What's new

[Chia sẻ] SiLa-bộ tộc nhỏ bé giữa đại ngàn

Chào cả nhà: Thấy mọi người rủ nhau đi Simacai, Tây Bắc, Mèo Vạc... hào hứng quá, tự nhiên Châu bá thông tui cũng thấy chộn rộn trong lòng (dù những địa danh trên đó hầu như tui đều từng đi qua). Các tỉnh miền núi phía Bắc luôn là điểm khám phá hấp dẫn. Chắc chắn là thế. Thôi thì nhai lại một chuyến đi cũ năm 2005, coi như là một cách tự sướng vậy...

Si La xa xôi…
Không hiểu sao cứ trước mỗi chuyến đi là tôi lại gặp một trở ngại nào đó. Khi thì thời tiết xấu đột ngột, khi thì trễ tàu, xe… Chuyến đi về Mường Tè năm nay (2005) để tìm hiểu về người Si La -một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam- cũng thế.

Đầu tháng ba , vùng Tây Bắc đặc biệt là Sìn Hồ, Kan Hồ (nơi tôi đến) chịu ảnh hưởng của luồng khí lạnh nhiều nhất, nhiệt độ từ 7-9 độ C. Chuyến xe duy nhất từ thị xã Lai Châu (cũ) vào Mường Tè chưa đến 30 ghế nhưng chất gần 70 người và hành lí nên hầu như phải đứng một giò trên suốt đọan đường non 100km nhưng chạy đến hơn 4 tiếng mới đến nơi.

Mường Tè là địa phương tương đối biệt lập với nhiều khu vực khác trong cả nước. Chỉ cách đây vài năm thôi, vào mùa mưa, từ Tam Đường, Điện Biên về đến huyện Mường Tè mất hai, ba ngày là thường. (vì đường xấu, bị bùn, đá sạt lở bít kín lối đi). Bây giờ, đường đã tốt hơn, nhưng có đoạn dài khách vẫn phải “nhảy lambada” theo nhịp dằn xóc của xe đò. Về mùa mưa, toàn bộ cư dân Si La ở hai bản Xeo Hai và Xì Thau Chải (huyện Mường Tè) bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài vì nguồn nước sông Đà dâng lên rất cao và chảy xiết.

Bây giờ là mùa nắng, con sông Đà hùng vĩ, cuồn cuộn ngày nào mùa này trở nên hiền lành, từ bờ này qua bờ kia chỉ hơn 50m. Hàng ngày muốn đi học, đổi gạo, mua nhu yếu phẩm người SiLa phải đi mảng (bè) qua sông. Tôi đến cũng vừa lúc mấy bạn học sinh người Si La đi học về. Từng tốp, từng tốp ngồi trên chiếc bè mỏng manh (chỉ rộng chừng 7 tấc) để qua sông.

3275541214_afabd150fc_o.jpg


3274718903_bd855ed6de_o.jpg


Ngồi đợi, bỗng nghe một tiếng “ủm”, nhìn ra mé sông thấy chiếc bè (được kết bằng sợi mây, đay) bị rời ra, vài đứa học sinh rớt xuống, lóp ngóp bơi vào. Duy chỉ có một chú, bị té xuống nước nhưng vẫn cố bám vào phần còn lại của chiếc bè, đôi vai cố ghếch thật cao để bao gạo mang trên mình khỏi ướt. Đó là Chà Bì- cậu học sinh lớp 7 người Si La- đi học nhân tiện lấy một phần tiền mà em có được trong những ngày h è đi phụ làm đường , mua một bao gạo 20 kg về cho gia đình. Thấy tôi có vẻ lo lắng, Bì cười: “ Không sao đâu, gạo chỉ bị ướt chút xíu thôi. Chuyện này bình thường mà. Năm ngóai, có ba bạn trong bản đi học bị nước sông này cúôn trôi đấy”...


3275542206_08dd468569_o.jpg


3275542630_86ea6fd241_o.jpg


Là một bản nhỏ nằm lẫn khuất trong núi rừng, (chỉ có 46 nóc nhà với 211 người),bên cạnh một dãy núi đá nên đồng bào đã đặt tên là Xì Thau Chải. (bản núi đá- theo tiếng Quan Hỏa). Tuy chỉ cách Mường Tè khoảng 24 km về phía Nam, từ đường cái đi bè qua song Đà rồi đi bộ lên rừng non 1km là đến nơi nhưng người Si La hãy còn nghèo lắm. Cuộc sống chủ yếu vẫn là săn bắt, trồng trọt tự cung tự cấp.

Khi tôi đến, cả bản vắng hoe, người lớn đều đi rừng, lên nương cả. Chỉ có mấy đứa con nít mũi chảy thò lò, lấm lem bùn đất giương cặp mắt tò mò nhìn người khách lạ vào bản.

3275543094_2141a1ae66_o.jpg


3275546334_35141b88a0_o.jpg


3275545228_ed2f080cf7_o.jpg
 
Last edited:
Những bài học đầu tiên

Ông trưởng bản Hù Chà Hù, (mới 49 tuổi, mà như ông già 60 tuổi) đang ở nhà: “ Tao mất sức lao động rồi, ở nhà làm công tác nhà nước, thỉnh thoảng đi bẫy con dúi, con chuột cũng đủ hết thời gian”.

Vào căn nhà vách đất lợp tôn của trưởng bản, đi xung quanh quan sát, suýt chút nữa vấp phải mấy hòn cuội to nằm giữa nhà. Tưởng đứa con nít nào nghịch mang đá vào nhà chơi, sau mới biết, đó là cái bếp thiêng của người Si La. NGười SiLa có hai hệ thống bếp. Một bếp để nấu ăn thông thường và một bếp khác (thường chỉ dung để sưởi ấm) kê bằng ba hòn cuội (đặt trước bàn thờ). Đây chính là cái bếp thiêng, chiếm một vị trí rất quan trọng trong tâm thức tín ngưỡng của người SiLa. (Cũng may, tôi mà đá đổ một trong ba hòn cuội trong bếp thiêng đó thế nào cũng phải nộp phạt một chai rượu và hai hào bạc trắng như mọi người rồi).

Đây là cái bếp thường ngày
3274724073_076a83b180_o.jpg


3275258753_a64828f51a_o.jpg


Đây là cái bếp thiêng của người SiLa ngay gian nhà chính
3275548116_40c3fc209c_o.jpg


3275547450_78015230cf_o.jpg



Chà Hù rót trà, khá ngạc nhiên khi biết tôi từ trong Nam lặn lội lên đây để tìm hiểu dân tộc mình. Ông than: “ Bà con không bị đói nữa, nhưng bị dịch lien mien, heo gà chết la liệt. Bầy gà 70 con của tao cũng vừa bị dịch chết hết. hiện giờ cả bản chỉ còn 13 con trâu, 12 con bò và vài chục con heo thôi”.

Giờ cơm. Ông Hù rót chén rượu mời mọi người, rồi cầm cái chân, cái đầu gà lên săm xoi, mặt khá nghiêm trọng. (sau này tôi mới biết ông trưởng bản “mượn” một con gà giống của người trong bản mang về đãi tôi). Cả bàn ăn gần như đều im lặng, chờ đợi. Một hồi, ông phá cười lớn, mặt giãn ra: “ Tốt, tốt lắm”. Thấy tôi ngơ ngác, không biết chuyện gì, ông giải thích: “ khách quí đến nhà, người SiLa thường làm gà đãi khách. Chính cái đầu, cái chân sẽ nói rất nhiều điều về khách và chủ. Chân trái là khách, chân phải là chủ. Néu các ngón chân khum lại, cùng dính sát nhau và chỉa về một hướng thì tốt. Nếu chân gà có ngón chỏi ra khác hướng những ngón còn lại thì giữa chủ nhà và khách chưa thật sự hết lòng với nhau (!?)… Hồi nãy, tao coi rất kĩ chân, đầu gà rồi. Chuyến đi công tác này của mày nhất định sẽ thành công (?!).

Nói rồi, ông lại rót rượu mời tôi. Tôi vốn không uống được nhiều rượu, nên chỉ sau vài “tua”, đã thấy lâng lâng say, nên úp li xuống không uống nữa. Ai ngờ, đó lại phạm vào một điều kiêng kị khách của người SiLa: “ Không uống được rượu thì không ép, nhưng cứ để li đấy. Úp li là khinh chủ nhà không có rượu đãi khách". Chú Hù đe: “ Mày mà gặp người La Hủ, người Mông thì chỉ có chết. Phải uống rượu, không được từ chối. CHúng nó lấy củi trong bếp dí vào chân, còn thấy nóng là chưa say. Phải uống cho đến khi mất cảm giác mới tha”…

Bản Xì Thau Chải của người SiLa

3275544550_458ae758da_o.jpg


3274721365_1f9062e42e_o.jpg


Giã gạo bằng sức nước (nước chảy theo ống tre vào bầu đựng phía dưới (đầu kia là cái chày). Sức nặng sẽ nhấc chày lên, khi nước trong bầu đựng đổ ra, chày lại hạ xuống.
3276071828_e847053fdd_o.jpg
 
Đánh mấy lần toàn bị lỗi, đang mòn mỏi đợi bác chau cho loạt bài thêm về đồng bào Mảng, La hủ và Lự cho mở mang kiến thức về đồng bào các dân tộc anh em....
 
Chụp hình: niềm vui lớn

Hồi mới đến Xì Thau Chải, nhìn thấy mấy bạn trẻ nam nữ tôi giật mình tưởng mình đi lộn đường đến một làng người Kinh nào đó. Nam thì bận quần tây, áo sơ mi, tay đeo đồng hồ Casio ; nữ cũng gần như thế. Uả? Thế quần chân què lá tọa, áo bà ba cổ đứng có hai hoặc ba túi màu chàm xanh của nam giới ; Váy, áo ( màu chàm đen). Thân áo trước có miếng vải hình thang cân đính 72 đồng xu bạc thành 9 hàng ngang (quan niệm của người SI La mỗi người đều có 9 vía). Chưa có gia đình sẽ đội khăn trắng, có gia đình sẽ quấn khăn đen…của nữ mà ông Nguyễn Văn Huy- giám đốc bảo tàng dân tộc học- cho tôi biết trước chuyến đi đâu rồi?

Phải đến khi ông trưởng bản Hù Chà Hù giải thích tôi mới biết mình không lầm: “Tụi con gái bây giờ phần lớn bận váy và áo sơ mi. Chỉ có những dịp cúng lễ mới bận đồ dân tộc thôi. Chiếc áo ngắn,trang trí bằng những đồng bạc cổ giờ cũng được may bằng chất liệu mới, tùy theo hòan cảnh gia đình mà có thể đính số đồng xu (mới) khác nhau trên áo chứ không cố định 72 đồng xu như ngày xưa. Chỉ có phụ nữ trung niên và người già mới còn giữ được những bộ đồ truyền thống thôi”. Một đặc điểm dễ nhận biết người SI La đó là thường giắt hai mép váy ra phía sau lưng rồi buộc khăn lưng ra bên ngòai (trong khi người Thái dắt về phía trước) Vì thế người Si La còn có tên gọi là Khả Pẻ ( người mặc váy ngược).

3282864369_e3d261d7e8_o.jpg


Mấy ngày trước e thẹn là thế, mỗi khi tôi giơ máy lên ại cũng quay mặt đi. Nhưng chỉ vài ngày sau, khi biết tôi có nhã ý sẽ chụp hình cho mọi người trong bản, ai cũng háo hức chờ đợi. Từ sáng sớm, các chị em đã xúng xính diện bộ đồ truyền thống của dân tộc mình, Những đôi tay chai sần, thô kệch suốt ngày chỉ cầm lấy con dao, xà gạch giờ đang vụng về quét chút phấn lên gương mặt xạm đen vì quanh năm chỉ đối diện với sương muối, quết chút son lên đôi môi trắng nhợt vì cái rét cắt da. Nhìn những gò má được đánh đỏ hồng như hát bội, những đôi môi được tô đậm, “lem” một chút ra ngòai ánh lên vẻ rạng ngời, hạnh phúc của người phụ nữ khi được làm đẹp, tự nhiên trong lòng dâng lên một cảm xúc khó tả.

3282762175_db73385c3c_o.jpg


3282760281_e7d82f2e0b_o.jpg


3278290928_ecc593f171_o.jpg


Anh Lí Chà Cứ-y tá của bản- khẽ nói với tôi: “Anh chụp cho mình một tấm hình đang khám bệnh nhé!”. Tôi luôn miệng nói: “Thế chị đâu? Để em chụp cả nhà mình một tấm ảnh luôn”. Giọng anh tự nhiên trầm hẳn: “V ợ mình bị lũ cuốn trôi, chết cách đây hai năm rồi.Vợ thích mình làm y tá khám bệnh cho bà con lắm. Mình muốn chụp một tấm gởi vợ làm kỉ niệm”.

3282737073_589c545e5a_b.jpg

Anh Lí Chà Cứ

CÒn Pờ Chà Tư cứ một mực năn nỉ tôi đi theo anh qua bên kia ngọn đồi để chụp hình cho ba mẹ anh vì ông bà già quá rồi, rất muốn có một tấm hình nhưng đi không nổi. “Năm phút đi bộ” của Chà Tư là gần nửa tiếng leo dốc muốn rả cẳng của tôi. Đến nơi, dù khá mệt nhưng thấy 2 gương mặt già nhăn nheo nhe hàm răng đen, đỏ cười quá sung sướng vì được chụp hình tự nhiên quên mệt. (Ngày xưa người SiLa rất thích nhuộm răng. Nam giới dùng cánh kiến nhuộm răng đỏ, phụ nữ nhuộm răng đen, còn ngày nay hầu hết đều để trắng).

3283558740_4870c5b3a2_b.jpg

Cha mẹ của Pờ Chà Tư

Hẹn 17h chiều, khi mọi người đi làm nương về sẽ ra trường học trong bản (chỉ là 2 phòng nhỏ dành cho mẫu giáo đến lớp 2) để chụp hình chung nhưng chưa đến 16h gần như mọi người đã có mặt đầy đủ. “Về sớm một tí, mấy khi được chụp hình mà”. Ông trưởng bản kiếm đâu ra được cái cà vạt đã thắt sẵn tròng vào cổ. Luống cuống thế nào mà thắt nghẹt cả cổ, lôi không ra, mấy tay thanh niên đến gỡ phụ ra mà mặt vẫn còn xanh mét.

3282779717_95b10c37f0_o.jpg
 
Buổi chiếu phim

Trước cửa nhà trưởng bản có một tấm ván, treo cái ăn ten với hàng chữ nghuệch ngoạc: “Mọi người chú ý! Đây là cột tivi tập thể, nghiêm cấm không được nghịch. Xem tivi không phải mất tiền”. Trên tấm bảng còn ghi rõ ngày 11 tháng 6 năm 2004 và tên ông trưởng bản . Thì ra, cái tivi 14inch và đầu đĩa nhạc Trung Quốc trong nhà ông Hù là của Sở Văn hóa thông tin tỉnh tặng cả bản cùng xem. ĐIện chưa có, tivi sử dụng máy thủy điện nhỏ (chỉ xài được vài bóng đèn). Ông tự hào khoe: “Cả bản có đến 4 cái tivi. Ở đây cũng biết tình hình nhà nước và thế giới đấy nhé. Nhà này, buổi tối là đông nghịt người đến xem phim”.

3283556916_d4bce33051_o.jpg


Ông Hù nói đúng. 7h tối. khắp bản đã lấp lóa ánh đèn pin, những bó đuốc đỏ rực hướng về nhà trưởng bản.Trời lạnh ngắt, gió thổi ù ù, trời tối đen như mực vậy mà từng lượt người cứ đổ về: các cô gái trẻ địu những đứa con chưa đầy tuổi, những bà già cũng chống gậy lò dò từng bước, những đứa con nít tay cầm que củi đang cháy rừng rực vung tàn bay tung tóe để nhìn đường đi cũng kéo nhau chạy đến nhà trưởng bản như đi hội. Phút chốc, cả nhà chật kín người. Ở đây, buổi tối chỉ có xem tivi là sướng nhất.

3282741063_f3163d523c_b.jpg


Ông Hù bảo tôi ngồi chơi để ông đi mở cái tivi. Bằng những thao tác rất trịnh trọng, ông leo lên bàn, gỡ bóng đèn ra (để đủ điện chạy cái tivi). Cái tivi 14 inch cũ kĩ giờ trở thành một vật trung tâm thu hút hàng chục người từ bà già móm mém, nhăn nheo đến những đứa trẻ thò lò mũi xanh. Hôm nay tivi chiếu phim Hàn Quốc. Mấy cô thiếu nữ là thích nhất. Vừa địu con sau lưng, vừa thỉnh thỏang xoay đứa bé lại cho bú mắt vẫn dán chặt vào màn hình. Phim chỉ chiếu hơn một tiếng là hết, đến chương trình thời sự tiếng Anh vậy mà mọi người vẫn không về. Cố Nờ – một cô gái trong bản- cho biết: “ Không hiểu gì đâu, chỉ thấy có hình ảnh chạy là thích coi rồi”.

3282742015_858917259f_b.jpg



Box:
Người SiLa thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến (tiếng SiLa gần với tiếng Miến hơn).Theo kí ức của người Si La thì trước khi di cư sang Việt Nam, tổ tiên của họ đã cư trú ở Lasha –thủ phủ của Tây Tạng, Trung Quốc- sau đó di cư sang Mù Đi (Lào) rồi mới sang Việt Nam. Ngày nay họ vẫn còn nhớ câu sấm truyền về nguồn gốc của mình: “Su đi La Sa khủa, phum Mù Đi khủa” (sinh ra ở La Sa , lập bản ở Mù Đi).Hiện nay, ở Việt Nam, người SiLa có khỏang dưới 700 người, sống tập trung ở hai bản: Xeo Hai và Xì Thau Chải (xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) và một số ít ở bản Nậm Xin (Mường Nhé, ĐIện Biên). Người Si La chỉ có 5 họ: HÙ, Pờ, Giàng, Lí. Lì. Con trai luôn có tên đệm là Chà (Chà Cưới, Chà Hù, Chà Dong…) con gái có tên đệm là Cố (Cố THuy, Cố Lụy, Cố Búi).

3283564404_d22679d834_b.jpg

Y tế xã đi bộ trèo non, lội suối để đến từng bản làng chích ngừa cho trẻ em

Ba thế hệ
3283836066_4d1270215a_o.jpg


3283012783_a3cd4d8355_o.jpg


3283008481_575d786b7c_o.jpg
 
Hay quá. Những chuyến đi thế này mới thực đáng để ghi lại mãi trong tâm trí.

Như mình đi thì cũng chỉ đúng là "phượt" qua thôi, chứ không biết, không hiểu được sâu sắc đến thế.

Cảm ơn Chaubathong !
 
Lên nương

Theo Viện dân tộc học: Người SiLa thuộc 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam, trên 70% hộ sống trong cảnh đói nghèo. Thống kê năm 1999, người SiLa còn khoảng 840 người ( nhưng qua qúa trình đi thực tế , tôi biết hiện nay Sila chỉ còn khoảng hơn 600 người). Dân tộc này đang có xu hướng nhỏ dần (cân nặng 40-45 kg, cao từ 1,45m-1,60m) và đang diễn ra nguy cơ “suy thoái nòi giống” do quan hệ hôn nhân cận huyết.

Tối qua trời lạnh quá nên nằm nướng, quên mất cái hẹn cùng lên nương sớm với mấy em gái SiLa. Khi thức dậy, đã thấy mấy em im lặng ngồi đợi từ lâu. Gần 8h sáng mà trời vẫn âm u, sương mù hãy còn phủ khắp nơi. Thấy tôi vội vàng , Cố Duyện- cô bé 12 tuổi người nhỏ xíu, mang cái gùi muốn che hết người- trấn an : “Lên rẫy gần đây thôi, anh đừng lo”. Ban ngày, ngoài làm nương, rẫy hầu hết phụ nữ SiLa đều lên rừng lấy củi, kiếm các lọai rau rừng : dương xỉ, lá chua, quả cà gai, rau tàu bay, lá sung non, măng đắng…để cung cấp thực phẩm cho bữa ăn. Từ tháng tư đến tháng chín thì đi hái nấm, mộc nhĩ; tháng 10 đến tháng12 : sa nhân, tam thất… Đây chính là những sản phẩm mà người SiLa hay đem trao đổi, mua bán nhất.

Trong khi tôi phải lò dò bám từng bước một vì sợ té thì mấy em gái SiLa cứ nhảy thoăn thoắt như sóc. Sau gần hai tiếng lê đôi chân đã rã rượi tôi cũng đến nơi. Nương của người SiLa nằm trên triền núi cao dốc đứng, nhìn lên đã thấy ớn, chủ yếu là trồng ngô. Ở bìa rừng sát nương ngô, vài con trâu nhà được thả rông đang nhẩn nhơ gặm cỏ, con bị rùi tai, con bị cắt cụt lông đuôi, con bị cắt tai… “Đó là cách đánh dấu trâu bò của người SiLa để khỏi nhầm đấy”, Cố Búi giải thích. Trời nắng gắt, nhưng mây mù vẫn chưa tan. Gần đến đỉnh núi nhìn xuống bản Xì Thau Chải giờ chỉ còn là những chấm nhỏ tẹo.

3284565447_3211d9166f_o.jpg


3285386796_6e37823fd5_o.jpg

Con gái SiLa lên nương lấy củi, làm rẫy một buổi, buổi còn lại thì đến lớp.

Tôi được phân công…ngồi chơi. Còn mấy em thì toả vào bìa rừng hái rau, lấy củi. Chỉ hơn nửa tiếng sau, chiếc gùi của các cô gái SiLa đã đầy ắp củi và rau rừng. Tôi nhấc thử chiếc gùi, khá nặng. Đứng giữa nương nghỉ mệt một chút, bỗng thấy mấy cô gái líu ríu nói một tràng tiếng dân tộc, gương mặt khá hoảng hốt. Rồi tôi thấy Cố Búi lục cái gùi ra nắm cơm, bỏ vào miệng nhai từ từ (?). Thấy lạ, Cố Luỵ chỉ tay vào cái bóng của Cố Búi đang đổ dài trên nương, giải thích : “Hồn của nó đã nhập vào con hươu, con nai nên cái bóng của nó mới có hình nhọn như chiếc sừng. Muốn giữ được hồn, nó phải lấy gói cơm ra ăn, nhai thật kĩ cho đến khi cái bóng của nó không còn nhọn như chiếc sừng thì thôi”.

3284576687_b0f9198a37_o.jpg

"công tử bột" Sài gòn và hai em gái SiLa

3284575065_e05e9f88c5_o.jpg

Cố Lụy, Cố Búi, Cố Thuy (từ trái sang phải)

Đợi cho “cái bóng của Cố Búi không còn nhọn như chiếc sừng nữa” thì trời đã xế trưa. Trên đường về, mệt quá, tiện thể tôi ghé nhà Chà Phì chơi. Ngay cửa ra vào treo lủng lẳng một phên tre đan mắt cáo (có tẩm máu chó, máu gà trong ngày lễ cúng bản hằng năm để ngăn cản không cho tà ma vào nhà).

3284637553_ff9d49dfd7_o.jpg


Ông trưởng bản cũng có mặt “điều tra tình hình kinh tế người dân để đề xuất cho vay vốn Nhà nước”. Căn nhà lá của Phì trống hóac, chỉ có đúng một cái bàn nhỏ cũ kĩ, thấp lè tè để châm trà. Hai vợ chồng ngủ trên cái chõng tre ọp ẹp, được quây lại bằng tấm riđô. Thằng con trai chưa đến hai tuổi, đang sốt cao khóc ngằng ngặt. Cô vợ cho biết anh vừa đi săn. Vừa nói xong đã thấy Phì lù lù đứng trước cửa. Thấy tôi, anh gật đầu chào rồi lấy thuốc lào kéo một ngao thật dài, uống cạn chén trà: “Định đi săn, nhưng vừa đến đầu suối lại thấy bà bầu, đành phải quay lại. Đi săn mà thấy bà bầu hoặc phụ nữ đang tắm thì phải quay về, kéo một hơi thuốc lào, uống cạn một chén trà rồi mới được đi. Không làm thế thì đi săn cũng không được con thú đâu. Vậy còn đỡ, chứ gặp con nhím, con dúi (những con thường xuất hiện vào ban đêm) thì mày phải về nhà, mổ con chó đen làm lễ xua đuổi tà ma đấy . Ở đây, thức ăn chủ yếu chỉ nhờ vào đi săn, đi bẫy, đi “chích” cá ở sông Đà thôi”.

Phì móc túi còn được mười mấy ngàn, đưa vợ rồi quay sang nói với tôi: “Sáng mai, tao lại đi làm công trình thôi. Con bệnh thế này, vợ chỉ làm nương làm sao đủ ăn. Cũng là cái dốt thôi mày ạ! Ngày xưa, người Si La cũng được một vị thần cho cái chữ. Lúc trở về, qua con suối rộng, sợ cái chữ bị ướt nên người Si La nuốt vào bụng, không thể lấy ra được. Vì thế, người SiLa chỉ có thể nói được thôi. Dân SiLa này ngu lắm. Mà cái ngu thì đi với cái nghèo. Tao chỉ mong con lớn, tao cho nó ra huyện học đàng hoàng để nó bớt khổ”.

Nói về cuộc sống của bà con trong bản, ông trưởng bản cười hềnh hệch, nhe cái hàm răng chỉ còn lợi nói một cách rất hình tượng: “Ngày xưa nghèo đến nỗi không có kem đánh răng, bây giờ thì có tiền mua kem đánh răng rồi thì răng lại rụng hết.Bà con không còn bị đói nữa nhưng bị dịch liên miên, heo gà chết la liệt. Bầy gà 70 con của tôi cũng vừa bị dịch chết hết. Hiện giờ, cả bản 46 nóc nhà (211 khẩu) chỉ còn 13 con trâu, 12 con bò và vài chục con lợn thôi”.

3285390666_5f24834951_o.jpg

Cố Thuy

3284573669_600ce8f198_o.jpg

Người SiLa không đeo gùi trên lưng mà đeo...trên đầu như thế này.
 
Last edited:
Đi săn thú

Đất đá mấp mô, dốc cao ngút mắt, phải băng rừng theo lối mòn nhỏ xíu, cây cối mọc chen nhau sát rạt che muốn hết cả lối đi. Lại còn đi bằng đầu mũi chân, thật khẽ, thật khẽ cố gắng bám theo Chà Thọ và Chà Tư với khẩu súng kíp trên tay… Chưa bao giờ tôi lại nghĩ mình có dịp được đi săn với người Si La- một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam- như hôm nay…


Khởi động…
Thấy tôi ngỏ ý muốn được đi săn thú chung, Chà Phì –một tay săn khá giỏi của bản- nhìn tôi hơi ngạc nhiên, rồi nói: “Đi săn mệt lắm, Anh là người TP đi không nổi đâu. Ngày mai hãy lên nương, lên rẫy chung với tụi con gái để thử sức mình trước đã…”.

Chưa được đi săn bao giờ, nên tôi chấp nhận làm theo “bài tập” của Chà Phì đưa cho. Có lẽ không cần mất thời gian để tả lại “hành trình” lên nương đầy chật vật của tôi như thế nào (dù tôi cũng không quá xa lạ với những chuyến đi bộ dài). Cũng may là lên nương lấy củi, hái rau rừng với mấy em gái SiLa, tôi đã phải ráng để không làm quê mặt “ trai Sài Gòn” trước phường nhi nữ nhưng khi về đến nhà tôi đã lén vào buồng lấy dầu ra bóp đôi chân đã phồng dộp.

Rồi Chà Phì cũng đồng ý cho tôi đi theo. Trước khi đi anh dặn: “Vắt cũng nhiều đấy. Đi săn nếu có nói chuyện cũng phải thật khẽ, phải đi bằng đầu mũi chân trước rồi mới hạ đến gót sau. Nhẹ nhàng như thế mới có thú ăn”. Tưởng đơn giản, hóa ra là một “cực hình”. Đường đi đã dốc, trơn, có những đọan “miệng người này muốn cắn gót người kia” mà cứ phải rón rén, rón rén… Dù trời lạnh nhưng đi mới được một hồi, mồ hôi đã vã như tắm.

3286301505_bb6ceebac5_o.jpg

Với các tay săn nhí trong bản

Điểm tập kết là một nương ngô giữa rừng. Chỉ vừa kịp soạn đồ ra là sập tối mịt. Trời trở lạnh đột ngột. Sương mù như chực sẵn từ lòng đất , từ các thân cây, ngách lá bỗng ùa ra. Trong chớp mắt bầu không khí như đặc quánh. Chà Phì và Chà Thọ vác dao đi, một lát mỗi người khệ nệ ôm ra một đống củi to : “ Đêm ở đây lạnh lắm, sương lại độc nữa không có thứ này là không chịu nổi đâu”.Chúng tôi ăn tối, đợi đến khuya mới đi bắn. Chà Thọ sử dụng súng kíp lọai tì vai, Chà Tư và Chà Phì dùng lọai ngắm bắn (đặt cách xa mặt khỏang một gang tay). Tôi xin Chà Thọ cho bắn thử một phát. Đã học bắn súng thời còn học đại học, tôi khá tự tin đưa súng lên ngắm thì Thọ đến giựt khẩu súng lại: “Súng kíp bắn khác. Anh mà ngắm tì gần mặt như vậy là súng giật rụng hết răng đấy”.

Ằn uống xong xuôi, nai nịt gọn gàng : Áo quần tay dài, giày cổ cao, chân xoa thuốc Deep trị ghẻ để chống vắt… là cũng vừa đến giờ xuất phát. Nhóm chia làm ba hướng vào rừng : Chà Tư , Chà Thọ đi một mình , tôi là “lính mới “ nên có Chà Phì …kềm cặp . Vào rừng tức là phải chịu khó lội bộ luồn lách giữa đám cây cối rậm rạp đôi khi phải dùng dao mở lối chui vào những đường “cò” (lối đi rất nhỏ) thì mới hi vọng gặp được thú chứ theo đường “be” ( đường mòn giữa rừng) thì đừng hòng.

3287055420_8cdd8e7a4a_b.jpg


3286238997_0fa0f2f479_o.jpg

Cây nỏ vang bóng một thời giờ đã bị thất sủng.


Chuyện đường rừng
Len lỏi trong rừng chừng hơn nửa tiếng thì đã nghe tiếng súng , Phì lẩm bẩm: “Có thịt rồi, hôm nay chắc thắng lớn ”. Vừa nói xong thì tàn lá cây si phía trước bỗng sột soạt, chẳng kịp nhìn thấy gì cả đã nghe “đoàng”, một chú chồn chừng năm kí đánh phịch rơi xuống trước mặt, nằm im. Chà Phì bước tới nắm đuôi lên thì nhanh như cắt, con chồn quay lại cắn ngay một phát vào tay. Vẫn không thả ra, Chà Phì nắm đuôi đập con chồn vào thân cây si một cái thật mạnh. Lần này thì con chồn chết hẳn. Chà Phì nhìn con chồn chửi một câu rồi lấy áo lau sơ vết cắn, anh nói : “Chiều nay tao mới thấy dấu móng của con cầy (con chồn) trên cây si, biết ngay là thế nào tối nay nó cũng lại. Con cầy thích ăn trái si lắm. Gặp nó, pha đèn là đứng yên nhìn đèn chăm chăm như bị thôi miên, có đến gần sát cũng chẳng sợ”.

3286239997_e838e8147a_o.jpg

Chiến lợi phẩm

Chúng tôi tiếp tục đi. Chốc chốc ánh đèn lại dừng rồi quay ngoắt đi . Căng mắt ra tôi cũng chỉ thấy được hai đốm sáng của mắt thú đang “ăn đèn”. Đi săn đêm để nhận biết thú người ta dựa vào “bang gian” (khoảng cách giữa hai mắt) để phân biệt được thú lớn , nhỏ. Còn loại thú gì thì dựa vào màu của mắt khi “ăn đèn” : Chồn cây mắt ăn đèn màu cam đỏ; con thỏ mờ hơn , màu hồng nhạt; heo rừng ăn đèn mờ, hay di chuyển ít khi chịu đứng yên ; con cù lần khi ăn đèn mắt đổi màu liên tục, “bang gian” ngắn. Con đực màu hồng đỏ, con cái nhạt hơn nghiêng về màu xanh…

Đi săn đêm là phải đi vào những đêm không trăng , trời tối như mực nên nhiều khi con thú bắn được chỉ cách có vài chục mét vậy mà vào tới là khỏi biết đường ra luôn. Vì thế qua mỗi khúc quanh họ đều bẻ cây làm dấu. Tuy nhiên, với những tay săn lâu năm như Chà Phì thì đi săn ở đâu cũng không thành vấn đề. Thấy rừng là lủi vào, nhắm hướng mà đi, không bao giờ sợ lạc. Nhìn Chà Phì đi săn mà “ớn”: trong khi tôi nai nịt giày, nón, áo quần dài tay dầy cui vậy mà hắn hành trang đi săn của hắn chỉ là khẩu súng kíp một cái quần vải đã sờn nát, áo sơ mi cộc tay,đi chân đất. Bàn chân quanh năm lội bộ đi rừng, nứt nẻ như củ sắn luộc ấy có sợ gì gai góc.

3286240943_a995832dd5_o.jpg


3287058916_a725bbe98b_o.jpg

Tay thiện xạ chân đất Giàng Chà Phì

Thời khắc trôi đi. Bóng đêm vắt lên ngọn cây những hình dạng quái rợn, chập chùng. Ánh sáng lân tinh của nấm độc, của ẩm mốc, của côn trùng phát tíêt thoát ẩn thoắt hiện, tiếng sột soạt của những con thú ăn đêm, tiếng rào rạo đạp trên lá khô của những bàn chân… Ánh đèn săn đội trên đầu cứ loang loáng, chụm thẳng như một cây gậy ánh sáng chọc màn đêm… Trời càng về khuya càng lạnh, thở ra khói mịt mù. Đi bộ hơn 4 tiếng, hai bàn chân tôi tê cứng , muốn phồng dộp lên , vậy mà Chà Phì vẫn phăm phăm tiến tới, nhẹ mà nhanh như con chồn. Định đốt một điếu thuốc cho ấm người thì Phì quay lại gắt: “ Dụi điếu thuốc ngay đi, muốn chết hả?”. Thấy tôi còn ngơ ngác , anh nói: “ Anh hút thuốc , nhóm săn khác dễ tưởng lầm là mắt thú và bắn”. Kinh nghiệm này cũng xuất phát từ câu chuyện đau lòng mà bạn săn thường kể với nhau. Có hai cha con thợ săn cùng vào rừng, mỗi người đi một hướng.Người cha đang “pha đèn” bỗng thấy một đốm sáng đỏ rực phía trước mặt, nghĩ là con thú bị chột , ông giương súng lên… Ngờ đâu ,viên đạn oan nghiệt đó lại găm thẳng vào đầu đứa con trai đang hút thuốc.

Chúng tôi về khi con gà rừng đã gáy lần thứ nhất. Đêm đi săn “chiến lợi phẩm” thu về được hai con chồn, một con gà lôi… Chà Phì cho biết: “Rừng này khi xưa thú lớn nhiều lắm, nai, sơn dương, có khi còn bắn được gấu nữa kia, phải về bản nhờ mọi người mới kéo thịt ra nổi. Còn bây giờ thì hết rồi, dân đi săn quá đông, chỉ bắn được khỉ, chồn thôi”.

Trên đường về, theo yêu cầu, Chà Phì đưa cho tôi mượn khẩu súng và đèn pin. A! hình như có thú lớn. Ánh đèn pin đang loang loáng bỗng dừng lại. Tôi khóat tay ra hiệu cho Phì rồi rón rén bước lại gần. Trong bóng tối chập chùng hiện ra một cặp mắt to , “ăn đèn” đỏ rực. Tôi tiến lại gần, con thú như bị thôi miên đứng ngây ra. Nín thở. Nòng súng đang chuẩn bị giương lên thì Phì đứng bên cạnh nói nhỏ:“Đừng bắn, con trâu nhà thả rông đấy …" . Tẽn tò!


3287060408_7ca0e85a13_o.jpg

Chà Thọ

Box
Muốn có một khẩu súng kíp cũng đơn giản. Ra huyện Mường Tè ( cách bản 24 km ) mua một nòng súng, đủ lọai dài từ 8 tấc đến 1m50 (nòng càng dài càng chính xác và đỡ giật) từ 40 đến 70 ngàn đồng. Ráp xong súng thì mang ra trình công an xã, bắn thử rồi nạp 20 ngàn để được cấp phép. Mọi chuyện không có gì phức tạp. Đạn cũng mua về tự làm: khỏang 3000đ/ lạng bi và nửa lạng thuốc súng 1500đ là có thể bắn được 15 phát. Cứ thú to thì một lọ thuốc súng bằng ngón tay cái, thú nhỏ thì nửa lọ. Nếu siêng có thể mua nguyên liệu về tự chế theo công thức: 1chỉ (10 chỉ bằng một lạng) lưu huỳnh vàng + 3 lạng than + 1 lạng lưu huỳnh trắng, trộn đều rồi đem giã.
 
Last edited:
Một chuyến đi hay và thật kỹ ,sự hiểu biết về dân tộc của bác Chaubathong thật tuyệt!
Cám ơn những bài viết và sự chia sẻ của bác! Nhờ bác mà biết thêm dân tộc Sila...

Hỏi khí không phải :chuyến đi này bác đi từ 2005 có phải cùng đoàn với Binh Nguyên và Tố Oanh(báo Tuổi trẻ) ?Hồi đó đoàn Du khảo khá đông có cả anh em Bắc kỳ và Nam kỳ chạy 1 vòng Tây bắc ,có mấy đ/c rẽ vào Mường tè không biết bác có trong đoàn này không?



Tôi cũng có dịp qua Mường Tè năm 2006 ,cũng dừng chân ở Kan Hồ (Km 50-60 tính từ cầu Lai Hà vào Mường Tè).Vào thăm ông trưởng bản SiLa ,nhà nằm ngay bên đường(cái nhà này ông mới chuyển ra được vài tháng).Nhưng hồi đó qua cảm nhận của tôi ,người SiLa không có gì đặc biệt về trang phục (vì toàn mặc quần áo người Kinh) và nhà cửa ở bản đó cũng rất sơ sài thậm chí là rất tuyềnh toàng,vì thời gian có ít nên chỉ đảo qua khoảng 1h rồi đi nên không đọng lại mấy về người Sila...!!! Trong những bức ảnh của bác tôi thấy chụp được khi họ mặc quần áo dân tộc chắc cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức ! Và thời gian bác ở Kan Hồ chắc cũng khá nhiều.

Thế mới biết đất Mường Tè còn ẩn chứa nhiều điều thú vị chưa được khám phá...
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,485
Bài viết
1,153,145
Members
190,104
Latest member
wynn09casino
Back
Top