What's new

Myanmar trong tôi ... là thật nhiều cảm xúc!

Tháng 3, 2014, hãng hàng không Quốc gia chào bán vé giá rẻ 1 số chặng bay trong nước và quốc tế. Chặng bay từ Hà Nội tới Myanmar cũng nằm trong số đó. Do đó, tôi đã rinh được vé cho hành trình mơ ước từ rất lâu này!
Hình ảnh về đất nước và con người Myanmar có trong tôi từ cách đây những 4, 5 năm gì đó. Từ khi tôi đọc "Myanmar trong tôi là bóng mặt trời" hay "Myanmar, miền đất vàng hồn hậu" trên Phượt, tôi đã luôn nghĩ về hình ảnh những ngôi chùa vàng, chiếc cầu UBein ở Mandalay hay quần thể chùa tháp ở Bagan trong hoàng hôn hay bình minh sương sớm!
Trên Phượt có thật nhiều topic tổng hợp về miền đất xa lạ mà quá đỗi thân quen này, tôi đọc miết, nung nấu và giờ tôi ngồi đây gõ những dòng này khi trong đầu còn chưa vơi chút nào hình ảnh và tình cảm về đất nước và con người nơi đây!

Sau chuyến đi chơi Krabi - Bangkok vào cuối tháng 4, cả tháng 5 tôi dành cho nghiên cứu về Myanmar. Từ sắp đặt hành trình, thời gian, địa điểm, book phòng, book vé di chuyển,... tất cả tôi lọ mọ làm cả. Hành trình này, về thời gian cho chuyến khứ hồi Hanoi-Yangon, tôi đã book theo 1 số bạn trên Phượt, do đó, đi về là cố định rồi. Tôi hy vọng rằng sẽ cùng các bạn lập thành 1 nhóm đi chung cho vui hoặc chí ít là share chi phí taxi ở 1 số chặng. Tuy nhiên, bể show hoàn toàn do có người bận việc gia đình, có người muốn đi theo lịch trình của riêng họ. Đến gần ngày đi, có 2 cô bé muốn tham gia, nhưng cuối cùng 1 cô k đặt được vé rẻ từ Sing đi Myanmar, còn 1 cô thì cũng k mua được vé rẻ Hanoi-Yangon nên để dành cho chuyến Châu Âu sắp tới. Thế là nhà tôi 1 mình 1 lịch trình!

Hàng ngày tôi nghiên cứu các topic, email cho Minthu (1 bạn tour guide ở Bagan đã được khá nhiều phượt tử chia sẻ trên Phượt) hỏi giá các chặng, hỏi nên đi ra sao; tôi email đặt chỗ qua 1 số hãng hàng không. Từ thư trả lời của họ, tôi reply hỏi đủ thứ ở Myanmar. Thật đáng yêu làm sao, từ Minthu đến các bạn ở các hãng hàng không, họ đều thư lại trả lời tôi rất nhiệt tình. Có hôm, chỉ 1 buổi chiều, tôi thư đi, nhận lại hơn chục lá thư với 1 bạn ở Air Myanmar. Tôi định mua 1 món quà tặng bạn ấy khi sang đó, nhưng sau đó tôi lại k book vé của hãng bạn ấy, nên tôi k có cơ hội gặp.

Đó là tình cảm đầu tiên, trực tiếp tôi cảm nhận khi làm việc với người dân Myanmar. Họ rất nhiệt tình, rất thân thiện và hiếu khách!

Sau khi đọc được chia sẻ của 1 nhóm mới đi về hồi tháng 5, họ đã book vé của Golden Myanmar Airlines (GMA), 1 hãng hàng không giá rẻ mới ở Myanmar với giá nội địa rẻ nhất trong các hãng, thanh toán trực tiếp khi book bằng thẻ Visa/Master Card (không như các hãng khác chỉ là reservation, trả tiền tại phòng vé hoặc hẹn nhờ họ mang vé ra sân bay), kèm theo điều kiện bắt buộc là tôi đi kèm con nhỏ và ông xã khá lười vận động, nên tôi quyết định mua vé máy bay của hãng này cho 2 chặng nội địa. Chặng còn lại của nội địa tôi đặt của Air Mandalay với mức giá rẻ nhất so với các hãng còn lại và so với Minthu hoặc 1 vài agent chào.

Tuy nhiên, GMA là hãng mới nên mới chỉ khai thác có vài chặng như: Yangon-Mandalay, Mandalay-Naung U (Bagan), Naung U (Bagan)-Heho (Inle lake), chứ chưa có Heho-Yangon hay Bagan-Yangon. Vì vậy, nếu bạn nào muốn đi Myanmar chơi nhớ lưu ý để sắp xếp lịch trình cho phù hợp nhé!

Tôi còn tính đi biển vì biển ở Myanmar rất đẹp và mới mẻ, nhưng thật tiếc cho tôi, mùa này là mùa mưa, khách sạn tại bãi biển có email cho tôi báo rằng có những hôm mưa 24/24 và hãng hàng không có thể cancel chuyến bay bất cứ khi nào. Vậy là tôi lỡ hẹn với biển Myanmar.

Cuối cùng, lịch trình của tôi như sau:

Ngày 1: 02/6, 18:10pm đến Yangon, book phòng ngủ 1 đêm tại 30th Corner Boutique Hostel (book qua Agoda).
Ăn tối, chơi loanh quanh tại Yangon.

Ngày 2: 03/6, 5:00am ra sân bay, check in chuyến Yangon - Mandalay, book vé của hàng không giá rẻ Golden Myanmar Airlines.
Thời gian bay: 6:15am - 7:25am, giá $US46/ng.
Chơi tại Mandalay.
5:00pm, bắt xe đi Bagan từ bến xe Shwemanthu. Giá vé 9.000 kyats/người.
Khoảng 10:00 - 11:00pm, đến Bagan.
Check in Bagan Thiripyitsaya Sanctuary Resort tại Bagan (book qua Agoda).

Ngày 3: 04/6, Chơi tại Bagan.

Ngày 4: 05/6, 7:00am ra sân bay check in chuyến bay Bagan - Inle lake (Naung U - Heho), book vé của hàng không giá rẻ Golden Myanmar Airlines
Thời gian bay: 8:15am - 8:55am, giá $US40/ng. (Sau có sự thay đổi chuyến bay làm cho tôi rất mến các bạn Myanmar và tôi đã có 1 chuyến bay rất vui nhộn).
9h hơn đến sân bay Heho, bắt taxi về trung tâm Naung Shwe giá 25.000 kyats/chuyến.
Đi thuyền ra Paramount Inle Resort (resort book qua Agoda), giá 15.000 kyats/chuyến.
Đi thuyền chơi quanh hồ, giá 20.000 kyats/chuyến.

Ngày 5: 06/6, 6:30am rời resort, 8:00am check in chuyến bay Heho - Yangon.
Về Yangon, check in khách sạn New Yangon Hotel (book qua Agoda - gần chợ Bogyoke Aung San (Scott Market)).
Chơi ở Yangon.

Ngày 6: 07/6, chơi nốt ở Yangon.
16:00pm check out khách sạn, ra sân bay, về nhà!

Và thế là, ngày 02/6/2014, chúng tôi lên đường!
 
Last edited:
Tiếp phần 3: Bagan

Tối qua, sau khi check in khách sạn, chúng tôi chia tay Minthu và hẹn cậu ấy đón nhà tôi vào 9h sáng hôm nay. Resort có 1 khuôn viên rất đẹp nên buổi sáng chào đón chúng tôi với khung cảnh rất đẹp mắt. Chúng tôi đi bơi, ăn sáng và đúng 9h gặp Minthu tại sảnh của resort. Bạn Minthu đến rất đúng giờ và đưa cho chúng tôi 1 tờ bản đồ foto trên giấy A4 chỉ dẫn các điểm tham quan ở Bagan. Minthu là người ở đây, lại bao năm kinh nghiệm làm tour guide, vậy nên chúng tôi phó mặc hoàn toàn cho bạn ấy.


Đầu tiên, Minthu dẫn chúng tôi đi chợ địa phương ở Bagan. Ở đây, bạn sẽ có cảm giác như chợ quê của mình cách đây tầm 10-20 năm đối với các bạn ở thành phố, còn thực ra ở 1 số vùng quê nghèo nước mình, chợ quê cũng tương tự thôi mà! Cái hấp dẫn tôi nhất đó là những loại rau, củ gia vị cho các món ăn nơi đây. Đi Myanmar các bạn sẽ thấy, họ nấu ăn ngon tuyệt. Dù hàng cơm địa phương hay nhà hàng thì các món ăn của họ cũng rất ngon và vừa miệng. Tôi có đọc ở 1 bài viết của 1 bài nào đó đi trước, bạn ấy nói rằng: hình như người dân nơi đây họ có năng khiếu nấu ăn vậy!

Sau khi đi Thái và Myanmar về, tôi rất có cảm tình với ẩm thực của 2 nước này. Hầu hết các món ăn đều nấu rất tâm huyết, mỗi món đều có những gia vị riêng, chứ không hề đơn giản như ta, chỉ cho rau vào luộc, cho con gà vào luộc là xong!

Chúng tôi đi 1 vòng quanh chợ, xem được những món đồ rất truyền thống như: túi nước gội đầu bằng thảo dược, xà phòng giặt đóng bánh, hay chiếc cân bằng gỗ với dụng cụ cân bằng là 2 quả pin.

10455847_4502105126722_5388148919419847715_n.jpg


10360624_4502105806739_5145033918619840120_n.jpg

Nước gội đầu thảo dược

10491116_4502107966793_5378456210769364349_n.jpg

Hàng xén

Đi xem chợ thấy người ta bán khá nhiều gỗ và bột thanaka đã sơ chế, tôi ngỏ ý muốn mua, muốn tìm hiểu về thứ mỹ phẩm chỉ có ở Myanmar này. Bạn Minthu đã đưa chúng tôi đến bảo tàng Thanaka. Ở đây bạn sẽ có đầy đủ thông tin về cây thanaka, lịch sử, đất trồng, các dụng cụ mài thanaka qua các thời kỳ,....

10373516_4502109166823_7818100660557026734_n.jpg


10353638_4502114006944_5538260505236267511_n.jpg


Ở ngoài cửa có 1 biển như thế này. Đúng rồi chứ còn gì, trên thế giới có ở đâu dùng thứ này như Myanmar đâu!

10463062_4502111766888_6720801644328377786_n.jpg


Rời Bảo tàng Thanaka, chúng tôi đến thăm chùa Shwezigon, ngôi chùa gần giống với cấu trúc chùa Shwedagon ở Yangon, tháp cũng được dát vàng. Nắng và nóng, chúng tôi chỉ đi vòng quanh chùa 1 chút rồi đi ra. Hầu hết các ngôi chùa ở Myanmar, chúng ta chỉ được đi vòng quanh, đi theo chiều kim đồng hồ. Còn các ngôi đền (temple) thì chúng ta được vào bên trong thăm quan. Đền ở mình cũng giống TQ, hầu như để thờ các vị thần, thánh, vua, quan, những người có công với đất nước. Còn đền (temple) ở những nước Phật giáo nguyên thủy như Myanmar, họ thờ Phật.

10426861_4502115326977_4953226577095346698_n.jpg


10336628_4502116727012_1727327201694893275_n.jpg

Chuẩn bị đồ cúng

10489924_4502117927042_9187710540406446792_n.jpg

Cảnh đẹp bên đường
 
Tiếp phần 3: Bagan

Sau khi thăm quan chùa Shwezigon, chúng tôi đến đền Ananda, đây là 1 ngôi đền có 4 bức tượng Phật rất đẹp ở 4 phía Đông - Tây - Nam - Bắc, được dát vàng lá.
Tôi cũng đã đọc qua nhiều bài viết của các bạn đi trước, nhưng hầu hết tự khám phá nên không thấy chia sẻ 1 thông tin khá hay. Bạn Minthu đưa chúng tôi đi, với những điểm thăm quan k có gì chú ý, bạn chờ ở ngoài. Nhưng với những điểm quan trọng, cần hướng dẫn chi tiết thì bạn đi cùng chúng tôi. Bạn có 1 quyển foto giấy A4 gấp đôi thành A5, trong đó có ghi chú về các mẫu tháp chùa, các mẫu hình tượng Phật theo từng thời kỳ. Ở thời kỳ nào thì tượng Phật có tai dài chấm vai, những ngón tay dài ngắn như bình thường; thời kỳ nào thì tai Phật ngắn hơn, ngón tay bằng chặn chặn nhau,... Đó quả là những trải nghiệm thú vị đối với riêng tôi!

Ở đền này, khi bước vào, bạn sẽ nhìn thấy tượng Phật đầu tiên là tượng Phật ở phía Tây, tiếp theo bạn sẽ đi vòng sang phía Nam, phía Đông và cuối cùng là phía Bắc. Nếu k được giới thiệu, bạn sẽ chỉ thấy 4 tượng Phật ở bốn phía vậy thôi. Các Phật tương ứng như sau:

10456275_4502122007144_7664140864882865580_n.jpg

Tượng Phật phía Tây

1504060_4504521427128_4866708504537150911_n.jpg

Tượng Phật phía Nam

10446483_4504522307150_6867295328507522955_n.jpg

Tượng Phật phía Đông

10481628_4504523347176_3375530095243902706_n.jpg

Tượng Phật phía Bắc

Phía Bắc là Phật Câu-Lâu-Tôn, với hai tay trong thủ ấn chuyển pháp luân
Phía Đông là Phật Câu-Na-Hàm, với tay phải cầm ngọc ước ban phúc
Phía Nam là Phật Ca-Diếp, với hai tay chuyển pháp luân
Phía Tây là Phật Thích-Ca, tay phải trong ấn Vô uý, tay trái ấn cát tường

Nhưng để ý xem, tượng Phật ở phía Bắc và phía Nam, khi đứng dưới chân Phật, nhìn thẳng lên, bạn sẽ thấy Phật chỉ như đang nhìn bạn, nhưng khi nhìn từ xa bạn sẽ thấy Phật như mỉm cười. Hai bức tượng này là nguyên thủy, được làm từ thế kỷ 11.
Hai bức tượng ở phía Đông và Tây đã bị hỏng và được phục chế lại, khuôn mặt của Phật ở 2 hướng đó khi nhìn từ dưới lên cũng như nhìn từ xa đều như nhau, Phật k cười!
Đây là 1 chi tiết rất ít người du lịch như chúng ta để ý và cũng là 1 chi tiết cho thấy những nhà điêu khắc từ xưa có trình độ thật tuyệt vời!

10309209_4504526027243_8360459139618155797_n.jpg

Tượng phía Nam khi đứng dưới chân Phật nhìn lên
 
Tiếp phần 3: Bagan

Tham quan xong đền Ananda là đến bữa trưa. Theo lịch, chúng tôi sẽ ăn trưa, về khách sạn nghỉ, chiều thăm quan tiếp.

Chúng tôi ngỏ ý muốn đến 1 nhà hàng ăn đồ ăn địa phương. Minthu dẫn chúng tôi vào 1 nhà hàng như ý muốn. Các món ăn được bày ra mỗi thứ 1 ít như thế này. Nếu món nào bạn ăn hết, nhà hàng sẽ bổ sung thêm. Giá 3.500 kyats/người. Đồ ăn rất ngon, vừa miệng, đúng như những chia sẻ tôi đã nói về năng khiếu nấu ăn của người Myanmar. Minthu được nhà hàng phục vụ riêng bữa ăn giống như bất cứ 1 tour guide nào.

10394461_4502120327102_6230985816156786955_n.jpg


10488204_4502120607109_8784636469188713726_n.jpg


Sau bữa trưa, vì nắng và mệt nên chúng tôi hẹn Minthu đón lúc 3h chiều. Về khách sạn nghỉ trưa, tôi check mail thấy hãng hàng không GMA có thông báo về thay đổi chuyến bay và giờ bay cho chuyến bay ngày hôm sau từ Bagan (Nyaung Oo) đi Inle lake (Heho). Tôi biết vậy và định bụng sẽ đưa mail cho Minthu biết để mai đón chúng tôi đưa ra sân bay cho đúng giờ.

Thật lạ, Bagan có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, resort, vậy mà khi chúng tôi ra sảnh để đi chơi buổi chiều, nhân viên lễ tân khách sạn đã đứng đó, cầm tờ giấy ghi chép thông tin hãng hàng không mới điện cho cô ấy, có nghĩa là Hãng hàng không đã tìm thấy chúng tôi ở resort này để thông báo. Họ thật cẩn thận, lo chúng tôi lỡ chuyến bay! Và họ thật chu đáo quá, khi tìm ra chúng tôi ở giữa Bagan, nơi có không biết bao nhiêu là khách sạn, nhà nghỉ! Tôi quá là ngạc nhiên và phục các bạn Miến ở chi tiết này! Minthu bảo: có lẽ do Bagan quá nhỏ bé!
Trong trường hợp này, nếu hàng không VN mình thì sao, có lẽ họ chỉ gửi 1 tin nhắn hoặc email thông báo mà có khi qua giờ bay rồi mình mới nhận được. Nếu có hủy chuyến này thì đợi chuyến khác của hãng, chứ họ không bao giờ chuyển sang 1 hãng khác sát với giờ bay mà bạn đã mua cho kịp giờ của bạn đâu nhỉ?

Thật sự sau chuyện này, tôi càng thấy quý các Myanmar quá đi!

Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đi thăm quan đền Nanpaya (Nanpaya temple) và đền Manuha (Manuha temple). Hai đền này ở gần nhau. Đền Nanpaya có những bức tranh khắc trên đá rất đẹp và tinh xảo.

10455354_4504580308600_4644825382966730427_n.jpg


10492600_4504534467454_6209654532179283551_n.jpg


Đền Manuha có 3 pho tượng Phật ngồi và một pho Phật nằm đều trong thế bị giam cầm, tưởng như Phật chỉ cần dang tay, duỗi chân là tường sụp, cột đổ, thế nhưng Phật vẫn ngồi bình yên suốt gần một nghìn năm qua. Đây là những pho tượng Phật lớn nhất Bagan.

10478435_4504559388077_3376813936758017086_n.jpg

Tượng Phật giam cầm ở Manuha temple - nhìn xuống khuôn mặt Phật k biểu hiện gì

10345980_4504560028093_3100103626557263470_n.jpg

Tượng Phật giam cầm ở Manuha temple - nhìn lên khuôn mặt Phật như đang mỉm cười

10389227_4504567548281_6493276834485905336_n.jpg


10329115_4504567988292_8589249952402527425_n.jpg


10426566_4504583628683_8531781112685508255_n.jpg

Hòm từ thiện

10408908_4504583948691_2142283576676508747_n.jpg


Lịch sử kể rằng: năm 1059, vua Bagan đánh vùng Thaton, bắt được vua Manuha đem về cầm tù tại đền Nanpaya. Vị vua mất tự do đã dùng những tài sản cuối cùng của mình xin được xây một ngôi chùa thờ Phật cạnh nơi bị giam giữ. Và thế là hình đức Phật bị giam cầm giữa bốn bức tường ra đời. Khi chùa xây xong thì vua Manuha cũng chết trong tù.
 
Bây giờ em mới có thời gian lọ mọ đọc post của chị đây. Chuẩn bị cho chuyến Myanmar tháng 10 đây ạ, hihi. Hơi bị ngưỡng mộ 2 vợ chồng & Bông xinh đấy ạ :x
 
Tiếp phần 3: Bagan

Sau đó, chúng tôi tới đền Sulamuni (Sulamuni temple), nơi đây có những bức tranh vẽ trên tường được gìn giữ qua bao thế kỉ (đền xây dựng năm 1183 - chắc đây là năm khánh thành). (Còn gọi là Thánh đường Sulamuni: do vua Narapatisithu xây dựng vào năm 1181, nổi tiếng với những bức tranh vẽ ở trên tường từ thế kỷ XI đến thế kỷ XII)

10487361_4504535907490_1279259407996020299_n.jpg


10464027_4504560388102_4320363920914691718_n.jpg


10469681_4504562628158_9178953872113685061_n.jpg


10460760_4504563068169_8148957349775456148_n.jpg


Những bức tranh vẽ trên tường ở Sulamuni temple được bảo vệ phía dưới cho du khách khỏi chạm vào hỏng tranh.

10402652_4504564508205_487670775123394120_n.jpg


10348187_4504565108220_2299157260523353802_n.jpg


10391451_4504539027568_2666904178077308636_n.jpg

Bức tường gạch ở Sulamuni temple

Nhìn bức tường bị tróc ở đây, bạn sẽ thấy ngoài lớp gạch, họ đã trát lên tầm 2 đến 3 lớp vữa, và lớp ngoài cùng họ vẽ những bức tranh tường.
Nơi đây có những bức tường gạch đã tróc hết vôi vữa như thế này, bạn sẽ để ý thấy những hàng gạch xếp liền nhau, ở giữa không hề thấy 1 lớp vữa nào! Vậy họ xếp lên như thế nào? Minthu có nói rằng họ có 1 loại cây có nhựa, khi xếp gạch họ bôi lớp nhựa cây đó vào giữa các lớp gạch, rồi xếp gạch lên. Những lớp gạch, đền chùa ở Bagan vẫn hiên ngang, vững chãi như vậy qua biết bao nhiêu ngày tháng. Có phải vì ở Bagan rất ít mưa nên đền đài vững bền với thời gian chăng?
 
Tiếp phần 3: Bagan

Từ Sulamuni, chúng tôi đi sang Dhamayangyl temple, chắc cũng không có gì chia sẻ nên bạn Minthu bảo đợi ở ngoài.

10513500_4504541347626_8345285869299908334_n.jpg


10373817_4504550267849_5857790642122735564_n.jpg


Nắng và nóng bỏng chân, chúng tôi đi vào rồi lại đi ra, ấn tượng mỗi trong đền rất nhiều cứt chim, có cả xác chim chết nên mùi khá nặng. Giờ về ngồi viết bài, tôi mới search google ra thông tin như sau:

Đền Dhamayangyi tuy không phải cao nhất, nhưng là ngôi đền lớn nhất Bagan, và cũng là ngôi đền bi thảm nhất.

Narathu là hoàng tử Bagan, đã giết cha và anh trai mình để cướp ngôi vua năm 1167. Ngai vàng chiếm bằng máu đó khiến vị vua muốn chuộc tội (hay ho sao, ai cũng chuộc được tội sau khi gây tội thì tiện nhỉ?) nên đã ra lệnh xây ngôi đền thờ Phật lớn nhất, vĩ đại nhất.

Truyền thuyết kể rằng vua Narathu đích thân làm đốc công, cầm gươm giám sát việc xây dựng công trình. Chỗ nào mà lưỡi gươm mỏng chọc được vào giữa hai viên gạch thì vua sẽ dùng thanh gươm đó chém ngay người thợ xây. Một lần nữa công trình được xây bằng máu.

Cuồng tín Phật giáo, vua rất ghét ai dám thờ cúng các vị thần Hindu giáo, nhưng lại cưới một cô vợ là công chúa của một vị vương Ấn Độ. Một lần bắt gặp cô vợ lễ lạy thần Hindu trong cung, Narathu chém chết cô này. Cha của công chúa tức giận, sai 8 vị tu sĩ Bàlamôn lặng lẽ đến Bagan.

Và thế là, vị vua hiếu sát đã bị tám người Bàlamôn giết chết ngay trong ngôi đền đang xây dựng. Máu đã đổi bằng máu.

Đền Dhamayangyi không được hoàn thành cao như ý muốn của Narathu, vị vua kế tiếp hoàn thiện nó với số tầng bớt đi, và cũng bớt các tháp trang trí, nhưng quy mô vẫn là lớn nhất Bagan. Và như để tránh cái kết cục bi thảm của Narathu, trong đền thờ 5 tượng Phật, có thêm Di Lặc - vị Phật Tương Lai.


Rời Dhamayangyl temple, Minthu dẫn chúng tôi qua nhà bạn ấy thăm nhà. Đường vào xóm đi qua các nhà, tôi để ý hầu như mỗi nhà dân đều có 1 cỗ xe ngựa, chắc để phục vụ du khách đi thăm quan Bagan. Sân nhà người dân ở đây vẫn nguyên cát bụi Bagan. Bạn Minthu bảo rằng ở đây rất ít khi mưa nên k lo bẩn. Khi chúng tôi về VN được mấy ngày thì bạn ấy có chia sẻ trên FB rằng Bagan mới mưa. Những hình ảnh về Bagan với cỗ xe ngựa làm tôi nhớ Bagan quá! Minthu có nói rằng bạn ấy tin tôi sẽ quay lại Bagan. Biết đâu đó, một ngày!!!

10301419_4504570988367_3962920935077008054_n.jpg

Nhà Minthu

Chào tạm biệt gia đình mến khách, Minthu đưa chúng tôi ra giữa làng, nơi đây những cỗ xe ngựa đang chờ sẵn dưới gốc cây. Bạn ấy đưa chúng tôi lên 1 xe ngựa, xe ngựa sẽ chở chúng tôi đi xuyên qua thung lũng đền tháp của Bagan, đến chùa Shwesandaw. Chúng tôi sẽ không phải trả bất cứ chi phí nào cho chuyến xe ngựa này và bạn Minthu sẽ chờ tôi ở Shwesandaw, đưa chúng tôi về khách sạn bằng ô tô. Đây là sự sắp đặt tour khá hợp lý của Minthu, giúp chúng tôi được trải nghiệm với xe ngựa, được đi xuyên thung lũng đền tháp, ngắm hệ sinh thái trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết nơi đây.

10441212_4504571548381_6474502582211473822_n.jpg

Bagan trong buổi chiều nhiều mây - chụp trên đoạn đường đi xe ngựa xuyên thung lũng

10462672_4504817474529_4878020971406724767_n.jpg

Tháp Shwesandaw - nơi mọi người leo lên chờ ngắm hoàng hôn.

Ở ngôi chùa này, ngọn tháp của chùa là tháp dựng lại, do 1 trận động đất đã làm đổ tháp. Ngọn tháp bị đổ được hạ xuống đất đặt nằm bên cạnh bên phải chùa.

Vậy là hôm trước UBein, hôm sau Bagan, tôi đều không có duyên với những bức ảnh hoàng hôn tuyệt đẹp mà khi đến với Myanmar, hầu như ai cũng mang được về. Có phải đó là lời hẹn ước sẽ quay trở lại không? Chỉ biết rằng tôi đã được đến đây, đã được tận mắt thấy những gì tôi từng no mắt trên máy tính, đã được cảm nhận, đã được thưởng thức Myanmar theo cách riêng của mình. Đó là quá đủ cho mong ước lâu nay của tôi!

1560491_4504572108395_3441692741247472154_n.jpg

Bagan trong buổi chiều nhiều mây - chụp từ Shwesandaw pagoda

Một ngày vòng quanh Bagan (Bagan giống như 1 thị trấn nhỏ vậy), tôi thấy thật nhiều bất ngờ và ngưỡng mộ dành cho những con người mộ đạo xưa kia ở nơi đây. Một ngày, tôi mới chỉ đi thăm quan 1 số đền, chùa chính. Nhưng qua đó, tôi thấy được rất nhiều công sức, tâm huyết của người dân để xây nên những đền, chùa như thế này. Với 1 hệ thống các đền, chùa như vậy, tôi ngưỡng mộ bao nhiêu thì lại càng thắc mắc bấy nhiêu: sao ở đây vẫn chưa hề được ghi nhận di sản thế giới? Thật may là người dân nơi đây rất hiền lành, họ sống yên bình bên cạnh những di sản cha ông để lại, chứ không hề nghịch, phá, làm hỏng những di sản trên. Suy nghĩ điều này vì tôi thấy ở VN ta, 1 ngôi chùa mới tự xây lên thôi, đã được ghi nhận Unesco này nọ, hay những điểm du lịch rất hay xuất hiện những thành phần xấu, lợi dụng trục lợi hoặc trẻ con vào đền, chùa phá phách làm hỏng những tượng Phật, những hiện vật bên trong đền, chùa.

Tối hôm đó, theo lịch là chúng tôi sẽ về khách sạn tự nghỉ ngơi và đi ăn. (Minthu có chào giá đi chơi 1 ngày bằng ô tô là 40.000 kyats, nếu thêm đưa đi ăn tối là 5.000 kyats). Tuy nhiên, vì mùa này ít khách, tôi nghĩ resort cũng không chuẩn bị nhiều món, đường đi thì chưa biết, giờ lại lọ mọ cùng con nhỏ thì ngại, vậy nên tôi hẹn Minthu 8h tôi đón tôi đi ăn. Đến quán ăn, tôi mời bạn ấy ăn cùng. Bạn ngại nói còn chưa về nhà tắm giặt, thay đồ. Tôi bảo đằng nào cũng là buổi cuối rồi mà, thế là bạn ấy đồng ý ăn cùng. Trong câu chuyện, Minthu cũng chia sẻ rằng có 2 bạn ở VN sang, muốn tìm HDV tiếng Pháp, nhưng ở Bagan còn hiếm lắm, chỉ tầm 3 người biết, mất thêm 1 khoản chi phí nên 2 bạn đó không thuê nữa. Trong buổi đi chuyển từ hồ Inle về sân bay Heho để quay trở về Yangon, tôi đã gặp 2 bạn này. 2 bạn làm về du lịch, nhưng lại thạo tiếng Pháp nên muốn thuê HDV tiếng Pháp. 2 bạn ấy tính cả phí đưa đi + phí HDV + tip (bệnh nghề nghiệp) ở Bagan cũng thành gần 100.000 kyats nên cuối cùng tự lọ mọ cho tiết kiệm. Thêm nữa, 2 bạn làm về du lịch nhưng lại k tự làm lịch trình như tôi mà nhờ các bạn làm ở các agent về du lịch của ta đặt khách sạn, đặt vé ở Myanmar. Thế là các bạn agent của ta lại liên kết với các agent ở Myanmar. Loanh quanh giá phòng khách sạn bị đắt gấp đôi, vé ô tô bus di chuyển giữa các điểm cũng đắt gần bằng giá vé máy bay tôi mua. Thật là lãng phí quá! Tôi chia sẻ rằng tiếng Anh sơ sơ là ok thôi mà. Tôi cũng học tiếng Anh có 4 năm cấp 2 thôi (cách đây 20 năm rồi), sau đó toàn học tiếng Pháp, thế mà vẫn đủ dùng có sao đâu! Các bạn làm về du lịch chắc tiếng Anh dù sao còn hơn cái "sơ sơ" của tôi chứ! Hihi, nhiều khi cũng buồn cười vậy đó!

Cuối bữa ăn, trước khi ra về, Minthu có cúi đầu cảm ơn về bữa ăn, bạn cẩn thận quá! Và hôm sau, khi tính tiền thanh toán, bạn ấy không tính phí cho chuyến đưa nhà tôi đi ăn tối này!

Tôi còn 1 lời hứa sẽ tìm mua sách tự học tiếng Việt tặng bạn ấy. Hy vọng sắp tới, trong số các bạn tôi có người đi Bagan, tôi sẽ gửi tặng Minthu!

Chỉ 1 ngày với Bagan thôi, chưa hết, chưa đã, nhưng tôi đã được thấy những đền, chùa kỳ vĩ nơi đây, thấy được cuộc sống bình yên của người dân nước bạn, thấy được cả sự cẩn thận, chu đáo của các bạn dành cho chuyến du lịch của tôi, thật sự, không gì nói hết được tình cảm của tôi dành cho nơi này! Những tình cảm này, chắc chắn sẽ theo tôi mãi, nhắc tôi nhớ về 1 vùng đất tuyệt vời tôi đã từng ghé thăm! Hy vọng, biết đâu đó, một ngày, tôi sẽ trở lại nơi đây!

Tối đó, trước khi về phòng ngủ, chúng tôi còn tận dụng thư giãn 10 phút massage miễn phí của resort, thử chút thôi chứ không dám massage tính tiền vì mắc lắm.

Sáng hôm sau, Minthu có mặt sớm lúc 6h30 để đưa chúng tôi ra sân bay đón chuyến bay đi Inle. Trải nghiệm với các hãng hàng không và các chuyến bay nội địa Myanmar là 1 trải nghiệm khá thú vị! Hồ Inle nổi tiếng đang chờ ở phía trước, chúng tôi sắp đến rồi đây!

Một số kinh nghiệm:

1. Đối với tôi, thời gian eo hẹp chỉ có 1 ngày ở Bagan, theo tôi những điểm thăm quan như vậy là khá đủ. Tuy nhiên, nếu có thời gian, các bạn nên ở 2 ngày để thưởng thức cả hoàng hôn cũng như bình minh ở Bagan. Đi vào mùa du lịch thì còn được thử đi khinh khí cầu nữa, nhưng giá rất mắc đấy nhé! Hiện tại ở Bagan chỉ có 1 cty của Anh thầu vụ này, giá khoảng $US 310/người.

2. Ở Bagan nghe nói có trải nghiệm đi thuyền trên sông nhưng chúng tôi chưa thử. Bạn đi sau có thể thử, hình như giá là 5.000 kyats/người.

3. Đến đây, tôi bắt đầu nhận thấy ở Myanmar rất hay có chữ "shwe" xuất hiện ở tên chùa, tên đường, tên người, tên trên biển hiệu công ty, cửa hàng,... Tôi có hỏi Minthu và được biết "shwe" có nghĩa là vàng. Vì vậy, những chùa, đền có chữ "shwe" đều có nghĩa là tháp chùa đó có dát vàng các bạn nhé!
Thêm nữa ở Myanmar không có họ (name of family), con sinh ra thì bố mẹ cứ thế đặt tên vậy thôi, chứ không hề theo họ bố hay mẹ gì cả vì bố mẹ cũng chỉ có tên chứ có họ đâu?!!! Cũng là 1 phát hiện thú vị phải không?

4. Email của Minthu: [email protected], sđt: +95 943149273.
 
Last edited:
CHị ơi viết nốt phần Inle đi, em cũng cuối T7 đi nên hóng topic này từ đầu. Thời tiết ở Inle màu này thế nào ạ, có cần book phòng điều hòa hay phòng quạt thôi ạ, tại vì 2 loại này cũng chên nhau kha kha tiền
 
Ở Inle khí hậu khác hẳn mấy vùng kia. Em tưởng tượng cả 1 vùng hồ nước rộng như vậy nên khí hậu mát mẻ, dễ chịu lắm. Đây cũng là vùng đất cung cấp rượu nho, chè cho cả Myanmar.

Ở Inle chị thuê resort ở giữa hồ nên buổi tối rất nhiều muỗi. Nhân viên buổi tối mang bình xịt khi gõ cửa các phòng để xịt. Họ kéo màn sẵn cho mình cho đỡ muỗi. Nếu loanh quanh bên ngoài hành lang resort thì nhiều, chứ ở trong phòng cũng k thấy mấy.
Chị thuê resort nên có sẵn điều hòa, nhưng thời tiết ở đó dùng quạt cũng đc.

Inle cũng chỉ cần 1 ngày đi chơi là đủ nếu k muốn relax hay nghỉ dưỡng gì thêm. Chị bay đến buổi sáng, thuê thuyền ra đến resort là gần trưa, thuê thuyền đưa đi chơi ăn trưa luôn, hết buổi chiều là về resort, ngắm hoàng hôn luôn. Sáng sớm hôm sau thuyền đón về để ra sân bay, thế là ổn.

Chị đang viết, chờ chút nhé!

PS: Chị mới check GMA thấy giá vé rẻ hơn cả hồi chị đi, có lẽ do chị đặt trong cùng tháng nên k rẻ đc. Em thử quan tâm xem có khi đỡ mệt, đỡ tốn time đi lại như đi ô tô.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,944
Latest member
mahormonu81
Back
Top