What's new

Tản mạn Miền Trung

Ðèo Hải Vân

Trên con đường xuyên Việt qua dải đất miền Trung đầy nắng gió, đèo Hải Vân lâu nay đã trở thành nơi thưởng ngoạn lý tưởng của lữ khách vào Nam, ra Bắc. Từ Đà Nẵng theo quốc lộ 1A về phía Bắc, sau khi qua vùng Nam Ô, du khách bắt đầu lên đèo Hải Vân. Con đường đèo quanh co, ẩn hiện giữa mây, cây rừng và đá núi. Hải Vân là bức tranh thiên nhiên hoành tráng do kỳ công của tạo hóa và bàn tay của con người tạo ra đến mức hài hòa. Du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh vật hùng vĩ, đèo dốc hiểm trở, địa hình núi cao, vực sâu, rừng cây ngút ngàn, suối khe róc rách, khí hậu trong lành. Khen ai đã khéo đặt tên cho nơi này: Hải Vân (Mây biển). Có những lúc mây nhiều che phủ cả khúc đèo, mây quấn quýt như níu lấy chân du khách. Ở độ cao gần 500m so với mặt nước biển, đèo Hải Vân là nơi ngừng nghỉ tuyệt vời. Du khách cảm thấy ngất ngây trước trời mây non nước, tận hưởng hết vẻ đẹp vô cùng ngoạn mục của cảnh núi cao, biển rộng có một không hai này. Tại đây du khách phóng tầm mắt để bao quát một vùng non nước bao la: nhìn về phía Bắc có thể thấy biển Lăng Cô, xa hơn là dãy Bạch Mã đẹp như tên gọi; nhìn về phương Nam là vịnh Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn huyền thoại…

Đèo Hải Vân đã từng được vua Lê Thánh Tông phong tặng: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đời Minh Mạng thứ sáu, triều Nguyễn cho xây dựng ở đây một cổng lớn khắc ba chữ: “Hải Vân quan”. Chiếc lô cốt Đồn Nhất rêu phong nằm cạnh cổng Hải Vân là một minh chứng cho vai trò của con đèo trong lịch sử dân tộc. Cũng tại nơi này, hơn 100 năm trước nhà yêu nước của phong trào Cần Vương Nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu đã đánh trận Nam Chơn lẫy lừng...

Sau khi nghỉ ngơi ở đèo, du khách xuống đèo xuôi về phía Bắc. Du khách sẽ có cảm giác tuyệt vời khi vừa đổ xuống chân đèo Hải Vân Bắc, gặp làng chài Lăng Cô quyến rũ, đẹp như tranh giữa một vùng đèo cao và biển sâu. Lăng Cô được ví là chốn “Bồng lai tiên cảnh”, được xếp và cụm du lịch liên hoàn: Lăng Cô-Bạch Mã-Cảnh Dương-Hải Vân-Non Nước, là trọng điểm của du lịch miền Trung. Dừng chân nơi đây du khách được hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh đẹp và thưởng thức các món ăn ngon ngọt được nấu từ sò huyết, ghẹ, mực, tôm hùm, cua bể, lươn, cá chình…

Do vị trí độc nhất vô nhị, nằm ở vùng chuyển tiếp sinh thái và khí hậu ở hai vùng Bắc–Nam, Hải Vân cùng Bạch Mã, Bà Nà tạo thành hành lang xanh quốc gia nối rừng với biển. Điều cần nói là dưới chân vịnh Hải Vân Nam có làng Hòa Vân–nơi trước đây tụ tập những người bị bệnh phong đến sống biệt lập. Làng Hòa Vân này vẫn còn nhưng đẹp hơn, người dân khỏe mạnh hơn, họ đang chung sức xây dựng cuộc mới vì bệnh phong đã được thanh toán. Nơi này đang mở rộng vòng tay chào đón khách đến tham quan.

Ngày trước, đi qua đèo Hải Vân rất nguy hiểm. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Đi bộ thì sợ Hải Vân. Đi thuỷ thì sợ sóng thần hang Dơi”, nay nỗi sợ ấy không còn. Với đường bộ, đường sắt, đường thủy và sắp tới là đường hầm khai thông thì việc qua lại đèo Hải Vân vô cùng thuận tiện. Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân được khởi công vào ngày 27/8/2000 và theo dự kiến sau 50 tháng sẽ hoàn thành (kết thúc vào quý 3 năm 2004). Đây là một trong 30 hầm đường bộ lớn và hiện đại trên thế giới. Hầm được xây dựng xuyên qua dãy núi Hải Vân dài 12,18km so với tuyến đường đèo hiện tại là 21km, giảm gần một nửa quãng đường, rút ngắn hành trình lưu thông giữa hai vùng Nam-Bắc, Đông–Tây (theo con đường xuyên Á qua Lao Bảo, Quảng Trị-Lào-Đông Bắc Thái Lan–Myanmar). Khi đường hầm hoàn thành đường đèo Hải Vân sẽ là con đường độc đáo dành cho khách du lịch bởi chính tiềm năng to lớn của nó.

Tạo hóa đã ưu đãi cho tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng đèo Hải Vân nổi tiếng. Ngọn đèo khá hiểm trở này có thể không lợi lắm về mặt giao thông nhưng về mặt du lịch lại là đoạn trời đất giao thoa và cực kỳ giàu chất thơ. Đến Hải Vân được uống trà, ngồi chõng tre, ở lều tranh, nghe hò Huế, hò Quảng và được tham dự các buổi ngâm thơ, bình văn… có gì thú vị bằng! Ở đây có gió mát của biển Đông, một ít vị mặn của biển và rất nhiều hơi ấm tình người, du khách sẽ nhớ mãi.
 

KỶ NIỆM VỚI HUẾ


Tác giả : TRẦN SĨ LÂM


Cảnh trí của Huế lúc nào cũng vô cùng quyến rũ. Thiên nhiên của Huế là vẻ đẹp của sông Hương và núi Ngự. Huế, cái tên dễ thương từ mô mà có? Huế đã sinh ra và lớn lên từ hai bờ sông hương. Hồi xưa sông có tên là Lô Dung và Tiêu Kim Thủy, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Đó là hai nguồn tả trạch và hữu trạch. Cả hai nguồn vượt mấy chục ngọn thác hiểm trở để gặp nhau ở ngả ba Tuần, làng Bằng Lãng, rồi từ đấy nhẹ nhàng trôi xuôi về phá Tam Giang như sông Bồ và sông Ô Lâu đổ ra biển Thuận An:
Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muôn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Từ ngã ba Tuần, sông Hương chảy qua làng Bằng Lãng qua đồi Vọng Cảnh bên phải, núi Ngọc Trản (Điện Hòn Chén) bên trái. Ở đây nước sông sâu xanh thẳm. Từ trên đồi Vọng Cảnh nhìn qua phía bên kia Điện Hòn Chén, sông Hương ôm chân những dãy đồi thoai thoải, tô đậm nét non xanh thủy tú. Đồi nhấp nhô như con rồng lượn sóng có cỏ non đan lối, có suối reo lạnh lùng. Sông Hương vòng qua bãi Lương Quán chảy qua làng Nguyệt Biểu xuống đến đồi Long Thọ. Phía bên kia là đền Văn Thánh và đồi Hà Khê có chùa thiên Mụ. Trước mặt chùa là con đường vòng quanh ngang qua cổng Tam Quan đồ sộ. Bến sông trước chùa có nhiều bậc cấp bằng dá lớn rêu phong và cây phượng hoa nở đỏ thắm về mùa hè. Trong chùa có Đại Hồng Chung ngân tiếng đêm đêm như là một biểu tượng của Huế:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương

Trải qua gần năm trăm năm kể từ ngày xây dựng, chùa Thiên Mụ đã thăng trầm vời vận nước cũng như mấy lần bị thiên tai tàn phá rồi được trùng tu lại. Chùa nằm trên đồi Hà Khê nhìn xuống dòng sông Hương về phía Nam, cảnh trí vô cùng ngoạn mục. Thật là một kiến trúc Phật Giáo lâu đời và quí giá của lịch sử Việt Nam. Huyền thoại làng nhân gian kể rằng ngày xưa dân chúng trong làng Hà Khê thường thấy một bà già áo đỏ xuất hiện trên đồi và Khê nên đặt tên là Linh Mụ Sơn và lập một ngôi chùa nhỏ để thờ. Đấy là khởi đầu của chùa Linh Mụ sau nầy.
Từ chùa Thiên Mụ (Linh Mụ) sông Hương mở rộng để ôm bọc lấy cồn Dã Viên giữa hai làng Kim Long và Thủy Xuân (Cầu Lòn) rồi chảy ngang qua kinh thành cổ kính soi bóng kỳ đài đối diện hai trường Quốc Học và Đồng Khánh. Đến cồn Hến, sông Hương rẽ thành hai nhánh, một nhánh ngang qua thôn Vĩ Dạ và một nhánh qua làng Phù Cát (Gia Hội).
Trước khi gặp con sông đào Gia Hội ở cuối làng Kẻ Trài và bãi biền làng Tả Duệ, sông Giương uốn một khúc quanh tuyệt vời qua làng Nam Phổ có ngôi đình cổ kính và cây đa cổ thụ soi bóng nước. Chỗ gặp gỡ của sông đào Gia Hội và sông Hương gọi là “ngã ba Sình” có làng Thành Trung (Bao Vinh) là thương cảng ngày xưa của thành Phú Xuân thời các Chúa Nguyễn mấy thế kỷ trước.
Khi ngang qua thành phố Huế, sông Hương tỏa ra nhiều nhánh nhỏ như nhánh Hói Chợ Mai, Hói Vạn Xuân, sông An Cựu, sông Thiền Lộc, sông Phổ Lợi. Nước sông Hương lúc nào cũng trong xanh, chảy lờ đờ gợn sóng lăn tăn. Từ trên nguồn, sông vượt qua rừng mai vàng, có cỏ Thạch Xương Bồ, có hoa thơm cỏ lạ mọc ven suối, có những rừng thông ngát phấn thông vàng, về đến hoàng thành có phượng vĩ, hoa đại, hoa lý, hoa sen, hoa ngọc lan từ các lăng tẩm, miếu, chùa, hồ ao, qua các làng Kim Long, Nguyệt Biếu, An Cựu, Vĩ Dạ, Gia Hội, Nam Phổ, làm cho nước sông thơm. Do đó mới có tên là sông Thơm. Tục truyền rằng khi Vua Quang Trung đăng quang, vì kiên tên tục của Vua nên sông Thơm được gọi thành sông Hương (?).
Qua khỏi thành phố Huế, sông xuôi về biển giữa hàng tre xanh làng quê và giữa rừng thông xanh ngát của hai thôn Thái Dương và An Dương ở cửa Thuận An. Sông Hương như mạch máu chính của Huế nên đã có nhiều cầu nối liền hai bờ mà danh tiếng nhất là cầu Tràng Tiền vì dáng thanh cảnh:
Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Em đi không kịp tội lắm anh ơi

Ngoài ra còn những cầu khác như cầu Dã Viên (Bạch Hỗ), cầu Phú Xuân, cầu Vĩ Dạ qua cồn Hến, cầu Gia Hội, cầu Đông Ba. Những cầu Ga, cầu Bến Ngự, Lò Rèn, Phú Cam, An Cựu, bắt ngang qua sông An Cựu chảy về phá (đầm) Mỹ Lợi. Cầu Thuận An bắt qua phá Thuận An để đi ra bãi biển, cầu Bãi Dâu nối liền Kẻ Trài với Bao Vinh.
Đặc biệt Đập Đá nối liền Huế với Vĩ Dạ chân nước mặn về mùa nắng từ dưới biển dâng lên khỏi chảy vào làng Thọ Lộc theo hói Lợi Nông về Cầu Ngói Thanh Toàn và đầm Hà Trung, Mỹ Lợi:

...còn tiếp
 
Last edited:
KỶ NIỆM VỚI HUẾ

(tiếp theo và hết)

Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui


Tuy sông Hương có nhiều cầu nhưng vì sông chảy qua lòng thành phố nên người Huế vẫn còn dùng đò ngang qua lại nhiều nối. Như ở nguồn hữu trạch khoảng ngang lăng vua Gia Long có bến đò đưa du khách đường bộ qua thăm mộ vua. Ở ngã ba Tuần làng Bằng Lãng có “đò Ba Bến” đưa khách thăm lăng vua Minh Mạng. Khách đợi đò bên quán bánh bèo, dưới mái tranh lộng gió của phiên chợ Tuần bán các nông phẩm như mít, ổi, thanh trà, chè tươi, v.v...
Bến Cây Đa (hay bến Phủ) của làng Lương Quán có đò qua lại với Văn Thánh. Xuống dưới cồn Dã Viên có bến đò Trường Súng. Giữa lòng Hue, bến dò Thừa Phủ nối liền tòa hành chánh tỉnh với Phú Văn Lâu mà sớm chiều đò ngang chật chuyến những tà áo dài tràng nữ sinh đồng Khánh từ Kim Long, Vạn Xuân, An Hòa, Thành Nội, Tây Lộc, Tây Linh. Từ chợ bông Ba có đò ba bến qua lại Đập Đá, cồn và chợ Đông Ba. Tại Gia Hội có bến đò Cồn đưa người qua cồn Hến. Những buổi sáng khi sương mù còn phủ mặt sông, ta bước xuống đò là như đi vào cõi hư vô vì bên kia sông là ánh mặt trời, bên kia cồn có ruộng bắp xanh, có lũy tre chập chùng che khuất ngôi chùa nhỏ. Phía dưới bến đò Cồn còn là bến đò chợ Dinh, có đò qua Nam Phổ.
Đường bờ sông Đông Ba phía gần cống Kẻ Trài trước đình làng có đò ngang qua sông để đi vào thành Mang Cá. Cuối vùng Gia Hội là làng Tả Duệ nơi doi đất bãi biền có con đường nhỏ Nguyễn Gia Thiều vắng vẻ, quê mùa chạy ngang làng Kẻ Trài và qua Bao Vinh bằng chuyến đò ngang Bãi Dâu. Sau Mậu Thân công binh Mỹ đã xây một cây cầu gỗ qua sông Đông Ba ở đoạn nầy nối liền với Bao Vinh.
Hai bên bờ sông Hương là những mạch đất tốt nên từ xưa các Chúa Nguyễn đã đặt kinh đô ở Phú Xuân, cũng như Vua Quang Trung và Vua Gia Long lấy Huế làm kinh đô. Đền đài lăng tẩm của các vua chúa và chùa chiền dâu tọa lạc hai bên bờ sông Hương.
Mỗi lần nghĩ đến Huế là mường tượng thấy dòng sông Hương có con đò dậu dưới bến lấp lánh ánh trăng vàng soi bóng nước... Ôi! Huế đẹp như một bài thơ, là men rượu say lòng thi nhân.
Giọng nói Huế cao thấp trầm bỗng như những tiếng chim quen hay tiếng ve sầu trong nắng chiều giữa sân trường Đồng Khánh và những tà áo trắng thấp thoáng trước cổng trường, đàng xa là dòng sông rộng dài... tất cả là cấu trúc hài hòa đầy âm thanh, ánh sáng và chất thơ của bức tranh kỷ niệm khó quên.
Dù thời gian có xóa mờ những nơi chốn thần tiên của người Huế nhưng làm sao quên dược con đường Hàng Đoát, Hàng Me, Đò Cồn, Vĩ Dạ, những tên thân thương như Tịnh Tâm, Tây Lộc, Gia Hội, Bến Ngự, Nam Giao, Ngự Bình... Làm sao quên được đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh, Lăng Tự Đức, Minh Mạng, Điện Hòn Chén, mà một lần nào đó đã ghi dấu kỷ niệm đầu đời trong một chiều Thu có gió núi lạnh, có lá vàng khô xào xạc dưới bước chân, và mùi phấn thông vàng hoang dã trên mi mắt người yêu. Những tháng ngày của hoa phượng đỏ nơi sân trường và tiếng ve sầu chia cách tình học trò của Huế vẫn con mãi trong lòng người Huế.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
56,563
Bài viết
1,153,686
Members
190,125
Latest member
johnauston54
Back
Top