Ngày 2: Long Xuyên - Núi Sập - Óc Eo - Núi Cấm - Châu Đốc
Trước khi lên núi, chúng tôi đã đặt cơm ở hàng này, thẳng trước cổng vào Khu du tích lịch sử Tức Dụp.
Xuống núi, quá bữa trưa đã lâu, chị chủ quán đã chuẩn bị xong, ngon lành quá. Đồ ăn ở đây rẻ và ngon. Chúng tôi đặt 35K/phần, bữa trưa là thế này đây.
Chị kể cho chúng tôi về cách làm nước thốt nốt, đặc sản của vùng này. Tôi cứ nghĩ rằng nước thốt nốt lấy từ quả thốt nốt nhưng té ra không phải. Nước thốt nốt được lấy từ những vòi hoa của cây thốt nốt- vốn mọc rất nhiều ở vùng đất này. Để có món giải khát tinh khiết ấy, chiều hôm trước, người ta leo lên ngọn cây cao cỡ 15m đến 20m, dùng dao cắt đầu cuống bông cho chất nước tinh khiết chảy vào ống tre. Sáng hôm sau, lại trèo lên cây đem ống xuống. Nước thốt nốt tươi nguyên chất có vị ngọt thanh tao. Trái thốt nốt cũng được hái nguyên buồng xuống, dùng dao chẻ ra lấy cơm ướp lạnh. Cơm thốt nốt có vị béo, bùi và mùi thơm hấp dẫn. Thốt nốt lạnh đã trở thành món giải khát phổ biến và đặc trưng của vùng Bảy Núi. Người ta cho nước thốt nốt vào lưng chừng ly, xắt mỏng phần “cơm” của trái thốt nốt rồi cho thêm nước đá. Nước thốt nốt ngọt dịu, thơm đặc trưng cùng với cơm của trái thốt nốt khiến bạn quên hết mệt nhọc đường xa.
Chúng tôi rời Tức Dụp tới Núi Cấm. Họ không cho xe lên núi, phải gửi ở bãi rồi hoặc mua vé đi xe oto của công ty lên, hoặc mua vé xe ôm lên. Vé ô tô là 40K/người khứ hồi hoặc 45K/người nếu mua 2 lượt riêng biệt (chả hiểu có ai chọn phương án mua riêng này không). Xe ôm giá tương đương nhưng vào được sâu hơn so với xe du lịch, và xe ôm cũng có thể đi vòng quanh khu du lịch (thực ra là đi quanh hồ). Chúng tôi chọn xe ôm cho có cảm giác

Xe ôm ở đây có nghiệp đoàn hẳn hoi, mặc đồng phục, đeo thẻ đàng hoàng. Đi giữa đường có thể dừng lại chụp ảnh chứ không như xe du lịch chỉ chạy một mạch.
Núi Cấm nằm trong cụm Thất Sơn ở miền Tây Nam Bộ, thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi Cấm mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Trên núi có chùa Phật Lớn, miếu Sơn Thần, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam. Theo sách của các nhà phong thuỷ, cụm Thất Sơn chạy dọc theo sườn Tây An Giang, giữa miền đồng bằng màu mỡ, chính là nơi khí âm dương hội tụ mà núi Cấm là một Long huyệt. Núi Cấm có rất nhiều loại hoa quả, chim muông cộng với rừng cây, thác nước, hang động thật kỳ thú và hấp dẫn. Ngay tại chân núi có một ngôi miếu thờ Sơn Thần mà ai qua đó cũng dừng lại thắp nhang. Hai bên đường lên núi là rừng cây rậm rạp. Vượt qua đoạn đường lên núi vất vả, đổi lại du khách được thấy một khung cảnh đẹp như tranh: dòng thác đổ từ trên cao xuống các tảng đá xếp chồng lên nhau làm bọt nước bắn tung tóe, tiếng thác đổ vang vọng trong gió núi, lúc xa lúc gần; những khối thạch nhũ lâu năm ở động Thuỷ Liêm tạo thành những hình thù làm cho người xem tha hồ tưởng tượng, những đám mây bay ngang che khuất ánh mặt trời tạo cảm giác những hình thù vừa thấy như biến mất... Gần đó là bức tượng Phật Di Lặc, trắng toát cao gần 34 mét, tư thế ngồi đang mỉm cười nhìn du khách.
Đối diện với tượng Phật Di lặc, qua bên hồ, là chùa Vạn Linh. Trẻ em ở vùng này cứ níu áo du khách để bán nhang và đồ lễ. Các em đi theo chúng tôi lên chùa, chúng tôi nói thế nào cũng không dời đi, thế nhưng khi lên gần đến nơi, có 1 vị sư hay tăng chỉ cần chỉ tay, chưa cần nói gì là các em lảng đi và xuống núi luôn.
Trong chùa rất sạch sẽ. Thậm chí khu vệ sinh cũng được giữ sạch sẽ, yêu cầu du khách bỏ dép bên ngoài với nhiều tấm biển hướng dẫn và nhắc nhở.
Ven hồ, người ta bán món chả chay, nhưng lại ăn với rau dăm và ớt, ăn cũng thú vị, có điều hơi mặn. Thực ra lúc hỏi món gì, tôi nghe mãi không ra nhưng cứ ăn thử. Ăn rồi mới hiểu họ nói là chả chay (chỗ tôi cái này gọi là giò).
Chúng tôi rời Núi Cấm thì trời cũng chuẩn bị tối. Về đến Châu Đốc, chúng tôi tìm đến KS Thuận Lợi. Cô chủ bảo giá phòng là 170K, chúng tôi ngơ ngác bảo sao các anh chị ở Phuot nói là 150K mà. Cô chủ ngơ ngác hỏi Phuot là gì, chúng tôi còn chưa kịp giải thích thì cô đã đồng ý giảm giá bằng giá bạn nào đó trên Phuot chỉ dẫn rồi. Bạn nào tới đây nhớ mặc cả nhé.