Vừa vào thành phố nhìn quanh quất không ra khách sạn nào được mắt để ở 2 đêm, mãi đến khi rẽ vào Bế Văn Đàn, một con đường nhỏ, vắng vẻ thì vào ở Đức Trung. Khách sạn khá to, gắn biển 2 sao, kinh doanh cũng đã lâu nhưng còn khá và giá rẻ. Tối đi ăn rồi lòng vòng ra ngồi uống nước, nhơi hạt dẻ, gặm bắp nướng; mới biết thì ra các khách sạn to nằm cả trên Kim Đồng.
Chiều Cao Bằng, loanh quanh trong thành phố kiếm món địa phương và ngắm phố phường. Qua chợ thấy bày bán nhiều hàng hạt dẻ còn bốc khói trong từng thúng lớn, loại to hơn trái nhãn, trong mình vẫn gọi hạt dẻ Thái Lan, ở ngoài này thì bảo trồng tại Cao Bằng, cũng chẳng biết là Cao Bằng hay Trung Quốc. Giá một Kg chỉ 70k cho loại luộc chín bốc khói, thơm phức, luộc rất khéo, mỗi trái đều có một vết nứt cho dễ lột và khoe màu vàng mỡ gà thật đẹp của hạt bên trong, loại chưa nấu chỉ 50K một Kg.
Cao Bằng cho cảm giác gần gũi với một thành phố phía Nam. Không nhiều người dân tộc mặc trang phục truyền thống như các thành phố vùng biên phía Bắc. Giờ sớm cũng như khuya, hàng quán rất nhiều, các cửa hiệu khang trang và đa dạng. Gần mười một giờ đêm các quán ven đường vẫn đông khách. Ghé một quán lề đường Kim Đồng uống hai ly nhân trần nóng, lạnh pha đường ngồi chơi ngắm phố, nghe chuyện vãn. Ly là loại lớn, to hơn ly nước sâm trong Sài Gòn vẫn bán, ra về cậu chủ trẻ điển trai và nhanh nhẹn tính 6k!
Mình không quen ai người Cao Bằng để được mời rượu bằng chum hay mời quả cả cây nhưng qua một hai lần “buôn bán” với người dân thì đều hài lòng. Lần đầu là mua hạt dẻ ở Ngườm Ngao, giá là 120K/Kg, mình không trả giá đưa 60k mua nửa ký, cậu thanh niên cân ngay 600gr và nói cháu thêm cô chú một ít, chắc giá cậu định bán là 100K/Kg. Lần 2 cũng lại là mua hạt dẻ nhưng ở chợ, bà cụ rất tận tình, thấy mua 2Kg thì đưa thêm cho 2 bao giấy gói, dặn nếu cô chú không dùng hết ngay thì về trút ra cho nguội rồi cho lại vào hai bao giấy khô mới giữ được lâu.
Đường đi Bản Giốc hơn 80Km theo quốc lộ 3 giờ đã được làm tốt lắm nhưng quanh co nên mất cũng khá thời gian. Đoạn đường này cũng qua một ngọn đèo tên tuổi, đèo Mã Phục, kỳ thực thì chỉ có độ dốc là khác biệt còn quốc lộ 3 từ thành phố đến thác có mấy lúc được đường thẳng đâu.
Họp chợ bán gà thật nhộn nhịp, từ hồi nổi lên dịch cúm gia cầm ở thành phố ít còn thấy được cảnh này. Ở ngay trước ngã ba trong hình là một lò bánh mì, bánh ngọt thơm phức. Ghé vào mua vài mẩu bánh ngọt, ông chủ là dân Đồng Nai ra tận đây định cư, thấy mình dân Sài Gòn thì giới thiệu thêm một quán bún riêu cũng dân miền Tây lên vừa mở quán cách đó non trăm metre để ăn sáng.
