh ấy đã chuyển công tác từ lâu và không thể giúp gì cho tôi. Tôi gọi cho chủ nhà nghỉ và anh chàng ngồi uống rượu với tôi lúc trưa nhưng cả hai đều không thể liên lạc được. Rất may là sau khi đứng im một hồi, hơi thở và tâm lý của tôi đã phần nào bình ổn trở lại. Tôi nhớ ra trước khi tôi chia tay hai bác dân tộc để quay ra có nhìn thấy thấp thoáng mấy ngôi nhà nhỏ ở trên đồi phía xa và ánh sáng hiện tại vẫn còn đủ để tôi mập mờ nhìn thấy mấy cái cây ở hướng đó. Lựa chọn duy nhất của tôi là cố hết sức để bằng mọi giá tìm được mấy ngôi nhà ấy. Tôi cần gặp ai đó, tôi cần nhìn thấy ánh sáng của sự sống. Tôi tiếp tục lội qua những vũng sình lầy để quay lại và sau khoảng nửa tiếng, cuối cùng tôi đã nhìn thấy nó. Trông tưởng gần nhưng vì tôi đã đi lạc ra khỏi con đường mòn nên hướng này là ở phía sau nhà của họ và tôi phải trèo qua rất nhiều ruộng bậc thang để lên tới nơi. Một cậu bé người Hà Nhì (em Ca) đồng ý dẫn tôi quay lại Ngải Thầu và mời tôi ăn cơm. Lúc này trời đã tối hẳn và tôi được biết tôi đang ở cách Ngải Thầu 6km, khoảng 1 giờ đi bộ nếu biết đường.

_MG_3171 by Tăng Quân Hồng, on Flickr

Đến ngồi bên đống lửa và nhận được bát nước ấm từ tay Ca, tôi như được sống lại. Tôi bắt đầu quan sát xung quanh. Nhà của người Hà Nhì là nhà Trình Tường bằng đất, đơn giản nhưng rất ấm áp. Bếp không nằm ở một gian riêng như người Mông mà đặt ngay gần giường ngủ, trên một bậc cao.

_MG_3168 by Tăng Quân Hồng, on Flickr

Bữa cơm tôi ăn cùng gia đình Ca hôm ấy, của một gia đình nghèo tốt bụng thiết đãi một lữ khách lạc đường, giản dị vô cùng nhưng ấm lòng quá đỗi. Đó là đêm đầu tiên của năm mới 2016 và khi tôi vừa đặt chén rượu xuống cũng là lúc chiếc tivi nhỏ cũ kĩ nhà Ca vang lên giai điệu của bài hát Happy New Year:
No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
Chẳng có sâm panh đâu, chỉ là một chén rượu gạo tự nấu thôi cũng chẳng đào đâu ra pháo hoa ở cái độ cao gần 2500m so với mực nước biển, trong cái thời tiết đầy mây mù và tại cái vùng biên giới xa xôi này. Xung quanh tôi cũng toàn là những người xa lạ nhưng chắc chắn chưa bao giờ và có lẽ cũng là không bao giờ tôi thấy thấm thía từng câu, từng chữ trong ca từ như lúc này. Trong suốt 27 năm của cuộc đời mình, hôm nay là ngày mùng 1 mà tôi sẽ nhớ mãi cho đến cuối cuộc đời.

_MG_3179 by Quan Tang, on Flickr

Nhà Ca có ba anh em trai và một cô em út bé xíu. Cô bé rất nhút nhát, cứ thấy tôi tới gần là trốn sau lưng anh và mẹ. Mẹ của Ca không nói được tiếng Kinh nhưng thấy tôi chụp ảnh con gái, cô lấy ngay một chiếc mũ rất đẹp ra thay cho cô bé rồi cố đẩy em ra. Tôi lấy lốc sữa còn lại trong balo tặng cho cô bé (mặc dù lúc này em đã chui tọt vào trong chăn để trốn tôi, dụ dỗ thế nào cũng không chịu ra), từ biệt gia đình Ca rồi theo em quay lại Ngải Thầu. Ăn xong lại phải đi lên dốc liên tục, chiếc balo cùng với cái tripod của tôi trở nên vô cùng nặng nề. Đi được một đoạn, chúng tôi dừng lại nghỉ và ngắm mây trời buổi đêm.

_MG_3194 by Quan Tang, on Flickr

Ngồi được một lát, tôi nhận được điện thoại hỏi thăm của mẹ. Tôi phải nói dối mẹ đang ở nhà nghỉ và chuẩn bị ngủ để lấy sức ngày mai lên đường sớm. Thú thực là thỉnh thoảng tôi cũng tò mò muốn biết nếu cụ nghe được sự thật về những chuyến đi của tôi, cụ sẽ đi mua xích loại gì về cùm chân tôi vào.

Khoảng 8 giờ, chúng tôi đã về đến Ngải Thầu. Tôi chưa kịp vui mừng thì phát hiện ra mũ bảo hiểm, áo phản quang và bơm tôi để ở xe đã không cánh mà bay. Tôi đành phải đầu trần đi trong sương và mưa. Mặc dù 8km offroad ban ngày gặp trời mưa không hề dễ đi, tôi vẫn có đủ tự tin để vượt qua nhưng đi đoạn đường này ban đêm và 1 mình lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Tôi giữ chặt phanh rồi vặn ga để đèn sáng thấy đường trước sau đó mới nhích từng chút một. Cứ như thế, phải mất tới một tiếng rưỡi mò mẫm tôi mới xuống tới đường bê tông. Những tưởng xuống đến đây là tôi đã vượt qua được ngày đầu năm hãi hùng vì tôi chỉ còn có 5km đường bê tông ở phía trước nhưng hóa ra mọi chuyện chưa chịu kết thúc ở đây.

_MG_3196 by Tăng Quân Hồng, on Flickr

Vừa xuống đến nơi tôi đã thấy ngay một chiếc ô tô đang nằm trên vách núi và đi thêm vài chục m nữa tôi đã hiểu lý do tại sao. Tôi đã nhiều lần đi đêm cũng không không ít lần gặp sương mù, thậm chí là sương mù trong đêm nhưng chưa bao giờ tôi thấy sương dày như thế. Chỉ cách nửa mét phía trước nhưng không thể nhìn rõ bất cứ thứ gì. Một tay cầm lái, một tay cầm đèn pin soi hai bên đường, tôi lần theo từng cột mốc mờ mờ trong sương như là một thứ định hướng duy nhất để không phi xuống vực. Cột mốc dọc đường không được trồng liên tục mà chỉ theo từng cụm. Những lúc đang đi bỗng dưng cột mốc biến mất, tôi ngay lập tức chống chân để đảm bảo mình còn đang được đứng trên mặt đất rồi mới từ từ soi từng vệt cỏ để tiếp tục bò. Đường nhỏ và nhiều ổ gà, sương mù dày đặc khủng khiếp kèm thêm mưa lại đi trong đêm một mình, tôi mất tới một tiếng rưỡi nữa để đi hết đoạn đường 5km ấy.

_MG_3308 by Quan Tang, on Flickr

Về tới homestay A Hờ, tôi sướng tới phát điên, nhảy nhót hò hét ầm ĩ làm mấy đoàn đang chuẩn bị ngủ để hôm sau leo núi sớm kéo nhau ra nhìn như sinh vật lạ. Khi tôi vừa kết thúc vũ điệu sung sướng của mình cũng là lúc hai thằng bạn tôi lên tới nơi. Nghe tin tôi bị lạc trong rừng hai đứa nó đã tức tốc phi từ thành phố Lào Cai lên trong đêm để hỗ trợ. Gặp được nhau, ba chúng tôi tay bắt mặt mừng chui vào đống lửa bên hiên để lấy lại nhiệt lượng và hung tin lại đến: Homestay đã hết chỗ ngủ. Chúng tôi đang trong cơn phấn khích nên nghe thấy vậy ba thằng bảo nhau kiếm củi ra phía ngoài để ngồi và chơi ghita. Định cứ thế thâu đêm nhưng hát hò đến khoảng hơn 1 giờ chúng tôi bắt đầu thấm mệt và bảo nhau kiếm chỗ nghỉ. Lúc này, tôi không tìm thấy chìa khóa xe. Mặc dù từ khi về tôi chỉ đứng ở cửa homestay và ở hai đống lửa nhưng ba thằng soi đèn pin tìm đi tìm lại cũng không thấy. Đến 2 giờ, chúng tôi quyết định đi ngủ vì cho rằng chìa khóa đã rơi lẫn vào đồ đạc của đoàn khác, sẽ tìm thấy vào sáng hôm sau. Homestay không còn chăn và đệm nhưng vẫn còn chỗ để ngả lưng và chúng tôi toàn những đứa tự tin vào sức khỏe của mình nên đều nghĩ sẽ chợp mắt được. Sau khoảng 30 phút, tôi nhận ra rằng 11 lớp áo và mấy miếng dán giữ nhiệt không thể giúp tôi có được một giấc ngủ trong cái thời tiết miền núi mùa đông này. Đến 4 rưỡi, tôi dậy trước để tiếp tục tìm chìa khóa nhưng đến tận 7 giờ, khi các đoàn đã dọn hết đồ ra tôi vẫn không thể tìm thấy và còn tệ hơn nữa khi tôi nhận ra rằng cái balo quần áo và bộ giáp xe máy tôi gửi lại từ buổi sáng hôm trước cũng đã biến mất. Tôi tìm lại được cái balo bị một đoàn khác cầm nhầm nhưng bộ giáp thì chỉ còn là dĩ vãng. Tôi cũng đồng thời nhận ra rằng tối hôm trước tôi không chỉ mất chìa khóa mà còn mất luôn cả điện thoại di động và tôi chắc chắn lúc bọn tôi ôm đàn ra ngồi bên ngoài điện thoại của tôi vẫn còn và một trong hai cậu người Mông ngồi cùng lúc đó đã lấy đồ của tôi. Tôi dừng tìm kiếm và bắt đầu nghĩ cách xử lý chiếc xe của mình. Trong đoàn phượt ở cùng bọn tôi có một bạn là thợ sửa xe. Được giúp phá khóa cổ, khóa cốp và đấu lại điện xe để đi không cần chìa khóa xong, bọn tôi sắp xếp lại đồ đạc và tôi lại lên Ngải Thầu, lần thứ ba trong vòng 24 tiếng.

_MG_3224 by Quan Tang, on Flickr

Ngải Thầu hôm nay khác hoàn toàn Ngải Thầu hôm qua. Nếu như sáng hôm trước tôi lên nắng chói chang và đẹp vô cùng thì hôm nay chỉ có mưa, gió và sương mù. Tôi chờ hai thằng bạn cố đấm ăn xôi, thăm thú cho khỏi phí công đi lên rồi cả bọn quay trở lại Y Tý ăn trưa. Chúng tôi ngồi ở homestay A Hờ sưởi ấm một lát rồi thu dọn đồ lên đường.
 
Last edited:
Xách balo lên tôi mới tá hỏa phát hiện ra bình nước thằng bạn tôi gửi đã bị đổ và cả cái balo máy ảnh của tôi giờ ướt sũng. Tôi vội vàng tháo tung mọi thứ ra lau khô và mượn máy sấy cho bằng khô hết các ngăn đựng máy. Tôi mất gần hai tiếng loay hoay với đống đồ nghề. Lúc chúng tôi ra đến quán cơm thì đồng hồ đã chỉ 2 giờ chiều.

_MG_3232 by Quan Tang, on Flickr

Khi chúng tôi ăn xong và chuẩn bị lên đường quay về thì bỗng dưng trời quang mây tạnh. Sau tròn hai ngày, cho đến tận lúc này tôi mới lần đầu tiên được ngắm cảnh sắc của Y Tý. Mặc dù vậy, tôi đã quá mệt mỏi với những gì xảy ra trong hai ngày vừa rồi nên không theo hai thằng bạn đi ngắm mây mà chọn ngồi trông đồ ở quán cơm chờ chúng nó đi nhanh rồi quay lại. Bảo là đi nhanh nhưng ngồi đợi mãi không thấy chúng nó đâu, tôi lại ngứa tay xách máy ảnh ra trước quán cơm. Đi được một đoạn ngắn, tôi sững sờ nhìn từng cột nắng xé toang bầu trời chiếu xuống biển mây đang quấn quanh những ngọn núi ở phía đằng xa. Tôi chụp vội vàng vài kiểu rồi ngay lập tức quay lại quán cơm để lấy chân máy và xe để tìm chỗ chụp tiếp. Tôi sắp đặt chân, điều chỉnh máy và lắp kính lọc xong thì đột nhiên gió thổi mây mù từ dưới lên. Trời đang quang đãng, nắng đang đẹp phút chốc chỉ còn một màu trắng xóa. Cũng đúng lúc này hai thằng bạn tôi quay trở lại, bắt gặp ngay cái khuôn mặt mất sổ gạo của tôi. Chúng nó hả hê đập tay rồi ôm bụng cười. Về phần mình, tôi thực sự không còn thiết nói thêm lời nào nữa.

_MG_3265 by Quan Tang, on Flickr

Chúng tôi rời Y Tý và bắt đầu di chuyển về phía Mường Hum. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại ngắm cảnh ở những đoạn vãn sương mù. Thời tiết không đẹp, các sườn đồi lại trơ ra nên cảnh vất khá thiếu sức sống nhưng tôi chắc chắn rằng vào mùa lúa, những thửa ruộng bậc thang trên sườn núi kia sẽ lại đẹp một cách mê hồn và lúc đó bằng mọi giá tôi sẽ có mặt ở đây. Chúng tôi tới Mường Hum lúc 7 giờ tối, đổ đầy xăng rồi chạy về phía đèo Ô Quy Hồ. Con đường này chỉ khoảng 50km và cũng không khó đi nhưng trời tối và sương rất dày nên chúng tôi di chuyển khá chậm chạp. Mặc dù vậy, đường to hơn và có ba người cùng soi đèn cho nhau nên so với những gì tôi đã trải qua đêm hôm trước thì nó quá dễ chịu. Tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ, chúng tôi dừng lại nghỉ chân và ăn đồ nướng lót dạ rồi vượt qua đèo sang Tam Đường và dừng lại nghỉ tại thị xã Tân Uyên, Lai Châu. Chúng tôi tắm rửa rồi ngay lập tức lăn ra giường vì cả ba đều đói ngủ vô cùng.

IMG_4029 by Quan Tang, on Flickr

Hẹn nhau sẽ xuất phát từ lúc 5h sáng để kịp về Hà Nội sớm nhưng phải đến 7 rưỡi mới lồm cồm bò dậy. Sau ba ngày ăn uống linh tinh, bụng của tôi bây giờ đau dữ và chúng tôi còn khoảng 400km ở phía trước. Chúng tôi quyết định không đi quốc lộ 32 về Mù Cang Chải và qua đèo Khau Phạ vì cả ba đều đã đi rồi. Chúng tôi chọn vượt đèo Khau Cọ và chạy theo quốc lộ Đông Tây 279 để về thành phố Yên Bái. Tôi từng được nghe một ông anh đi trước kể lại rằng người Mông cho mình cao hơn những người khác nên họ luôn tìm những chỗ cao nhất để sống mặc cho càng cao thì càng khó khăn và đói nghèo. Trong tiếng Mông, Khau nghĩa là đèo và người Mông có một câu ca dao:

Khau Cọ, Khau Phạ, Khau Riềng
Chưa qua Khau ấy, chưa viềng nam nhi.
Lên đèo Khau Cọ sẽ nhìn được toàn cảnh xuống thung lũng Mường Than, là một trong bốn cánh đồng lúa rộng nhất Tây Bắc (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc). Nếu bạn được đi giữa Than Uyên vào một ngày đẹp trời và đầy nắng bạn sẽ thấy những cánh đồng trải dài ra bất tận, những dãy núi hùng vĩ bao bọc cả thung lũng ở phía chân trời và từng vạt nắng xé tan mây chiếu xuống nhưng vẫn là thời tiết xấu và không đúng mùa nên chúng tôi chẳng thể thưởng thức được trọn vẹn vẻ đẹp của Khau Cọ, đành dùng một tấm ảnh tôi chụp vội vàng ở Mường Than nửa năm về trước để minh họa.

_MG_3331 by Quan Tang, on Flickr

Chúng tôi gặp một gia đình người dân tộc với ba em nhỏ rất dễ thương ở trên đèo. Hỏi ra mới biết chị lớn đã đi làm thuê còn người bố đi buôn ma túy bị bắt vào tù, để lại bốn đứa con gái nhỏ cho một mình vợ nuôi nấng. Chúng tôi ngồi chơi với các em một lát rồi mang tất cả đồ ăn mang theo cho các em trước khi đi tiếp. Con đường chúng tôi chọn để đi ngắn hơn quốc lộ 32 nhưng xấu và khó đi hơn rất nhiều nên đến 8 giờ tối chúng tôi mới tới được thành phố Yên Bái để ăn tối.

_MG_3385 by Quan Tang, on Flickr

9 giờ tối. Tôi bước ra khỏi nhà vệ sinh và chúng tôi bắt đầu xuất phát về Hà Nội. Bên cạnh cái bụng đau âm ỉ, mắt tôi lúc này đã đỏ lừ sau hai ngày chạy đường trường không có mũ bảo hiểm cả đầu. Chúng tôi vừa đi vừa dừng lại nghỉ cho đỡ buồn ngủ. Đến khoảng 1 giờ, chúng tôi đã về đến gần trung tâm Hà Nội. Chúng tôi dừng lại đổ xăng lần cuối và lúc này cái cốp xe vốn được nhét giẻ lau vào chỗ khóa để tôi có thể đổ xăng đã bị sập lại sau hai ngày. Tôi không thể tin được là đến tận phút cuối cùng tôi vẫn có thể kéo dài sự đen đủi của mình. Tôi tự thấy phục mình kinh khủng và chỉ muốn hét lên thật to “Đờ mờ cái cuộc đời”. Không còn đủ xăng để về nhà, tôi phải ở lại nhà một thằng bạn. Sáng hôm sau, trước khi phá cốp để đổ xăng đi làm, chỉ đến cái bánh bao thứ ba tôi mới bàng hoàng nhận ra là bánh bao của nhà thằng bạn tôi có giấy lót ở phía dưới và một lần nữa, tôi lại muốn chửi thề kinh khủng.
Một chuyến đi đầu năm không thể nhọ hơn, một cuộc hành trình không còn gì để nói nhưng có quá nhiều trải nghiệm mà có lẽ đến tận cuối cuộc đời tôi vẫn không thôi hào hứng mỗi khi nghĩ về nó.
 
Chuyến đi bão táp phết nhỉ, chắc sau vụ này bạn cũng sẽ có thêm kinh nghiệm kha khá :) Nhưng mình thật sự quan ngại về việc bạn bị mất đồ 2 lần tại 1 nơi như Y Tý. Mình đi các vùng toàn vứt trên xe cả túi đồ + mũ để đi loanh quanh chụp ảnh, nhưng cũng ko đi xa quá (đi chợ Cán Cấu để cả xe lẫn 2 túi đồ ngoài đường). Có lẽ giờ nên xem lại, tất nhiên những vùng sát với đường quốc lộ thì giờ rất thay đổi r, nhưng Y Tý thì hơi bất ngờ.
 
Ảnh bạn chụp đẹp quá.
Y Tý hoang sơ là vậy, thế rồi cũng mất đồ, thất lạc. 2 năm trước đây thôi, lỡ đường có người dẫn về nhà cho nghỉ nhờ, đồ để quên còn đựoc nộp lên xã để gửi về xuôi...
Niềm tin là thứ dễ bị đánh mất quá.
Mình chia sẻ chút, mình nghĩ lần sau bạn nên chuẩn bị 1 túi sơ cua: 1 kính cận, 1 chìa khóa xe, 1 phong lương khô, 1 khóa số, thêm photo giấy tờ xe, cmt. Nghỉ homstay, giấu và khóa balo vào gầm giường.
Niềm
 
Chỗ mình để xe và mất đồ là thôn Ngải Thầu Thượng, còn chưa có điện luôn. Lúc tối về đã hỏi các nhà cạnh đó rồi xuống nhờ cả biên phòng ở phía dưới. Sáng hôm sau quay lại cũng cố hỏi thêm lần nữa nhưng không lấy lại được. Thực sự lúc đó mình cần lấy lại nhất là cái mũ vì thời tiết đó mà không có mũ full face đi 2 ngày liền ở vùng núi cực kỳ khó chịu.

Lúc lên cũng ko định đi lâu nên cứ để đồ đó thôi. Đồ ko dùng thì gửi cả ở homestay. Mình cũng nghĩ như các bạn đó, lên vùng cao không như dưới xuôi, người dân thật thà nhưng mà có lẽ ở đâu cũng có người này người khác cả thôi. Có những người dân tộc mình gặp rất tốt bụng và cũng có những người đã lấy đồ của mình.

Lúc đi đâu đồ đạc mình luôn chuẩn bị rất cẩn thận và đầy đủ nhưng cứ đến lúc gặp cảnh đẹp hoặc một thứ gì đó hấp dẫn mình là mình chỉ biết ôm khư khư lấy cái máy ảnh thôi. Thôi thì coi như là đánh đổi để lấy trải nghiệm vậy chứ biết sao :D.
 
Ngải Thầu Thượng ko biết giờ còn đang làm đường với kéo cáp ko, nếu còn thì ở đó còn có cả công nhân lên thi công nữa. Người dân ở Y Tý khá nhút nhát nên mình ko nghĩ là do người dân lấy. Homestay đông người thì lại khác, thành phần phức tạp hơn nhiều - đây là lý do mình rất ngại ở chung homestay. Nói chung giờ vùng cao thay đổi kha khá rồi nên việc sắp xếp đồ đạc mang đi càng ngày càng gọn nhẹ hơn :)
 
Đáng nhớ bác nhỉ!
Ảnh bác màu đẹp quá! Rất là thích. ^^
Tks for sharing.
Chúc bác chân cứng đá mềm, ko vì lần này mà giảm nhiệt vs các cuộc vui! :))
 
kỉ niệm để đời nhỉ

Không bao giờ quên luôn bạn ạ

Ngải Thầu Thượng ko biết giờ còn đang làm đường với kéo cáp ko, nếu còn thì ở đó còn có cả công nhân lên thi công nữa. Người dân ở Y Tý khá nhút nhát nên mình ko nghĩ là do người dân lấy. Homestay đông người thì lại khác, thành phần phức tạp hơn nhiều - đây là lý do mình rất ngại ở chung homestay. Nói chung giờ vùng cao thay đổi kha khá rồi nên việc sắp xếp đồ đạc mang đi càng ngày càng gọn nhẹ hơn :)

Lúc mình lên thì đoạn từ Ngải Thầu lên thông Ngải Thầu Thượng đường vẫn toàn đá chưa xong nhưng không thấy có công nhân nào đang làm việc cả. Buổi chiều đi lên mình có cho một bạn nam ở đoàn khác quá giang vì một xe đoàn bạn ấy bị hỏng và bạn này đã chờ mình đến tận tối mới xuống nên mình nghĩ là không có công nhân hay đoàn nào khác đã cầm. Bạn ấy cũng bảo là trước khi đi có nhờ một cô bé nhà ở ngay chỗ mình để xe trông hộ đồ cho mình nhưng lúc mình về hỏi thì đều bảo không biết. Thật ra đồ thì cũng đã mất rồi và ở đâu cũng có người này người khác nên cứ phải cẩn thận thôi. Một mất mười ngờ mà. Mình cũng thích vào nhà nghỉ hơn homestay vì đồ đạc để an toàn hơn. Mình đi đâu cũng nhiều đồ hơn người khác vì có đồ chụp ảnh. Lúc ngủ ở homestay mình ôm balo máy ảnh ngủ :D
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,190
Bài viết
1,150,446
Members
189,949
Latest member
0123winnet
Back
Top