Con đường đẹp và thanh bình quá đỗi. Gió đồng luồn vào đùa giỡn với mái tóc tôi, lâu lắm tôi mới được đón làn gió trong lành, thoáng đạt đến thế. Tự dưng thấy thương cho những lúc bị "gió" từ ống xả của những chiếc Future thổi vào giữa mặt trong lúc dừng đèn đỏ hoặc kẹt xe ở thành phố. Con đường này làm chúng tôi quên mất ý định ban đầu là đi tới 1 cái hồ nữa trong 3 hồ của khu du lịch Núi Sập (hình như là hồ số 3) mà cứ men theo đường đến thẳng Óc Eo.
Cổng vào khu di chỉ đã han gỉ, khép hờ và cũng không có biển chỉ dẫn. Khu di chỉ nằm giữa thảm lúa, lối vào 1 bên có đầm sen nhưng có vẻ ít được bàn tay chăm sóc. Chỉ có vài bông sen còn sót lại.
Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, là một thương cảng thời trung cổ bị chìm dưới đất, được phát hiện khi nhân dân đào kênh xáng Ba Thê. Đây là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm. Ngoài khu vực được xem là “thành phố Óc Eo” có diện tích 4.500ha, còn có một vài vùng ở miền Tây Nam Bộ như: Đồng Tháp Mười, Châu Đốc, Kiên Giang… mà cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu, khảo cổ.
Tấm biển này cho du khách biết về quá trình tìm kiếm và đôi điều về khu di chỉ. Với tôi, nếu không đọc tấm biển này, nhìn những dấu vết còn lại, khó có thể hình dung nơi đây từng là chính điện
Hiện nay, khu di chỉ Óc Eo không những đón được rất nhiều nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu, tìm hiểu mà còn hấp dẫn được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây để xem di vật, vết tích được phát hiện để biết thêm về một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang ngày xưa nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.