What's new

[Chia sẻ] Nepal ngày thu xanh

Thấm thoắt, hè đi đã nửa, thu mới cũng đã sắp sang. Những ngày hè 2009 năm nay oi nồng quá, lang thang trên mạng đọc về Nepal hiền hòa, chợt nhớ làm sao những chiều thu Nepal xanh ngăn ngắt diệu kỳ. Gần 1 tháng trời lang thang Nepal thu một mình, ký ức mong manh giờ chợt òa vỡ trong những đêm say mộng mị trăng vằng vặc bên cửa, những chiều hoang lòng vắng tênh bỏ phố về sông quê… Mua vui vài trống canh cho bạn nghe chơi về những ngày lãng đãng đó nhé!

Trên diễn đàn, có nhiều đề tài về Nepal, nhưng hầu như các bạn chỉ dừng chân vài ngày ở đất nước tươi đẹp này. Nepal, hay chính xác Kathmandu, thường chỉ được xem là điểm dừng tạm, sau khi du khách chìm đắm ngất ngây với Tibet huyền bí, hùng vĩ, trước khi lên máy bay về quê nhà, hay xuôi nam về miền đất Phật Lumbini, hay dừng chân thăm thú Chitwan hoang sơ rừng rú, cỡi voi ngắm tê giác, thú hoang, gái lành… Cũng như các bạn, lúc đầu bpk chỉ định dừng chân ở Nepal vài ngày trước khi xuôi Ấn, nhưng vì mối nhân duyên nào đó, bpk đã bị “kẹt” ở đây gần 1 tháng trời. Những ngày “kẹt” ở Nepal đó, lúc đầu bpk cũng nhiều phiền muộn, nhưng thời gian đã từ từ thay đổi nhận thức của kẻ khù khờ. Nếu không vì cuộc hẹn ở Delhi cũng như chuyện riêng ở quê nhà, có lẽ bpk sẽ lưu lại Nepal lâu hơn, như thằng ku SV Thụy Điển gặp trên đường, dự định ở Nepal 3 tháng (!). Cũng như các bạn đã từng đến Nepal, bpk cũng ghé các điểm du lịch kể trên, còn lang thang nhiều ở ngõ ngách ở đó nữa (quá rảnh mà). Do vậy, khi gõ bài lần này, bpk sẽ chỉ lướt qua các điểm mà bạn đã đến, đi chi tiết vào những nơi bạn chưa đến (hoặc có thể đã đến nhưng chưa thấy chia sẻ trên diễn đàn), và sẽ càng chi tiết hơn ở những điểm bpk yêu thích.

Tibet những ngày cuối tháng 10. 2009. Rời Tingri, Tibet vào sáng thật sớm, 6.30 nhưng ngỡ như 4.30am (mãi đến 8am mặt trời mới lấp ló). Lý do là để kịp đến Zhangmu / Kodari buổi trưa để tiện đường về đến Kathmandu sơm sớm. Trục trặc tại cửa khẩu Zhangmu vì chú HDV đã quay lại Tibet từ Custom Check-point mà không đi đến Immigration Check-point*. Lý do CA TQ không cho rời biên giới là vì không xuất trình được Tibet Entry Permit. Vì có vào, mới có ra. Gọi điện thoại cho Kalsang, ku HDV người Tibet, không được vì con đường từ Zhangmu về lại Tingri chạy trong rừng già không có sóng điện thoại. Phải nhắn tin cho ku, cầu may tin nó đến ở đoạn đường có sóng. Rồi lại gọi về tận Chengdu xin số ĐT của sếp của ku ở Lasha. Gọi về Lasha mãi mới được, rồi cậu chàng hớt hải chạy ngược lại biên giới chìa tờ giấy nhàu nát ra (vì đã bị kiểm tra quá nhiều lần). Mất gần 2h cho vụ này. Suốt gần 2h ngồi tám với 1 thằng ku CA TQ. Nó tưởng mình người Nepali (!). Thây kệ, may mà cũng đọc ít nhiều về Kathmandu đủ tám với nó. Phần cũng gợi gợi để xem chúng bạn có nói gì về VN hay không? Mà nó cũng chẳng biết Vietnam, dù là dân Chengdu chính hiệu!

Rồi cũng vẫy tay chào biên giới TQ, xen lẫn với đoàn người Sherpa đang chất trên lưng bao nhiêu là hàng hóa, sang Kodari. Làm thủ tục visa thật đơn giản, 40$ cho 30 ngày lưu trú, mai mốt muốn ở thêm thì về Kathmandu gia hạn. Cán bộ hải quan vui vẻ nói nói cười cười khác xa quê mình. Xong xuôi, lại chen lấn tiếp với dòng người và tranh đấu với cò xe để lên 1 chiếc xe pick-up chật cứng. Đường tắc, vì rất nhiều xe chở hàng từ TQ sang mà CA Nepal kiểm tra rất kỹ càng từng xe một. Thời gian rảnh rỗi, nhảy xuống xe đi lòng vòng chờ, có đi kiếm beer địa phương nhưng ở đây chỉ có Tuborg, ghét, chẳng uống. Chỉ đi lang thang ngắm người ngắm cảnh, chờ thông đường. Rồi đường cũng thông, mất hơn 2h, và chiều đã xế.

PA240428.jpg

Đã sang đất Nepal. Cửa khẩu Kodari vẫn nhiều cờ phướn ngỡ như vẫn còn ở Tibet. Bpk cũng 1 mình 1 balo như 2 tên "bụi đời" này.

PA240430.jpg

Thung lũng Kodari xanh

PA240441.jpg

Đoàn xe kẹt dài từ biên giới.

PA240438.jpg


CopyofPA240442.jpg

Suối & thác nên thơ ở cửa khẩu biên giới.

CopyofPA240435.jpg


PA240433.jpg

Các em bé Nepal dễ thương, xinh xắn và mến khách.


Cũng biết trên đoạn đường về Kathmandu có The Last Resort, nơi có trò bungee, cũng có ý định dừng lại đó. Nhưng đi xe công cộng, chiều lại xế rồi nên đành thòm thèm nuốt nước bọt khi xe chạy ngang và hẹn ngày tái ngộ. Chỉ cách biên giới nhưng cảnh quan bên Nepal khác xa bên Tibet. Cũng có dãy Hymalaya xa xa ánh hồng pha bạc trong chiều, nhưng dân tình ở đây lại giống giống như ở làng quê Việt. Cũng heo bò gà qué tí tởn trên đường, cũng những người dân quê tụ tập tám trước nhà, cũng những cửa hàng xén hàng hóa bộn bừa, chợ tạm ven đường tấp nập…. Chỉ khác là thỉnh thoảng xe đi qua những thung lũng với những cánh đồng bậc thang đẹp như mơ. Lòng thầm hẹn là sẽ quay lại, nhưng hỡi ôi, thường “lời hẹn thề là những cơn mưa…”!!!

Đi mải miết trên đường, xe cũng đến ngoại vi Kathmandu vào khoảng 7.30pm. Lòng vô cùng thất vọng vì đường xá ổ gà ổ voi lổn ngổn chen nhau, đường thì bụi mờ mịt, xe cộ thì đông đúc chen chúc, trời thì cúp điện tối mò mò. Hỡi ôi, Kathmandu danh tiếng là đây sao?

Đã vậy, khi xe dừng lại cho 1 người khách xuống xe trong khu chợ tối um, bẩn thỉu, thiếu đèn… lòng lại càng rờn rợn. “Biết ra sao ngày sau” đây hả trời!? Nhưng cảm giác băn khoăn từ từ tan biến khi xe tiến vào khu Thamel tấp nập khách qua lại, hàng quán um tùm... Là người cuối cùng lê bước xuống xe, xuống vùng đất chan hòa ánh đèn chớp nháy, xôn xao tiếng người nói cười, bpk cứ ngỡ là vừa đến Khaosan hay Kuta hay Adriatico… Ah, cuộc sống sôi động cho dân lang bạt đây rồi, miền đất hứa đây rồi. Và bpk đặt chân xuống Thamel lúc 8.30pm, miền đất thiên đường cho dân hippy ngày nào đang dang tay chào đón kẻ lang thang. Hello Kathmandu!!!


* Thời gian bpk đi Tibet, tháng 10/2009, bên cạnh việc bắt buộc phải xin Permit, du khách vẫn không được tự đi mà phải có HDV đi kèm. Ở 1 số điểm tham quan, dù khách có Permit, tự cầm và đưa ra, vẫn không được cho vào nếu không có HDV đi cùng. Chẳng hiểu làm sao, lúc đến cửa khẩu, cậu chàng này lại quên, bỏ về sớm.
 
Last edited:
Kathmandu, những ngày vui lễ hội Tihar, Deepwali, Bhai Tikar...

Đêm trước, 8.30pm đến Thamel, Kathmandu, đeo balo mòn mỏi đi tìm nhà nghỉ (GH). Các GH được giới thiệu trong LP đã đầy kín chỗ, mà giá cũng đã tăng chứ không còn mềm như theo LP. Cuối cùng, bpk chui đại vào 1 GH (nhìn ngoài hơi bẩn bẩn 1 tý!) ngay trên đường chính, gần Thamel Chowk, giá cũng tạm tạm, 200 Nepali Rupe (1 US$ # 78Rs thời điểm đó). Phòng cũng sạch tương đối, có 2 giường, nếu đi 2 tên thì chắc sẽ OK hơn. Mục đích là chỉ để quăng cái balo, tắm táp 1 cái sau 1 ngày dài lê la trên đường, mai đi tìm GH khác. Xong xuôi, sạch sẽ thơm tho (?), ra đến đường cũng đã gần 10pm, đường phố vẫn tấp nập đông vui. Tìm 1 quán giữa phố, nằm trên tầng 1, nhìn thẳng ra ngã 3 đường tấp nập người xuôi kẻ ngược, bpk leo lên, ngồi ngắm thiên hạ, chơi vài ve Nepal Ice làm quen. Rất OK! Và từ chỗ mới quen, Nepal Ice mau chóng trở thành” bạn thân” của bpk trong những ngày thu Nepal. Dĩ nhiên là ngoài Nepal Ice, bpk còn nhiều “bạn” thân sơ khác nữa, sẽ từ từ giới thiệu. Ngấm bia, ngấm sương mùa thu, ngấm mệt sau 1 ngày dài… nhưng cũng đến gần 1am, bpk mới lê thân về phòng lăn đùng ra giường. Mở mắt dậy, đã 10am.

PA250504.jpg

Bạn mới nhưng dễ thân (!). Bữa tối của bpk đó, đạm bạc ghê hén. Bổ sung glucid từ bia thay vì cơm gạo.

PA250485.jpg

Bạn cũng mới, nhưng dễ thân hơn vì sử dụng hình ảnh và danh tiếng của người đầu tiên lên Everest – niềm đau chôn dấu của bpk.


Những việc trong những ngày lười nhác này chắc cũng không nên kể lể, mất thì giờ của các bạn. Bpk quyết định chỉ nghỉ ngơi, thư giãn ở Kathmandu vài hôm, sau những ngày ăn chơi nhảy múa miệt mài, quá hứng thú nhưng cũng nhiều mệt nhọc ở Tibet, EBC… Bpk chỉ lang thang trong Kathmandu, lên Durbar Square làm cái thẻ ra vô 2 tuần (vì nếu không làm thẻ, mỗi lần ra vô phải mua vé mới), để mỗi chiều đi đâu về cũng leo lên Shiva Temple, cõng theo Nepal Ice hoặc Everest ngồi ngắm thiên hạ lơn tơn, dập dìu, dắt díu nhau qua lại dưới chân mình (!). Mà đúng là trời xui đất khiến, bpk đâu có định ở Kathmandu 2 tuần mà vẫn tham lam hô to dõng dạc “2 tuần” khi làm thẻ. Và sau đó, “kẹt” ở Kathmandu đúng 2 tuần! Chắc ở quê nhà biết chuyện, thế nào cũng có bạn chọc ghẹo “Mày hả Bưởi, muốn 2 tuần cho mày 2 tuần luôn!”

PA250480.jpg


PA280731.jpg

Kathmandu nhìn từ roof-top café và từ trên đồi cao

PA250488.jpg

Hoàng hôn Kathmandu


Những ngày này, Kathmandu thật vui và náo nhiệt vì sắp đến lễ hội Tihar và sau đó là lễ hội Deepwali (còn gọi là Diwali) rồi đến Tết Năm mới của người Newari, rồi đến lễ hội Bhai Tika… Tất cả trong vòng 5 ngày liên tiếp. Để bpk giải thích sơ sơ nhé. Lễ hội Tihar gồm 5 ngày, nhưng đến ngày thứ 3, lễ hội được gọi là Deepwali, ngày thứ 4 lại là Tết năm mới của người Newari (1 dân tộc chiếm chỉ 6% dân số Nepal nhưng rất nổi tiếng về nghệ thuật điêu khắc, ẩm thực, thương mại…), ngày thứ 5 của Tihar lại là ngày lễ Bhai Tikar, ngày lễ của anh chị em trong nhà. Tihar là ngày lễ lớn nhất của người Hindu ở India, còn ở Nepal nó chỉ nhỏ hơn lễ hội Dasain. Lễ hội Tihar tôn vinh những con vật linh, như ở ngày thứ nhất, dân chúng chúc phúc và ném đồ ăn cho những chú quạ, ngày thứ 2 là đến những chú chó, ngày thứ 3 là những cô bò cái, ngày thứ 4 là những chú bò đực. Do vậy, những ngày này ở Kathmandu, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy những chú chó, cô bò với vòng hoa vàng rực trên cổ, chấm tikar đỏ hoe hoét trên trán… đủng đỉnh lượn phố hay tí tởn rượt nhau trên đường.

PA280661.jpg



PA280646.jpg

Ngày vinh danh của các bạn đấy nhé.


... tbc!
 
Last edited:
Kathmandu, những ngày vui lễ hội Tihar, Deepwali, Bhai Tikar (cont.)

(cont.)

Trong 5 ngày lễ, ngày thứ 3, Deepwali, là ngày quan trọng nhất vì đây là ngày Lakshmi, nữ thần Thịnh vượng sẽ đến viếng thăm những ngôi nhà, đặc biệt là những ngôi nhà trang trí nhiều ánh sáng. Do vậy, khắp chốn cùng quê, vào buổi tối nhà nhà đều sáng rực, không chỉ trong nhà mà cả những hàng nến chạy dài dẫn đường từ ngõ vào nữa. Kathmandu vào đêm thỉnh thoảng cúp điện, giờ lại lung linh rực rỡ với cơ man nào là đền và nến. Còn vào ngày lễ Bhai Tikar, anh chị em trong nhà sẽ tụ tập gặp nhau và chấm tikar chúc phúc cho nhau. Sau đó chị em gái sẽ tặng anh em trai của mình trái cây bánh kẹo. Đáp lại, các chàng trai sẽ tặng chị em gái mình ít tiền may mắn. Bpk đến Nepal hôm 24.10, lễ hội bắt đầu từ ngày 26.10, do vậy dường như bpk chơi trọn mùa lễ Tết năm nay của Nepal. Cái gì chứ mấy vụ ăn chơi trúng vào ngày lễ tết của thiên hạ là bpk may mắn lắm (cho cưa bom 1 tý), cái Tết Bun Pimai Lào, bpk đã ăn chơi nhảy múa 3 lần ở Luangprabang đó.


CO010D1.jpg


PA250476.jpg

Hoa cho những ngày lễ hội

COPYOF4.jpg


PA280014.jpg

Vẽ tranh cát trang trí cho Kathmandu ngày hội, từ trước nhà đến giữa phố chợ.

PA280003.jpg

Trang trí nhà cửa mừng năm mới. Hoa vạn thọ là 1 trong những loại hoa bkp thích nhất, gợi nhớ những Tết nghèo nhưng vui ngày xưa.


PA290049.jpg

Phố phường đông vui ngày đầu năm mới – những cô gái Nepal xinh quá!


Kể lể cũng hơi sa đà, nhưng cho bpk kể nốt phần cuối của entry dài dòng này, để sang các entry khác chỉ nói về các điểm đến - đó là giải thích lý do tại sao bpk bị “kẹt” ở Kathmandu 2 tuần. Âu cũng là chia sẻ kinh nghiệm tý cho các bạn đi sau. Số là lúc bắt đầu lên đường, vừa lu bu, vừa làm biếng, vừa nghe dân tình nói xin visa vào India dễ lắm (bạn bpk ở Vietnam xin có mấy ngày là được visa 6 tháng multi-entries), với lại, bpk cũng đã đi Calcutta 1 lần rồi… nên quyết định không xin visa India ở quê nhà mà dự định sang Kathmandu mới xin. Còn nghĩ rằng xin ở Nepal còn dễ hơn vì nó sát India, hữu hảo láng giềng với nhau nữa. Té ra, bpk bé cái nhầm to! Xin visa ở India cực kỳ mệt mỏi, nếu không muốn mất tiền cò.

Ở Kathmandu, muốn xin visa vào India, buổi sáng, bạn phải dậy lúc 6am, đến ĐSQ xếp hàng (Tây mà nó cũng chen ngang nữa đó vì chờ lâu quá) đến 8.30 ĐSQ mới mở cửa để phát số. Vào trong, chờ tiếp đến 9.30 mới làm việc. Bạn sẽ điền vào 1 cái phiếu, gọi là telex form, nộp tiền fax, để họ fax về ĐSQ India tại Vietnam để xác nhận nhân thân có phạm tội, bị truy nã… gì gì đó không. Hẹn 3 ngày sau đến, nếu có xác nhận từ quê nhà thì nộp tiền, và chiều cùng ngày quay lại nhận visa. 3 ngày sau, cũng lò mò từ tinh sương đến nơi, chờ mãi đến lúc trưa trờ trưa trật, gặp anh hải quan bảo “Tao chẳng có tin tức gì từ Vietnam của mày”. Hẹn 3 ngày sau quay lại. Cũng lò mò thức khuya dậy sớm, cũng chờ đợi… rồi cũng nhận được cái lắc đầu. Kỳ này, buồn bực và chán nản quá, bèn xông vào gặp sếp lớn trình bày, theo như lời xúi giục của anh hải quan. Sếp rất dễ thương, kêu bpk điền lại vào 1 cái telex form khác, fax miễn phí về quê nhà, và lại hẹn. Đến hẹn lại lò dò lên, vẫn nhận cái lắc đầu. Rồi lại hẹn, rồi lại lên, lại lắc đầu. Kỳ này chán quá rồi bèn năn nỉ ỉ ôi thiếu điều khóc lóc (nhưng kiên quyết không chịu bỏ tiền hối lộ - như lời xúi giục của bè bạn từ quê nhà). Sếp thương tình, chắc thấy ku này kiên quyết vào India quá, mà cũng bền gan vững chí không chi hối lộ, bèn xuống tay cho 1 cái visa vào India. Visa 1 tháng, chỉ 1 lần ra vào. Thế là vỡ tan giấc mộng chạy qua Pakistan, Bhutan lang thang, nhưng bản tính bpk vốn không phải tham lam kiểu “được voi đòi hai bà Trưng” (?) nên cũng vui vẻ, hí hửng cầm passport lơn tơn về, dĩ nhiên là sau khi cám ơn suông mỏi miệng! (Nói về vụ Pakistan, sau đó, bpk cũng mò lên được biên giới India - Pakistan, nhưng chuyện đó thuộc chương hồi khác).

PA250483.jpg

Nơi bpk vẫn thường ngồi mỗi chiều trong những ngày Kathmandu (bên tay trái). Chỉ mình ta với các “em”!



Vậy đó, có cái vụ án India visa mà bpk kẹt lại ở Kathmandu 2 tuần. Thời gian đó, “công việc” chính của bpk, sau khi quần phá nát tan Kathmandu, là cứ sáng sáng, lững thững cuốc bộ ra bến xe Ratna Park, nhảy lên xe đi đến các điểm đến là di tích Unesco cũng như các điểm khác được LP giới thiệu – có hôm chạy sô 2-3 điểm! Có vài hôm, bpk ngủ đêm ở nơi khác vì thích, cũng như đường về Kathmandu không tiện. Nhưng hầu như “công việc” buổi chiều của bpk là lơn tơn cuốc bộ từ bến xe Ratna Park qua đường New Road về Durbar Square, cõng mấy “em” Nepal Ice hoặc Everest leo lên đền Shiva ngồi nhìn hoàng hôn rực đỏ hoặc những đêm thu Kathmandu xanh ngát. Giờ vẫn còn mơ!


* Ông chủ trẻ bán bia khu Durbar Square với bpk đã trở thành bạn bè (?!). Lúc đầu, bpk leo lên 1 cái nhà hàng roof-top nhìn được Durbar view, tít trên cao ngồi nhìn xuống, quán dễ thương, view đẹp, phục vụ cực kỳ nhiệt tình (dù chẳng biết VN ở đâu!), rủ rê, giới thiệu bpk về quê chơi… nhưng bia đắt quá 250 Rs/chai, trong khi bên dưới chỉ có 120Rs. Vả lại, ở trên cao đó thì không gần gũi với cuộc sống dân tình bên dưới nên bpk chỉ lên 1 lần, rồi thôi.
 
Last edited:
Lạc bước Nagarkot, "ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian"! - 1

Thủ đô Kathmandu và thung lũng nhỏ bé bao quanh lại là nơi có đến 7 di tích văn hóa thế giới được Unesco công nhận. Du khách đi theo tour hoặc chỉ xem Nepal là điểm dừng tạm, thường chỉ tranh thủ ghé thăm các điểm này. Khách Việt thì thường viếng các điểm tham quan liên quan đến Phật Giáo như Chùa Swayambuhnath, bảo tháp (stupa) của Phật Giáo Mật Tông Tibet ở Bodhnath… Trong các diễn đàn, các bạn cũng đề cập nhiều về những nơi này… Để thay đổi không khí, cũng như mong muốn chia sẻ nhiều hơn với các bạn, bpk sẽ gõ các-điểm-đến-không-là-Unesco-Herritage chen lẫn với các điểm đó. Và hy vọng sẽ “mô tả” được 1 Nepal khác đến với các bạn, khác với cả nhận thức của cả bpk rất nhiều, trước chuyến đi và cả trong những ngày đầu vừa đến Nepal. Rời Kathmandu, chúng ta cùng thăm Nagarkot nhé.

Khuya trước, chân nam đá chân xiêu trên đường phố Kathmandu, lòng sầu vô tận vì visa vào Ấn Độ lại trục trặc, miệng làm bầm hát "Cớ sao buồn này Kim, cớ sao sầu này Kim..." (!). Mà buồn thật chứ, lúc sáng đã gói ghém đồ đạc, nghĩ rằng ngày mai sẽ lên đường đi đâu đó chia tay thung lũng Kathmandu. Có ai biết trước chữ ngờ…! Buồn quá, lại phải chờ đến mấy ngày vì dịp cuối tuần, nên trong cơn chếch choáng, với sự trợ giúp mấy em gin-tonic, quyết luôn là mai sẽ “bỏ” Kathmandu đi Nagarkot để ngắm bình minh và chìm trong hoàng hôn ở đây – để vơi bớt chén sầu (!?). Và quyết định mơ hồ trong một đêm say đã đưa bpk lạc bước đến chốn thiên thai, mà chẳng ngờ. Lại thêm 1 chữ ngờ!


Theo LP, nằm ở độ cao 2.175m (khoảng khoảng Hòn Ông của Langbiang - Đà Lạt), Nagarkot là điểm nghỉ dưỡng sau những chuyến trekking dài hoặc là điểm khởi đầu những cuộc trekking ngắn từ đây xuôi về phố thị. Nagarkot còn là điểm đến của những người muốn chiêm ngưỡng hòang hôn và bình minh kỳ vĩ trên dãy Hymalaya bao quanh phố nhỏ. Nhưng Nagarkot không chỉ vậy thôi, ít ra là với bpk!

PB030602.jpg

Giới thiệu trước về Nagarkot, phố nép mình bên dãy Hymalaya nhé.

Lang bạt giang hồ chưa nhiều nhưng cũng không ít lắm, cảnh đẹp thiên nhiên mỗi nơi một vẻ không thể so sánh, nhưng khi đến Nagarkot mới ngạc nhiên rằng nơi đây, bpk lại gặp, lại nhớ về rất nhiều nơi đã từng lê gót trên bước đường phiêu bạt, nhất là quê nhà. Nhớ làm sao Đà Lạt, với đồi thông trùng trùng điệp điệp Nagarkot thắp nên trong hoàng hôn. Còn nhớ Đà Lạt hơn khi những cây mai anh đào nở hồng dịu dàng đây đó những góc đồi núi Nagarkot. Rồi lại miên man trôi về những ngày lang bạt vùng cao nguyên Bắc Bộ, những cánh đồng tam giác mạch hồng tím trên đá xám cao nguyên Đồng văn. Con đường chạy hun hút trong nắng và giữa ngút ngàn đồi núi, ngất ngây những bờ dậu trạng nguyên mùa thu đỏ rực chen với dã quỳ vàng hực của con đường Cao Bằng-Trùng Khánh-Bản Giốc. Chỉ tiếc là không có con sông Quây Sơn với bờ xe nước hờ hững quay quay để mình lăn thả tấm thân bên bờ sông vàng nắng mà nhớ về bờ xe nước ngày xa xưa lắm ở quê nghèo. Đã hết đâu, ở Nagarkot, mình còn gặp lại những sáng sương mù ngập tràn thung lũng, giăng giăng bay vào cửa sổ như những ngày xưa cũ còn-nhiều-vụng-dại ở Sapa ngày còn chưa thị thành hóa, những trưa bên bờ sông hoa vàng trải bạt ngàn bờ sông hờ hững, trên cao, những cánh chim ưng chao nghiêng giữa bầu trời Pai xanh ngan ngát, rồi đêm nao lang thang Đà Lạt, sương khuya lạnh, trăng suông mờ, một mình với đêm với chút nến, chút bia, chút lạnh, chút cô đơn... chợt nhớ, rồi lại chợt nhớ. Nagarkot vậy đó!

Muốn đi Nagarkot, có 2 cách. Hoặc là bạn mua tour và xe của tour du lịch, một chuyến/ngày lúc 1.30pm ở gần khu Thamel, giá khoảng 150Rp. Cách thứ 2, bạn đi chung với dân địa phương thì phải đi 2 chặng. Bạn ra bến xe Ratna Park đón xe đi Bhaktapur. Đến Bhaktapur, xe dừng ngay trước cổng vào phố cổ (Unesco Herritage), bạn xuống xe đi thẳng, đến chợ và rẽ phải, sẽ có xe đi tiếp đến Nagarkot, cứ khoảng 30p có 1 chuyến. Tổng chi phí cho cách này mất khoảng 20+15Rp. Bpk chọn đi cách thứ 2, đương nhiên (!). Còn có cách thứ 3 nữa, kể chơi cho biết, là taxi, 700Rp cho 1 chiều. Bạn có thích, thì đi?

Bpk đã đi Bhaktapur trước đó, nên kỳ này cũng dễ đi. Lúc xuống xe ở trước cổng phố cổ, hỏi đường đến bến xe đi Nagarkot, anh bán vé và soát vé còn nhớ (vì đã rất ấn tượng (!?) hôm trước bpk ghé) và nhiệt tình chỉ đường ra bến. Đường đi rất dốc và ngoằn ngoèo. Từ Bhaktapur đến đây chỉ hơn 20km nhưng xe sẽ leo dốc trong gần 1.30h. Nằm ở cuối đường của huyện Bhaktapur, xe bus đến Nagarkot sẽ quay đầu lại, để về phố thị.

PB020281.jpg

Đường thông xanh ngăn ngắt

Lúc vừa rời Bhaktapur, cảnh vật 2 bên đường cũng rất bình thường, chỉ hay hay bởi không khí dịu mát, những cánh đồng bậc thang đã sau mùa gặt không rực rỡ phô trương màu lúa non xanh tơ hay vàng óng ngày mùa mà chỉ dịu dàng một màu nâu đất thật hiền. Chỉ vậy thôi, và leo dốc.

PB010161.jpg


PB010066.jpg

Những cánh đồng sau mùa gặt nâu đất dịu dàng khép mình bên sườn núi. Xa xa, thôn xóm hiền hòa

PB010070.jpg


PB010110.jpg

Đã gần đến Nagarkot, những nương cải đã khoe màu trong nắng thu


PB010141.jpg

Mai anh đào hồng dịu dàng.

(… tbc)
 
Lạc bước Nagarkot, "ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian"! - 2

(Cont.)

Nhưng chỉ rời Bhaktapur khoảng 5-6km, mọi việc đã khác hẳn. Những cánh đồng bậc thang thay vì bỏ hoang sau mùa gặt, đã được trồng cải, trồng tam giác mạch. Những cánh thang chuyển màu thật nhẹ, từ xanh non đến hơi vàng mơ, đến vàng rực... tùy theo độ tuổi của những cây cải, hoa cải trông thật đẹp.

Nhưng chưa hết, lên cao nữa, những cánh thang bên sườn núi chợt pha màu khác, những vườn tam giác mạch hồng trắng hoặc tím dịu dàng. Mùa này, nếu bạn lang thang vùng núi Bắc Việt, đặc biệt là cao nguyên đá Đồng Văn, bạn sẽ thấy những cánh đồng tam giác mạch thật nổi bật trên nền đá xám. Còn ở Nagarkot, bên cạnh những luống cải vàng rờ rỡ, màu hồng tím của tam giác mạch trông thật nhu mì, tô điểm cho cánh đồng thêm màu thêm sắc.

Thi thoảng, bỏ nương đồi, con đường dốc chạy xuyên qua những cánh rừng thông ngút ngàn. Thông thật xanh trong nắng cao nguyên mùa thu lại được tô điểm thêm bởi những hàng rào trạng nguyên đỏ thắm, những luống cúc dại vàng hoe (thay dã quỳ ở quê nhà), những căn nhà vách đất nâu nâu mái tranh vàng rực hay ngói đỏ thăm, với những luống hoa vàng trước ngõ... như ngày Tết quê nhà năm nao. Thật êm đềm!

PB010150.jpg

Trời chiều râm mát, vạt nắng vàng ai đổ giữa núi đồi?

Đã hết đâu, lên cao nữa, những cánh đồng, những vườn cải lại được tô điểm thêm những cây mai anh đào cũng đang mùa hoa nở. Những cây mai anh đào khẳng khiu trút hết lá, dồn hết sức cho những đóa mai anh đào hồng phơn phớt giữa trời thu cao nguyên xanh như vô tận. Nhớ miên man trôi về những tháng ngày xưa, ai đó bẻ vội cành mai anh đào chất chứa nhiều kỷ niệm trong khuôn viên ĐH Đà Lạt, mang ấm nồng về cho căn phòng lạnh lẽo Đà Lạt ngày đông...

PB010029.jpg


PB010033.jpg

Vườn cải vàng hơ hớ, khép nép bên góc mai anh đào bẽn lẽn

Và càng gần đến Nagarkot, thung lũng, sườn đồi được tô điểm bởi những cánh đồng bậc thang, thêm những luống hoa nhiều màu... như bức tranh xuân. Ngoài kia gió mơn man ve vuốt, nắng trên cao thật vàng, trời thật biếc... thông thật xanh, núi tuyết xa xa ánh lên vẻ bàng bạc kiêu hãnh... Đây là chốn nao?!

PB010038.jpg


PB010084.jpg

Cải vàng, tam giác mạch hồng quấn quít lưng chừng đồi, như tranh thêu

Xuống xe lúc mặt trời cũng đã cao cao. Bình thường, bpk sẽ đi tìm GH trước, quăng cái balo trước rồi mới lang thang. Nhưng lần này khác, không cưỡng lại đã quảy luôn balo đi lang thang núi đồi, len lỏi xuống dốc lên đồi vào những khu vườn của dân quê. Dân tình cũng ngạc nhiên, chắc nghĩ mình cũng hơi tưng tưng khi đeo cái balo nặng trịch như vậy vào thôn xóm. Gà qué cục ta cục tác ầm ĩ (chắc sợ bpk lấy trứng), chó sủa nhặng xị… vui ơi là vui.

PB020286.jpg

Thung lũng vàng

PB010027.jpg

Lại thung lũng vàng, nhưng là vàng nâu dịu dàng, khi chiều chậm chậm xuống

(… tbc)
 
Lạc bước Nagarkot, "ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian"! - 3

(Cont.)

Xong, hiệp 1. Lên nhà hàng bên sườn đồi ngồi hóng gió và uống café. NH không có nhạc, mở cell-phone nghe Om Mani Padme Hum trong nắng gió cao nguyên, uống café mà say như vừa chơi cả chai Gin (!?). Chiều lại lang thang theo con đường xuôi về Bhaktapur để tận mắt ngắm nhìn những cảnh đẹp đã vụt qua trên đường đến.

PB020250.jpg

Ngày Nagarkot sáng choang, có phải do ánh băng từ núi tuyết

PB020307-1.jpg

Rồi có con đường miên man “vàng hoa như nắng” chỉ tiếc là chẳng có “áo ai bay lên”!


Do quá mê mẩn với nhan sắc làng quê, lúc trở về lại trung tâm thị tứ lúc 4.30pm, leo lên con đường dốc để lên view-point không kịp. Lên đến gần 2/3 đường thì mặt trời đã xuống hẳn bên kia trời. Đành quay về. Đi lên view-point mất hơn 1.30p đi bộ (hơn 4km đường rất dốc), nếu bạn đi xe ôm hoặc mua tour mất 400-500Rp, nhưng bpk thích đi bộ hơn. Vừa đi vừa ngó nghiêng, vừa nghỉ ngơi, vừa chụp hình, vừa tám… (Bpk bị muộn 1 phần cũng do ku bán tour, lúc hỏi nó “tao đi bộ từ 4.30pm lên kịp không?”, nó nói OK, nhưng cuối cùng lại chẳng OK). Như vậy là mình hụt lần đầu ngắm hoàng hôn ở đây. Sáng hôm sau, lại dậy trễ, có cài báo thức nhưng quên không cài báo thức ngày hôm đó, thế là cũng bị muộn. Hận mình quá, bèn quyết tâm hơn. Chiều đó, 3.30pm đã lên núi. Sáng hôm sau, 4am cũng lên núi. Thế là bpk đã leo lên tụt xuống 4 lần ở Nagarkot để tắm trong bình minh sương giá và chìm trong hoàng hôn hồng rực và đêm thu ngát xanh của Nagarkot.


PB010175.jpg

Các cung bậc hoàng hôn Nagarkot, ở phố…

PB010176.jpg

…và lên cao hơn nhìn về Hymalaya


PB020243.jpg


PB020238.jpg

“Trong sương hồng hiện ra” – bình minh ở phố núi

PB030567.jpg

Ở bên kia thung lũng, trời sáng rực nhưng sương vẫn vấn vương

(… tbc)
 
Lạc bước Nagarkot, "ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian"! - 4

(cont.)


Cũng định gõ vài dòng về hoàng hôn và bình minh ở Nagarkot, nhưng có lẽ hình ảnh sẽ nói thay. Chỉ biết là rất xứng đáng để dân tình lên đây để ngắm mặt trời đâm toạt sương sớm kiêu hãnh vươn cao hay dãy Hymalaya từ bạc sang hồng rồi đỏ rực trong chiều. Trên cao trăng non lên sớm, làm trời thu cứ xanh mãi… cả khi mặt trời chìm khuất đã rất lâu. Và cũng đáng để bạn lên đó, hiên ngang cầm 1 em Tuborg, chơi vơi cùng hoàng hôn (buổi sáng mà chơi “em” đó, chắc thiên hạn tưởng mình khùng; mà mình có khùng ?!)…


PB020327.jpg


PB020353-1.jpg

Hoàng hôn ở view-point

Đêm, lang thang từ view-point một mình cũng rờn rợn. Nhưng cứ vừa đi, vừa mở Om Mani Padme Hum là tự tin hẳn. Con đường núi đêm ở đây có nhiều đom đóm, mà đã lâu lắm rồi mình không thấy. Đi mãi trên đường lâu lâu mới có 1 chiếc xe máy chạy qua, rồi cũng mừng khi thấy ánh sáng nơi xa xa.



PB030441.jpg


PB030512.jpg

Bình minh ở view-point

PB030476.jpg


PB030521.jpg

Nắng lên nhưng sương còn lưu luyến



Đêm Nagarkot lạnh, buồn và vắng. Không thấy du khách ngoài đường. Cũng không có bar biếc gì hết. Bpk hôm nào cũng vào net xong ra lúc 8pm là hàng quán đóng cửa gần hết. Ngồi ở quán bên ngã 3 đường, đến khi các quán khác đóng cửa hết mới lững thững cuốc bộ về, đâu cũng chỉ chừng 9pm. Dĩ nhiên là ai đi ngủ giờ này, thế là cõng vài em “bạn thân” về vườn trước phòng trong GH, đốt nến, nâng ly, cụng ly với mình… nghe KL ru hời “… nhìn lại mình đời đã xanh rêu…”.

PB010219.jpg

Nến có đôi, mình có bạn mới, ấm lòng trong đêm lạnh bên rìa Hymalaya.


Vườn Nagarkot không có quỳnh, nhưng có loài hoa đêm nào đang dịu dàng tỏa chút hương thầm trong gió khuya!
 
Đọc bài của bác khiến em cũng nhớ những ngày một mình lang thang Nepal quá. Kathmandu ồn ào khói bụi và một Pokhara dịu mát thanh bình. Tiếc là đợt em đi thời tiết không ủng hộ, lại gặp biểu tình liên miên nên không ghé qua Nagarkot được, giờ nhìn ảnh của bác post thấy tiếc ngẩn ngơ. Tháng 9 này tibet xong thế nào cũng phải vòng qua Nagarkot! :D
 
Pashupatinah – ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật… - 1

@ Amechast, vậy bạn cũng chia sẻ những cảm nhận về Nepal của bạn đi nhé!
......


Sau khi rời cõi thiên thai Nagarkot, bpk sẽ lôi bạn tuốt tuồn tuột đến “hỏa ngục” nhé. Đùa tý thôi, nhưng những bạn nào hơi yếu tim tý xíu thì cũng không nên xem entry này. Rất chân tình!


Khách du đến Kathmandu thường ít ghé Pashupatinath, dù đây là 1 trong những di tích được Unesco công nhận. Lý do đối với khách Việt - vì đây là ngôi đền Hindu; lý do đối với khách Tây (và cả khách Việt nữa) là có đến đây (bỏ tiền mua vé (!)) cũng không được vào bên trong ngôi đền, nếu bạn không theo Hindu giáo. Cả LP cũng không nhấn mạnh lắm về ngôi đền thiêng này. Do vậy, bpk ban đầu cũng không dự định sẽ đến. Nhưng bạn có biết không, sau khi “kẹt” ở Kathmandu gần 2 tuần, quởn quá, mà không đi đâu xa được vì phải lên lên xuống xuống ĐSQ, bpk lần mò đến đây và vô cùng ngạc nhiên vì những gì được chiêm bái. Và ngày hôm sau, bpk có được visa. Cũng chưa có gì ngạc nhiên, nếu bạn vẫn chưa đến Pashupatinath, như bpk trước đó 1 ngày…


Nằm bên bờ con sông thiêng Bagmati, Pashupatinath là ngôi đền Hindu lớn nhất Nepal, cũng là ngôi đền thờ thần Shiva quan trọng nhất Nepal. Sông Bagmati, có lẽ bạn chưa nghe đến, là con sông linh thiêng nhất của người Nepal, giống như Mẹ sông Hằng của người Ấn Độ. Điều rất lạ là Pashupatinath nằm rất gần Bảo tháp (stupa) của Phật Giáo Mật Tông Tibet, Bodhnath; chỉ cách đó 15-20p đi bộ, tức chỉ vài phút đi xe, nhưng khách viếng ở đây không nhiều, chủ yếu là người địa phương và ít khách lẻ. Để đến Pashupatinath, bạn ra bến xe Ratna Park, lên chiếc xe đi Bodhnath (8-10Rp). Đến ngay trước cổng chính của Bodhnath, xe sẽ thả bạn xuống. Đừng rẽ trái vào Bodhnath, bạn rẽ phải theo con đường đối diện Bodhnath, đi bộ chừng 15-20p, ngang qua một ngôi làng của người Nepal là bạn đến ngôi đền Guhyeshwari (xem hình). Bạn mua vé ở 1 ki-ốt nhỏ bên phải ngôi đền Guhyeshwari. Bên trái ngôi đền là con đường lên dốc đi thẳng đến Pashupatinath, bạn có thể vào ngay bằng con đường đó. Nhưng hôm bpk đi, lại men theo dòng sông đi thẳng lên tiếp, đến cổng khác (cổng này là cổng dành cho khách đi taxi từ Thamel đến vì bến taxi nằm ngay đó), bpk mới vào và men theo vách núi để xuống dòng Bagmati. Có lẽ nhờ vậy mà bpk quan sát được nhiều, cũng như ít bị sốc nếu đi thẳng bằng con đường bên hông đền Guhyeshwari – đâm ngay xuống dòng dòng Bagmati và ngôi đền Pashupatinath ngay bên cạnh.

PB050001.jpg

Đền Guhyeshwari, ở 1 khúc quanh khác của dòng Bagmati, trước khi đến Pashupatinath

Ngôi đền có tên từ 1 hóa thân của thần Shiva, Pashupati – chúa tể muôn thú. Vị thần này rất được người Hindu sùng bái, trước mỗi chuyến đi xa hay các chuyến đi quan trọng, quốc vương Nepal thường đến đây để cầu nguyện cũng như nhận những lời chúc bình an trước khi lên đường. Ở đây có rất nhiều các Holy-man của Nepal, và cả Ấn Độ tập trung.

PB050007.jpg

Nhìn từ trên đồi, dòng Bagmati lững lờ chảy và Pashupatinath xa xa.

Pashutinath được xây dựng từ TK XIX, thật to lớn và oai nghiêm. Tuy không được vào trong nhưng nhìn từ bên ngoài và nhìn các kiến trúc của ngôi đền ở các mái, các góc cũng có thể thấy được điều đó. Tuy ngôi đền chính mới xây, nhưng nhiều kiến trúc trong ngôi đền có tuổi từ TK V-VI hoặc khoảngTK XIV-XV... Không vào được trong đền, quần chúng balo như bpk lếch thếch qua sông, leo lên đồi chĩa máy chụp hình vào trong ngôi đền để tranh thủ ghi hình, mai mốt có dịp t888’m. Xung quanh Pashupatinath còn có nhiều đền đài nhỏ khác mang đậm nét Hindu với những đường nét điêu khắc đặc trưng.

PB050014.jpg

Đền Pashupatinath nhìn từ trước cổng chính

PB050078.jpg

… và nhìn từ phía sau


Bên kia sông, đối diện với Pashupatinath là 1 dãy các đền thờ nhỏ với linga, biểu tượng của thần Shiva, chạy dọc dài bên bờ sông. Đây cũng là nơi các holy-man trong các bộ quần áo nhiều màu và phong cách rất “holy” tập trung. Họ không chỉ là người Nepal mà còn là người India vì đền Pashupatinath này không chỉ nổi tiếng ở Nepal mà còn nhiều quốc gia có đông dân chúng theo đạo Hindu.

PB050099.jpg


PB050077.jpg

Các đền thờ Linga

PB050089.jpg

… có cả linga 4 mặt người – rất lạ


Ngược lên trên đồi cao nữa là những đền đài mới có cũ có, nhưng đặc biệt là có những đền đài hoang phế trong cuộc chiến với cây rừng, hơi giống 1 góc nào đó ở Cambodia. Chỉ khác là nơi đây có rất nhiều con cháu của thần Hanuman – các chú khỉ đang tung hoành ngang dọc và chẳng xem du khách ra gì! Mà du khách cũng phải tránh xa mấy chú này, lỡ nó cào cho phát hay giật lấy cái máy chụp hình rồi leo tít lên cao thì có mà khóc tiếng Mán. Ở những đền đài này, cũng rất nhiều người dân đang tụ tập lại làm lễ gì đó. Tiếng đọc kinh Hindu trầm trầm vang xa qua các hàng cây, khu rừng… nghe buồn.

(...tbc.)
 
Pashupatinah – ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật… - 2

(cont.)

Nói về Pashupatinath chỉ có vậy, nhưng Pashupatinath không chỉ có vậy! Việc viếng thăm ngôi đền (không cho vào trong) Pashupatinath rất có ý nghĩa khi bpk bắt đầu đến bên bờ sông thiêng Bagmati, nơi cử hành tang lễ, hỏa thiêu của những người dân Nepal... từ ngàn xưa và cho đến hôm nay.

PB050105.jpg


PB050106.jpg

Các đền đài khác xung quanh Pashupatinath

PB050013.jpg

Khói bay lên từ khúc sông, mà lúc đầu chẳng biết là khói gì, sau mới biết...!

PB050036.jpg


PB050079.jpg

Các holy-man ở Pashupatinath


PB050015.jpg

Cảnh quan chung của các ghat, cũng hơi rờn rợn lúc mới đến

PB050074.jpg

Người thân, và cả người hiếu kỳ (có bpk trong đó!)


Như đã nói, do bpk đi đường vòng, nên lúc ở đầu kia của dòng sông, thấy khói bốc lên từ đoạn sông này, bpk chỉ nghĩ là khói hương hay người ta đốt rơm tro gì đó. Số là hôm trước, lúc viếng Patan, bpk cũng lần mò đến 1 khúc của dòng Bagmati, được các thanh niên trong làng chỉ cho các ghat, chỉ thấy các nền xi măng đen thui mà không thấy gì khác, nên nghĩ ở Nepal không còn hỏa tang lộ thiên. Vả lại cũng nghĩ bây giờ hiện đại rồi, như ở Tibet đã cấm không cho điểu tang… Với lại, bạn bpk hôm trước đi sang đây cả đoàn, lang thang cũng nhiều ngày nhưng có thấy nói gì đâu, sau đó phải sang tít Varanasi để xem hỏa táng… Không ngờ, khi lon ton đến nơi, mới thấy các lễ hỏa táng đang tiến hành và chuẩn bị tiến hành. Bpk hơi sợ lúc đầu nhưng nghĩ lại chắc tâm mình không sao thì không sao. Thế là đến bên bờ sông, ngồi xuống và nhìn sang bên kia sông, nơi những gì còn lại của một con người đang trở về tro bụi và sông nước.

(...tbc.)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,080
Bài viết
1,149,351
Members
189,864
Latest member
ceoviva88
Back
Top