What's new

[Chia sẻ] Những nẻo đường châu Á

“No one realizes how beautiful it is to travel until he comes home and rests his head on his old, familiar pillow.” —Lin Yutang

Một ngày chủ nhật đẹp zời, lang thang trên mạng đọc được câu này tự dưng thấy nhớ những cung đường đã đi ghê gớm. Nhớ mùa thu mê hoặc, đẹp rụng rời tay chân trên thảo nguyên của bọn khựa mất nết, nhớ những đồi chè mênh mông bát ngát, những vườn dâu chín mọng ở cao nguyên Mã Lai, nhớ không khí trong veo, thanh tịnh nơi cố đô Yogyakatar, nhớ những con người Bali hiền lành, tốt bụng mà mẹo mực du lịch thành thần, nhớ cả những cơn mưa xối xả ở Hong kong, nhớ bánh trứng Macau, nhớ hương vị chè thốt nốt thanh mát, ngọt dịu trong một khu chợ địa phương ở Siem Riep… Ôi nhớ gì như nhớ người yêu, nhớ ơi là nhớ!

Lăn qua lăn lại không nghĩ ra cách chi để mà trị cái căn bệnh kinh niên dai dẳng này, cuối cùng đành chọn hạ sách lên phượt kể lể đặng ôn lại kỉ niệm xưa vậy. Mình quyết định chơi hẳn topic loại tổng hợp, không mắc công lập nhiều topic lại hoá spam mọi người :D

Mục lục (hy vọng là sẽ chăm chỉ cập nhật để cái mục này nó dài dài một chút :">)

1. Tung Của

(cont)
 
Last edited:
1. Tung Của
1.1 Shangri la: thu vàng trên thảo nguyên


Thời điểm: Cuối tháng 10/2011.
=> Chớ có tưởng cứ đi vào mùa thu là trời xanh vời vợi, lá vàng mê mải nhé. Mưa vẫn có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Thứ nữa là cuối tháng 10 thì lá chưa vàng lắm đâu, đi chỗ này để sang hẳn tháng 11 đầu tháng 12 là đẹp ;)

Thật buồn khi phải chấp nhận một sự thật là chính tụi khựa là kẻ đã dẫn mềnh vào kiếp traveler =''=. Chuyến xuất ngoại đầu tiên tự đi đúng nghĩa chính là chuyến này. Buồn tập hai là phải chấp nhận thêm một sự thật nữa rằng thì là mà thiên nhiên của bọn tàu nó đẹp thật, đẹp không thể chối cãi :| vậy nên có ai mà nhất quyết ko bao h sang tàu chỉ vì ghét bọn tàu thì quả thật là đáng tiếc đó.

Shangri la (hay Trung Điện, Hương Cách Lý Lạp, Kiến Đường) là một thành phố nhỏ tự trị của người Tạng nằm ở phía tây bắc Vân Nam, Trung Quốc. Đây được coi là cửa ngõ từ Trung Quốc vào Tây Tạng, tuy chỉ cách Lệ Giang khoảng 200 km nhưng các nét văn hóa truyền thống của người Hán gần như đã bị xóa nhòa, thay vào đó là đặc trưng Tạng vô cùng đậm nét. Để đến được đây mình đã phải ngồi máy bay 1 tiếng, tàu 1 đêm và ô tô 5 tiếng :-SS

Năm 1933, nhà văn Anh James Hilton đã xuất bản cuốn sách ‘The lost horizon’, trong đó có mô tả về Shangri la - một miền đất thần tiên, một thung lũng an lạc vĩnh cửu, một thiên đường trần gian với thảo nguyên bao la rộng lớn, bao bọc bởi núi tuyết, hồ xanh, thác nước, bầu trời thăm thẳm và rừng cây ngút ngàn, nơi mà con người ta có thể tìm thấy ‘đường chân trời quên lãng’. Nhiều độc giả trên khắp thế giới đã đổ xô đi tìm vùng đất tạo cảm hứng cho James Hilton viết nên cuốn sách đó, từ Bhutan, Nepal, Pakistan ... nhưng chỉ khi đến Trung Điện, họ mới thấy nơi đây có nhiều điểm tương đồng nhất với miền đất hứa được đề cập trong sách. Và từ đó, cái tên Shangri la (hay Xianggelila như ng TQ hay gọi) đã trở thành cái tên được biết đến nhiều nhất của Trung Điện.

Chính xác là đợt này mình chỉ ở Shangri la đúng nửa ngày 1 đêm (1 đêm thì ngủ mất tiêu rồi, không tính) có thể nói đến 1/5 Shangri la cũng đi chưa hết. Lại thêm rắc rối với tay lái xe gian như chấy nên không thể đến tu viện Songzanlin :(( Shangri la trong lòng mình bây h là một Shangri la không có tu viện, toàn lá lẩu thôi!

Đường từ Lệ Giang lên Shangri la
6302302785_30bafdc94e_z.jpg

Núi non trùng điệp, mây trắng bồng bềnh, mây đen lởn vởn

6302282051_655781617f_z.jpg

Cầu vồng trên thảo nguyên

6302723556_0c184a8e25_z.jpg

Tạt vào vườn táo dọc đường =P~ =P~ Ra là táo tàu mà gắn lên cây trông nó thế này :))

6302713650_73c8e8c428_z.jpg

Mặc sức hái, 5 tệ 1kg ;)

6302284693_0186a7b991_z.jpg

Ánh sáng thiên đường :j​
 
1.1 Shangri la: thu vàng trên thảo nguyên (cont)

9527908233_c711f62bc3.jpg
Mình đã từng được đăng bài viết về công viên Potatso trên tạp chí truyền hình VTV. (gửi 1 ngàn nụ hôn đến chị Nheva :x) Giờ xin được trích dẫn khúc mở đầu sặc mùi tour guide như sau:

"Cách Shangri la (một huyện tự trị của người Tạng nằm về phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam) khoảng 22 km là Potatso – công viên quốc gia đầu tiên của Trung Quốc đáp ứng được các tiêu chuẩn của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Công viên khánh thành năm 2007 và cho đến nay đã trở thành một địa điểm du lịch không thể bỏ qua đối với nhiều du khách một khi đã đặt chân đến Vân Nam.
Với tổng diện tích lên đến gần 1300 km2, có thể nói công viên Potatso vừa là rừng xanh ngút ngàn, vừa là biển hồ bao la, vừa là thảo nguyên rộng lớn với vô số loại động thực vật phong phú đặc trưng của cao nguyên. Đến với Potatso, bạn có thể thăm quan lần lượt các địa điểm nổi bật như hồ Shudu, hồ Bita, núi tuyết Thiên Bảo cùng một số khu làng dân tộc miền núi.

Quy định của Potatso không cho phép xe cá nhân di chuyển trong công viên, thế nhưng bạn cũng đừng lo mình sẽ rơi vào cảnh “trên sa mạc, trong rừng thẳm” giữa muôn trùng là núi non, thảo nguyên, hồ nước... mà không có phương tiện đi lại. Trong công viên luôn có sẵn một hệ thống xe bus bảo vệ môi trường làm nhiệm vụ chuyên chở du khách giữa 3 bến: hồ Shudu – đồng cỏ Militang – hồ Bita. Men theo hồ và xuyên trong rừng lại có hẳn 1 tuyến đường bằng gỗ dài hơn 10km để du khách đi lại được thuận tiện. Ngoài ra, nếu muốn thử một lần cho đúng nghĩa thế nào là cưỡi ngựa trên thảo nguyên, bạn có thể chọn cách di chuyển bằng ngựa ở một số địa điểm trong công viên."

6343833628_467b86ee89_z.jpg

Đường vào vườn quốc gia Potatso

6302290713_cf7eed7d73_z.jpg

Cuối tháng 10 cây rừng ở đây đã bắt đầu vàng rực, chả bù cho Lệ Giang

6302208743_f8e6f8c35d_z.jpg

Thông ven hồ

6302293853_57d0ba10c9_z.jpg


6302768202_b5a7fec9c1_z.jpg

Hồ Shudu (tên rất chuối, “hồ nước trên đồi”) là một trong những hồ nằm ở độ cao lớn nhất của Trung Quốc (3500m). Bản thân cái hồ thì không đặc biệt lắm nhưng nhờ được bao quanh bởi thảo nguyên bao la, rừng cây trập trùng và núi non hùng vĩ nên cái hồ nó lại thành đặc biệt :-“

6302299119_ee0e07ae8c_z.jpg


6302791300_76781513d7_z.jpg

Rừng cây và hoa hoét thế này trông thật giống trong thần điêu đại hiệp :-j Chỉ khác cái là hoa ở đây là hoa thiệt, còn trong thần điêu là hoa điêu.

6302199599_620a36aa9a_z.jpg

Ánh nến trên cao nguyên.
Trò chuyện, hát hò, và nhảy múa với những người bạn Tạng trong một quán bar ở Shangri la.​

Kinh nghiệm: Về vấn đề bình ô xi, tụi lái xe hay có cái trò dụ khách mua bình ô xi do ăn chia với đám bán hàng và thường thì bọn này sẽ vẽ ra một đống các lí do doạ cho thiên hạ sợ xanh mắt mèo, đến khi nào chịu móc ví ra mua thì thôi (chẳng hạn như kể một lô các trường hợp đã ... die trên núi vì không mua, hay mua ở chỗ khác thì rất có thể mua phải đồ dởm, hít vào ngộ độc, cũng die, kiểu vậy). Kinh nghiệm cá nhân mình là đừng mua hoặc ko thì cùng lắm mua 1 2 bình phòng hờ, gọi là mua cái yên tâm chứ thực ra cũng chả được tích sự gì.
 
Last edited:
Thank mọi người đã thích ảnh! Chiến hữu của mình cùi bắp lắm, nikon d5000 với lens zoom 18-200 :D


1.2 Lệ Giang: Đại Nghiên ngày mưa, Thúc Hà ngày nắng

Thời điểm: cuối tháng 10/2011
=> tầm này thì lá lẩu các loại ở Shangri la thì vàng rồi, nhưng ở Lệ Giang vẫn chưa ăn thua lắm. Ai mà chủ trương thu lá đỏ thì nhớ đi muộn hơn khoảng 1 2 tuần là ổn ;)

Lúc mới đặt chân đến Lệ Giang, cả đám cứ nháy nháy với nhau, giống Hội An nhà mình quá, chỉ khác cái là Lệ Giang này nó Trung Quốc hơn , Hội An mình chưa đủ Trung Quốc bằng =)) Đùa vậy thôi chứ Lệ Giang khác hẳn Hội An, chả giống chút nào. Lệ Giang là một thành cổ cũ ơi cũ, xưa ơi là xưa thuộc tỉnh Vân Nam, nằm ở độ cao 2400 m, gối đầu lên chân rặng Ngọc Long Tuyết Sơn quanh năm tuyết phủ và cuộn mình trong vòng tay dòng Ngọc Hà ngày đêm róc rách không ngừng. Những ai đã từng ghé qua thành cổ Lệ Giang ắt hẳn sẽ khó có thể nào quên được dung nhan kiều diễm của người đẹp đã 800 tuổi này.

6352532868_9170777a41_z.jpg

Thành cổ Lệ Giang khá là rộng, bao gồm 3 cổ trấn Đại Nghiên, Thúc Hà, Bạch Sa và khu New Town. Đây là Đại Nghiên từ trên cao, chụp từ Mộc Phủ và Vạn Cổ Lầu.

Hình ảnh những mái nhà cổ kính lớp lớp san sát nhau dày đặc, nối dài mãi đến chân núi xanh phía xa luôn là hình ảnh tiêu biểu của Lệ Giang. Đáng tiếc vì đợt mình đi, đỉnh núi Ngọc Long luôn chìm trong ngút ngàn mây mù nên ko thể thấy rõ khung cảnh một ngôi thành cổ nằm yên bình dưới bóng núi tuyết vĩnh cửu. Nhưng bù lại, 2 ngày ở đây thì 1 ngày mưa, 1 ngày nắng, và thật tuyệt vời khi được ngắm nhìn Lệ Giang với cả 2 gương mặt khi vui cũng như khi buồn của nó :x

Đợt đi Lệ Giang về, mình cũng có 1 bài đăng báo hụt về Đại Nghiên cổ trấn, trích ra đấy cho mọi ng đọc chơi, đừng sốc vì độ sến của nó nha :gun

1.2.1 Đại Nghiên cổ trấn – ngân nga những giai điệu

Một ngày cuối thu đặt chân đến cổ trấn Đại Nghiên (Lệ Giang), nhắm mắt lại và lắng tai nghe, bất chợt một bức tranh muôn màu muôn vẻ được vẽ bằng âm thanh bỗng trải ra trước mắt người lữ khách, rõ ràng đến kì lạ.

Dịu dàng hơi thở của nước

6352530020_bf698cc781_z.jpg

Đại Nghiên đâu đâu cũng có nước. Đúng như tên gọi của nó, Đại Nghiên là một nghiên mực lớn đầy mực.

Trong mỗi con ngõ nhỏ, dưới hiên nhà, bên hàng liễu, trước cửa sổ, nơi nào cũng có thể bắt gặp những con kênh to nhỏ khác nhau nhưng đều trong vắt nhìn thấu đáy. Có nơi nước chảy rất xiết, có nơi lại khoan thai, chậm rãi, có nơi đầy cá vàng bơi lội, có nơi lại tuyền một màu rong rêu xanh ngắt. Sông Ngọc Hà bắt nguồn từ núi tuyết ôm vào lòng cả Đại Nghiên cổ trấn, mang dòng nước mát lạnh, tinh khiết của mình, như chiếc lưới chia nhỏ cả trấn thành vô vàn hòn đảo nối kết với nhau bằng 354 chiếc cầu đá, tạo nên một thành cổ hòa quyện với nước có một không hai của Trung Quốc.

Tiếng róc rách êm đềm của những dòng nước đang dịu dàng chảy bên hiên nhà, dưới gốc liễu hòa với tiếng giọt gianh tí tách không ngừng tạo nên một bản nhạc không lời réo rắt, du dương đến kì lạ. Thi thoảng, tiếng quẫy nước của những chú cá vàng đang miệt mài cần mẫn bơi ngược dòng vang lên đây đó như những nốt thăng, nốt giáng điểm thêm vào khúc nhạc nước vốn dĩ đã quá ngọt ngào, càng không thôi quấn chân người du khách.

6351804709_2858c8f7e9_z.jpg

Vang vọng bản hòa tấu của những con đường đá

Đại Nghiên để lại ấn tượng với tôi không phải ở những quảng trường Tứ Phương, quảng trường Ngọc Hà, bánh xe nước, Mộc Phủ, công viên Hắc Long Đàm lúc nào cũng đông nghẹt khách du lịch tứ xứ, xô bồ và nhộn nhạo... Dấu ấn Đại Nghiên trong tôi đơn giản chỉ là những tiếng bước chân đều đặn vang lên trên những con đường lát đá quanh co, uốn lượn, đan cài vào nhau nơi cổ trấn. Mặt đường có chỗ nhẵn mịn, có chỗ gồ ghề, lồi lõm, như những phím đàn với âm thanh trầm bổng khác nhau đang chờ đợi ai đó dùng đôi chân mình tấu lên những khúc nhạc.

9550364525_9216e5dc62_z.jpg

Đại Nghiên trong những bức ảnh đẹp lắm. Trước khi đến đây, tôi đã từng mất hàng giờ để say sưa ngắm những bức ảnh chụp một Đại Nghiên cổ trấn đằm thắm với đèn lồng đỏ, với sắc hoa đào, hoa cúc rực rỡ ngày nắng; trầm ấm với những ngôi nhà gỗ, những mái ngói xám đen san sát, đan xen, gối đầu lên nhau chạy xa tít tắp; và trên tất cả, một Đại Nghiên đặc biệt biết bao với mạch máu là những con đường đá xanh uốn lượn, len lỏi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Nhưng đó là trong những bức ảnh, còn trong đời thực, dù không muốn thừa nhận, nhưng Đại Nghiên nói riêng và Lệ Giang nói chung đang dần bị làn sóng du lịch hóa thâm nhập. Tôi đã thất vọng, tôi đã buồn bã trong những giây phút đầu tiên đặt chân đến đây. Nhưng sau đó, tôi lại tìm thấy một Đại Nghiên thực sự vẫn còn hiện diện. Bạn biết tôi làm thế nào không? Tôi thức khuya một chút, và dậy sớm một chút. Thức khuya một chút là vào khoảng 10 rưỡi, 11 giờ đêm, khi ấy, bạn hãy tránh xa các loại quảng trường Tứ Phương, Ngọc Hà hay những con phố chính. Dậy sớm một chút là vào khoảng 7, 8 h sáng (vì ở đây trời sáng rất muộn), khi trời còn mờ sương và nắng chỉ mới chớm, khi những hàng quán hai bên đường vẫn còn đang say ngủ. Những lúc đó, bạn hãy thử thả cho đôi chân tự do rảo bước trong những ngỏ hẻm tĩnh lặng, lắng nghe tiếng bước chân của mình và người bạn đồng hành nhịp nhàng đối đáp rồi nói cho tôi biết cảm xúc của bạn khi ấy là như thế nào nhé. Riêng tôi, tôi yêu Đại Nghiên vì những giây phút đó, những khoảnh khắc có thể tạm quên đi bao lo toan, tất bật, bon chen đời thường để dừng lại, chậm rãi lắng nghe và cảm nhận sâu sắc nhịp đập bình yên của cuộc sống quanh mình.

Mê hoặc tiếng hát Lệ Giang

Từ ngày về Hà Nội đến giờ, 1 tuần, 2 tuần, rồi 3 tuần đã trôi qua mà kì lạ thay, bên tai tôi sao vẫn văng vẳng giai điệu những bài hát dịu dàng mà da diết nơi ngôi thành cổ ấy.

Đó là giai điệu của những bản nhạc “sống” cất lên từ những quán bar, cà phê trong phố cổ. Đó là giai điệu của những bài hát mà người dân ở đây gọi là “Lệ Giang ca”, là tiếng hát ngân nga, trong trẻo dida dida dida (滴答) mà bất kì người du khách nào đã đến với Lệ Giang hay Đại Nghiên đều không thể nào quên. Bài hát kì lạ ấy vang lên ở khắp mọi nơi, trong những cửa hàng đồ lưu niệm, trong mỗi quán ăn, tại phòng sinh hoạt chung ấm cúng ở hostel hay hòa cùng nhịp lắc lư của hành khách trên những chuyến xe buýt... Giai điệu ấy trở nên quen thuộc đến mức đôi khi đang cắm cúi rảo bước trên những con đường đá, bất chợt nghe thấy giọng hát dịu ngọt ấy văng vẳng từ đâu xa, tôi lại dừng lại ngây ngô tự hỏi chính mình: “Hay Lệ Giang biết hát?”

Câu hỏi không có lời đáp, chỉ thấy tiếng hát ấy vẫn ngân nga, dịu dàng, vang vọng trong không gian cổ trấn đẹp tưởng chừng như vô thực.

[video=youtube;btnM4EZQNp0]http://www.youtube.com/watch?v=btnM4EZQNp0[/video]​
Nguồn video: MadePossible channel
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,190
Bài viết
1,150,450
Members
189,950
Latest member
lifecarenutritions
Back
Top