Quá cảnh ở Dubai (tiếp theo)
Sau khoảng 4 tiếng vật vã, cuối cùng tôi tỉnh hẳn, giật mình khi xung quanh có khá đông người, chẳng còn mình tôi một giang sơn như lúc thiếp đi. Đang nghĩ bụng thôi thì ta đi tìm giang sơn mới, một giọng nói cất lên:
- Này cô bé đến từ Thái Lan à?
Cách một chiếc ghế từ nơi tôi đang ngồi, một người đàn ông Trung Đông trong trang phục Tây Âu, quần kaki, áo sơ mi và một chiếc áo khoác mỏng trông khá giản dị đang cười chào tôi. Thú thật thì tại thời điểm đó, tôi vẫn chưa phân biệt được thế nào là thế nào là Trung Đông, chẳng biết lấy từ đâu ra, tôi mặc định cứ người nước nào mắt sắc, mũi cao, trông không phải là người da trắng thì đích thị là người Trung Đông. Tôi còn tưởng cứ phụ nữ mà quấn khăn hay che mặt là chắc chắn đạo hồi. Dựa vào nền tảng kiến thức sai bét nhè của mình, cả một tiểu lục địa Ấn Độ, gồm Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bhutan và Bangladesh, Sri Lanka và Maldives tôi gom hết vào gọi là Trung Đông.
Câu hỏi của người đàn ông làm tôi có chút khó chịu. Tôi chẳng kì thị gì ai, nhưng tôi bị dị ứng bị nhầm là con gái Thái. Số là thế này, học ở Phần Lan, dẫu là một trong những đất nước được cho là văn minh nhất thế giới, ông trời cứ hay trêu ngươi tôi thế nào, cứ hễ đàn ông trung niên nhầm tôi là người Thái, được câu trước câu sau thể nào cũng bị hỏi…’Bao nhiêu tiền một đêm?’. Lý do thì chắc có lẽ ai cũng biết, nhiều người nước ngoài tới Thái Lan không chỉ để nghỉ dưỡng mà còn để mua vui xác thịt. Nhiều đàn ông Phần được cho là ‘hết đát’ đến Thái Lan tìm vợ. Mà người châu Á thì theo họ trông cứ giống giống nhau, chẳng phân biệt được. Hơn nữa, phải thừa nhận một sự thật đau lòng rằng Việt Nam cũng chẳng phải ngoại lệ, có lẽ có chút kém ‘nổi tiếng’ so với Thái Lan hay Philipine nhưng dẫu có trả lời tôi đến từ Việt Nam, đôi khi tình hình cũng chả khác là bao. Biết là ở đâu cũng có người này người kia, chẳng qua chỉ là bản thân một số lần không may gặp vài người không tử tế, nhưng thỉnh thoảng nghĩ cũng có chút tủi tủi. Thôi, đó là một câu chuyện khác, quay lại với vấn đề chính, người này trông hiền lành, phúc hậu,có lẽ âu cũng chỉ là tôi quá đa nghi, nhạy cảm, cố quên đi những lợn cợn trong lòng:
- Không, con là người Việt Nam, sao chú hỏi con thế?
- Tại chú trông con giống người Thái. Chú thích Thái Lan lắm. – Mắt ông nhìn xa xăm. Chẳng biết sao giác quan bảo tôi rằng người này có kỷ niệm gì đó sâu sắc lắm với vùng đất ấy…- À thế Việt Nam đi du lịch an toàn không?
- Dạ an toàn chứ! Tại sao nó lại không an toàn ạ? Bây giờ nhiều khách du lịch đến Việt Nam lắm!
- Ô thế Việt Nam không còn chiến tranh à? – Ông có chút ngạc nhiên.
- Việt Nam bây giờ làm gì có chiến tranh. Việt Nam hòa bình gần cả 40 năm nay rồi. – Tôi thì thật sự ngạc nhiên.
Ông bảo ông sống ở Nam Phi, là một thương gia, có một chuỗi cửa hàng chuyên phân phối điện thoại di động. Ông thích đi du lịch và bày tỏ ý định muốn đến Việt Nam. Tôi thì thích thú với Nam Phi, đó là một trong những quốc gia nằm trong danh sách ‘Phải đến trước khi chết’ của tôi. Tôi kể về Việt Nam của tôi, ông nói về cuộc sống ở Nam Phi xa xôi. Cuộc trò chuyện của hai con người xa lạ cứ thế tiếp diễn.
- Thôi đến giờ chú phải lên máy bay rồi, chú đi đây, tạm biệt cô bé nha! Rất vui khi được nói chuyện với con. Khi nào có dịp nhớ đến Nam Phi chơi nhé! Đất nước đó đẹp lắm! Con còn quá cảnh lâu không, à mà nãy giờ quên hỏi, cô bé đi đâu thế?
- Dạ chắc chắn rồi! Con thích Nam Phi sẵn rồi! Chú có dịp cũng nhớ đến Việt Nam chơi! À con đi Pakistan, con còn 10 tiếng nữa lận. Chào chú nhé!
Khi chúng ta đi, đâu đó trên chuyến hành trình, có những con người mà đến tên cũng chẳng buồn hỏi, ấy vậy mà dành cả giờ đồng hồ nói chuyện với nhau hồ hởi như bạn thân lâu năm không gặp, rồi ai nấy lại tiếp tục cuộc hành trình của mình như người kia chưa bao giờ xuất hiện. Tôi thích cái cảm giác ấy, cái cảm giác nói chuyện với một con người xa lạ có những điểm chung, đủ đồng cảm để giãn lòng mình một chút nhưng cũng đủ xa lạ để không ai đi quá sâu vào cuộc sống của ai. Tôi thích những khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc mà con người ta trò chuyện chẳng với mục đích gì, chẳng ai cần lấy lòng ai, chẳng ai cần quan tâm người kia nghĩ gì về mình…vì biết bao giờ gặp lại nhau trong đời.
(còn tiếp)