Sapa - Phía sau những mảnh đời
Điều tôi thấy quý giá nhất trong chuyến đi lần này là được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người, mỗi người lại có một cuộc sống riêng. Và ở mỗi người tôi lại học hỏi được một điều gì đó, để tôi lại có thêm những kinh nghiệm sống được góp nhặt trong mỗi chuyến đi.
1. Người lái xe ôm thứ nhất ở Nhà thờ đá
Anh tên Nam, người Nam Định, nếu tôi nhớ không nhầm là ở huyện Ý Yên. Chúng tôi gặp anh ngay buổi chiều đầu tiên từ Sapa đi Thác Bạc. Trên đường đi chúng tôi được anh giới thiệu về vùng đất, về những người dân tộc nơi đây. Họ có sức khỏe, làm việc quanh năm, nhưng trừ những ngày cuối tuần hoặc lễ tết, họ có thể bỏ việc để mặc quần áo đẹp đi chơi. Điều đó cũng giải thích cho tôi biết tại sao buổi sáng chúng tôi ra chợ lại có nhiều những cô gái mặc quần áo đẹp đứng đầy chợ, họ không mua sắm mà chỉ đứng nói chuyện vui chơi với nhau thôi. Ban đầu tôi tưởng rằng họ ra đây đứng là để du khách chụp ảnh rồi đưa tiền, nhưng tôi đã lầm, bởi vì ngay sáng hôm sau thì không còn bóng dáng những cô gái như thế ngoài chợ nữa. Anh Nam kể rằng, nhiều khách du lịch lên đây muốn đi xe của những anh chàng dân tộc bởi vì một nỗi thương cảm rằng họ nghèo, nên đi để cho họ kiếm thêm ít tiền, nhưng đó lại là sai lầm, vì các anh chàng dân tộc (chủ yếu là các anh người Mèo) lại rất vui mừng khi có khách, có nghĩa là các anh có thêm chút tiền và có cơ hội phóng xe ầm ầm trên đường. Truyện kể rằng, có hai vợ chồng du khách nước ngoài đi xe của một anh người Mèo, chàng ta phóng ác quá làm lao xe xuống ruộng lúa, may mắn một điều là xe lao xuống nhưng người vẫn ở lại trên bờ.
Anh Nam lên đây từ những năm 90 của thế kỷ trước, anh kể chuyện, mỗi lần về quê anh chỉ về được ít ngày rồi lại đi, vì không quen với khí hậu nóng bức dưới xuôi nữa. Anh có gia đình ở trên này, và một vườn susu xanh rì bên triền núi, lúc đầu chúng tôi cũng định vào chơi, nhưng do đã muộn nên chúng tôi hẹn gặp lại anh vào một dịp khác.
2. Người lái xe ôm thứ hai đi Tả Phìn
Chỉ vì thích được ngồi trên chiếc minsk, tôi đã leo lên xe anh, đoạn đường vào bản Tả Phìn chiều nay rực nắng, tôi không muốn đeo kính bởi vì kính sẽ làm mất đi cái mầu thực sự của thiên nhiên, làm giảm đi cái vẻ đẹp hùng vĩ nơi này. Tôi muốn mọi thứ được hút vào mắt mình một cách chân thật nhất. Để mặc cho gió cuốn những lọn tóc, tôi lắng nghe chuyện của người lái xe ôm. Anh là người dưới xuôi, trong một lần lên đây chơi, đã đem lòng yêu một cô gái người Dao đỏ và từ đó anh không trở về nhà nữa mà ở lại làm rể người Dao đỏ. Anh kể, mọi người nhà anh muốn anh trở về dưới xuôi nhưng anh nhất định ở lại, cũng được gần 10 năm rồi. Trông anh thì thực sự không phải dân tộc, nhưng cũng không còn giống một người dưới đồng bằng nữa. Nói đến đây tôi lại nghĩ đến chuyện bỏ bùa của người dân tộc, không biết có thật không nữa.
3. Những cô bé người dân tộc Mông tại Tả Phìn
Trước khi vào nhà bà Lý Mẩy Chạn để tắm lá thuốc, chúng tôi có đi sâu vào một khu chuyên tắm lá thuốc nữa được nằm trong một hốc núi, nhưng khi đến nơi thì nó vừa bị phá, bởi vì người ta lo ngại sẽ có lũ tràn về và làm chết người, nên nơi này sẽ phải bỏ đi. Mọi người đành quay ra, còn lại mình tôi vẫn chưa đi, lúc đó có một vài em nhỏ chạy đến nói chuyện với tôi.
- Bé gái: cô tên là gì? một giọng trong veo, và nói tiếng Kinh khá rõ
- Tôi trả lời: Cô là Thương, và hỏi thế cháu tên là gì?
- Cháu là ... bé lớn trả lời, và nói thêm, còn đây là em cháu ... (không thể nhớ nổi tên, vì là tên dân tộc, mọi người thông cảm nhé).
Tôi lại hỏi, thế cháu bao nhiêu tuổi rồi, bé gái vừa nói chuyện với tôi bảo là đã học lớp 3, còn em bé thì chưa đi học, vì thế em chỉ biết lặp lặi những tiếng Kinh mà chị mình vừa nói. Đột nhiên bé gái lớn bảo tôi:
- Cô ơi cô về nhà cháu chơi nhé.
Tôi thực sự ngạc nhiên, ban đầu thì cũng nghĩ là chuyện gì thế này ??? nhưng sau mấy câu của cô bé tôi liền nghĩ rằng đó là những từ mà em biết để bày tỏ tình cảm của mình đối với người khác chứ không hề có ý gì. Tôi liền bảo:
- Cô không vào được, bạn cô đi trước rồi, bây giờ cô phải đi luôn, nếu cô có thời gian cô sẽ vào chơi sau.
Mấy em bé cứ nằn nì bảo tôi vào nhà chơi, chúng đang sống với bà, và nếu tôi vào chơi thì chúng sẽ bảo bà nấu cơm.
Có lẽ đây sẽ là những lời nói, những tình cảm mà tôi sẽ nhớ mãi, cái ánh mắt ấy, cái khuôn mặt ấy, làm sao có thể quên được chứ. Nhưng lúc đó người xe ôm đã đưa tôi đi thật xa, còn tôi thì vẫn quay đầu lại vẫy tay chào những người bạn nhỏ bé trên đường phiêu du của mình.
4. Cô bé dân tộc lai lang thang ở chợ Sapa
Chúng tôi rất hay đi bộ ngoài chợ, chỉ để ngắm nhìn những thứ do người dân tộc bày ra đường, hay chăng là nhìn những thứ mà người ta nhập từ bên Trung Quốc về để bán cho du khách. Lần nào cũng vậy, tôi bắt gặp một cô bé mắt nâu, tóc nâu, nhìn em tôi thấy cái vẻ lam lũ của một người dân tộc, nhưng khi nhìn kỹ vào gương mặt em, tôi thấy một chút gì đó không phải là của người Việt, phải, em là đứa con lai giữa người phụ nữ dân tộc và một người ngoại quốc. Tôi hỏi em
- Em có đi học không?
- Em đi học vào buổi sáng, còn buổi chiều và tối thì đi bán hàng, em trả lời
Hàng ở đây là những túi vải nhỏ mà người ta làm bằng tay để móc chìa khóa, chúng rất đơn giản, và có thể nói là không đẹp.
- Những thứ này em mua ở đâu? Tôi tò mò hỏi lại em
- Mẹ làm, em trả lời lí nhí
- Chị mua cho em đi, nếu chị không mua thì em tặng. Lúc này mắt em có vẻ sáng lên.
Sau khi nói với mấy người bạn, tôi quyết định không cầm, vì có thể sẽ có nhiều rắc rối mà tôi không lường trước được. Tôi bảo:
- Em giữ lấy mà bán, cho đi thì lấy đâu ra tiền, tôi đẩy ra.
- Nhưng mẹ bảo là nếu không bán được thì cho làm kỷ niệm mà.
Chợt tôi thấy mình thật tò mò, vì tôi cố nối dài câu chuyện chỉ để nhìn vào mắt em, nhìn cái sự khác biệt giữa những người Việt chúng tôi và suy nghĩ về cuộc đời của em khi lớn lên sẽ thế nào. Liệu có giống như mẹ em không?
5. Người phụ nữ Dao đỏ bán hàng trên hè phố
Đó là một đoạn dốc phía dưới khu phố sầm uất nhất ở Sapa, một hàng dài những người Dao đỏ bày bán các sản phẩm như khăn, sà cạp, vòng tay, khuyên tai bằng nhôm. Chúng tôi ùa vào ngồi mặc cả để mua hàng, để xem. Tôi ngồi cạnh một chị người Dao, chị muốn bán cho tôi một chiếc vòng mạ bạc mà chị đang đeo, tôi cố gắng trả thấp, bởi vì tôi chỉ muốn trò chuyện với mọi người. Chị kể rằng đây là chiếc vòng mà chị nhận được trong ngày cưới, nó có khắc tên của người chồng. Câu chuyện của chị thật buồn, chồng chị đã mất được mấy năm do ốm nặng. Giờ chị đi bán hàng để nuôi con nhỏ. Nghe hoàn cảnh của chị tôi hỏi:
- Tại sao chị lại bán chiếc vòng này đi?
- Vì bây giờ hết tiền nên phải bán, chị trả lời mà tiếng nói không thoát được ra ngoài.
Tôi liền mua chiếc vòng đồng mạ bạc mà có khắc tên chồng chị. Ngồi một lúc chị lại tháo ra một chiếc nhẫn bạc (thật) và nói với tôi xem tôi có mua không. Xuôi tai thế nào mà tôi mua thêm chiếc nhẫn đó, cũng vì kiểu dáng của nó khá là đẹp. Chị kể rằng, mỗi người con gái Dao đỏ khi đi lấy chồng sẽ được cho một bộ trang sức bằng bạc bao gồm vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, và những đồng tiền để móc vào chiếc khăn màu đỏ mà họ sẽ đội lên đầu khi về nhà chồng. Chị cũng kể rằng, ngày xưa thì mọi thứ đều được làm bằng bạc thật, nhưng bây giờ chủ yếu là được mạ bạc mà thôi. Cũng khá muộn họ mới dọn hàng ra về, để sáng mai lại bắt đầu với công việc đồng áng và tối đến lại dọn hàng ra đây bán.
Chị ấy đây
6. Những bé gái dân tộc trong quán bar
Ngồi với mấy người Dao đỏ một lúc, chúng tôi qua quán bar bên cạnh, nơi mà tối qua tôi nhìn thấy những cô bé người Mông vào đó chơi. Chúng tôi ngồi trên vỉa hè và đàn hát, chợt những cô bé ấy xuất hiện. Chúng nói tiếng Anh như gió, có khi còn giỏi hơn cả tiếng Kinh. Tôi ngồi đó, đóng vai một người khách du lịch ba ngơ, chỉ hỏi những câu hỏi vớ vẩn, cốt để cho họ thấy rằng tôi chẳng biết gì, mặc dù trong lòng tôi chỉ muốn họ xác nhận những điều tôi đang nghĩ trong đầu là đúng. Tôi hỏi anh chàng ngồi bên cạnh, những cô bé này ở đâu?
- Ở bản Tả Van
Bản Tả Van cách đây khoảng 2km, qua 9h là đóng cửa không cho du khách vào nữa. Những cô bé này ban ngày đi làm (theo cách họ nói) đến tối lại về Tả Van chỉ để ngủ mà thôi. Tôi hỏi, muộn thế này mà chưa về sao? Thì một tràng cười cất lên. Còn tôi lại nghĩ là chúng có quen biết với những người gác cửa, và chúng có thể ra vào lúc nào tùy ý, bởi vì đặc thù công việc mà.
Ở những em này, mọi thứ toát ra rất hoang dại, không giáo dục, không học thức, chúng kiếm sống bằng cách đi cùng những người khách du lịch nước ngoài cần hướng dẫn viên. Có thể sẽ có ngày không kiếm được nhiều tiền bằng việc bán những đồ lưu niệm nhưng các em vẫn có bữa ăn, vẫn tồn tại ở mảnh đất này.
Tôi nghĩ đến tương lai của các em sẽ như thế nào? cứ thế tiếp nối, Liệu Sapa có lại đón chào những đứa con lai trong tương lai gần nữa không?