What's new

[Chia sẻ] Núi Vọng Phu – Kiệt tác của thiên nhiên


Núi rừng luôn là một nơi chứa đựng một sự mê hoặc kỳ lạ, nó cuốn hút anh em chúng tôi một cách tự nhiên, đôi khi còn khiến chúng tôi bị xem là những kẻ điên rồ. Chuyến đi này cũng không ngoại lệ cho 2 chữ điên rồ, tất cả anh em trong chuyến này đều chỉ được thông báo sớm nhất là 2 ngày. Kẻ đang đi làm, người vừa leo núi về, chẳng ai biết chuyện gì, chỉ thấy 1 cuộc điện thoại rủ leo núi Vọng Phu là OK, dù chưa biết núi đó ra sao, ko biết địa hình cũng như thông tin gì cả, chỉ biết là 1 ngọn núi mới, thế thôi là quá đủ cho một niềm đam mê.

Vì thời gian khá gấp rút nên chẳng kịp tìm hiểu về địa hình cũng như thông tin về ngọn núi nên ai cũng chỉ quơ hết các đồ nghề leo núi như mọi khi vào ba lô, cái gì đem theo được đem theo hết, lên xe rồi tính sau. Sau khi tập trung tại Becamex tại Bình Dương và thuê 1 chiếc bảy chỗ, 9h tối thứ 7, nhóm bắt đầu chạy thẳng 1 mạch xuống Daklak nghỉ đêm.

Quên giới thiệu 7 thành viên cho cung núi Vọng Phu này:


  • Đỗ Lạ (Leader)
  • Bác Già
  • Chu Du
  • Trần Minh Tuyên
  • Hoàng Duy
  • Đỗ Phan Phước Huy
  • EaKar

Xin nói sơ qua ngọn núi Vọng Phu này, nó nằm ở xã EAM’Doal sát bên quốc lộ 19C. Dãy núi ở đây có nhiều đỉnh nhưng chỉ có 2 đỉnh được người dân đặt tên, 1 đỉnh là Chư Mư, 1 đỉnh là Vọng Phu. Mình chưa đo độ cao chính xác nhưng biết độ cao 2 đỉnh này khoảng 2000 mét, và chân núi ở độ cao 200 mét so với mực nước biển. Đỉnh Chư Mư thì có 1 tảng đá nhỏ để leo lên nhìn sang Vọng Phu, còn bên Vọng Phu thì có tới 2 ngọn núi đá được gọi là Hòn MẹHòn Con.

Vì nhóm vừa chẵn người và có 2 người biết lái xe nên thuê riêng 1 chiếc 7 chỗ cho tiện việc di chuyển cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian. Ngoài ra các bạn có thể đi xe khách từ Sài Gòn lên thẳng Mđrak, sau đó thuê 1 chiếc công nông hay đi xe ôm vào chỗ nhà chú Tùng trong EA M’Doal khoảng hơn 20km, đoạn vào xã EA M’Doal đường cực kỳ xấu nên taxi hay xe thường sẽ không vào đâu.
Nhờ có 2 tài xế Bác Già và Đỗ Lạ, nên 3h sáng chủ nhật chúng tôi có mặt tại nhà của Đỗ Lạ ngay trung tâm thành phố Buôn Mê Thuộc, tranh thủ chợp mắt được 3 tiếng để lấy sức cho nguyên ngày hôm sau.

Ngày thứ 1 – 30/8

6h sáng chủ nhật, cả nhóm ra làm tô Bún Cá Nha Trang rồi tiếp tục phi xe lên thẳng EaKar để rước thêm 1 người. Sau khi ăn sáng và đi chợ để chuẩn bị đồ ăn trong rừng 4 bữa ở Mđrak, xe lăn bánh offroad qua đoạn quốc lộ 19C để tới xã EA M’Doal, đoạn này đường xấu cực kỳ.
Đây là bản đồ vô nhà chú Tùng, không có địa chỉ cụ thể, bạn đi tới gần khúc đánh dấu trên bản đồ, tìm nhà có cửa rào màu trắng và có cái cột mốc H-Riềng 28km là được, không thì bạn hỏi nhà chú Tùng bán tạp hóa là người ta chỉ.



12h trưa chủ nhật, cả nhóm đã có mặt tại nhà chú Tùng, theo như dự tính thì sẽ nhờ chú Tùng thuê dùm một người dân đi rẫy làm porter. Loay hoay một hồi cũng kiếm được một anh porter, nhưng anh ấy không chịu đi vì khá nhiều lý do: sợ trời mưa, không vác đồ, giá cả, nhiều thứ cộng lại cuối cùng mấy anh em quyết định tự thân vận động. Một phần cũng vì 7 anh em cũng đều là những người từng leo núi nhiều, có kinh nghiệm đi rừng, cộng với đồ chơi công nghệ cũng khá đầy đủ nên không lo lắng nhiều.


Trước nhà chú Tùng có một cái hàng rào trắng và đây là cột mốc trước cửa, anh em làm một tấm trước khi lên đường



Xuất phát thôi



Đây là khung cảnh ngọn núi từ xa, 2 cái đỉnh nhú lên chính là Hòn Mẹ và Hòn Con, nhìn thấy xa thăm thẳm và cao ngút, không biết khi nào sẽ tới



1h30 chiều chủ nhật, nhóm bắt đầu trek vô rừng với sự hứng khởi cho một cung đường mới hoàn toàn. Sau một tiếng rưỡi đi bộ, lội qua 1 con suối, cả nhóm quyết định tạm nghỉ ở con suối thứ 2 để nấu cơm và làm sẵn gà vì sợ nữa đêm lên giữa rừng ko gặp được suối.


Con suối thứ 1



Giai đoạn này có thể gọi là nghỉ dưỡng hơi lâu, tới gần 3 tiếng đồng hồ cho việc tắm rửa, nấu cơm và làm gà. Thấy suối mát quá nên anh em ai cũng tranh thủ tắm cho đã, mặc kệ thời gian, nhưng nhờ vậy mà chúng tôi học thêm được một kinh nghiệm nấu cơm thiếu nước. Khi cơm thiếu nước, nếu bạn đổ nước vào thêm sẽ hư cơm, vì vậy Bác Già với Đỗ Lạ đã dùng cách nhúng một cái khăn ướt chùm lên trên nắp xoong cơm đang nấu để nó hút ngược nước vô trong lại. Sau khi chờ nồi cơm được nửa tiếng, cả nhóm đóng đồ đạc, nồi cơm và 2 con gà vào ba lô, không ai dám mở nổi cơm ra xem, cứ để nguyên hiện trạng cho hồi hộp, đợi tối cắm trại rồi xem kết quả sau…


2 con gà cho bữa tối hoành tráng đầu tiên



Vô cùng thích tấm này



Tắm tiên tại con suối thứ 2



Còn tiếp.....
 
Last edited:
6h tối, nhóm tiếp tục trek đường rừng vào điểm tracklog cũ của một nhóm đi vào năm 2012, nhưng vì điểm xuất phát sai nên toàn bộ đoạn từ 200 mét lên tới 800 mét chỉ toàn là đường tự mò. Đến hơn 10h đêm thì nhóm tìm được một con suối nhỏ và có chỗ để hạ trại, thế là cả nhóm hạ trại và nghỉ ngơi tại đây. Điểm hạ trại đêm đầu tiên nằm ở độ cao khoảng 800 mét, có thể gọi là thấp hơn so với dự định ban đầu là 1000 mét nhưng cũng được cho là tạm ổn so với khoảng thời gian và đường đi.

Trên đường đi bạn sẽ gặp rất nhiều bẫy giống vầy



Một cây gai cao cực kỳ



Gỗ dân khai thác



Ở độ cao gần 800 mét thì thời tiết cũng khá yên bình, mọi người tranh thủ giải quyết hết 2 con gà và 2 kg cơm cùng ít rượu táo mèo mang theo. Sau màn giới thiệu và tổng kết hành trình ngày đầu tiên, anh em tranh thủ chợp mắt sớm để lấy sức mai leo đoạn khó hơn.

Bữa tối đầu tiên khá đầy đủ chất dinh dưỡng, 2 con gà hoành tráng



Mặt trời lên, cũng là lúc leader hú cả nhóm dậy và hướng dẫn đánh răng đúng cách, cả nhóm được một trận cười thư giản với màn hướng dẫn của leader giúp tăng thêm hưng phấn cho ngày thứ hai. Nhưng quả thật đây vấn đề dân phượt cần lưu ý, vì đa số ăn bờ ngủ bụi nên ít chú ý tới việc vệ sinh răng miệng, cứ nghỉ ở dơ 1,2 bữa không sao. Đã có một người bạn của mình đã phải đi nha chu răng vì tội không đánh răng khi đi phượt. Răng là nơi bạn cần bảo vệ kỹ lưỡng nhất, đừng vì chút làm biếng mà không chuẩn bị kem đánh răng và bàn chải cho các chuyến đi. Sau chuyến này về, bản thân cũng tự thay đổi nguyên tắc: Người dơ cũng nào cũng được, nhưng răng thì phải sạch.

Ngày thứ 2 – 31/8 – Và đây là nơi cắm trại đầu tiên



Ăn sáng đánh răng xong, cả nhóm tiếp tục men theo con suối tìm đường mòn đi tiếp, ngày thứ 2 vẫn thế, không thể nào đi vô theo lối mòn của tracklog nhóm trước, thôi thì cứ đi tự mở đường vậy. Kinh nghiệm đi rừng là không nên dừng một chỗ quá lâu, định hướng xong thì nên đi nhanh, vì thế anh em cứ phang rừng mà đi, đi khá nhanh để bù lại ngày đầu tiên. Những con dốc, những cành cây, cứ thế mà đu mà leo. Có thể nói leader Đỗ Lạ là một người không sợ gái, không sợ gai, anh em ai cũng quần dài áo dài tay để tránh gai, còn anh ấy cứ áo thun quần đùi mà tới, hậu quả như thế nào thì chắc ai cũng biết rồi.

Tới trưa, anh em lại gặp một con suối lỡn với một bãi tắm cực kỳ đẹp và mát lạnh, quá tuyệt vời cho một chỗ ăn trưa và nghỉ ngơi. Thế là cả đám tha hồ mà tắm nude lần 2, dòng nước mát lạnh cộng với ánh nắng ban trưa làm cho bữa trưa càng thêm thoải mái.




Nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn uống phơi đồ xong, nhóm tiếp tục trek rừng tiếp đến độ cao khoảng một 1600m thì cũng đã 5h chiều, và cũng vô tình gặp được một bãi đất khá rộng để cắm trại. Sau một hồi họp giao ban thì quyết định hạ trại tại đây vì đèn pin cũng chỉ còn hạn chế và cũng không biết được đoạn tiếp theo có tìm được chỗ cắm nào không.

Đêm hạ trại thứ hai này, chúng tôi sơ suất một điều mà cũng nhờ đó, chúng tôi càng tin vào những điều huyền bí khi đi rừng. Sau khi mắc võng và nhóm lửa xong, anh em bắt đầu nấu cơm và khui rượu ra chuẩn bị uống một ít cho ấm bụng vì bắt đầu ở độ cao này thì không khí không còn êm dịu như trước, cái lạnh của núi rừng rất khó để diễn đạt thành lời. Và khi ly rượu đầu tiên khui ra thì chúng tôi lại quên một thao tác hết sức quan trọng, đó là cúng thổ địa và thần rừng tại nơi chúng tôi cắm trại ly đầu tiên, và bạn biết hậu quả sao không. Một cơn mưa lớn ào tới, mọi người không kịp phản xạ cho cơn mưa, chỉ biết chụp hết mọi thứ có thể cho vào võng và tấm tăng. Leader mới chợt hỏi là đã ai cúng thổ địa chưa, cả nhóm đều lắc đầu, thế là lật đật Hùng rót ly rượu và vái thần rừng với thổ địa xin cho cắm trại một đêm. Xong thủ tục thì chỉ 30 giây sau, cơn mưa tạnh hẳn một cách dứt khoát, thế là ai ấy cũng tự hiểu lỗi lầm là gì. Bạn biết đấy, ông bà ta thường nói: Có thờ có thiêng có kiêng có lành, vì thế tốt nhất ta đi đến đâu thì hãy làm đúng theo phong tục tập quán nơi đó, nhất là với núi rừng, mọi sự cẩn thận đều có lợi.

Xong vụ án cơn mưa, cả nhóm tiếp tục nhanh chóng nhóm lại lửa và giải quyết bữa tối vì hầu như ai cũng đói rã rời. Một cơn mưa nhẹ khiến bữa tối càng thêm thú vị khi phải chui vào trong tấm tăng mà ngồi ăn. Anh em chúng tôi lại học thêm được một điều thú vị từ Bác Già với câu nói: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Anh em ai cũng cười và đồng ý, thế là leader phân phát đều hết xong cơm cho 7 tô không hơn không thiếu, kể cả một ít cá khô đem theo cũng đều được bẻ ra cho đều. Chỉ 30 giây là tô ai cũng hết, vì ai cũng quá đói sau 1 ngày vận động liên tục.



Trời càng ngày càng lạnh, anh em kéo ra bếp lửa ngồi hàn thuyên nhâm nhi li rượu một lát rồi tranh thủ ngủ đẻ 6h sáng hôm sau phải đi sớm để kịp xuống núi.

Cái lạnh của đêm thứ 2 này có thể gọi là đợt lạnh nhất trong cả chuyến đi, cả nhóm đều rét và run nhưng không ai dám lên tiếng, chỉ khi đến 1h sáng có người không chịu nổi nữa phải lên tiếng thì ai cũng đồng thanh lên. Thế là cả nhóm hàn thuyên thông qua lớp võng vì chẳng ai ngủ được với cái lạnh này, cái lạnh của núi rừng quả thật rất mệt. Riêng Eakar có thể nói là mình đồng da sắt, anh ấy không hề có áo lạnh nhưng lại im lặng nguyên đêm và không ho 1 tiếng, một sự ngưỡng mộ thật sự về khả năng chịu lạnh của anh ấy.

Ngày thứ 3 – 1/9

5h sáng, cái lạnh vẫn tiếp tục hoành hành, báo thức reo cũng không lay động được chúng tôi ra khỏi lều. Cu Duy đành tiên phong ra nhóm lửa, và chỉ khi bếp lửa được nhóm lên, từng người một mới đủ sinh khí ra khỏi cái võng thân yêu. Tranh thủ giải quyết bữa sáng trong 30p, 6h sáng chúng tôi tiếp tục lên đường chinh phục đỉnh. Càng lên cao dốc đứng càng nhiều, thảm thực vật cũng khác xa các phân vùng giữa núi, bắt đầu gặp nhiều loại thực vật lạ mắt hơn. Ở độ cao gần 1900, các loại gỗ hầu như ẩm ướt, đa số là gỗ mùn và rêu nhiều, khiến đường đi càng thêm trơn, các thân cây mục nát cũng khá nhiều, chỉ cần 1 lực nhẹ là gẫy.

Trên đường đi gặp được 1 cây rất cao, to và tròn, 4 thằng ôm không hết



Còn tiếp.....
 
Đúng 10h chúng tôi có mặt tại 1 tảng đá lớn gần núi Vọng Phu, cũng nhờ tảng đá này mà chúng tôi có một tầm nhìn cực kỳ đẹp, nhìn thấy cả núi Vọng Phu và Chư Mư một cách rõ rệt. Thời gian tự sướng đã đến, máy ảnh đã có hội được sử dụng hết công suất.



Dù chỗ đứng rất hẹp và cao nhưng cũng ráng làm 1 bô nhảy cho có phong trào





Cảnh đẹp vầy ai cũng tranh thủ làm mỗi người một tấm, sẵn tiện giới thiệu từng thành viên một luôn

Trần Minh Tuyên


Eakar


Bác Già



Mr. Huy



Photographer chính – Chu Du



Cuối cùng là Leader Đỗ Lạ



Còn tiếp....
 
Hết thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi rừng từ trên cao, nhóm tiếp tục họp giao ban lần 2. Vì nếu cả nhóm cùng nhau trek tiếp lên tảng đá Hòn Con thì sẽ không có ai chụp hình cũng như tốn thời gian khá nhiều. Cuối cùng cả nhóm quyết định tách ra 2 nhóm, 1 nhóm ở lại để chụp hình, còn 1 nhóm trek tiếp và leo lên Hòn Con.

Đường trek lên Hòn Con cũng không đơn giản chút nào



Sau 1 tiếng đồng hồ, nhóm thứ 2 đã có mặt ở lưng chừng hòn con, lập tức dùng hết hơi để kêu gọi nhóm 1 chụp hình. Chúng tôi không thể lên được đỉnh hòn con vì không có thời gian đi xung quanh ngọn núi đá này để tìm đường lên. Chúng tôi chỉ có thể tranh thủ leo lên được phân nửa núi, làm tấm hình kỉ niệm rồi quay lại với nhóm 1. Cũng may có 1 thành viên đem theo lá cờ nên có cái mà thấy trên tấm hình, vì khi đứng dưới nhìn lên ngọn núi đá thì thấy nhỏ, nhưng khi tới chân núi đá thì nó to và rất cao. Các bạn xem hình sẽ thấy, phải zoom hết cỡ mới thấy hình lá cờ đồng nghĩa với cơ thể người rất nhỏ so với những gì bạn nhìn thấy bằng mắt thường. Đoạn leo Hòn Con cũng có thể gọi là khá nguy hiểm, dốc gần như dựng đứng, các gốc cây thì rất mục, bạn chỉ cần lực mạnh quá là sẽ bung gốc ngay.

Tấm ảnh hiếm hoi chụp lại cảnh leo lên được lưng chừng Hòn Con, nơi khoanh vàng và có hình lá cờ màu đỏ ở giữa chính là chỗ cả bọn đứng





Còn đỉnh cao nhất trong tấm hình này chính là đỉnh Chư Mư được chụp từ Hòn Con nhìn qua



Tấm ảnh zoom gần nhất có thể của đỉnh Chư Mư



Còn đây là một đỉnh khác, không biết gọi là đỉnh gì, thấy đẹp quá nên chụp lại



Sau khi hít thở không khí và làm vài bô tự sướng, nhóm chúng tôi tiếp tục quay trở lại và chạy một mạch thẳng xuống con suối ở độ cao khoảng 1100m. Lúc gặp bãi cắm trại cũng là 5h, vừa kịp lúc để hạ trại, vẫn những thao tác như cũ nhưng tối nay là bữa ăn cuối cùng ngon nhất trong những bữa ngủ trong rừng. Chúng tôi gôm hết số gạo còn ít ỏi để nấu cháo, và nồi cháo ngon nhất trong chuyến đi được ra đời bao gồm cháo trắng, gà băm nhuyễn, khô bò.



Vì biết chắc chắn trưa mai là tới chân núi nên anh em còn nhiêu đồ ăn xử gần hết, một phần cũng vì quá đói.

Ngày thứ 4 – 2/9

Kết quả là sáng hôm sau chỉ còn được vài thanh lương khô, mỗi anh em một thanh xong rồi chạy hết tốc độ để kịp xuống chân núi càng sớm càng tốt, cho kịp về Bình Dương trả xe. Đường xuống thì có sẵn lối mòn nên cứ chạy nhanh hết sức có thể. Xuống tới nhà chú Tùng cũng vừa đúng 12h, tranh thủ chụp hình lưu niệm với 2 vợ chồng chú Tùng rồi cả nhóm phóng thẳng một mạch về Bình Dương.



Theo như lời người dân đồn thì giữa hai Hòn Mẹ và Hòn Con có một hồ nước. Mặc dù chưa ai xác minh là có thật hay không nhưng đó vẫn là lời đồn nên có thể sang năm mấy anh em sẽ sắp xếp một chuyến truy tìm hồ nước và khám phá hết Hòn Mẹ và Hòn Con.

Chuyến đi này thành công một phần cũng vì thiên thời địa lợi nhân hòa, các bạn nên hạn chế đi ngày mưa, vì dốc ở trên độ cao 1600m trở lên rất trơn, cây rất mục và nguy hiểm.

Tóm tắt một số thông tin cho ngọn núi Vọng Phu này:


  • Khuyến cáo cung này chỉ dành cho các bạn đã có kinh nghiệm leo núi nhiều lần.
  • Nên chuẩn bị đồ ăn đầy đủ tối thiểu cho 4 ngày và đồ giữ ấm vì rất lạnh.
  • Ngọn núi cao hơn 2000 mét nhưng bạn phải leo từ chân núi là 200 mét, tổng độ cao phải leo là khoảng 1800m chưa kể bạn phải đi lên và đi xuống qua các ngọn núi nhỏ khác.
  • Khả năng không có porter khá cao, hoặc porter không rành đường từ độ cao 1800 trở lên, nên tốt nhất hay chuẩn bị tracklog với đồ chơi công nghệ cũng như pin dự phòng một cách đầy đủ để có thể tự thân vận động.
  • Ai cần tracklog của nhóm mình vừa đi có thể email cho mình để lấy file.

Các bạn cần thêm thông tin có thể liên hệ:
facebook.com/mrlonely909
Mail: [email protected]
 
Tuyệt vời quá bác ơi, em đang chờ cho chân em khỏe lại hoàn toàn để lại được tiếp tục chinh phục, cảm ơn bác vì bài viết bổ ích này.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,182
Bài viết
1,150,410
Members
189,944
Latest member
mahormonu81
Back
Top