What's new

[Chia sẻ] Nhật kí hành trình xuyên Việt tháng 4-2013 - Check-in Việt Nam

Mộ vua được nằm dưới ngọn đồi ở phía cuối. Người ta cũng đào một đường hầm chạy vào lòng núi và đặt quan tài của vua ở đó. Sau đó cho phủ đất đá lấp lại

Giá vé vào mỗi lăng là 55.000/người Việt và 80.000/người nước ngoài. Nếu bạn là sinh viên và đi khoảng từ 4, 5 người vào lăng thì nên xin trước người gác cổng. Tuỳ vào tài năng của bạn mà bạn sẽ được giảm cho một vài vé, giống như tôi đi 4 người nhưng chỉ mất 2 vé để vào lăng.
Địa điểm tiếp theo là khu di tích lịch sử chín hầm. Ngày xưa thực dân Pháp xây chín hầm để cất giấu vũ khí, nhưng sau này, Ngô Đình Cẩn đã biến nơi này thành nơi giam giữ và tra tấn các chiến sĩ cách mạng. Giờ đây các hầm, dường như đã bị sụp đổ, duy chỉ có hầm số 8 là được trùng tu để tái hiện hình ảnh năm xưa. Vào đây bạn sẽ không mất vé vì cũng chẳng có gì. Chỉ tốn 5.000 gửi xeTất cả các hầm hầu như bị sụp đổ như thế này, thậm chí còn tệ hơn

Gần đó, là trung tâm văn hoá Huyền Trân. Một nơi linh thiêng của người Huế. Giá vé vào là 25.000/người. Nơi cao nhất ở đây là tháp chuông Hoà Bình, cao 180m so với mực nước biển, vì mệt quá nên quên mất số bậc thang khi lên đây là bao nhiêu, nhưng cũng đáng để đếm vì nó trên 200 bậc.Cổng vào điện thờ Huyền Trân Công Chúa

 
Đường lên tháp chuông Hoà Bình

Buổi chiều, chúng tôi dạo quanh Đại Nội ở phía ngoài trước khi tới chùa Linh Mụ. Đây là nơi sông nước hữu tình rất đáng để các bạn tới thăm quan. Rộng và có một vị thế rất đẹp.Chùa Linh Mụ bên dòng sông Hương

Cổng vào bên trong chùa Linh Mụ – khá rộng và thoáng đãng, nhiều không gian để sinh hoạt tập thể

Chính dòng sông Hương là điểm nhấn đẹp cho mảnh đất cố đô này.
 
20.4.2013 Chơi Huế, Ăn Huế
Ngày thứ 2 ở Huế, tôi dám chắc với bạn rằng vé vào cổng một số chỗ thăm quan ở đây bạn có thể trả giá được. Giống như tôi đi nhà vườn An Hiên – một trong ba nhà vườn còn nguyên bản ở Huế.
- 20.000 một người con nhé – người trông coi nói với chúng tôi.
- Sao lúc trước bạn con đi chỉ mất 10.000? – bạn tôi hỏi lại
- Ờ, giờ 20.000 rồi – mặt hồn nhiên
- Vậy thôi tụi con đi ạ – chúng tôi không lưỡng lự bước ra
Khi chúng tôi quay ra cổng thì được nghe tiếng gọi lại với một lời mách nhỏ: “cô thông cảm bọn con sinh viên nên mới cho vào nhé, đừng nói ai biết”. Lát sau khi chúng tôi đã vào trong, hỏi anh hướng dẫn cho một đoàn khách: vé vào bao nhiêu? Anh ấy nói: “5.000/người”.Thật ra nhà vườn cũng chẳng có gì, ngoài một căn nhà cổ và vườn ở xung quanh. Cả khu vườn giờ đây xơ xác và không có gì nổi bật. Phần lớn không được đầu tư bảo trì và nâng cấp. Hỏi ra mới biết, chủ nhà giờ đây đã ở nước ngoài, giao lại cho một người trông nom và tự bán vé để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Vậy nên mới có những chuyện xảy ra như ở trên.Đi xa hơn một chút, dành cho những người yêu thích thiền thì không thể bỏ qua rừng thiền Huyền Không Sơn Tự. Nếu có thời gian thì bạn có thể dành trọn vẹn hết một ngày ở đây để thư giãn và tịnh tâm. Vậy nên hôm qua tôi có nói trên FB của mình: “Huế nhỏ, mà đi 1 ngày cũng được, đi 1 tuần cũng được” là vì thế.Nhìn lướt qua, bạn có thấy được 2 cánh hoa khác màu không? Những đầm hoa như thế này rất nhiều ở Huyền Không Sơn Thượng

Cô bạn làm hướng dẫn cho tôi suốt thời gian tôi ở Huế – ở Huế mà không phải là người Huế. Nên nhiều khi cũng bị chém chung

Gương mặt cô bạn tôi giống Gary hồn nhiên – ai coi Running Man những tập đầu tiên sẽ hiểu ha.

Anh bạn người Đức trên Couchsurfing

Anh ấy rất thích đùa, đùa với bất cứ ai ở bất cứ nơi nào có thể
 
Một điều thật sơ sót khi tới Huế mà không thử đó là ẩm thực.Ở Huế, vì được chăm sóc kĩ quá nên tôi chỉ ăn cơm nhà. May mắn cũng được bà cho ăn một món mà bà giới thiệu là món đặc trưng của Huế: “thịt luộc chấm tôm chua”. Nó giống như thịt luộc mắm tôm mà người Saigon hay ăn, nhưng thay vào đó là mắm tôm chua. Người ăn chấm thịt luộc vào mắm, ăn chung với tôm có trong mắm. Vị chua, cay, mặn của mắm và mềm thơm của thịt heo luộc sẽ làm bạn cảm thấy phấn khích trong suốt bữa ăn.Món mà tôi ăn trước đó là “bánh canh bột gạo cắt cá lóc”. Món này nôm na là bánh canh cá lóc, nhưng bột gạo ở đây, được làm nhuyễn trực tiếp tại chỗ, khách kêu tới đâu người ta sẽ cắt tới đó. Đặc biệt, khi bưng ra, không cần để ý bạn cũng sẽ thấy tay của người bán còn dính bột khi nhào nặn và cắt bánh. Lúc đầu tôi thấy nó dơ dơ, nhưng mà ăn rồi là quên hết.Chiều nay rảnh rỗi, lớ ngớ sao vào quán mix đủ thứ. Nào là mì quảng đến gỏi, bún đến café, sinh tố đến chè. Kêu một ly chè Thái, ăn không ngon bằng chè Thái ở Saigon mình hay ăn ở khu Thanh Đa.Trên mạng nghe dân tình bảo, tới Huế mà chưa ăn chè Hẻm thì không được trọn vẹn. Chè Hẻm nằm trong con hẻm trên đường Hùng Vương. Nếu đi du lịch và vào lần đầu thì bạn nên kêu món: “chè bột lọc bọc thịt quay”. Một ly 7.000 có 4 viên bột lọc bọc 1 xí thịt heo quay. Giống như chè trôi nước, nhưng có đá, bột lọc giòn và ngon hơn, thịt heo quay cũng thơm, mằn mặn làm đằm lại vị ngọt của nước. Nói chung là mới ăn lần đầu nên tôi cảm thấy ngon. Chứ vào chẳng thấy ai kêu món chè này.Chè Hẻm còn có nước trà rất là đặc biệt, uống vào có mùi hôi hôi như mùi tàn thuốc lá, cực kì khó chịu với cái vị ấy. Hỏi ra thì mới biết nước trà này nấu bằng đậu ván, nấu sao ra màu như trà đá Saigon thì tôi không biết. Nhưng tôi thì không có cảm tình với cái mùi ấy.Chè bột lọc bọc thịt quay (7.000/ly). Bên cạnh là ly nước trà với cái mùi kinh khủng

Tới đây là no rồi nha, nhưng cũng ráng chạy qua Duy Tân ăn bánh lọc. Bánh lọc ở Huế thường là do người dân tự làm, tự bán. Ngon hay không hơn thua ở cái chỗ bột lọc và nước mắm, nhưng lúc đó tôi no quá nên cũng không cảm nhận được gì nhiều. Chỉ thấy 5.000/dĩa ứ hự là rẻ thôi.Bánh lọc Duy Tân

Còn mấy món như bún bò huế hay cơm hến hay vân vân các kiểu thì các bạn cập nhật thêm giúp mình nhé. Chứ mình no chịu không nổi rồi. Về nhà còn phải ăn cơm cùng gia đình nữa.
 
21.4.2013 Qua Hầm Hải Vân về Đà Nẵng
Quay trở về Đà Nẵng sau 3 ngày ở Huế, sở dĩ về sớm như thế là do Huế quá nóng và tôi cảm thấy không thích về cách làm du lịch ở nơi đây. Lần này trở về, tôi không đi đèo Hải Vân mà quyết định xuyên hầm Hải Vân về Đà Nẵng.Trên đường từ Huế về Đà Nẵng, tôi gặp sự cố đầu tiên về xe. Bánh sau của Maximus bị thủng khi vượt qua 2 đèo Phước Tượng và Phú Gia. May mắn là con đường bằng phẳng, nhưng dưới cái nắng lúc 12h thì tôi tưởng tượng dắt xe là một điều thật kinh khủng.
Trên tuyến quốc lộ 1A, nếu dắt xe cùng với túi đồ cồng kềnh của mình thì bạn nên đưa xe về hướng ngược chiều mà dắt. Vì cảm giác bị xe tải vượt lên từ đằng sau là hết sức nguy hiểm, bạn không thể biết được khi nào thì có một xe khác vượt lên, chỉ nghe âm thanh động cơ ngày càng lớn bên tai và vuuuuuuuù, một chiếc xe tải vừa đi qua ngay mắt cá chân của bạn, tôi mấy lần thót tim ra ngoài và rút ra được điều này.
Quay lại với cảm giác kinh khủng khi dắt xe dưới trời nắng, sự thật thì tôi chỉ cảm thấy mệt nhưng không thấy nóng. Kì lạ !? Thật ra thì bên phải tôi là một khu vực đầm rộng lớn, người ta gọi đó là đầm Lập An – người dân ở đây chủ yếu nuôi hào ở khu vực đầm này. Đầm Lập An nằm ở thị trấn Lăng Cô, thông với biển qua eo Lăng Cô, ăn sâu vào tận chân núi dãy phía Tây nên tạo ra một cảnh tượng vô cùng đẹp. Ở phía đông này, giáp với quốc lộ 1A, người qua gọi là đầm Lập An. Còn ở phía Tây, sát chân núi thì cũng với đầm này, nhưng người ta gọi là đầm Seoul. Theo lời của những người dân khu vực này thì mọi người cũng không rõ về lí do này, nhưng ai cũng có 1 lí do là có lẽ do góc nhìn ở phía Tây đẹp hơn. Tôi ước gì được đi qua đoạn này vào lúc hoàng hôn hoặc lúc mọi người làm việc trên đầm.Đầm Lập An từ phía đông

Mênh mông sóng nước đầm Lập AnMột căn chòi nhỏ, một thuyền nanChập chùng núi biếc soi bóng nướcThuyền buộc neo rồi, người đã sang?

Maximus bên đầm Lập An

Rời đầm Lập An, chẳng mấy chốc tôi đến được khu vực để bán vé vào hầm Hải Vân, vì xe máy không được phép lưu thông trong hầm. Ở đây, xe máy được chở riêng, người được chở riêng, và tất nhiên tôi phải trả tiền cho người và xe khi qua hầm. Thử một lần cho biết đi xe qua hầm là như thế nào. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy hầm Hải Vân rất đẹp, đẹp hơn trong trí tưởng tượng rất nhiều.
 
22.4.2013 Ngày đầu tiên ở đảo Cù Lao Chàm​
Hôm qua mới từ Huế về và tự thưởng cho mình được phép coi phim đến nửa đêm làm sáng hôm nay tôi phải vật lộn với cảm giác lười biếng của chính mình. 4h30 đồng hồ reo, tất nhiên là nó không có ý nghĩa gì với tôi ngay lúc đó, còn lâu mà. 5h15 đồng hồ lại reo và đó là tiếng chuông cuối cùng đánh thức tôi trong buổi sáng, thế nhưng mãi tới 6h tôi mới có thể ngồi dậy khỏi giường và ý thức được rằng: “chỉ có 1 chuyến đò duy nhất đi Cù Lao Chàm từ Hội An trong ngày vào lúc 7h”. Lúc này tôi vẫn đang còn ở Đà Nẵng – cách Hội An 30km.Thật may mắn là tôi vẫn đến kịp bến đò ở cửa Đại – Hội An vào lúc 6h45. Và vẫn đủ thời gian để uống một ly café, chụp một vài tấm hình quang cảnh buổi sáng nhộn nhịp ở bến đò. Vì chuyến đò (tàu chợ) đi Cù Lao Chàm thật sự khởi hành vào lúc 8h30. Tìm hiểu một số thông tin cùng cô hàng nước thì giá vé đi đò là 30.000/người Việt Nam, 20.000/xe máy và 100.000/người nước ngoài. Người nước ngoài giá cao hơn là vì bảo hiểm cho họ cũng cao hơn. Mất khoảng 1 tiếng đi đò để tới được Cù Lao Chàm, trong khi đó với Ca-nô chỉ tầm 20 phút, nhưng giá thì tính chung 100.000/người, linh hoạt thời gian đi và Ca-nô thì không vận chuyển xe máy.Chờ tàu

Đi bằng ca-nô chỉ mất 20 phút là tới đảo

Buổi sáng ở bến đò thật nhộn nhịp, kẻ ra người vào; khách du lịch, người đi làm; bộ đội, tài xế taxi, người bán vé; tây, ta; Càng lúc bến đò càng đông, tới giờ đò chạy, mọi người lũ lượt rời vị trí của mình và bắt đầu di chuyển lên đò. Cũng không mấy lộn xộn, nhưng ai cũng cố gắng để được lên trước tìm chỗ ngồi thích hợp cho mình. Tôi là người cuối cùng lên đò vì kẹt chiếc xe máy, hết chỗ để nên phải chờ để đưa Maximus lên mũi tàu, xem ra đó là vị trí đẹp mà ít chiếc xe máy nào có được.
 
Maximus và chỗ VIP trên mũi tàu

Lần đầu tiên tôi đi tàu ra giữa biển, thật đẹp! Nước biển hôm đó xanh rì, tôi không biết phải nói nó đẹp như thế nào, nhưng nói chung là cảm giác nhỏ bé giữa biển khơi thật tuyệt. Tôi ra mũi tàu và cố gắng tận hưởng hết sự trong lành giữa biển khơi. Chẳng mấy chốc, Cù Lao Chàm hiện lên trong cái vẻ mờ mờ ảo ảo giữa làn sương buổi sáng. Càng lúc nó càng to dần, hiện rõ ra và chúng tôi đến nơi trong sự háo hức của một người lần đầu tiên đặt chân đến đảo. Đón gió ở mũi tàu

Cù Lao Chàm hiện ra trong màn sương mờ ảo

Càng lúc càng gần

 
Nếu từ cửa Đại ra tới Cù Lao Chàm, thì tàu sẽ dừng ở Bãi Làng – đây là nơi tập trung đông dân cư và du khách nhất Cù Lao Chàm. Ở Cù Lao, có rất nhiều bãi, chỉ cần có bờ biển thì ở đó người ta gọi là bãi, từ bãi này qua bãi kia có khi ranh giới chỉ là 1 cây cầu như Bãi Làng và Bãi Ông, hay có khi cũng phải qua mấy con núi giống như Bãi Hương và Bãi Làng. Theo tôi nghĩ thì đó cũng là 3 bãi lớn nhất ở đây. Chọn cho mình một nơi hoang sơ để ở những ngày trên đảo, tôi nhanh chóng lấy xe và chạy thẳng tới Bãi Hương. Trải qua một đoạn đường với nhiều cảnh đẹp và cũng không kém ổ trâu, ổ gà. Nếu không đi xe máy thì bạn có thể đi đò từ Bãi Làng tới Bãi Hương. 5.000/người VN và 20.000/người nước ngoài. Và hình như một ngày cũng chỉ có 1 chuyến mà thôi.Vừa đến Bãi Hương, tôi được nhận nhiều lời đề nghị ở lại. Nào là 50.000/đêm, 100.000/đêm + ăn uống cho người Việt, người Tây giá khác nha. Vậy cũng rẻ hơn Bãi Làng rồi, lúc vừa xuống tàu, nhiều người cũng giới thiệu dịch vụ homestay với tôi nhưng giá thì gấp đôi Bãi Hương. Chần chừ và chưa biết nên quyết định thế nào, tôi không vội nhận lời ai mà muốn đi quanh đảo để tìm hiểu kĩ hơn, may mắn sẽ kiếm được một chỗ ở ưng ý với giá cả hợp lí. Lúc này trời đã trưa, tôi tìm một bóng mát tấp vào, sau này chỗ đó là chỗ nghỉ trưa lý tưởng của tôi trong những ngày tôi ở Cù Lao Chàm. Hình như Maximus có linh cảm trước nên nó chọn rất đúng chỗ để dừng xe. Tôi được mấy người quanh đảo hỏi thăm, đủ thứ câu hỏi về thông tin cá nhân và sau đó thì mọi người trở nên thân thiết. Giống như là bạn phải quẹt thẻ để vào công ty làm việc, nếu cái thẻ được chấp nhận thì mọi chuyện trở nên rất dễ dàng.Buổi trưa đầu tiên trên đảo

Một người đàn ông phía căn nhà đối diện đi ra, mời tôi một tô mấy con tôm típ và cùm. Một bà ngoại – mẹ của người đàn ông kia cũng ra hỏi thăm vài câu và xem tôi như con cháu trong nhà. Một người phụ nữ đang ru con ngủ từ trong nhà cũng tiếp thêm vài câu cho cuộc trò chuyện. Đó là gia đình chú Thành. Mấy người hàng xóm khác cũng từ từ kéo tới hỏi thăm, có người đi qua cũng chen vào vài câu cho rôm rả. Cảm tưởng như tôi là trung tâm và tất cả mọi câu chuyện đều quanh xung quanh tôi. Tôi không còn cảm giác bỡ ngỡ như lần đầu tiên và trở nên dễ dàng đối thoại với tất cả mọi người. Có rất nhiều lời mời về nhà cô này chú nọ ăn cơm, tôi không biết mục đích của họ mời là để tôi sử dụng dịch vụ homestay của họ hay là một lời mời chân thành, nhưng tôi phải về ăn cơm nhà cô Lý vào trưa nay, vì cô là người đầu tiên tôi gặp và đã mời tôi về nhà ăn cơm khi tôi còn lơ ngơ trên đảo. Hôm nay con cô cũng về, nên cô nói về ăn chung với con cô cho vui. Vậy là sau khi được thưởng thức hải sản của nhà chú Thành, tôi về nhà cô Lý ăn cơm. Và quay ra lại chỗ cũ để mượn tạm nhà chú Thành một cái võng để ngủ trưa.Chỗ dừng xe đầu tiên và trở thành chỗ ngủ trưa lý tưởng cho tôi suốt thời gian ở đảo

Đến chiều, tôi cùng anh Đức – con cô Lý mới về đi câu. Chúng tôi men theo những tảng đá, ngắm những đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng, rồi mấy con nha nghe tiếng chân người vội vã chui tọt vào kẽ đá. Chỉ có mấy con vú nàng là trơ trơ bám vào những tản đá chờ chúng tôi cạy ra, mang về nấu cháo. Buổi đi câu cũng thật thú vị, anh câu, còn tôi thì chụp hình và tận hưởng cuộc sống thật thoải mái ở đây. Hôm nay cũng là lần đầu tiên tôi thấy con sao biển còn sống, trông chúng thật dễ thương.Có bờ biển như thế này thì người ta cũng gọi là một bãi. (Quên mất tên bãi này rồi)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
58,533
Bài viết
1,168,879
Members
191,406
Latest member
dudoanxosomienbac
Back
Top