What's new

[Chia sẻ] Mênh mang vàng thu Tibet

1.


Tibet, nóc nhà thế giới, miền đất của những điều bí ẩn chưa được khám phá, miền đất của các chư thiên, miền đất của những giấc mơ trong mộng, miền đất khát khao của một thời tuổi trẻ si dại… nhưng tôi vẫn chưa một lần được đặt chân đến dù đã bao lần tưởng như Tibet đã gần, rất gần. Đi, là có duyên; đến, là có phước, gặp, là có tình… nhưng khi tôi càng khát khao cố gắng để đến Tibet thì khoảng cách giữa tôi và Tibet càng xa vời vợi. Đã bao lần hành trang đã chuẩn bị, visa đã xin, việc đã bỏ… nhưng rồi dang dở vẫn là dở dang… Do vậy, lần này tôi ra đi lòng nhẹ tênh, chỉ hướng về Tibet, chỉ hướng về những con đường lên Tibet…! Đến được là có duyên, có phước, có tình… không đến được, tôi vẫn còn tôi và con đường và những chuyến đi,... Tôi chọn con đường đi làm mục đích, tôi chọn sự lang thang giữa đất trời mênh mang làm điểm tựa, tôi cất giữ những khoảnh khắc chơi vơi, những niềm hạnh phúc khi bàn chân đặt lên miền đất lạ làm hành trang… để lên đường, để hướng về Tibet.


Một mình, một đêm cuối thu, Sài Gòn mưa đổ mịt mù, tôi đi.


P9200406.jpg

Phu Asa vắng vẻ trên đồi trưa – Pakse



P9200608.jpg

Vat Phou mưa chiều cuối thu – Pakse



P9220123.jpg

Hoàng hôn rực lửa trên dòng Mekong – Siphandon, Pakse


Chập chờn trên chuyến xe đêm, nghe giọng ca liêu trai thì thầm từng sợi tình trong đêm “mai tôi đi, mong cho tình xa quên…”, khi ngoài kia trời mưa đổ, hay sương đêm lăn dài từng hạt chầm chậm, trên kính xe lạnh buốt, như những giọt nước mắt long lanh… tôi thấy lòng mình chùng xuống, như tôi đang rơi vào một hố sâu không đáy thăm thẳm... Có tiếng ai đó thở dài trong đêm hay tôi đang nghe tiếng tôi… Nếu thế này mãi, tôi sẽ không đi được, tôi nhắm mắt và mơ về bầu trời Tibet xanh thăm thẳm để cố ru mình vào giấc ngủ chập choạng mệt nhoài. Có lẽ, đó là 1 trong những chuyến xe chơi vơi nhất trong những tháng ngày lang bạt của tôi. May mắn sao, cuối cùng tôi đã qua được để tiếp tục hành trình.


PA020579-1.jpg

Mái nhà xám hoa vàng rực rỡ – Lijiang



PA020605-1.jpg

Hẻm nhỏ hoa nhỏ ở làng nhỏ – Lijiang.



PA010345.jpg

Hẻm đơn sơ nhưng rực rỡ – Lijiang



P9300202.jpg

Hoa tím mùa thu bên cánh đồng vàng – Dali


Rồi tôi lăn dài, trượt dài qua những tháng ngày lang bạt khi rừng, khi núi, khi suối, khi sông, khi đô thị phồn hoa, khi chốn quê dân dã, khi nắng lên bên rừng, chiều xuống bên sông, khi đêm chơi vơi một mình một bóng liêu xiêu quán lạnh gió khuya về… Từ Sài Gòn, tôi đi sang Lào qua ngõ Bờ Y để vòng lại Vat Phou chiều mưa bay mờ mịt, lạc bước Phu Asa lúc nắng lên trên đồi, chôn chân ở vùng 4.000 đảo Siphandon hiền hòa có những ngày mưa bay trắng xóa đất trời nhưng chiều về hoàng hôn lại đỏ rực thiêu cháy cả con sông dài… Rồi từ Nam Lào, tôi lướt nhanh đến Bắc Lào. Tôi vội vã ngang qua Vientiane, Luang Prabang, Udomxay… để có những ngày buốt giá trên con đường mưa mờ mịt đến miền gái đẹp Luang Namtha, những chiều lang thang một mình trên con đường ven sông hun hút không một bóng người của đất Lào xinh đẹp hiền hòa mến khách.


(tbc.)
 
Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 21.

Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 21.



PA020632-1.jpg

He he, tự nhiên đi lang thang được mời mọc quá trời.


PA020646-1.jpg

Được lang thang trong khu vườn cây trái trĩu cành nữa chứ.


Theo từng cuốn album ông đưa, tôi dần hiểu. Toàn là hình chụp ông đang biểu diễn ở những nơi hoành tráng trên các sân khấu lớn nhỏ đây đó. Có thể là ông đã từng biểu diễn cả ở show diễn hoành tráng, đắt đỏ Ấn Tượng Lệ Giang của Trương Nghệ Mưu nữa không chừng (mà tôi không có tiền coi show đó nên không biết!). Rồi trong nhiều tạp chí là những bài viết về ông. Có hình chụp chung với cô phóng viên xinh đẹp viết bài nữa. Rồi lưu bút ngày xanh của những vị khách ghé thăm ông viết tặng. Rồi postcard của những vị khách đó từ đâu đó xa xôi gửi về tặng ông cảnh đẹp quê nhà sau khi về nước. Rồi nhiều rất nhiều những danh thiếp của các vị khách lưu lại mà tôi cũng quá rảnh (!?) tò mò giở xem hết, tìm thấy mấy cái tiếng Việt. Té ra, tôi không phải là khách Việt Nam đầu tiên đến đây.


PA020638-1.jpg



PA020637-1.jpg

Ông cụ, cô phóng viên xinh đẹp trên tờ báo.


Xong xuôi đến tiết mục trình bày âm nhạc. Ông cụ chơi được rất nhiều loại nhạc cụ, nghe thì réo rắt thấy hay chứ tôi đâu biết gì. Không biết ông cụ có biết câu tục ngữ bên nước Nam xa xôi "Đờn khảy tai trâu" không há. Đúng là ông bà mình ngày xưa thâm thúy thiệt. Mà áp dụng vô đây thấy đúng thiệt!!!


Nhưng xui xẻo nhất cho tôi giờ là cái máy chụp hình lại hết pin! Khốn nạn cho tôi vì đã một ngày lê la Thúc Hà, Bạch Sa, rồi ham hố chụp hình các postcard, nhà ông… nên vừa bấm máy chụp được ông một tấm cái máy cùi bắp kêu tít tít – hết pin. Nên tôi đành ngồi “nghe” nhạc mà không chụp thêm được tấm hình nào. Mà chắc thấy tôi im lặng nghe, không hý hoái chụp hình nữa ông cụ lại nghĩ tôi thẩm thấu được tài hoa của mình nên càng mê mải chơi!


PA020640-1.jpg

Còn đây là danh thiếp của các vị khách Diễn Nản từng ghé thăm ông. Có ai trốn chồng/vợ đi chơi Lệ Giang bị đưa lên đây thì kêu bpk rút xuống há!


(tbc.)
 
Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 22.

Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 22.


Hồi lâu, sau khi trình bày xong các thứ nhạc cụ, khí cụ… tôi còn chưa hết ngỡ ngàng, ông cụ bưng ra một chồng CD, rồi tặng tôi một cái. Một CD nhạc của chính ông. Hơi bối rối, nhưng tôi cũng lấy ra 30Y gửi lại ông. Cũng muốn lấy ra nhiều hơn nhưng nghĩ nhanh thấy 100.000đ này ở Sài Gòn CD lậu chỉ 5.000đ/cái tôi có thể mua được đến 20 cái, nên nghĩ chắc ông cụ cũng không buồn lắm. Mà tôi đâu phải trả tiền cho đĩa CD này không đâu há. Mà còn xem như tôi may mắn nữa, vì có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi có được một buổi trình diễn cho riêng mình.


PA020629-1.jpg

Căn nhà đẹp với nhiều nhạc cụ của ông. Có nhiều tấm hình ông chụp chung với các ban bệ, lãnh đạo…


PA020639-1.jpg

CD của ông cụ đây. Tôi còn giữ nó ở nhà, ai muốn nghe thì báo há!


Thực ra, tôi cũng không nghĩ là ông cụ này bán CD đâu vì nhà ông rất khá giả. Nhưng tôi nghĩ rằng hình như ông đang tiếc nuối ngày vàng son, muốn giới thiệu tác phẩm của mình thưở còn oai tráng với du khách. Sau này được xem thêm những tấm hình của các bạn khác chụp ông ở nhiều chỗ khác, tôi càng nghĩ là mình đúng.


PA020647-1.jpg

Tấm hình duy nhất tôi chụp được ông cụ trong bộ lễ phục.


Tên ông cụ là Zuozhen. Không phải tôi nghe từ ông cụ vì nếu ông có nói tôi cũng không biết ông đang nói gì. Tôi biết tên này từ tấm bưu thiếp những người khách ngoại quốc gửi cho ông. Hy vọng giờ ông cụ vẫn còn khỏe để đón chào những người bạn Việt Nam mới.



Âu cũng là một câu chuyện hay về Baisha tôi gặp và nhớ. Còn câu chuyện của bạn?


(tbc.)
 
Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 23.

@HCMC, tưởng rằng cái đĩa còn, nhưng kiếm hoài không ra. Đành sorry vậy!
----------------------------------------



Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 23.


Tôi chia tay Baisha khi mặt trời chiều chợt le lói qua mây dày, sau cả một ngày dài xám mây sầu muộn. Con đường từ Baisha về Shuhe hoa dại rực rỡ hơn trong nắng chiều. Đặc biệt con đường dưới vòm cây xanh lá âm u sáng nay giờ vàng pha những tia nắng muộn, bừng sáng và đẹp.


PA020650-1.jpg

Bóng chiều đã phủ xuống Baisha...


PA020657-1.jpg

…nhưng nắng vẫn vàng con đường xanh gần Thúc Hà.


Lang thang xuống phố mới Lệ Giang, ra bến xe tìm mua vé chuyến xe đầu tiên ngày mai đi Shangri La (tiết kiệm được ít đồng thay vì mua ở nhà nghỉ), tôi về phố cũ Đại Nghiên trả xe đạp, lóc cóc cuốc bộ về lữ điếm Mama Naxi tắm rửa bụi trần của một ngày dài lang thang Thúc Hà, Bạch Sa, và chuẩn bị cho một đêm chia tay Lijiang nồng nàn.


PA010311-1.jpg

Chia tay Lệ Giang, chia tay những con phố đèn lồng đỏ treo cao


PA020009-1.jpg

…chia tay những đêm lạnh một mình một ly bên những con suối hoa đèn rực rỡ.


Đêm Lệ Giang những ngày hội hè tháng mười đông đúc. Các quán bar ven các kênh rạch ầm ĩ nhạc pop rock, làm gì có cảnh hát đối của trai quê gái làng ở hai bên bờ kênh như ai đó vẫn mơ về ngày cũ. Tôi vác bia ra chiếc cầu đá nằm xa quảng trường Tứ Phương vắng vẻ ngồi uống bia một mình, ngắm người qua kẻ lại. Ngắm trời ngắm đất, ngắm những chiếc đèn hoa trôi trên con kênh, bên lũ cá chép đỏ vẫn đua nhau mải miết bơi ngược con nước. Chúng bơi đi đâu về đâu mà suốt ngày dài đêm thâu vẫn thấy chúng mải mê bơi. Có bao giờ mơ về một nơi xa hơn Lijiang không lũ cá kia?


Lâng lâng, lưng tưng, tôi lững thững đi vào Đại Nghiên đêm, làm một vòng cuối trước khi chia tay, vì tôi biết sẽ khó có lần quay lại miền đất mà tôi đã từng ghé đến 2 lần này.


(tbc.)
 
Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 24.

Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 24.


Sau một đêm lạnh ngon giấc, tôi tỉnh giấc thật sớm. Đóng gói đồ đoàn xong, thấy còn nhiều thời gian, tôi nhanh bước về Vạn Cổ Lầu mà mấy bữa nay vì tiếc tiền mua vé nên tôi không lên. Vạn Cổ Lầu là nơi có tầm nhìn bao quát toàn Lệ Giang, nhưng tôi lại chọn sai thời điểm đến đây để chụp hình.


PA030029-2.jpg

Trấn Đại Nghiên còn ngái ngủ trong sương mờ, nhà ai thức sớm còn tặng thêm khói bếp làm cho người gần ra đi lòng sao lãng đãng…


PA030015-2.jpg

Chút nắng hồng bắt đầu le lói.


Nằm ở góc tây trấn Đại Nghiên, lên Vạn Cổ Lầu vào sáng sớm đón bình minh sẽ rất tuyệt cho việc ngắm nhìn những ngón tay hồng dịu dàng của thần mặt trời ve vuốt trên những mái nhà xám còn ngái ngủ trong sương mù lãng đãng. Cảnh thật đẹp nhưng hình chụp lại không đẹp vì bị ngược sáng, nhất là khi bạn chỉ có máy P&S cùi bắp không có các chức năng cao cấp. Nên, đành phải chọn một trong hai, ngắm cảnh đẹp thì đi sáng sớm hay muốn chụp hình đẹp thì đi vào buổi chiều. Còn muốn cả 2 thì sáng ghé rồi chiều ghé. Tôi thì hết cơ hội rồi vì lát nữa tôi sẽ ngược Shangri La rồi.


PA030061-1.jpg



PA030043-1.jpg

Lên cao hơn, gần Vạn Cổ Tự hơn, nắng đã vàng rực những khu rừng xanh.


Đường lên Vạn Cổ Lầu chạy giữa những hàng thông xanh ngắt, treo đầy những chiếc khóa tình yêu. Lang thang trong nắng sớm khi nơi đây còn vắng vẻ thật tuyệt, nhất là sau mấy bữa chen lấn ở Đại Nghiên thì con đường vắng chỉ có tôi với lũ chim, đám sóc trong không khí trong lành mát mẻ của mùa thu cao nguyên quả là một Lệ Giang rất khác.


(tbc.)
 
Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 25.

Thu về trên phố cổ, làng cổ miền Lệ Giang – 25.


PA030064-1.jpg

Ngân lên tiếng Chuống Ước Nguyện này, trời sẽ nghe, đất sẽ thấu hiểu nỗi lòng của bạn.


Không có khóa tình yêu để gửi lại nhờ Lệ Giang giữ gìn, tôi ghé bên Chuông Ước Nguyện gõ những tiếng chuông thanh trong nắng sớm. Không tham lam cầu nguyện nhiều, vì biết xác phàm còn quá nhiều sân si của mình rất khó được chứng, nhưng tôi ước cho hành trình lên Tây Tạng kỳ này của tôi được thông suốt, vì cho đến giờ, những thông tin vẫn tìm kiếm hàng ngày cho thấy những cánh cửa của Tây Tạng vẫn còn đang đóng.


PA030071-1.jpg



PA030070-1.jpg

Vạn Cổ Tự trong nắng xanh mai sớm.


Lang thang quanh Vạn Cổ Tự, tôi giật mình nhìn đồng hồ mới thấy thời gian cho Lệ Giang của mình không còn nhiều. Leo vội lên tầng trên cùng của Vạn Cổ Tự nhìn Lệ Giang cũ mới đã ngập trong nắng vàng hiếm hoi sau mấy ngày mây xám, tôi tiếc nuối nhưng cũng chẳng biết làm sao. Không thể ở lại vì tôi đang hướng lên Tây Tạng, và nếu lần khân nhiều thì visa sẽ hết hạn, việc xin gia hạn rắc rối sẽ tạo thêm rắc rối cho việc xin giấy phép vào Tây Tạng. Nên tiếc nuối ngắm nhìn Lệ Giang từ trên cao lần cuối, tôi chạy nhanh về nhà nghỉ, leo lên taxi của Mama Naxi thẳng tiến ra bến xe, leo lên chuyến xe Lijiang – Shangri La, vẫy chào Lijiang lần cuối, tôi đi.


PA030088-1.jpg

Lệ Giang, nơi giao hòa giữa phố cũ Đại Nghiên và phố mới.


PA030086-1.jpg

Lệ Giang phố mới.


PA030103-1.jpg

Lệ Giang phố cũ.


PA030057-1.jpg

Những mái nhà Đại Nghiên trong ngày nắng tôi chia tay ra đi, sau những ngày thu xám mây sầu.



Lệ Giang, biết bao giờ trở lại?
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 1.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 1.


Phải nói cho rõ là vườn địa đàng phía đông chứ không phải là "Phía đông vườn địa đàng”, tiểu thuyết nổi tiếng của xứ cờ hoa Huê Kỳ đâu nhé. Màu mè chút vì miền đất đẹp Shangri La ở phương đông huyền bí này còn có rất nhiều tên như: Happy Land, Garden of Eden, Utopia... nên tôi bịa cho nó cái tên màu mè này, mà chưa thấy ai khác đặt (?!) – vì thực ra nó nằm ở góc tây của tỉnh Vân Nam.


PA030158-1.jpg



PA030160-1.jpg

Hoa cỏ mùa thu Shangri La lộng lẫy hơn bên những phướn cờ rực sắc


Nguyên là đất của Tây Tạng ngày trước, vùng đất này lúc đầu có tên là Gyeltang (hoặc viết là Gyalthang) theo Tạng ngữ. Chuyển ngữ Hán Việt là Kiến Đường. Sau đó, khi thuộc về Trung Quốc, nó được đổi tên là Zhongdian, Trung Điện. Phố cổ Dukezong của vùng đất này đã có hơn lịch sử 1.300 năm. Cho đến những năm 1990, miền đất này vẫn được biết đến với cái tên Zhongdian.


PA030219-1.jpg

Trong phố, vẫn rực rỡ hoa.


PA030299-1.jpg

Và một hoàng hôn chợt rực lửa sau một ngày xám mây.


Còn Shangri La là tên của vùng đất huyền thoại tuyệt vời của tiểu thuyết gia người Anh James Hilton. Sau khi tiểu thuyết “Chân trời đã mất” / "The lost horizon" của ông ra đời năm 1933, rất nhiều người trên thế giới đã hướng đến các vùng đất phương đông xa lạ, tìm về miền đất thiên đường Shangri La được ông kể đến trong cuốn sách của mình. Mãi đến những năm 1990, người TQ mới "phát hiện" ra rằng, vương quốc xưa Diquing Zang (Địch Khách) của cao nguyên Junnan đã được sử sách Tây Tạng ghi lại với cái tên Shambala / Shangri La (theo nghĩa của nó) và cũng chính là Shangri La được James Hilton đề cập (!?).


(tbc.)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 2.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 2.



PA040440-1.jpg



PA040435-1.jpg

Những sắc màu mùa thu Shangri La.


Lúc mới ra đời hơn 1.300 năm về trước, phố cổ Dukezon hiện nay được đặt tên đó, với nghĩa là: "The moon light city". Sau đó, một thành phố khác, "The sunlight city" được thành lập bên kia sông Nazi, chảy ngang qua 2 thành phố. Và cả 2 thành phố này sau được gộp lại, với tên gọi (theo Tạng ngữ) "Thành phố của mặt trăng và mặt trời".


PA040465-1.jpg

Dòng sông mùa thu rực rỡ sắc màu.


PA040511-1.jpg

Qua những cánh cửa mộc mạc là những ngôi chùa đẹp Shangri La


Sau khi phát hiện và tìm tư liệu chứng minh (!?), vào lúc 21.30 giờ ngày 14.09.1997, TQ đã họp báo tại Zhongdian và công bố vùng đất Diquing của TQ chính là Shangri La. Và đến 17.12.2001, Zhongdian chính thức được đổi tên thành Shangri La, còn được chuyển ngữ thành Hương Cách Lý Lạp hay Hương Cách Lý La. Từ đó làn sóng du khách bắt đầu đổ về vùng đất thiên đường hiền hòa này. Tuy nhiên, do dịa thế hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt cũng như nhiều yếu tố khác, Shangrila ít bị thương mại hóa hơn các phố cổ khác của TQ. Vào ngày 18.09.2005, Shangrila đã vượt qua hàng trăm phố cổ khác của TQ, chiếm vị trí đầu bảng trong cuộc bình chọn "Phố cổ nổi tiếng và duyên dáng" do Đài TH quốc gia TQ CCTV thực hiện.



(tbc.)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 3.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 3.


Phần sơ lược giới thiệu về Shangri La tôi cố gắng tìm nhiều thông tin để làm cho miền đất này tăng chút hấp dẫn (!?), một số hình ảnh đi kèm cũng cố mông má lòe loẹt (!?). Nhưng, thực ra Shangri La không đón tôi bằng chiều thu rực rỡ mà là một buổi chiều mùa thu xám lạ lùng. Mùa thu xám mây đó mang lại cho Shangri La một vẻ đẹp u uẩn, khác với vẻ lộng lẫy khi nhìn thấy những bức hình trời xanh mấy trắng mái vàng tường đỏ…lộng lẫy của Shangri La. Nên buổi chiều đó, Shangri La có một nét đẹp rất lạ, rất phù hợp với kẻ lang thang một mình, và làm lòng đã chùng càng chùng sâu.


PA030151-1.jpg



PA030153-1.jpg

Shangri La chiều thu u uẩn.


Rời Lệ Giang buổi sáng nắng vàng như mật, sau mấy ngày mây xám, tôi tưởng rằng những ngày mây đã qua, mùa thu vàng thảo nguyên đang về. Nhưng sau con đường khúc khuỷu 198km từ Lệ Giang, Shangri La lại đón tôi bằng một chiều xám, như không thể xám hơn được. Taxi đi từ bến xe về phố cổ chỉ 10Y, mà mệt mỏi lắm tôi mới phải đi vì sau 5 giờ nhồi xóc trên xe và đáp xuống ở độ cao 3.200m, cao hơn Fansipan (!?) quá mệt mỏi và gió quá buốt nên tôi đành leo lên taxi. Dừng ngoài phố chính, vì xe hơi không được vào trong, tôi lóc cóc cõng balo ghé vào Dragoncloud GH, lấy một chiếc giường dorm chỉ 25Y/đêm. Các bạn chủ quán trọ trẻ, nhiệt tình và tiếng Anh cũng khá nên giúp tôi cũng nhiều, nhất là thông tin về Deqin cũng như chỉ tôi cách lang thang bằng xe máy ở Shangri La.


PA030212-1.jpg

Những con đường đá quê cũng vắng tênh, buồn hiu…


PA030222-1.jpg

…chỉ có Quy Sơn Tự (Guishan Si) lấp lánh nơi cuối con đường là chút ánh sáng của chiều thu Shangri La này.


Quăng đồ lên giường, tôi lội bộ ra quảng trường, nơi bán đồ ăn, hàng lưu niệm và cũng là sân chơi buổi tối của người địa phương. Làm chai bia lạnh trong buổi chiều thu lạnh, để quen dần với Shangri La, tôi bắt đầu lang thang phố cổ và nhằm hướng chùa Quy Sơn chậm bước.


(tbc.)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 4.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 4.


Chùa Quy Sơn, còn không có tên trong L.P, được nhắc đến nhờ nằm gần Scripture Chamber (Gucheng Cangjingtang) (tạm dịch Tạng Kinh Đường), điểm du lịch duy nhất được nhắc đến của LP trong khu vực nội ô Shangri La. Thật lạ lùng cho một miền đất gọi là Vườn địa đàng? Mà lạ lùng thay Scripture Chamber trông giống như một ngôi chùa Tạng này trước kia chỉ là Nhà tưởng niệm cho cuộc Vạn Lý Trường Chinh của hồng quân Trung Quốc.


PA030135-1.jpg

Tạng Kinh Đường buồn bã xám (nhưng không ngờ bên trong lại rất lạ & đẹp).


Nên lúc đầu, đọc về cái Scriptute Chamber này thoạt đầu tôi không thấy cuốn hút lắm, nhưng thấy không còn chỗ nào đi, cho mấy tiếng đồng hồ còn lại của buổi chiều trời mây xám xịt này nên tôi mới lon ton đến đây. Té ra lại được chiêm ngưỡng một trong những cái “nhất” của xứ sở “thiên hạ đệ nhất nổ”, chiếc Pháp luân chung lớn nhất Trung Quốc!


PA030130-1.jpg



PA030133-1.jpg

Quy Sơn Tự u trầm trong chiều xám


PA030171-1.jpg



PA030136-1.jpg

… nhưng những nét & sắc màu Tạng vẫn rạng ngời.


Nhưng, phải nói với kẻ chưa bao giờ đến Tây Tạng như tôi lúc đó, ngôi chùa Quy Sơn và chiếc đại Pháp luân chung này đã làm tôi ngất ngây vì vẻ lấp lánh sáng đẹp của cả ngôi chùa và chiếc đại chung này, dù bầu trời xám kia như sắp ập xuống Shangri La.


(tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,545
Bài viết
1,153,604
Members
190,116
Latest member
Thangcho07
Back
Top