What's new

[Chia sẻ] Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy

Chào các Bạn/Anh/Chị,

Ông bà ta có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đối với nhiều người thì câu nói đó đúng, riêng tôi thì mỗi một cuộc hành trình kết thúc thường để lại một khoảng trống, một sự tỉnh ngộ. Và khi vẫn chưa thấy điểm dừng của sự khám phá, để lấp đầy khoảng trống đó tôi lại lên đường.

HDD82 thấy rằng các chuyến đi đã làm thay đổi mình nhiều hơn tưởng tượng. Các cuộc hành trình không còn là những cuộc phiêu lưu “điên khùng” nhằm chứng tỏ bản thân với mọi người nữa. Hơn hết là hành trình quay về khám phá con người thật sự, khả năng và bản lĩnh thật sự của mình…

Có rất nhiều cách để đi từ điểm A đến điểm B, khoảng cách giữa hai điểm không quan trọng, đi xa hay đi nhiều không quan trọng, quan trọng là bản thân học được những gì, tiến được bao xa trên con đường Chân, Thiện, Mỹ.

Cuối cùng, HDD82 lấy lại câu kết trong bài “Nhật ký hành trình Trung Quốc - Tây Tạng bằng xe gắn máy” rằng: Có những người đi để khẳng định bản thân, có những người đi để tìm hiểu thế giới xung quanh, cũng có những người đi chỉ vì được đi. Bằng cách kể lại chi tiết chuyến đi này, tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều bạn mạnh dạn lên đường khám phá thế giới xung quanh bằng xe gắn máy, một thế giới tuyệt vời ở bên ngoài đang chờ đón bạn chiêm ngưỡng, đừng ngần ngại những gì bạn chưa biết, chưa nắm rõ...

“Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi,
Trái tim không hề vương vấn
Như mây bay gió thổi
Anh bước theo số phận của mình,
Cần gì phải có một lý do
Chỉ một tiếng hô thôi “Lên Đường”!!!”

Topic “Nhật ký hành trình Nước Mỹ bằng xe gắn máy” xin được phép ra đời.
 
Câu chuyện tôi đã chia sẻ trên diễn đàn suvietnam, nhưng lần này HDD82 sẽ chỉnh sửa bổ sung thêm nội dung một số chi tiết, thông tin đường đi cũng như các câu chuyện trên hành trình, mà lần trước vì lý do khách quan và chủ quan mà tôi không kịp kể hết.

Những topic đi xe máy trước, HDD82 thường bắt đầu ngay vào cuộc hành trình, chia sẻ với các bạn những hình ảnh và cảm xúc ngay trên đường đi. Lần này xin được có trường hợp ngoại lệ.

Lý do là HDD82 sẽ có thời gian dừng chân ở Nước Mỹ đủ lâu để có thể chia sẻ với các bạn một chút hiểu biết của mình về lịch sử, khí hậu, địa lý, văn hóa, các bộ lạc người da đỏ v.v... Và những chuyện lặt vặt khác. Rồi cuối cùng HDD82 mới hy vọng rằng mình đủ may mắn để có thể biến ước mơ đi xe gắn máy ở Mỹ thành sự thật.

Kể từ chuyến đi Tây Tạng, tôi thấy rằng sự hiểu biết về địa lý, văn hóa các vùng đất mới sẽ giúp chuyến đi khám phá thú vị hơn một chút. Tuy vậy tôi cũng không rời xa quan điểm rằng trải nghiệm thực sự chỉ đến khi chúng ta dám xông ra ngoài cái vòng tròn vật chất an toàn, tiện nghi, và thoải mái do chính bản thân và suy nghĩ hạn hẹp của mình tạo nên...



Che Guevara trên chiếc xe đạp gắn động cơ:

 
Dường như ai cũng có mong ước được đi Mỹ, được một lần đến Mỹ theo bất cứ hình thức gì cũng được. Nhưng nhiều khi mong ước đó ngay lập tức bị suy nghĩ lý tính đè bẹp: Tiền đâu? Đi bằng cách nào? Ai sẽ giúp đỡ? Thông tin ở đâu? Thủ tục như thế nào? v.v... Cú đấm knock-out chí mạng vào ước mơ bé bỏng tội nghiệp đó vẫn là… Tiền đâu?

Tuy nhiên ông bà ta có câu “Cùng tắc biến, biến tắc thông”. Tiền mình không có nhưng người khác có! Bản thân chúng ta không thể trang trải được chi phí thì có những tổ chức khác sẵn sàng cấp chi phí cho bạn đi Mỹ. Ý tôi muốn nói đó là con đường tìm học bổng!

Thông tin một học bổng ngắn học đi học tại Mỹ do Bộ ngoại giao Mỹ đài thọ chính là ánh sáng, lời giải cho bài toán của HDD82. Còn gì hấp dẫn hơn khi toàn bộ chi phí vé máy bay đi về, tiền ăn uống, đi lại, tiền tiêu xài đều được cấp, hơn nữa bạn không phải mất công xin visa khi nhân viên Lãnh sự sẽ liên hệ hướng dẫn tường tận tình cách làm visa cho bạn? Rồi giúp bạn mang theo giấy tờ dẫn bạn vượt qua hàng dài người xếp hàng phỏng vấn visa?

Có câu “Giang hồ hiểm ác”! Cơ hội thì ít, mà những người cơ hội thì nhiều. Hàng ngàn hồ sơ học bổng may ra chỉ được vài suất. Cụ thể là có 14 suất học bổng cho các 05 nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam. Hằng hà sa số người cơ hội nhăm nhe miếng thịt đó. Xác suất rất thấp nhưng đó lại là con đường duy nhất mà HDD82 tìm thấy lúc này! Vậy phải làm sao?

Nỗ lực chuẩn bị hồ sơ. Nỗ lực hết sức mình trong mọi việc và âm thầm nuôi hy vọng!

Biết đâu “Chó ngáp phải ruồi”? Rồi hy vọng tăng lên khi nhận được tin hồ sơ được qua vòng một. Rồi lại hồi hộp chuẩn bị. Rồi hy vọng lại tăng thêm khi nhận được tin hồ sơ qua vòng hai. Rồi lại nỗ lực, rồi tin vui đến lần ba... Rồi mọi chuyện cứ thế tiếp diễn…

Lý Tiểu Long: ”Đối với tôi, thất bại chỉ có ý nghĩa tạm thời. Thất bại chỉ đơn giản cho tôi thấy rằng mình đang làm sai cái gì đó; Thất bại là con đường dẫn tới thành công và sự thật”

 
Thời gian trôi quá nhanh khi mà thoáng chốc quê nhà đã ở xa tít bên kia nửa vòng Trái Đất, tôi đã đặt chân đến nước Mỹ với 13 bạn trong chương trình.

Nơi tôi đang đứng đây: Thành phố Missoula, bang Montana, Mỹ!

Bang Montana có diện tích thuộc hàng lớn ở Mỹ nhưng dân số chưa tới 1 triệu người. Mật độ dân số (số người trên một đơn vị diện tích) của Montana chỉ… 07 người/ dặm vuông. So sánh với Việt Nam có mật độ 672 người/dặm vuông tức là đông đúc hơn gấp gần 700 lần.



Thành phố Missoula, thuộc bang Montana nhìn trên bản đồ chỉ như một đốm trắng trên mình một chú chó đốm. Bên trong cái đốm trắng nhỏ xíu đó là hơn 100 ngàn người, hầu hết là người Mỹ da trắng (chiếm 90%) và người Mỹ da đỏ bản xứ (chiếm 6%), phần còn lại là Mỹ da đen và Châu Á, Latinh… Nói một cách văn vẻ thì thành phố duyên dáng này rất “thuần chất Mỹ” với tính cách thật thà, chất phác, đôn hậu.
Một sự khởi đầu thuận lợi… ;)



 
Một thông tin khiến phái nam cảm thấy thiệt thòi là trong 14 bạn ở năm quốc gia thì chỉ có… 4 người là nam giới. Trái đất tồn tại đầy rẫy sự bất công khi trong đoàn Việt Nam chỉ có đúng một nam giới. Nụ cười như được mùa của những chị “phái yếu” trong đoàn… Các bạn đến từ Lào, Thái Lan, và Myanmar.



Còn 04 tay "cao bồi" trong đoàn thì cười như mếu…



Nghĩ đến Mỹ hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu của nhiều người đó là “Chủ nghĩa cá nhân”, “Chủ nghĩa vật chất”. “Cá nhân” hay “tập thể” thì HDD82 không có ý kiến vì chưa có đầy đủ trải nghiệm, nhưng thức ăn thì ở Mỹ đúng là nhiều thật. Và người Mỹ cũng rất thích ăn nhiều.

Nền văn hóa nào cũng coi trọng chuyện ăn. Ăn là một thú vui lành mạnh nhất trong các thú vui. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao chúng ta không ăn uống một cách vui vẻ? Nhất là khi ta phải trải qua một chặng bay dài 27 tiếng qua Hàn Quốc – Detroit – Salt Lake – Missoula để được ăn?



Đôi khi ngoài mặt thì cười mà trong trong lòng buồn rười rượi vì PHẢI ăn…



 
Thường trong các topic nước ngoài thì các cụm từ mỹ miều như thiên đường hạ giới, viên ngọc bích, viên kim cương, hòn ngọc viễn Tây... được tuôn ra xối xả nhiều hơn hẳn các topic du lịch trong nước. Tuy nhiên đối với tôi, mỗi thành phố đều có vẻ đẹp riêng của nó, không phải chỉ ở nước ngoài, mà ngay ở Việt Nam. Mỗi thành phố nhỏ và lớn, nước ngoài và trong nước đều có điểm gì đó để chúng ta khám phá, và khen ngợi.

Missoula cũng có núi...



Có sông…



Có cây, có cối...





Và những lâu đài cổ trong khuôn viên Đại học… (Chữ M màu trắng trên sườn đồi phía sau tòa lâu đài là chữ cái đầu tiên của Missoula)



Nhưng có một tay đến từ Châu Á không chỉ ngắm cây, ngắm cối, ngắm núi, ngắm sông, mà hắn còn đang ngắm một thứ khác…
 
Trong cơn gió lạnh buốt của tiết trời đầu xuân tại thành phố phương Bắc nước Mỹ, một tay Châu Á lặng lẽ rời khách sạn mà cả đoàn đang cư ngụ, 13 người bạn đồng hành vẫn còn đang mê mệt trong giấc ngủ sau chuyến hành trình dài và cơ thể bị ảnh hưởng bởi chênh lệch múi giờ. Tay Châu Á liếc mắt nhìn bầu trời đầy mây đen u ám, tay giữ chặt bộ quần áo mỏng manh trước những cơn gió lạnh. Nhiệt độ ngoài trời hôm đó khoảng 7 độ. Cùng khoảng nhiệt độ đó nhưng tại Thành phố Stockholm, Thụy Điển hắn từng học đâu có lạnh thấu xương đến vậy nhỉ? Hắn lắc đầu cảm thấy không thoải mái trong cơn gió lạnh, rồi nhằm hướng bờ sông trước khách sạn thẳng bước.

Tại một nhà trọ cách đó không xa có một tay người Mỹ đang chờ sẵn với một phi vụ giao dịch nóng bỏng. Người bán cần bán gấp, còn người mua cũng rất muốn mua. Vật trao đổi ở đây chính là một chú ngựa sắt, chú là niềm hy vọng, mơ ước của HDD82 vì nếu không có chú thì topic này chỉ có thể là “Nhật ký hành trình nước Mỹ” mà thôi.



- “Xin chào”. Hắn mở miệng trước với nụ cười toe toét trên mặt.
- “Xin chào”. Tay người Mỹ béo mập, để ria mép, niềm nở đáp lại.
- “Tao là Dong”. “Tao là Mark”
- “Xe của mày đâu?” Tôi đi thẳng ngay vào đề.

Mark chỉ cho tôi thấy con ngựa sắt màu đỏ đang dựng trong góc nhà. “Tao dựng xe ở đó 04 năm không chạy rồi. Không biết bây giờ nó có hoạt động okie không nữa vì tao thấy bánh sau bị kẹt cứng rồi”.

- “Mày có thể sửa chiếc xe này không?”. Tôi lắc đầu thất vọng, quan sát chiếc xe vẻ ngoài còn còn mới nhưng không nổ máy đang dựng ở một góc.



Vì lần đầu tiên trong đời thấy một chiếc xe đạp gắn động cơ gắn máy hai thì như thế này nên tôi không biết nó hoạt động ra sao, và làm sao để khởi động máy.

Một tay thanh niên nhà hàng xóm thấy vậy đi ra, tỏ vẻ am hiểu động cơ và máy móc. Hắn khoát tay: “Để đó cho tao. Tao có thể nổ máy chiếc xe này”. Tôi và Mark nhìn nhau. “Okie, vậy làm đi. Tao sẽ trả mày tiền”, Mark nói.

Tay thanh niên quả không bốc phét, sau khi đổ xăng + nhớt vào bình và hì hục một hồi tay thanh niên da trắng Mỹ cũng làm chiếc xe sau đó nổ máy. Hắn còn leo lên hướng dẫn cho tôi cách sử dụng một cách nhiệt tình...





Tôi leo lên xe chạy thử một vòng xem như thế nào: khung sườn không chắc chắn. Nếu so với chiếc Magna 750cc ở nhà thì cảm giác giống như chuyển từ cưỡi voi sang cưỡi lừa vậy. Tiếp nữa là xe không có phanh tay, chỉ có phanh bằng chân. Nhiều bộ phận bị lỏng ốc vít, và quan trọng nhất là lúc khởi động phải cong đít lên đạp một lúc để xe có trớn rồi lên ga - thả côn để xe nổ máy. Coi bộ khá đơn giản nhưng nếu có thêm hành lý thì sao?

Thấy tôi có vẻ đắn đo, Mark lên tiếng “Mày vẫn muốn lấy chiếc xe này đấy chứ?”
- “Okie”. Tôi trả lời chắc nịch và nhớ lại sự tư vấn của Bác quân sư rau76
- “Okie.” Mark tay bắt mặt mừng hớn hở, khuyến mãi cho tôi thêm một chiếc khóa xe bằng xích sắt to đùng.



Thế rồi ở một thành phố xa xôi miền Bắc nước Mỹ, rất gần với biên giới Canada, có nhiều người đi bộ hai ven đường hoảng loạn nhảy tránh ra một bên khi thấy một tay Châu Á mặt mũi đỏ gay vì lạnh, tay chân loạng choạng đang cố hết sức điều khiển chiếc xe đạp có gắn động cơ bé xíu.

Nói gì thì nói, lần đầu tự mình lái xe trên một đất nước xa lạ vẫn mang lại nhiều cảm xúc: hồi hộp, lo sợ, căng thẳng, phấn khích nhưng trên hết vẫn là cảm giác tự do và phiêu lưu.
 


Chiếc xe đạp gắn động cơ hai thì 49ccm, nhìn sơ qua đơn giản nhưng thật ra mang ý tưởng rất lớn, ít nhất đối với HDD82 và Rau76.

Chúng tôi đều nhất trí sau một chầu cafe Bụi rằng, nếu chiếc xe có thể thực hiện được chuyến hành trình xuyên nước Mỹ thì thật sự mở ra một hướng mới trong du lịch xe máy ở nước ngoài. Vì xe gắn động cơ có dung tích nhỏ hơn 50cc, và là loại xe có kèm bàn đạp, nên được xem là một kiểu xe đạp mà thôi. Như vậy người mua không cần phải đăng ký phương tiện, không cần bằng lái xe, không cần mua bảo hiểm v.v... để được lưu thông trên đường.

Những yếu tố vừa kể ở trên đủ làm nản lòng không biết bao nhiêu chiến sỹ lăm le ý tưởng xe máy nước ngoài đó chứ. Bài toán đã được giải quyết sẽ khuyến khích nhiều anh em lên đường khám phá nước ngoài hơn?

Mặt khác, sau khi kết thúc chuyến đi, chúng tôi tin rằng có thể tháo rời các chi tiết xe như động cơ, khung sườn... đóng vali xách về nước dễ dàng, và gọn nhẹ. Còn xác xe thì có thể để lại mà không thấy tiếc lắm, vì chi phí rẻ. Rồi sau đó? Chúng tôi có thể mang vali đó du lịch đến các nước khác nhau, tìm một chiếc xe đạp bất kỳ, gắn động cơ đó lên và... chạy! Vừa đơn giản vừa tiết kiệm chi phí !

Ý tưởng khi HDD82 ở Việt Nam là vậy, để biến thành thực tế tại Mỹ tốn thời gian và rất nhiều nỗ lực. Như vậy các bạn cũng hiểu hơn HDD82 cảm thấy phấn khích như thế nào khi ngồi chiếc xe trông bề ngoài hết sức đơn sơ này dạo quanh Missoula.
 
Đương nhiên, đây là chương trình học nên nhiệm vụ chính của chúng tôi hằng ngày vẫn là đến lớp học về kinh tế, về quản lý, về giao tiếp kinh doanh, về sự đa dạng văn hóa, về mọi thứ. Tuy nhiên, không phải là kiểu học nhồi nhét kiến thức lý thuyết mà những người làm chương trình đã có sự kết hợp khéo léo giữa:

Từ những buổi học trong lớp…



Đến những buổi học dã ngoại ngoài trời…



Từ những thầy giáo dạy là người Mỹ, đến những thầy giáo người Mỹ gốc Ấn Độ, Hongkong. Có người có phương pháp giảng dạy giao tiếp tích cực, có người chỉ ngồi một chỗ dạy theo kiểu truyền thống. Về mặt kỹ thuật thì có người dạy hay, có người dạy chưa hay lắm so với các giảng viên VN tôi biết.





Nhưng có một điểm chung: họ thích và khuyến khích người học đặt câu hỏi. Câu hỏi càng khó, càng đi sâu vào vấn đề càng được tán dương. Nhược điểm ở đây là người học có thể giơ tay hỏi bất kỳ lúc nào nên nội dung đôi khi bị dàn trải và lan man. Tuy vậy, thời gian lên lớp chỉ chiếm phần nhỏ, thời gian tự học ở nhà mới là chính. Người dạy đóng vai trò hướng dẫn, trả lời thắc mắc của người học hơn là nhồi nhét kiến thức.

Sinh viên Việt Nam không hề thua sinh viên các nước ở tính cần cù, chịu khó, thông minh. Nhưng tại sao các tố chất tốt đó chưa phát huy hết tác dụng để giúp chúng ta thoát nghèo? Bỏ qua các yếu tố vật chất, phải chăng cách học khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi có quá khó để thực hiện ở VN?

 
Đi nhiều, thấy nhiều, biết nhiều thì càng... khổ nhiều! Sở dĩ đứa con nít vui vẻ cả ngày vì nó chỉ biết thế giới này là cái xe oto đồ chơi, mảnh sân bé xíu trước nhà, hoặc ai đối với nó cũng là bạn. Người lớn càng trưởng thành càng ít cười đùa vui vẻ vô tư, vì họ biết nhiều (thường là mặt trái), trải nghiệm nhiều và ... đa nghi nhiều!

Cạm bẫy "Biết nhiều, khổ nhiều" này có thể vượt qua nếu chúng ta biết buông bỏ bớt những cái không cần thiết. Giống như một người lữ hành không thể đi xa với cả đống hành lý lỉnh kỉnh trên lưng, chỉ bằng cách giữ lại những cái thật sự cần thiết, buông bỏ những trải nghiệm vô ích, đôi chân người lữ hành mới luôn nhẹ nhàng.

Phải chăng khả năng chỉ phát huy tối đa khi chúng ta được trang bị những kiến thức kỹ năng cơ bản nhất? Hơn là nhồi nhét mang vác cả đống? Học tích phân, vi phân, đạo hàm, phương trình bậc cao nhiều để làm gì? Hãy học những thứ nhẹ nhàng phù hợp với khả năng mình nhất. Hãy luôn luôn đặt những câu hỏi đúng, và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống!

[video=youtube;x_W15-9q-2U]https://www.youtube.com/watch?v=x_W15-9q-2U&feature=youtu.be[/video]
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,180
Bài viết
1,150,368
Members
189,939
Latest member
chuyengiatrimun
Back
Top