What's new

[Chia sẻ] New Zealand, thiên đường Nam bán cầu

New Zealand, thiên đường ở Nam bán cầu

Nhiều lần chat chit với bọn Tây tình cờ gặp trong các chuyến đi, tôi hay hỏi chúng, đi nhiều như bọn mày, nước nào là thích nhất ?
Có những chú thì thủng thẳng suy nghĩ kỹ càng rồi mới trả lời, còn có nhiều chú thì lập tức có câu trả lời ngay.

Nói chung là cũng toán loạn cả, tuỳ theo cảm hứng từng người, nhưng nhiều câu trả lời mà tôi nhận được, đó là 2 đất nước Nepal và New Zealand. Rồi tôi cũng tò mò, mua về 2 quyển sách Lonely Planet của 2 nước này, để trong giá sách nhà mình. Mà cũng lạ, cứ mua quyển nước nào để ở nhà, suốt ngày nhìn thấy nó, ngứa ngáy không chịu được là thể nào cũng mò đến đó. Sau này, Lonely mà có ra quyển LP Mặt trăng nữa thì gay to!!!

Nhưng rồi, đọc trên các diễn đàn, sách hướng dẫn du lịch, cũng nói tới hai nước này là hai nước đẹp nhất, đáng đi vô cùng. Thế là tôi quyết phải tới được. Chuyến đi Nepal thì đã hoàn thành từ năm trước, còn New Zealand là một nơi còn phải đến.

May mắn là dịp này chúng tôi đang ở Úc, nên việc sang NZ cũng khá tiện lợi, so với nếu phải bay từ Việt nam xuống tận đất nước xa tít ở Nam bán cầu này.

1. Vài nét chính:

Quốc đảo New Zealand bao gồm hàng trăm đảo lớn nhỏ khác nhau, nhưng chung quy lại, nó chia thành hai nhóm đảo Bắc và đảo Nam. Tuy hai nhóm đảo này chỉ cách nhau một eo biển hẹp, chừng 20 km nhưng không chỉ là khoảng cách địa lý, hai hòn đảo này nằm trên hai đĩa địa lý khác nhau, chịu những ảnh hưởng khá là khác biệt của khí hậu và quá trình hình thành địa chất. Những ngọn gió nóng ẩm từ biển Tasman phía Tây – Bắc gặp khối khí lạnh Nam cực ở phía Đông Nam tại Newzealand, tạo ra một những vùng khí hậu trái ngược nhau : miền Tây của dãy Alp ở đảo Nam là những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt với lượng mưa khá lớn tới 7500 mm, trong khi đó, chỉ cần vượt con đèo cao cỡ trên ngàn mét sang phía đông của hòn đảo này khí hậu đã khô ráo hẳn với lượng mưa trung bình chỉ cỡ 330 mm. Trong khi đó, Đảo Bắc như những hòn đảo núi lửa với đặc trưng là cụm núi lửa nằm ở chính giữa đảo, xung quanh là miền thảo nguyên bằng phẳng đất đai phì nhiêu và màu mỡ.

Quá trình hình hành NZ hình dung như này cho dễ hiểu, nếu ta có 2 cái đế pizza chưa nướng đẩy dồn vào nhau, thì ở rìa của đĩa bột sẽ dồn lại và trồi cao lên chính là đảo Bắc và đảo Nam của NZ. Rìa cao nhất của “ đĩa bột “ bị dồn lên ấy tạo nên dãy núi chính ở phía Nam mà dân xứ này gọi là dãy Alp. Còn đảo Bắc thì khá bằng phẳng, chính giữa và bắc đảo nhô lên một chùm các ngọn núi lửa, vẫn đang hoạt động. Dường như quá trình kiến tạo này chưa dừng lại, nên hiện nay, ở NZ, động đất vẫn thường xuyên xảy ra trên cả hai hòn đảo, tới mức người xứ Kiwi cũng khá quen với những trận lắc lư tới 5,6 độ Richte. Và ở khá nhiều nơi trên đảo Bắc, chúng ta có thể nhìn thấy những hình ảnh tiềm tàng của núi lửa đang hoạt động. Mặc kệ thiên nhiên với những kiến tạo vĩ đại, cái mà chúng ta được thừa hưởng ngày nay là một đất nước NZ với những rặng núi tuyết cao chót vót ở đảo Nam, những hồ xanh lộng lẫy soi bóng tuyết trắng phau, và những mu đồi xanh mướt mượt ở đảo Bắc, điểm xuyết là đàn cừu trắng lốm đốm.

-----

Welcome to NZ

P1040142+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Câu tuyên ngôn ở cửa khách sạn đầu tiên tại NZ:

P1040144+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Đừng lo vội, NZ còn nhiều chỗ để chơi hơn chỉ là tuyên ngôn trên:

P1040270+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


và cũng nổi tiếng với nhiều con hồ đẹp:

P1040529+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG
 
Hai cái đế Pizza ấy, một cái là đĩa địa lý Ấn – Úc (một đầu là đảo bắc của NZ, đầu kia tít tận vùng Kashmir của Ấn độ), còn đĩa còn lại là Thái bình dương (đầu này là đảo nam, đầu kia tít trên tận vùng Alaska của Bắc Mỹ, vẫn từ từ xô vào nhau, và xô vào các miếng Pizza khác. Thế nên những đất nước nằm trên vành đai của mấy cái đĩa này như Nz, Papua New Guinea, Philippines, Nhật bản… là những đất nước khá bất ổn về mặt địa lý, động đất, núi lửa vẫn đang thường trực hoạt động. Bù lại là những cảnh quan tuyệt diệu của thiên nhiên. Trên vành đai núi lửa này, tôi đã có dịp ngắm núi lửa đang phun phì phì ở Honolulu, Philipines hay những ngọn núi còn như đang “ủ mình” ở Nhật bản, giờ đây, lại được đến xứ sở của núi tuyết và động đất, hẳn là một sự may mắn.

Nằm trong vùng ảnh hưởng của khí hậu Nam cực, nên Newzealand là khá lạnh về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Do ảnh hưởng của khí hậu Nam cực nên dù các ngọn núi Nz chỉ cao cỡ trên dưới 2.000 mét nhưng luôn luôn có tuyết phủ. Mùa đông thì tuyết cũng phủ kín ở nhiều vùng còn mùa hè thì trên một số ngọn núi cao nhất tuyết vẫn còn lốm đốm. Ở đây cũng có sự đan xen khá đa dạng như ta có thể tìm thấy dòng sông băng vĩnh cửu ở nơi mà chỉ cách đó vài bước chân là rừng nguyên sinh nhiệt đới. Mưa nhiều, địa hình đảo nam khá dốc tạo ra rất nhiều con sông ngắn, ghềnh thác liên tục nên là một lợi thế cho các môn thể thao thuyền bè vượt thác.

Là một trong những nước hiếm hoi nằm cách xa hẳn những lục địa đầy ắp người nên New Zealand tự hào vẫn giữ được cho riêng mình thiên nhiên trong lành, ít có sự can thiệp của bàn tay con người. Tuy thế, sự biệt lập này cũng dẫn đến việc những hòn đảo này khá ít người định cư, và do vậy, lịch sử và văn hoá của nước này khá đơn giản, chỉ chia thành hai dòng chảy chính, thời kỳ thổ dân và thời kỳ có người châu Âu. Thời thổ dân thì hầu như con người mới chỉ phát triển ở mức độ các bộ tộc, nên những dấu vết và ảnh hưởng văn hoá không đủ lớn để ta có thể có những suy ngẫm, kiểu như những tầng văn hoá ở Nepal hay các nước châu Á khác, còn thời kỳ người Âu di cư đến cũng khá là sơ sài với những ảnh hưởng trực tiếp và gần gũi nhất từ người Anh. Ghé qua những ngôi làng, thị trấn rải rác trên đất Nz, chỉ cần nhìn thấy ngôi nhà nào hơi cũ một tẹo, thế nào bạn cũng tìm thấy một cái biển nhỏ như là “di tích lịch sử” ấy. Hay là những dấu vết văn hoá thổ dân còn lại cũng chỉ là những cái tên ở các địa danh, một vài món đồ lưu niệm có hoa văn đặc trưng, và điệu nhảy Haka truyền thống… Nhưng phải chăng, đó là chính là sự hấp dẫn vô hình của đất nước này? Nơi mà mỗi khung hình ta thu nhận vào là một khung hình đẹp nhưng trong phim và vắng lặng con người của thiên nhiên nơi đây! Với biểu tượng hình chiếc lá dương xỉ của đất nước xanh tươi này, phải chăng người Nz muốn truyền đi một thông điệp về thiên nhiên hoang sơ, lâu đời và bền vững !

Với một khoảng cách vừa đủ (đầu này đến đầu kia mỗi đảo chừng hơn 1000 cây số), đất nước này khá là vừa vặn cho những hành trình tự lái xe, (ô tô hoặc thậm chí, xe máy), với một khoảng thời gian vừa vặn là vài tuần lễ để khám phá.
Hành trình của chúng tôi cũng như mọi lần, tham nhất có thể được. Vì vậy, trong chỉ gói gọn có 1 tuần, chúng tôi cố đi được nhiều nhất, cả đảo Nam và đảo Bắc, dẫu rằng thường khách du lịch dành ít nhất 2 tuần cho mỗi đảo.

------

Hình minh hoạ từ Internet : vành đai núi lửa Thái bình dương:

8A2jQsNJ1W-kgsHSleO5mNIlgDk3BowCb9LntFxGtzU=w450-h334-no


Còn đây là 2 đảo bắc và nam của NZ: nằm trên hai đĩa địa lý Úc và Thái bình dương,

m-4398-enz.jpg


Hai em này vẫn đang từ từ tiến vào nhau với tốc độ 40-50 mm / năm. Nghĩa là năm sau nếu chúng tôi quay lại cái slogan sex ở trên thì nó sẽ cách chỗ năm ngoái 50 mm. Đừng coi thường 50 mm này nhé, vì theo quan điểm sex học trên kia, 50 mm là một khoảng cách khủng khiếp và có thể làm cho một người phụ nữ tan chảy như tuyết mùa xuân

Về mặt địa chất thì tốc độ 50 mm/năm này đã tạo nên dặng núi Alp của NZ và hàng vô vàn các trận động đất ở đây

pic3NZTectonicsBlockDiagram.gif


Còn đây là cơ chế núi lửa dâng trào: đĩa Thái bình dương ép đĩa Úc từ dưới lên nên magma cứ từ từ dâng lên đến lúc nó cóc chịu được thì phun ra... các núi lửa ở đảo Bắc vẫn đang hoạt động:

pic4NZSubductionbelowNorthIsland.gif
 
Last edited:
Mình cũng đag apply visa NZ. Nếu ok thì mình sẽ làm chuyến 2 nước Úc,New vào cuối tháng sau. Hy vọng good như bạn nói. HNY!
 
2. Bay tới NZ:

Từ những thành phố lớn của Úc, hàng ngày có nhiều chuyến bay tới New Zealand, nhưng phải kiếm được mấy vé giá rẻ của Jetstar (mà Jetstar cũng promotion liên tục nên cũng khá dễ kiếm vé này) thì cần chú ý canh vé vào các dịp không phải nghỉ học của bọn trẻ con. Hình như cả xã hội Úc sắp xếp chuyện ăn ngủ nghỉ theo lịch học của bọn chim chip này. Ngoài ra, các chuyến bay giá rẻ thì hay bay đêm, không ngoại lệ, chuyến bay của chúng tôi tới Auckland, thành phố lớn nhất NZ cũng tới đây lúc một giờ sáng. Ngủ sân bay để chờ sáng mai bay thẳng đi Queenstown.

Jetstar, hãng hàng không giá rẻ của Qantas, không lạ gì với dân ta với hàng không Jetstar Pacific. Ở Việt nam thì JP không phải là lựa chọn đầu tiên khi bay lượn, nhưng ở Úc thì Jetstar luôn là hãng mà chúng tôi vào kiếm vé đầu tiên. Mạng lưới bay của JS rộng, máy bay mới, nối chuyến thuận tiện, hay có giá rẻ là lựa chọn ưu tiên của dân chơi. Vé Jetstar đi NZ khứ hồi mua được từ Úc là 230 AUD, khá rẻ với chặng bay 3,5 giờ, nhưng vẫn chưa phải là rẻ nhất (hồi tháng Năm đã có vé rẻ tới 150 AUD). NZ có các thành phố lớn là Auckland ( lớn nhất ) và Christchurch. Các bạn cứ chọn bay tới một trong hai thành phố này là xong.

(Úc bay đi NZ có Quantas, NZ airlines và giá rẻ của Jetstar, Virgin Airlines, các bạn cứ tha hồ mà kiểm tra nhé. Còn từ Việt nam, các bạn thử của China Southern bay từ Quảng Châu xem! Cũng có thể bay chặng VN-Kul/ Singapore - Sydney/GoldCoast bằng Air Asia / Fly Scoot, sau đó bay tiếp bằng Jetstar đi NZ)

----

Máy bay Jetstar đi NZ dán nhãn L (Máy bay tập lái)

6a00d83451dfaa69e2010536dd6c1b970b.jpg


Còn đây là phi công của máy bay tập lái, thế nên không còn lăn tăn gì nữa, bay thôi:

sexy-airline-pilot-lady-69eab52f.jpg
 
3. Đi lại:

Để đi Newzealand, cách hay nhất là bạn tự lái xe vòng quanh đảo. Xe thuê ở đây không quá đắt so với Úc, hệ thống lái tương tự nhau, giá xăng cao hơn Úc khá nhiều (30-40%) nhưng giá dầu thì lại khá rẻ (2/3 giá xăng) nên nếu kiếm được cái xe chạy dầu thì hay quá. Bằng thì dùng bằng dịch của VN là ổn rồi, hoặc bằng Úc càng tốt.

Chúng tôi chọn Jucy (jucy.co.nz) , một hãng chuyên cho thuê xe cho khách du lịch. Xe của Jucy khá rẻ và có điều hay là bạn có thể trả xe ngoài giờ mà không mất thêm phí gì cả - bạn chỉ cần để xe vào nơi quy định, bỏ cái chìa khoá vào hộp là xong. Jucy cũng có ở các sân bay chính, tuy có hơi xa sân bay – nhưng trong khoảng cách đi bộ được, hoặc nếu trong giờ thì gọi nhân viên sẽ ra đón. Còn các hãng khác thì thuê xe đắt hơn , có chỗ thì giờ làm việc từ 7-18 giờ, nếu lấy / trả xe ngoài giờ đều phải thêm phí. Jucy cũng có nhiều xe loại campervan cỡ nhỏ, cực kỳ phù hợp với các gia đình, trên xe có đủ giường nằm cho 4-5 người, bếp núc và đồ cắm trại. Nếu thuê xe này, bạn chả cần lo chuyện khách sạn làm gì cho mệt người tốn tiền, cứ đi lang thang rồi có thể ghé ở các caravanpark hoặc chỗ nào view đẹp là dừng xe, mở cửa thành khách sạn di động rồi. Có điều tiếc với chúng tôi là nếu thuê những chiếc campervan này, ít nhất phải 5 ngày, mà tổng thời gian chúng tôi có ở NZ đợt này chỉ là 7 ngày, lại chia ra 4 ngày đảo Nam, 3 ngày đảo Bắc. Dù đã liên lạc và chấp nhận trả tiền 5 ngày và chỉ chạy 4 ngày, nhưng xem ra việc phải trả xe trong giờ làm việc khiến lịch trình của chúng tôi sẽ trở nên khó khăn… đành bỏ ý tưởng khách sạn di động vậy!
GPS đương nhiên là cần thiết rồi, nếu bạn mang GPS từ Úc sang thì phải kiểm tra xem trên GPS của mình có bản đồ NZ không nhé (tôi thấy hầu như đều có sẵn, chỉ cần setup map trong GPS là ok, còn nếu không thì nhớ thuê). Mùa đông đi đảo Nam nhớ thuê thêm cái xích đi trong tuyết cho yên tâm (snow chain)

Chú ý với các bạn bay từ Úc sang NZ, đặc biệt là các bạn có con nhỏ- các hãng hàng không ở Úc và Nz đều cho phép mang ghế trẻ em miễn phí, như vậy, với hành lý xách tay 10kg / người, khéo khéo xếp đồ là đủ khỏi cần mua thêm cân làm gì.

Các tuyến đường trục chính xuyên đảo ở NZ không rộng rãi như ở Úc (thường chỉ có 2 làn xe), khá là vắng vẻ (đảo Nam thậm chí còn vắng hơn đảo Bắc). Có nhiều chặng chúng tôi độc hành hàng tiếng đồng hồ. Nhưng cũng may mắn là NZ không quá mênh mông như Úc nên chỉ trong vòng dăm chục cây bạn có thể gặp một xóm làng nhỏ, nơi bạn có thể nạp xăng, mua đồ ăn và các thứ lặt vặt khác…
Ngoài ra, nếu bạn không có ý định lái xe thì chạy giữa các điểm du lịch chính cũng sẽ có các tuyến xe bus, có thể đặt online nhưng không thể là lựa chọn tốt nhất như tự lái được.

-----

Có xe Jucy là bạn có một khách sạn di động, trên xe có giường ngủ, bếp núc, tủ lạnh... Jucy có mặt ở Úc, NZ, Mỹ và nhiều nơi khác, giá cũng khá rẻ, không phải mùa cao điểm như dịp chúng tôi đi ( tháng 8), giá xe loại campervan (5 chỗ ngủ) là 50 NZD/ ngày. Mùa cao điểm có thể tới gấp đôi.

jucy-van1.jpg


VÌ không thuê được do phải thuê tối thiểu 5 ngày, chúng tôi đành chọn xe này, Nissan 5 chỗ, giá >30 NZD / ngày.

P1040648+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


1300 CC, tốn ít xăng (7l/100km), hơi bé nhưng cũng đủ để vượt các ngọn đèo cao trên 1000 mét ở đảo Nam

P1040245+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


và "leo" lên được những đỉnh núi tuyết cao ngất

P1040258+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG
 
Last edited:
Tóm tắt lịch trình như sau:
Bạn có thể tham khảo thêm các thong tin tại : http://www.newzealand.com/au/

Ở đây có cái hướng dẫn hành trình cho các tuyến đáng đi, các điểm nên ghé : http://www.newzealand.com/au/driving-routes/
Chúng tôi chia lịch trình 7 ngày thành hai phần: 4 ngày cho đảo Nam và 3 ngày còn lại cho đảo Bắc:

Đảo Nam:
Chủ nhật: 1 giờ sáng, tới Auckland, ngủ sân bay 6 tiếng, 7 giờ bay tiếp Queenstown
8h30 - Tới Queenstown, thuê xe ô tô – lang thang khám phá Queenstown và phụ cận – đi dọc hồ Wakatapu. Ngủ ở Queenstown
Thứ 2, Trượt tuyết trên núi Remarkable - chiều về thị trấn đào vàng Arrow town. Ngủ ở Queenstown
Thứ 3, đi qua hồ Wanaka, xuyên vườn quốc gia Mount Aspiring sang bờ Tây tới thị trấn – nơi có sông băng Fox Glacier, Ngủ ở Fox Glacier
Thứ 4, thăm song băng Fox Glacier, đi dọc bờ biển phía Tây, thăm thành phố Hokitika, sau đó vượt đèo Arthur Pass trở về Christchurch, ngủ ở Christchurch

Đảo Bắc.
Thứ 5: 7 giờ sáng, trả xe Jucy ở sân bay Christchurch - bay sang Wellington
8 giờ sáng - tới Wellington - lấy xe Jucy ở SB: thăm Wellington,
Chiều đi hồ Taupo, ngủ ở thị trấn Taupo
Thứ 6: thăm Taupo, hồ Rotaurua, khu công viên núi lửa Waitapo, ngủ ở Rotaurua
Thứ 7: Rotaurua, Auckland, ngủ tại Auckland
Chủ nhật: trả xe ở sb, bay về Úc.

2. Visa:
Với các bạn đang ở Úc thì visa NZ khá đơn giản, các bạn chỉ cần lên trang web http://www.immigration.govt.nz/branch/sydneybranchhome/ điền các form cần thiết, gửi hộ chiếu và thanh toán phí visa (135 AUD cho 1 đơn cho một gia đình – các bạn có PR thì không cần visa) đến vp visa ở Sydney là xong. Nhớ là phải gửi cả cái phong bì post-express để họ gửi lại hộ chiếu về cho mình.

3. Ăn uống: Cũng như Úc, đi NZ ngon bổ rẻ vẫn là tự ghé siêu thị mua đồ về nấu. Nhưng ở Nz giá cả lại có phần đắt hơn bên Úc. Ngoài ra, nếu có thể mang thêm cái nồi cơm điện nho nhỏ và một ít gạo đi, rất tiện cho mọi bữa ăn của người Việt ta, khi mà mỗi buối sáng, bạn chỉ cần nấu một nồi cơm cho cả ngày, còn trên đường, nấu, nướng đồ ăn như kiểu ở Úc là được rồi.

Bản đồ hành trình đảo Nam trong 4 ngày, ~ 1000 km

Nz-south.jpg


Bản đồ hành trình đảo Bắc trong 3 ngày, ~ 900 km

nz-dao+bac.jpg
 
Last edited:
Queenstown: miền băng tuyết

Chuyến bay của chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Queenstown nhỏ nhắn và xinh xắn lúc trời mới hừng lên. Dọc đường bay từ Auckland xuống đến Queenstown, kể ra cũng có thể coi là bay gần hết nước Nz xinh đẹp này rồi. Chiều ngang của hòn đảo trung bình chỉ cỡ hơn trăm cây số, chiều dài thì chừng gần ngàn sáu nhưng chấp chới dưới cánh bay là những dãy núi tuyết tinh khôi làm nên vẻ đẹp băng giá của đất nước Nam bán cầu này. Tôi đã có dịp bay qua nhiều núi tuyết, từ những đỉnh Everest tráng lệ hay qua núi Fuji rực rỡ trong ánh chiều tà…quang cảnh nhìn từ trên máy bay luôn cho tôi một cảm giác ngỡ ngàng. Mỗi lúc ở trên cao thăm thẳm nhìn ngắm những ngọn núi lúc thì xanh biếc, lúc lại vàng rực, có lúc lại là một màu cam phơn phớt dịu dàng, tôi luôn thấy được sự vĩ đại của thiên nhiên. Khác với nhìn biển cả mênh mang và ngút ngàn, ta như một cái chấm và không thể nhìn đến tận cùng của cái mênh mông ấy, núi cao cho ta cảm nhận được những lớp lớp điệp trùng và vô tận. Giờ đây, bay dọc theo trục bay từ trên xuống, dưới kia, những mũ tuyết phau phau phủ lên dãy núi xanh rì của thiên nhiên tươi đẹp New Zealand. Dưới ấy, là một trong những miền đất mơ ước của khách lãng du!

Cửa máy bay mở toang ra, một làn gió lạnh phả ngay vào cabin máy bay. Không khí lạnh một cách tinh khôi. Mấy hạt mưa lất phất cuối cùng của cơn mưa sáng không làm cho du khách có cảm giác khó chịu của ẩm ướt, ngược lại, còn đem đến hương thơm nồng nàn của những vạt cỏ xanh mươn mướt bên ngoài. Cuối thung lũng, những dặng núi tuyết, khiêm nhường lúc nhìn từ trên máy bay, giờ đây mới bộc lộ vẻ oai vệ trước những du khách đang bước xuống cầu thang máy bay.

Em tiếp viên xinh xắn của Jetstar nhoẻn miệng cười, chúc chúng tôi những ngày nghỉ ở Queenstown thật là đẹp: “Tiếc ghê, em lại phải quay lại Auckland bây giờ, trời đẹp quá!”

Queenstown luôn là một nơi phải đến của bất kỳ ai dự tính đi New Zealand. Thị trấn nhỏ bé xinh xắn này, dù chỉ rảo bộ vài ba bước là đã hết phố, nhưng lại có sức hút giữ chân du khách được vài tuần đến vài tháng bởi những trò chơi mạo hiểm. LP thậm chí đã không ngoa ngôn mà từng nói rằng, đây là thủ đô của các trò thám hiểm trên thế giới! Phố nhỏ chen chúc các loại shop dành cho du khách, từ những cửa hàng lưu niệm có mấy chú chim kiwi ở ngoài cửa, những quán bia, quán bar nhỏ xinh, hay những trung tâm trượt tuyết, leo núi rộn ràng khách. Rảo thêm vài bước nữa, bạn đã tới bờ hồ Wakatipu thơ mộng soi bóng bên những dặng núi tuyết phủ.

Những nếp nhà của Queenstown, như được xây để chỉ vừa đủ là mái nhỏ ấm áp qua mùa đông tuyết phủ, khép nép bên sườn những con đồi thoai thoải, dưới những tán thông , hay soi mình xuống bóng hồ lặng lẽ, dành chủ yếu cho khách phương xa. Ở đây, tôi mơ màng nhớ đến thành phố Pokhara của Nepal, cũng vẻ mộc mạc hoang sơ ấy, cũng những con hồ hững hờ và biêng biếc soi bóng dưới dặng núi tuyết ngang tàng. Nhưng khác với Pokhara, cái chất phương Tây ở thị trấn này toát ra từ những góc phố sạch bong tới những viên gạch lát ngõ nhỏ, từ những ngọn đèn đường lung linh trong gió lạnh cho tới con thuyền gỗ lững lờ…

--
(một số ảnh dưới đây từ internet)

Sân bay Queenstown nằm gọn trong một thung lũng, xung quanh là núi tuyết

IMG_9552-640x480.jpg


Queenstown mùa đông:

Queenstown_in_Winter.jpg


QS không sở hữu những con phố mênh mang hay nhà chọc trời mà chỉ những khu nhà xinh xắn, hửng lên dưới nắng vàng

Hotel-St-Moritz-Exterior-Twilight-930x424.jpg


nằm bên cạnh bờ hồ thơ mộng:

P1040158+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG
 
Cũng giống Pokhara, Queenstown là trung tâm của các trò chơi cảm giác mạnh như Bungy, - nơi mà dân xứ Kiwi tự hào là nơi đầu tiên có trò chơi cảm giác mạnh này, cho đến các kiểu chèo thuyền vượt thác, trượt tuyết hay leo núi… thế mới có chuyện nhiều người lang thang ở đây tới cả tháng mà không chán. Mùa này, bà con đang tận dụng những tuần cuối cùng của mùa đông để chơi trượt tuyết. Hàng sáng, cửa mỗi khách sạn đều phát cái thông báo thời tiết, hướng gió, đèo nào mở đèo nào đóng để du khách biết đường mà định liệu cho chương trình trong ngày. Những ngày thời tiết đẹp như hôm nay, phố xá rục rịch chuẩn bị cho một ngày bận rộn. Những chàng những nàng má đỏ hây, hăm hở khuân theo bộ đồ trượt tuyết cồng kềnh, trèo lên những chiếc xe bus chuyên leo núi tuyết đang xếp hàng dằng dặc . Cũng nhiều người chọn một cách nhàn tản hơn là lang thang dọc bờ hồ, lên con thuyền cổ xưa vẫn chạy bằng quạt nước, đang rúc còi chuẩn bị một chuyến hành trình dọc hồ Wakatipu.

Nếu nhìn từ bản đồ, Newzealand là một xứ sở của núi và hồ. Chạy dọc theo những con đường trục chính xuyên các hòn đảo này, bạn sẽ gặp vô khối các hồ, từ loại nho nhỏ rộng vài cây số đến những hồ mênh mông dài hàng chục cây. Những hồ này phần lớn nằm soi bóng dưới chân các dãy núi tuyết, chân núi là những rừng thông, rừng tùng hay phong đỏ, đem lại những góc nhìn và cảnh quan lãng mạn đến nghẹt thở...

Wakatipu là một con hồ như vậy. Nằm ở phần nam của đảo Nam, hồ có chiều dài tới cả tám mươi cây số nhưng uốn lượn như một dải khăn xanh biếc hờ hững. Hồ này kỳ lạ ở chỗ là tuy nó nằm trên núi, ở vùng khá cao ( hơn 300 mét ) nhưng lại có thuỷ triều! Đúng hơn là những đợt sóng lên xuống rất lạ khiến mặt nước hồ có thể dâng lên hạ xuống 10cm mỗi hai nhăm phút đồng hồ (có tài liệu thì nói 12cm mỗi năm phút). Người Maori có truyền thuyết rằng hồ đã được tạo ra bởi cái chết của con Matau và giờ trái tim của nó vẫn còn đập tạo nên thủy triều. Truyền thuyết kể rằng con Matau đã bị đốt cháy trong khi ngủ say sau khi nó bắt cóc con gái của một vị tù trưởng. Khi chết, xác con quỷ cũng làm cháy thủng một lỗ thật sâu và dài theo hình dáng của nó trên đất, làm nóng chảy băng tuyết của những ngọn núi xung quanh, tạo thành hồ Wakatipu ngày nay. Đầu con quỷ nằm quay về phía Glenorchy, là phía bắc của hồ, chân nó thì chạm đến điểm Kingston. Còn Queenstown chính là chỗ đầu gối của con quỷ. Tuy nhiên trái tim của quỷ thì không thể đốt cháy được nên nó vẫn phập phồng làm nước triều lên xuống.

Khoa học thì giải thích rằng các đợt thủy triều do sự mất cân bằng về áp suất do gió gây ra: gió mạnh ở các con hồ lớn sẽ tạo nên các đợt "thủy triều giả - seiches" làm dềnh nước lên ở cuối ngọn gió, trong khi đó, ở đầu ngọn gió sẽ làm nước rút đi. Ở NZ có các con hồ lớn có hiện tượng thủy triều giả như thế này với khoảng thời gian "triều lên xuống" từ 20-50 phút: hồ Taupo: 36 phút, hồ Wanaka : 39 phút, hồ Wakatipu: 52 phút. (nguồn: http://www.teara.govt.nz/en/lakes/page-2).

Người Maori thì vẫn tin vào truyền thuyết của mình khi đi dọc hồ, từ chỗ thị trấn dưới đỉnh Cecil có một hòn đảo nhỏ chỉ có thể nhìn thấy từ trên cao và rất gần đảo hoặc từ những góc nhìn khác nhau. Người ta gọi nó là đảo Bí Mật (Hidden Island) và đó chính là trái tim của con quỷ Matau khổng lồ. Vùng đất quanh hồ Wakatipu đầu tiên do người Maori đến sinh sống. Đây là vùng đất trù phú cung cấp cho họ thức ăn, ngọc bích (green stone) và loài đà điểu có cánh mà không thể bay là con Moa. Con Moa này có hình nộm ở bảo tàng Te Papa ở Wellington. Tiếc là loài đà điểu ở New Zealand đã tuyệt chủng chứ không phải như đà điểu ở Úc vẫn còn tồn tại như con Emu chẳng hạn. Tuy nhiên con Moa hay Emu sẽ là một câu chuyện khác vì ở Wakatipu còn có một lady nổi tiếng hơn mà bạn sắp sửa gặp – hẳn sẽ thú vị hơn là con Moa.

----
Bungy được coi là phát kiến từ NZ, chỉ cần buộc vài sợi chun vào chân và nhảy từ trên cao xuống. Trong vài giây đồng hồ người ta sẽ có cảm giác sắp sửa lao vào cõi chết.

bungee3.jpg


Quanh Queenstown có rất nhiều chỗ để nhảy Bungy:

bungee2.jpg


Còn nói đến NZ là nói đến những con hồ soi bóng bên rặng núi tuyết. Cả nước có tới gần bốn ngàn hồ lớn nhỏ với diện tích trên 1 hecta, trong đó, hơn hai trăm hồ có diện tích trên 50 hecta và 41 hồ lớn hơn 1000 hecta (10 km2). Bản đồ quanh khu vực QS với rất nhiều hồ lớn:

nz-map.jpg


Các hồ phía nam phần lớn hình thành do nước chảy xuống từ các sông băng

nz-Tekapo.jpg


NZ là nơi không cần có một máy ảnh xịn hay biết chụp ảnh, chỉ cần giơ một máy ảnh-điện thoại là có thể có được những bức hình huy hoàng (ảnh có tính minh họa)

tekapo+lake.jpg


Phong cảnh nhiều lúc làm ta không rõ nó có thật hay không:

NZ-wakatipu.jpg


------

Từ xa, lady đã phun khói mù mịt như đang hút thuốc! Khói mà thế kia thì không thể là hút thuốc mà là một đám cháy thì đúng hơn. Mù mịt cả một góc, lady làm chúng tôi tưởng nàng đang cháy! Sao lại có thể cháy được nhỉ? Nhưng không thì khói ở đâu ra mà lắm thế kia? Một cột khói đen kịt đang phụt lên giữa một con tàu đang chạy trên hồ - con tàu cháy? Tuy nhiên chẳng phải cái tàu cháy nào cả. Đó chẳng qua là cái tàu chạy bằng hơi nước sơn màu đỏ trắng phả khói xám mù mịt một góc trời. Con tàu đó mang tên Earnslaw là ngọn núi cao 2.819m đứng sừng sững cạnh hồ. Con tàu được mệnh danh là “Lady of the Lake” (Quý bà của Hồ). Hạ thủy năm 1912, nên Lady Earnslaw của năm nay đã hơn 100 tuổi nhưng “nàng” còn rất đẹp, quyến rũ khối người và kéo còi inh ỏi được - ồn ã như mọi lady. Ban đầu tàu được đóng để chở cừu, trâu bò và hành khách, ngày nay Earnslaw được sơn sửa thành tàu du lịch. Sáng sớm hôm sau chúng tôi đã đến sát con tàu này khi nó đang ngái ngủ và thở khói nhè nhẹ ở cầu tàu. Lady of the Lake, quý bà nổi tiếng của hồ Wakatipu đã từng được chở một quý bà cũng nổi tiếng lẫy lừng toàn cầu, đó là nữ hoàng Elizabeth đệ nhị khi bà đến Queenstown năm 1990.

RJ_Vol9_7+U_Rotator.jpg


Cận cảnh:

ladyboat.jpg
 
Last edited:
2. Trượt tuyết ở Remarkable

Remarkable gần Queenstown nổi tiếng với du khách đến đây để trượt tuyết. Mùa đông gặp ngày trời trong, nắng nhẹ nhàng, trời xanh ngắt. Tuyết tràn trề khắp dọc đường đi. Từng đoàn người chui ra từ các chiếc xe ô tô khác nhau, lịch kịch đi trên những đôi giày trượt tuyết to tổ bố, đáy dầy sụ sụ. Họ còn mang theo ván trượt (skis và snow board) thuê từ những cửa hàng dưới phố, đến là có thể đi cầu treo lên đỉnh núi và trượt vòng vèo ở những núi tuyết trên cao. Đó là những người đã biết trượt thông thạo. Những tay trượt mới toe thì hài lòng với bãi trượt nhỏ nhỏ ngay đỉnh núi.

Đường ô tô lên núi khá nhớp nháp do tuyết tan chẩy làm đường bị ngập bùn. Bãi đỗ xe cũng lênh láng bùn. Một anh chàng hướng dẫn đậu xe da trắng, tóc nâu đen dài xoăn tít thò ra dưới cái mũ len mầu sắc rực rỡ, mắt nâu đen đẹp như Đức Chúa, mặc chiếc áo phản quang mầu cam tận tình hướng dẫn các xe đậu đúng nơi. Bước ra khỏi xe là chân dính vào bùn nhưng không kìm được thú vị khi thấy mênh mông tuyết trắng ở xung quanh, hơi lạnh dâng lên khiến bạn phải xuýt xoa và lấy mọi đồ ấm găng, mũ, áo ấm và mặc vào người. Đi bộ một lát là lên đến chỗ trượt.

Ai chưa có ván trượt có thể dễ dàng thuê ở cửa hàng ngay gần đó. Người lớn mất chừng 40$, trẻ con chừng 25$ là có cả giầy, ván trượt và quần áo ấm. Nếu thích tự luyện tập thì không mất thêm tiền, muốn theo các lớp tập trượt tuyết trong vài giờ thì chi thêm chừng 100$ nữa. Mỗi người hướng dẫn có một nhóm học sinh chừng 5-6 người, ít hơn thì 1-2 người. Thầy dậy đứng thăng bằng trên ván trượt, cách lấy đà để trượt, cách phanh và tránh vật cản. Nhiều người không chọn học thầy mà tự mầy mò, chịu ngã vài lần đến vài chục lần là có thể trượt êm ả trên sàn băng.

Trượt tuyết bằng ván trượt dài (skis) dễ hơn trên ván trượt ngắn (snow board). Skies có thêm hai cái gậy để lấy thăng bằng, còn ván trượt thì chỉ có ván như ta trượt skate board.

Để trượt ở mức độ thao thạo, bạn sẽ mất vài ngày luyện tập. Mỗi khu trượt đều có những đường trượt với mức độ khó khác nhau, từ bãi tập phẳng phiu để luyện các kỹ năng cơ bản đến cấp độ cao nhất là các sườn núi dốc để những tay chuyên nghiệp có dịp đua tài. Thế nên dân tình tốn hàng tuần loanh quanh ở các khu trượt tuyết này và dân Kiwi lại tha hồ mà thu tiền từ các bạn trả tiền để ngã oành oạch kia.
Hai ngày ở Queenstown trôi đánh vèo mà còn bao nhiêu thứ hay ho chưa sờ tới. Tiếc nhưng vì thời gian quá ngắn mà lại tham lam, chúng tôi đành chia tay với thị trấn đáng yêu này để tiếp tục hành trình đảo Nam của mình.

Queenstown là điểm trung chuyển để từ đó, bạn có thể khám phá những điểm tuyệt đẹp khác ở phía nam của hòn đảo như vịnh Mildford, phía đông như vùng đồng bằng phía Dunedin. Mỗi điểm này sẽ cần ít nhất là 2 ngày… đành lỗi hẹn vậy… hy vọng sẽ còn dịp quay lại nơi đây… xin hứa lúc đó sẽ dành 20 ngày!!!

---
Bãi trượt Remarkable gần QS nhất

P1040263+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Tuy gần QS nhưng cũng phải mất vài chục cua tay áo mới lên đến nơi:

snowline_1.jpg


Nhưng bãi trượt này rất thuận tiện: ở khu tập - sân thoai thoải có đường băng chở người lên đỉnh, tuyết đang rơi mù mịt và bà con vẫn miệt mài tập tành

P1040262+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Ngã oạch phát đầu tiên

P1040268+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Bình thường thôi, các anh cũng ngã vậy mà:

P1040281+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


nên phải tập cho cẩn thận:

P1040290+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


nhưng tập mãi rồi cũng trượt được thôi:

P1040310+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Quanh NZ có rất nhiều bãi trượt tuyết nổi tiếng, thu hút khá nhiều khách du lịch, nhiều nhất là dân Úc vì bay chỉ hơn 3 giờ (từ Sydney, Brisbane, Melbourne), phong cảnh đẹp. Úc cũng có một số khu trượt tuyết quanh khu vực Snowy Mountain nhưng phong cảnh thì không đẹp bằng NZ

nz-ski.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,608
Bài viết
1,170,248
Members
192,227
Latest member
j88top1comvn
Back
Top