What's new

PeterPan và những nẻo đường quê hương

Status
Not open for further replies.
Có người bạn nói với PeterPan rằng sao cứ đi mãi cái đất Trung Quốc trong khi Việt Nam còn biết bao nơi đáng để tới, để ngắm nhìn, để cảm nhận. Có lẽ người bạn đó bị cảm giác bão hòa trước một năm 2009 toàn đi Trung Quốc của PeterPan, kỳ thực là PeterPan tôi không hề thờ ơ với cảnh đẹp quê hương.

Giải thích bằng lời với người bạn thì sẽ rất dài dòng và chưa chắc đã hiệu quả. Chi bằng lập một topic về những nẻo đường quê hương mà PeterPan đã và sẽ tới.

Ở miền Bắc, PeterPan đã qua các tuyến Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai, Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang, Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa, Hà Nội - Hòa Bình. Ở miền Trung, PeterPan đã được trải nghiệm Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Ở miền Nam, PeterPan đã tới Sài Gòn, Vũng Tàu, Đồng Nai.

Ghi lại tất cả các chuyến đi e rằng không phải là việc dễ. PeterPan chi xin ghi lại một số chuyến đi mới đây, đặc biệt là từ khi có chiếc máy ảnh còi làm bạn.
 
Last edited:
Xuyên 1/2 Việt: Con đường di sản miền Trung

xuyenviet.jpg

Bản đồ chuyến đi xuyên 1/2 Việt tháng 07/2009

Nhẹ nhàng Đà Nẵng

Từ lâu đã được nghe người ta kháo nhau rằng "làm việc thì nên tới Tp Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội còn sống thì nên về Đà Nẵng". Cũng đã được nghe về những Bà Nà, Sơn Trà, Mỹ Khê, sông Hàn... Bởi vậy, sự háo hức trước khi lên đường là rất lớn. 07h30 phải bay từ Nội Bài vào Đà Nẵng mà tới hơn 02h00 tôi mới chợp mắt được.

Chiếc Airbus A321 vút một cái lên bầu trời xanh buổi sớm, lượn lượn mấy cái, xoay xoay mấy vòng thì đã thấy Đà Nẵng ở dưới cánh bay :D. 12 năm rồi mới lại đi máy bay nên cứ thấy lâng lâng lạ. Chỉ tiếc là cái sự sung sướng bị hoãn lại quá nhanh.

Chuyến đi rơi đúng vào đợt cao điểm phòng chống cúm A H1N1 nên khắp sân bay chật ních những ninja (ý là bà con đeo khẩu trang ý mà ;)). Tôi cũng tự trang bị cho mình một chiếc khẩu trang mỏng tang mà mãi sau này tới khi về nhà mới biết là loại tốt và đạt tiêu chuẩn phòng chống sự tấn công của các bạn Hắt Một Nờ Một.

danang.jpg

Cửa biển Đà Nẵng và thành phố cùng tên nhìn từ núi Bà Nà.

Những hình ảnh đầu tiên về Đà Nẵng là những rặng núi sát bờ biển xanh rì, bầu trời xanh một cách... quá thể và dòng sông Hàn uốn lượn giữa thành phố được đánh giá đạt tốc độ phát triển đô thị vào loại hàng đầu cả nước hiện nay. Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng có phần hơi cũ và chưa xứng với tầm vóc của thành phố đầu tàu kinh tế miền Trung. Tuy nhiên, người Đà Nẵng cũng chẳng phải đợi lâu nữa bởi một nhà ga hoành tráng đang được xây dựng và sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai không xa.

Không khí ở Đà Nẵng rất trong lành, toát lên một vẻ nhẹ nhõm, yên ổn. Từ sân bay quốc tế Đà Nẵng vào tới trung tâm thành phố chỉ chừng 2km (một trường hợp hiếm gặp tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung). Chưa kịp cảm thấy mệt mỏi vì giấc ngủ bị cắt ngang sau chưa đầy 1 giờ bay từ Hà Nội vào, tôi đã phấn chấn hơn hẳn khi được tận mắt chiêm ngưỡng Đà Nẵng.

Phải khẳng định rằng Đà Nẵng rất đẹp về mặt quy hoạch đô thị. Đường xá rộng thênh thang và rất sạch, có thể nói là vượt xa thủ đô Hà Nội :yes:. Bằng cảm quan ban đầu có thể nhận thấy người dân ở đây khá hiền lành và tham gia giao thông tương đối điềm đạm, đúng luật. Xe của tôi len giữa phố xá Đà Nẵng cứ như không dù 8 giờ sáng là thời điểm có thể xảy ra ùn tắc nghiêm trọng ở rất nhiều thành phố (Hà Nội là ví dụ điển hình).

Nhìn người dân Đà Nẵng khoan thai trên đường tới công sở mà phát thèm, nhất là khi nghĩ tới cảnh ngập giữa biển người và xe mỗi sáng sớm tại Hà Nội. Lại thấy cái câu ""... sống thì nên về Đà Nẵng" có lẽ nên đổi cả vế đầu để trở thành "Làm việc và sống thì nên về Đà Nẵng".

Nhưng (không có nhưng thì cuộc sống e là hoàn hảo quá :) cái nhẹ nhàng và khoan khoái trong bước đầu tiếp cận với Đà Nẵng đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi một ẻm hướng dẫn viên vô duyên vô đối. Trong khi cần dành thời gian để du khách nghỉ ngơi sau khi ra khỏi trung tâm Đà Nẵng và thẳng tiến hướng Bà Nà (hầu hết mọi người đều mệt mỏi vì bị lỡ giấc) thì ẻm này lại thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện lãng nhách. Thậm chí, ẻm còn hát inh ỏi những bài thô vô cùng tận. Hik, may mà một số anh chị em đã nhắc khéo không thì cái loa rè này còn mở hết công suất cho tới lúc nào có thể.
 
Xuyên 1/2 Việt: Con đường di sản miền Trung

Cáp treo Bà Nà - Đường lên tiên cảnh

Một thời gian dài trước khi lên đường, ngày nào cũng được nghe và xem đoạn quảng cáo về cáp treo Bà Nà (tên đầy đủ là tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ) trên truyền hình. Đây là hệ thống cáp treo giữ 2 kỷ lục thế giới gồm: tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) và có độ chênh lệch giữa ga trên với ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81m). 2 kỷ lục này được Tổ chức Guinness World Records chính thức công nhận vào ngày 25/03/2009.

Ngoài 2 kỷ lục kể trên, tuyến cáp treo Bà Nà còn giữ một kỷ lục không chính thức nữa đó là sở hữu nhà ga xuất phát có diện tích sàn lớn nhất Đông Nam Á với đầy đủ khu vui chơi giải trí, khu trưng bày tư liệu và hình ảnh Bà Nà xưa và nay…

Thú thật là khi xem quảng cáo thì chỉ thích cái câu slogan "Đường lên tiên cảnh" nghe rất là... lềnh phềnh chứ vẫn nghĩ là thực tế chắc gì đã hoành tráng được đến vậy. Nhưng quả thật tuyến cáp treo Bà Nà rất ấn tượng và đáng để du khách khám phá mỗi khi tới Đà Nẵng. Mọi chi tiết của tuyến cáp treo này đều được chăm chút một cách kỹ lưỡng để có thể làm hài lòng ngay cả những người khó tính nhất. Hai nhà ga trên và dưới đều rất sạch sẽ, hiện đại và quy củ.

Hệ thống các khoang cáp treo được thiết kế có đủ độ kín để đảm bảo an toàn nhưng vẫn có thừa sự thông thoáng. Được thiết kế bởi Doppelmayr - Cty của Áo nổi tiếng trong lĩnh vực cáp treo, tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ thực sự mang lại một cảm giác an toàn và thư thái cho những ai muốn lên đỉnh Bà Nà để phóng tầm mắt ngắm nhìn đất trời Đà Nẵng.

Nếu chọn phương án trekking để chinh phục đỉnh Bà Nà, bạn sẽ phải mất ít nhất là 2 ngày đi đường rừng núi khá vất vả. Với cáp treo Bà Nà, bạn sẽ chỉ mất không đầy 1 giờ đồng hồ cho cả chiều lên và xuống để tiếp cận với những độ cao đủ để có một cái nhìn bao quát về thành phố biển Đà Nẵng. Tuyến cáp treo có tốc độ vận hành vừa phải và rất thích hợp để tạo cho du khách cảm giác họ đang bay bổng giữa nào mây, nào gió và ở dưới chân là thảm thực vật xanh um tùm hay con suối chảy róc rách từ khe sâu.

Sau khi đã trải qua hành trình kỳ thú ấy, bạn sẽ được cảm nhận không khí u tịch của chùa Linh Ứng, được chiêm ngưỡng tượng phật ngồi khổng lồ và hơn hết là sự trong lành, thoát tục ở một độ cao mà những ồn ã, xô bồ của đời thường chẳng thể với tới được.

Quả không ngoa khi nói tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ là "Đường lên tiên cảnh".

Chùm ảnh cáp treo Bà Nà - Suối Mơ

Image4-7.jpg



Picture021.jpg



Picture030.jpg



Picture019.jpg



Picture017.jpg



Image3-9.jpg



Image1-11.jpg
 
Xuyên 1/2 Việt: Con đường di sản miền Trung

Đêm Đà Nẵng

Rời Bà Nà, tôi dành cả buổi chiều cho biển Mỹ Khê. Đây là một bãi biển đẹp và đặc biệt sạch. Thậm chí, có lẽ đây là bãi biển sạch vào loại hàng đầu Việt Nam hiện nay. Bãi cát trắng mịn trải dọc theo bờ biển và không hề có một chút rác nào. Suốt chiều dài của bãi biển, có rất nhiều thùng chứa rác nhỏ được đặt một cách ngay ngắn. Bờ biển không có dấu hiệu của rác nên nước biển vì thế cũng rất sạch và trong. Lâu lắm rồi mới có cảm giác khoan khoái đến thế khi tới một bãi biển của Việt Nam.

Bà con kinh doanh hàng quán dọc bờ biển Mỹ Khê cũng rất dễ thương. Khẩu hiệu "một giá" được duy trì một cách nghiêm túc. Dù bạn vào bất cứ quán nào thì giá cho đồ ăn, thức uống tại đây cũng không khác gì với tất cả các hàng quán còn lại. Nhìn chung, giá cả tại đây tương đối rẻ so với các bãi biển của Việt Nam mà tôi đã tới. Sướng nhất là không phải mặc cả làm chi cho mệt.

Buổi chiều được xả stress tối đa trong sóng biển Mỹ Khê giúp tôi có được sự khoan khoái tối đa để khám phá Đà Nẵng về đêm. Ấn tượng đầu tiên là hệ thống chiếu sáng của thành phố này. Khắp nơi trong thành phố, đèn đường thắp sáng choang và ánh đèn đường hòa với ánh điện từ nhà dân hay các hàng quán để tạo nên một không gian ngập tràn ánh sáng. Tâm điểm của cuộc trình diễn ánh sáng này là sông Hàn - dòng sông vốn đã được coi là một biểu tượng của Đà Nẵng.

Theo lời của người bản xứ, thành phố Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 cây cầu bắc qua sông Hàn trong tương lai. Hiện tại, những cây cầu đang nối liền sông Hàn lần lượt là cầu quay sông Hàn (nổi tiếng nhất), cầu Thuận Phước (mới khánh thành) và 1 số cầu khác (tôi nhất thời chưa nhớ ra tên). Ở thời điểm tôi tới Đà Nẵng (cuối tháng 07/2009), cầu Rồng vừa được khởi công và sẽ là chiếc cầu thứ 7 bắc qua sông Hàn.

Người Đà Nẵng rất biết cách làm tăng giá trị của những cây cầu bằng hệ thống đèn nhiều màu được bật tắt theo chu kỳ vô cùng sinh động. Cầu quay sông Hàn vốn đã quá nổi tiếng được chăm chút khá kỹ với dàn đèn tương đối kiểu cách. Nhưng cầu Thuận Phước mới chính là điểm nhấn đáng kể nhất trong đêm Đà Nẵng. Chiếc cầu dây võng dài nhất Việt Nam này mới được khánh thành hôm 19/07/2009 và ngay lập tức sánh ngang với cầu quay sông Hàn để trở thành một biểu tượng mới của Đà Nẵng.

Trong cái cảm giác lâng lâng và bị chi phối mạnh mẽ bởi ánh sáng ấy, bất giác tôi lại có những suy nghĩ mà trước đây chỉ có khi đặt chân ra nước ngoài. Hà Nội chỉ cần đường thông hè thoáng, chỉ cần có quy hoạch đô thị rõ ràng, chỉ cần có nhiều cầu qua sông, chỉ cần có sự trên dưới một lòng như Đà Nẵng thì bộ mặt của thủ đô ngàn năm văn hiến chắc hẳn sẽ khác rất nhiều. Nói vậy thôi nhưng ngần ấy điều "chỉ cần" được gộp lại thì xem ra lại hơi nhiều mất rồi...

Không có nhiều thời gian nên tôi chỉ có thể ngắm nhìn cầu Thuận Phước từ xa và cũng không thể nán lại tới 2 giờ đêm để xem cầu sông Hàn quay như thế nào. Không mang theo chân máy và mải ngắm cảnh thành ra cũng không chụp được nhiều ảnh. Tuy nhiên, chừng ấy điều được thấy và được nghe trong đêm Đà Nẵng cũng đủ tạo nên những ấn tượng mạnh.

sh.jpg

Cầu quay sông Hàn.

tp.jpg

Một chút chút cầu Thuận Phước. Không thể tới tận nơi vì không còn thời gian.
 
Xuyên 1/2 Việt: Con đường di sản miền Trung

Cửa đợi, sông chờ

Mang cả một gánh tâm trạng vào miền Trung và chẳng hiểu thế nào mà điểm đến tiếp theo của tôi trong hành trình lần này lại là một nơi có "cửa đợi, sông chờ". Đọc tới đây, hẳn bạn sẽ tra google hay wikipedia ngay để coi nơi mà tôi nói tới là nơi nào. Tuy nhiên, việc này e không dễ vì cách nói "cửa đợi, sông chờ" chỉ là một sự ví von mà thôi.

Chia tay Đà Nẵng, tôi đi ngược về phía Nam theo con đường chạy dọc bờ biển để vào địa phận tỉnh Quảng Nam. Điểm đến đầu tiên là bãi biển Cửa Đại - nơi mà nhìn về phía Bắc vẫn có thể dễ dàng nhận ra tượng Quan Âm khổng lồ trên bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng trong ngày thời tiết đẹp. Cửa Đại chính là cách đọc chệch đi của Cửa Đợi.

Ở ngay sát biển Mỹ Khê nhưng biển Cửa Đại không sạch, đẹp và nhộn nhịp bằng. Trong khi Mỹ Khê vẫn còn khá sôi động vào buổi tối thì Cửa Đại tương đối im lìm. Bãi biển này chỉ gỡ gạc lại ở hệ thống các resort hạng sang với những vị trí đắc địa.

Cửa đợi thì đã rõ, vậy còn sông chờ ở đâu? Thực ra thì sông chờ chẳng qua là cách nói rút gọn cho có vần điệu và cấu tứ với cửa đợi mà thôi. Con sông chờ ấy chính là sông Hoài điệu đà uốn lượn tạo nên đôi bờ thơ mộng giữa phố cổ Hội An.

Nói thêm về Hội An e rằng là quá thừa thãi bởi phố cổ này đã quá nổi tiếng và là một trong những điểm đến của Việt Nam được du khách nước ngoài ưa thích nhất. Với tôi, Hội An giống như một thứ rượu ngấm một cách từ từ.

Những ấn tượng đầu tiên về Hội An không quá đặc biệt, nếu không muốn nói là không thật sự tích cực. Những góc quay được chăm chút kỹ lưỡng trên truyền hình hay những góc máy ảnh tuyệt đẹp khiến tôi có một hình dung khá lý tưởng về một phố cổ cho ra... cổ đến từng ngõ ngách nhỏ nhất. Kỳ thực thì không phải vậy. Phố cổ Hội An nằm giữa những khu dân cư hiện đại và không gian văn hóa truyền thống ở nơi đây cũng đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nhưng dẫu sao thì Hội An vẫn được gìn giữ tốt hơn gấp nhiều lần so với phố cổ Hà Nội và tôi bắt đầu bị hút hồn từ lúc nào không hay. Một cách rất tự nhiên, tôi dần bị lôi cuốn sau mỗi bước đi vào sâu khu vực trung tâm của phố cổ Hội An. Đó là nơi mà không gian văn hóa truyền thống còn khá nguyên trạng như ngày nào. Thứ tự khám phá Hội An của tôi có lẽ cũng không khác nhiều so với đa số du khách khi tới đây: lắng nghe buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong một ngôi nhà cổ, thăm hội quán Phúc Kiến, tới nhà cổ nổi tiếng nhất mang tên Tấn Ký, đi dạo dọc bờ sông Hoài Phố, ngắm chùa cầu Nhật Bản.

Thứ rượu mang tên "Hội An" cứ ngấm dần theo mỗi bước đi. Một cách vô thức, tôi bấm máy liên tục bởi dường như bất cứ góc phố nào tại nơi đây đều có thể là chất liệu tuyệt vời để làm nên một bức ảnh đẹp. Đang lúc cao trào của cảm xúc thì lại đến giờ về để kịp bữa cơm chiều tại khách sạn ở Cửa Đại.
Cái cảm giác bứt rứt vì vẫn chưa khám phá được hết về Hội An khiến tôi ăn không ngon. Hơi rượu "Hội An" đã ngấm quá rồi. Sáng ngày tiếp theo sẽ di chuyển qua Huế nên buổi tối thứ hai trong hành trình là cơ hội duy nhất để... ngắt cơn nghiện :D. Cơm nước xong xuôi, tính cùng thằng em thuê xe đạp vi vu từ Cửa Đại vào Hội An nhưng bất thành vì... mệt quá. Vậy là lại bắt một cuốc taxi...

Và tôi đã không phải tiếc vì quyết định trở lại Hội An. Buổi tối ở đây mang lại một cảm giác hoàn toàn khác hẳn. Đa số hàng quán tại đây đóng cửa sau 9 giờ tối và một Hội An được trả lại phần nào sự yên tĩnh trở nên vô cùng hấp dẫn. Trong tiếng nhạc không lời du dương phát ra từ những chiếc loa được đặt khắp các góc phố, tôi bắt đầu cảm nhận được cái hồn của Hội An. Đó cũng là lúc chất rượu "Hội An" ngấm nhất.

Hội An về đêm mang lại một cảm xúc rất khó để nói thành lời. Chỉ biết rằng, gần 1 giờ đồng hồ trong đêm Hội An chính là quãng thời gian ấn tượng nhất đối với tôi khi dừng chân tại "cửa đợi, sông chờ".

cuadai.jpg

Bãi biển Cửa Đại. Đây cũng chính là "cửa đợi".

Image2-9.jpg



Image4-8.jpg



Image3-10.jpg

Hội quán Phúc Kiến của người Hoa.

Image5-6.jpg



Image7-5.jpg

Còn đây là sông Hoài, hay "sông chờ".
 
Last edited:
Xuyên 1/2 Việt: Con đường di sản miền Trung

Chút Huế

Phải nói ngay rằng tôi không thích Huế và cũng chẳng có sức ép nào trong việc phải cố tìm những lời hay ý đẹp để tô vẽ điểm đến này nhằm làm đẹp cho phần cuối của cuộc hành trình.

Người Huế tự hào vì hệ thống lăng tẩm còn được giữ tương đối nguyên vẹn chính là một trong những điểm nhấn du lịch, mà theo cách nói của người bản xứ là "người chết nuôi người sống". Tất nhiên, xét ở góc độ văn hóa và lịch sử, hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn là tầng tầng lớp lớp những giá trị không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quần thể di tích này cũng chính là minh chứng cho nỗi thống khổ của người dân thưở nào. Ngay như lăng Tự Đức vốn được coi là lăng "giản dị" nhất nhưng nó cũng đã được xây lên từ xương máu của nhân dân. Chẳng thế mà người xưa đã truyền tụng rằng:

Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân

Ban đầu, lăng Tự Đức có tên là Vạn Niên Cơ (nên mới có những dòng khắc khoải ở trên). Sau này, do phần nào ý thức được tác động ghê gớm của việc xây dựng lăng đối với đời sống nhân dân (đặc biệt là sau cuộc khởi nghĩa "chầy vôi"), vua Tự Đức đã cho đổi tên nơi yên nghỉ vĩnh hằng của mình thành Khiêm Cung đồng thời gắn chữ Khiêm vào hàng loạt công trình khác trong quần thể này với ý nghĩa tự nhắc nhở bản thân về sự khiêm nhường. Sự hối hận của Tự Đức phần nào còn được thể hiện qua bài biểu trần tình để tạ tội.

Tự Đức sống thêm 10 năm sau khi Khiêm Lăng hoàn thành rồi mới qua đời. Ông là vị vua nhà Nguyễn duy nhất còn sống khi lăng tẩm của mình hoàn thành và thậm chí đã dọn vào ở trong đó khi về cuối đời.

Tự Đức vốn được đánh giá là một ông vua tương đối "giản dị" mà việc xây dựng lăng tẩm của ông cũng đã để lại vô vàn nỗi thống khổ cho người dân. Vì vậy, một ông vua ưa thói xa hoa cỡ như Khải Định thì việc xây dựng lăng tẩm còn khiến trăm họ rơi vào cảnh lầm than hơn gấp nhiều lần. Lăng Khải Định tuy không rộng bằng lăng Tự Đức nhưng nguy nga, tráng lệ, cầu kỳ và tốn kém tiền của, công sức hơn rất, rất nhiều lần.

Thậm chí, để có đủ tiền xây chỗ yên nghỉ cho mình, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ (Pháp) được phép tăng 30% thuế trên cả nước khiến đời sống nhân dân vốn đã cơ cực lại càng khổ sở hơn. Nhưng cuối cùng thì lăng Khải Định chỉ là một quần thể kiến trúc lai căng và là sự thể hiện rõ nét nhất của tính cách kỳ cục mà vị vua thứ 12 triều Nguyễn sở hữu.

Chỉ 2 trong số những lăng tẩm của triều Nguyễn ấy thôi cũng đủ khiến tôi cảm thấy không vui khi được tận mắt chứng kiến. Ngần ấy tiền của để đổi lại một nơi yên nghỉ ngàn thu và những nỗi khổ không sao kể xiết của người dân. Với tâm trạng ấy, tôi cũng không vui nổi khi đi thăm Hoàng thành Huế, phần vì không còn thật nhiều điều để xem, phần vì với tôi đó chỉ là một nơi đánh dấu sự tồn tại và kết thúc của một triều đại mất nước.

Đó là những chuyện về lăng tẩm và cung điện ở Huế. Ngoài ra, tôi không thích món ăn Huế. Nó quá phức tạp, cầu kỳ và không ngon (ít nhất là theo cảm nhận của tôi). Tôi cũng không thích cái không khí trầm trầm của Huế. Nó khiến tôi bị rơi trở lại trạng thái nặng nề sau khi đã khá vui vẻ tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Điểm nhấn duy nhất trong khoảng thời gian 1,5 ngày ở Huế chính là bãi biển Lăng Cô - nơi tôi có những bức ảnh vào loại đẹp nhất trong hành trình. Một chút Huế đối với tôi là như vậy, rất thật, không tô vẽ, không nói quá. Tất nhiên, đó hoàn toàn là những cảm nhận của riêng tôi và có thể nó bị chi phối bởi nhiều suy nghĩ chủ quan. Nhưng mỗi người có một cách nghĩ, cách nhìn nhận và quan điểm riêng. Tôi không thích Huế nhưng tôi không phủ nhận những vẻ đẹp của Huế. Cũng đừng ai vì những cảm nhận của tôi mà ngần ngại tới Huế. Biết đâu Huế trong mắt bạn lại đẹp hơn nhiều trong mắt tôi.

Chùm ảnh Huế

Image2-10.jpg

Một công trình trong lăng Tự Đức.

Image3-11.jpg

Một phần lăng Khải Định.

Image5-7.jpg

Cầu vồng trong buổi chiều muộn ở Huế.

Image6-7.jpg

Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương.

Image1-13.jpg

Cổng Đại Nội.

Image10-4.jpg

Một phần Hoàng thành đang được xây dựng lại. Tuy nhiên, do vấn đề kinh phí và những tranh cãi về những kiến trúc được xây mới, việc tái tạo Hoàng thành sẽ chỉ có thể hoàn tất sau nhiều năm nữa.

langco.jpg

Bãi biển Lăng Cô.
 
Sapa lần thứ 7 và vũ điệu mây

Vì hoàn cảnh riêng của gia đình, Lào Cai được coi là quê hương thứ hai của PeterPan. Cũng bởi thế mà PeterPan đã trở đi trở lại mảnh đất này rất nhiều lần từ ngày còn bé đến giờ. Đất Lào Cai có nhiều địa danh thú vị như Bắc Hà, Si Ma Cai, A Mú Sung, Lũng Pô, Bát Xát nhưng đặc biệt nhất vẫn là Sapa - nơi mà PeterPan đi mãi đi hoài mà không thấy chán.

PeterPan tới thành phố trong sương mù lần đầu tiên vào giữa mùa Hè năm 1997. Một năm sau, PeterPan trở lại đây trong những ngày mà World Cup 1998 đã cận kề. Sau đó là 4 năm xa cách Sapa để có một ngày hội ngộ vào mùa Hè năm 2002. Lại một quãng thời gian xa cách nữa, nhưng lần này là tới 5 năm. Mùa hè năm 2007, PeterPan cùng gia đình trở lại Sapa trong một chuyến đi chớp nhoáng. Chỉ 1 năm sau, PeterPan lần đầu tới Sapa không phải giữa mùa Hè. Đó là một chuyến đi vào tháng 10, thời khắc cuối Thu khi mùa Đông sắp về. Giữa tháng 08/2009, PeterPan có một chuyến đi Sapa trong vỏn vẹn... 30 giờ cả đi lẫn về. Và Noel 2009 vừa qua, PeterPan lại tới Sapa một lần nữa, một chuyến đi đáng nhớ nhất, nhiều kỷ niệm nhất, và chắc chắn sẽ không thể quên được.

Đó là chuyến đi Sapa lần thứ 7 với những vũ điệu của mây.

sapa1.jpg

Vũ điệu mây trên đỉnh Hàm Rồng.
 
Lại kéo vali ra sân ga, lần thứ 5 trong vòng 14 tháng, quá nhiều với một người trước đó có tới 6 năm liền không đi tàu. Đặt vé giường nằm mềm khoang 6 điều hòa nhưng lại được chuyển sang giường nằm mềm khoang 4 ốp gỗ với lời giải thích là do vắng khách. Một tín hiệu vui vì sẽ có giấc ngủ tốt hơn để dành sức cho những ngày lọ mọ ở Sapa và nếu ít khách đi tàu thì hẳn cũng sẽ không có cảnh người chen người ở thành phố sương mù trong dịp Noel.

Thế mà PeterPan không ngủ được, cứ chập chờn cả đêm cho tới sáng. Lạ ghê vì đi Sapa tới lần thứ 7 rồi mà sự háo hức vẫn nguyên vẹn như lần đầu tiên. Có lẽ, với PeterPan, Sapa không phải là một điểm đến, đó là chốn quay về.

sapa2.jpg
 
Sapa lần thứ 7 và vũ điệu mây

Đền Mẫu

Hiếm có lần nào đi Sapa tự do và thoải mái như lần này. Tới ga Lào Cai lúc 06h15, PeterPan không hòa vào dòng người ùn ùn từ tàu lên xe khách thẳng hướng Sapa. Sau khi thưởng cho cái bụng đói méo một bát cốn sủi, PeterPan tranh thủ ra cửa khẩu làm giấy thông hành để ngày cuối cùng sẽ sang Hà Khẩu.

Trong lúc chờ lấy giấy thông hành, PeterPan ghé thăm đền Mẫu. Lên Lào Cai nhiều rồi nhưng phải tới lần này mới có thời gian vào đền Mẫu một cách thảnh thơi.

Đền Mẫu nằm ngay cạnh cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Trong khuôn viên của đền còn có cả cột mốc phân giới. Đền Mẫu xây dựng từ đầu thế kỷ 18 thuộc địa phận làng Lão Nhai (nay là thành phố Lao Cai) ngay ngã ba sông Hồng và sông Nậm Thi. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã có từ lâu. Đây là một công trình thể hiện tín ngưỡng đó của người Việt sống trên vùng đất biên cương của tổ quốc.

PeterPan không hiểu nhiều về đền, chùa, tín ngưỡng hay thờ phụng. Việc vào đền Mẫu chỉ đơn thuần là để biết thêm một ngôi đền vẫn được nghe nhiều lời truyền tụng, cũng là để xem cây cột mốc xác định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

denmau1.jpg

Cổng vào đền Mẫu.

denmau2.jpg



denmau3.jpg



denmau4.jpg

Khuôn viên đền Mẫu.

denmau5.jpg

Một góc nhìn từ đền Mẫu về phía trung tâm quản lý cửa khẩu quốc tế Lào Cai và trung tâm thương mại Biti's.

denmau6.jpg

Cột mốc phân giới Việt Nam - Trung Quốc.

denmau7.jpg

Một góc khác của cột mốc phân giới.
 
Status
Not open for further replies.

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,180
Bài viết
1,150,379
Members
189,941
Latest member
Thao10
Back
Top