What's new

[Chia sẻ] Những mảnh ghép nước Nga.

Vậy là em đã rời nước Nga sau từng đấy năm lang thang, hành trang mang về chỉ là những bức ảnh, những người bạn và kỷ niệm. Có lẽ em cũng khó quay lại trong tương lai gần, vì thế em lập chủ đề này, phần để chia sẻ lại những nơi mà em đến, phần để có thể bất kỳ ai yêu nước Nga vào chia sẻ cảm nhận và phần nữa để tư vấn cho ai có nhu cầu về cách đi lại, ăn uống và chơi bời ở bất kỳ thành phố du lịch nào của Nga (vì em đã đi khá kỹ từ Tây tới sát Viễn Đông, từ Bắc tới Nam, từ Altai tới Kavkaz, từ Baikal cho đến Crimea), mặt khác cũng là để viết tiếp về Siberia do topic cũ bị hỏng photobucket mất hết ảnh (viết kiểu topic cũ mất thời gian quá mà em cũng bận không thể duy trì được).

Topic này em cũng dùng account facebook chính để upload ảnh và ban đầu sẽ dùng luôn các post facebook cũ cho đỡ tốn sức (vì thế sẽ có nhiều pót xưng hô khá củ chuối, các bác thông cảm) rồi đi vào chi tiết sau. Xin phép được bắt đầu với bán đảo Crimea, sau đó lần lượt sẽ là vùng Kavkaz, Kuban, hai thành phố lớn Moskva và Saint Petersburg, các thành phố dọc theo sông Volga, Bắc Ural, Nam Ural, Tây Siberia, Altai và Đông Siberia.

Các thành phố/ thị trấn sẽ được review trước, sau đó sẽ vào các điểm thăm quan cụ thể.

Post ảnh để kiểm tra khả năng hiển thị :D

23621731_10210945829661819_6354541222211361431_n.jpg



Danh sách các thành phố, thị trấn, làng mạc và điểm thăm quan, cập nhật dần theo bài viết:

PHẦN CRIMEA
1. Feodosya
2. Sudak
3. Koktebel
4. Alushta
5. Yalta
6. Alupka
7. Sevastopol
8. Balaklava
9. Simferopol

PHẦN KAVKAZ
10. Khatuey
11. Argun
12. Gudermes
13. Grozny
14. Goytư
15. Urus-Martan
16. Khankala
17. Dzhalka

ĐỒNG BẰNG MIỀN NAM
18. Krasnodar
19. Rostov-na-Donu
20. Volgograd
 
Last edited:
Cả Altaisky Krai và Republika Altai em đều đi nát rồi ạ. Hình ảnh và đánh giá sẽ có ở các phần sau topic này.
Lời khuyên của em là bạn bác nói đúng. Bác nên đi, ở CH Altai có một cái gọi là hành trình vàng, dài khoảng 4-5000 cây số gì đó vòng vèo qua nhiều địa danh tuyệt đẹp, có cả đi ô tô, đi ngựa và đi thuyền trên hồ Teleshkoe. Tuy nhiên để đi hành trình này nhanh cũng phải 2 tuần :D

Nhá hàng trước cho bác một cái ảnh em chụp ở thung lũng Chulyshman, quận Ulagan, phía Nam cộng hòa Altai ngay giáp biên với Mông Cổ
Cảnh hùng vĩ quá, mà nghe đi 2 tuần thì hơi ớn :D
Altaisky Krai và Republika Altai có khác nhau nhiều ko bạn, nếu p chọn 1 trong 2 thì nên đi cái nào?
Thanks và mong bài viết về Altai của bạn!
 
Cảnh hùng vĩ quá, mà nghe đi 2 tuần thì hơi ớn :D
Altaisky Krai và Republika Altai có khác nhau nhiều ko bạn, nếu p chọn 1 trong 2 thì nên đi cái nào?
Thanks và mong bài viết về Altai của bạn!

Bác không được chọn đâu, một là bác đi mỗi Altaisky Krai, 2 là bác đi cả hai vì thường các đoàn sẽ tập kết ở Novosibirsk hoặc Barnaul (thủ phủ Altaisky Krai) trước khi đi sâu tiếp xuống phương Nam, đấy là đường độc đạo để đi Cộng hòa Altai rồi.
Đi mỗi Altaisky Krai thì hơi chán vì nó cũng chẳng khác gì mấy so với tỉnh Novosibirsk ngay trên đầu :D
 
16. Khankala

Đây là một ngôi làng ở Cộng hòa Chechnya nằm về phía Đông thủ đô Grozny. Làng khá đặc biệt vì tuy nằm sâu trong Chechnya nhưng dân số lại 90% là người Nga và trong số 90% này quá nửa là quân nhân.
Thời Soviet, Khankala là một căn cứ không quân nơi đặt các trung đoàn Mig-17 và 19 để bảo vệ mạn phía Nam.
Trong chiến tranh Chechnya lần 1 và 2, đây là căn cứ của sư đoàn Bộ binh cơ giới cận vệ số 42 với vũ trang chủ yếu là xe tăng T-62 và xe CĐBB BMP-1.
Sau cải cách quân sự năm 2008, sư đoàn đã bị giảm biên chế xuống thành lữ đoàn BBCG cận vệ số 18 và dẹp hết xe tăng, chỉ sử dụng xe CĐBB BMP-2.
Ăn chơi:
Làm gì có gì mà ăn chơi, tiếng là làng nhưng thực chất là cái căn cứ quân sự, thứ giải trí duy nhất ở nhà ga Khankala là vài cái xe cỏ để cho các city boy và city girl nhảy lên làm dánh chụp ảnh là hết cỡ. Tất nhiên với người yêu thích quân sự như mình thì còn mấy món khí tài nữa.
Xe nhiều đất chật nên mang cả hàng ra nhà ga phơi. Mình dừng lại ở đây 30 phút nhưng cửa sang bãi BMP có check point nên không lại gần được :">

30709008_10212088486067515_374862278592468871_n.jpg
 
17. Dzhalka

Làng Dzhalka là nơi cuối cùng mình còn thò chân xuống ở đất nước Chechnya khói lửa. Làng nằm cạnh sông Dzhalka cũng khá lớn với khoảng 8500 dân và nhiều thôn vệ tinh xung quanh.
Có một điểm đặc biệt ở làng này là không hiểu sao được tài trợ trực tiếp từ Arab Saudi rất nhiều (có bác đi tầu cùng kể thế) nên trong làng xây dựng rất hoành tráng, đặc biệt là một cái cổng to đùng và 3 nhà thờ Hồi giáo.
Dừng lại tí ở ga nên chẳng biết làng có trò ăn chơi gì, nhưng nhìn thấy mùi luật Sharia khét lẹt nên mình cũng không hy vọng gì nhiều.

Bức ảnh cuối: Tạm biệt Dzhalka, tạm biệt Chechnya.

26198264_10211260788175585_7746613329895726762_o.jpg
 
Vậy là tạm xong phần đánh giá chung về Kavkaz, em chuyển qua khu vực đồng bằng phía Nam đầy lúa mì, hướng dương với mùa đông ngắn ngủi chỉ dăm ngày tuyết rơi. Đây cũng là miền đất với những người Cô-dắc tính cách phóng khoáng, tự do, những cô gái với làn da rám nắng màu vỏ bánh mì, xăm mình chằng chịt với trình độ múa kiếm không kém bất kỳ ai.

18. Krasnodar

Krasnodar - Tên thành phố có nghĩa là "món quà đỏ", được thành lập vào năm 1790 với tên khi đó là Ekaterinodar - "Quà tặng của nữ hoàng Ekaterina". Krasnodar nằm trên vùng Kuban, là vùng đất của những người Cô dắc, nó được thành lập với vai trò căn cứ quân sự tiền tiêu, vừa để phòng thủ quân đội Thổ, vừa làm bàn đạp để Nga tấn công các lãng thổ vùng Kavkaz, lãnh địa của đế quốc Ottoman ở phía Nam và biển Đen.
Năm 1888, thành phố này đã có 45.000 dân sinh sống và là một đầu mối giao thương quan trọng phía Nam nước Nga. Sau cách mạng tháng 10, những người Cô dắc Kuban hầu hết đã theo ủng hộ quân Bạch vệ và biến Krasnodar thành một nơi khá cứng đầu chống lại Hồng quân, tuy nhiên sức mạnh của kỵ binh và Shashka Cô dắc đã không chống lại được pháo binh Hồng quân, cả thủ lĩnh của họ là Lavr Kornilov và quân Cô dắc đều bị Hồng quân đánh tan. Trong thế chiến thứ 2, Đức chiếm đóng Krasnodar từ tháng 8/1942 - 2/1943 và gây thiệt hại nặng nề cho thành phố với hàng nghìn người Do Thái, Cộng sản và du kích bị sát hại. Sau chiến tranh, những người Cô dắc cứng đầu vùng Kuban vẫn thỉnh thoảng gây lên những sự vụ làm đau đầu giới chức sắc Xô Viết, năm 1961, thành phố đã xảy ra bạo loạn (một sự việc cực kỳ hiếm hoi trong lòng Liên Xô vào thời điểm này), thậm chí là năm 1971, 1 gã tên là Piotr Volinsky đã đánh bom xe bus làm chết đến 10 người dân thành phố. Sau khi Liên Xô sụp đổ, trái ngược với các thành phố khác của nước Nga xảy ra tình trạng kinh tế trì trệ, người dân bỏ xứ khiến dân số sụt giảm ,tại Krasnodar mọi thứ vẫn phát triển tốt và dân số vẫn tăng đều đặn. Tại đây cũng là nơi diễn ra phong trào đổi lại tên đường phố về tên trước cách mạng tháng 10 mạnh mẽ nhất nước Nga.
Hiện tại, Krasnodar là thành phố khá giầu có, được bình chọn là 1 trong 10 thành phố đẹp nhất nước Nga. Tuy nhiên, một phần nhờ các công trình, một phần là nhờ con người nơi đây. Nếu như có thể coi phụ nữ Nga thuộc hàng đẹp nhất trong chủng tộc da trắng thì các cô gái Krasnodar (cùng với Rostov) có thể coi là đẹp nhất nước Nga, với tóc vàng, khuôn mặt pha chút nét Thổ Nhĩ Kỳ và vóc dáng cao ráo tuyệt hảo. Một đặc điểm nữa của "tính cách Cô dắc" là người dân Krasnodar, đặc biệt là các cô gái rất thích xăm mình, 8/10 số phụ nữ trẻ đi trên đường có hình xăm lộ, trong đó tầm 1 nửa là có hình xăm lớn kín đùi, cánh tay, thậm chí là kín gáy, hết cả tai và quai hàm.
Thời tiết ở Krasnodar khá dễ chịu với mình hay khách khác đến từ Việt Nam, mùa hè nóng với nắng chiếu cả ngày và nhiệt độ thường xuyên trên 35 độ khiến người dân suốt ngày tụ tập tại các đài phun nước, mùa đông mát mẻ, thường loanh quanh 0 độ C, năm có tuyết, năm không nên thành phố cũng thu hút rất nhiều người đến nghỉ dưỡng.

Ăn chơi gì ở Krasnodar:
- Toàn bộ thành phố rất nhiều chỗ chơi, chơi theo kiểu nhiều tiền hay ít tiền cũng ổn hết. Thậm chí mùa hè ra đài phun nước trung tâm ngắm các em gái mặc bikini quẫy nước cũng là rất thú vị rồi.
- Phố chính Krasnaya, trong đó phần lớn giữa đường là đi bộ: Trên phố này có rất nhiều công trình đẹp như tượng nữ hoàng Ekaterina ban sắc chiếu cho người Cô-dắc, tượng hai nhân vật phim hài Liên Xô nổi tiếng là Shurik và Lida, Cổng chiến thắng, etc...
- Phố đi bộ gì đó quên tên rồi, cắt ngang Krasnaya (em sẽ viết lại ở phần đánh giá chi tiết).
- Công viên Vệ quốc: Trưng bày khá nhiều khí tài hay, có cả một con tầu ngầm trên cạn.
- Mua sắm ở Mall Quảng trường Đỏ hay bất kỳ hiệu bán hàng lưu niệm nào trên đường phố những món đồ đặc trưng của dân Cô-dắc.
- Rất nhiều nhà thờ.

Ảnh:
Đài phun nước phía trước khu phức hợp tòa nhà và tượng đài Avrora.

21463179_10210483503143945_4924940329810306523_n.jpg
 
19. Rostov-bên bờ sông Don.

Thành phố Rostov-on-Don (Rostov bên bờ sông Đông để phân biệt với thành phố Rostov thuộc tỉnh Yaroslav) là thành phố trung tâm của tỉnh Rostov, nằm phía Nam nước Nga, cách biển Azov hơn 30 km và là cửa ngõ nối liền với nước Cộng hòa Donetsk ở phía Tây. Thành phố có khoảng 1,1 triệu dân và cũng được bình chọn là 1 trong 10 thành phố đẹp nhất nước Nga.
Thời cổ đại, vùng đất quanh lưu vực sông Đông này là khu vực sinh sống của các bộ lạc Tây Á như Scythian, Sarmat, sau đó nó lần lượt đổi chủ qua nhiều quốc gia như Genoa hay Thổ Nhĩ Kỳ trước khi các nông nô Nga dồn xuống đây sinh sống và hình thành bộ phận người Cô dắc sông Đông nổi tiếng.
Vào cuối thế kỷ 18, cùng với nhiều vùng lãnh thổ của đế quốc Ottoman bị Nga chiếm được, vùng lưu vực sông Đông được sáp nhập vào đế quốc Nga và dần yên ổn khỏi chiến tranh khi lãnh thổ nước Nga ngày càng mở rộng.
Sau đó, vào thế kỷ 19, với sức mạnh của than đến từ Donbass và sắt đến từ Krivoy Rog gần đó, công nghiệp bùng nổ ở vùng Rostov với các lò luyện thép và cơ sở sản xuất máy móc hơi nước. Cùng với việc Rostov-on-Don nằm trên tuyến đường buôn bán quan trọng xuống Thổ và các nước Tây Á, dân cư bắt đầu đổ về đây và biến nơi này thành một thành phố trù phú.
Trong cuộc chiến giữa phe Hồng quân và Bạch Vệ đầu thế kỷ 20, Rostov-on-Don là một chiến trường quan trọng mà hai phe giành giật nhau cho đến tận năm 1928, muộn hơn rất nhiều so với các vùng khác. Tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" chính là miêu tả vùng đất này. Vào thế chiến II, phát xít Đức cũng chiếm được thành phố trong 7 tháng và tàn sát hơn 27.000 dân thường tại đây, chủ yếu là người Do Thái.
Những năm gần đây, sau khi bắt đầu xảy ra cuộc chiến Donbass, cùng với các nhóm quân nhân tình nguyện đi qua vùng này để tới Donbass và nạn buôn lậu than, quặng, hổ phách từ Ukraine qua Nga, Rostov-on-Don đã từng bị xếp hạng là thành phố nguy hiểm nhất châu Âu. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, loại bỏ yếu tố chính trị, World Atlas đã loại Rostov ra khỏi vị trí này và xếp Talin, thủ đô Estonia thế vào.

Cảm nhận khi mình đến thành phố vào mùa hè là khá nóng bức, nhiệt độ thường xuyên cao ở mức 32-34 độ C. Tuy nhiên phố đi bộ bờ sông Đông (ảnh) cùng với trục đường chính Puskin khá nhiều cảnh đẹp, land mark và nhiều hoạt động rất vui nhộn, rất thích hợp du lịch dù cho về đêm thì rất nhiều thanh niên say khướt, nhưng đại loại vẫn an toàn.

Ăn chơi gì ở thành phố Rostov-na-Donu:
- Năm 2018 này đang có giải bóng đá nên toàn thành phố đâu đâu cũng là không khí bóng đá hết.
- Có công viên trung tâm thành phố và Công viên tháng mười phía Bắc, riêng công viên Tháng Mười hay có tổ chức mấy giải ca nhạc, múa hát cây nhà lá vườn khá hay.
- Đi dạo ven bờ sông Đông, ăn ở nhà hàng Sông Đông êm đềm.
- Các quán bar nhỏ cực nhiều, đồ uống ngon, dân địa phương dễ thương, dễ làm quen hơn các vùng khác.

Ảnh: Tượng Rostovite, đường Bờ sông, biểu tượng của thành phố.

21055146_10210355300258953_4038377888499598411_o.jpg
 
20. Volgograd (Stalingrad).
Sở dĩ mình để Stalingrad vì trong những ngày lễ lạt kỷ niệm chiên thắng trong Thế chiến II, thành phố Volgograd lại được đổi tên về thành Stalingrad.
Nếu tính 5 thành phố đáng đến nhất nước Nga, chắc chắn sẽ có vị trí của Volgograd khi mỗi bước chân ra đường, mỗi tòa nhà ở đây đều là di tích lịch sử.
Thành phố Volgograd nằm ở phía Tây Nam nước Nga, từ tên gọi của nó cũng dễ dàng đoán được là thành phố nằm ngay bên bờ sông Volga. Thành phố này có hơn 1 triệu dân và là thành phố lớn thứ 12 của nước Nga.
Thành lập năm 1589 với cái tên Tsaritsyn, lịch sử thời phong kiến của Volgograd khá lu mờ trước giai đoạn lịch sử khi còn mang tên Stalingrad của nó. Nằm trong lãnh địa của Đại hãn Kazan, cho đến thế kỷ 18, thành phố này vẫn không đóng vai trò đáng kể và sau gần 200 năm thành lập dân số của nó cũng chưa đạt con số 1000.
Thành phố được đổi tên thành Stalingrad vào năm 1925, sau khi đóng vai trò đáng kể trong việc phòng thủ chống lại phe bạch vệ. Danh tiếng của Stalingrad gắn liền với trận đánh Stalingrad với quy mô khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh loài người với số thiệt hại nhân mạng và vật chất vượt xa bất cứ một trận đánh nào trước và sau nó (Ước tính đã có khoảng 1,3 - 1,8 triệu người chết của cả hai bên). Dù các sử gia phương Tây cố gắng tô vẽ cuộc chiến mang ý nghĩa biểu tượng của "hai gã điên" Hitler và Stalin, đánh nhau vì cái danh hão, nhưng thực tế cả hai lãnh tụ kia đều không ngu, vì Stalingrad là cửa ngõ xuống vùng đồng bằng mầu mỡ phía Nam, túi bánh mỳ của Liên Xô và xa hơn nữa là túi dầu Baku. Có lẽ, nếu Stalingrad sụp đổ thì toàn bộ Thế chiến II đã rẽ sang một chiều hướng hoàn toàn khác.
Sau khi Khruschev lên nắm quyền, năm 1961 trong phong trào xét lại và hủy bỏ những di sản của Stalin, thành phố bị đổi tên thành Volgograd. Năm 2013, tổng thống Putin đã ký sắc lệnh chính thức cho thành phố này mang tên "Stalingrad" vào 8 ngày lễ lớn quốc gia. Trong khi giới chức Công giáo đòi đổi tên thành phố về tên cũ là Tsaritsyn thì người dân thành phố lại muốn đổi tên vĩnh viễn thành phố thành Stalingrad. Đã từng có 50.000 chữ ký của người dân về thỉnh nguyện đổi tên này và tổng thống Putin đã hứa sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về điều này trong tương lai (chưa biết đến bao giờ).

Khí hậu tháng 7 trong những ngày mình đến thành phố khá nắng nóng, đặc trưng cho khí hậu phương Nam. Cả thành phố, nhất là đại lộ Lenin đi vài bước lại là một di tích nổi tiếng nên suốt mấy ngày chỉ lang thang trên phố quay mòng mòng chụp ảnh. Chắc chắn sẽ quay lại khi có dịp :D

Ăn chơi gì ở Volgograd:
- Đầu tiên là thăm các di tích lịch sử, chỉ cần xuống tầu ở ga Volgograd thì đã bước chân ngay xuống một di tích lịch sử hoành tráng rồi. Tiếp theo đi dọc đại lộ Lenin thì cứ xác định bấm cháy máy ảnh, full thẻ nhớ.
- Bảo tàng trận Stalingrad, căn nhà Pavlov, etc...
- Thăm khu tổ hợp đài tưởng niệm ở đồi Mamaev Kurgan, tượng Mẹ Tổ quốc.
- Phố xá nhiều quán cà phê với theme đặc sắc: Chiến trận, cà phê mèo, cà phê nghệ sĩ đủ loại.
- Đi dạo & ăn vặt tại khu đường bờ sông dọc sông Volga.
- Thử mấy món đặc sắc tại nhà hàng Mayak...
Nói chung đây là một thành phố đáng để bỏ ra khoảng 1 tuần trải nghiệm, không có nhiều nơi đáng đi đến vậy trên đất Nga đâu :D

Ảnh: Di tích nhà máy xay bột trên đường Nguyên soái Chuikov, hình ảnh đã quá nổi tiếng đại diện cho trận Stalingrad ở hầu hết phim ảnh và trò chơi.

20953768_10210340867378140_1063399036015737647_n.jpg
 
21. Samarskoye

Đây có thể coi là một ngôi làng lớn, hay gọi là một thị trấn nhỏ cũng được với kiến trúc chủ yếu là town house, thêm mấy block nhà 5 tầng style Khrushov nằm trên khoảng 50 con đường được đặt tên. Nó nằm ở quận Azov, tỉnh Rostov-na-Donu và khá gần với biên giới Ukraine.
Dân số ở đây thống kê năm 2010 là khoảng hơn 13 ngàn dân với khoảng 55% là nữ, nhưng hiện nay với lượng dân Ukraine chạy nạn sang thì có lẽ đông hơn nhiều rồi.
Ngôi làng này được thành lập vào năm 1770, vì thế, có lẽ nó khá giầu truyền thống mặc dù mình chưa tìm hiểu được nhiều.
Một điểm đặc biệt của làng Samarskoye là ở đây có giải vô địch bóng đá riêng, tính đến nay đã tổ chức được 25 mùa với 12 dội thường xuyên tham gia thi đấu (ham hố phết :v ). Tuy nhiên, ở đây chỉ chơi bóng đá sân nhỏ 6 người và mỗi hiệp 25 phút.

Ăn chơi gì: Ngoài chạy ra cánh đồng hướng dương chụp ảnh (rất đẹp) thì cũng chả biết ăn chơi gì ở đây cả vì em mới chỉ dừng lại ăn trưa thôi :D

Ảnh: Hàng ăn CCCP tự phục vụ đồng giá 100 rúp với 1 món chính, 1 món súp và 1 salad. Nếu so với việc mua 1 cái shaurma 130 rúp thì rõ ràng ăn ở đây ổn hơn nhiều :D


33370034_10212312830675990_1573288052858552320_n.jpg
 
22. Moskva

Thủ đô nước Nga, đã quá quen thuộc với rất nhiều người Việt Nam nên chẳng cần viết dài dòng làm gì.
Tuy nhiên cơ hội để nhìn thấy tận mắt một em T-15 Armata nóng hổi bốc khói nghi ngút trên phố, lại ngay trước cửa Đại sứ quán Mỹ thế này thì chắc chắn không có lần thứ hai và người VN thứ hai. (Ảnh)

Một vài nhận xét chung về Moskva (các địa điểm đi chơi chi tiết sẽ viết ở các post sau).

- Trung tâm thành phố (trong vành đai một) được giữ khá cổ kính, giao thông trên phố nhẹ nhàng vì có lẽ hơn 90% dân số đều đi tầu điện ngầm. Nhà cửa ở đây có lẽ ai ở từ trước thì ở, còn khó có thể có trao đổi mua bán gì nhiều.
- Từ ngoài vành đai 2 trở đi có lẽ mới là cuộc sống dân cư đích thực, phố xá đông đúc, nhà cửa đắt đỏ. Chung cư có giá thành 7-80 tr/ mét vuông trở lên, tùy thuộc vào khoảng cách đến ga tầu điện ngầm.
- Dân cư đông đúc, mọi người ít để ý đến những thứ đang xảy ra xung quanh mình, và có vẻ lịch sự/ bớt trực tính hơn rất nhiều so với các vùng khác, có lẽ do tiếp xúc với người nước ngoài nhiều.
- Các làng quê cách trung tâm thủ đô 5-60 km đã thể hiện nghèo thấy rõ, thậm chí nghèo hơn nhiều so với các vùng xa như Ural hay phương Nam.
- Một điều thú vị là nếu đi xe khách từ Mát đến các thành phố vệ tinh thì khả năng vớ phải xe dù, bán khách là khá cao.

17218372_10208992567471485_5569179904720790656_o.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,945
Latest member
Karide
Back
Top