What's new

Một năm 300 chuyện tình

Có những chuyện tình mà người ta không dành cho một người nào đó, mà chẳng qua chỉ là những giây phút người ta được sống với những kỷ niệm nào đó. Một chuyến đi, chẳng hạn. Một năm, hay chính xác hơn chỉ là 10 tháng, tôi đã trải qua không biết bao nhiêu những cuộc tình, có cuộc tình lớn như cả cái nỗi nghẹn ngào khi nhắc về nó, cũng có cuộc tình nho nhỏ mà cũng đủ làm mỉm cười khi nhớ lại những ký ức ức xưa.
Một ngày đầu tháng 10, chuyến bay đưa tôi rời xa cái dải đất hình chữ S, xa Sài Gòn ồn ào, vội vã mà tôi đã học suốt 4 năm, để rồi, sáng hôm sau, chính xác là 7g với cái múi giờ GMT+2, tôi có mặt ở Charles De Gaulle. Đó là lần đầu tiên, tôi được biết, khái niệm mặt trời mọc lúc 7:30 là như thế nào.
Sau một thời gian dài chờ, tôi được chuyển sang chuyến bay tiếp theo, nhỏ hơn. Cô tiếp viên hàng không người Pháp nhìn tôi một cách trìu mến (dù sao này tôi có mất thiện cảm với người Pháp như thế nào thì cô ấy vẫn là những người tuyệt vời nhất mà tôi từng gặp), ân cần hỏi tôi muốn uống những loại nước ép gì, ăn loại bánh qui gì. Ông kiến trúc sư đồng hành người Nhật cũng làm tôi bớt mệt mỏi khi được cơ hội trổ ra cái vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình (mà sau 10 tháng này, tôi sẽ quên không còn một chữ!).
Chuyến bay đưa tôi qua một cánh đồng dài bất tận. Bên dưới là những làn mây trắng, mỏng như khói. Xa xa, phía trước mặt là một dải màu trắng khác mà tôi cứ nghĩ đó cũng chỉ là những gợn mây. Ồ không, đó là tuyết trắng, là dãy Alps vĩ đại. Toàn núi là núi, trùng trùng điệp điệp. Tôi những tưởng cứ mở cửa máy bay, đưa cánh tay ra là chạm được vào dãy núi cao nhất châu Âu này. Bây giờ là đầu mùa thu, vậy nên những tảng băng tuyết này chắc cũng sẽ mãi mãi như thế, không bao giờ tan ra, tôi nghĩ.
Lại thêm một cánh đồng nữa, rộng lớn, tôi thấy những ngôi làng nho nhỏ, toàn mái ngói màu đỏ, nằm chơ vơ giữa những cánh đồng như thế. Và rồi, lại một dãy núi nữa. Tôi không biết đây là dải núi gì, bởi vì trong kiến thức chuẩn bị sẵn của tôi thì hoàn toàn không có nó.
Chuyến bay đưa tôi vượt qua dãy núi này, ôi thôi, một màu xanh ngắt hiện ra trước mắt tôi. Là Địa Trung Hải! Là cái biển nội địa to nhất thế giới. Là nơi tôi vẫn hằng mơ ước được tắm một lần trước khi chết đây sao? Nhìn kìa, bên cạnh bờ biển, những tòa nhà vuông vức nhô lên, len lỏi giữa những rặng núi. Chiếc máy bay bay là là, là là, thấp dần...
13:30, máy bay đáp xuống sân bay Christoforo Colombo.
Vậy là tôi đã hoàn thành xong việc bắt đầu cho chuyến hành trình đi tìm những chuyện tình của mình.
Chuyện tình ấy mang tên Châu Âu
Chuyện tình ấy mang tên nước Ý
Chuyện tình ấy mang tên Genova...
 
1. Genova
Sau một hồi chờ hành lý, tôi gặp phải khó khăn đầu tiên, đó là không có tiền lẻ để trả cho chuyến xe Volabus về trung tâm thành phố. Quả là không lường trước trường hợp tiền mang theo đã đổi chỉ là tiền chẵn (100euro), nên tài xế từ chối thối lại tiền bằng cái giọng tiếng Ý khó hiểu đến đáng sợ (mà sao này tôi lại thấy đáng yêu vô cùng). Tôi phải loanh hoanh một hồi mới có thể tìm được ATM mà rút tiền.

Chuyến xe đưa tôi đến ga Brignole. Trên đường là những toà nhà cổ kính, điển hình kiến trúc châu Âu. Genova lúc ấy trong tôi như chứa nét gì đó của xa xăm, của thời trung cổ, của sự vĩ đại đế chế La Mã, của Địa Trung Hải...

Hơn cả thế, tôi nhớ là tôi đã có một cảm xúc rất mạnh khi mà, à thì ra đây là thành phố "của tôi" ở châu Âu này, là thành phố đầu tiên tôi đến, trời ơi, sao mà nó cổ kính, sao mà nó lại hùng vĩ đến thế.

Chiếc xe đánh một cái vòng quanh Porto Antico, nghĩa là Cảng cổ. Sau này tôi mới biết ở Genova có hai cảng, cảng cũ và cảng mới, và đó cũng là bến cảng lớn nhất của Ý và thứ hai Địa Trung Hải, chỉ sau Merseille của Pháp. Trời ơi, không thể tin được. Hàng trăm chiếc du thuyền xếp lớp lớp. Có cả một chiếc to như Titanic, chắc là chở khách đi chuyến xa.

Tôi bảo với bác tài xế cho mình xuống ở ga Brignole, nhưng tôi lại đọc là Bờ-rít-nô-lê (do lúc đó vốn tiếng Ý của tôi chẳng có gì, chính xác phải đọc là Bờ-ri-nhô-lê!), nên ông ấy chả hiểu gì. Tới ga Principe, ổng bảo tôi xuống, nhìn ra bảng hiệu, không giống, không phải, cho con đi tiếp đi ạ. Lúc ấy ông ấy mới hiểu, à thì ra là Brignole.

Ga Brignole là một tòa nhà cổ kính có lịch sử hơn 100 năm nằm dưới sườn núi, nhưng từ ga đi thẳng một con đường lớn ra tới bờ biển chỉ khoảng vài trăm mét. Điều đó cho thấy sự nhỏ hẹp của dải đất ven Địa Trung Hải là như thế nào. Phía sau nhà ga là một vách núi đá cao hơn cả trần tòa nhà (mà sau này mỗi ngày tôi phải leo lên những cái dốc này một cách thảm thương!). Ga nằm ngay vị trí trung tâm của thành phố. Phía trước ga có một trạm xe bus lớn với cả 4 làn đường.

Đón tôi tại ga Brignole (tiếng Việt đọc là B-ri-nhô-lê) là anh Khoa, một anh du học sinh đến trước tôi khoảng 2 tuần. Anh Khoa chỉ tôi cách mua vé xe buýt. 1,5EU một vé 100 phút. Ở đây người ta tính theo phút chứ không tính theo vé như ở Việt Nam. Và nếu quy đổi sang tiền Việt thì đó là 45.000 VNĐ. Quả là một số tiền xa xỉ đối với người Việt, nhưng tôi biết, và những ai đọc những dòng này cũng nên nhớ, tôi đang ở châu Âu! Quả là hơi nhảm nhí khi tôi phải căn dặn như thế, nhưng quả thực tôi đã phải nhủ lòng rất nhiều lần rằng đừng đổi tiền sang Việt Nam, nếu không sẽ tiếc đứt cả ruột. (Sau này tôi mới biết thêm nhiều cái đắt hơn, chẳng hạn tiền nhà một tháng bằng một năm ở Việt Nam!)

Chiếc xe buýt đưa tôi đến Ostello (Hostel). Nằm trên lưng chừng dốc, nên chiếc xe phải chạy theo đường zig-zag làm tôi khá mệt sau chuyến đi dài đằng đẵng.

Và xin nói rõ cho những ai đọc được biết, tôi sẽ gọi thành phố này là Genova, mà không phải là Genoa theo tiếng Anh, vì tôi đã lỡ yêu phải nó mất rồi, tôi không muốn đánh mất âm 'v', một trong hai mươi mốt ký tự của tiếng Ý.

Thế là tôi đã đến được Genova, vào một ngày đầy nắng...
 
Last edited:
Bạn up hình lên photobucket rồi copy link
 
2. Pasta

Tình yêu thứ hai của tôi sẽ không phải là cái đồ ăn! Không phải là cái món quá nổi tiếng của Ý là pizza hay quá ngọt ngào như kem, mà là cái món bình dân nhất, trong tiếng Việt chúng ta gọi là... mì Ý, la pasta italiana.

Có thể nói, như người Việt ăn cơm, người Ý ăn pasta. Pasta là một món phổ biến đến mức độ người ta không nghĩ nó đặc biệt, kể cả người Ý. Pasta được đưa ra nước ngoài, tràn ngập trên các siêu thị từ Âu sang Mỹ hay Á. Không ai không biết pasta. Mấy bộ phim Hàn Quốc cũng lấy luôn cả cái tên pasta để làm tên một chuỗi drama dài tập.

Đố các bạn biết có cả thảy bao nhiêu loại pasta? Mười? Hai chục? Ôi thôi! Có người đã đếm tới hơn 80 loại khác nhau. Pasta đặc biệt nhất là loại sợi dài, gọi là spaghetti. Chợt nhớ, ở Việt Nam có cái mì gói với... sốt spaghetti. Thiệt là người phát minh ra món đó đáng bị đem ra xử tội bằng cách bắt ăn spaghetti suốt 10 năm, tôi nghĩ.

Pasta loại hình ống là phổ biến nhất. Tuy nhiên, có loại ống ngắn, ống dài, ống to, ống nhỏ, ống trơn, ống có rãnh, ống cắt đầu vuông góc hay cắt chéo... Không biết khi nào mà kể hết. Tiếp theo là pasta hình bướm. Bướm to, bướm nhỏ đủ loại. Rồi có loại pasta nhỏ xíu mà ở Việt Nam nhà mình thường hay nấu súp. Có loại pasta dài nhưng bề mặt phẳng và to hơn spaghetti, có loại sợi dài nhưng to hơn spaghetti, bên trong có lỗ rỗng...

Và có những món ăn khác lại mang tên khác dù bản chất cũng chỉ làm chính từ pasta. Như spaghetti chẳng hạn. Một món khác nổi tiếng xuất xứ từ thành phố Bologna là lasagna. Ai đã từng xem chú mèo Garfield chắc sẽ nhớ món ăn ưa thích của chú mèo này. Pasta để làm lasagna là loại bản to hình chữ nhật, rồi quệt nước sốt lên, rồi lại chất tiếp một lớp khác lên...

Nấu pasta cũng là một nghệ thuật cơ bản. Lần đầu tiên tôi tự nấu pasta, tôi loay hoay mãi không biết khi nào mới chín. Vì vậy gặp ai tôi cũng hỏi kinh nghiệm. Có bạn chỉ tôi bóp nó, nếu mềm hẳn là chín rồi. Có bạn chỉ tôi cắn, nếu không thấy đường máu trắng ở giữa vết cắn là chín rồi (báo hại tôi cắn rồi vứt gần cả nửa nồi!). Có bạn chỉ tôi nhìn màu sắc, tôi nhìn lóa cả mắt cũng không phân biệt được thế nào là màu nhạt, thế nào là màu đậm chưa chín.

Sau này một cậu bạn cùng phòng người Philippine chỉ tôi nhỏ một vài giọt ôliu vào trong nồi nước đun, pasta sau khi chắt nước sẽ không bị dính. Còn nấu spaghetti còn gian nan hơn nữa. Tôi thậm chí không biết làm thế nào để nấu một lượt cả một sợi dài. Thế là, tôi... bẻ làm hai. Thằng Filippo bảo tôi điên, cười tôi một trận đã đời.

Sau này, khi tôi quen một mamma người Ý. Bà ấy dùng sợi spaghetti xỏ ngang qua mẩu xúc xích rồi nấu. Tôi ăn ngon đến nỗi thốt lên câu: Belin che buono! Cả nhà nhớ mãi và quyết định đặt tên món đó là như thế luôn. Xấu hổ quá đi mất. Che buono có nghĩa là ngon quá trời. Còn belin là từ xấu trong thổ ngữ Genova!

Phần quan trọng nhất trong món pasta phải kể đến nước sốt. Hàng trăm loại nước sốt khác nhau! Khác đến từng vùng, từng thành phố, từng xóm, thậm chí từng nhà. Filippo mỗi lần về quê ở Perugia là lại đem nước sốt do chính bố cậu ấy làm. Mamma của tôi thì có công thức làm nước sốt riêng của bà ấy. Ở nhà ăn của trường thì chủ yếu các loại với cà chua. Có khi là cà chua chỉ xay nhuyễn thôi. Có khi là lagu, loại mà tôi rất thích. Tóm lại là nhiều đến nỗi, nếu không phải là người Ý, à mà cũng có khi ngay cả là người Ý, bạn cũng không thể nào biết nổi hết tên các loại nước sốt đâu nhỉ?

Loại nước sốt rất nổi tiếng của Genova là pesto. Người Ý nói lá basilica của Genova là ngon nhất Ý, vì vậy họ đã chế tạo ra loại sốt màu xanh, tên là pesto để ăn với pasta. Tôi thú thật là không thích món này lắm, nhưng phải đề cập vào để các bạn được biết mà tìm thưởng thức một lần ấy nhỉ?

Thêm một thành phần khó chịu của pasta nữa là... phô-mai. Người Việt mình chưa quen lắm với phô-mai. Nhưng ở châu Âu, người ta ăn phô-mai như ăn bánh. Vì tôi sẽ có một tình yêu riêng dành cho phô-mai nên không tiện nói kỹ hơn ở đây.

Lần đầu tiên tôi ăn pasta ở nhà ăn trường, bà phục vụ hỏi: phọt-mát-giồ? Tôi mà hiểu được cái từ đó là gì, tôi chắc không đến nổi khốn khổ đến như thế! Mấy đứa bạn xếp hàng sau lưng nhẫn nại giải thích bằng tiếng Anh (rất hạn hẹp): bla bla bla. Không hiểu! Thực ra là tôi biết phô-mai chứ, nhưng không biết là nó được ăn với pasta đâu? Cho nên lần đầu tiên bao giờ cũng là lần kỷ niệm. Ok, cứ cho đi, tôi ăn thử được mà! Loại phô-mai được dùng với pasta là loại to đùng, được bào nhuyễn ra để rắc lên trên, có vị mặn và béo. Và tôi nghiện phô-mai từ đó.

PS: đố các bạn đếm được, có bao nhiêu loại pasta trong hình sau? ^^ Ai đoán đúng có thưởng!
2011-11-06151201_zpsac8096bb.jpg
 
3. Giờ giấc
Đêm đầu tiên ngủ tại hostel, tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng. Đêm thứ hai, tôi giật mình lúc 4 giờ 30, phát hiện máu từ mũi chảy ra ướt cả chiếc drap bao gối màu trắng. Tôi hoảng sợ, lao ra khỏi phòng, tìm mọi cách để cầm máu. Cũng may, chỉ vài phút là khỏi. Thế là tôi thức đến tận sáng. 7g15 mặt trời bắt đầu ló dạng.
Ngày thứ ba, thứ tư bắt đầu tốt hơn, tôi đã có thể thức dậy lúc 6g. Lúc đó còn là giờ mùa hè, sự sai lệch múi giờ chỉ là 5 tiếng, tức 11 giờ Việt Nam. Đến tối thứ tư, tôi rút kinh nghiệm, cố thức cho thật khuya, đến tận 12g (tức 5 giờ sáng ở Việt Nam) và bắt đầu quen với sự thay đổi múi giờ từ sáng hôm sau.
Người Ý làm việc theo giờ khá khoa học. Tôi chỉ dám dùng từ “khá” ở đây vì chắc ai cũng rõ về việc sự trễ giờ của người Ý! Sau này, khi tôi có những người bạn cực kỳ thân rồi, khi hẹn nhau, tôi phải luôn… đi trễ ít nhất 15 phút thì mới thích hợp, trừ khi phải bắt tàu. Mà tàu ở Ý thì cũng rất là trời ơi đất hỡi về giờ giấc.
Một lần, tôi bắt chuyến tàu sớm từ một thị trấn nhỏ tên là Limone ở vùng Piemonte về Genova. Theo vé tàu thì tôi phải đổi tàu hai lần, tức là đi ba chặng, tổng cộng khoảng 3 tiếng rưỡi. Chuyến tàu từ nhất đến đích trễ, tôi lỡ mất chuyến thứ hai. Phải bắt xe bus (miễn phí vì được sử dụng vé tàu) đến chặng thứ hai. Ở điểm thứ hai, chuyến tàu thứ ba bị hủy, phải chờ chuyến tiếp theo. Kết cục là tôi phải mất gần 9 tiếng để đi chặng đường gần 150km! Thật thú vị theo kiểu Việt Nam!
Trở lại vấn đề giờ giấc khoa học, thú thật, tôi ưa dùng giờ châu Âu hơn so với giờ Việt Nam. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chỉnh sớm hơn một tiếng so với giờ Việt Nam thật. Các bạn thử để ý (và tranh luận với tôi thử) xem, ở Việt Nam, giờ chính thức làm việc là giờ nào? Muôn vạn câu trả lời! Ở cơ quan Nhà nước thường từ 7 giờ tới 11 giờ, nghỉ trưa hai tiếng rồi tiếp tục tới 5 giờ. Một số doanh nghiệp thì từ 8 giờ tới 12 giờ, rồi nghỉ chỉ một tiếng rồi lại làm đến 5 giờ. Còn doanh nghiệp nước ngoài, đa số từ 9 giờ, nhưng do thói quen ăn trưa của người Việt lúc 12 giờ, nên buổi chiều phải làm năm tiếng đến 6 giờ. Thử hỏi có hợp lý không? Và như thế ban đêm bạn thường ngủ mấy tiếng?
Người Ý làm việc từ 9 đến 13 giờ và từ 2 đến 6 giờ. Chính xác 8 tiếng và 1 tiếng nghỉ trưa. Và theo thói quen, thường người ta đi ngủ lúc 11 đến 12 giờ đêm. Vậy người Ý có đủ 8 tiếng để ngủ, còn người Việt chỉ có 7 tiếng (nếu giờ làm việc bắt đầu từ 8 giờ). Vì vậy nên người Việt cần ngủ trưa! Và sau giấc ngủ trưa thì người ta phải cần một thời gian để “lấy hồn lại”. Và dĩ nhiên, hiệu suất làm việc, theo tôi, không thể bằng người châu Âu được. Một điều nữa là vì thế buổi tối của họ ngắn hơn, họ chỉ dành thời gian đó cho gia đình. Chỉ có cuối tuần mới thỏa sức vui chơi.
Ở châu Âu, hay cụ thể là ở Ý, người ta đã dịch múi giờ để sao cho giữa trưa phải là 13 giờ, và thời gian mặt trời trong ngày chủ yếu từ 7:30 sáng đến 7:30 tối. Những ngày đầu tiên, tôi phải thức chờ rất lâu cho mặt trời mọc. Buổi tối cũng hơn 19 giờ mới tối. Và phát hiện ra điều vô cùng thú vị này. Thế nhưng, chỉ hơn hai tháng sau, trơi ơi, một vài khái niệm mới xuất hiện mà tôi không hề nghĩ tới trước đây, “bốn giờ sáng sớm”, “bốn giờ tối”. Hay sang mùa hè, “9 giờ chiều”! Thật là lạ lùng và buồn cười. Tự ngẫm, nếu như giữ thói quen như ở Việt Nam, đi ăn tối lúc 5 giờ và đi ngủ sớm lúc 9 giờ, sang Ý, chắc người ta sẽ cười tôi là khùng mất!

PS: bài viết này có lẽ sẽ nhận đựoc nhiều ý kiến phản đối. Nếu có, các anh chị em mình nói chuyện nhỏ nhẹ để cho tớ có hứng kể lại tiếp nhé. Cảm ơn nhiều!
 
4. Hành chính
Xin nói trước, chương này là một tình yêu thảm hại. Tôi sẽ toàn là chê mà thôi. Các bạn thông cảm!
Hành là chính! Chắc ai cũng biết như thế khi nói đến các nước Nam Âu. Người ta thường hay chê trách việc họ đi làm trễ về sớm, họ chỉ lo ăn chơi… Nhưng nên nhớ rằng Ý và Tây Ban Nha cũng là những quốc gia có nền kinh tế lớn thứ tư và thứ năm của châu Âu đấy nhé!
Tôi xin cảm ơn anh Phùng Thanh Khoa, một du học sinh làm Phd tại Ý, người bạn ở nước ngoài của tôi đầu tiên. Những ngày đầu tiên, anh đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Anh chỉ tôi chỗ để nộp hồ sơ, người có thể nói tiếng Anh và giúp được tôi hoàn thành thủ tục. Anh dẫn tôi đi tới nhà ăn, rồi ký túc xá…
Francesca là nhân viên phòng quan hệ đối ngoại, người hỗ trợ tôi làm thủ tục nhập học rất nhiều. Chữ cái cuối cùng trong tên là chữ “a” nên là phụ nữ. Cô ấy tử tế đến mức, tôi phải tặng ngay một món quà nho nhỏ mang từ Việt Nam sau khi mọi thủ tục hoàn tất.
Việc đầu tiên là đăng ký hồ sơ nhập học. Một đồng hồ sơ, toàn tiếng Ý! Nhân viên phòng ban đó, toàn nói tiếng Ý! Francesca giúp tôi dịch từng chữ sang tiếng Anh để tôi điền. Tôi thấy tự trách mình ghê gớm. Đến chữ đơn giản nhất là “Nome” nghĩa là “Tên” mà cũng không biết, lấy gì hiểu từ “Cognome” nghĩa là “Họ”. Rồi Francesca phải bỏ thời gian giải thích cho tôi thế nào là tên, thế nào là họ của người phương Tây để tôi điền cho chính xác. Vừa xong, hết giờ làm việc! Đồng hồ lúc đó điểm 11 giờ. Và phòng không làm việc buổi chiều! Bó tay.
Hôm sau, tôi trở lại, Francesca giúp tôi hoàn thành tất cả những giấy tờ liên quan tới thủ tục nhập học, thủ tục làm thẻ cư trú, thủ tục cấp giấy bảo hiểm. Sau đó, không nói không rằng, bảo “Đi theo tôi!”. Thế là tôi lại tò te theo gót cô ấy đi đến Tabacchi (tiệm tạp hóa) gần nhất để mua một con tem. Tem này là tem hành chính, giá đắt gấp 15 lần một lần gửi thông thường ở bưu điện (khoảng 17 euro so với 1,2 euro, trả tiền xong, tôi mếu máo).
Xong, cô dẫn tôi sang bưu điện, chỉ tôi cách bắt số thứ tự để chờ đến lượt. Do bưu điện sắp sửa đóng cửa, trong khi số của tôi còn… vài chục người nữa mới tới. Vì thế chúng tôi rẽ sang ngân hàng Carige.
Nhắc tới ngân hàng, tôi cam đoan rằng ngân hàng Việt Nam tốt hơn gấp bội! Cũng may, chúng tôi đến lúc không có ai cả nên không phải xếp hàng. Sau một màn chào hỏi giữa hai người bạn thân lâu ngày gặp lại (Francesca và nhân viên ngân hàng) mà tôi cam đoan rằng không dưới nửa tháng. Tất nhiên là bằng tiếng Ý, và tôi lại bị đơ ra, ngồi ngất ngây như con gà Tây.
Cô nhân viên nói tiếng Anh rất tệ, nên Francesca lại phải giúp tôi dịch từng chút từng chút, hoàn thành cả cái bộ hồ sơ “vĩ đại” của ngân hàng. Sau đó thông báo tôi một cách rất nhẹ nhàng, tình cảm mà tôi nghe như sét đánh ngang tai: 10 ngày sau mới có thẻ, có thẻ xong mới làm hồ sơ học bổng, sau đó phải chờ 10 ngày sau mới có tiền! Tôi sẽ bị đói!
Buổi chiều tôi đi ra bưu điện, lại thêm một cửa ải kinh hoàng nữa. Toàn bộ nhân viên, toàn bộ ông già bà già, toàn những nụ cười nhăn nhúm theo kiểu Bắc Ý (mà sau này tôi được biết là ở miền Nam người ta thân thiện hơn), toàn bộ một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết! Tôi ú ớ, dùng hết mọi khả năng tiếng Ý học lõm bõm mấy ngày, với toàn bộ ngôn ngữ cơ thể để diễn ta. Cuối cùng cũng hoàn thành tất cả để gửi cho sở cảnh sát. Giấy hẹn 20 ngày đến lấy dấu vân tay. Nghe nói sau đó còn phải chờ 2 tháng sau mới có thể cư trú. Mà có thẻ cư trú tôi mới có thể đi ra nước ngoài hợp pháp được. Vô cùng… Ý!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,646
Bài viết
1,154,433
Members
190,155
Latest member
ncvinh123
Back
Top