What's new

[Chia sẻ] Nepal ngày thu xanh

Thấm thoắt, hè đi đã nửa, thu mới cũng đã sắp sang. Những ngày hè 2009 năm nay oi nồng quá, lang thang trên mạng đọc về Nepal hiền hòa, chợt nhớ làm sao những chiều thu Nepal xanh ngăn ngắt diệu kỳ. Gần 1 tháng trời lang thang Nepal thu một mình, ký ức mong manh giờ chợt òa vỡ trong những đêm say mộng mị trăng vằng vặc bên cửa, những chiều hoang lòng vắng tênh bỏ phố về sông quê… Mua vui vài trống canh cho bạn nghe chơi về những ngày lãng đãng đó nhé!

Trên diễn đàn, có nhiều đề tài về Nepal, nhưng hầu như các bạn chỉ dừng chân vài ngày ở đất nước tươi đẹp này. Nepal, hay chính xác Kathmandu, thường chỉ được xem là điểm dừng tạm, sau khi du khách chìm đắm ngất ngây với Tibet huyền bí, hùng vĩ, trước khi lên máy bay về quê nhà, hay xuôi nam về miền đất Phật Lumbini, hay dừng chân thăm thú Chitwan hoang sơ rừng rú, cỡi voi ngắm tê giác, thú hoang, gái lành… Cũng như các bạn, lúc đầu bpk chỉ định dừng chân ở Nepal vài ngày trước khi xuôi Ấn, nhưng vì mối nhân duyên nào đó, bpk đã bị “kẹt” ở đây gần 1 tháng trời. Những ngày “kẹt” ở Nepal đó, lúc đầu bpk cũng nhiều phiền muộn, nhưng thời gian đã từ từ thay đổi nhận thức của kẻ khù khờ. Nếu không vì cuộc hẹn ở Delhi cũng như chuyện riêng ở quê nhà, có lẽ bpk sẽ lưu lại Nepal lâu hơn, như thằng ku SV Thụy Điển gặp trên đường, dự định ở Nepal 3 tháng (!). Cũng như các bạn đã từng đến Nepal, bpk cũng ghé các điểm du lịch kể trên, còn lang thang nhiều ở ngõ ngách ở đó nữa (quá rảnh mà). Do vậy, khi gõ bài lần này, bpk sẽ chỉ lướt qua các điểm mà bạn đã đến, đi chi tiết vào những nơi bạn chưa đến (hoặc có thể đã đến nhưng chưa thấy chia sẻ trên diễn đàn), và sẽ càng chi tiết hơn ở những điểm bpk yêu thích.

Tibet những ngày cuối tháng 10. 2009. Rời Tingri, Tibet vào sáng thật sớm, 6.30 nhưng ngỡ như 4.30am (mãi đến 8am mặt trời mới lấp ló). Lý do là để kịp đến Zhangmu / Kodari buổi trưa để tiện đường về đến Kathmandu sơm sớm. Trục trặc tại cửa khẩu Zhangmu vì chú HDV đã quay lại Tibet từ Custom Check-point mà không đi đến Immigration Check-point*. Lý do CA TQ không cho rời biên giới là vì không xuất trình được Tibet Entry Permit. Vì có vào, mới có ra. Gọi điện thoại cho Kalsang, ku HDV người Tibet, không được vì con đường từ Zhangmu về lại Tingri chạy trong rừng già không có sóng điện thoại. Phải nhắn tin cho ku, cầu may tin nó đến ở đoạn đường có sóng. Rồi lại gọi về tận Chengdu xin số ĐT của sếp của ku ở Lasha. Gọi về Lasha mãi mới được, rồi cậu chàng hớt hải chạy ngược lại biên giới chìa tờ giấy nhàu nát ra (vì đã bị kiểm tra quá nhiều lần). Mất gần 2h cho vụ này. Suốt gần 2h ngồi tám với 1 thằng ku CA TQ. Nó tưởng mình người Nepali (!). Thây kệ, may mà cũng đọc ít nhiều về Kathmandu đủ tám với nó. Phần cũng gợi gợi để xem chúng bạn có nói gì về VN hay không? Mà nó cũng chẳng biết Vietnam, dù là dân Chengdu chính hiệu!

Rồi cũng vẫy tay chào biên giới TQ, xen lẫn với đoàn người Sherpa đang chất trên lưng bao nhiêu là hàng hóa, sang Kodari. Làm thủ tục visa thật đơn giản, 40$ cho 30 ngày lưu trú, mai mốt muốn ở thêm thì về Kathmandu gia hạn. Cán bộ hải quan vui vẻ nói nói cười cười khác xa quê mình. Xong xuôi, lại chen lấn tiếp với dòng người và tranh đấu với cò xe để lên 1 chiếc xe pick-up chật cứng. Đường tắc, vì rất nhiều xe chở hàng từ TQ sang mà CA Nepal kiểm tra rất kỹ càng từng xe một. Thời gian rảnh rỗi, nhảy xuống xe đi lòng vòng chờ, có đi kiếm beer địa phương nhưng ở đây chỉ có Tuborg, ghét, chẳng uống. Chỉ đi lang thang ngắm người ngắm cảnh, chờ thông đường. Rồi đường cũng thông, mất hơn 2h, và chiều đã xế.

PA240428.jpg

Đã sang đất Nepal. Cửa khẩu Kodari vẫn nhiều cờ phướn ngỡ như vẫn còn ở Tibet. Bpk cũng 1 mình 1 balo như 2 tên "bụi đời" này.

PA240430.jpg

Thung lũng Kodari xanh

PA240441.jpg

Đoàn xe kẹt dài từ biên giới.

PA240438.jpg


CopyofPA240442.jpg

Suối & thác nên thơ ở cửa khẩu biên giới.

CopyofPA240435.jpg


PA240433.jpg

Các em bé Nepal dễ thương, xinh xắn và mến khách.


Cũng biết trên đoạn đường về Kathmandu có The Last Resort, nơi có trò bungee, cũng có ý định dừng lại đó. Nhưng đi xe công cộng, chiều lại xế rồi nên đành thòm thèm nuốt nước bọt khi xe chạy ngang và hẹn ngày tái ngộ. Chỉ cách biên giới nhưng cảnh quan bên Nepal khác xa bên Tibet. Cũng có dãy Hymalaya xa xa ánh hồng pha bạc trong chiều, nhưng dân tình ở đây lại giống giống như ở làng quê Việt. Cũng heo bò gà qué tí tởn trên đường, cũng những người dân quê tụ tập tám trước nhà, cũng những cửa hàng xén hàng hóa bộn bừa, chợ tạm ven đường tấp nập…. Chỉ khác là thỉnh thoảng xe đi qua những thung lũng với những cánh đồng bậc thang đẹp như mơ. Lòng thầm hẹn là sẽ quay lại, nhưng hỡi ôi, thường “lời hẹn thề là những cơn mưa…”!!!

Đi mải miết trên đường, xe cũng đến ngoại vi Kathmandu vào khoảng 7.30pm. Lòng vô cùng thất vọng vì đường xá ổ gà ổ voi lổn ngổn chen nhau, đường thì bụi mờ mịt, xe cộ thì đông đúc chen chúc, trời thì cúp điện tối mò mò. Hỡi ôi, Kathmandu danh tiếng là đây sao?

Đã vậy, khi xe dừng lại cho 1 người khách xuống xe trong khu chợ tối um, bẩn thỉu, thiếu đèn… lòng lại càng rờn rợn. “Biết ra sao ngày sau” đây hả trời!? Nhưng cảm giác băn khoăn từ từ tan biến khi xe tiến vào khu Thamel tấp nập khách qua lại, hàng quán um tùm... Là người cuối cùng lê bước xuống xe, xuống vùng đất chan hòa ánh đèn chớp nháy, xôn xao tiếng người nói cười, bpk cứ ngỡ là vừa đến Khaosan hay Kuta hay Adriatico… Ah, cuộc sống sôi động cho dân lang bạt đây rồi, miền đất hứa đây rồi. Và bpk đặt chân xuống Thamel lúc 8.30pm, miền đất thiên đường cho dân hippy ngày nào đang dang tay chào đón kẻ lang thang. Hello Kathmandu!!!


* Thời gian bpk đi Tibet, tháng 10/2009, bên cạnh việc bắt buộc phải xin Permit, du khách vẫn không được tự đi mà phải có HDV đi kèm. Ở 1 số điểm tham quan, dù khách có Permit, tự cầm và đưa ra, vẫn không được cho vào nếu không có HDV đi cùng. Chẳng hiểu làm sao, lúc đến cửa khẩu, cậu chàng này lại quên, bỏ về sớm.
 
Last edited:
Pashupatinah – ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật… - 3

(Cont.)

Khác với Varanasi, nơi du khách, người lạ phải đứng cách xa và không được chụp hình, ở Bagmati này mọi việc đơn giản hơn. Bạn được cho phép có thể đến gần hoặc ngồi bên kia sông viếng hoặc chụp hình. Mọi việc diễn ra trong trang nghiêm vì ở những nơi này thì du khách thường ít khi có những hành vi nhăng nhố. Bpk chỉ đoán vậy vì ngoài cư dân địa phương, luôn chừng mực ở nơi chia tay người thân của mình, bpk chỉ gặp vài du khách châu Ấu, Mỹ… và hầu như không gặp khách du lịch châu Á, thường đi từng nhóm, ồn ào dễ nhận diện. Người thân đến rồi về, khách viếng rồi đi, chỉ dòng Bagmati vẫn lặng lẽ trôi mang theo bao nhiêu tro bụi của những kiếp người… trôi mãi từ ngàn đời đến nay…

Các giai đoạn cuối cùng của 1 kiếp người

PB050058.jpg

Chuẩn bị cho người mới

PB050050.jpg

Đưa người thân vào trong đống củi

PB050053.jpg

Sắp xếp lại và chất củi lên trên


PB050056.jpg

Người con trưởng là người khai hỏa

PB050066.jpg


PB050019.jpg

Tro và khói bay cao

PB050023.jpg

Những gì còn lại sẽ đẩy xuống sông thiêng Bagmati

(...tbc!)
 
(cont.)

Thật đơn giản. Tro bụi rồi cũng trở về tro bụi. Tang lễ của người Hindu tiến hành không phức tạp lắm (cho dù sau đó, những người trong gia đình sẽ còn rất nhiều các tục lệ phải tuân theo). Với cách nghĩ, cõi trần là cõi tạm, nên sự ra đi của người thân của một số các dân tộc không là sự tiếc thương khóc lóc, vì như vậy, sẽ làm người ra đi khó siêu thoát. Ở bên bờ sông Bagmati cũng vậy. Tuy có khác nhau ở các ghat, 1 nơi dành cho người giàu thủ tục hơi nhiều hơn 1 tý, nơi cho người bình thường thủ tục đơn giản hơn. Lúc bpk đến, đã có những ghat đang thiêu gần xong, có ghat thì có người vừa mang người thân đến, có những dàn thiêu bắt đầu được chuẩn bị. Và có dàn thiêu vừa thiêu xong, những gì ra tro bụi bay lên đã bay lên, những gì còn lại được người "âm công" quét hết xuống dòng sông thiêng Bagmati để dòng sông rửa sạch. Những người thân tắm rửa và ra về (theo tục lệ, người đi đưa phải tắm rửa sạch sẽ để người ra đi không theo về nhà nữa). Bên kia bờ, người mới đến đau đáu nhìn sang sông (phụ nữ không được ở bên bờ nơi hỏa táng), những nghi lễ tôn giáo vẫn tiến hành, những người dân địa phương vẫn tắm giặt, những tín đồ vẫn tiến hành nghi thức tắm rửa tẩy trần dưới dòng sông thiêng, các em bé vẫn tung tăng chèo thuyền xuôi ngược hoặc bơi lội trên sông... Ở 1 khúc quanh bờ sông, những cây gỗ hỏa thiêu chưa hết bị đẩy xuống sông khi lễ hỏa táng xong, được người dân vớt lên, chờ vào việc khác. Sông vẫn chảy, dòng đời vẫn trôi, bao cạnh tranh, bon chen giờ cũng trôi theo dòng nước, có còn gì?

PB050024.jpg


PB050026.jpg

Những người dân đang làm lễ bên sông (những người cạo trọc đầu là con trai cả vừa mất bố/mẹ)

PB050032.jpg

Những khúc gỗ còn sót sau hỏa táng lại đã tấp lại ở 1 khúc sông và đã được vớt lên – có lẽ dùng cho việc khác


Bên bờ sông, cũng gần nơi tiến hành tang lễ, có 1 ngôi đền, có niên độ đâu TK thứ VI, có tên là Bachhashewari, nhưng cư dân địa phương gọi là đền Kamasutra. Tại sao thì bạn xem hình, bpk không bình luận. Giữa cái chết, vạn vật vẫn sinh tồn và nảy nở, cuộc đời vẫn vậy.

PB050081.jpg


PB050083.jpg

Ngôi đền “Kamasutra”

PB050120.jpg

Những em bé Nepal dễ thương trong khu vực đền đài Pashupatinath

Bpk ngồi lặng lẽ bên bờ sông và lẩn quẩn ở đó thật lâu. Lang thang, rồi lại quay lại ngồi.

PB050104.jpg

Khói che những ánh vàng lấp lánh của đền Pashupatinath

....
....
Bên bờ sông, khói vẫn mờ mịt trên cao, có lúc nhạt lúc thưa, lúc che cả những ánh vàng của ngôi đền Pashupatinath lộng lẫy. Không thấy tiếng khóc than. Nỗi đau nén vào trong hay ra đi là cuộc siêu thoát.
 
Last edited:
Bungamati, rộn ràng “ngày mùa vui thôn trang…” - 1

@ Nheva, cám ơn bạn nhiều nhiều, bpk không dám nhận. Chỉ gõ để chia sẻ, như các bạn cũng đã chia sẻ những hành trình quý báu của các bạn, có đăng báo gì đâu.
............................................................


Sau khi cùng bạn dắt díu lên thiên thai, dặt dịu dìu nhau xuống “hỏa ngục” với những entry dài dằng dặc, nay bpk để bạn nghỉ xả hơi tý nhé. Không vất vả chen chúc lặn lội đường xa đi thăm danh lam thắng cảnh, di tích Unesco, không đền đài hoành tráng cờ phướn tung bay phần phật, người chen kẻ chúc… hôm nay bpk sẽ đi cùng bạn đến thăm 1 làng quê đặc trưng của Nepal, làng nhỏ êm đềm Bungamati, trong những “ngày mùa vui thôn trang” và những chiều thu xanh ngày Tết Newari.


Như có đề cập trước đây, ở Nepal dân tộc Newar chỉ chiếm 6% dân số Nepal nhưng lại được biết đến nhiều về kiến trúc đặc sắc, văn hóa ẩm thực và đặc biệt là kỹ năng giao thương. Bungamati là 1 làng của người Newar (gọi là Newari) nằm không xa Kathmandu lắm nhưng ít bị xâm thực bởi văn hóa “mới” nhờ đường xá trong làng vẫn nhỏ hẹp và dốc ghềnh như xưa. Do vậy các phương tiện giao thông “hiện đại” chỉ chạy vòng ngoài. Còn trong làng, cuộc sống vẫn “xưa xửa xừa xưa” như ngày nào.


Nằm cách Kathmandu chỉ 10km, nhưng không có xe bus đi thẳng từ Kathmandu đến đây. Bạn phải đi đến Patan, Thành phố Nghệ thuật, di tích Unesco nổi tiếng của Kathmandu, bằng xe máy, taxi (150Rp), bus hay tempos (7Rp). Hôm đó, bpk đi bằng tempos (giống như xe lam ở Vietnam nhưng chạy bằng điện). Xe dừng ngay cổng chính để khách vào Patan. Thay vì rẽ trái vào Patan, bạn rẽ phải đi xuyên qua con-đường-cũng-là-cái-chợ khoảng gần 1km sẽ đến bến xe Lagankhel. Sau đó, bạn lên xe bus đi thêm 30p (8Rp) nữa là bạn sẽ lạc về 1 làng quê thuần túy Newari, nơi vẫn còn những chiếc đu quay bay cao tít trong trời xanh, những đụn lúa vàng vun đầy trong mảnh sân chung của xóm, những chú dê be be đón khách, sống hòa bình với những chú chó hiền lành biếng nhác nằm hong nắng hiếm hoi lọt xuống sân nhỏ… và cả những căn nhà vách đất treo tòn ten những chùm bắp dọc dài cả phố, như khe khẽ khoe về 1 vụ mùa no đủ.

PA290146.jpg

Đường vào làng, những ngôi nhà gạch đơn sơ chất chồng niềm vui ngày mùa

PA290155.jpg

Cổng chào khách quý thăm làng ngày Tết

PA290152.jpg

Đu quay bay tít trong ngày mùa vui



Đến Bungamati những ngày cuối tháng 10, vừa xong vụ gặt. Đón chào khách du là những băng-rôn đỏ rực treo khắp nơi, chúc mừng về năm mới của dân tộc, chen lẫn trong những lũy tre xanh hay phấp phới trên những đụn lúa ươm vàng. Khoảng sân chung của làng, mà nằm giữa là ngôi đền Rato Machhendranath nổi tiếng, đầy ắp những đụn lúa đã khô và cả những mảng lúa đang phơi. Ngôi đền của vị Thành hoàng, không chỉ của Bungamati mà của cả thành cổ Patan, với kiến trúc Hindu màu xám giờ càng nổi bật trong nắng vàng và lúa vàng. Những người dân đang chăm chỉ vun vén hay xới cày những sân phơi để lúa khô mau, kịp dọn dẹp để về chuẩn đón lễ hội ngày Tết Năm mới của họ.

PA290159.jpg

Ngôi đền Rato Machhendranath ở giữa làng, giữa sân phơi ngày mùa

Trong 1 khoảng sân chung nhỏ khác, những thanh niên Newari cần mẫn mê say “vẽ” những bức tranh bằng cát và các hạt ngũ cốc nhuộm đầy các sắc màu rực rỡ. Chỉ cách họ vài bước, những chú dê vẫn đủng đỉnh nằm nhai rơm nhấm cỏ, còn những chú chó biếng nhác đến mức cứ nằm ườn ra chẳng thèm sủa 1 tiếng lấy thảo với khách lạ đang lăng xăng tới lui trong khoảng sân của mình.

PA290168.jpg

Những “nghệ nhân làng” đang chăm chút cho bức tranh ngày hội, lũ dê lười biếng thơ thẩn xung quanh


Ở 1 con đường nhỏ vàng nắng khác, những người phụ nữ Nepal chăm chỉ không ngừng tay sàng tay sảy. Những hạt lúa bay bay trong gió như 1 cơn mưa hạt vàng trong nắng chiều sinh động lạ thường. Ngay bên cạnh, những người đàn ông lại nhàn hạ đánh bài. Chắc lại là “Tết mà!” giống quê mình rồi. Cũng không xa nữa, bọn trẻ con và các cô gái trẻ thách thức nhau và thi nhau đu bay lên thật cao trong chiếc đu tre cót két kẽo kẹt trong chiều quê xanh tre vàng nắng. Ngồi bệt trên đống rơm, trong bóng râm ngắm nhìn các bức tranh đồng quê sinh động hồn nhiên ngày mùa ngày Tết… lòng sao cảm thây yên bình.

PA290170.jpg

Bóng áo đỏ của các mẹ các dì Nepal cần mẫn rải những giọt vàng bay trong chiều, chẳng biết là giọt nắng hay giọt vàng lúa?

PA290173.jpg

Và cánh đàn ông vẫn nhởn nhơ tìm chút may mắn ngày đầu năm kề bên. Đờn ông ở đâu cũng sướng hỉ?(!!!)

(…tbc.)
 
Bungamati, rộn ràng “ngày mùa vui thôn trang…” - 2

(…cont.)


Lẽ ra còn mê mải ngồi lê nữa, nhưng nhớ đến làng Khokna (bạn phải đọc là Kho-ka-na người ta mới biết) bên cạnh cần đi thăm. Cũng nấn ná vì thấy trời còn nắng gắt quá mà phải băng qua 1 cánh đồng không mông quạnh xa tít tắp thì cũng lười. Nhưng trước sau thì cũng đi nên lấy hết “can đảm” rời đống rơm, đứng lên chia tay làng Bungamati yên bình, chia tay cả 1 chú nhỏ nhiệt tình đòi đi theo dẫn đường, men theo theo những con đường xưa lát gạch đỏ đã nhẵn mòn, đi dưới những túm ngô khô treo cao xào xạc trên đầu khi gió thu từ đồng trống lùa về trong ngõ hẹp. Ra đồng, lên đồi, sang Khokna.

PA290175.jpg

Đây là chiếc đu quay cho nam thanh nữ tú, nằm ở cuối làng. Các bạn trẻ chơi mạnh bạo hơn cái ở đầu làng dành cho các em bé. Bpk ngồi dựa ngửa trong đống rơm gần đó, biếng nhác nhìn cuộc sống rộn vui những điều đơn giản của làng quê Nepal.

PA290163.jpg

Phải rời làng thôi, men theo những con đường có ngô khô vàng trang trí nhà thay vì vạn thọ xinh tươi

PA290178.jpg

Rời làng Bungamati và mon men theo sau mấy bóng áo đỏ lập lòe dưới lũy tre để sang Khokna. Đi theo mấy màu áo này khó mà lạc nhau hén? Đó là lý do người ta mặc áo đỏ?

PA290182.jpg

Cánh đồng bậc thang sau mùa gặt, nhìn từ trên đồi, trên con đường từ Bungamati sang làng Khokna

PA290194.jpg

Nhưng lạ là khi ra ngoại vi làng Khokna thì lại có những cánh đồng vàng ươm khác, mùa vụ chưa đến?

Sang Khokna chủ yếu vì tò mò. Thực ra, chuyến ghé thăm Nepal của bpk đợt này cũng có nhiều thuận tiện là đã có sự thống nhất hòa hợp giữa quân du kích Maoist và chính phủ. Trước đó, những làng xa xôi như Khokna vẫn nằm trong sự kiểm soát của du kích quân (theo kiểu ban ngày là chính quyền, buổi tối là du kích như ở miền nam ngày trước) nên ít có du khách mò tới. Hôm mình đi, cũng chỉ có 2 ông bà già Pháp đi với HDV ghé thăm Bungamati rồi sang Khokna, thêm mình nữa là 3 - chấm hết. Cũng vì tò mò sang cái làng “du kích” như thế nào, tò mò vì nghe nói nó còn “thô sơ” hơn cả Bungamati... Thế nhưng sang đến nơi cũng chẳng thấy gì nhiều. Chỉ thấy rất nhiều nơi trong làng có dấu hiệu “búa & liềm” in trên các bức tường, các cửa nhà. Còn đường phố thì lại không thơm rơm như bên Bungamati, chẳng biết họ phơi lúa ở đâu nhưng không thấy dấu hiệu ngày mùa nhiều như làng bên. Mà dân làng ở đây cũng không thân thiện và mến khách như ở làng bên. Đành quanh quẩn tý chút, rồi về.

PA290183.jpg

Bạn thấy đó, làng Khokna cũng không hấp dẫn lắm hén?


Lẽ ra, định đi bộ về lại làng Bungamati, chơi thêm chút, rồi mới ra chỗ xe cũ thả bpk xuống Bungamati để đón xe về Patan, nhưng ngay đầu làng Khokna lại có xe về thẳng Patan. Thế là bùi ngùi leo lên xe về Patan. Ý nguyện ban đầu là nếu sang Khokna nếu không thích thì quay lại Bungamati lê la tiếp đã bị phá vỡ tan tành chỉ vì cái tội nhác lười. Còn tự lấy lý do là về sớm Kathmandu để ăn Tết nữa. Ôi trời, “Lười ơi, đến bao giờ…hết! Bao giờ cho đến tháng Mười!”
 
@ Nheva, cám ơn bạn nhiều nhiều, bpk không dám nhận. Chỉ gõ để chia sẻ, như các bạn cũng đã chia sẻ những hành trình quý báu của các bạn, có đăng báo gì đâu.
............................................................



(…tbc.)
Vậy nếu có thể, lúc nào đó bạn cho phép mình lẩy ra để đăng báo được không?
Bạn viết hấp dẫn lắm
 
Swayambhunath, ngày mùa thu đi lễ chùa mừng năm mới.... – 1

@ Nheva, okie con gà đen thôi! Khi nào bạn cần hình hi-res của mấy entry đó thì cứ báo bpk nhé. Hy vọng là các biên tập viên và thư ký tòa soạn của bạn sẽ có rất rất nhiều việc để làm khi sửa mấy bài đó (nếu...!!!).
.......................................................................................................



Sau khi lưu lạc ngoại vi của Kathmandu, hôm nay chúng ta ở nhà nhé, không cần nhảy xe bus ở Ratna Park đi đâu xa. Ở lại Kathmandu ăn Tết năm mới với bà con và đi lễ chùa ngày đầu năm như những ngày xuân đất Việt – dù bây giờ là đang những ngày mùa thu xanh ngan ngát ở Nepal...

Hôm nay là ngày thứ 3 của lễ hội Tihar, còn có tên Deepwali, cũng là ngày quan trọng nhất, khi nữ thần Lakshmi, vị thần Thịnh vượng sẽ đến thăm nhà của dân chúng. Do vậy, khắp nơi, nhà nhà đều trang hoàng đẹp đẽ. Đặc biệt là chuẩn bị thật nhiều nến để thắp sáng nhà cửa khi đêm về, chỉ đường cho thần Lakshmi đến nhà và mang theo tài lộc. Không muốn mất những giây phút vui vẻ ngày Tết, bpk tranh thủ dậy thật sớm và lững thững hòa trong dòng người từ Thamel đổ về Durbar Square, vừa đi lễ, vừa mua sắm đồ vật cho ngày lễ.

Đường phố Kathmandu sáng nay thật đông vui, hơn cả những ngày lễ vừa qua vì nhà cửa đã và đang được trang hoàng bằng những chuỗi hoa vạn thọ màu vàng. Màu vàng dân dã của vạn thọ và mùi thơm dịu hơi hắc của hoa, cùng khí trời lành lạnh lúc sáng sớm làm mình bỗng dưng nhớ Tết quê nhà vô chừng.

PA280007.jpg

Ai cũng vui chỉ có anh chàng bán hàng này hơi buồn. Ngày tết, ai mua mấy thứ này hén? Dù vậy, cũng trang trí nhà cửa cho Tết!

PA300253.jpg

Trẻ con chơi bầu cua cá cọp vào sáng ngày Tết, xin chơi mà các nhóc không cho. Sợ mất hết tiền!

Không chỉ ở nhà, cửa hàng... trên đường phố những chiếc xe chở đầy hoa vàng, những góc chợ đông vui cũng nhiều chàng trai khoác trên mình bộ cánh vàng rực của vạn thọ tươi cười chào bán, những góc phố vun đầy những hoa chờ những người mua muộn để về trang trí kịp hôm nay.

PA280012.jpg


PA280644.jpg

Nhà cửa trang hoàng đón Tết


PA280010.jpg

Phố Kathmandu ngày Tết vắng và sạch vậy đó. Bạn nào đã từng đến Kathmandu rồi có ngạc nhiên?

PA280643.jpg


PA280648-1.jpg

Chở hoa hay chở nắng đi trong phố cũng nhiều hoa nắng

(…tbc.)
 
Swayambhunath, ngày mùa thu đi lễ chùa mừng năm mới.... - 2

Swayambhunath, ngày mùa thu đi lễ chùa mừng năm mới.... - 2

(cont.)

Trên đường, thi thoảng, những cô bò đã được chúc phúc thong thả đi giữa dòng người bận bịu. Trán được chấm Tikar màu đỏ, cổ đeo vòng hoa trông rất bảnh! Rất nhiều người thành kính sờ lên mình các cô 1 cái, xong lại sờ lên trán mình, chắc để cầu mong nhiều may mắn. Có anh chàng Nepali nào còn đeo vòng hoa cho xe gắn máy của mình nữa chứ, lại nhớ ngày cỡi bò lang thang trên thảo nguyên rồi!?

PA280664.jpg

Bảnh chưa, thấy tui đẹp hôn? Tránh ra cho tui đi cat-walk nào!!!

PA280688.jpg

Nhớ ngày cỡi bò ở thảo nguyên!!!???


Lang thang phố phường, ngắm nghía, sờ mó (các tranh tượng bày bán), trả giá cười đùa vui vẻ, “Namaste!” mọi người, chụp hình rồi nghiêng ngả làm dáng (!?) để tự chụp cho mình… đến lúc nắng lên cao cao và bụng đã sôi réo ầm ĩ phải kiếm đường giải quyết. Do lúc sáng dậy sớm quá, khu Thamel quen phục vụ cho khách Tây vẫn chưa mở cửa phục vụ ăn sáng (thường đến 8am), nên giờ kiếm chỗ nào làm cả trưa lẫn bữa sáng luôn, cho nó gọn nhẹ rồi còn đi chùa nữa chứ. Vào Cafe Cosmopolitan ngồi nhơi nhơi, trốn nắng và ngắm phố phường qua khe cửa hẹp (vì nắng xiên ngay chỗ ngồi!). Cuối cùng cũng xong 2 bữa cùng lúc, nhấc mông rời quán, thẳng tiến Swayambhunath. Nắng đã lên cao, đường phố đã thật đông đúc và ồn ào. Chẳng biết chút bia đầu ngày, nắng thu hay vạn thọ làm phố phường cứ vàng hực!


PA260586-1.jpg

Trốn nắng ở Café Cosmopolitan, bữa sáng + bữa trưa luôn đó. Tiết kiệm hén! (!?)


PA280652.jpg


PA280655.jpg

Chùa Tibet và Katheshimbu Stupa trên đường từ Thamel đến Durbar Square - rực rỡ trong ngày lễ.

Từ Durbar Square, con đường đi bộ đến chùa cũng không xa lắm, khoảng 4km, len lỏi qua những khu dân cư đông đúc cũng như những con đường nhiều bụi lắm ổ gà. Chùa nằm trên 1 ngọn đồi bên kia dòng sông Bagmati. Đường đi bộ lên chùa ngang qua làng cũng hay hay, nhất là khi bạn chịu khó lần mò đây đó vào thôn xóm. Trước đường vào làng có 1 cây đa cổ thụ xanh um tùm. Dưới bóng râm, các em bé, lẫn người lớn đang vui đùa bên chiếc đu quay bay cao tít, như những ngày hội làng ở miền Bắc ngày xưa (hoặc ở ngay Bình Quới, Saigon bây giờ!!!).

PA280686.jpg

Đu quay trong bóng trưa yên bình. Bpk thì vào đó nghỉ mệt, trốn nắng!

PA280675.jpg

Bánh trái hình như cũng nhiều màu sắc hơn trong ngày lễ. Chẹp, chẹp! May là mới vừa "chiến đấu" xong ở Cafe Cosmopolitan



(…tbc.)
 
Swayambhunath, ngày mùa thu đi lễ chùa mừng năm mới.... – 3

(cont.)

Nếu bạn đi bộ từ Thamel, bạn sẽ đến ngay chân cầu thang dốc ở hướng đông của ngọn đồi, nơi chùa tọa lạc. Còn nếu đi taxi, xe sẽ dừng bên bãi phía tây của đồi. Đường đi lên chùa từ hướng tây dễ hơn vì lên từ từ qua nhiều cung đoạn khác nhau chứ không dốc thẳng đứng như ở cổng đông. Nhưng đi dốc như vầy mới thú vị, nhất là lên nửa đường, đứng lại để thở, bạn sẽ nhìn thấy Kathmandu xa xa bên dưới với thật nhiều cánh chim ưng chao liệng oai phong giữa bầu trời.

PA280689.jpg


PA280692.jpg

Đường lên cổng đông của chùa

Chùa Swayambhunath với bảo tháp hình tròn đường kính 20m, cao 10m, nằm trên một ngọn đồi phía Tây thành phố Kathmandu. Chỉ có khách nước ngoài mới phải mua vé, người bản địa thì không. Chùa còn có tên là Monkey Temple cũng vì có nhiều khỉ và chúng rất hung dữ. Bpk chứng kiến chúng táo tợn cướp đồ ăn trên tay một em bé và thường xuyên đuổi cắn nhau chí cha chí chóe. Xung quanh chùa cây cối xanh mát. Đặc biệt, bạn sẽ có cảm nhận Tibet ở đây khi trên cao và ngoài kia những tràng phướn cầu nguyện nhiều màu bay dày đặc trong gió... phất phới giữa trời yên nắng trưa thanh bình.

PA280699.jpg

Đường lên dốc đá…

PA280696.jpg

Chùa Phật giáo như vẫn có linh vật Garuda của đạo Hindu



PA280700.jpg

Kathmandu nhìn từ giữa đường lên dốc

PA280731-1.jpg

Thung lũng chim ưng Kathmandu



Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa thung lũng Kathmandu là 1 cái hồ, và ngọn đồi mà chùa Swayambhunath tọa lạc nhô lên từ giữa hồ như chiếc lá sen. Sau đó, 1 vị Phật đã dùng thanh gươm của mình chém vào đáy hồ và nước đã rút đi để lại thung lũng Kathmandu màu mỡ ngày nay. Thú vị là các nhà địa chất học cũng đồng ý về việc ngày xưa thung lũng Kathmandu là 1 cái hồ, còn cách giải thích thì đương nhiên sẽ khác. Truyền thuyết cũng kể rằng Quốc vương Ấn độ vĩ đại Asoka cũng đã viếng ngôi chùa này từ hơn 2000 năm trước. Một số văn bản cũ cho thấy nơi đây đã trở thành trung tâm Phật giáo hùng mạnh cho đến những năm 1346, khi những lãnh chúa từ vùng Bengal tấn công vào đây và đập phá các stupa để tìm kiếm châu báu. Sau đó, chùa được xây dựng lại vào thế kỷ 17. Đỉnh đồi, nơi chùa tọa lạc, là nơi quan sát thung lũng Kathmandu bên dưới rõ ràng nhất, nhất là vào lúc chiều muộn khi phố lên đèn hay những đêm trăng sáng. Tiếc là dù Kathmandu đến 2 tuần, nhưng đến ngày bpk rời Kathmandu, trăng vẫn chưa tròn để bpk leo lên đó thả hồn theo trăng.

PA280705.jpg

Chày kim cang ngay trước bảo tháp


(…tbc.)
 
Swayambhunath, ngày mùa thu đi lễ chùa mừng năm mới.... – 4

(cont.)

Ở bảo tháp trên chùa, 4 đôi mắt Phật trên 4 cạnh của bảo tháp nhìn đau đáu xuống thung lũng Kathmandu, nhìn xuyên suốt qua tâm can của người đời như buồn thay cho những thân phận lầm lạc. Dấu hỏi mà chúng ta thấy, giống như 1 cái mũi, thật ra là chữ số 1 của người Nepal, nói lên tính thống nhất của muôn loài. Còn giữa 2 mắt của ngài và ở phía trên là con mắt thứ 3. Khi Đức Phật giảng kinh thì hào quang mắt thứ 3 này sẽ soi rọi khắp năm châu, bốn bể và đến tận địa ngục để soi sáng những tâm hồn lạc lối. Trên cao nữa là 13 tầng tháp, 13 thử thách để hoàn thiện trước khi đến cõi Niết bàn… Xin nói thêm là những điều này bpk võ vẽ lần mò học lóm lúc nhớ nhớ, lúc quên quên trên những tháng ngày lưu lạc chứ lúc ở quê nhà, bpk chẳng biết gì về các việc này.


PA280708.jpg

Bảo tháp ở chùa Swayambhunath


PA280711.jpg

Chùa vàng có niên đại rất xưa (quên mất là bao nhiêu rồi). Bpk vào đây và có tám với 2 du khách Pháp về VN… các vị sư cũng tham gia rất đông vui.

PA280710.jpg

Các chùa khác với cờ phướn tung bay trong gió thu rực rỡ - nhìn từ xa…

PA280722.jpg


PA280719.jpg

… và nhìn gần.



Nằm trên đồi cao, Swayambhunath là nơi tốt nhất để quan sát về thung lũng Kathmandu bên dưới. Rất nhiều chim đại bàng sải cánh ung dung trên bầu trời nơi đây. Ở chùa, có nhiều stupa, trắng và vàng, tất cả được bao quanh bởi các bánh xe cầu nguyện chạy dài, vòng theo các bảo tháp lớn. Kiến trúc chùa theo kiểu Phật Giáo Tibet, tuy cũng có ảnh hưởng chút chút Hindu qua các vật linh như Garuda.... Các kiến thức về các vị thần Hindu, Phật Giáo Tibet… có lẽ bpk còn phải học dài dài mới nhớ được. Chùa thật đẹp và cổ kính dù hôm nay hơi đông – Tết mà!. Các sư thầy ở đây vui vẻ dễ chịu chắc tại không bị quản thúc như ở Tibet, những người bán hàng cũng cũng vui vẻ, đặc biệt là các gia đình đi lễ và các em bé cũng rất vui và hòa đồng. Mình cứ luôn nhe răng cười và "Namaste!"

PA280733.jpg

Các stupa và tháp Chorba nhìn ở góc chùa Swayambhunath

PA280727.jpg

Chùa vàng dưới trời thu xanh (một chùa nhỏ trong cụm chùa).


Những ngày mùa thu lang thang trong chùa, đi trong tiếng cờ phướn vui reo phần phật với gió, trời thu xanh ngắt, nắng thu ấm, gió thu mơn man... cứ ngỡ đang trôi trôi nơi đâu. may mà còn có tiếng chuông chùa lôi về thực tại (!).

(…tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,080
Bài viết
1,149,349
Members
189,864
Latest member
ceoviva88
Back
Top