Re: Mộc Châu - Tà Xùa - Yên Bái - Sapa - Hà Giang - Ninh Bình: đi xong về lấy chồng
(Đây là một đoạn trong sáng tác nhỏ dành cho Sủng Là, và xin hứa với lòng sẽ quay lại đây vào mùa xuân, và ở lại vài ngày)
Anh đến Sủng Là vào một ngày tháng 12. Vốn dự định sẽ chạy thẳng lên Đồng Văn nhưng khi đứng trên con dốc dài có tấm biển ghi hai chữ “Sủng Là” và nhìn xuống thung lung nhỏ bé vây quanh giữa bốn bề đá núi anh lại không muốn đi nữa “Mình chẳng đi đâu mà vội”. Anh nghĩ vậy rồi dừng xe, châm một điếu thuốc rồi đứng đó nhìn xuống những mái nhà nhỏ bé dưới kia xếp cạnh nhau ngẫu nhiên dưới những cây sa mộc từ bao nhiêu năm qua. Người ta bảo Hà Giang mà không còn những cây sa mộc có lẽ sẽ không còn là Hà Giang nữa. Nắng tắt ở con đường sau lung, chẳng có tia nắng nào lọt được xuống thung lung giờ này. Anh kéo cao cổ cái áo khoác rồi chợt rùng mình vì cái lạnh chiều tà. Chẳng hiểu bằng cách nào anh đã sống sót qua 1 tuần rong ruổi ở cái xứ sở lạnh lẽo này “Người ta mơ nhà mơ cửa còn anh mơ núi mơ sông”.
Anh tự nhủ sẽ chạy tiếp xuống thung lung, tìm một homestay để sáng sớm mai trở lại đúng chỗ này, chờ mặt trời lên từ phía vách núi bên kia, chờ khoảnh khắc cả thung lũng ngập trong nắng sớm. Chỉ tưởng tượng thôi anh đã biết phải đứng đúng vị trí này và chụp góc này, góc này. Tự hài lòng với ý nghĩ đó anh nhả một hơi khói dài.
Sủng Là – cái tên thật đẹp. Mà thật ra ở Hà Giang có hàng trăm cái tên đẹp như thế, những Yên Minh, Quản Bạ, Phó Bảng, Phố Cáo, Mèo Vạc, Du Gìa… cái tên nào cũng gợi cho người ta một niềm hoài cổ miên man. Anh tìm được đến homestay khi bóng tối đã ập xuống. Chủ homestay là một ông bác ngoài 60, người Kinh và sống một mình. Giữa cái mùa chẳng có lúa, chẳng có đào mận, cũng chẳng phải cuối tuần thì việc anh là khách trọ duy nhất ở đây cũng chẳng có gì là khó hiểu.
- Uống vài ly táo mèo với tôi cho ấm chứ? – ông bác chỉ vào cái chai nhựa vàng đục trên bàn cùng đĩa lạc rang sẵn. Anh đương nhiên không từ chối.
- Có một cô nữa, đến đây từ sớm, vừa để đồ đạc đấy là lại đi chơi nữa rồi – ông bác chỉ chiếc ba lô và cái tripod chỏng chơ góc nhà. Có thể là một cô nàng nào đấy thích chụp hình, hay đấy.
Cuộc đời chụp ảnh dạo đã đưa anh đi dọc ngang dải đất này. Chẳng biết đã bao lần lật đật vác ba lô ra sân bay giữa nửa đêm, bao nhiêu lần gật gù ở bến xe quạnh quẽ nào đấy, bao nhiêu lần nhìn bình minh rồi hoàng hôn qua cửa kính toa tàu. Nhưng Hà Giang là nơi anh đặt chân đến lần đầu. Vậy mà trước giờ anh vẫn nghĩ Hà Giang ở Tây Bắc, trong khi rõ ràng Hà Giang là tỉnh Đông Bắc, và anh không thích điều đó nhưng biết làm sao được. Tối qua lúc chếnh choáng trong men rượu ngô và bắt đầu đàm đạo với ông bác về những chuyện đông tây nam bắc, ôn đã hỏi anh sao lại đến vào mùa này, chẳng có gì đẹp mà chụp ngoài đá tai mèo và gió. Sao anh không đến đây vào mùa xuân khi hoa cải hoa đào nở, khi người H’Mong bắt đầu đốt khói trên nương chuẩn bị mùa làm rẫy mới, khi đến đâu cũng dễ dàng gặp một người đàn ông H’mong say ngật ngưỡng bên vệ đường? Anh cũng không biết, chỉ là mùa đông ở Hà Giang với anh là một trải nghiệm rất khác, chưa từng có trong đời. Còn mùa xuân, hoàn toàn là một cái cớ hay cho việc quay lại đây.
Còn bây giờ, nhờ ông bác chỉ đường tắt vòng vèo men theo chân tường của những ngôi nhà có bờ rào đá mà anh không phải chạy xe trong cái rét căm căm lúc sáng sớm ngược lên con đường dốc và mấy chục khúc cua tay áo hôm qua. Có điều việc đi bộ lúc sáng sớm theo con đường này làm anh thở hụt hơi phì phò. Sau lưng anh hừng đông đã rực hồng báo hiệu mặt trời sắp ló dạng, anh dồn bước anh hơn. Lên tới ngã ba chiều qua thì đã thấy 1 tripod dựng sẵn với máy ảnh gắn sẵn trực chỉ hướng bình minh. Cô gái ngồi đó, ngay trước cái chân máy, trên đầu là chiếc nón len đỏ, áo khoác đỏ chẳng mảy may nhận ra sự xuất hiện của anh phía sau.
Phía trước họ, mặt trời nhú dần từ sau rặng núi đá xám xịt, dưới thung lũng nắng len lỏi quyện cùng làn sương mỏng, một khung cảnh chẳng biết lấy gì để đánh đổi.