What's new

[Chia sẻ] Mênh mang vàng thu Tibet

1.


Tibet, nóc nhà thế giới, miền đất của những điều bí ẩn chưa được khám phá, miền đất của các chư thiên, miền đất của những giấc mơ trong mộng, miền đất khát khao của một thời tuổi trẻ si dại… nhưng tôi vẫn chưa một lần được đặt chân đến dù đã bao lần tưởng như Tibet đã gần, rất gần. Đi, là có duyên; đến, là có phước, gặp, là có tình… nhưng khi tôi càng khát khao cố gắng để đến Tibet thì khoảng cách giữa tôi và Tibet càng xa vời vợi. Đã bao lần hành trang đã chuẩn bị, visa đã xin, việc đã bỏ… nhưng rồi dang dở vẫn là dở dang… Do vậy, lần này tôi ra đi lòng nhẹ tênh, chỉ hướng về Tibet, chỉ hướng về những con đường lên Tibet…! Đến được là có duyên, có phước, có tình… không đến được, tôi vẫn còn tôi và con đường và những chuyến đi,... Tôi chọn con đường đi làm mục đích, tôi chọn sự lang thang giữa đất trời mênh mang làm điểm tựa, tôi cất giữ những khoảnh khắc chơi vơi, những niềm hạnh phúc khi bàn chân đặt lên miền đất lạ làm hành trang… để lên đường, để hướng về Tibet.


Một mình, một đêm cuối thu, Sài Gòn mưa đổ mịt mù, tôi đi.


P9200406.jpg

Phu Asa vắng vẻ trên đồi trưa – Pakse



P9200608.jpg

Vat Phou mưa chiều cuối thu – Pakse



P9220123.jpg

Hoàng hôn rực lửa trên dòng Mekong – Siphandon, Pakse


Chập chờn trên chuyến xe đêm, nghe giọng ca liêu trai thì thầm từng sợi tình trong đêm “mai tôi đi, mong cho tình xa quên…”, khi ngoài kia trời mưa đổ, hay sương đêm lăn dài từng hạt chầm chậm, trên kính xe lạnh buốt, như những giọt nước mắt long lanh… tôi thấy lòng mình chùng xuống, như tôi đang rơi vào một hố sâu không đáy thăm thẳm... Có tiếng ai đó thở dài trong đêm hay tôi đang nghe tiếng tôi… Nếu thế này mãi, tôi sẽ không đi được, tôi nhắm mắt và mơ về bầu trời Tibet xanh thăm thẳm để cố ru mình vào giấc ngủ chập choạng mệt nhoài. Có lẽ, đó là 1 trong những chuyến xe chơi vơi nhất trong những tháng ngày lang bạt của tôi. May mắn sao, cuối cùng tôi đã qua được để tiếp tục hành trình.


PA020579-1.jpg

Mái nhà xám hoa vàng rực rỡ – Lijiang



PA020605-1.jpg

Hẻm nhỏ hoa nhỏ ở làng nhỏ – Lijiang.



PA010345.jpg

Hẻm đơn sơ nhưng rực rỡ – Lijiang



P9300202.jpg

Hoa tím mùa thu bên cánh đồng vàng – Dali


Rồi tôi lăn dài, trượt dài qua những tháng ngày lang bạt khi rừng, khi núi, khi suối, khi sông, khi đô thị phồn hoa, khi chốn quê dân dã, khi nắng lên bên rừng, chiều xuống bên sông, khi đêm chơi vơi một mình một bóng liêu xiêu quán lạnh gió khuya về… Từ Sài Gòn, tôi đi sang Lào qua ngõ Bờ Y để vòng lại Vat Phou chiều mưa bay mờ mịt, lạc bước Phu Asa lúc nắng lên trên đồi, chôn chân ở vùng 4.000 đảo Siphandon hiền hòa có những ngày mưa bay trắng xóa đất trời nhưng chiều về hoàng hôn lại đỏ rực thiêu cháy cả con sông dài… Rồi từ Nam Lào, tôi lướt nhanh đến Bắc Lào. Tôi vội vã ngang qua Vientiane, Luang Prabang, Udomxay… để có những ngày buốt giá trên con đường mưa mờ mịt đến miền gái đẹp Luang Namtha, những chiều lang thang một mình trên con đường ven sông hun hút không một bóng người của đất Lào xinh đẹp hiền hòa mến khách.


(tbc.)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 5.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 5.



PA030150-1.jpg



PA030187-1.jpg

Như thường lệ, bên trong các điện thờ này không được phép chụp hình.


Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Shangri La chiều nay vắng vẻ như vậy, vì cư dân TQ vẫn còn đang trong kỳ nghỉ dài ngày quốc khánh. Nhất là khi ở Lệ Giang không xa bên dưới người đi chật đất, quán xá không còn chỗ ngồi. Nhưng có lẽ như vậy cũng may, vì không phải chen lấn với các bạn xí lô xí là hầu như luôn choáng chỗ để dán mẹt, dán mông vào chụp hình, không hề biết là trên đời còn có người khác.


PA030141-1.jpg



PA030143-1.jpg

Các gian điện thờ (như của Đạo Giáo) dưới chân Quy Sơn Tự.


PA030152-1.jpg

Những người dân Tạng đang đi kora quanh Quy Sơn Tự.


Quy Sơn Tự chiều nay cũng vậy, vắng vẻ, chỉ thấy các khách Tây và những gia đình người Tạng. Mà ngôi chùa này cũng lạ. Tuy tôi chưa đi Tây Tạng, đang trên hành trình tìm đến Tây Tạng nhưng tôi biết rằng những gian điện thờ bên dưới ngôi chùa này nhất định không thuộc về văn hóa Tạng, mà dường như thuộc về Đạo Giáo nhiều hơn. Thực ra, trường hợp giao hòa về văn hóa tôi thấy cũng nhiều. Nhất là Shangri La, vì ngày trước thuộc về Tây Tạng, giờ nằm trên đất Trung Nguyên (cả về hành chánh cũng không còn thuộc Tây Tạng) này thì những sự lai này không quá khó hiểu.


PA030162-1.jpg



PA030157-1.jpg

Một ngôi chùa khác, làng quê với những căn nhà mái lợp gỗ nhìn từ chùa Quy Sơn.


Đến Shangri La lúc này, hành trình lên Tây Tạng của tôi vẫn đang mờ mịt, nên thấy những gì liên quan đến Tây Tạng, tôi đều rất chăm chú. Nên sau khi vào trong chùa khấn vái, đi quanh chùa ngó nghiêng, tôi ghé ngang chiếc Đại Pháp Luân Chung, nơi những gia đình người Tạng, và các em bé Tạng đang gồng mình quay chiếc chung đồng dát vàng nặng 60 tấn này!


(tbc.)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 6.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 6.


Không biết các bạn khác thế nào nhưng ở độ cao 3.200m trung bình của Shangri La (có một tài liệu khác lại nói là 3.387m), buổi chiều gió giật đó tôi đi lên những bậc thang của chùa Quy Sơn rất mệt. Ngừng lại nhiều lần để thở. Do vậy, lúc đầu tôi cũng không nghĩ là sẽ quay vòng chiếc Pháp Luân Chung này, chỉ đi những vòng kora thôi. Nhưng khi tôi nhìn thấy chiếc Pháp Luân Chung cao trên dưới 20m to đùng, nặng khoảng 60 tấn đó được chỉ có mấy cô cậu nhóc Tạng, đâu đó trên dưới 6-7 tuổi, đỏ mặt tía tai gồng mình kéo là tôi nhảy vào phụ với các bé quay chiếc Pháp Luân Chung.


PA030168-1.jpg



PA030165-1.jpg

Chiếc Đại Pháp Luân Chung cao trên dưới 20m, nặng khoảng 60 tấn của chùa Quy Sơn.


Rất mệt, thở dốc hồng hộc, nhưng chỉ vài vòng là tôi bắt đầu quen, và thấy ấm, rồi nóng sực cả người. Cởi bớt áo trong áo ngoài, tôi bắt đầu đi những vòng kora cùng quay chiếc Pháp Luân Chung, thầm cầu nguyện cho sức khỏe gia đình và hành trình chân cứng đá mềm của mình. Nhiều, rất nhiều vòng quay và kora để mong sao cho lòng thành được bảo chứng.


PA030180-1.jpg



PA030178-1.jpg

Tôi không thể đứng nhìn khi thấy các em bé này gồng mình kéo chiếc Pháp Luân Chung nặng 60 tấn, nên cùng tham gia với các bé (sau khi chụp hình các bé xong!!!).


Chiều cũng muộn, lang thang Quy Sơn Tự lần nữa, tôi xuống chùa, ghé sang Tạng Kinh Đường (Gucheng Cangjingtang) thăm viếng, tranh thủ trước khi chùa đóng cửa.


(tbc.)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 7.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 7.


PA030140-1.jpg

Tạng kinh đường nhìn từ chùa Quy Sơn.


Tôi cũng thấy hơi lạ là hầu như không thấy các nhóm bạn đi Shangri La ghé thăm ngôi chùa / Nhà tưởng niệm cũ này. Vì bên trong ngôi chùa này rất đẹp. Nhất là với ai chưa đi Tây Tạng như tôi thì nội thất bên trong ngôi chùa với những màu sắc, tranh tượng, cờ phướn… đặc trưng Tây Tạng này quả là hết sức đặc biệt.


PA030200-1.jpg

Tạng Kinh Đường ở Shangri La.


PA030195-1.jpg



PA030193-1.jpg

Và màu sắc hình ảnh Tây Tạng lung linh bên trong.


Nhưng, điểm đặc biệt đầu tiên, vì đúng như vậy, khi bạn bước vào trong khuôn viên chùa là bức tượng đẹp. Dù thật sự có rất rất rất nhiều điều không thích về… tôi phải công nhận bức tượng đẹp về cách thể hiện.


PA030186-1.jpg

Tạng Kinh Đường nhìn từ Quy Sơn. Bạn có thấy cụm các pho tượng?


Bức tượng tưởng niệm về cuộc Vạn Lý Trường Chinh nổi tiếng của Cách mạng Trung cộng. Về mặt nghĩa, tôi thật sự không biết những người dân, nhà sư Tây Tạng có nồng nhiệt chào đón Hồng Quân Công Nông Trung Cộng lúc đó như bức tượng mộ tả hay không? Vì theo những gì tôi đọc được, kể cả những sách truyện dạng “chính truyện” như Thiên Táng (Hân Nhiên),… đều cho thấy rằng ngay khi Đảng CSTQ lên nắm chính quyền, người Tây Tạng vẫn chưa hoàn toàn quy thuận, mãi cho đến cuộc tổng tiến công Tây Tạng 1959… và mãi đến bây giờ vẫn….


PA030204-1.jpg

Pho tượng đẹp ở Tạng Kinh Đường.


Cụm tượng tượng này tạc hình ảnh một nhà sư nâng khăn khatag tặng cho một Hồng Quân Công Nông, đang che chở cho một bé gái đang nép mình bên anh. Nếu thực sự chuyện như vậy có thật (tôi không biết, có ai biết?) thì đây quả là bức tượng đẹp khi nhìn những đường nét hiền từ thanh thoát cao quý của nhà sư. Bên cạnh đó, ghình ảnh người lính Hồng Quân xuất thân từ nông thôn đói nghèo Hoa Lục thời đó cũng được thể hiện nét chất phác bên cạnh vẻ phong trần của người lính. Bàn tay của anh ôm lấy bờ vai nhỏ của bé gái trong trang phục truyền thống Tạng với gương mặt còn đầy vẻ sợ sệt… như đang che chở, như đang an ủi vỗ về…

Thôi thì mong sao trong đời đâu đó vẫn còn có những người tốt và hy vọng cảnh tượng này là có thật! Dù biết chắc là nếu có, cũng sẽ không nhiều….

(tbc.)
 
Đọc bài viết của bạn về chùa Quy Sơn và Pháp luân chung mình lại nhớ đến tình cảnh của mình năm ngoái: một con mèo gầy yếu vì một cơn đau thắt trong ngực trái đã rơi lại đằng sau khi nhóm bạn của nó kéo nhau đi chùa Quy Sơn. Nó ngồi một mình trong một quán nhỏ ấm cúng, trước một tô thịt bò hầm to xụ, một đĩa ớt Hổ Chi xào và một ly rượu to... và phát hiện ra rằng thì ra cơn đau thắt ngực có thể dịu đi khi uống rượu và ăn thịt bò xắt miếng to :D

(P/S: ai bắt chước mình mà có hậu quả nghiêm trọng mình không chịu trách nhiệm đâu đấy! :D)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 8.

@ Mèo Bay, rượu á, nói về rượu có rượu ngay :T , cũng ở Shangri La này. Nhưng bpk không uống bằng bát hay chén đâu, uống cả vò mới đáng mặt giang hồ.


PA040015-1.jpg

Bàn tay nó ôm vò rượu đó!​


Hình chụp với các bạn trẻ TQ, từ Quảng Đông lên Deqin để leo Mai Lý Tuyết Sơn. Trong đêm lạnh Shangri La, thấy bpk ôm vò rượu ngồi một mình (!?) các bạn làm quen và cùng uống rượu. Chuyện sẽ kể sau.


------------------------------------


Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 8.



Chia tay Quy Sơn, tôi lang thang phố cổ và những con đường đi vào làng ven phố cổ.


Những ngôi nhà ở Shangri La này hơi lạ là được lợp mái gỗ, hoặc đất nện, nếu là mái bằng. Lạ ở chỗ là những bức tường cũng được lợp mái, hoặc lợp bằng đất nện, không chỉ ở trong làng cổ mà còn lan sang ở vài nơi phố mới.


PA030212-1-1.jpg

Một con đường quê.


PA030232-1.jpg

Một con đường phố.


PA030228-1.jpg

Một con đường có phố đèn đỏ (!?).


Tường làm bằng đất hoặc đá, hoặc nửa dưới bằng đá, nửa trên đất, chắc có lẽ tùy vào túi tiền gia chủ. Khác với các căn “nhà cổ” ngay giữa khu “old town” làm bằng những cây cột gỗ to đùng một người ôm không hết, vách gỗ đẹp đẽ… các căn nhà quê vật liệu đường dùng nhiều là đất. Có điều tôi không hiểu là tại sao họ dùng mái gỗ, nó có ưu điểm gì hay chỉ là thói quen (vì sau này tôi lang thang các miền Tạng khác cũng thấy họ dùng gỗ lợp mái).


PA030215-1.jpg



PA030126-1.jpg

Hoa đẹp, gái đẹp qua những khung cửa hẹp.


Đường quê vắng vẻ, nhà cửa cũng không khang trang lắm. Những con đường đất, những bức tường cỏ mọc, những mái nhà cỏ úa này sẽ rất đẹp trong những này nắng, khi dậy lên màu vàng nâu đất. Nhưng chiều nay mây xám, những con đường buồn lạ. Chỉ thi thoảng được tô sắc màu khi nhìn lén qua khung cửa hẹp gái tơ nhà ai đang chát chít với người yêu, bè bạn, hay ngôi thêu khăn thêu áo tặng người thương, hay những vạt hoa trong mảnh vườn nhỏ nơi sân trước làm cho khách lạ vui chân hơn.


(tbc.)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 9.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 9.


Các mặt hàng lưu niệm không bao giờ là điều tôi quan tâm. Trong những chuyến đi, chỉ có một lần duy nhất tôi kiếm tìm là là pho tượng 2 vị Phật đang phối ngẫu, rất đặc trưng của Tây Tạng. Mà lạ lùng thay khi tìm đỏ mắt thì không thấy, còn lúc không tìm thì thấy quá trời. Do vậy, quảng trường và những con đường trong phố cổ Shangri La này với toàn là những cửa hàng bán đồ lưu niệm hoàn toàn không hấp dẫn gì tôi cả, trừ mấy hàng bán đồ ăn nhậu :T ở quảng trường. Có thêm chăng là những cô bán hàng xinh đẹp và những cô gái điệu đà trong trang phục dân tộc ngồi đưa đưa đẩy đẩy các khung cửi làm ra vẻ hàng lụa là gấm vóc trong quầy là hàng em nhà làm, tự dệt. Dù "nhà em" ở tít Quảng Đông hay tận Thâm Quyến!


PA030123-1.jpg



PA030111-1.jpg



PA030236-1.jpg

Sơn nữ Shangri La đây! Không xinh bằng gái Đại Lý, Lệ Giang há!


Nhưng phải công nhận rằng “các cô thợ dệt” ở đây không đẹp bằng các cô gái ở Đại Lý, Lệ Giang. Nên thiên hạ cho rằng gái miền đó đẹp nhất TQ quả không sai. Tuy nhiên các cô gái ở đây lại có nét khỏe mạnh của người Tạng, nước da đỏ hồng rắn rỏi tôn thêm nét duyên nên khi diện vào các bộ quần là áo lượt của người Tạng trông các cô càng thêm duyên.


PA030238-1.jpg



PA030105-1.jpg

Đi tới những miền đất lạ, trước tiên tôi thường tìm những hàng quán giữa trời như thế này, để có thể “cảm” tốt hơn với cuộc sống của người địa phương.


PA030247-1.jpg

Nếu câu ngạn ngữ được chép ra ở Shangri La này đúng thì dường như tôi may mắn “đọc” được nhiều sách!!!​


Đặc biệt trong các cô hàng bán đồ nướng ở quán trường có 2 mẹ con, bán ở 2 quầy kế nhau, cô con gái rất xinh xắn. Tôi là khách hàng quen thuộc của 2 mẹ con cô ở đó mấy ngày ở Shangri La. Chỉ tiếc là đến chiều sẩm tối là 2 mẹ con cô đẩy xe hàng về nhà, thay quần áo mới ra nhảy múa cùng bà con. Với tôi thì được xem gái đẹp nhảy múa vẫn không thích bằng xem cô nấu nấu nướng nướng bên bếp than thơm sực nức và có tôi ngồi bên với những chai bia lạnh giữa xứ lạnh nhưng sao bỗng ấm áp lạ lùng!


(tbc.)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 10.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 10.


Lang thang phố cũ mới lẫn lộn, tôi lạc vào một ngôi nhà có niên đại (1.635 AD) còn "già" hơn Tu viện Songzanlin-shi (1.679 AD). Tuy trong nhà có những vật dụng được cho làm làm trước khi căn nhà được dựng lên, nhưng theo tài liệu tôi xem được thì ngôi nhà này được xây vào năm 1635.


PA030116-1.jpg

Những người Tạng vừa đi chợ về…


PA030118-1.jpg

Buồn ngủ quá!


Được xây dựng vào những năm cuối cùng của triều đại nhà Minh, những năm cuối cùng của Sùng Trinh hoàng đế, trước khi triều Minh sụp đổ vào năm 1644 vì thù trong (cuộc tạo phản của Lý Tự Thành) giặc ngoài (cuộc tấn công của người Mãn Châu để hình thành nên nhà Thanh), ngôi nhà này cũng trải qua bao nhiêu sóng gió, nhất là thời kỳ Cách mạng Văn hóa những năm 50 thế kỷ trước. Bản thân ông Abu Wandui chủ nhà cũng bị bỏ tù trong cuộc Cách mạng văn hóa này. Tuy nhiên, theo những người con cháu của gia tộc người Tạng sống ở đây, ngôi nhà vẫn giữ được nhiều thứ là nguyên gốc, kể cả việc sửa sang, trùng tu cũng theo nguyên tắc đó.


PA030241-1.jpg

Thông tin về căn nhà xưa.


PA030245-1.jpg

Bên ngoài căn nhà xưa gần 400 năm tuổi, số 66 Bắc Môn Lộ.


Vào thời Minh, Thanh, phố cổ Dukezong / Shangri La này là một điểm dừng quan trọng của con đường Cha Ma Gu Dao / Trà Mã Cổ Đạo từ Vân Nam, Tứ Xuyên, Thanh Hải lên Thổ Phồn (Tibet). Ngôi nhà số 66 đường Bắc Môn của gia tộc ông Abu Wandui người Tạng chính gốc này là điểm dừng chân yêu thích của các thương gia, được xem như là một caravanserai / khách điếm yêu thích của họ. Nhìn thoáng qua ngôi nhà, cũng có thể biết được phần sân dưới căn nhà sàn này là nơi ngày xưa lũ ngựa đã qua đêm.


PA030240-1.jpg

Trong khoảng sân rộng của căn nhà.


Ngôi nhà của thị tộc Abu trong khu phố cổ Dukezong gần 400 năm tuổi này nhìn bề ngoài vẫn đầy vẻ phong sương chứ không rạng rỡ như các khu di tích, các ngôi nhà cổ của nước X đã và đang bị trùng tu. Bản thân ông Abu Wandui, chủ nhà cũng nhận xét vậy, vì ông nói không muốn “làm mới” lại ngôi nhà (thông tin đọc được chứ tôi không gặp ông cũng như ai đó trong nhà). Tiếc thay là tôi không vào được bên trong dù cổng nhà mở toang. Vì tôi chờ hồi lâu mà vẫn không thấy ai để nhờ mở cửa. Nên tôi chỉ đứng dưới nhà nhìn lên, hồi lâu rồi bỏ đi, hẹn mai mốt quay lại.


Nhưng, những cái “mai mốt” của tôi bao giờ cũng theo gió bay đi!


(tbc.)
 
Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 11.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 11.


PA030122-1.jpg

Một con đường trong khu phố cũ đã được tân trang. Tuy nhiên, con đường đá này cũng khá duyên.


PA030266-1.jpg

Cây cầu mới ở phố mới, thành cầu cũng được đắp đất cho cỏ mọc, như những bức tường trong phố cũ.


Lang thang hết phố cũ, tôi ra phố mới, rồi lại về phố cũ mà buổi chiều cũng chưa hết. Có lẽ vì Shangri La (cũng như Lasha, Tây Tạng) phải tuân theo múi giờ của Bắc Kinh dù miền đất này nằm cách xa biết bao nhiêu là kinh độ cho nên giờ giấc theo đồng hồ ở đây không phù hợp với giờ của ông mặt trời lắm.


PA030229-1.jpg

Tan chợ, dọn hàng về, trả lại quảng trường cho đêm vui.


Phố sắp lên đèn, tôi lại quay về Quy Sơn một lần nữa. Trong ánh hoàng hôn đỏ rực lạ lùng sau một ngày mây mù, ngôi chùa và chiếc Pháp Luân Chung sáng lên rực rỡ khi đèn đêm lên màu, thật đẹp.


PA030249-1.jpg

Chiều còn bảng lảng.


PA030284-1.jpg

Rồi đêm về.


PA030306-1.jpg

Quy Sơn Tự đã lên đèn.


Đêm đầu tiên ở Shangri La, vì ham cái máy tính có kết nối mạng và miễn phí cho khách, nên tôi kẹt trong nhà nghỉ lo chép, lưu hình, lên mạng kể lể với bạn bè nên ra lại phố hơi muộn. Lúc những vòng múa của người dân địa phương đã gần tàn.


PA030312-1.jpg

Các cụ bà Tạng ở quảng trường chính Shangri La.



Tôi lại một mình một bàn nơi quán vắng. Đêm lạnh Shangri La về khuya đèn vàng hiu hắt trong sương mưa. Đẹp não nùng.


(tbc.)
 
Re: Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 9.

Shangri La, mùa thu vừa đến nơi vườn địa đàng phía đông – 9.


Các mặt hàng lưu niệm không bao giờ là điều tôi quan tâm. Trong những chuyến đi, chỉ có một lần duy nhất tôi kiếm tìm là là pho tượng 2 vị Phật đang phối ngẫu, rất đặc trưng của Tây Tạng. Mà lạ lùng thay khi tìm đỏ mắt thì không thấy, còn lúc không tìm thì thấy quá trời

Mình cũng mua được pho tượng phối ngẫu ở Nepal, và một bức tranh phối ngẫu bằng giấy dó, chả có tiền mua kiểu thangka. Dù tiếc đứt ruột. :(
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,694
Bài viết
1,154,848
Members
190,157
Latest member
ngoisaotravel
Back
Top