Thật ra thì đây là quyển duy nhất của Phùng Cung mà mình có và cũng thú thật là đọc chưa hết nữa. Thơ ông dù hình ảnh được chắt lọc rất cẩn thận nhưng khó đọc và khó cảm, đòi hỏi phải có thời gian, mình lại không là một người yêu thơ. Mình ngưỡng mộ ông chẳng qua là do những trang viết về ông của Phùng Quán và các tác giả khác. Có những nhà văn tài năng như vậy, đọc tác phẩm của họ và mình có cảm tưởng như mình rất yêu, rất hiểu về nhân vật, đất nước, con người hay cả một thời kỳ, một ngành nghề, một môi trường mà họ đã xây dựng trong tác phẩm. Nói vậy mình nghĩ đến Phi trường, Trong khách sạn của Arthur Hailey, Shogun của James Clavell, Chín mươi ba của Victor Hugo, Thế kỷ ánh sáng của Aleho Carpentier, Chân dung và đối thoại, Người thường gặp, Đảo chìm của Trần Đăng Khoa, … Nhưng đó chỉ là cảm tưởng ban đầu, rồi mình sẽ có những cảm nhận thật sự của bản thân sau đó. Mình đã từng yêu Tô Hoài khi tuổi nhỏ với chú dế mèn, được củng cố thêm bởi Trần Đăng Khoa nhưng rồi những dòng viết của ông về cô gái kiếm tiền về đêm đã làm mình không còn yêu ông nữa; mình cứ nghĩ nơi ông thiếu một sự cảm thông, một tình yêu phải có của một nhà văn lớn dành cho con người. Có thể là mình sai nhưng dù sao đó là suy nghĩ của mình và khó mà thay đổi. Vì vậy chắc còn một khoảng cách khá xa để có thể nói mình yêu/thích thơ Phùng Cung trước khi mình kịp thuộc ít thơ ông và đọc một cách thấu đáo tác phẩm ông viết.
Hữu Loan với Màu tím hoa sim thì mình lại biết là từ Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy! Sau đó thì tiếp tục đọc thơ ông như một dịp tìm hiểu các nhà văn/thơ dính án Nhân văn giai phẩm để biết ra cái Màu tím hoa sim đó lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến mối họa cho cuộc đời ông.
Cám ơn bạn đã ghé xem.