What's new

[Chia sẻ] Lệ Giang - Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất"

Lệ Giang - Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất"

PeterPan và các bạn vừa trở về sau 2 tuần rong ruổi trên các nẻo đường ở phía Tây Bắc của tỉnh Vân Nam. Chúng tôi đã cùng nhau lướt qua hàng loạt địa danh nổi tiếng như Thạch Lâm, Côn Minh, Sở Hùng, Đại Lý, Lệ Giang và đặc biệt là Shangri-La, vùng đất được khai sinh từ tác phẩm "Đường chân trời đã mất" của nhà văn người Anh James Hilton.

Trong Box Diệu kỳ Châu Á đã có rất nhiều topic về Lệ Giang nhưng về Shangri-La thì có lẽ là chưa nhiều. Chúng tôi đặt tên topic là Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất" một phần vì thế và một phần lớn hơn là vì chúng tôi thực sự có nhiều khám phá thú vị tại Shangri-La so với tại Lệ Giang.

Lịch trình chi tiết và một số chi phí của chuyến đi (hơi dài dòng và tỉ mỉ 1 chút, vì chúng tôi muốn cung cấp nhiều thông tin cho các đoàn đi sau này tham khảo):

bandoshangrila2010-1.jpg

Bản đồ chi tiết toàn bộ hành trình. Chúng tôi không tới được Đức Khâm nên đoạn đường từ Shangri-La tới địa danh này có màu đỏ, những tuyến còn lại đi được có màu xanh.

Ngày 0 (22/04/2010): Hà Nội - Lào Cai (300km)
Gặp nhau tại ga Trần Quý Cáp lúc 19h30 để bắt chuyến tàu đi Lào Cai (vé 254k/người).

Ngày 1 (23/04/2010): Lào Cai - Hà Khẩu - Côn Minh (450km), Côn Minh - Đại Lý (320km)
- Tới Lào Cai lúc 04h30, hoàn tất thủ tục xuất - nhập cảnh và vào tới bến xe Hà Khẩu lúc 09h00 (từ đây chuyển sang giờ Trung Quốc). Chờ tới 10h40 để lên xe chạy thẳng tới Côn Minh (137Y/người).
- Tới Côn Minh lúc 19h00, đi taxi từ bến Đông sang bến Tây để bắt xe đi Đại Lý lúc 19h45 (100Y/người). Có một kinh nghiệm đó là cứ tìm xe đi Đại Lý và lên ngồi, sau đó mua vé của tài xế thì rẻ hơn (cái này chúng tôi chỉ được nghe khi đã mua xong vé ở quầy, đoàn nào đi sau có thể thử cách mua vé thẳng qua tài xế cho tiết kiệm). Quãng đường Côn Minh - Đại Lý là quãng di chuyển nhẹ nhõm nhất vì là đường cao tốc 320 trên toàn tuyến (đường cao tốc 320 chạy cắt ngang đất Trung Quốc, trải dài từ thành phố Thượng Hải ở duyên hải phía Đông tới tận biên giới Trung Quốc - Myanmar).

Ngày 2 (24/04/2010): Đại Lý
- Cả đoàn tới Đại Lý lúc 01h20 sáng. Do đã đặt phòng trước tại Four Seasons Youth Hostel nên chỉ việc bắt taxi về thẳng đây để nhận các phòng dorm (25Y/người).
- Sau giấc ngủ sâu, chúng tôi dành trọn vẹn cả ngày để khám phá Đại Lý: dạo 1 vòng thành cổ (đi xem đủ 4 cổng thành, xem 1 nhà thờ Ki-tô giáo mang nét kiến trúc đặc trưng Trung Hoa), đi thăm làng cổ Hỉ Châu, đi cáp treo thăm động Thiên Long và ngắm hồ Nhĩ Hải, ghé một cơ sở sản xuất vải ở Châu Thành, ngó qua Tam Tháp. Tất cả nhất trí bỏ qua show "Dream of Butterfly" vì quá... đắt. Chúng tôi dạo thêm một vòng thành cổ Đại Lý vào buổi đêm rồi đi ngủ sớm để hôm sau còn đi Lệ Giang.

Ngày 3 (25/04/2010): Đại Lý - Lệ Giang (190km)
- 07h40: Cả đoàn thuê trọn 1 xe 19 chỗ đi Lệ Giang với giá 33Y/người.
- 11h10: Tới bến xe Lệ Giang. Không thỏa thuận được với 1 hostel đã được giới thiệu từ ở nhà, chúng tôi cùng nhau kéo hành lý đi bộ khoảng 1km vào thành cổ để tự tìm hostel.
- 14h00: Chúng tôi tìm được Free Life Inn rất ấm cúng và thân thiện. Cô chủ Vicky người Trung Quốc nói tiếng Anh khá ổn. Đặc biệt, tài tử nổi tiếng Trương Vệ Kiện của Hong Kong cũng đã từng ghé qua nơi này.
- 14 kẻ lang thang ăn trưa vào giữa buổi... chiều. Sau đó, cả đoàn chia làm 2 nhóm để tự do khám phá Lệ Giang với các điểm đến như Mộc Phủ ("thẻ sinh viên" phát huy tác dụng, được giảm giá vé từ 60Y xuống còn 30Y/người), Vạn Cổ Lầu (15Y/người), quảng trường Tứ Phương, quảng trường bánh xe nước. Đây cũng là một buổi chiều đáng nhớ của trưởng đoàn Yoyo vì một pha đi lạc kinh điển: từ thành cổ phi thẳng ra khu phố mới của Lệ Giang.

Ngày 4 (26/04/2010): Lệ Giang - Ngọc Long Tuyết Sơn (30km)
- Chúng tôi thuê xe của khách sạn để đi Ngọc Long Tuyết Sơn (100Y/xe trọn gói cả ngày). Do chặng cáp treo thứ hai lên độ cao 4506m đang sửa nên chúng tôi chỉ có thể đi chặng cáp treo đầu lên cánh đồng bò Yak để ngắm ngọn núi tuyết nổi tiếng từ khá xa. Tại đây, "thẻ sinh viên" tiếp tục giúp chúng tôi giảm giá vé vào cửa từ 80Y xuống còn 40Y/người.
- Nhưng đó là một ngày thất vọng nhất trong cả hành trình. Chúng tôi gặp một cơn mưa mù mịt ngay khi bắt đầu vào tới chân Ngọc Long Tuyết Sơn và chẳng thể thấy được ngọn núi tuyết từ cánh đồng bò Yak. Thất thểu ra về, cả đoàn cũng bỏ luôn show "Impression of Lijiang".
- Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục khám phá Lệ Giang một cách tao nhã: đi mua sách, mua đĩa nhạc và đắm mình trong không khí rất đặc trưng của thành cổ không có... tường thành này.

Ngày 5 (27/04/2010): Lệ Giang - Shangri-La (180km)
- Chúng tôi nhờ Vicky liên hệ thuê xe trọn gói cho 3 ngày để đi Shangri-La với giá 700Y/ngày.
- 10h00: 14 người khởi hành từ Lệ Giang để thẳng tiến Shangri-La.
- 11h45: Tới khúc quanh đầu tiên của sông Dương Tử.
- 12h00: Ăn trưa gần Thạch Cổ Trấn.
- 13h00: Theo tư vấn của 1 đoàn Việt Nam gặp tại quán ăn, chúng tôi vòng lại chỗ khúc quanh để thuê dịch vụ dẫn lên núi xem toàn cảnh địa danh đặc biệt trên sông Dương Tử với giá 200Y/14 người.
- 15h00: Cả đoàn tới Tiger Leaping Gorge. Tại đây, "thẻ sinh viên" lại giúp giảm giá vé từ 50Y xuống còn 25Y/người. Chúng tôi đi bộ 6km trên con đường mới được làm để tới eo Hổ Nhảy.
- Rời Tiger Leaping Gorge, tất cả được nguôi ngoai phần nào sự thất vọng vì được ngắm cả Ngọc Long Tuyết Sơn và Hà Ba Tuyết Sơn, dù chỉ là từ khoảng cách khá xa.
- 20h30: Chúng tôi tới Shangri-La (Hương Cách Lý Lạp hay Trung Điện) và ăn mừng bằng một bữa lẩu bò Yak hoành tráng, một bữa ăn mà cả đoàn vẫn còn nhớ mãi cho tới khi về Hà Nội.

Ngày 6 (28/04/2010): Shangri-La
- Cả đoàn dậy sớm từ 05h00 sáng để đón 3 xe taxi tới tu viện Songzalin trước 06h00 sáng. Cả đoàn trốn vé trót lọt và rất hiên ngang thăm thú tu viện nổi tiếng nhất Shangri-La. Chúng tôi tiết kiệm được mỗi người 85Y - một khoản tiền không nhỏ.
- Buổi trưa, chúng tôi đổi sang một khách sạn khang trang hơn trong khu phố cổ của Shangri-La nhưng chi phí vẫn chỉ là 25Y/người/ngày.
- Buổi chiều, 9/14 người của đoàn chúng tôi cùng nhau lên được đỉnh cao 4500m của núi tuyết Thạch Ca (Shika) nằm trong thung lũng Trăng Xanh (Blue Moon Valley). Đó là sự đền bù cho chúng tôi sau những thất vọng ở Lệ Giang. Giá vé 2 chặng cáp treo để lên đỉnh núi tuyết là 220Y/người, chúng tôi được giảm 50Y so với giá gốc, chẳng rõ vì sao bởi "thẻ sinh viên" không được chấp nhận ở đây.
- Buổi chiều tối, chúng tôi dạo chơi trong khu phố cổ của Shangri-La, thăm chiếc chuyển kinh luân khổng lồ trên đồi cao. Tối đó, chúng tôi ngủ sớm để hôm sau đi chơi hồ Bita.

Ngày 7 (29/04/2010): Shangri-La - Lệ Giang (180km)
- Buổi sáng, chúng tôi vượt 22km đường đèo dốc để tới Công viên quốc gia Potatso. Tại đây, cả đoàn đã có những phút giây thần tiên khi hòa mình vào không gian tuyệt vời của hồ Thuộc Đô (Shudu), hồ Bích Tháp (Bita), núi tuyết Thiên Bảo. "Thẻ sinh viên" tiếp tục giúp chúng tôi được giảm 50% vé vào cửa, từ 110Y xuống còn 55Y/người. Cộng thêm 80Y vé xe buýt di chuyển trong Công viên, mỗi người phải trả 135Y.
- Buổi chiều, cả đoàn ngược về Lệ Giang.
- 19h00: chúng tôi về tới Lệ Giang và tiếp tục nghỉ tại Free Life Inn của Vicky.

Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang
- Cả đoàn lại chia làm 2 nhóm, 1 nhóm đi xe đạp (10Y/người), 1 nhóm thuê xe riêng (90Y/ngày) để lần lượt khám phá cổ trấn Thúc Hà, công viên Hắc Long Đàm (vào cửa bằng vé bảo vệ môi trường đã mua khi tới Ngọc Long Tuyết Sơn) và thăm thú hồ Lạp Thị (Lashi) trên lưng... ngựa (150Y/người).
- Buổi tối, chúng tôi chia tay 2 người bạn phải lên tàu về Côn Minh để kịp về Hà Nội đi làm vào sáng thứ 2 của tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài.

Ngày 9 (01/05/2010): Lệ Giang - Côn Minh (510km)
- Vì không đi được Đức Khâm do đường sửa trên toàn tuyến kể từ Shangri-La, cũng không đi được hồ Lugu vì cả đi cả về sẽ cần tới 3 ngày mới bõ (đi 2 ngày rồi về rất vất vả) nên chúng tôi bị dôi ra 2 ngày tại Lệ Giang. Ngày đầu chính là ngày thứ 8 của hành trình, đi được nhiều nơi. Ngày thứ hai là ngày thứ 9 của hành trình, 14 người chỉ loanh quanh khám phá nốt Lệ Giang đồng thời mua quà cho những người ở nhà.
- 19h40: Chúng tôi thuê xe trọn gói 100Y/14 người để ra ga Lệ Giang bắt tàu đi Côn Minh (tiền vé: 130Y/người, tiền dịch vụ vì nhờ khách sạn mua hộ: 5Y/người).

Ngày 10 (02/05/2010): Côn Minh
- 07h20: Cả đoàn tới Côn Minh, 1 nhóm về ở khách sạn tại trung tâm thành phố (70Y/phòng đôi/ngày), 1 nhóm về ở khách sạn ngay cạnh ga trung tâm của thành phố (54Y/người/ngày gồm cả ăn sáng).
- Buổi chiều, chúng tôi dạo phố đi bộ ở trung tâm thành phố Côn Minh, ghé cổng chào Kim Mã - Bích Kê. Một nhóm 3 bạn nữ tranh thủ đi chơi vườn hoa quốc tế Côn Minh (vé vào cổng 50Y/người, đã được giảm 50% nhờ "thẻ sinh viên").
- Côn Minh đang có Hội chợ văn hóa và du lịch quốc tế nên rất nhộn nhịp, đầy màu sắc và đầy hàng... sale off. Chúng tôi may mắn được xem tiết mục "Trống cơm" và một số tiết mục biểu diễn khác của một đoàn nghệ thuật Việt Nam ngay bên cạnh cổng chào Kim Mã - Bích Kê. Buổi tối, chúng tôi được xem một buổi trình diễn Carnaval tưng bừng trên đường phố.

Ngày 11 (03/05/2010): Côn Minh - Hà Khẩu - Lào Cai (450km), Lào Cai - Hà Nội (300km)
- 09h40: Chúng tôi tụ nhóm tại bến xe Đông của Côn Minh để thẳng tiến về Hà Khẩu (vé: 137Y/người, phí bảo hiểm đường bộ: 3Y/người).
- 17h00: Cả đoàn về tới Hà Khẩu.
- 19h45 (giờ Việt Nam): Cả đoàn lên tàu để ngược từ Lào Cai về Hà Nội (254k/người).

Ngày 12 (04/05/2010): Hà Nội
- 04h20: 14 người về tới Hà Nội an toàn.
- Kết thúc chuyến đi tốt đẹp.

anhcadoan.jpg

Bức ảnh thuộc loại đầy đủ nhất của cả đoàn tại điểm ngắm khúc quanh đầu tiên của sông Dương Tử. Ảnh: PeterPan.
 
Last edited:
Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang

Hồ Lashi (tiếp)

lashihai16.jpg

Mênh mông biển hồ và trời mây.

lashihai15.jpg

Chiếc thuyền cứ rẽ qua những lớp cây trên mặt nước để tiến vào khoảng mênh mông của hồ Lashi.

lashihai17.jpg

Càng tiến xa, những bóng thuyền càng ít hơn, khách Trung Quốc chỉ chủ yếu di chuyển ở ven hồ.

lashihai18.jpg

Quanh hồ Lashi còn có nhiều điểm tham quan mang màu sắc Nạp Tây và Tây Tạng nhưng chúng tôi chỉ đủ thời gian để thử cảm giác lênh đênh sóng nước rồi trở về Lệ Giang trước khi trời tối.

lashihai19.jpg

Có những đoạn nước nông, nhìn rõ cả lớp thực vật bên dưới.

lashihai20.jpg

Mấy bạn cò này bay nhanh quá, chẳng kịp lắp ống tele để chụp.

lashihai21.jpg

"Thiên nga" của hồ Lashi.
 
Re: Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất"

- Tới Côn Minh lúc 19h00, đi taxi từ bến Đông sang bến Tây để bắt xe đi Đại Lý lúc 19h45 (100Y/người). Có một kinh nghiệm đó là cứ tìm xe đi Đại Lý và lên ngồi, sau đó mua vé của tài xế thì rẻ hơn (cái này chúng tôi chỉ được nghe khi đã mua xong vé ở quầy, đoàn nào đi sau có thể thử cách mua vé thẳng qua tài xế cho tiết kiệm). Quãng đường Côn Minh - Đại Lý là quãng di chuyển nhẹ nhõm nhất vì là đường cao tốc 320 trên toàn tuyến (đường cao tốc 320 chạy cắt ngang đất Trung Quốc, trải dài từ thành phố Thượng Hải ở duyên hải phía Đông tới tận biên giới Trung Quốc - Myanmar).
PeterPan.[/I]

Theo dữ kiện tôi đang nghiên cứu tuyến CM-Đại Lý, thì có thể mấy bạn Tàu chặt đẹp PeterPan 100Y rồi vì trong cuốn Lonely Planet CHINA 11th Edition trang 682 thì 2 bến xe bus (Ô C5 & D5) cách nhau vài trăm mét, có bạn nào rành Côn Minh xin kiểm soát lại thông tin này . Có người pót trên internet:

Jun 09, 2009, 2:16 AMWhen you get out Kunming train station, turn left on the first red-green Cross Road and then walk about 200m to Kunming Nanyao Bus Station(昆明南窑汽车站). You can show 昆明南窑汽车站 to Chinese people. The bus from Kunming to Dali (about 330km) lasting about 4 hours and the price is RMB75-130/person.You can also take by night train K9610 (21:443--06:15) or K9614 (23:00--07:49) from Kunming to Dali (360km) and the price for hard sleeper is RMB106 or RMB 156 for soft sleeper. You have half day looking around in Kunming and saving money in Dali hotel.
 
Re: Shangri-La 2010: Tìm thấy "Đường chân trời đã mất"

Hi Chu6CuChi,

Hình như bạn hiểu sai ý của PeterPan. 100Y đó là giá vé xe đi từ Côn Minh tới Đại Lý. PeterPan viết lại thế này, chắc bạn sẽ hiểu ngay. Có lẽ bạn nhầm đó là tiền taxi mà mỗi người chúng tôi phải trả để đi từ bến xe phía Đông sang bến xe phía Tây. Thực tế là khoảng cách giữa 2 bên này vào khoảng 20km (mất gần nửa tiếng đi taxi) nhưng vì đi đông nên chia ra thì mỗi người chúng tôi không tốn nhiều và tất nhiên không phải là con số 100Y rồi. PeterPan tin là cả đoàn 14 người chúng tôi không phải tốn 100Y chỉ để di chuyển từ bên này đường sang bên kia đường đâu.

Tại Côn Minh, có 5 bến xe lớn: bến Đông, bến Tây, bến Nam, bến Bắc và bến Tây Bắc. Các bến xe này phân bố đều ở các hướng của thành phố Côn Minh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Theo tên gọi của từng bến ứng với vị trí địa lý, có thể dễ dàng hình dung bến Tây sẽ thuận tiện để di chuyển tới Đại Lý còn bến Đông rõ ràng là bến dành cho những chuyến xe về Hà Khẩu. Thông tin về việc từ Hà Khẩu tới Côn Minh tại bến Đông rồi đi taxi sang bến Tây để bắt xe đi tiếp Đại Lý (hoặc Lệ Giang) thì bạn có thể tham khảo ở cả một số topic khác, mọi người đều đã nói tới việc này và giải thích cặn kẽ tại sao. Chỉ cái tên bến xe Đông và bến xe Tây của một thành phố thủ phủ của 1 tỉnh như thành phố Côn Minh cũng có thể thấy rằng khoảng cách của 2 bến sẽ không hề gần một chút nào.

bandotrungtamconminh.jpg

Đây là bản đồ mà bạn nói tới. Tuy nhiên, một lần nữa, có lẽ bạn lại hiểu chưa chính xác. Bản đồ này tập trung vào khu vực trung tâm của thành phố Côn Minh và không thể hiện được các khu vực vành đai bao quanh (trong đó có các bến xe). Sát phía cuối bản đồ, bạn có thể thấy chú thích To South Bus Station (2km). Những bến xe khác mà bạn thấy trong ô C5 và D5 đó không phải là 5 bến xe lớn của Côn Minh, mà chỉ là những bến xe buýt nội đô, điểm đỗ của xe giường nằm... Bản đồ này PeterPan lấy từ file PDF Lonely Planet China 2007, có so sánh đối chiếu với quyển Lonely Planet China 2009, không có nhiều khác biệt.

Thêm nữa, đoạn tiếng Anh mà bạn trích dẫn là nói về cách mua vé tuyến Côn Minh - Đại Lý sau khi tới được Côn Minh bằng tàu hỏa. Đoàn PeterPan đi từ Hà Khẩu tới Côn Minh bằng xe khách bạn ạ, không có tàu hỏa cho tuyến này. Vì vậy, chúng tôi không áp dụng cách mà đoạn tiếng Anh này thể hiện.

Theo dữ kiện tôi đang nghiên cứu tuyến CM-Đại Lý, thì có thể mấy bạn Tàu chặt đẹp PeterPan 100Y rồi vì trong cuốn Lonely Planet CHINA 11th Edition trang 682 thì 2 bến xe bus (Ô C5 & D5) cách nhau vài trăm mét, có bạn nào rành Côn Minh xin kiểm soát lại thông tin này . Có người pót trên internet:

Jun 09, 2009, 2:16 AMWhen you get out Kunming train station, turn left on the first red-green Cross Road and then walk about 200m to Kunming Nanyao Bus Station(昆明南窑汽车站). You can show 昆明南窑汽车站 to Chinese people. The bus from Kunming to Dali (about 330km) lasting about 4 hours and the price is RMB75-130/person.You can also take by night train K9610 (21:443--06:15) or K9614 (23:00--07:49) from Kunming to Dali (360km) and the price for hard sleeper is RMB106 or RMB 156 for soft sleeper. You have half day looking around in Kunming and saving money in Dali hotel.

Hy vọng những giải thích cặn kẽ của PeterPan sẽ giúp Chu6CuChi có thêm thông tin tham khảo.
 
Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang

Hồ Lashi (tiếp)

Những bức ảnh trước khi rời hồ Lashi:

lashihai22.jpg

Một chị người Nạp Tây đang cặm cụi đan áo len bên bờ hồ Lashi.

lashihai23.jpg

Đây là những "em" ngựa đã theo suốt 6 người chúng tôi trong hơn 2 giờ đồng hồ.

lashihai24.jpg

Phía xa kia là mặt nước của hồ Lashi...

lashihai25.jpg

Đường về Lệ Giang.
 
Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang

Về tới Lệ Giang vào cuối buổi chiều, cả đoàn 14 người tụ tập đông đủ tại Free Life Inn sau một ngày chia thành các nhóm nhỏ để tự do khám phá. Chúng tôi đã có một ngày thành công khi trải nghiệm đủ cả cảnh đẹp như tranh vẽ ở công viên Hắc Long Đàm, cảm giác thú vị khi được ghé qua Thúc Hà - phiên bản thu nhỏ của Lệ Giang, hay kỷ niệm khó quên trên lưng ngựa tại hồ Lashi.

Vẫn còn gần 2 tiếng mới tới giờ tập trung để cùng ăn tối, PeterPan tranh thủ dạo một vòng Lệ Giang. Đã tới Lệ Giang vài ngày trước đó, lần này có thể coi là trở lại, nhưng quãng thời gian cuối buổi chiều ngày hôm ấy mới là lần đầu tiên PeterPan thực sự thư thái để dạo bước trên những con đường đá của thành cổ. Đôi chân và cái đầu không cần phải hội ý, cứ đi thế thôi trong tiếng kèn dìu dặt của người Nạp Tây.

legiang222.jpg

Ở phía Nam của quảng trường Tứ Phương là một con đường toàn các nhà hàng. PeterPan chọn món thịt bò Yak 10Y/3 xiên (hơi đắt).

legiang223.jpg

Đây là một "boyband" khá đặc biệt ở Lệ Giang. Họ hát rất hay, chơi nhạc cụ cực kỳ điệu nghệ, nhưng không phải để nhận tiền theo kiểu hát xẩm mà là để thu hút du khách mua các CD của họ.

legiang224.jpg

Giếng nước cổ trên một con đường nhỏ ở Lệ Giang. Tên của giếng nước được viết bằng cả chữ Hán lẫn chữ tượng hình của người Nạp Tây.

legiang225.jpg

Giếng Yican là một trong số 56 điểm tham quan đáng chú ý tại thành cổ Lệ Giang. Cái tên Yican được đặt theo tên của một ngôi làng cổ mà nay đã trở thành một phần của thành cổ. Theo truyền thuyết, quân đội Mông Cổ được chỉ huy bởi Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) đã đóng quân tại đây và lấy nước chính từ chiếc giếng này. Khi ấy là mùa Đông năm 1253 và vó ngựa của đoàn quân Mông Cổ đang trên đường tiến xuống phía Nam để chinh phục vương quốc Đại Lý.
 
Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang

Vạn Cổ Lâu (Wangu Lou)

Ngay trong buổi chiều thứ 3 của hành trình và cũng là buổi chiều đầu tiên tại Lệ Giang, PeterPan đã tới rất gần lầu Vạn Cổ nhưng không... vào. Khi ấy, nghĩ rằng trời sẽ tối rất nhanh và không kịp trở lại điểm tập trung để ăn tối cùng cả đoàn nên PeterPan chọn phương án khác. Quanh đường vào lầu Vạn Cổ có rất nhiều quán cafe nhưng cafe lại chỉ là... thứ yếu. Tận dụng lợi thế nằm trên sườn của ngọn núi Sư Tử, nhiều nhà dân đã tranh thủ thiết kế những ban công rộng rãi để du khách có thể ngắm toàn cảnh thành cổ Lệ Giang từ trên cao cũng như núi tuyết Ngọc Long (tất nhiên là trong ngày thời tiết đẹp). Chỉ với vỏn vẹn... 2Y, bạn có thể thoải mái ngắm nghía chán chê rồi ra về mà không cần gọi bất cứ đồ uống nào.

legiang226.jpg

Trời cao nguyên không tối nhanh nhưng mây lại kéo về quá nhanh, chúng tôi lỡ cơ hội đầu tiên để tận mắt ngắm Ngọc Long Tuyết Sơn.

legiang227.jpg

Đây là một phần thành cổ Lệ Giang khi đồng hồ đã chỉ hơn 20 giờ (theo giờ Bắc Kinh).
 
Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang

Vạn Cổ Lâu (tiếp)

Trở lại với buổi chiều thư thái vào ngày thứ 8 của hành trình, sau một vòng dạo quanh Lệ Giang, PeterPan quyết định tìm lên lầu Vạn Cổ và lần này sẽ lên bằng được tòa lầu ở vị trí cao nhất của thành cổ. Vé vào cửa là 15Y, "thẻ sinh viên" không dùng được tại đây.

Lầu Vạn Cổ là một tòa kiến trúc được cấu tạo chủ yếu bằng gỗ với độ cao 33m. Khi lên tới tầng cao nhất của tòa lầu này, bạn sẽ ở độ cao khoảng 2.700 m so với mực nước biển. Từ đó, bạn sẽ có được một cái nhìn toàn cảnh về thành cổ Lệ Giang, khu phố mới của Lệ Giang và cũng sẽ có một góc nhìn tuyệt vời để ngắm Ngọc Long Tuyết Sơn.

Tất cả các tầng của lầu Vạn Cổ đều được các bạn Tàu tận dụng để bán tranh, ảnh, sách, báo, đĩa nhạc..., nói chung là không thiếu thứ gì. Thậm chí, ngay khi bước vào tầng thứ nhất, những trò buôn thần bán thánh khá công khai là điều đầu tiên bạn nhìn thấy. Nhưng hãy lẳng lặng bỏ qua tất cả để nhanh chóng lên tầng trên cùng của tòa lầu.

Khi PeterPan lên tới tầng cao nhất, chỉ có một vài khách người Trung Quốc và vài bạn Tây. Vòng vòng chụp ảnh một hồi thế nào lại bắt chuyện được với một bạn Tàu bán sách báo và băng đĩa ở tầng này. Cũng tán trên trời, dưới biển, nói chung là khá vui vẻ. Tuy nhiên, bạn ý cũng chẳng chờ được lâu khi cuối cùng cũng cho thấy rằng màn trò chuyện chỉ là mào đầu cho màn tiếp thị các thứ mà bạn ấy đang bán :-D. PeterPan thì chẳng thiết tha mấy thứ này nên nói thêm vài câu rồi đánh bài chuồn cho nhanh còn về ăn tối.

Tất nhiên, dù sao cũng kịp có một vài tấm ảnh chụp từ độ cao lớn nhất của thành cổ Lệ Giang:

legiang228.jpg

Lầu Vạn Cổ.

legiang229.jpg

Toàn cảnh thành cổ Lệ Giang nhìn từ tầng cao nhất của lầu Vạn Cổ.

legiang230.jpg

Toàn cảnh khu phố mới của Lệ Giang.

legiang231.jpg

Ngọc Long Tuyết Sơn.

legiang232.jpg

Cận cảnh đỉnh núi tuyết biểu tượng của Lệ Giang.

legiang233.jpg

Một Stupa của người Tạng ở phía Nam của thành cổ Lệ Giang, phía xa có thể thấy rõ con đường nối Lệ Giang với Đại Lý.

legiang234.jpg

Một góc Mộc Phủ.
 
Re: Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang

Lầu Vạn Cổ là một tòa kiến trúc được cấu tạo chủ yếu bằng gỗ với độ cao 33m.

Hì, thực ra thì khung chính toàn bằng xi măng cốt sắt, sơn giả gỗ ra ngoài, một số chỗ lộ rõ như các bờ nóc, đòn nóc... thì làm bằng gỗ thôi. Toàn bộ Mộc phủ cũng vậy, khung chính bằng bê tông cả, phụ kiện gỗ hoặc giả gỗ. Toà điện chính của Songzanlin sắp tới cũng sẽ y như thế.
 
Re: Ngày 8 (30/04/2010): Lệ Giang

@Chitto: Em cứ tưởng cái Wanchai temple này chủ yếu là gỗ chứ, vì ngay tớ quảng cáo cũng nói thế. Đi vào trong sàn cũng lát bằng gỗ và những chỗ tay vịn cũng bằng gỗ mà, dĩ nhiên không thể 100% bằng gỗ được, như chỗ ngoài ban công để ngắm toàn cảnh Lệ Giang thì là giả gỗ.

Thú thực e đi Lệ Giang lần nọ không dùng tí tiếng Tàu nào, tất cả các địa điểm đều dùng phiên âm Latin hết, nên nhiều đại danh bác PeterPan nói nghĩ mãi mới ra:( vì e rất ghét bọn Tàu nó gọi Hoa Thịnh Đốn, Ná phá Luân, bức tường bá Linh...:(
 
Last edited by a moderator:
Về chuyện phiên âm...

@RegensChirm: Tất cả các địa danh trong hành trình này mình đều đưa cả tên phiên âm Latin và cả phiên âm Hán Việt. Điều này là rất nên, vì có thể bạn thì không biết (và có lẽ là không thích) phiên âm Hán Việt nhưng có nhiều người họ lại muốn đọc phiên âm Hán Việt hơn. Bạn chịu khó xem lại toàn bộ topic nhé, PeterPan luôn cố gắng đưa đầy đủ thông tin, chí ít là tên địa danh. Không rõ có chỗ nào khiến bạn phải mất nhiều thời gian để xác định. Nếu có thì bạn chỉ giúp để PeterPan bổ sung thêm nhé.

Về chuyện dùng tên phiên âm Latin hay tên phiên âm Hán Việt thì cũng đã tranh cãi nhiều rồi. Ngay ở trên phuot.com này, cũng từng có tranh cãi tương tự. Có người bảo nên dùng cái này, có người bảo nên dùng cái kia. PeterPan thì thấy là cái nào quen dùng hơn thì ta dùng. Ví dụ, hầu hết mọi người đều quen với Lệ Giang hay Đại Lí, nên không cần thiết phải để là Lijiang hay Dali. Trong khi đó, hồ Bita quen thuộc hơn hồ Bích Tháp, hồ Lashi dễ nhớ hơn hồ Lạp Thị. Từ quan điểm này, PeterPan sử dụng xen kẽ 2 cách nhưng vẫn luôn chú thích cả tên gọi song song giữa 2 loại phiên âm.

Bạn ghét người Trung Quốc gọi là Nã Phá Luân, Hoa Thịnh Đốn, bức tường Bá Linh..., cái này thì mình không lạm bàn. Nhưng các địa danh của Trung Quốc mà được phiên âm ra phiên âm Hán Việt thì phần nhiều là tạo cảm giác gần gũi và dễ nhớ hơn chứ. Ta không ưa các bạn Tàu là một nhẽ nhưng cũng không nên đánh đồng chuyện không ưa đó cả vào cách phiên âm Hán Việt. Và giả dụ có đọc một tên địa danh được phiên âm Hán Việt mà chưa hiểu thì chỉ cần hỏi Mr Google là sẽ có câu trả lời ngay thôi mà :).

Về Wanchai Temple mà bạn nói tới thì PeterPan không rõ lắm, vì PeterPan chỉ tới Wangu Lou thôi.

Bạn có thêm nhận định gì về chuyện phiên âm thì chia sẻ cùng PeterPan và mọi người nhé.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,190
Bài viết
1,150,450
Members
189,950
Latest member
lifecarenutritions
Back
Top