What's new

[Chia sẻ] Lý Sơn-Nơi ấy bình yên.

Tôi là lính mới của diễn đàn, thấy các bạn đi hăng say, chụp nhiệt huyết và viết máu lửa quá, tôi thật sự nể thầm. Tôi cũng đã đi nhiều nơi dọc chiều dài dãi đất hình chữ S, hôm nay cũng bon chen lên đây chia sẻ với cả nhà chút kỷ niệm về một chuyến đi.

Nơi chúng tôi đến là Lý Sơn, một huyện đảo thuộc tỉnh Quãng Ngãi.Nơi được mệnh danh là vương quốc tỏi của Việt Nam. Lý Sơn cách đất liền 18 hải lý, còn được gọi là Cù Lao Ré, gồm 2 hòn đảo là đảo Lớn và đảo Bé.Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa.

Từ Nha Trang chúng tôi lên đường,mua vé xe chất lượng cao (nhưng ko cao:() đi Hội An giá 120k (vì không có tuyến xe Nha Trang - Quãng Ngãi). 7h30 tối xe xuất phát, nhưng hôm đấy Nha Trang khai mạc Festival biển, kẹt xe, cấm đường tá lả,hix, nên 9h xe mới ra khỏi tp Nha Trang:(.Trốn nơi đông đúc, ồn ào để tìm đến nơi tĩnh lặng, bình yên. Trăng 14 lung linh, vằng vặc, ngồi trên xe mà chẳng ngủ được, để hồn mình trôi theo ánh trăng...

4h30 sáng, xe thả chúng tôi xuống chân cầu Trà Khúc,bắt taxi (3 người mà đi xe ôm thì còn đắt hơn taxi, nên chọn taxi, với lại giờ đó cũng chả chụp được gì,hix), đi về cảng Sa Kỳ theo QL24B, 24km.5h sáng tới cảng, ngồi gật gù, làm ly cafe, đợi đến 7h sáng mới người ta mới bán vé tàu để đi ra đảo.

8h tàu chạy, 9h đã tới đảo, sóng nước mênh mông nhưng buồn ngủ quá nên chả chụp được tấm nào,hix.
Tàu cập bến, nắng chói chang nhưng cũng tranh thủ làm 1 tấm ra mắt huyện đảo:D
4.jpg
 
Hôm nay 19 người con của đảo Lý Sơn vừa vượt trùng khơi trở về an toàn, tưởng đâu các anh đã không chống chọi lại với bão dữ, may mắn thay. Chúc mừng
 
Lý Sơn không những bị bão tố mà còn bị Cẩu Tàu tặc nữa. Bài trên báo SGTT.

Trú bão : Bị cướp và ăn đòn


Khoảng 21 chiếc ghe (17 ở Lý Sơn, 4 ở Bình Châu) đã gặp bão khi đang lênh đênh trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Mỗi ghe đều có sự chọn lựa riêng : kẻ đi trú bão, người chạy về nhà. Tất cả đều thoát chết nhưng số phận của 21 chiếc ghe lại không giống nhau khi lâm nạn bão và người.

Bốn chiếc ghe của dân đảo Lý Sơn đã chọn cách chạy thẳng vào bờ. Còn 17 chiếc rủ nhau đi trú bão vì đánh bắt cách quần đảo Hoàng Sa, nơi có cảng trú bão, chỉ khoảng 50 hải lý. Hơn 200 con người, tuy không bị bão dập nhưng phải chịu cướp bóc và đòn thù của lính trên cảng.


ĐẾN BỊ SÚNG BẮN

Ông Dương Văn Thọ (là một trong 13 ngư dân bị Trung Quốc bắt hồi tháng 6 vừa qua) nhớ lại, đêm 26 tháng 9 khi nghe tin bão ông lệnh nhổ neo nhằm hướng đảo chạy tới, trên ghe đã đánh được hơn bốn tấn cá. Đến sáng sớm 27, ghe của ông đến cửa cảng Hữu Nhật, một cảng quân sự của hải quân Trung Quốc nằm trên quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cảng này là nơi tàu bè đi ngang trú mỗi khi có bão, người Việt gọi đây là cảng Cần Cẩu vì nơi đây có nhiều cần cẩu. Gần như cùng lúc, 17 chiếc ghe của ngư dân Việt Nam (13 chiếc của xã An Hải, Lý Sơn; 4 chiếc của Bình Châu) đánh chung một vùng biển đều giương cờ trắng chạy đến đây.

Thấy ghe Việt Nam đến, lính đảo TQ liền nổ súng cảnh cáo. Mấy ghe đi đầu lập tức vòng ra xa. Lúc này nhiều ghe đã gọi điện về thẳng biên phòng tỉnh Quảng Ngãi nhờ can thiệp để ghe được vào trú bão và xin đừng lấy đồ của ghe. Biên phòng VN nhận lời và dặn thêm, không lo đồ đạc, vì nguyên tắc, vào núp bão sẽ không ai lấy gì. Đoàn ghe tạm yên tâm, quay mũi về cửa cảng, nhưng đạn lại vãi ra, ghe cuống cuồng bỏ chạy.

Kể chuyện buổi sáng hôm đó, ông Nguyễn Phụng Lưu còn bàng hoàng, ghe của ông chạy cùng lúc với ông Thọ, lính đảo bắn choé lửa quá trời quá đất. Hai ghe đi đầu chạy dạt ra vì lo trúng đạn. Vài lần như thế, không còn ai dám mon men đến cửa cảng nữa. Tất cả neo ngoài khơi, nhìn từng đoàn ghe tàu của Trung Quốc, Hongkong, Nhật Bản chậm rãi vô tránh bão mà buồn bực. Neo đến chiều, gió lớn thổi mạnh, sóng cao đập từng hồi, bão đang đến gần. Thấy vậy, ông Lưu la lớn : "Lao vô đại thôi, trúng đạn thì còn người sống người chết, ở ngoài này bão vô sẽ chết hết". Tất cả ùn ùn lao vào cảng, ghe ông Thọ chạy vào trước, tất cả nín thinh, nhưng lần này không nghe súng nổ. Thế là thoát bão, ba ngày ba đêm trong cảng an toàn, không ai bị kiểm tra, ai nấy mừng thầm tai qua nạn khỏi.


ĐI BỊ ĐÁNH VÀ CƯỚP

Sáng 30 tháng 9, biển đã bớt sóng gió, 17 chiếc ghe sửa soạn ra khơi. Bỗng dưng, trước cửa cảng xuất hiện một toán lính khoảng vài chục người, tay lăm lăm súng đạn nhảy xuống các ghe.

Lúc đó, ông Thọ bị bất ngờ vì đinh ninh ghe trú bão sẽ không bị làm khó, nên khi lính ồ ạt nhảy lên ghe, cả chục nòng AK chĩa vào, mọi người chỉ còn biết quỳ xuống, giơ hai tay lên đầu. Đi cùng toán lính là một viên sĩ quan nên không ai bị đánh đập, nhưng đồ đạc bị thu gom một cách nhanh chóng: Máy Ecom (thiết bị liên lạc), máy đo nước, bốn cuộn dây lặn, định vị, khoảng một tạ cá. Có lẽ do ghe ông cặp sát cầu cảng nên hai chiếc thuyền thúng cũng bị tước mất. Ông nài nỉ xin lại máy định vị (để biết hướng đi về) nhưng lính TQ không cho. Tài sản còn lại chỉ là chiếc la bàn. Xong việc, toán lính lại nhảy sang ghe khác.

Thấy các ghe trước lao xao chuyện lính lấy đồ, ông Lê Đủ liền giấu ngay máy móc xuống khoang máy, vừa kịp lúc toán lính khác nhảy lên. Hai lính đi trước, một cầm búa, một cầm dao chỉ mặt ông ý hỏi máy định vị và Ecom đâu? Ông lắc đầu, chiếc dây chuyền vàng trong cổ lòi ra, một tên lao vào vạch áo giật sợi dây đút ngay vào túi. Tên khác ra hiệu mọi người lột đồ trong túi, nguy ngập, ông Đủ lanh trí móc ra cái điện thoại xịn và số tiền còn lại để chúng ko truy bạn ghe. Chưa yên, tên cầm búa bằm nát 8 cuộn dây lặn, một số tên khuân luôn đồ ăn, thức uống xuống ca nô. Mọi thứ tạm ổn, lúc này hai tên trong toán quay lại hỏi máy móc, ông Đủ chỉ sang ghe bên cạnh nói hai ghe đi chung nên chỉ có một máy (đã bị thu). Thấy Hợp (con út ông Đủ, 15 tuổi) nhỏ bé nhất, hai tên lính TQ vắt người thằng bé lên cửa và bắt đầu tra tấn. Hợp nhớ lại, giày đinh thi nhau đá vào hai mạng sườn, những cú tát nảy lửa. Đau đến ngất nhưng thằng bé nhất định không hé răng. Trước họng súng dí vào đầu, người cha bất lực nhìn con bị hành hạ. Đánh một lúc, không moi được gì, hai tên lính thả Hợp ra, sức vóc 15 tuổi chẳng thấm vào đâu với những đòn thù, thằng bé đổ gục, toán lính rút, người cha lao ra ôm đứa con, hai be sườn đỏ tấy, người mềm oặt.

Số phận của cha con ông Lưu còn bi đát hơn, thấy lính chặn đường, ông cùng con trai tên Tâm 19 tuổi vội vàng nhét máy móc, điện thoại vào thúng gạo ở gầm ghe. Khi toán lính ập vào, thấy cục sạc pin điện thoại ở góc, tất cả lao vào tra tấn thuỷ thủ đoàn để tìm ra điện thoại. Cả hai cha con đều bị đánh nặng, đứa con chịu đòn không nổi, chỉ sau vài loạt đấm đá, Tâm khóc thét chạy vô lấy điện thoại từ hũ gạo ra. Nhưng, một tên lính đi theo, biết chỗ và moi ra hết đồ giấu, trận đòn tái diễn và nặng hơn đổ xuống đầu cha con ngư dân và bạn ghe vì tội "nói dối, không chịu khai". Mắt phải Tâm đỏ rực, máu chảy ròng ròng, người cha vừa chịu đòn nhìn đứa con trong nước mắt. Đánh xong, toán lính gom sạch đồ, cả hai chiếc radio cũng không thoát, trừ chiếc la bàn.

Cứ thế, hết chiếc này đến chiếc khác, 17 chiếc ghe cùng chung bi kịch, phần đông bị đánh, có người bị đánh đến ngất xỉu, thùng phuy chứa nước ngọt bị búa băm thủng, thúng bị chặt rách đít... Tính sơ, mỗi ghe mất hết đồ chừng 50 - 70 triệu đồng.

Định vị không còn, ông Thọ chọn hướng bằng la bàn, ghe theo đó mà đi, lênh đênh trên biển thêm hai ngày nữa, bến quê hiện ra. Không may mắn, ghe của ông Lưu đi lệch xuống mãi Quy Nhơn.

Ghe ông Đủ thiệt hại nhẹ nhất nên ông vẫn ra khơi thêm ít ngày nữa, chỉ khổ đứa con út quằn quại cả tuần trên ghe. Hợp bị sốt, khắp người ê ẩm vì đòn. Đến khi về nhà, đôi mắt đứa trẻ 15 tuổi còn ngơ ngác, khuôn mặt còn sưng mọng sau những ngày hãi hùng trên biển.

Ngồi quanh ngọn đèn dầu dưới nền nhà, đôi vai ông Lưu như càng thõng xuống khi kể lại những ngày qua. "Mình trú bão chứ có làm gì đâu mà họ đánh đập, cướp bóc tàn tệ", ông nức nở. Mấy người bạn ghe ngồi cạnh đều lặng lẽ khóc, không một tiếng nấc mà nước mắt cứ chảy dài xuống chiếu ...
(Doãn Khởi - Sài Gòn Tiếp Thị)
 
Về từ tâm bão số 9 - Bão đuổi và phận ghe


SGTT - Khoảng 21 chiếc ghe (17 ở Lý Sơn, 4 ở Bình Châu) đã gặp bão khi đang lênh đênh trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Mỗi ghe đều có sự chọn lựa riêng: kẻ đi trú bão, người chạy về nhà. Tất cả đều thoát chết nhưng số phận của 21 chiếc ghe lại không giống nhau khi lâm nạn bão và người.

Bốn chiếc ghe, chứa hơn 50 ngư dân của đảo Lý Sơn ra khơi vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch (ngày 18 – 19.9.2009), điểm đến của họ là vùng lộng Trung Sa, gần quần đảo Hoàng Sa. Bây giờ là mùa bão nhưng trong ngày xuất phát ra khơi, trời trong và đẹp. Chỉ được dăm ngày đánh bắt, cả bốn đã bị bão đuổi, cái chết cận kề.

Bất trắc

Bên cạnh đứa con gái, nét mặt ông Cương vẫn còn hiện lên vẻ căng thẳng khi kể lại chuyện vượt bão

Mất hơn một ngày đêm, ông Võ Văn Sĩ (32 tuổi) mới đưa ghe của mình đến vùng lặn. Thợ xuống biển được bốn ngày thì nghe báo bão xa. Mười bốn sinh mạng trên ghe vẫn miệt mài lặn ngụp. Làm thêm hai ngày, một chiếc tàu mà các ông cho là tàu tuần tra xuất hiện. Họ hốt hoảng bỏ chạy trong vô vọng vì ghe đánh cá chỉ chạy được khoảng 7 lý/giờ.

Nỗi lo tăng thêm khi sau lưng là bão, lỡ có bề gì sẽ không xoay xở kịp. Khi con tàu kia đuổi kịp, ông Sĩ nhớ lại, cả ghe chỉ còn biết quỳ xuống sàn và giơ hai tay lên đầu. Một người trên chiếc tàu này xách theo cây búa, gặp gì chặt nấy: dây lặn, thùng phuy đựng nước ngọt… bất kể đồ gì trong tầm búa. Số người còn lại lao vào đấm đá ngư dân bằng giày đinh và nắm tay. Xong tất cả trở về tàu sau khi lấy một số đồ ăn thức uống, thứ gì không thích, họ vứt xuống biển.

Bị đánh đau, mọi người ê ẩm nên thả neo nghỉ một buổi, dự kiến hôm sau sẽ lặn tiếp. Sáng 26.9.2009, trời mù mịt, tin bão đang đến gần với vận tốc 25km/giờ và đúng hướng ghe lặn. Ghe quáng quàng nhổ neo, hướng mũi về đất liền. Chạy được gần một ngày thì bão đến sát lưng. Sóng lớn mưa to, thêm gió trong bờ thổi ngược như đẩy ghe xa bờ hơn. Cả đêm ấy, không ai ngơi tay, gần trưa 28.9.2009, chỉ còn cách Lý Sơn khoảng 7 lý nhưng sức cùng, ghe cũng như người không thể cập bến. Tất cả thả trôi, mặc sóng gió đưa đi đâu thì đi. Những đồ vật nặng trên ghe được tận dụng kẹp hai mạn để giữ thăng bằng. Ghe bị đẩy dần xa trôi tuột về phía nam. Hai ngày hai đêm ròng rã trong bão, đến sáng 30.9.2009, khi bớt sóng ngư dân mới hay ghe đã trôi đến ngoài khơi Quy Nhơn, cách Lý Sơn 90 lý. Mọi người xốc lại, đưa ghe trở về đảo nhà. Leo lên bờ mới tin mình đã thoát chết.

“Nhờ trên”

Lặn ở khu vực Trung Sa (cách Lý Sơn 320 lý), ghe ông Nguyễn Lộc cũng bị bão rượt nguy khốn như ông Sĩ. Ngày 26.9.2009, nghe tin áp thấp ở 123 độ kinh đông, 15 con người đều chắc mẩm, bão còn ở xa nên từ từ hãy tính. Ngày hôm sau, tin bão quá lớn, đi nhanh nên ghe phải quay đầu chạy vô bờ. Nhưng, vận tốc chiếc ghe cá không nhằm nhò gì với bão số 9, chạy được 150 lý thì gặp gió thổi ngược trong bờ ra nên ghe chậm hẳn lại. Bão sau lưng, ông Lộc tính đưa ghe tấp vào đảo Bom Bay tránh nhưng rồi thôi vì biết với bão cấp 14 – 15, tránh cũng chết. Ông Lộc nói, 200 lý còn lại đến bờ dài như bất tận, lênh đênh tiếp một ngày một đêm nữa mà chỉ nhích chưa được 70 lý. Những con sóng cao hàng chục mét, mưa như trút nước ập vào hòng nhấn chìm con tàu.

Đêm 28.9.2009, chiếc ghe thứ hai này phải thả trôi về hướng nam khi không thể tiến thêm một mét nào. Vật vã đến chiều 29.9.2009, ông Lộc quyết định neo ghe sau ba ngày hai đêm vật lộn vì máy đã yếu hẳn. Điểm neo ghe cách Quy Nhơn 80 lý ngoài khơi. Thoát tâm bão nhưng mọi người vẫn hì hục tát nước, tránh sóng thêm một ngày một đêm nữa. Chiều 30, biển mới tạm yên. Nhiều ngày mặc đồ ướt, không được thay tháo, các vùng kín của mọi người sưng tấy, lở loét. Bão tan, ghe quay về Lý Sơn nhưng đến hôm nay, ai cũng bàng hoàng vì không hiểu sao mình còn sống khi ở tâm bão. “Tôi cứ nghĩ như có người trên giúp”, ông Lộc thì thầm. Người vợ ở quê mất tin chồng khóc hết nước mắt, bà chỉ tin vào phép màu, khi bão tan, từ chỗ tàu dạt, người chồng gọi điện thoại về nhà.

Lòng tin

Cặp mắt của ông Nguyễn Lộc chưa hết đỏ sau nhiều ngày trôi dạt trên biển

Hai chiếc ghe còn lại là của ông Lê Văn Cương và ông Nguyễn Văn Lộc tuy không bị trôi dạt nhưng cả hai cũng thoát lưỡi hái tử thần chỉ trong tích tắc. Giống như bạn ghe, ông Cương không muốn ghé về đảo Hoàng Sa tránh bão vì rủi ro nơi đây cũng lắm. Gặp tình huống xấu, tuy không mất mạng như khi lênh đênh trên biển nhưng bị cướp đồ đạc, tiền chuộc… sẽ đưa gia đình ông vào một bất hạnh khác.

Do đánh bắt gần nhau nên khi nghe tin bão, tối 26.9.2009, ông Cương và ông Lộc quyết định nhổ neo chạy vào bờ. Cả hai ghe chạy cùng lúc nhưng rồi máy chiếc ghe của ông Cương trở chứng, ông tụt dần lại sau so với ghe bạn. Ông Cương nhớ lại, chạy được dăm tiếng, ghe tắt máy, ai nấy mặt xanh lè. Bỏ tay lái, ông chui xuống khoang máy cùng thợ. Cả hai loay hoay một thôi, máy nổ. Mừng húm, tất cả lao đi. Nhưng lại chỉ được năm bảy tiếng nữa, máy lại tắt. Lại hồi hộp, rồi tiếp tục chạy. Cứ thế, chạy – sửa – chạy… đến mờ sáng 28.9.2009, 13 con người đã cảm giác thấy bến quê. Sóng ngút mũi tàu nước ngập lênh láng, nhưng phải cố vì đang ở trong tâm bão. Chiếc ghe nhích chậm dần, 3 rồi 2 lý/giờ. Ráng đến gần 10 giờ sáng, chiếc ghe lọt vô bến. Thoát rồi, người vợ là cô giáo mầm non và ba đứa con đội bão líu quýu ôm chồng trong nước mắt. Ghe của ông vào sau chiếc ghe bạn gần ba tiếng.

Kể lại chuyện thoát bão, ông Cương vẫn còn rùng mình. Đây là một trong hai chuyến đi biển hãi hùng nhất trong hơn 25 năm làm nghề của ông. Lần trước, vào năm 1992, ghe ông gặp bão ở Hoàng Sa, ghe chìm, người cha và hai người em chết mất xác và lần này. Ông vẫn không lý giải được tại sao mình lại thoát chết hai lần. Nếu cái máy im luôn, không biết sự thể đến đâu?
Về từ cõi chết, gần tuần nay, Lý Sơn vui như hội. Ngày nào ở các lăng, sở, dinh ở hòn đảo bão tố này đều nghi ngút khói hương và gà heo lễ tạ ơn trên. Ông Lộc nhẩm tính, phải cúng cả tuần mới hết các chỗ, nơi dân biển gửi lòng tin mỗi khi ra khơi kiếm sống. Nghèo khó thì đã rồi, nhưng đã hứa phải làm, không thể bội ước được!


Bài và ảnh Doãn Khởi

Bài này đã bị xoá,:

http://www.sgtt.com.vn/detail24.aspx...009/1006/57802

Giờ còn bài này:

http://www.sgtt.com.vn/Detail24.aspx?ColumnId=24&newsid=57913&fld=HTMG/2009/1008/57913
 
Lý Sơn

Mình là dân Quãng Ngãi, cũng đã đi LÝ SƠN 1 lần hồi bé xíu. Đọc xong bài viết này âm mưu sẽ vác ba lô lên tàu ra đảo vào 1 dịp nghỉ phép về quê. Thanks bạn!
 
Mỗi lần đọc một topic về Lý Sơn là mình phải chạy ngay vào xem ... phần vì còn tò mò về môt vùng đất đã nghe nói đến nhiều nhưng chưa kịp đến thăm; phần vì muốn xem cảnh vật như thế nào? Bà con ra sao sau những trận bão... chắc chắn mình sẽ qua Lý Sơn chơi và hi vọng đóng góp một phần nhỏ giúp đỡ các bà con trên đảo....

Lý sơn ơi,,, Đợi nhé :D :D :D
 
Yêu quá Lý sơn ơi, nhất định phải đến ăn, ở và sống ở Lý Sơn nhiều lần mới thỏa lòng.

Tết này em đi Lý Sơn, hy vọng được nhiều thông tin bổ ích từ mọi Người.
Em về sẽ viết 1 bài Tất Tần Tật về Lý Sơn. Quê gốc của em ạh.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,626
Bài viết
1,154,152
Members
190,153
Latest member
kientruckhangvinh
Back
Top