What's new

[Lịch sử] Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội

Năm nay, 2010, Một nghìn năm cái tên Thăng Long. Một nghìn năm từ Thăng Long đến Hà Nội.

Người ta nói quá nhiều, và tôi cũng đã dự định viết topic này từ lâu, nhưng giờ mới bắt tay vào thực hiện, như là một phần chia sẻ của mình với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên.

Tôi không định cắt dán các bài viết dài dằng dặc trên khắp các báo, trên mạng, mà viết những gì tôi biết, tôi hiểu về mảnh đất này. Nếu ai muốn chia sẻ cùng tôi, xin hãy cũng như vậy.

Topic này có thể sẽ rất khô khan, cũng có thể sẽ rất thú vị, tuỳ theo cách nhìn của mỗi người.
 
Last edited:
Những dấu xưa

Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi, dời đô liền cho xây 8 ngôi chùa ở quê mình tại Cổ Pháp, và hàng loạt chùa ở Thăng Long. Trong suốt đời Lý, những ngôi chùa lớn được dựng lên, song sử sách ghi lại đến hàng chục chùa. Thế nhưng vết tích của các ngôi chùa đó còn lại đến nay không nhiều.

Ngôi chùa cổ nhất của đất Thăng Long là chùa Khai Quốc dựng từ thời Lý Nam Đế, 500 năm trước Lý Thái Tổ, ngoài bãi sông Hồng, cho nên thực tế là ngoài vòng thành Thăng Long. Mãi đến đời Lê mới dời vào vị trí cung Thuý Hoa, là hòn đảo giữa hồ Tây, và đổi là Trấn Quốc

Chùa Chân Giáo dựng năm 1024 là ngôi chùa lớn, gắn liền với sự kiện bi thảm là vua Lý Huệ Tông phải thắt cổ tự tử tại đây khi bị Trần Thủ Độ ép, chấm dứt nhà Lý. Dấu tích không còn gì, chỉ ngờ rằng nằm tại khu phía đường Đội Cấn.

Chùa Diên Hựu với đài Liên Hoa (được gọi là chùa Một Cột) đã quá nổi tiếng, dựng đời Lý Thái Tông năm 1049, ngay bên cạnh Hoàng thành. Vị trí chính xác vẫn không xê dịch, chỉ có chùa xưa không còn gì. Cái chùa Một Cột hiện nay dựng lại năm 1955 tại vị trí chùa cũ.

Chùa Báo Thiên dựng năm 1057, mà tên chính xác là Sùng Khánh Báo Thiên, ngôi Quốc tự lớn nhất trong triều Lý - Trần, với ngọn bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên được coi là công trình đồ sộ và cao nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam, đã đi vào huyền thoại. Ngày nay đó là vị trí nơi khu vực đặt Nhà thờ Lớn.

Chùa Hoè Nhai nằm gần bến sông, đến nay vẫn còn nguyên. Đây cũng là dấu tích của Đông Bộ Đầu với chiến thắng lịch sử triều Trần.

Chùa Láng gắn liền với Từ Đạo Hạnh, dựng thời Lý Anh Tông, ngày nay vẫn là ngôi chùa rất đẹp, đặc biệt là giữ nguyên được khuôn viên chùa rộng vào bậc nhất Hà Nội.

Chỉ riêng trong triều Lý Thái Tổ, tại Thăng Long đã dựng lên các chùa: Hưng Thiên, Vạn Tuế, Thiên Quang, Thiên Đức, Thiên Vương, Thắng Nghiêm, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ, Chân Giáo, Đại Giáo. Ngày nay chẳng ngôi nào còn dấu tích.

33446653.jpg
 
Last edited:
Lý Thái Tổ xuất thân từ chùa nên lên ngôi là dựng chùa, chứ không dựng các đền đài Nho giáo, Đạo giáo kiểu Trung Quốc. Có điều làm tất cả các sử gia đời sau đều phân vân là trong sử ghi rõ Lý Thái Tổ tôn phong cho cha mình làm Hiển Khánh Vương, chú làm Vũ Đạo Vương, rồi lại phong bà nội làm Thái Hậu, trong khi không ai biết cha của ông là ai ! Người ta chỉ biết mẹ đẻ là bà Phạm Thị, còn cha ruột thì chính sử, dã sử đều chịu chết !

Sử thì ghi Lý Thái Tổ là con "người thần", có thuyết thì nói là con sư Lý Khánh Văn, hoặc con Lý Vạn Hạnh, nhưng đều không đủ chứng cứ. Vậy Hiển Khánh Vương, Vũ Đạo Vương là ai ??? Đến giờ vẫn chịu như các cụ xưa từng chịu.

Đến đời con cháu của Lý Thái Tổ, tại Thăng Long mới dựng các công trình thờ cúng quốc gia theo kiểu Trung Hoa: đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, Thái Miếu, Văn Miếu.

Đàn Nam Giao, còn gọi là đàn Viên Khâu (có nghĩa là gò đất tròn) vì đàn đắp bằng đất, hình tròn, dùng để tế Trời, cụ thể là Thiên hoàng Thượng đế. Mãi đến năm 1154, vua Lý Anh Tông mới dựng đàn Nam Giao ở phía Nam thành Thăng Long để khẳng định vị thế Thiên tử sánh ngang với Trung Hoa. Các triều đại sau tiếp tục tế trời ở đó. Triều Lê dựng điện Nam Giao, sau bị Pháp phá xây nhà máy diêm. Rồi nhà máy diêm lại thành Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo - 114 Mai Hắc Đế.

Đến nay nhà máy cơ khí trở thành đất của khu tháp Vincom. Tuy nhiên đến giờ vẫn không thể xác định chính xác vị trí của đàn Nam Giao, mà chỉ áng chừng ở khu vực đó mà thôi.
 
Last edited:
Dấu tích Nam Giao

Khi người Pháp phá điện Nam Giao, họ chỉ giữ lại một tấm bia lớn rất đẹp là "Nam Giao điện bi ký" của triều Lê, mang về bảo tàng của viện Viễn Đông Bác Cổ giữ, nay là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tấm bia lưu giữ dấu tích của một Tế đàn quan trọng nhất thời phong kiến, nay dầm mưa dãi nắng cùng nhiều di vật khác, mà hoài tưởng về thời huy hoàng trong quá khứ.

33406765.jpg

Có câu chuyện rằng khi Mỹ nối lại quan hệ chính thức với Việt Nam, đi tìm nơi đặt Đại sứ quán, và họ nhắm cái nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo đó. Tuy nhiên khi tham khảo ý kiến của GS. Trần Quốc Vượng, thì cụ Vượng bảo rằng: Đó là đất đàn Nam Giao, đất thiêng của người Việt, các ông mà làm Sứ quán ở đó thì không được đâu. Và thế là họ chuyển sang Láng Hạ.

Nhưng sau đó, mảnh đất này cũng thuộc về Vincom, nơi xây toà tháp thứ ba.
 
Last edited:
Đàn Xã Tắc

Đàn Nam Giao để tế trời, khẳng định Thiên mệnh. Đàn Xã Tắc để tế thần Xã (Hậu Thổ) là thần Đất, và thần Hậu Tắc là thần Lúa.

Đàn Xã Tắc phải đắp bằng đất, hình vuông, khác với đàn Nam Giao hình tròn (trời tròn đất vuông), lấy đất từ khắp các địa phương trong toàn quốc về đắp, tượng trưng cho chủ quyền quốc gia. Xã Tắc do đó cũng để chỉ đất nước của vua.

Triều Đinh đã lập đàn Xã Tắc tại Hoa Lư rồi, tuy nhiên Lý Thái Tổ không quan tâm đến việc này khi dời đô về Thăng Long. 38 năm sau, đời con của ngài là Lý Thái Tông, năm 1048 mới lập đàn ở phía Tây Nam, sử ghi là ngoài cửa Trường Quảng, tức khu vực phía ngoài Ô Chợ Dừa ngày nay (Tuy nhiên vẫn có người nghi ngờ vị trí này).

Triều Trần phong tôn hiệu ghép chung hai thần là: Thiên tổ Địa chủ Xã Tắc Đế quân

Triều Nguyễn chuyển vào Huế, đàn bị bỏ hoang, không ai thờ cúng nữa.

Ngày nay không rõ chính xác nền đàn Xã Tắc ở đâu, chỉ có địa danh Xã Đàn, gồm cả một làng rộng, một hồ, một chùa, và gần đây nhất là con phố "đắt nhất hành tinh" cũng mang tên Xã Đàn. Chỗ đầu phố mà người ta xôn xao là tìm thấy nền đàn Xã Tắc cũng chỉ là nghi ngờ, chứ chẳng chứng minh được, giờ dựng cục đá rõ to đánh dấu.

Trong chùa Nam Đồng gần đấy, năm 2008 có dựng một bàn thờ, cột đá xà gỗ mái ngói khá đẹp, đề chữ Thiên Tổ Địa chủ Xã Tắc đế quân để thờ vọng, coi như là để khôi phục hương hoả đã bị dứt từ hơn hai trăm năm trước.

Bàn thờ vọng thần Xã Tắc trong chùa Nam Đồng

33406762.jpg
 
Last edited:
Cảm ơn bạn nhé, lâu không có gì để tìm tòi, bạn có bài toán này hay quá...
Khê Hồi của bạn nói có phải là cái làng quê Nguyễn Trãi ở Thường Tín không nhỉ?

Dạ không ạ, Làng Khê Hồi thuộc xã Hà Hồi huyện Thường Tín, còn quê cụ Nguyễn Trãi là làng Nhị Khê cũng cũng huyện cách nhau độ 5km gì đó.

Tổ Đình Khê Hồi tức Hoa Lâm viện là một đại chốn tổ nơi phát xuất của 6 Sơn Môn lớn ở miền bắc. 1 Khê Hồi, 2 Bà Đá- Đào Xuyên, 3 Thọ Ngãi, 4 Long Đọi - Tế Xuyên - Vĩnh Nghiêm - Đồng Đội, 5 Đa Bảo - Viên Minh, 6 Hương Tích.
Kế đăng hiện nay là đại đức Thích Thanh Vịnh trưởng pháp tử của Hòa thượng Thanh Chỉnh ở đó còn rất nhiều tượng cổ rất đẹp và ván khắc của nhiều bộ kinh cổ.
 
Đền Đồng Cổ

Công trình mà Lý Thái Tông dựng ngay sau khi lên ngôi không phải chùa như cha mình, mà là đền Đồng Cổ.

Lý Phật Mã khi còn là Thái tử, đi đánh Chiêm Thành qua vùng Thanh Hoá, núi Khả Phong gần sông Mã, núi ấy còn gọi là núi Đồng Cổ (tức Trống đồng), và khúc sông Mã cũng gọi là sông Đồng Cổ. Thái tử nằm mộng thấy vị thần núi Đồng Cổ báo mộng và hứa âm phù, do đó khi về Thăng Long đã dựng miếu nhỏ thờ thần. Có lẽ khi đó vì chỉ là Thái tử, chưa có nhiều quyền, nên miếu phài nằm phía ngoài thành, đúng hơn là ở chân thành.

Ngay khi Lý Thái Tổ vừa mất, ba người em trai của Lý Phật Mã đều làm Vương làm loạn định cướp ngôi của anh. Nhờ Lê Phụng Hiểu sức khoẻ hơn người, chém chết một người, hai người kia bỏ chạy, mà Lý Phật Mã lên ngôi, tức Lý Thái Tông, sau rồi tha tội cho hai em, đời sau gọi là Loạn tam vương. (lịch sử lặp lại: triều Đinh thì Nam Việt vương Đinh Liễn giết em là Đinh Hạng Lang, triều Tiền Lê thì Lê Long Đĩnh giết vua anh để lên làm vua, nên các 3 vương kia cũng định theo lối đó. Lê Phụng Hiểu về sau cũng được phong làm Thần).

Tương truyền đêm trước đó Lý Phật Mã lại nằm mộng thấy thần Đồng Cổ báo trước, nên mới có sự chuẩn bị kịp thời. Vì thế ngay sau khi lên ngôi, Vua cho dựng đền thờ thần Đồng Cổ, coi vị Thần chủ chuyên bảo hộ cho Vua, phong là Thiên Hạ Minh Chủ thần.

Và cứ vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm, toàn bộ hoàng gia và triều đình đều phải ra lễ đền, đọc lời thề: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, nếu trái lời thề, thần minh tru diệt". Lệ này đến đời Trần và đầu đời Lê vẫn còn tiếp tục. Đời Trần phong hiệu thêm là Thiên hạ Minh chủ Linh ứng Chiêu cảm Bảo hựu Đại vương.

Thề thì cứ thề, giết vua như Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông tự tử, Hồ Quý Ly giết Trần Thuận Tông dã man, Lê Thái Tổ giết Trần Cảo, thì cứ làm. Ai mạnh hơn, thời cơ cho ai thì Thần cũng phải theo thôi.


Đền Đồng Cổ ngày nay ở phố Thuỵ Khuê, đã bị lấn chiếm rất nhiều. Một lạch nước đen sì chảy ngang qua, là dấu tích của sông Tô Lịch ngày xưa còn lại.


33406769.jpg

Toà phương đình phía trước điện thờ đang được tu sửa, sẽ treo tấm biển "Đồng Cổ linh từ"

33429016.jpg
 
Last edited:
Kế đăng hiện nay là đại đức Thích Thanh Vịnh trưởng pháp tử của Hòa thượng Thanh Chỉnh ở đó còn rất nhiều tượng cổ rất đẹp và ván khắc của nhiều bộ kinh cổ.

Cụ Triều Khúc viên tịch năm ngoái, thọ 90 tuổi, thế mà Trưởng tử mới chỉ là Đại đức thôi ! Có phải khoảng cách là quá xa chăng ? Sao cụ nhận đồ đệ muộn thế, hay các pháp tử khác đã đi trước cụ cả rồi ?
 
Đền Hoằng Thánh

Có vị thần chủ trông coi cho ngôi vua rồi, năm 1037, Lý Thái Tông lại phong thần cho Phạm Cự Lượng làm vị thần chủ về hình ngục, xử án.

Phạm Cự Lượng làm tướng triều Đinh Tiên Hoàng, rồi theo Lê Đại Hành làm đến Thái Uý, đứng đầu các võ quan. Nay Lý Thái Tông phong làm Đô hộ phủ Ngục Tung Minh chủ Hoằng Thánh đại vương, lập đền ở phía nam hoàng thành để thờ cúng.

Đời Trần gia phong làm Hoằng Thánh Khuông quốc Trung vũ Tá trị Đại vương, đến đời Lê vì kiêng huý mà đổi thành Hồng Thánh. Ngày nay đền Hồng Thánh chính là đình Lương Sử. Như thế có thể đoán phía ấy xưa kia có nhà ngục của triều Lý.

Đình Lương Sử ngày nay, trên đề: Phạm Thái Uý linh từ, nguyên là đền thờ Thần Ngục.

33482583.jpg

Từ đời Lý Thái Tông trở đi, thỉnh thoảng đánh Chiêm Thành lại bắt người Chiêm mang về, trở thành nô lệ cho riêng vua. Từ đấy các công trình xây dựng thường có dấu tích Champa rất rõ. Con rồng đời Lý nổi tiếng cũng mang nhiều hình ảnh Champa. Phía Tây thành Thăng Long và bên kia sông Hồng trở thành chỗ người Chiêm sinh sống. Có điều giờ không còn gì cả, họ bị đồng hoá hết hoặc tuyệt diệt cả rồi chăng?
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,187
Members
190,103
Latest member
Penguin1
Back
Top